Va chạm với tàu tiếp tế của Philippines: Trung Quốc toan tính gì?
Vụ va chạm trên biển giữa Trung Quốc và Philippines không phải là một sự cố “ngoài ý muốn”. Mọi chuyện dường như đã nằm trong toan tính của Bắc Kinh.


Sáng ngày 22/10, cảnh sát biển Philippines cho biết tàu tiếp vận của nước này đã va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc gần bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Bắc Kinh và Manila nhanh chóng “ăn miếng trả miếng”, với các cáo buộc lẫn nhau về ngoại giao, cho rằng đối phương mới là bên “châm ngòi” cho vụ va chạm.
Theo phía Philippines, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã truy cản trái phép các tàu của nước này. Cụ thể, Lực lượng đặc nhiệm của Philippines cho biết “các hành động ngăn chặn nguy hiểm của tàu hải cảnh 5203 của Trung Quốc (CCGV 5203)” là nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ va chạm. Manila cũng chỉ trích “các hành động nguy hiểm, vô trách nhiệm và bất hợp pháp” của Trung Quốc “vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines”.
Philippines nhiều lần gửi hàng tiếp tế cho quân đội nước này đóng trên một chiếc tàu vận tải rỉ sét BRP Sierra Madre bị mắc cạn ở bãi Cỏ Mây. Từ năm 1999, chiếc tàu cũ này được Manila sử dụng như một tiền đồn để duy trì sự hiện diện về quân sự và theo dõi hoạt động của các tàu hải cảnh Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy vậy, đơn vị thủy quân lục chiến của Philippines đồn trú tại đây gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các nguồn tiếp tế thường xuyên từ đất liền.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết “vụ va chạm nhỏ” xảy ra sau khi tàu tiếp tế của Philippines phớt lờ “nhiều cảnh báo và cố tình vượt qua cơ quan thực thi pháp luật [của Trung Quốc] một cách thiếu chuyên nghiệp và nguy hiểm”. Sau khi cho rằng hành động của Manila “đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc quốc tế về tránh va chạm trên biển và đe dọa an toàn hàng hải của các tàu Trung Quốc”, Bắc Kinh khẳng định “trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Philippines”.
Ý đồ của Trung Quốc
Vụ va chạm đã làm hư hại một tàu cảnh sát biển và một tàu tiếp vận vỏ gỗ của Hải quân Philippines, tuy nhiên, không gây thương vong về người. Xem xét tính nghiêm trọng của vụ việc, có thể thấy hành vi của Trung Quốc đối với Philippines mang tính răn đe hơn là “khiêu chiến”. Động thái răn đe lần này có thể được thúc đẩy bởi nhiều tính toán khác nhau của Bắc Kinh.
Đầu tiên, qua việc thực hiện các hoạt động gây trở ngại cho phía Philippines tại Bãi Cỏ Mây, Trung Quốc không những muốn phô trương sức mạnh, mà còn nhằm tái khẳng định yêu sách chủ quyền đối với khu vực này, cũng như hơn 80% diện tích Biển Đông thuộc “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc chủ quyền của quốc gia này.
Bãi Cỏ Mây – khu vực mà Trung Quốc và Philippines tranh chấp gay gắt – cũng là nơi Bắc Kinh thường xuyên triển khai tàu hải cảnh để ngăn chặn các hoạt động tiếp tế từ phía Manila. Trong một dòng tweet trên nền tảng X (trước đây là Twitter), tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times) của Trung Quốc cho hay: “Cảnh sát biển Trung Quốc đã chặn các tàu Philippines xâm phạm vùng biển ngoài khơi bãi Cỏ Mây [Trung Quốc gọi là Ren'ai Reef] của Trung Quốc” và khẳng định “Phía Philippines phải chịu trách nhiệm về những vụ va chạm”.
Trước sự kiện trên, tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đã nhiều lần bị cáo buộc cố tình tấn công các tàu tiếp tế của Philippines. Tuần trước, quân đội Philippines đã yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động “nguy hiểm” sau khi một tàu hải cảnh Trung Quốc cố gắng ngăn chặn một tàu của Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế gần đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị phía Philippines chiếm đóng.
Đáng chú ý, bên cạnh thăm dò phản ứng của Philippines, các hành động của Trung Quốc rất có thể còn nhằm thử thách quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh truyền thống của mình.
Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã trở nên xấu đi, đặc biệt là khi Manila tăng cường hợp tác quân sự với Washington. Mỹ và Philippines khẳng định tính gắn kết của quan hệ đồng minh khi cùng vạch ra các lĩnh vực mà hai bên có thể phối hợp, nhằm tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và thúc đẩy khả năng tương tác để ứng phó với chiến tranh bất đối xứng và các chiến thuật “vùng xám” (gray-zone tactics).
Tuy nhiên, từ đầu tháng 10, mối quan tâm của Mỹ, đặc biệt là về phương diện an ninh, bị chi phối khi nhiều điểm nóng trên thế giới bắt đầu diễn biến phức tạp hơn, từ vấn đề Đài Loan, tình hình Ukraine ở Đông Âu, cho đến cuộc xung đột giữa Israel và tổ chức Hồi giáo Hamas nổ ra gần đây (ngày 7/10) ở Trung Đông. Do đó, vụ va chạm ngày 22/10 có thể là một nước đi mang tính “thử nghiệm” của Bắc Kinh nhằm kiểm tra xem liệu Washington có xao nhãng tình hình an ninh Biển Đông hay không.
Câu trả lời cho Trung Quốc là: Mỹ có quan tâm đến an ninh Biển Đông, thể hiện qua phản ứng ngoại giao của Mỹ ngay sau vụ va chạm. Đại sứ Mỹ tại Philippines MaryKay Carlson đăng trên X, cho biết: “Mỹ lên án sự gián đoạn mới nhất do Trung Quốc gây ra đối với sứ mệnh tiếp tế hợp pháp của Philippines cho bãi cạn Ayungin [tên Philippines dùng cho bãi Cỏ Mây], đe doạ tính mạng của các quân nhân Philippines” và khẳng định Mỹ sẽ “sát cánh” cùng Philippines “trong việc bảo vệ chủ quyền của Philippines và ủng hộ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở”.
Hướng dẫn về Hợp tác Quốc phòng giữa Mỹ và Philippines, được công bố vào tháng 5, nêu rõ “một cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương, bao gồm bất kỳ nơi nào ở Biển Đông”, nhằm vào lực lượng vũ trang lẫn hải cảnh của Philippines, “sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung theo Điều IV và V của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951”. Theo các điều khoản trong Hiệp ước năm 1951, Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu các lực lượng quân sự của nước này bị tấn công. Căn cứ vào những cơ sở đó, một cuộc đối đầu quân sự giữa liên minh Mỹ - Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông rất có thể sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh cố ý gây thương vong về người cho Hải quân hoặc Cảnh sát biển Philippines.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có thể lợi dụng vụ việc nhằm “chuyển lửa ra bên ngoài” trong bối cảnh tình hình nội bộ nước này đang gặp nhiều vấn đề rối ren. Kể từ quý 2 đến nay, Trung Quốc đã và đang trải qua cuộc khủng hoảng kép cả về chính trị và kinh tế.
Bộ máy chính trị của Trung Quốc bị xáo trộn nghiêm trọng khi hai nhân sự cấp cao là Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng lần lượt bị bãi nhiệm vào tháng 7 và tháng 10 vì các bê bối cá nhân. Tính đến thời điểm này, ghế Bộ trưởng Quốc phòng của Trung Quốc vẫn đang bị bỏ trống. Không dừng lại ở đó, ngày 26/10, cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường qua đời vì cơn đau tim đột ngột. Những biến động nhân sự cấp cao ở Bắc Kinh đã làm nảy sinh nghi vấn trong dư luận quốc tế về một cuộc thanh trừng nội bộ của chính quyền Tập Cận Bình.
Trong lúc tình hình chính trị nội bộ bất ổn, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang có nhiều dấu hiệu suy thoái. Sau đợt phục hồi ngắn ngủi trong quý 1, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục quay lại thời kỳ ảm đạm bởi hàng loạt vấn đề: hoạt động xuất khẩu bị đình trệ do nhu cầu toàn cầu suy giảm, tình trạng giảm phát kéo dài, đồng Nhân dân tệ mất giá, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tăng kỷ lục, và thị trường bất động sản lâm vào suy thoái trước nguy cơ vỡ nợ của 2 tập đoàn bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc là Evergrande và Country Garden.
