Nếu người ta cố gắng tìm một mô hình phát triển phổ quát có thể được nhân rộng ra cho nhiều nơi khác nhau, thì người ta sẽ chẳng thể tìm được gì cả! Đây là một mục tiêu tìm kiếm sai lầm, vì một mô hình như vậy là điều không tưởng. Thay vào đó, các mô hình phát triển nên được thiết kế một cách phù hợp với điều kiện thực tế tại các quốc gia trong từng bối cảnh khác nhau. Bằng cách kể lại câu chuyện về sự “chuyển mình” của nền kinh tế Trung Quốc trong quyển sách “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào?” (NXB Đà Nẵng, 2022), tác giả Yuen Yuen Ang (Hồng Nguyên Viễn) đã chứng minh một cách xuất sắc lập luận trên.
Vấn đề “quả trứng - con gà” hay quan hệ giữa kinh tế và chính trị
“Trung Quốc là gã khổng lồ đang im ngủ. Hãy để nó ngủ yên, vì khi thức dậy nó sẽ làm rung chuyển thế giới”
Nhận định trên về Trung Quốc thường được gán cho Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte vào thế kỷ XIX, như một lời ‘tiên tri” về tiềm năng to lớn của đất nước “tỷ dân”. Hơn hai thế kỷ sau, gã khổng lồ châu Á đã thật sự “tỉnh giấc” và làm rung chuyển thế giới. Từ vũng nước tù của nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người chỉ 193 USD vào năm 1980 (thấp hơn những nước thuộc nhóm “nghèo nhất” như Chad và Malawi) (tr. 27), Trung Quốc ngày nay đã vươn mình trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sở hữu sức mạnh tổng hợp đủ lớn để đe dọa vị trí bá quyền của Mỹ, từ kinh tế cho đến an ninh - chính trị.
Sự “tỉnh giấc” của gã khổng lồ Trung Quốc là một chủ đề được các học giả thuộc nhiều trường phái khác nhau trong lĩnh vực kinh tế - chính trị quan tâm. Từ đây, vấn đề “quả trứng - con gà” mang tính kinh điển về quan hệ giữa “thể chế tốt” (strong institutions) và “tăng trưởng” (growth) bắt đầu xuất hiện. Theo đó, các học giả bất đồng về việc “quản trị tốt” (good governance) nên xuất hiện trước để thúc đẩy “tăng trưởng” (growth) hay là ngược lại (tr. 22). Các nhà lý thuyết kinh tế - chính trị vì vậy đã có nhiều kiến giải khác nhau về nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở Trung Quốc, có thể kể đến tầm quan trọng của việc “nới lỏng rào cản tiếp cận tư bản”, “cơ chế khuyến khích bộ máy hành chính” hay “sự tăng dần trong chất lượng cải cách của Trung Quốc” (tr. 31-32).
Tuy nhiên, theo Hồng Nguyên Viễn, giáo sư khoa học chính trị người Singapore, tất cả các kiến giải trên đều đúng, nhưng chỉ lột tả được một phần của bức tranh lớn hơn về sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Theo bà, sự phát triển ở Trung Quốc không phải là một quá trình tuyến tính (linear) mà ở đó thể chế tốt hay tăng trưởng xuất hiện trước và tác động đến yếu tố còn lại, mà đó là một quá trình cùng tiến hoá (coevolutionary process), trong đó nhà nước và thị trường tương tác và thích ứng với nhau, cùng nhau thay đổi theo thời gian (tr. 25). Cách tiếp cận mới mẻ này được Hồng đề xuất trong quyển sách “Trung Quốc thoát khỏi bẫy nghèo như thế nào?”, với dẫn chứng từ hơn 400 cuộc phỏng vấn với các quan chức chính quyền và giám đốc doanh nghiệp ở Trung Quốc, cùng nhiều số liệu trong nước được bà thu thập trong quá trình khảo sát thực địa.
