Tương lai Đài Loan thời Lại Thanh Đức: Dân chủ, Thống nhất và Bất ổn

Tân tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức đã đặt ra những nguyên tắc cho các chính sách quan trọng mà ông sẽ thực hiện để lèo lái vận mệnh của hòn đảo tự trị, đồng thời kêu gọi đoàn kết nội bộ và củng cố nền dân chủ trước tình trạng bất ổn đang gia tăng.

Huỳnh Tâm Sáng 01/06/2024
Image
Tân Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức vẫy tay chào trong lễ nhậm chức ở Đài Bắc hôm 20/5 - (C): CNA

Trong phát biểu tuyên thệ nhậm chức hôm 20/5, tân Tổng thống Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) đã đưa ra lời cam kết bảo vệ nền dân chủ, hòa bình và thịnh vượng cho Đài Loan. Ông phát biểu rằng “Hòa bình là lựa chọn duy nhất. Và sự thịnh vượng có được nhờ hòa bình và ổn định lâu dài là mục tiêu của chúng tôi”. Ông Lại đã có 31 lần đề cập đến từ “dân chủ” (democracy/democratic) nhằm nhấn mạnh uy tín dân chủ và sự kiên cường của Đài Loan trước các chế độ độc tài. Bên cạnh đó, từ “hòa bình” (peace)—được lặp lại 23 lần—cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền hòn đảo tự trị, bởi duy trì sự ổn định trong khu vực là cốt lõi sự thành công và thịnh vượng của nền dân chủ Đài Loan.

Trên bục phát biểu, tân Tổng thống Đài Loan đã dành phần lớn thời gian nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hai trụ cột là hòa bình và dân chủ. Theo đó, ông tuyên bố Đài Loan “sẽ tiếp tục sử dụng sức sống dân chủ như một lực lượng vì mục đích tốt đẹp, nhằm thúc đẩy sự phát triển quốc gia và tăng cường hợp tác quốc tế”. Ông cũng ca ngợi Đài Loan là “ngọn hải đăng toàn cầu” (“a global beacon”).

Bài phát biểu của ông Lại, với cam kết “tiếp tục hợp tác với các quốc gia dân chủ khác để xây dựng một cộng đồng dân chủ và chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi trên nhiều lĩnh vực”, mang đến cho các đối tác của Đài Loan một sự đảm bảo cần thiết. Trong bối cảnh phải đối diện với mối đe dọa kéo dài từ sự cưỡng ép của chế độ độc tài (authoritarian coercion), tân thổng thống Đài Loan bày tỏ mong muốn hợp tác với các nền dân chủ để “chống lại thông tin sai lệch” và “tăng cường khả năng phục hồi dân chủ”.

Ông Lại Thanh Đức cũng tuyên bố sẽ “tuân thủ Bốn Cam kết, không nhượng bộ và cũng không khiêu khích” và “duy trì tính nguyên trạng” trong quan hệ với Trung Quốc. “Bốn Cam kết” được cựu Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) nêu rõ vào năm 2021, trong đó bà tuyên bố rằng chính phủ và người dân Đài Loan đang tận tâm bảo vệ nền dân chủ và chủ quyền của hòn đảo, đồng thời tôn trọng mong muốn của người dân Đài Loan về tương lai của Đài Loan. Nhắc lại triết lý chính trị của bà Thái, ông Lại tuyên bố “Tương lai của Trung Hoa Dân Quốc” (tên chính thức của Đài Loan) “sẽ được quyết định bởi 23 triệu người dân của nước này”, cho thấy ông sẽ duy trì nguyên lý và khuôn khổ chính sách đối ngoại mà bà Thái đã đặt ra.

Nhằm miêu tả Đài Loan như một bên ủng hộ nhiệt tình cho sự ổn định, ông Lại đã trình bày quyết tâm của hòn đảo này trong việc duy trì tính nguyên trạng trên eo biển Đài Loan. Qua đó, tân Tổng thống khẳng định Đài Loan mong muốn đóng vai trò là người tạo dựng hòa bình và ổn định hơn là một kẻ khiêu khích. Ông Lại tuyên bố một cách chân thành: “Hòa bình là vô giá, và chiến tranh không có người chiến thắng”. Những ngày trước khi nhậm chức, ông đã bày tỏ ý định nối lại liên lạc chính thức với Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh rằng một cuộc đối thoại như vậy phải tuân thủ “các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và phẩm giá”.