Trước những rối ren như đã bàn ở trên, Trung Quốc có thể đang cố tình gây ra các sự cố đối ngoại để đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề nội bộ - một biện pháp không phải chỉ mới được Bắc Kinh áp dụng lần đầu. Năm 2012, Philippines cũng từng là “nạn nhân” của chiến thuật thổi bùng tranh chấp lãnh hải nhằm “chuyển lửa ra bên ngoài” của Trung Quốc.
Dù ý đồ thực sự của Trung Quốc có là gì, các vụ va chạm thường xuyên giữa lực lượng hàng hải của Trung Quốc và Philippines đang “châm dầu vào lửa” khi làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa hai nước. Hệ quả là, địa chính trị Biển Đông càng bất ổn và nguy cơ xảy ra xung đột cũng gia tăng. Trong trường hợp xấu nhất, Washington có thể bị cuốn vào tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila khi ủng hộ và bảo vệ đồng minh của mình. Một viễn cảnh bi quan sẽ khiến an ninh Biển Đông, nhất là ở khía cạnh lưu thông hàng hải, càng dễ bị tổn thương, và các quốc gia Đông Nam Á sẽ chịu tác động lớn nhất.
Việt Nam có chịu tác động?
Một tuần sau sự cố va chạm tàu giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi Cỏ Mây, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa đưa ra phát ngôn chính thức về vụ việc. Về lý thuyết, bãi Cỏ Mây – dù đang được phía Philipines kiểm soát hiệu quả hơn trên thực địa nhờ sự hiện diện thường trực của tàu BRP Sierra Madre, vẫn nằm trong phạm vi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Sự im lặng của Việt Nam trước những động thái vừa qua của các bên tranh chấp tại bãi Cỏ Mây có thể làm suy giảm tính chính danh của quốc gia trong cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền biển, đảo.
Vì vậy, Việt Nam cần thiết phải đưa ra tuyên bố ngoại giao về những sự cố tương tự vụ việc vừa qua, trong đó tái khẳng định về chủ quyền quốc gia, đồng thời phản đối các hành vi cố ý sử dụng vũ lực nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Các phát ngôn về ngoại giao có thể không tạo ảnh hưởng lớn – vốn có thể vãn hồi xung đột trên thực địa, nhưng chúng vẫn là biện pháp hiệu quả cho đến thời điểm này, nhất là trong việc giúp các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông không bị lãng quên bởi dư luận quốc tế.
Ngoài ra, những vụ đụng độ trên biển gần đây giữa Trung Quốc và Philippines đang đi ngược lại với nội dung Điều 4 của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó nêu rằng “Các Bên liên quan cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán của mình bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”. Sự vi phạm DOC có thể làm chậm lại tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN, vốn đang gây nhiều tranh cãi và chưa có nhiều triển vọng sẽ được ký kết trong năm nay.
Cho đến nay, quá trình đàm phán COC vẫn chưa thật sự có tiến triển tích cực do thiếu sự đồng thuận giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN qua các điều khoản. Thêm vào đó, việc Trung Quốc vẫn còn tham gia vào đàm phán COC được cho là chỉ nhằm mục đích “câu giờ” nhằm giúp Bắc Kinh giữ hoà khí với ASEAN để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác. Do vậy, sau hơn hai thập kỷ từ khi DOC được ký kết (năm 2002), tình hình an ninh Biển Đông vẫn rất phức tạp do thiếu vắng một cơ sở pháp lý đủ sức chế tài và răn đe những hành vi sử dụng vũ lực, đe doạ sử dụng vũ lực của các bên liên quan, mà vụ va chạm giữa Bắc Kinh và Manila là một ví dụ.
Là quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các hành vi cưỡng ép và yêu sách chủ quyền hàng hải phi pháp của Trung Quốc, Việt Nam cần kịp thời nắm bắt những vận động mới ở Biển Đông, trong đó có sự cố vừa qua giữa Bắc Kinh và Manila. Cho dù chịu tác động ít hay nhiều đối với các diễn biến này, Hà Nội cũng cần đưa ra những tuyên bố nhấn mạnh thông điệp đề nghị các bên liên quan tôn trọng DOC, kiềm chế xung đột, đảm bảo không gian hoà bình trên Biển Đông cho các hoạt động tự do giao thương, từ đó đẩy nhanh quá trình đàm phán và ký kết COC trong thời gian sớm nhất.