Công trình là nỗ lực kỳ công của tác giả nhằm đem lại một cách tiếp cận mới trong nghiên cứu khoa học xã hội. Theo đó, bà đề xuất rằng xã hội nên được tiếp cận như một mô hình “phức hợp” (complex) thay vì “phức tạp” (complicated) (tr. 37). Cụ thể, mô hình phức hợp bao gồm nhiều bộ phận có khả năng tương tác với nhau, và thay đổi lẫn nhau, tạo ra những kết quả bất định (uncertain), không kiểm soát hoặc lường trước được. Trong khi đó, mô hình phức tạp bao gồm nhiều bộ phận tách biệt và không tương tác, thay đổi nhau, do đó các kết quả có thể được dự đoán trước với một xác suất nhất định. Thông qua những luận giải của tác giả trong 6 chương sách, xã hội rõ ràng nên là một mô hình phức hợp hơn là phức tạp.
Bên cạnh giá trị học thuật, phát hiện này còn có ý nghĩa thực tiễn trong việc giúp xây dựng chính sách ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Tác giả đề xuất rằng các chính sách kinh tế nên hướng tới việc tạo ra “ảnh hưởng” (influence) lên các chủ thể kinh tế thay vì cố gắng “kiểm soát” (control) chúng (tr. 92). Bởi vì sự kiểm soát là bất khả, và chỉ tạo điều kiện để các chủ thể kinh tế “gian lận” như việc làm giả số liệu báo cáo của chính quyền địa phương trong thời kỳ Đại nhảy vọt (1957-1961), gây ra nạn đói giết chết 30 triệu người ở Trung Quốc. Quan điểm này của Hồng thách thức quan niệm truyền thống của thế giới phương Tây rằng một “thể chế tốt”, “đúng quy chuẩn”, vốn có xu hướng kiểm soát nhằm tạo ra các kết quả được dự tính trước, đang được áp dụng ở các nước phát triển, có thể được nhân rộng ở khắp nơi (one-size-fits-all). Bà cho rằng điều nên làm là xây dựng một “thể chế phù hợp” với điều kiện đặc thù của các nước đang phát triển, trao quyền cho các chủ thể kinh tế và tạo ảnh hưởng thông qua các chính sách hỗ trợ và khuyến khích sự thích ứng (tr. 106).
Với tiền đề trên, tác giả kết luận rằng quá trình cùng tiến hóa ở Trung Quốc là kết quả của việc xây dựng chính sách phù hợp với các điều kiện lịch sử và địa lý của quốc gia này (bắt đầu từ năm 1978 - thời điểm Đặng Tiểu Bình khởi xướng quá trình cải cách). Tác giả gọi chiến lược phát triển của Trung Quốc trong hơn 30 năm cải cách là “ứng biến có định hướng” (directed improvisation) (tr. 48). Như vậy, quá trình cùng tiến hóa của nhà nước và thị trường, được dẫn dắt bởi chiến lược ứng biến có định hướng đã thực sự diễn ra như thế nào?
Trung Quốc đã thực sự phát triển ra sao?
Để bắt đầu, tác giả đã mô tả quá trình cùng tiến hóa ở huyện Vinh Quang (bí danh) như một “phân tích tích tường thuật thu nhỏ” để khái quát về một hiện tượng đang diễn ra trên khắp Trung Quốc. Tại địa phương này, các nhà cải cách đã bắt đầu bằng việc “sử dụng những gì sẵn có”, là bộ máy quan chức từ thời Mao (kém chuyên nghiệp và làm việc dựa trên quan hệ cá nhân) để kêu gọi đầu tư hàng loạt. Tuy nhiên, khi các dự án đầu tư tăng lên về số lượng nhưng không đồng đều về chất lượng, thị trường bắt đầu hỗn loạn, và tham nhũng gia tăng do việc kêu gọi đầu tư dựa trên quan hệ cá nhân. Điều này đã thúc đẩy bộ máy hành chính phải trở nên chuyên nghiệp hơn, và đến lượt nó, bộ máy hành chính đã định hình lại thị trường và giúp giảm thiểu tham nhũng. Tác giả đã đúc kết chuỗi nhân quả này thành ba bước, cũng là ba giai đoạn cụ thể trong quá trình cùng tiến hóa diễn ra ở Trung Quốc: (1) tận dụng các thể chế yếu có sẵn để xây dựng thị trường, (2) sự hình thành thị trường thúc đẩy thể chế hoàn thiện hơn, (3) thể chế mạnh duy trì thị trường (tr. 88).