Ông Lại và Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) cầm quyền đã nhiều lần khẳng định rằng chỉ người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của họ, và trên thực tế vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại chính thức với Bắc Kinh - vốn đã bị đình chỉ trong 8 năm qua. Một khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử của Đại học Quốc gia Chính trị (National Chengchi University’s Election Study Center) thực hiện vào năm 2023 cho thấy hơn 80% công dân Đài Loan muốn duy trì tình trạng hiện tại với Trung Quốc.

Ông Lại cũng cam kết sẽ bắt tay vào các chiến lược “mở rộng” và “cải cách” để đáp ứng kỳ vọng và xoa dịu những lo lắng của người dân Đài Loan. Những nỗ lực này sẽ được thực hiện trong “Dự án Hy vọng Quốc gia” (National Project of Hope) do ông khởi xướng. Đây là một chính sách sâu rộng nhằm mục đích hỗ trợ mọi tầng lớp xã hội ở Đài Loan trong nhiều lĩnh vực, bao gồm chăm sóc trẻ em, chăm sóc dài hạn, dịch vụ nhà ở xã hội, giáo dục, hệ thống pháp luật, an toàn công cộng và giao thông, bảo hiểm lao động, hệ sinh thái và nền kinh tế đổi mới. Ông cũng cam kết biến Đài Loan thành một “hòn đảo AI” bằng cách tăng cường đòn bẩy của quốc gia trong lĩnh vực bán dẫn, truyền thông thế hệ tiếp theo và công nghệ cao.

Giới quan sát cũng có thể nhận thấy kế hoạch dài hạn của ông Lại trong việc xử lý các vấn đề trong nước khi ông hứa hẹn một chính phủ cởi mở, điều hành dân chủ, trung thực và siêng năng trong khi cam kết coi trọng việc khuyến khích nhân tài. Trong đó, tân tổng thống nhấn mạnh hai biện pháp nhằm đạt được sự minh bạch và khuyến khích sự tham gia của người dân, bao gồm thúc đẩy “chính sách công” và vận động thông qua luật cho người dân “18 tuổi được đi bầu cử”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở Đài Loan, các cuộc thảo luận về việc hạ độ tuổi bầu cử từ 20 xuống 18 để khuyến khích sự tham gia của giới trẻ đã diễn ra sôi nổi trong gần hai thập kỷ qua nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp thấu suốt.

Những thách thức khác vẫn còn đó. Một trận động đất chính trị đã làm rung chuyển nội bộ Đài Loan. Ngày 17/5 vừa qua, những cuộc ẩu đả và gây gổ đã nổ ra giữa các nhà lập pháp của đảng cầm quyền và đảng đối lập vì họ không thể đạt được thỏa thuận về các dự luật cải cách lập pháp. Đây là “điềm báo” không tốt cho tân tổng thống, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến huấn luyện quân sự, tăng ngân sách quốc phòng quan trọng và đầu tư vào sản xuất vũ khí bản địa để tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo. Sự mất đoàn kết trong nước trở nên rõ ràng khi các nhà lập pháp từ đảng đối lập - Quốc dân đảng (KMT), cố tình thách thức sự lãnh đạo của chính quyền DPP. Chỉ 2 ngày trước lễ nhậm chức của Lại Thanh Đức, đại diện KMT đã có chuyến viếng thăm đảo Ba Bình (Taiping) - một hòn đảo tranh chấp do Đài Loan kiểm soát nhưng cũng được Trung Quốc, Philippines và Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Trong khi đó, Trung Quốc sẽ thắt chặt các quy định bằng cách phát động các cuộc xâm nhập quân sự và chiến tranh nhận thức chống lại người dân trên đảo, đồng thời cố gắng làm suy yếu chủ quyền của Đài Loan và cướp đi các đồng minh ngoại giao của nước này. Trong khi ông Lại kêu gọi Trung Quốc ngừng “đe dọa chính trị và quân sự”, Văn phòng các vấn đề Đài Loan (TAO) của Bắc Kinh đã đưa ra một tuyên bố chung cảnh báo rằng “Độc lập của Đài Loan” và hòa bình dọc eo biển “không thể hòa giải như lửa và nước” trong những ngày trước lễ nhậm chức của tân Tổng thống Đài Loan. Điều này cho thấy Trung Quốc không hề muốn thực hiện lời kêu gọi của ông Lại. Người phát ngôn của TAO - ông Trần Bân Hoa (Chen Binhua), đã đáp trả bài phát biểu nhậm chức của Lại Thanh Đức, cho rằng đó là “tín hiệu nguy hiểm” từ vị tân tổng thống nhằm tìm kiếm “sự độc lập cho Đài Loan” và kích động các hành động đe dọa sự ổn định xuyên eo biển. Đối với Đài Bắc, những căng thẳng lâu năm với người hàng xóm hống hách sẽ tiếp tục tồn tại, bởi “ngay cả khi chúng tôi chấp nhận toàn bộ lập trường của Trung Quốc và từ bỏ chủ quyền của mình, tham vọng thôn tính Đài Loan của Trung Quốc sẽ không dễ dàng mất đi” - Tổng thống Lại Thanh Đức đã đúng khi cho rằng việc theo đuổi hòa bình cần đi đôi với một tâm thế cảnh giác.