Sáng ngày 22/10, cảnh sát biển Philippines cho biết tàu tiếp vận của nước này đã va chạm với tàu hải cảnh Trung Quốc gần bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Bắc Kinh và Manila nhanh chóng “ăn miếng trả miếng”, với các cáo buộc lẫn nhau về ngoại giao, cho rằng đối phương mới là bên “châm ngòi” cho vụ va chạm.
Theo phía Philippines, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã truy cản trái phép các tàu của nước này. Cụ thể, Lực lượng đặc nhiệm của Philippines cho biết “các hành động ngăn chặn nguy hiểm của tàu hải cảnh 5203 của Trung Quốc (CCGV 5203)” là nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ va chạm. Manila cũng chỉ trích “các hành động nguy hiểm, vô trách nhiệm và bất hợp pháp” của Trung Quốc “vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines”.
Philippines nhiều lần gửi hàng tiếp tế cho quân đội nước này đóng trên một chiếc tàu vận tải rỉ sét BRP Sierra Madre bị mắc cạn ở bãi Cỏ Mây. Từ năm 1999, chiếc tàu cũ này được Manila sử dụng như một tiền đồn để duy trì sự hiện diện về quân sự và theo dõi hoạt động của các tàu hải cảnh Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy vậy, đơn vị thủy quân lục chiến của Philippines đồn trú tại đây gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các nguồn tiếp tế thường xuyên từ đất liền.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết “vụ va chạm nhỏ” xảy ra sau khi tàu tiếp tế của Philippines phớt lờ “nhiều cảnh báo và cố tình vượt qua cơ quan thực thi pháp luật [của Trung Quốc] một cách thiếu chuyên nghiệp và nguy hiểm”. Sau khi cho rằng hành động của Manila “đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc quốc tế về tránh va chạm trên biển và đe dọa an toàn hàng hải của các tàu Trung Quốc”, Bắc Kinh khẳng định “trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Philippines”.
Ý đồ của Trung Quốc
Vụ va chạm đã làm hư hại một tàu cảnh sát biển và một tàu tiếp vận vỏ gỗ của Hải quân Philippines, tuy nhiên, không gây thương vong về người. Xem xét tính nghiêm trọng của vụ việc, có thể thấy hành vi của Trung Quốc đối với Philippines mang tính răn đe hơn là “khiêu chiến”. Động thái răn đe lần này có thể được thúc đẩy bởi nhiều tính toán khác nhau của Bắc Kinh.
Đầu tiên, qua việc thực hiện các hoạt động gây trở ngại cho phía Philippines tại Bãi Cỏ Mây, Trung Quốc không những muốn phô trương sức mạnh, mà còn nhằm tái khẳng định yêu sách chủ quyền đối với khu vực này, cũng như hơn 80% diện tích Biển Đông thuộc “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc chủ quyền của quốc gia này.
Bãi Cỏ Mây – khu vực mà Trung Quốc và Philippines tranh chấp gay gắt – cũng là nơi Bắc Kinh thường xuyên triển khai tàu hải cảnh để ngăn chặn các hoạt động tiếp tế từ phía Manila. Trong một dòng tweet trên nền tảng X (trước đây là Twitter), tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times) của Trung Quốc cho hay: “Cảnh sát biển Trung Quốc đã chặn các tàu Philippines xâm phạm vùng biển ngoài khơi bãi Cỏ Mây [Trung Quốc gọi là Ren'ai Reef] của Trung Quốc” và khẳng định “Phía Philippines phải chịu trách nhiệm về những vụ va chạm”.
Trước sự kiện trên, tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đã nhiều lần bị cáo buộc cố tình tấn công các tàu tiếp tế của Philippines. Tuần trước, quân đội Philippines đã yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động “nguy hiểm” sau khi một tàu hải cảnh Trung Quốc cố gắng ngăn chặn một tàu của Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế gần đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng đang bị phía Philippines chiếm đóng.
Đáng chú ý, bên cạnh thăm dò phản ứng của Philippines, các hành động của Trung Quốc rất có thể còn nhằm thử thách quyết tâm của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh truyền thống của mình.
Quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã trở nên xấu đi, đặc biệt là khi Manila tăng cường hợp tác quân sự với Washington. Mỹ và Philippines khẳng định tính gắn kết của quan hệ đồng minh khi cùng vạch ra các lĩnh vực mà hai bên có thể phối hợp, nhằm tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và thúc đẩy khả năng tương tác để ứng phó với chiến tranh bất đối xứng và các chiến thuật “vùng xám” (gray-zone tactics).
