Vào ngày 13/7/2000, Mỹ đã ký Hiệp định Thương mại Song phương với Việt Nam (BTA) (có hiệu lực từ ngày 10/12/2001), qua đó chấp nhận áp dụng Quy chế Tối huệ quốc (Most Favoured Nation) với quốc gia Đông Nam Á. Theo quy chế này, các đối tác thương mại nước ngoài được đối xử bình đẳng về thương mại trên lãnh thổ một nước thứ ba.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Mỹ vẫn xem Việt Nam là “nền kinh tế phi thị trường” (non-market economy). Động thái phân loại dẫn đến việc Mỹ nghi ngờ rằng việc sử dụng chi phí và giá cả tại Việt Nam có thể không hợp lý, gây bất lợi cho nước nhập khẩu (tức Mỹ). Hậu quả, Hà Nội dễ gặp bất lợi nếu vướng vào các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Theo mục A, khoản 18, Điều 771 thuộc Đạo luật Thuế quan năm 1930 của Mỹ, “nền kinh tế phi thị trường có nghĩa là bất kỳ quốc gia nước ngoài nào mà Bộ Thương mại Mỹ xác định không tuân thủ các nguyên tắc thị trường liên quan đến chi phí hoặc giá cả, dẫn đến việc bán hàng hóa trong quốc gia đó không phản ánh được giá trị hợp lý của chúng”. Bên cạnh Việt Nam, 11 nước bị liệt vào nhóm các kinh tế phi thị trường là Armenia, Azerbaijan, Belarus, Trung Quốc, Georgia, Kyrgyzstan, Moldova, Nga, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.
Khi xem xét công nhận một quốc gia là nền kinh tế thị trường, Mỹ sẽ dựa trên sáu tiêu chí được quy định trong mục B, khoản 18, Điều 771 thuộc Đạo luật Thuế quan năm 1930. Cụ thể, các nội dung đó là (1) mức độ chuyển đổi của đồng tiền; (2) quá trình đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; (3) mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; (4) vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; (5) mức độ kiểm soát của chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; (6) các yếu tố khác mà cơ quan quản lý cho là phù hợp.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực để được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, qua đó đòi lại sức cạnh tranh công bằng hơn cho hàng xuất khẩu. Đến ngày 8/9/2023 (ngay trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công du đến Hà Nội), Việt Nam đã chính thức gửi đơn yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ xem xét về việc công nhận quốc gia này là nền kinh tế thị trường. Một tháng sau, Washington đồng ý bắt đầu xem xét lại quy chế của Việt Nam, với quy trình kéo dài 270 ngày, và thời điểm đưa ra quyết định cuối cùng là vào ngày 26/7/2024.
Phía Việt Nam cũng đã gửi nhiều hồ sơ đến Mỹ để chứng minh rằng mình đã đạt các tiêu chí của một nền kinh tế thị trường. Các đơn vị tham gia quá trình trên gồm Bộ Công Thương, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tập đoàn Hoa Sen và các đối tác, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest).
Nguyễn Quốc Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, tin rằng sự phát triển trong quan hệ hai nước có thể đưa đến kết quả tích cực và cho biết sự công nhận từ phía Mỹ giúp Việt Nam có thêm cơ hội đầu tư từ Mỹ, qua đó có thể nâng cao vị thế của mình trong chuỗi cung ứng công nghệ cao toàn cầu và đáp ứng các cam kết về phát thải carbon.
Tuy nhiên, khi hạn chót đã điểm, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo trì hoãn việc đưa ra quyết định, dời thời điểm công bố chậm lại một tuần, vào ngày 2/8. Lý do được đưa ra là vì một số hồ sơ vụ kiện chống bán phá giá và thuế đối kháng đã bị ảnh hưởng bởi sự cố cập nhật phần mềm gần đây của công ty an ninh mạng CrowdStrike. Sự cố này đã gây ra tình trạng sập hệ thống máy tính trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, quyết định trì hoãn của Mỹ có thể xuất phát từ thực tế rằng ngày 26/7 trùng với thời điểm Việt Nam đang tổ chức Quốc tang sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần. Trong vai trò là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, cố Tổng Bí thư đã nỗ lực vun đắp cho quan hệ hai nước. Do đó, nếu Mỹ công bố kết quả không tích cực (tức tiếp tục phủ nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường) ngay trong thời điểm Quốc tang, điều đó có thể gây ra ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ.
