Điểm sách
11 PHÚT ĐỌC

“Hình thành và kiểm soát”: Khi giáo dục trở thành vũ khí ý thức hệ

Suy nghĩ của chúng ta về đất nước được tạo dựng từ đâu?

Nguyễn Thị Thanh Uyên 14/03/2025
Image
“Hình thành và kiểm soát”: Khi giáo dục trở thành vũ khí ý thức hệ - (C): Vietnam Strategic Forum

“Những người trưởng thành tại miền Nam không được giáo dục theo hướng chính trị hóa và nuôi dưỡng tư tưởng thù địch như những người lớn lên tại miền Bắc. Họ được dạy để tự hào về di sản dân tộc Việt Nam, trong khi tại miền Bắc, trẻ em và thanh niên được giáo dục để tự hào về Đảng và cuộc đấu tranh cách mạng. Benedict Anderson lập luận rằng chủ nghĩa dân tộc thường được thể hiện qua tình yêu dành cho quốc gia, hiếm khi gắn liền với “nỗi sợ hãi và sự căm ghét.”

Chương cuối: Kết luận, trang 272.

Olgar Dror nói gì về chiến tranh, giáo dục và thanh niên?

Cuốn sách Making Two Vietnams: War and Youth Identities, 1965–1975 (tạm dịch: Tạo thành hai nước Việt Nam: Chiến tranh và Bản sắc Thanh niên, 1965–1975) của Olgar Dror, giáo sư sử học ở Texas A&M University, được chia làm 5 chương.

Hai chương đầu mô tả Hệ thống giáo dục của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) và của chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), ba chương còn lại lần lượt đề cập đến cách hai chủ thể chính trị này triển khai các chính sách về giáo dục và xã hội nhằm phục vụ cho mục tiêu của mình.

Theo Olgar, khi lấy mục tiêu chính trị làm trung tâm, hai chính quyền đã nhìn về giáo dục qua hai lăng kính khác nhau, dẫn đến sự khác biệt trong việc triển khai chính sách xã hội và học tập tương ứng.

Với chính quyền VNDCCH, giáo dục được triển khai theo mô hình của Liên Xô, trong đó, xác định trẻ em và thanh thiếu niên là tương lai của cách mạng, là hạt giống cốt lõi cho công cuộc thống nhất đất nước. Chính vì vậy, VNDCCH tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ vững chắc giữa thanh thiếu niên và cách mạng thông qua sách vở, báo chí và cấu trúc xã hội.

Về phía VNCH, giáo dục được triển khai theo mô hình tự do của Pháp với giá trị cốt lõi được xây dựng theo chủ nghĩa Nhân Vị (Personalism) do anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đề xuất. Theo tầm nhìn của VNCH, giáo dục và chính trị là hai địa hạt riêng biệt và chúng cần tách rời nhau. Các trường học hướng đến đào tạo con người có tri thức, biết về “sự man rợ” của chế độ cộng sản tại miền Bắc, hạn chế đề cập đến sự xung đột chính trị hiện có và cũng không nhắc đến tác động của Mỹ tại miền Nam Việt Nam.

Qua các thông tin mà Olgar cung cấp, chân dung của người trẻ tại hai miền được tái hiện với hai thái cực khác nhau: một bên được dạy về lý tưởng, về Tổ Quốc và cách để bảo vệ lý tưởng đó; một bên được dạy để tách mình khỏi vũ khí, các yếu tố liên quan đến căn tính Việt và các vấn đề chính trị diễn ra trên đất Việt. Sự khác biệt này, như đã chỉ ra ở trên, xuất phát từ quan điểm chính trị.

Kết quả của việc đặt giáo dục dưới lăng kính chính trị là việc triển khai chính sách giáo dục và xã hội (thông qua điều luật, tin tức, văn bản, văn học,…) tập trung tối đa vào việc hiện thực hóa mục tiêu của nhà cầm quyền hơn là ưu tiên cho nghiên cứu bản chất con người hay giải quyết các vấn đề thuộc về cấu trúc xã hội.

Mặt khác, các chính sách được triển khai cũng tạo nên nhiều nhóm thanh niên trong xã hội Việt Nam nói chung: một nhóm hừng hực khí thế vì lý tưởng thống nhất đất nước; một nhóm bị ép buộc chiến đấu vì xuất thân nghèo khổ và không nhà; cùng một nhóm không mong muốn gì hơn ngoài hòa bình.