Tuy nhiên, quá trình cùng tiến hóa không thể tự xảy ra nếu thiếu đi một chiến lược dẫn dắt. Theo tác giả, chiến lược này được gọi là ứng biến có định hướng, gồm tổng hợp tất cả các gói cải cách của chính quyền trung ương và các phản ứng của chính quyền địa phương. Theo đó, trung ương và địa phương đóng các vai trò khác nhau: trung ương trao quyền quản lý kinh tế cho địa phương, tạo ranh giới đối với những việc được và không được làm, và cung cấp hướng dẫn cụ thể nhằm khuyến khích sự thích ứng; trong khi địa phương liên tục ứng biến với các bối cảnh mới, tuỳ thuộc theo điều kiện đặc thù của khu vực và các kết quả được phản hồi lại trung ương. Sự kết hợp của chỉ đạo từ trên xuống và ứng biến từ dưới lên này chính là chìa khoá cho phép màu kinh tế Trung Quốc sau hơn 30 năm cải cách.
Việc kiến tạo nền tảng cho chiến lược ứng biến có định hướng của Trung Quốc được tác giả gọi là xây dựng các siêu thể chế (meta-institutions) (tr. 106). Các siêu thể chế hướng đến trao quyền cho các chủ thể bên dưới và khuyến khích sự tìm kiếm giải pháp liên tục cho các vấn đề mới khi thời gian thay đổi. Bà Hồng mượn cách tiếp cận thích ứng (adaptation) trong khoa học xã hội để áp dụng vào trường hợp của Trung Quốc, theo đó, sự thích ứng bao gồm ba cơ chế: biến thể (variation), chọn lọc (selection) và tạo ngách (niche creation). Việc xây dựng các siêu thể chế nhằm khuyến khích sự thích ứng ở Trung Quốc vì vậy cũng bao gồm các biện pháp thuộc ba cơ chế như trên, gồm: tạo ra các phương án thay thế (biến thể), lựa chọn và tổng hợp các giải pháp thay thế để tạo nên kết hợp mới (chọn lọc), và tạo nên các vai trò khác biệt (tạo ngách). Các nhà cải cách đã khéo léo vận dụng ba cơ chế này cũng như giải quyết các vấn đề mà các cơ chế đặt ra để thích ứng một cách có hiệu quả.
Kể từ chương 3 trở đi, tác giả lần lượt điểm lại các cách thức mà Trung Quốc đã thích ứng dựa trên từng cơ chế trên, thông qua các trường hợp nghiên cứu điển hình (case-study) là các gói chính sách của trung ương cho đến quá trình thích ứng ở địa phương. Theo đó, tác giả đã chủ ý lựa chọn các địa phương với sự khác biệt về địa lý và chênh lệch rõ ràng về lợi thế phát triển làm nền tảng cho quan sát của mình. Chúng bao gồm: thành phố Đồi Rừng (nằm kẹt trong vùng đồi núi và rừng rậm của tỉnh Phúc Kiến - một tỉnh ven biển), huyện Khiêm Tốn (tỉnh Hồ Nam - một tỉnh nghèo không giáp biển) và huyện Hạnh Phúc (tỉnh Chiết Giang - một tỉnh giàu ven biển). Qua đó, mặc dù tốc độ phát triển kinh tế ở các địa phương này là khác nhau, nhưng sự cùng tiến hóa đã diễn ra theo một trình tự tương đồng.
