Kinh tế   20/11/2023

Chiến tranh Israel – Hamas thách thức xuất khẩu của Việt Nam

Chiến tranh Israel – Hamas leo thang có thể tác động tiêu cực đến tình hình xuất khẩu vốn đang ảm đạm của Việt Nam.

Đào Gia Chi

20/11/2023
Image
Đống đổ nát trong trại Jabalia ở thành phố Gaza, nơi xảy ra chiến sự giữa Israel và Hamas, ngày 11/10/2023 - (C): Mahmud Hams/AFP/Getty Images

Bên cạnh đầu tư và tiêu dùng, xuất khẩu là động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Sau hơn hai thập kỷ (2000 - 2022), tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng từ 40% lên 70%, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu (có cán cân thương mại nghiêng về xuất khẩu hơn nhập khẩu). Hoạt động xuất khẩu mạnh có thể giúp Việt Nam gia tăng thu nhập quốc gia và củng cố vị thế cạnh tranh về hàng hoá và dịch vụ. Đồng thời, tăng cường xuất khẩu cũng giúp Hà Nội thúc đẩy quan hệ thương mại với các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy vậy, sang năm 2023, tình hình xuất khẩu của Việt Nam trở nên khá ảm đạm bởi tác động của sự suy giảm tổng cầu tiêu dùng trên toàn cầu. Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong cả năm 2023 là 6,5% và tăng trưởng xuất khẩu 6%. Tuy nhiên, cả hai mục tiêu trên đều đang chịu thách thức lớn. Sau nhiều tháng đầu năm trải qua tình trạng xuất khẩu yếu, hoạt động xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam có dấu hiệu phục hồi vào đầu quý 4, khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất khẩu tăng 5,9%; nhập khẩu tăng 5,2%). Song, nếu tính từ đầu năm đến giữa tháng 10, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ mới đạt 272,8 tỷ USD, giảm hơn 24 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm 2023, cũng như mục tiêu mới là tăng trưởng ở mức 6 - 6,5% vào năm 2024 trong bối cảnh tổng tiêu dùng toàn cầu vẫn còn yếu, thì việc mở rộng xuất khẩu sang những thị trường mới, bên cạnh các thị trường trọng điểm trước nay của Việt Nam như Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU), là rất quan trọng. Trong đó, Trung Đông (khu vực gồm các quốc gia Tây Á, Tây Nam Á, Trung Á và Bắc Phi) và châu Phi là những địa bàn giàu tiềm năng mà Việt Nam cần chú ý để đa dạng hoá hoạt động xuất khẩu. Do vậy, những căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông hiện nay, cụ thể là chiến tranh Israel - Hamas, có thể cản trở mục tiêu mở rộng xuất khẩu của Việt Nam.

Israel biến động: Khe cửa sang thị trường Trung Đông và châu Phi đang hẹp hơn

Sau khi Hamas - lực lượng Hồi giáo người Palestine, phát động cuộc tấn công lớn nhất trong nhiều năm qua vào Israel (ngày 7/10), cuộc chiến đang leo thang bởi sự đáp trả mạnh mẽ của quân đội Israel, thậm chí có nguy cơ lan rộng. Trong bối cảnh đó, tác động trước mắt và trực tiếp nhất của cuộc chiến là con đường xuất khẩu từ Việt Nam sang Israel sẽ bị cản trở.

Là quốc gia đã duy trì quan hệ qua ba thập kỷ với Israel, Việt Nam - dù mức độ còn khiêm tốn - vẫn phần nào chịu tác động kinh tế bởi cuộc chiến. Hiện tại, tác động trực tiếp của chiến tranh Israel - Hamas đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được cho là không lớn vì Israel chỉ chiếm 0,2% xuất khẩu và 0,4% nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022. Tuy nhiên, nếu xem xét dung lượng thị trường với quy mô hơn 9 triệu dân của Israel, kim ngạch xuất khẩu 785,7 triệu USD của Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ khá cao.