Những nỗ lực tổng thể nhằm chống lại hành vi quấy rối vùng xám của Trung Quốc và tăng cường khả năng phục hồi của Đài Loan trong thời kỳ khủng hoảng chắc chắn cần đến những nỗ lực chung từ các nhà lập pháp tại Viện Lập pháp (tên gọi khác của quốc hội đơn viện của Đài Loan). Tuy nhiên, chính trị đảng phái và sự chia rẽ nội bộ đang làm đau đầu vị Tổng thống vừa nhậm chức, đặc biệt vào thời điểm chính quyền mới cần sự đoàn kết trong nước để thông qua các dự luật và thống nhất quan điểm về chính sách đối ngoại, trong đó bao gồm các chiến lược khả thi để điều hướng mối quan hệ xuyên eo biển trước tình trạng bế tắc hiện nay.

Thay vì trốn tránh thực tế, Tổng thống Lại đã tìm ra một cách khác để ứng phó với những thách thức. Ông cho rằng “việc thiếu đa số tuyệt đối có nghĩa là các đảng cầm quyền và phe đối lập giờ đây đều có thể chia sẻ ý tưởng của mình”. Ông cũng kêu gọi các bên “[đương đầu] với những thách thức của quốc gia như một thể thống nhất”, ý nói rằng các bên ở Đài Loan nên hợp tác để giải quyết những thách thức chung. Đáng chú ý, tân Tổng thống đã “chìa cành ô liu” cho các đảng đối lập khi tuyên bố rằng trong Viện Lập pháp, “đa số nên tôn trọng thiểu số, trong khi thiểu số chấp nhận sự cai trị của đa số”. Ông tiếp tục nói rằng “khi chúng ta đề cao tinh thần ‘con người trên hết’ và ‘quốc gia ở trên đảng’, thì chính sách quốc gia sẽ phát triển một cách thuận lợi và trơn tru.” Những nhận xét và lời kêu gọi cân bằng của ông là những nỗ lực công khai nhằm thúc đẩy sự hòa hợp và hợp tác nội bộ từ các đảng đối lập, vì ở Đài Loan, “lợi ích của người dân là trên hết”.

Về quan hệ đối ngoại, ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Lại nằm ở việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nền dân chủ bằng cách miêu tả Đài Loan như một cấu phần không thể thiếu (sine qua non) nhằm duy trì sự ổn định và thịnh vượng. Chiến lược này được nêu bật trong bài phát biểu nhậm chức của ông. Khi mang lại lợi ích cho cộng đồng toàn cầu, Đài Loan đang nỗ lực để trở nên nổi bật hơn trong tư cách là một nền dân chủ sôi động và là “người đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng cho các nền dân chủ trên thế giới”. Bên cạnh đó, Đài Loan còn có giải pháp khác là tăng cường “sức mạnh răn đe” bằng cách thúc đẩy kế hoạch bốn trụ cột nhằm duy trì hòa bình và ổn định xung quanh hòn đảo, bao gồm tăng cường quốc phòng, cải thiện an ninh kinh tế, thiết lập sự lãnh đạo ổn định và có nguyên tắc xuyên eo biển, cũng như đề cao ngoại giao dựa trên các giá trị. Những nỗ lực hòa bình thực dụng và nhất quán này lần đầu tiên được tân tổng thống Đài Loan nêu lên trong một bài viết trên tờ Wall Street Journal vào năm 2023.