Không dừng lại ở Trung Quốc, trong chương kết luận, tác giả đã chứng minh rằng ở các bối cảnh không - thời gian khác nhau, quá trình cùng tiến hoá cũng đã diễn ra một cách tương tự như ở Trung Quốc. Theo đó, quá trình tương tác giữa nhà nước và thị trường ở châu Âu thời Trung cổ, nước Mỹ trước nội chiến và Nigeria đầu những năm 90 cũng được bắt đầu bằng việc các thể chế “yếu” xây dựng thị trường và sau đó các thể chế “mạnh” duy trì thị trường. Như vậy, ngay cả ở châu Âu, thị trường và nhà nước cũng đã tương tác lẫn nhau để phát triển, và các thể chế “tốt” mà thế giới phương Tây thường “rao giảng” cũng không xuất hiện tại đây ngay từ ban đầu.
Tựu trung, bằng việc phân tích quá trình phát triển của hàng loạt trường hợp cụ thể trong các bối cảnh không gian và thời gian khác nhau, tác giả đã chứng minh một cách thuyết phục lập luận của mình rằng: quá trình phát triển thật sự là sự cùng tiến hóa của nhà nước và thị trường. Ngoài ra, với thành công kinh tế như đã được quan sát ở Trung Quốc, cách tiếp cận thích ứng và “địa phương hóa” dựa trên điều kiện nội tại cho thấy tính phù hợp và triển vọng cao hơn khi áp dụng vào các nước đang phát triển, so với các cách tiếp cận truyền thống của thế giới phương Tây, vốn bị giới hạn bởi mối quan hệ tuyến tính và một chiều giữa thể chế tốt và tăng trưởng.
Từ Trung Quốc đến thế giới
Những đúc kết và gợi mở trong quyển sách vì vậy mang giá trị tham khảo đối với giới hoạch định chính sách ở các nước đang phát triển, nhất là Việt Nam. Việt Nam chia sẻ nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc, với nền chính trị được lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản, có nhiều nét tương đồng về văn hoá, và là hai quốc gia đang phát triển, đang trong quá trình thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình (middle-income trap). Những kinh nghiệm từ Trung Quốc về việc trao quyền cho địa phương cũng như chuyển hóa sự bất bình đẳng thành lợi thế phát triển là những điểm mà giới lãnh đạo Việt Nam có thể sẽ cần lưu tâm, đặc biệt là khi chênh lệch thu nhập giữa các vùng, miền trong nước có xu hướng tăng và các cấp chính quyền ở địa phương vẫn chưa có sự “chủ động”.
Tuy nhiên, bên cạnh những “điểm sáng”, câu chuyện về sự chuyển mình của nền kinh tế Trung Quốc không phải không có “điểm tối”. Như chính tác giả đã thừa nhận: “phát triển là một sự biến đổi toàn diện và là một quá trình đau đớn, đặc biệt là khi quá trình này diễn ra vội vã và dồn nén như ở Trung Quốc” (tr. 239). Cái giá phải trả cho việc “hiện đại hóa” ở Trung Quốc là suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, cũng như sự phá vỡ truyền thống nông thôn và cuộc sống gia đình.
Những hệ quả của việc phát triển ồ ạt trong thời gian ngắn ở Trung Quốc đã tạo ra nhiều vấn đề mà nước này phải đối mặt. Bên cạnh việc môi trường bị ô nhiễm vốn đã quá quen thuộc, ngày nay, áp lực kinh tế mà người lao động, nhất là người trẻ, đang oằn vai gánh, ngày càng trở nên nặng nề. Nhiều người trẻ phải làm việc cật lực với chế độ 996 (9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần), nhưng vẫn không đủ khả năng mua nhà. Trước những áp lực kinh tế, một bộ phận người trẻ ở Trung Quốc đã chọn không sinh con nhằm tiết kiệm chi phí, một bộ phận khác thậm chí cực đoan hơn là chấp nhận “buông xuôi”. Nếu không thể giải quyết những vấn đề nội tại này, động lực phát triển kinh tế của Trung Quốc, nhất là trong dài hạn, sẽ bị suy giảm.