Vì sao tôi đọc “Making Two Vietnams”?

Tôi bắt đầu đọc cuốn sách này bởi hai lý do. Thứ nhất, trong quá trình hoàn thiện bài viết về ý nghĩa của Thanh niên xung phong đối với chiến tranh Đông Dương lần hai (1955–1975), tôi biết đến Olgar Dror và tác phẩm của bà. Thứ hai, lựa chọn cuốn sách bắt nguồn từ một số câu hỏi của cá nhân tôi liên quan đến nhà nước hiện đại và các nhóm xã hội như:

  • Dựa vào đâu để các nhóm xã hội xác định quan điểm chính trị của một cá nhân: môi trường sống, những người mà cá nhân tiếp xúc, nền giáo dục mà cá nhân đó thừa hưởng?
  • Các nhóm văn hóa chính trị [1] tại Việt Nam thể hiện mình ra sao, cả trong quá khứ và bối cảnh xã hội hiện đại?
  • Niềm tin trong xã hội về mô hình nhà nước bền vững xuất phát từ đâu?

Từ quan sát và những câu hỏi cá nhân như trên, tôi bắt đầu đọc cuốn sách này của Dror và thấy mình được mở mang với những kiến thức, thông tin và quan điểm đa dạng. Tôi không kết luận chính phủ nào có hệ thống điều hành tốt hơn hay cơ sở của hệ thống giáo dục nào là vượt trội hơn. Thay vào đó, tôi chỉ có thể nói rằng, tôi đã hiểu hơn về lý do vì sao một nhóm xã hội trở nên căng thẳng khi thấy những thứ liên quan đến VNCH (như một mô tả về cờ VNCH trong bảo tàng, một nghệ sĩ chụp ảnh có xuất hiện hình ảnh lá cờ VNCH,…), kể cả khi nó chỉ vô tình xuất hiện hoặc được đề cập từ câu chuyện của một cá nhân khác.

Sự nhạy cảm và phản ứng mạnh mẽ cho thấy “căn tính tập thể” và “ký ức tập thể” có tác động mạnh mẽ đến hình ảnh của mỗi cá nhân. Hai yếu tố này cũng giữ vai trò quan trọng với bất cứ ai mong muốn tìm hiểu lịch sử chính trị của một quốc gia trong bất cứ giai đoạn nào.

Tựu trung, hoàn thành việc đọc cuốn sách này cũng là lúc tôi có thêm chất liệu để nhìn về VNDCCH và VNCH với góc nhìn khách quan hơn. Mặt khác, tôi cũng biết thêm góc nhìn mới về những điều tôi từng cho là rất hiển nhiên và không bao giờ đặt câu hỏi vì sao nó lại tồn tại hoặc vì sao chúng tôi cần học nó trong những năm tháng trung học.

Một trong số đó là các định nghĩa về thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích; hay như “Tổ quốc” nên được dịch sang tiếng Anh là Fatherland hay Motherland? Ở đây tôi muốn trích một trong những đoạn mình tâm đắc về việc lý giải mục tiêu của các định nghĩa mà Olgar đưa ra:

“Để xử lý các sử kiện thời tiền sử và các vị thần không được chế độ cộng sản thiêng hóa, vốn còn lưu truyền qua những truyện kể về chúng, chính quyền VNDCCH đã phân loại (những truyện kể - ND) thành ba thể loại truyện. Thứ nhất là thần thoại, là những truyện kể không chỉ về các vị thần mà còn là về những linh hồn có sức mạnh siêu nhiên. Thứ hai là truyền thuyết, cũng là những truyện kể huyền bí vốn không dễ phân biệt với thần thoại song, như trong một cuốn sách giáo khoa đã giải thích, “có mối liên hệ với lịch sử nhưng vẫn giữ được những tính chất kỳ ảo”. Trong thần thoại, nhân vật chính là một linh hồn, còn trong truyền thuyết, nhân vật chính thể hiện những đặc trưng của con người và gắn liền với đời sống xã hội cũng như với những cuộc đấu tranh. Cuối cùng là truyện cổ tích, hay sự tích. Đây là những sáng tạo phức tạp và tinh vi hơn của những người thời sau này khi xã hội đã có giai cấp và thế giới không còn bị các linh hồn chi phối nữa. Những truyện kể này được thể hiện như minh chứng cho sự đoàn kết của dân tộc Việt, chủ nghĩa anh hùng và lòng căm thù của người Việt đối với những kẻ xâm lược.”