Khi nghiên cứu về sự suy thoái dân chủ và sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài (chẳng hạn như ở Trung Quốc và Nga), không thể bỏ qua bài phát biểu nhậm chức của Tổng thống Lại Thanh Đức và những hàm ý trong bài phát biểu này. Phát biểu của ông Lại đáng chú ý không chỉ đơn giản vì Đài Loan – một nền dân chủ tự do quan trọng – đã mạnh mẽ đương đầu với sự đàn áp của Bắc Kinh, mà bởi vì khả năng phục hồi của Đài Bắc cho đến nay đã mang lại nhiều lợi ích cho thế giới. Với phương châm “Đài Loan có thể giúp đỡ” (Taiwan Can Help), nền dân chủ vững chắc này đã giúp củng cố hệ thống dân chủ ở châu Á và toàn cầu. Đài Loan đang tiến vào một kỷ nguyên mà Tổng thống Lại Thanh Đức mô tả là “đầy thách thức nhưng cũng tràn đầy hy vọng vô hạn”, và giờ là lúc để kinh nghiệm và tài lãnh đạo của ông được áp dụng vào thực tiễn.

*Ghi chú của VSF: Phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên The Taiwan Insight với tiêu đề “Taiwan’s Future under Lai Ching-te’s Leadership: Democracy, Unity, and Uncertainty”. Bài viết này do đội ngũ VSF dịch với sự chấp thuận của tác giả.

Độc giả có thể tham khảo các dự báo về chính sách của Đài Loan dưới thời tân Tổng thống Lại Thanh Đức trong tập san tháng 3/2024 của VSF với tên gọi “Bước chuyển: Đài Loan dưới thời Lại Thanh Đức”, tại đường dẫn này.

Trong phát biểu tuyên thệ nhậm chức hôm 20/5, tân Tổng thống Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) đã đưa ra lời cam kết bảo vệ nền dân chủ, hòa bình và thịnh vượng cho Đài Loan. Ông phát biểu rằng “Hòa bình là lựa chọn duy nhất. Và sự thịnh vượng có được nhờ hòa bình và ổn định lâu dài là mục tiêu của chúng tôi”. Ông Lại đã có 31 lần đề cập đến từ “dân chủ” (democracy/democratic) nhằm nhấn mạnh uy tín dân chủ và sự kiên cường của Đài Loan trước các chế độ độc tài. Bên cạnh đó, từ “hòa bình” (peace)—được lặp lại 23 lần—cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền hòn đảo tự trị, bởi duy trì sự ổn định trong khu vực là cốt lõi sự thành công và thịnh vượng của nền dân chủ Đài Loan.

Trên bục phát biểu, tân Tổng thống Đài Loan đã dành phần lớn thời gian nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hai trụ cột là hòa bình và dân chủ. Theo đó, ông tuyên bố Đài Loan “sẽ tiếp tục sử dụng sức sống dân chủ như một lực lượng vì mục đích tốt đẹp, nhằm thúc đẩy sự phát triển quốc gia và tăng cường hợp tác quốc tế”. Ông cũng ca ngợi Đài Loan là “ngọn hải đăng toàn cầu” (“a global beacon”).

Bài phát biểu của ông Lại, với cam kết “tiếp tục hợp tác với các quốc gia dân chủ khác để xây dựng một cộng đồng dân chủ và chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi trên nhiều lĩnh vực”, mang đến cho các đối tác của Đài Loan một sự đảm bảo cần thiết. Trong bối cảnh phải đối diện với mối đe dọa kéo dài từ sự cưỡng ép của chế độ độc tài (authoritarian coercion), tân thổng thống Đài Loan bày tỏ mong muốn hợp tác với các nền dân chủ để “chống lại thông tin sai lệch” và “tăng cường khả năng phục hồi dân chủ”.