Ngoài ra, Trung Quốc của ngày nay khác rất nhiều so với Trung Quốc của thời điểm quyển sách được xuất bản (năm 2016). Kể từ khi nắm được quyền lực tối cao vào năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa đất nước đi dần vào quỹ đạo của một nhà nước độc tài, với việc thâu tóm quyền lực chưa từng có. Việc Trung Quốc bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước vào năm 2018 và ông Tập tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba trên cương vị này vào năm 2023 dường như báo hiệu rằng ông Tập có khả năng sẽ nắm giữ quyền lực trọn đời. Điều này đi ngược lại di sản cải cách của Đặng Tiểu Bình, khi ông nỗ lực hạn chế sự tập trung quyền lực vào tay một nhà độc tài (tr. 135) và xóa bỏ chế độ lãnh đạo trọn đời của Mao, hướng đến chuyển giao quyền lực một cách ổn định. Một Trung Quốc độc tài và tập quyền là một hình ảnh rất khác so với một Trung Quốc phi tập trung và phân quyền trong những năm cải cách.
Hơn nữa, thế giới của ngày hôm nay cũng đã khác xa so với thế giới mà trong đó nền kinh tế Trung Quốc đã “cất cánh”. Có một yếu tố mà tác giả Hồng Nguyên Viễn đã ít đề cập tới trong quyển sách (có lẽ vì nó không phải nội dung trọng tâm), đó chính là bối cảnh quốc tế của quá trình cải cách ở Trung Quốc. Theo đó, sau chuỗi sự kiện ngoại giao bóng bàn vào năm 1971, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã đến thăm Trung Quốc vào năm 1972, mở đường cho việc hai nước xích lại gần nhau (rapprochement) để hàn gắn quan hệ, được tiếp nối với chính sách can dự tích cực (constructive engagement) với Trung Quốc dưới thời Tổng thống Bill Clinton (1993-2001). Quan hệ tích cực với Mỹ khi đó giúp Trung Quốc có một bối cảnh quốc tế thuận lợi để triển khai các chính sách.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung đang ngày càng gay gắt, “thái độ” của nước Mỹ ngày nay về Trung Quốc đã khác đi rất nhiều so với nước Mỹ thời Bill Clinton. Điều đó không cần phải bàn cãi. Điều đáng được quan tâm hơn chính là việc tổng thống tiếp theo của nước Mỹ có thể sẽ không còn là Joe Biden, mà là Donald Trump (người đã khơi mào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vào năm 2018). Một chính phủ do ông Trump đứng đầu nhiều khả năng sẽ rút bớt nguồn lực của Mỹ ra khỏi cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, để tập trung đối phó với Trung Quốc, quốc gia mà Mỹ đã xác định là đối thủ toàn diện, cạnh tranh trên tất cả các lĩnh vực.
Như vậy, liệu phép màu kinh tế của Trung Quốc có thể được duy trì? Nếu có, thì sẽ là bao lâu? Liệu Trung Quốc có giữ được khả năng thích ứng, nhất là đảm bảo sự cùng tiến hoá giữa nhà nước và thị trường, để tiếp tục phát triển trong bối cảnh các yếu tố nội tại và ngoại tại đã thay đổi khá nhiều? Có lẽ thời gian sẽ mang đến câu trả lời. Và “chúng ta sẽ làm nhân chứng cho thời điểm quan trọng này” (tr. 394) - câu cuối cùng trong chương kết luận của quyển sách.