Chương 4: Diễn ngôn Giáo dục và Xã hội qua các văn bản của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, trang 170 [4]

Những phân tích của Olgar về định nghĩa của thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích tiệm cận với các tài liệu nghiên cứu Lịch sử theo hướng mới [2] mà tôi có dịp đọc và thảo luận cùng bạn bè sau này. Điều này giúp tôi bước đầu dễ dàng hơn trong việc tiếp thu phương pháp nghiên cứu cũng như cách khai thác sử liệu của tác giả.

Cuối cùng, một khái niệm tôi được biết đến trong cuốn Vietnam: A New History (Basic Books, 2016) của Christopher Goscha là “Party-State” [3] cũng được hình ảnh hóa chân thực trong cuốn sách này. Tôi đã biết hơn một chút về người khổng lồ mình đang đứng trên vai. Hơn hết, tôi cũng hiểu rằng chúng ta là kết quả của nhiều sự kiện và chúng ta hoàn toàn có thể tự tạo ra sự kiện của chính mình.

Chú giải:

[1] Nhóm văn hóa chính trị là mô hình do các nhà khoa học chính trị người Mỹ là Gabriel Almond và Sidney Verba đề xuất trong cuốn The Civic Culture: Political Attitudes and Democracy in Five Nations (Princeton University Press, 1963). Theo Almond và Verba, có ba nhóm văn hóa chính trị với các đặc điểm như sau:

(i) Parochial Political Culture (tạm dịch: Văn hóa chính trị cục bộ): Đặc trưng bởi sự thờ ơ hoặc thiếu quan tâm đến các vấn đề chính trị. Người dân ít có nhận thức về hệ thống chính trị và vai trò của mình trong hệ thống.

(ii) Subject Political Culture (tạm dịch: Văn hóa chính trị thần phục): Người dân có nhận thức về hệ thống chính trị nhưng chủ yếu đóng vai trò bị động, phục tùng chính quyền. Người dân không tham gia trực tiếp vào quá trình ra quyết định và chủ yếu quan tâm đến “đầu ra” của hệ thống như chính sách, quyết định của người đứng đầu hệ thống,…

(iii) Participant (tạm dịch: Văn hóa chính trị tham gia): Người dân có ý thức chính trị cao, tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị như bầu cử, tranh luận chính sách, giám sát chính quyền và tham gia tổ chức xã hội.

[2] Tân Sử (New Historicism) khai thác nhật ký, thư từ cá nhân, báo chí, văn hóa dân gian, truyền thuyết, nghệ thuật, khảo cổ học, thậm chí cả văn học trong việc nghiên cứu lịch sử. Thay vì đi theo cách nghiên cứu lịch sử truyền thống, vốn tập trung vào các sự kiện chính trị, quân sự và các nhân vật vĩ đại (lịch sử “từ trên xuống”), hướng tiếp cận này nhấn mạnh các yếu tố văn hóa, xã hội, kinh tế, và đời sống của “con người bình thường”.

[3] Party-State (tạm dịch: Nhà nước Đảng trị) là một thuật ngữ được dùng trong lĩnh vực nghiên cứu Khoa học chính trị, Chính trị học so sánh, Lý thuyết nhà nước và thể chế chính trị để mô tả các nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa hoặc hệ thống chính trị đơn đảng. Độc giả có thể đọc thêm về mô hình này tại Trung Quốc qua bài nghiên cứu “Finding a place for the Party: debunking the “party-state”and rethinking the state-society relationship in China’s one-party system” (Holly Snape & Weinan Wang, Journal of Chinese Governance, 2020).

[4] Các bản dịch tiếng Việt trong bài viết có tham khảo gợi ý từ dịch giả Nguyễn Việt Anh.

---

Nguyễn Thị Thanh Uyên hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ Kinh tế Chính trị Quốc tế tại University College Dublin, Ireland. Lĩnh vực mà Thanh Uyên quan tâm gồm Lý thuyết quan hệ quốc tế, Kinh tế Chính trị Quốc tế - Công nghệ, Diễn ngôn Chính trị, Lịch sử Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Bạn đọc có thể liên hệ tác giả qua email uyenthanh22022gmail.com. Quan điểm trong bài viết là của riêng tác giả.

