Việc Trung Quốc phô trương sức mạnh ở Biển Đông, nơi xảy ra tranh chấp giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong nhiều thế kỷ qua, cùng với mối quan hệ bất đối xứng Trung - Việt đã thúc đẩy Việt Nam tăng cường quan hệ quốc phòng với các đối tác cùng chí hướng.
Đây chính là lúc tư duy chiến lược của Việt Nam gặp gỡ với nhu cầu thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Ấn Độ, quốc gia từng ủng hộ các nỗ lực chống thực dân và công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của Hà Nội, đồng thời luôn giành sự ủng hộ đối với Việt Nam trong quá trình quốc gia Đông Nam Á gia nhập các thể chế toàn cầu. Là đối tác truyền thống và đáng tin cậy của Ấn Độ, Việt Nam – “trụ cột chính” trong chính sách Hành động Phía Đông (Act East policy) của New Delhi - đã ủng hộ vai trò ngày càng tăng và mối quan hệ chặt chẽ hơn của cường quốc Nam Á này với ASEAN.
Trong khi mối quan hệ thân thiện củng cố lòng tin lẫn nhau, nhận thức chung sẽ làm tăng thêm tính cố kết của quan hệ song phương. Lãnh đạo hai bên cùng chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, và nhu cầu giải quyết tranh chấp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Những quan điểm chiến lược này phù hợp với mục tiêu duy trì ổn định khu vực của Ấn Độ, vì hơn một nửa khối lượng thương mại của nước này đi qua Biển Đông và eo biển Malacca. New Delhi cũng gặt hái được nhiều lợi ích kinh tế từ một khu vực hàng hải không bị cưỡng ép. Năm ngoái, chính phủ Việt Nam đã gia hạn thêm ba năm cho hoạt động thăm dò của ONGC Videsh, một công ty dầu khí được chính phủ Ấn Độ hậu thuẫn, tại 'Lô 128' trong vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.
Đầu tháng 8, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi. Trong cuộc gặp này, lãnh đạo hai bên tái khẳng định các nguyên tắc hòa bình và dựa trên luật pháp để giải quyết căng thẳng ở Biển Đông, nhấn mạnh “không quân sự hóa và tự kiềm chế” trong mọi hành động “của các bên yêu sách và tất cả các quốc gia khác”.
Thú vị là, phát biểu bằng tiếng Hindi của ông Modi có đoạn “Chúng tôi ủng hộ phát triển, không ủng hộ chủ nghĩa bành trướng”. Tuyên bố của ông Modi có thể là một đòn chỉ trích thái độ hung hăng của Trung Quốc, truyền tải thông điệp rằng cả Ấn Độ và Việt Nam đều coi hành vi bành trướng là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sự ổn định của khu vực.
Năm 2022, Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết một thỏa thuận hậu cần quân sự lịch sử, cho phép hai nước sử dụng các căn cứ của nhau để sửa chữa và bổ sung vật tư, đồng thời đơn giản hóa quy trình sắp xếp các chuyến thăm của tàu chiến, máy bay quân sự và nhân sự đến bờ biển của nhau. Thoả thuận hỗ trợ hậu cần này có tính chiến lược khi New Delhi cũng có các thỏa thuận tương tự với các đối tác quan trọng như Mỹ và Nhật Bản.
Ấn Độ cũng thường xuyên thực hiện các chuyến thăm tàu và ghé cảng tới Việt Nam, qua đó góp phần cho thấy hợp tác và tăng cường năng lực tương tác trên biển đã trở thành điều thông thường trong mối quan hệ song phương. Xét về địa chính trị, các chuyến thăm tàu tạo điều kiện để Hải quân Ấn Độ tăng cường giám sát eo biển Malacca, một tuyến đường quan trọng cho thương mại toàn cầu từ phía đông.
Hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam - Ấn Độ cũng được mở rộng về mặt nội dung, bao gồm các cuộc đối thoại an ninh hàng hải giữa các quan chức cấp cao, các chương trình đào tạo và xây dựng năng lực, cũng như chia sẻ thông tin.