Tuy nhiên, từ đầu tháng 10, mối quan tâm của Mỹ, đặc biệt là về phương diện an ninh, bị chi phối khi nhiều điểm nóng trên thế giới bắt đầu diễn biến phức tạp hơn, từ vấn đề Đài Loan, tình hình Ukraine ở Đông Âu, cho đến cuộc xung đột giữa Israel và tổ chức Hồi giáo Hamas nổ ra gần đây (ngày 7/10) ở Trung Đông. Do đó, vụ va chạm ngày 22/10 có thể là một nước đi mang tính “thử nghiệm” của Bắc Kinh nhằm kiểm tra xem liệu Washington có xao nhãng tình hình an ninh Biển Đông hay không.
Câu trả lời cho Trung Quốc là: Mỹ có quan tâm đến an ninh Biển Đông, thể hiện qua phản ứng ngoại giao của Mỹ ngay sau vụ va chạm. Đại sứ Mỹ tại Philippines MaryKay Carlson đăng trên X, cho biết: “Mỹ lên án sự gián đoạn mới nhất do Trung Quốc gây ra đối với sứ mệnh tiếp tế hợp pháp của Philippines cho bãi cạn Ayungin [tên Philippines dùng cho bãi Cỏ Mây], đe doạ tính mạng của các quân nhân Philippines” và khẳng định Mỹ sẽ “sát cánh” cùng Philippines “trong việc bảo vệ chủ quyền của Philippines và ủng hộ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở”.
Hướng dẫn về Hợp tác Quốc phòng giữa Mỹ và Philippines, được công bố vào tháng 5, nêu rõ “một cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương, bao gồm bất kỳ nơi nào ở Biển Đông”, nhằm vào lực lượng vũ trang lẫn hải cảnh của Philippines, “sẽ kích hoạt các cam kết phòng thủ chung theo Điều IV và V của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951”. Theo các điều khoản trong Hiệp ước năm 1951, Mỹ sẽ bảo vệ Philippines nếu các lực lượng quân sự của nước này bị tấn công. Căn cứ vào những cơ sở đó, một cuộc đối đầu quân sự giữa liên minh Mỹ - Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông rất có thể sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh cố ý gây thương vong về người cho Hải quân hoặc Cảnh sát biển Philippines.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có thể lợi dụng vụ việc nhằm “chuyển lửa ra bên ngoài” trong bối cảnh tình hình nội bộ nước này đang gặp nhiều vấn đề rối ren. Kể từ quý 2 đến nay, Trung Quốc đã và đang trải qua cuộc khủng hoảng kép cả về chính trị và kinh tế.
Bộ máy chính trị của Trung Quốc bị xáo trộn nghiêm trọng khi hai nhân sự cấp cao là Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng lần lượt bị bãi nhiệm vào tháng 7 và tháng 10 vì các bê bối cá nhân. Tính đến thời điểm này, ghế Bộ trưởng Quốc phòng của Trung Quốc vẫn đang bị bỏ trống. Không dừng lại ở đó, ngày 26/10, cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường qua đời vì cơn đau tim đột ngột. Những biến động nhân sự cấp cao ở Bắc Kinh đã làm nảy sinh nghi vấn trong dư luận quốc tế về một cuộc thanh trừng nội bộ của chính quyền Tập Cận Bình.
Trong lúc tình hình chính trị nội bộ bất ổn, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang có nhiều dấu hiệu suy thoái. Sau đợt phục hồi ngắn ngủi trong quý 1, nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục quay lại thời kỳ ảm đạm bởi hàng loạt vấn đề: hoạt động xuất khẩu bị đình trệ do nhu cầu toàn cầu suy giảm, tình trạng giảm phát kéo dài, đồng Nhân dân tệ mất giá, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tăng kỷ lục, và thị trường bất động sản lâm vào suy thoái trước nguy cơ vỡ nợ của 2 tập đoàn bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc là Evergrande và Country Garden.