“Những người trưởng thành tại miền Nam không được giáo dục theo hướng chính trị hóa và nuôi dưỡng tư tưởng thù địch như những người lớn lên tại miền Bắc. Họ được dạy để tự hào về di sản dân tộc Việt Nam, trong khi tại miền Bắc, trẻ em và thanh niên được giáo dục để tự hào về Đảng và cuộc đấu tranh cách mạng. Benedict Anderson lập luận rằng chủ nghĩa dân tộc thường được thể hiện qua tình yêu dành cho quốc gia, hiếm khi gắn liền với “nỗi sợ hãi và sự căm ghét.”

Chương cuối: Kết luận, trang 272.

Olgar Dror nói gì về chiến tranh, giáo dục và thanh niên?

Cuốn sách Making Two Vietnams: War and Youth Identities, 1965–1975 (tạm dịch: Tạo thành hai nước Việt Nam: Chiến tranh và Bản sắc Thanh niên, 1965–1975) của Olgar Dror, giáo sư sử học ở Texas A&M University, được chia làm 5 chương.

Hai chương đầu mô tả Hệ thống giáo dục của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) và của chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), ba chương còn lại lần lượt đề cập đến cách hai chủ thể chính trị này triển khai các chính sách về giáo dục và xã hội nhằm phục vụ cho mục tiêu của mình.

Theo Olgar, khi lấy mục tiêu chính trị làm trung tâm, hai chính quyền đã nhìn về giáo dục qua hai lăng kính khác nhau, dẫn đến sự khác biệt trong việc triển khai chính sách xã hội và học tập tương ứng.

Với chính quyền VNDCCH, giáo dục được triển khai theo mô hình của Liên Xô, trong đó, xác định trẻ em và thanh thiếu niên là tương lai của cách mạng, là hạt giống cốt lõi cho công cuộc thống nhất đất nước. Chính vì vậy, VNDCCH tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ vững chắc giữa thanh thiếu niên và cách mạng thông qua sách vở, báo chí và cấu trúc xã hội.

Về phía VNCH, giáo dục được triển khai theo mô hình tự do của Pháp với giá trị cốt lõi được xây dựng theo chủ nghĩa Nhân Vị (Personalism) do anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đề xuất. Theo tầm nhìn của VNCH, giáo dục và chính trị là hai địa hạt riêng biệt và chúng cần tách rời nhau. Các trường học hướng đến đào tạo con người có tri thức, biết về “sự man rợ” của chế độ cộng sản tại miền Bắc, hạn chế đề cập đến sự xung đột chính trị hiện có và cũng không nhắc đến tác động của Mỹ tại miền Nam Việt Nam.

Qua các thông tin mà Olgar cung cấp, chân dung của người trẻ tại hai miền được tái hiện với hai thái cực khác nhau: một bên được dạy về lý tưởng, về Tổ Quốc và cách để bảo vệ lý tưởng đó; một bên được dạy để tách mình khỏi vũ khí, các yếu tố liên quan đến căn tính Việt và các vấn đề chính trị diễn ra trên đất Việt. Sự khác biệt này, như đã chỉ ra ở trên, xuất phát từ quan điểm chính trị.

Kết quả của việc đặt giáo dục dưới lăng kính chính trị là việc triển khai chính sách giáo dục và xã hội (thông qua điều luật, tin tức, văn bản, văn học,…) tập trung tối đa vào việc hiện thực hóa mục tiêu của nhà cầm quyền hơn là ưu tiên cho nghiên cứu bản chất con người hay giải quyết các vấn đề thuộc về cấu trúc xã hội.

Mặt khác, các chính sách được triển khai cũng tạo nên nhiều nhóm thanh niên trong xã hội Việt Nam nói chung: một nhóm hừng hực khí thế vì lý tưởng thống nhất đất nước; một nhóm bị ép buộc chiến đấu vì xuất thân nghèo khổ và không nhà; cùng một nhóm không mong muốn gì hơn ngoài hòa bình.

Vì sao tôi đọc “Making Two Vietnams”?