Quyết tâm của Ấn Độ đã vượt ra ngoài các động thái ngoại giao mang tính biểu tượng. Trong giai đoạn 2020 - 2021, Ấn Độ đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân với Việt Nam và các quốc gia thân thiện ở những khu vực không có tranh chấp của Biển Đông. Hải quân hai phía cũng tổ chức một cuộc tập trận hàng hải song phương vào tháng 8/2021, thể hiện ý chí nâng cao khả năng tương tác và hỗ trợ lẫn nhau. Vào tháng 5/2023, lần đầu tiên Ấn Độ điều tàu chiến tham gia cuộc tập trận hàng hải kéo dài hai ngày với hải quân của bảy quốc gia ASEAN, bao gồm cả Việt Nam. Tàu săn ngầm INS Kiltan của Ấn Độ thậm chí đã đến Vịnh Cam Ranh của Việt Nam để tham gia trao đổi chuyên môn và huấn luyện an ninh với Hải quân Việt Nam. Động thái này mang ý nghĩa như một thông điệp răn đe tinh tế đối với các hành vi gây hấn của Trung Quốc.
Vào năm 2022, Ấn Độ cũng đã bàn giao cho Việt Nam 12 tàu tuần tra tốc độ cao để giúp quốc gia đối tác thúc đẩy hiện đại hóa hải quân. Vào tháng 6/2023, Ấn Độ đã tặng tàu tên lửa nội địa INS Kirpan “trang bị đầy đủ vũ khí” cho Hải quân Nhân dân Việt Nam. Việc Việt Nam là đối tác nước ngoài đầu tiên nhận được tàu hộ vệ đang còn hoạt động đầy đủ của Ấn Độ cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Hà Nội đối với các nhà lãnh đạo ở New Delhi.
Vào tháng 8, hai nước đã ký kết một thỏa thuận trong đó Ấn Độ cam kết cung cấp cho Việt Nam khoản tín dụng trị giá 300 triệu USD để tăng cường an ninh hàng hải nhằm đối phó với sự bành trướng của Bắc Kinh.
Hai bên đã thảo luận về việc bàn giao hệ thống tên lửa siêu thanh nội địa của Ấn Độ cho Việt Nam, nhưng các cuộc đàm phán chưa đạt được nhiều tiến bộ. Trong khi đó, Philippines đã nhận được lô tên lửa BrahMos đầu tiên vào tháng 4, giúp Manila tăng cường khả năng phòng thủ giữa hàng loạt cuộc đối đầu với Trung Quốc tại Bãi Cỏ Mây.
Với những hành động cưỡng ép của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp và nỗ lực của Ấn Độ để thể hiện mình là một đối tác chiến lược đáng tin cậy của Việt Nam, New Delhi và Hà Nội nên đẩy nhanh nỗ lực hoàn tất thỏa thuận vũ khí. Việc Ấn Độ bán BrahMos cho Việt Nam có tiềm năng thúc đẩy vai trò mới nổi của quốc gia Nam Á này với tư cách là nhà cung cấp vũ khí lớn trong khu vực, đồng thời “tăng cường vũ trang cho một quốc gia Đông Nam Á chủ chốt khiến Trung Quốc phải đề phòng”.
Tuy nhiên, Ấn Độ - với tư cách là một quốc gia không có yêu sách trên Biển Đông - sẽ vẫn kiên trì “lập trường trung lập” của mình. Ở vùng biển tranh chấp, nơi lợi ích của Ấn Độ về cơ bản là kinh tế, tư thế an ninh của nước này - tránh can thiệp hoặc bị cuốn vào các tranh chấp ngoài môi trường chiến lược của mình - vẫn không thay đổi.
Nhưng nếu Bắc Kinh liều lĩnh khiêu khích New Delhi ở Biển Andaman - khu vực mà Ấn Độ duy trì ảnh hưởng truyền thống, hoặc vượt qua lằn ranh đỏ ở dãy Himalaya, nơi hai nước láng giềng bị mắc kẹt trong một cuộc tranh chấp biên giới kéo dài từ năm 2020 đến nay, Ấn Độ có thể buộc phải phản ứng trên “một phạm vi rộng lớn hơn”, trong đó bao gồm cả khả năng tăng cường hợp tác quốc phòng mạnh mẽ hơn với Việt Nam.
Quan hệ quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ đang phát triển hơn bao giờ hết. Với sự hỗ trợ ngoại giao và quốc phòng của Ấn Độ, Việt Nam có thể tăng cường sức mạnh và khả năng chống lại những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
Khi Hà Nội và New Delhi đứng riêng rẽ, vị thế quân sự của cả hai đều chưa thể sánh với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuy vậy, sự hợp lực giữa Việt Nam và Ấn Độ có thể là minh chứng hiệu quả của một liên kết cường quốc tầm trung (middle-power alignment) trong việc tăng cường khả năng răn đe (deterrence) mà không gây phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh.
*Ghi chú của VSF: Phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên FactsAsia với tiêu đề “Eyeing China, Vietnam-India defense ties on the upswing”. Bản dịch này do đội ngũ VSF thực hiện với sự chấp thuận của tác giả.