Ông Lại Thanh Đức cũng tuyên bố sẽ “tuân thủ Bốn Cam kết, không nhượng bộ và cũng không khiêu khích” và “duy trì tính nguyên trạng” trong quan hệ với Trung Quốc. “Bốn Cam kết” được cựu Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) nêu rõ vào năm 2021, trong đó bà tuyên bố rằng chính phủ và người dân Đài Loan đang tận tâm bảo vệ nền dân chủ và chủ quyền của hòn đảo, đồng thời tôn trọng mong muốn của người dân Đài Loan về tương lai của Đài Loan. Nhắc lại triết lý chính trị của bà Thái, ông Lại tuyên bố “Tương lai của Trung Hoa Dân Quốc” (tên chính thức của Đài Loan) “sẽ được quyết định bởi 23 triệu người dân của nước này”, cho thấy ông sẽ duy trì nguyên lý và khuôn khổ chính sách đối ngoại mà bà Thái đã đặt ra.

Nhằm miêu tả Đài Loan như một bên ủng hộ nhiệt tình cho sự ổn định, ông Lại đã trình bày quyết tâm của hòn đảo này trong việc duy trì tính nguyên trạng trên eo biển Đài Loan. Qua đó, tân Tổng thống khẳng định Đài Loan mong muốn đóng vai trò là người tạo dựng hòa bình và ổn định hơn là một kẻ khiêu khích. Ông Lại tuyên bố một cách chân thành: “Hòa bình là vô giá, và chiến tranh không có người chiến thắng”. Những ngày trước khi nhậm chức, ông đã bày tỏ ý định nối lại liên lạc chính thức với Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh rằng một cuộc đối thoại như vậy phải tuân thủ “các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi và phẩm giá”.

Ông Lại và Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) cầm quyền đã nhiều lần khẳng định rằng chỉ người dân Đài Loan mới có thể quyết định tương lai của họ, và trên thực tế vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại chính thức với Bắc Kinh - vốn đã bị đình chỉ trong 8 năm qua. Một khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Bầu cử của Đại học Quốc gia Chính trị (National Chengchi University’s Election Study Center) thực hiện vào năm 2023 cho thấy hơn 80% công dân Đài Loan muốn duy trì tình trạng hiện tại với Trung Quốc.

Ông Lại cũng cam kết sẽ bắt tay vào các chiến lược “mở rộng” và “cải cách” để đáp ứng kỳ vọng và xoa dịu những lo lắng của người dân Đài Loan. Những nỗ lực này sẽ được thực hiện trong “Dự án Hy vọng Quốc gia” (National Project of Hope) do ông khởi xướng. Đây là một chính sách sâu rộng nhằm mục đích hỗ trợ mọi tầng lớp xã hội ở Đài Loan trong nhiều lĩnh vực, bao gồm chăm sóc trẻ em, chăm sóc dài hạn, dịch vụ nhà ở xã hội, giáo dục, hệ thống pháp luật, an toàn công cộng và giao thông, bảo hiểm lao động, hệ sinh thái và nền kinh tế đổi mới. Ông cũng cam kết biến Đài Loan thành một “hòn đảo AI” bằng cách tăng cường đòn bẩy của quốc gia trong lĩnh vực bán dẫn, truyền thông thế hệ tiếp theo và công nghệ cao.

Giới quan sát cũng có thể nhận thấy kế hoạch dài hạn của ông Lại trong việc xử lý các vấn đề trong nước khi ông hứa hẹn một chính phủ cởi mở, điều hành dân chủ, trung thực và siêng năng trong khi cam kết coi trọng việc khuyến khích nhân tài. Trong đó, tân tổng thống nhấn mạnh hai biện pháp nhằm đạt được sự minh bạch và khuyến khích sự tham gia của người dân, bao gồm thúc đẩy “chính sách công” và vận động thông qua luật cho người dân “18 tuổi được đi bầu cử”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở Đài Loan, các cuộc thảo luận về việc hạ độ tuổi bầu cử từ 20 xuống 18 để khuyến khích sự tham gia của giới trẻ đã diễn ra sôi nổi trong gần hai thập kỷ qua nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp thấu suốt.