Tôi bắt đầu đọc cuốn sách này bởi hai lý do. Thứ nhất, trong quá trình hoàn thiện bài viết về ý nghĩa của Thanh niên xung phong đối với chiến tranh Đông Dương lần hai (1955–1975), tôi biết đến Olgar Dror và tác phẩm của bà. Thứ hai, lựa chọn cuốn sách bắt nguồn từ một số câu hỏi của cá nhân tôi liên quan đến nhà nước hiện đại và các nhóm xã hội như:

  • Dựa vào đâu để các nhóm xã hội xác định quan điểm chính trị của một cá nhân: môi trường sống, những người mà cá nhân tiếp xúc, nền giáo dục mà cá nhân đó thừa hưởng?
  • Các nhóm văn hóa chính trị [1] tại Việt Nam thể hiện mình ra sao, cả trong quá khứ và bối cảnh xã hội hiện đại?
  • Niềm tin trong xã hội về mô hình nhà nước bền vững xuất phát từ đâu?

Từ quan sát và những câu hỏi cá nhân như trên, tôi bắt đầu đọc cuốn sách này của Dror và thấy mình được mở mang với những kiến thức, thông tin và quan điểm đa dạng. Tôi không kết luận chính phủ nào có hệ thống điều hành tốt hơn hay cơ sở của hệ thống giáo dục nào là vượt trội hơn. Thay vào đó, tôi chỉ có thể nói rằng, tôi đã hiểu hơn về lý do vì sao một nhóm xã hội trở nên căng thẳng khi thấy những thứ liên quan đến VNCH (như một mô tả về cờ VNCH trong bảo tàng, một nghệ sĩ chụp ảnh có xuất hiện hình ảnh lá cờ VNCH,…), kể cả khi nó chỉ vô tình xuất hiện hoặc được đề cập từ câu chuyện của một cá nhân khác.

Sự nhạy cảm và phản ứng mạnh mẽ cho thấy “căn tính tập thể” và “ký ức tập thể” có tác động mạnh mẽ đến hình ảnh của mỗi cá nhân. Hai yếu tố này cũng giữ vai trò quan trọng với bất cứ ai mong muốn tìm hiểu lịch sử chính trị của một quốc gia trong bất cứ giai đoạn nào.

Tựu trung, hoàn thành việc đọc cuốn sách này cũng là lúc tôi có thêm chất liệu để nhìn về VNDCCH và VNCH với góc nhìn khách quan hơn. Mặt khác, tôi cũng biết thêm góc nhìn mới về những điều tôi từng cho là rất hiển nhiên và không bao giờ đặt câu hỏi vì sao nó lại tồn tại hoặc vì sao chúng tôi cần học nó trong những năm tháng trung học.

Một trong số đó là các định nghĩa về thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích; hay như “Tổ quốc” nên được dịch sang tiếng Anh là Fatherland hay Motherland? Ở đây tôi muốn trích một trong những đoạn mình tâm đắc về việc lý giải mục tiêu của các định nghĩa mà Olgar đưa ra:

“Để xử lý các sử kiện thời tiền sử và các vị thần không được chế độ cộng sản thiêng hóa, vốn còn lưu truyền qua những truyện kể về chúng, chính quyền VNDCCH đã phân loại (những truyện kể - ND) thành ba thể loại truyện. Thứ nhất là thần thoại, là những truyện kể không chỉ về các vị thần mà còn là về những linh hồn có sức mạnh siêu nhiên. Thứ hai là truyền thuyết, cũng là những truyện kể huyền bí vốn không dễ phân biệt với thần thoại song, như trong một cuốn sách giáo khoa đã giải thích, “có mối liên hệ với lịch sử nhưng vẫn giữ được những tính chất kỳ ảo”. Trong thần thoại, nhân vật chính là một linh hồn, còn trong truyền thuyết, nhân vật chính thể hiện những đặc trưng của con người và gắn liền với đời sống xã hội cũng như với những cuộc đấu tranh. Cuối cùng là truyện cổ tích, hay sự tích. Đây là những sáng tạo phức tạp và tinh vi hơn của những người thời sau này khi xã hội đã có giai cấp và thế giới không còn bị các linh hồn chi phối nữa. Những truyện kể này được thể hiện như minh chứng cho sự đoàn kết của dân tộc Việt, chủ nghĩa anh hùng và lòng căm thù của người Việt đối với những kẻ xâm lược.”