Bên cạnh đó, vào năm 2022, Israel là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Tây Á, sau Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến trước khi chiến tranh nổ ra, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Israel được hứa hẹn sẽ bứt phá nhờ việc hai nước ký kết Hiệp định Thương mại tự do (VIFTA) vào ngày 25/7. Bất ổn địa chính trị ở Israel có thể làm “đóng băng” triển vọng hợp tác vừa chớm nở.

Không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam, Israel còn là cửa ngõ quan trọng để hàng hoá Việt Nam du nhập vào các thị trường khác ở Trung Đông và châu Phi. Bên cạnh Israel, một số quốc gia khác ở Trung Đông như Kuwait, Qatar, và UAE là các thị trường triển vọng với tỷ lệ dân số gia tăng nhanh chóng và thu nhập bình quân đầu người ở mức khá cao (khoảng 15.000 USD, cao hơn mức trung bình 12.000 USD của thế giới). Với quy mô dân số trẻ nhất và đang tăng nhanh nhất thế giới, dự kiến chiếm 25% dân số toàn cầu trong thế kỷ tới, châu Phi là thị trường tiêu dùng đầy hứa hẹn cho xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, hoà bình và ổn định ở Israel cũng như ở Trung Đông, châu Phi có ý nghĩa rất quan trọng đối với mục tiêu đa dạng hoá thị trường xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam.

 Khả năng tham chiến của Iran: Rủi ro tăng giá dầu, tác động đến xuất khẩu 

Những cuộc không kích trả đũa gay gắt của Israel đối với lực lượng Hamas có thể kích động sự đáp trả từ các quốc gia Hồi giáo lẫn các quốc gia thuộc khối Ả Rập, trong đó đáng quan ngại nhất là Iran. Một khi Iran - nhà cung cấp dầu thô lớn thứ ba trên thế giới, tham chiến thì giá dầu toàn cầu có thể biến động mạnh.

Lịch sử ghi nhận rằng hầu hết những cuộc xung đột xảy ra ở Trung Đông có sự tham gia của các quốc gia thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như Iran, Iraq, Kuwait, Arab Saudi, đều dẫn đến tình trạng giá dầu tăng đột biến, bởi khu vực này chiếm gần 1/3 nguồn cung dầu toàn cầu. Một số ví dụ như cuộc cách mạng Iran (1978 - 1979), chiến tranh Iran - Iraq (1980 - 1988), chiến tranh vùng Vịnh (1990 - 1991),... Bất kỳ sự bất ổn nào ở đây cũng có thể tạo nên những lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu. Sau đợt tăng ngắn ngày khi chiến tranh Israel - Hamas nổ ra, giá dầu hiện tại vẫn đang trên đà giảm. Tuy nhiên, diễn biến phía trước vẫn rất khó đoán định, trong đó không loại trừ khả năng Iran bị kéo vào cuộc chiến.

Đến nay, quân đội Israel không chỉ phản công Hamas mà còn mở rộng tấn công vào các mục tiêu thuộc phạm vi kiểm soát của lực lượng dân quân Hezbollah ở miền nam Lebanon và mũi tấn công này đang có dấu hiệu leo thang. Trước các hoạt động vũ trang quyết liệt của Israel nhằm vào cả Hamas và Hezbollah - đều là những lực lượng Hồi giáo do Iran hậu thuẫn, quan ngại về khả năng Iran tham chiến là có cơ sở. Đó là chưa kể, quan hệ Israel - Iran đã chuyển từ bạn bè thành thù địch kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979. Cuối tháng trước, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cũng đã cảnh báo rằng việc Israel bắn phá dải Gaza có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, và nếu Israel không dừng lại các cuộc không kích, “rất có thể nhiều mặt trận khác sẽ được mở ra”.