Những thách thức khác vẫn còn đó. Một trận động đất chính trị đã làm rung chuyển nội bộ Đài Loan. Ngày 17/5 vừa qua, những cuộc ẩu đả và gây gổ đã nổ ra giữa các nhà lập pháp của đảng cầm quyền và đảng đối lập vì họ không thể đạt được thỏa thuận về các dự luật cải cách lập pháp. Đây là “điềm báo” không tốt cho tân tổng thống, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến huấn luyện quân sự, tăng ngân sách quốc phòng quan trọng và đầu tư vào sản xuất vũ khí bản địa để tăng cường khả năng phòng thủ của hòn đảo. Sự mất đoàn kết trong nước trở nên rõ ràng khi các nhà lập pháp từ đảng đối lập - Quốc dân đảng (KMT), cố tình thách thức sự lãnh đạo của chính quyền DPP. Chỉ 2 ngày trước lễ nhậm chức của Lại Thanh Đức, đại diện KMT đã có chuyến viếng thăm đảo Ba Bình (Taiping) - một hòn đảo tranh chấp do Đài Loan kiểm soát nhưng cũng được Trung Quốc, Philippines và Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Trong khi đó, Trung Quốc sẽ thắt chặt các quy định bằng cách phát động các cuộc xâm nhập quân sự và chiến tranh nhận thức chống lại người dân trên đảo, đồng thời cố gắng làm suy yếu chủ quyền của Đài Loan và cướp đi các đồng minh ngoại giao của nước này. Trong khi ông Lại kêu gọi Trung Quốc ngừng “đe dọa chính trị và quân sự”, Văn phòng các vấn đề Đài Loan (TAO) của Bắc Kinh đã đưa ra một tuyên bố chung cảnh báo rằng “Độc lập của Đài Loan” và hòa bình dọc eo biển “không thể hòa giải như lửa và nước” trong những ngày trước lễ nhậm chức của tân Tổng thống Đài Loan. Điều này cho thấy Trung Quốc không hề muốn thực hiện lời kêu gọi của ông Lại. Người phát ngôn của TAO - ông Trần Bân Hoa (Chen Binhua), đã đáp trả bài phát biểu nhậm chức của Lại Thanh Đức, cho rằng đó là “tín hiệu nguy hiểm” từ vị tân tổng thống nhằm tìm kiếm “sự độc lập cho Đài Loan” và kích động các hành động đe dọa sự ổn định xuyên eo biển. Đối với Đài Bắc, những căng thẳng lâu năm với người hàng xóm hống hách sẽ tiếp tục tồn tại, bởi “ngay cả khi chúng tôi chấp nhận toàn bộ lập trường của Trung Quốc và từ bỏ chủ quyền của mình, tham vọng thôn tính Đài Loan của Trung Quốc sẽ không dễ dàng mất đi” - Tổng thống Lại Thanh Đức đã đúng khi cho rằng việc theo đuổi hòa bình cần đi đôi với một tâm thế cảnh giác.

Những nỗ lực tổng thể nhằm chống lại hành vi quấy rối vùng xám của Trung Quốc và tăng cường khả năng phục hồi của Đài Loan trong thời kỳ khủng hoảng chắc chắn cần đến những nỗ lực chung từ các nhà lập pháp tại Viện Lập pháp (tên gọi khác của quốc hội đơn viện của Đài Loan). Tuy nhiên, chính trị đảng phái và sự chia rẽ nội bộ đang làm đau đầu vị Tổng thống vừa nhậm chức, đặc biệt vào thời điểm chính quyền mới cần sự đoàn kết trong nước để thông qua các dự luật và thống nhất quan điểm về chính sách đối ngoại, trong đó bao gồm các chiến lược khả thi để điều hướng mối quan hệ xuyên eo biển trước tình trạng bế tắc hiện nay.