Chương 4: Diễn ngôn Giáo dục và Xã hội qua các văn bản của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, trang 170 [4]

Những phân tích của Olgar về định nghĩa của thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích tiệm cận với các tài liệu nghiên cứu Lịch sử theo hướng mới [2] mà tôi có dịp đọc và thảo luận cùng bạn bè sau này. Điều này giúp tôi bước đầu dễ dàng hơn trong việc tiếp thu phương pháp nghiên cứu cũng như cách khai thác sử liệu của tác giả.

Cuối cùng, một khái niệm tôi được biết đến trong cuốn Vietnam: A New History (Basic Books, 2016) của Christopher Goscha là “Party-State” [3] cũng được hình ảnh hóa chân thực trong cuốn sách này. Tôi đã biết hơn một chút về người khổng lồ mình đang đứng trên vai. Hơn hết, tôi cũng hiểu rằng chúng ta là kết quả của nhiều sự kiện và chúng ta hoàn toàn có thể tự tạo ra sự kiện của chính mình.

Chú giải:

[1] Nhóm văn hóa chính trị là mô hình do các nhà khoa học chính trị người Mỹ là Gabriel Almond và Sidney Verba đề xuất trong cuốn The Civic Culture: Political Attitudes and Democracy in Five Nations (Princeton University Press, 1963). Theo Almond và Verba, có ba nhóm văn hóa chính trị với các đặc điểm như sau:

(i) Parochial Political Culture (tạm dịch: Văn hóa chính trị cục bộ): Đặc trưng bởi sự thờ ơ hoặc thiếu quan tâm đến các vấn đề chính trị. Người dân ít có nhận thức về hệ thống chính trị và vai trò của mình trong hệ thống.

(ii) Subject Political Culture (tạm dịch: Văn hóa chính trị thần phục): Người dân có nhận thức về hệ thống chính trị nhưng chủ yếu đóng vai trò bị động, phục tùng chính quyền. Người dân không tham gia trực tiếp vào quá trình ra quyết định và chủ yếu quan tâm đến “đầu ra” của hệ thống như chính sách, quyết định của người đứng đầu hệ thống,…

(iii) Participant (tạm dịch: Văn hóa chính trị tham gia): Người dân có ý thức chính trị cao, tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị như bầu cử, tranh luận chính sách, giám sát chính quyền và tham gia tổ chức xã hội.

[2] Tân Sử (New Historicism) khai thác nhật ký, thư từ cá nhân, báo chí, văn hóa dân gian, truyền thuyết, nghệ thuật, khảo cổ học, thậm chí cả văn học trong việc nghiên cứu lịch sử. Thay vì đi theo cách nghiên cứu lịch sử truyền thống, vốn tập trung vào các sự kiện chính trị, quân sự và các nhân vật vĩ đại (lịch sử “từ trên xuống”), hướng tiếp cận này nhấn mạnh các yếu tố văn hóa, xã hội, kinh tế, và đời sống của “con người bình thường”.

[3] Party-State (tạm dịch: Nhà nước Đảng trị) là một thuật ngữ được dùng trong lĩnh vực nghiên cứu Khoa học chính trị, Chính trị học so sánh, Lý thuyết nhà nước và thể chế chính trị để mô tả các nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa hoặc hệ thống chính trị đơn đảng. Độc giả có thể đọc thêm về mô hình này tại Trung Quốc qua bài nghiên cứu “Finding a place for the Party: debunking the “party-state”and rethinking the state-society relationship in China’s one-party system” (Holly Snape & Weinan Wang, Journal of Chinese Governance, 2020).

[4] Các bản dịch tiếng Việt trong bài viết có tham khảo gợi ý từ dịch giả Nguyễn Việt Anh.

---

Nguyễn Thị Thanh Uyên hiện đang theo học chương trình Thạc sĩ Kinh tế Chính trị Quốc tế tại University College Dublin, Ireland. Lĩnh vực mà Thanh Uyên quan tâm gồm Lý thuyết quan hệ quốc tế, Kinh tế Chính trị Quốc tế - Công nghệ, Diễn ngôn Chính trị, Lịch sử Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Bạn đọc có thể liên hệ tác giả qua email uyenthanh22022gmail.com. Quan điểm trong bài viết là của riêng tác giả.

Từ khoá: chiến tranh Việt Nam thể chế chính trị lòng yêu nước ý thức hệ điểm sách review sách

BÀI LIÊN QUAN