Nếu Iran bị kéo vào cuộc chiến, tuyến đường vận chuyển dầu huyết mạch qua eo biển Hormuz (nằm ở giữa bán đảo Musandam của Oman và cảng Bandar Abbas của Iran) ra thế giới có thể bị phong toả. Thậm chí, kể cả khi Iran chưa trực tiếp tham chiến, một số nhà quan sát cho rằng chiến tranh Israel - Hamas có thể khiến Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, từ đó khiến Tehran tiến hành trả đũa đối với các tàu đi qua eo biển Hormuz. Hormuz là eo biển có ý nghĩa chiến lược quan trọng, với khoảng 1/5 tổng lượng tiêu thụ dầu của thế giới được vận chuyển qua eo biển này mỗi ngày. Nếu kịch bản phong toả eo biển này xảy ra, giá năng lượng toàn cầu có khả năng sẽ tăng vọt.

Về phía Việt Nam, sự biến động của giá dầu sẽ tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu, nhất là khi quốc gia này đang ngày càng phụ thuộc hơn vào nguồn cung năng lượng bên ngoài. Giá dầu tăng không chỉ ảnh hưởng đến giá vận tải hàng hoá mà còn ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, việc phòng bị kỹ lưỡng trước những kịch bản xấu hơn từ cuộc chiến, như tăng dự trữ dầu, tiết kiệm dầu trong sản xuất và tiêu dùng, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng,... có thể giúp đảm bảo an ninh năng lượng và hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

 Kịch bản chiến tranh lan rộng: Suy giảm tiêu dùng và đầu tư toàn cầu tác động đến xuất khẩu 

Chỉ ba ngày sau khi cuộc chiến nổ ra, quân đội Israel đã tấn công cửa khẩu Rafah ở vùng biên giới giữa Gaza và Ai Cập ba lần liên tiếp trong vòng 24 giờ. Chưa dừng lại ở đó, Tel Aviv được cho là đang âm thầm kêu gọi một số lượng lớn người dân Palestine sống trên dải Gaza - vốn là lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát hợp pháp của chính quyền Palestine, di dời sang Ai Cập. Hành động của Israel làm dấy lên lo ngại rằng Ai Cập sẽ trở thành nơi tiếp nhận vĩnh viễn những người Palestine bị trục xuất khỏi dải Gaza, và là bước đệm để Israel đạt được ý đồ chiếm lấy dải đất này. Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sisi - một trong những người thẳng thắn bác bỏ ý tưởng trên của Israel, hôm 15/10 đã phát biểu rằng, hành vi của Israel ở Gaza đã “vượt quá quyền tự vệ”.

Hành vi cố ý leo thang xung đột và “chĩa mũi dùi” về Ai Cập của Israel có thể đẩy Ai Cập thành quốc gia thứ hai tham gia vào cuộc chiến ở Trung Đông. Ngoài ra, không chỉ Iran và Ai Cập, Lebanon, Syria, và Qatar là ba quốc gia liên đới khác được dự đoán có khả năng “bất đắc dĩ” sa chân vào cuộc chiến này.

Hai nền kinh tế (Israel và Palestine) lao vào chiến tranh có thể ảnh hưởng không đáng kể đến thị trường toàn cầu; nhưng khi có đến bảy nền kinh tế, dù không lớn, vướng vào xung đột, thì những tác động sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Chưa kể trong số đó, Iran là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ ba, Ai Cập nằm trong nhóm 10 quốc gia sản xuất một số loại nông sản (cam, khoai tây, chà là,...) lớn nhất, và Qatar là nhà cung cấp khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) lớn nhất trên toàn cầu. Kịch bản chiến tranh Israel - Hamas lan rộng sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới vốn đã lao đao vì nhiều “cú sốc” trong thời gian qua.

Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, những biến động địa chính trị có tính chất vũ trang - như chiến tranh Nga - Ukraine và giờ đây là chiến tranh Israel - Hamas, thường có xu hướng tạo nên sự phòng thủ kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Cụ thể, các cá nhân và doanh nghiệp sẽ trở nên thận trọng hơn về chi tiêu và đầu tư. Tâm lý lo sợ khủng hoảng khiến con người thắt chặt chi tiêu, từ đó khiến tổng cầu tiêu dùng giảm. Về đầu tư, các công ty đa quốc gia thường có xu hướng hồi hướng dòng đầu tư về trong nước hoặc các quốc gia lân cận để phòng ngừa rủi ro. Trong vòng xoáy hạ nhiệt tiêu dùng và đầu tư toàn cầu đó, một nền kinh tế có độ mở rất lớn như Việt Nam không thể không bị ảnh hưởng.

Nguy cơ xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục suy giảm vì tổng cầu tiêu dùng suy yếu - như xu hướng trước nay, đã trở nên rõ ràng. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn, xuất khẩu của Việt Nam hiện phụ thuộc chủ yếu vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - chiếm hơn 76% tổng kim ngạch. Vì vậy, triển vọng phục hồi xuất khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc đáng kể vào các nguồn đầu tư mới. Do đó, xu hướng thu hẹp hoạt động đầu tư của các công ty toàn cầu vì lo ngại hệ quả kinh tế lan toả từ chiến tranh Israel - Hamas có thể ảnh hưởng đến triển vọng kêu gọi FDI từ các đối tác nước ngoài vào Việt Nam.

Qua những phân tích trên, có thể thấy khả năng leo thang chiến sự ở Trung Đông thực sự có tác động nhiều mặt đến mục tiêu phục hồi xuất khẩu, và rộng hơn là phục hồi kinh tế cho Việt Nam trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19. Tuy các kịch bản hiện nay về cuộc chiến đều chưa thật sự rõ ràng nhưng Hà Nội vẫn cần tiếp tục theo dõi diễn biến sắp tới với tất cả sự thận trọng cần thiết, nhằm kịp thời chuẩn bị để ứng phó với những hậu quả kinh tế trước mắt và lâu dài của cuộc chiến này đối với nền kinh tế quốc gia.

Bên cạnh đầu tư và tiêu dùng, xuất khẩu là động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Sau hơn hai thập kỷ (2000 - 2022), tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng từ 40% lên 70%, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu (có cán cân thương mại nghiêng về xuất khẩu hơn nhập khẩu). Hoạt động xuất khẩu mạnh có thể giúp Việt Nam gia tăng thu nhập quốc gia và củng cố vị thế cạnh tranh về hàng hoá và dịch vụ. Đồng thời, tăng cường xuất khẩu cũng giúp Hà Nội thúc đẩy quan hệ thương mại với các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy vậy, sang năm 2023, tình hình xuất khẩu của Việt Nam trở nên khá ảm đạm bởi tác động của sự suy giảm tổng cầu tiêu dùng trên toàn cầu. Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong cả năm 2023 là 6,5% và tăng trưởng xuất khẩu 6%. Tuy nhiên, cả hai mục tiêu trên đều đang chịu thách thức lớn. Sau nhiều tháng đầu năm trải qua tình trạng xuất khẩu yếu, hoạt động xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam có dấu hiệu phục hồi vào đầu quý 4, khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất khẩu tăng 5,9%; nhập khẩu tăng 5,2%). Song, nếu tính từ đầu năm đến giữa tháng 10, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ mới đạt 272,8 tỷ USD, giảm hơn 24 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm 2023, cũng như mục tiêu mới là tăng trưởng ở mức 6 - 6,5% vào năm 2024 trong bối cảnh tổng tiêu dùng toàn cầu vẫn còn yếu, thì việc mở rộng xuất khẩu sang những thị trường mới, bên cạnh các thị trường trọng điểm trước nay của Việt Nam như Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU), là rất quan trọng. Trong đó, Trung Đông (khu vực gồm các quốc gia Tây Á, Tây Nam Á, Trung Á và Bắc Phi) và châu Phi là những địa bàn giàu tiềm năng mà Việt Nam cần chú ý để đa dạng hoá hoạt động xuất khẩu. Do vậy, những căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông hiện nay, cụ thể là chiến tranh Israel - Hamas, có thể cản trở mục tiêu mở rộng xuất khẩu của Việt Nam.