Trước những rối ren như đã bàn ở trên, Trung Quốc có thể đang cố tình gây ra các sự cố đối ngoại để đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề nội bộ - một biện pháp không phải chỉ mới được Bắc Kinh áp dụng lần đầu. Năm 2012, Philippines cũng từng là “nạn nhân” của chiến thuật thổi bùng tranh chấp lãnh hải nhằm “chuyển lửa ra bên ngoài” của Trung Quốc.
Dù ý đồ thực sự của Trung Quốc có là gì, các vụ va chạm thường xuyên giữa lực lượng hàng hải của Trung Quốc và Philippines đang “châm dầu vào lửa” khi làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa hai nước. Hệ quả là, địa chính trị Biển Đông càng bất ổn và nguy cơ xảy ra xung đột cũng gia tăng. Trong trường hợp xấu nhất, Washington có thể bị cuốn vào tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila khi ủng hộ và bảo vệ đồng minh của mình. Một viễn cảnh bi quan sẽ khiến an ninh Biển Đông, nhất là ở khía cạnh lưu thông hàng hải, càng dễ bị tổn thương, và các quốc gia Đông Nam Á sẽ chịu tác động lớn nhất.
Việt Nam có chịu tác động?
Một tuần sau sự cố va chạm tàu giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi Cỏ Mây, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa đưa ra phát ngôn chính thức về vụ việc. Về lý thuyết, bãi Cỏ Mây – dù đang được phía Philipines kiểm soát hiệu quả hơn trên thực địa nhờ sự hiện diện thường trực của tàu BRP Sierra Madre, vẫn nằm trong phạm vi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Sự im lặng của Việt Nam trước những động thái vừa qua của các bên tranh chấp tại bãi Cỏ Mây có thể làm suy giảm tính chính danh của quốc gia trong cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền biển, đảo.
Vì vậy, Việt Nam cần thiết phải đưa ra tuyên bố ngoại giao về những sự cố tương tự vụ việc vừa qua, trong đó tái khẳng định về chủ quyền quốc gia, đồng thời phản đối các hành vi cố ý sử dụng vũ lực nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông. Các phát ngôn về ngoại giao có thể không tạo ảnh hưởng lớn – vốn có thể vãn hồi xung đột trên thực địa, nhưng chúng vẫn là biện pháp hiệu quả cho đến thời điểm này, nhất là trong việc giúp các tuyên bố chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông không bị lãng quên bởi dư luận quốc tế.
Ngoài ra, những vụ đụng độ trên biển gần đây giữa Trung Quốc và Philippines đang đi ngược lại với nội dung Điều 4 của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó nêu rằng “Các Bên liên quan cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán của mình bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”. Sự vi phạm DOC có thể làm chậm lại tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN, vốn đang gây nhiều tranh cãi và chưa có nhiều triển vọng sẽ được ký kết trong năm nay.
Cho đến nay, quá trình đàm phán COC vẫn chưa thật sự có tiến triển tích cực do thiếu sự đồng thuận giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN qua các điều khoản. Thêm vào đó, việc Trung Quốc vẫn còn tham gia vào đàm phán COC được cho là chỉ nhằm mục đích “câu giờ” nhằm giúp Bắc Kinh giữ hoà khí với ASEAN để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác. Do vậy, sau hơn hai thập kỷ từ khi DOC được ký kết (năm 2002), tình hình an ninh Biển Đông vẫn rất phức tạp do thiếu vắng một cơ sở pháp lý đủ sức chế tài và răn đe những hành vi sử dụng vũ lực, đe doạ sử dụng vũ lực của các bên liên quan, mà vụ va chạm giữa Bắc Kinh và Manila là một ví dụ.
Là quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các hành vi cưỡng ép và yêu sách chủ quyền hàng hải phi pháp của Trung Quốc, Việt Nam cần kịp thời nắm bắt những vận động mới ở Biển Đông, trong đó có sự cố vừa qua giữa Bắc Kinh và Manila. Cho dù chịu tác động ít hay nhiều đối với các diễn biến này, Hà Nội cũng cần đưa ra những tuyên bố nhấn mạnh thông điệp đề nghị các bên liên quan tôn trọng DOC, kiềm chế xung đột, đảm bảo không gian hoà bình trên Biển Đông cho các hoạt động tự do giao thương, từ đó đẩy nhanh quá trình đàm phán và ký kết COC trong thời gian sớm nhất.
Từ khoá: va chạm tàu tranh chấp Biển Đông Trung Quốc Philippines liên minh Mỹ - Philippines COC DOC