Thay vì trốn tránh thực tế, Tổng thống Lại đã tìm ra một cách khác để ứng phó với những thách thức. Ông cho rằng “việc thiếu đa số tuyệt đối có nghĩa là các đảng cầm quyền và phe đối lập giờ đây đều có thể chia sẻ ý tưởng của mình”. Ông cũng kêu gọi các bên “[đương đầu] với những thách thức của quốc gia như một thể thống nhất”, ý nói rằng các bên ở Đài Loan nên hợp tác để giải quyết những thách thức chung. Đáng chú ý, tân Tổng thống đã “chìa cành ô liu” cho các đảng đối lập khi tuyên bố rằng trong Viện Lập pháp, “đa số nên tôn trọng thiểu số, trong khi thiểu số chấp nhận sự cai trị của đa số”. Ông tiếp tục nói rằng “khi chúng ta đề cao tinh thần ‘con người trên hết’ và ‘quốc gia ở trên đảng’, thì chính sách quốc gia sẽ phát triển một cách thuận lợi và trơn tru.” Những nhận xét và lời kêu gọi cân bằng của ông là những nỗ lực công khai nhằm thúc đẩy sự hòa hợp và hợp tác nội bộ từ các đảng đối lập, vì ở Đài Loan, “lợi ích của người dân là trên hết”.

Về quan hệ đối ngoại, ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của ông Lại nằm ở việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nền dân chủ bằng cách miêu tả Đài Loan như một cấu phần không thể thiếu (sine qua non) nhằm duy trì sự ổn định và thịnh vượng. Chiến lược này được nêu bật trong bài phát biểu nhậm chức của ông. Khi mang lại lợi ích cho cộng đồng toàn cầu, Đài Loan đang nỗ lực để trở nên nổi bật hơn trong tư cách là một nền dân chủ sôi động và là “người đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng cho các nền dân chủ trên thế giới”. Bên cạnh đó, Đài Loan còn có giải pháp khác là tăng cường “sức mạnh răn đe” bằng cách thúc đẩy kế hoạch bốn trụ cột nhằm duy trì hòa bình và ổn định xung quanh hòn đảo, bao gồm tăng cường quốc phòng, cải thiện an ninh kinh tế, thiết lập sự lãnh đạo ổn định và có nguyên tắc xuyên eo biển, cũng như đề cao ngoại giao dựa trên các giá trị. Những nỗ lực hòa bình thực dụng và nhất quán này lần đầu tiên được tân tổng thống Đài Loan nêu lên trong một bài viết trên tờ Wall Street Journal vào năm 2023.

Khi nghiên cứu về sự suy thoái dân chủ và sự trỗi dậy của chủ nghĩa độc tài (chẳng hạn như ở Trung Quốc và Nga), không thể bỏ qua bài phát biểu nhậm chức của Tổng thống Lại Thanh Đức và những hàm ý trong bài phát biểu này. Phát biểu của ông Lại đáng chú ý không chỉ đơn giản vì Đài Loan – một nền dân chủ tự do quan trọng – đã mạnh mẽ đương đầu với sự đàn áp của Bắc Kinh, mà bởi vì khả năng phục hồi của Đài Bắc cho đến nay đã mang lại nhiều lợi ích cho thế giới. Với phương châm “Đài Loan có thể giúp đỡ” (Taiwan Can Help), nền dân chủ vững chắc này đã giúp củng cố hệ thống dân chủ ở châu Á và toàn cầu. Đài Loan đang tiến vào một kỷ nguyên mà Tổng thống Lại Thanh Đức mô tả là “đầy thách thức nhưng cũng tràn đầy hy vọng vô hạn”, và giờ là lúc để kinh nghiệm và tài lãnh đạo của ông được áp dụng vào thực tiễn.

*Ghi chú của VSF: Phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên The Taiwan Insight với tiêu đề “Taiwan’s Future under Lai Ching-te’s Leadership: Democracy, Unity, and Uncertainty”. Bài viết này do đội ngũ VSF dịch với sự chấp thuận của tác giả.

Độc giả có thể tham khảo các dự báo về chính sách của Đài Loan dưới thời tân Tổng thống Lại Thanh Đức trong tập san tháng 3/2024 của VSF với tên gọi “Bước chuyển: Đài Loan dưới thời Lại Thanh Đức”, tại đường dẫn này.

Từ khoá: Đài Loan Lại Thanh Đức đảng Dân tiến Đông Bắc Á

BÀI LIÊN QUAN