Israel biến động: Khe cửa sang thị trường Trung Đông và châu Phi đang hẹp hơn

Sau khi Hamas - lực lượng Hồi giáo người Palestine, phát động cuộc tấn công lớn nhất trong nhiều năm qua vào Israel (ngày 7/10), cuộc chiến đang leo thang bởi sự đáp trả mạnh mẽ của quân đội Israel, thậm chí có nguy cơ lan rộng. Trong bối cảnh đó, tác động trước mắt và trực tiếp nhất của cuộc chiến là con đường xuất khẩu từ Việt Nam sang Israel sẽ bị cản trở.

Là quốc gia đã duy trì quan hệ qua ba thập kỷ với Israel, Việt Nam - dù mức độ còn khiêm tốn - vẫn phần nào chịu tác động kinh tế bởi cuộc chiến. Hiện tại, tác động trực tiếp của chiến tranh Israel - Hamas đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được cho là không lớn vì Israel chỉ chiếm 0,2% xuất khẩu và 0,4% nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022. Tuy nhiên, nếu xem xét dung lượng thị trường với quy mô hơn 9 triệu dân của Israel, kim ngạch xuất khẩu 785,7 triệu USD của Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ khá cao.

Bên cạnh đó, vào năm 2022, Israel là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Tây Á, sau Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến trước khi chiến tranh nổ ra, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Israel được hứa hẹn sẽ bứt phá nhờ việc hai nước ký kết Hiệp định Thương mại tự do (VIFTA) vào ngày 25/7. Bất ổn địa chính trị ở Israel có thể làm “đóng băng” triển vọng hợp tác vừa chớm nở.

Không chỉ là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam, Israel còn là cửa ngõ quan trọng để hàng hoá Việt Nam du nhập vào các thị trường khác ở Trung Đông và châu Phi. Bên cạnh Israel, một số quốc gia khác ở Trung Đông như Kuwait, Qatar, và UAE là các thị trường triển vọng với tỷ lệ dân số gia tăng nhanh chóng và thu nhập bình quân đầu người ở mức khá cao (khoảng 15.000 USD, cao hơn mức trung bình 12.000 USD của thế giới). Với quy mô dân số trẻ nhất và đang tăng nhanh nhất thế giới, dự kiến chiếm 25% dân số toàn cầu trong thế kỷ tới, châu Phi là thị trường tiêu dùng đầy hứa hẹn cho xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, hoà bình và ổn định ở Israel cũng như ở Trung Đông, châu Phi có ý nghĩa rất quan trọng đối với mục tiêu đa dạng hoá thị trường xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam.

 Khả năng tham chiến của Iran: Rủi ro tăng giá dầu, tác động đến xuất khẩu 

Những cuộc không kích trả đũa gay gắt của Israel đối với lực lượng Hamas có thể kích động sự đáp trả từ các quốc gia Hồi giáo lẫn các quốc gia thuộc khối Ả Rập, trong đó đáng quan ngại nhất là Iran. Một khi Iran - nhà cung cấp dầu thô lớn thứ ba trên thế giới, tham chiến thì giá dầu toàn cầu có thể biến động mạnh.

Lịch sử ghi nhận rằng hầu hết những cuộc xung đột xảy ra ở Trung Đông có sự tham gia của các quốc gia thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như Iran, Iraq, Kuwait, Arab Saudi, đều dẫn đến tình trạng giá dầu tăng đột biến, bởi khu vực này chiếm gần 1/3 nguồn cung dầu toàn cầu. Một số ví dụ như cuộc cách mạng Iran (1978 - 1979), chiến tranh Iran - Iraq (1980 - 1988), chiến tranh vùng Vịnh (1990 - 1991),... Bất kỳ sự bất ổn nào ở đây cũng có thể tạo nên những lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu toàn cầu. Sau đợt tăng ngắn ngày khi chiến tranh Israel - Hamas nổ ra, giá dầu hiện tại vẫn đang trên đà giảm. Tuy nhiên, diễn biến phía trước vẫn rất khó đoán định, trong đó không loại trừ khả năng Iran bị kéo vào cuộc chiến.

Đến nay, quân đội Israel không chỉ phản công Hamas mà còn mở rộng tấn công vào các mục tiêu thuộc phạm vi kiểm soát của lực lượng dân quân Hezbollah ở miền nam Lebanon và mũi tấn công này đang có dấu hiệu leo thang. Trước các hoạt động vũ trang quyết liệt của Israel nhằm vào cả Hamas và Hezbollah - đều là những lực lượng Hồi giáo do Iran hậu thuẫn, quan ngại về khả năng Iran tham chiến là có cơ sở. Đó là chưa kể, quan hệ Israel - Iran đã chuyển từ bạn bè thành thù địch kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran năm 1979. Cuối tháng trước, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cũng đã cảnh báo rằng việc Israel bắn phá dải Gaza có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, và nếu Israel không dừng lại các cuộc không kích, “rất có thể nhiều mặt trận khác sẽ được mở ra”.

Nếu Iran bị kéo vào cuộc chiến, tuyến đường vận chuyển dầu huyết mạch qua eo biển Hormuz (nằm ở giữa bán đảo Musandam của Oman và cảng Bandar Abbas của Iran) ra thế giới có thể bị phong toả. Thậm chí, kể cả khi Iran chưa trực tiếp tham chiến, một số nhà quan sát cho rằng chiến tranh Israel - Hamas có thể khiến Mỹ thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran, từ đó khiến Tehran tiến hành trả đũa đối với các tàu đi qua eo biển Hormuz. Hormuz là eo biển có ý nghĩa chiến lược quan trọng, với khoảng 1/5 tổng lượng tiêu thụ dầu của thế giới được vận chuyển qua eo biển này mỗi ngày. Nếu kịch bản phong toả eo biển này xảy ra, giá năng lượng toàn cầu có khả năng sẽ tăng vọt.

Về phía Việt Nam, sự biến động của giá dầu sẽ tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu, nhất là khi quốc gia này đang ngày càng phụ thuộc hơn vào nguồn cung năng lượng bên ngoài. Giá dầu tăng không chỉ ảnh hưởng đến giá vận tải hàng hoá mà còn ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, việc phòng bị kỹ lưỡng trước những kịch bản xấu hơn từ cuộc chiến, như tăng dự trữ dầu, tiết kiệm dầu trong sản xuất và tiêu dùng, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng,... có thể giúp đảm bảo an ninh năng lượng và hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.

 Kịch bản chiến tranh lan rộng: Suy giảm tiêu dùng và đầu tư toàn cầu tác động đến xuất khẩu 

Chỉ ba ngày sau khi cuộc chiến nổ ra, quân đội Israel đã tấn công cửa khẩu Rafah ở vùng biên giới giữa Gaza và Ai Cập ba lần liên tiếp trong vòng 24 giờ. Chưa dừng lại ở đó, Tel Aviv được cho là đang âm thầm kêu gọi một số lượng lớn người dân Palestine sống trên dải Gaza - vốn là lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát hợp pháp của chính quyền Palestine, di dời sang Ai Cập. Hành động của Israel làm dấy lên lo ngại rằng Ai Cập sẽ trở thành nơi tiếp nhận vĩnh viễn những người Palestine bị trục xuất khỏi dải Gaza, và là bước đệm để Israel đạt được ý đồ chiếm lấy dải đất này. Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sisi - một trong những người thẳng thắn bác bỏ ý tưởng trên của Israel, hôm 15/10 đã phát biểu rằng, hành vi của Israel ở Gaza đã “vượt quá quyền tự vệ”.

Hành vi cố ý leo thang xung đột và “chĩa mũi dùi” về Ai Cập của Israel có thể đẩy Ai Cập thành quốc gia thứ hai tham gia vào cuộc chiến ở Trung Đông. Ngoài ra, không chỉ Iran và Ai Cập, Lebanon, Syria, và Qatar là ba quốc gia liên đới khác được dự đoán có khả năng “bất đắc dĩ” sa chân vào cuộc chiến này.

Hai nền kinh tế (Israel và Palestine) lao vào chiến tranh có thể ảnh hưởng không đáng kể đến thị trường toàn cầu; nhưng khi có đến bảy nền kinh tế, dù không lớn, vướng vào xung đột, thì những tác động sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Chưa kể trong số đó, Iran là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ ba, Ai Cập nằm trong nhóm 10 quốc gia sản xuất một số loại nông sản (cam, khoai tây, chà là,...) lớn nhất, và Qatar là nhà cung cấp khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) lớn nhất trên toàn cầu. Kịch bản chiến tranh Israel - Hamas lan rộng sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới vốn đã lao đao vì nhiều “cú sốc” trong thời gian qua.

Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, những biến động địa chính trị có tính chất vũ trang - như chiến tranh Nga - Ukraine và giờ đây là chiến tranh Israel - Hamas, thường có xu hướng tạo nên sự phòng thủ kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Cụ thể, các cá nhân và doanh nghiệp sẽ trở nên thận trọng hơn về chi tiêu và đầu tư. Tâm lý lo sợ khủng hoảng khiến con người thắt chặt chi tiêu, từ đó khiến tổng cầu tiêu dùng giảm. Về đầu tư, các công ty đa quốc gia thường có xu hướng hồi hướng dòng đầu tư về trong nước hoặc các quốc gia lân cận để phòng ngừa rủi ro. Trong vòng xoáy hạ nhiệt tiêu dùng và đầu tư toàn cầu đó, một nền kinh tế có độ mở rất lớn như Việt Nam không thể không bị ảnh hưởng.

Nguy cơ xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục suy giảm vì tổng cầu tiêu dùng suy yếu - như xu hướng trước nay, đã trở nên rõ ràng. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn, xuất khẩu của Việt Nam hiện phụ thuộc chủ yếu vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - chiếm hơn 76% tổng kim ngạch. Vì vậy, triển vọng phục hồi xuất khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc đáng kể vào các nguồn đầu tư mới. Do đó, xu hướng thu hẹp hoạt động đầu tư của các công ty toàn cầu vì lo ngại hệ quả kinh tế lan toả từ chiến tranh Israel - Hamas có thể ảnh hưởng đến triển vọng kêu gọi FDI từ các đối tác nước ngoài vào Việt Nam.

Qua những phân tích trên, có thể thấy khả năng leo thang chiến sự ở Trung Đông thực sự có tác động nhiều mặt đến mục tiêu phục hồi xuất khẩu, và rộng hơn là phục hồi kinh tế cho Việt Nam trong giai đoạn hậu đại dịch Covid-19. Tuy các kịch bản hiện nay về cuộc chiến đều chưa thật sự rõ ràng nhưng Hà Nội vẫn cần tiếp tục theo dõi diễn biến sắp tới với tất cả sự thận trọng cần thiết, nhằm kịp thời chuẩn bị để ứng phó với những hậu quả kinh tế trước mắt và lâu dài của cuộc chiến này đối với nền kinh tế quốc gia.

Từ khoá: chiến tranh Israel - Hamas kinh tế Việt Nam xuất nhập khẩu Israel Trung Đông

BÀI LIÊN QUAN