Phản ứng từ dư luận Mỹ
Hiện chưa rõ về quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại Mỹ, nhưng trong thời gian qua, dư luận Mỹ đã bàn tán tương đối sôi nổi về vấn đề này, có nhiều người ủng hộ, và cũng có những người phản đối.
Về phía những người ủng hộ có cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (nhiệm kỳ 2014 - 2017), nay là Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (US - ASEAN Business Council). Ông Osius nhấn mạnh rằng “Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường. Họ đã đáp ứng các tiêu chí quan trọng như khả năng chuyển đổi tiền tệ và sẵn sàng để được công nhận quy chế chính thức. Các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam vì họ nhận ra tiềm năng tăng trưởng của quốc gia này”. Ông Ted Osius cũng được biết đến là người tích cực vun đắp cho quan hệ ngày một gắn bó giữa Mỹ và Việt Nam. Năm 2021, ông xuất bản cuốn “Nothing Is Impossible: America’s Reconciliation with Vietnam” (tạm dịch: “Không gì là không thể: Tiến trình hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam”) với nhiều nội dung về lịch sử quan hệ, và như tên gọi, bao gồm cả tiến trình mà hai nước hàn gắn những vết thương của quá khứ và xây dựng lòng tin.
Một cơ quan khác là Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (American Chamber of Commerce) cũng tham gia vào nhóm ủng hộ khi gửi thư đến Bộ Thương mại Mỹ để khẳng định rằng Việt Nam rất khác so với các quốc gia phi thị trường còn lại. Cơ quan này nhấn mạnh Hà Nội đã đổi mới và cởi mở hơn, ký nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với các quốc gia trên thế giới và được nhiều nước công nhận là nền kinh tế thị trường.
Đồng quan điểm, Hiệp hội các Nhà bán lẻ Quốc gia Mỹ (National Retail Federation) cho rằng Việt Nam nên được xem là một nền kinh tế thị trường, vì quốc gia này đã đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của Mỹ, đặc biệt là đối với các hàng hóa tiêu dùng quan trọng như may mặc, giày dép, điện tử gia dụng và đồ nội thất.
Ngoài ra, trong một bài viết đăng tải trên trang Geopolitical Monitor vào ngày 11/3/2024, nhà nghiên cứu James Borton (công tác tại Viện Chính sách Đối ngoại Johns Hopkins, Mỹ, có kinh nghiệm hơn 25 năm theo dõi khu vực Đông Nam Á) đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư quốc tế. Theo ông Borton, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện không chỉ giúp tăng cường quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt, mà còn là cơ hội để Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, qua đó giúp hai nước hưởng nhiều lợi ích kinh tế hơn, chẳng hạn như về thương mại, đầu tư.
Ở chiều ngược lại, ngay từ tháng 1, nhóm tám thượng nghị sĩ đảng Dân chủ do bà Elizabeth Warren dẫn đầu đã cùng ký và gửi thư lên Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo để kêu gọi không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam vì việc thông qua “sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bóp méo thương mại đang diễn ra, làm xói mòn cơ sở sản xuất, đe dọa đến người lao động và các ngành công nghiệp của Mỹ và củng cố vai trò của Việt Nam như một kênh trung gian cho hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc”.
Sáu tháng sau, đến lượt thượng nghị sĩ Tom Cotton dẫn đầu nhóm sáu thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa gửi thư để thúc giục bà Raimondo không cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, viện dẫn thặng dư thương mại hơn 100 tỷ USD của nước này với Mỹ và sự kiểm soát của chính phủ đối với “giá cả và sản xuất thông qua các doanh nghiệp nhà nước hoặc được trợ cấp mạnh”. Trong thư cũng nhấn mạnh rằng “Tiền tệ của Việt Nam không được tự do chuyển đổi. Nó không bảo vệ sự thương lượng tự do giữa người lao động và cấp quản lý” và dù chính quyền Biden tin rằng việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ thúc đẩy lợi ích của Mỹ “bằng cách kéo Việt Nam ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc và đưa Việt Nam gần hơn với Mỹ” nhưng “không có bằng chứng nào cho thấy Việt Nam sẽ thay đổi chính sách ngoại giao hoặc quân sự đối với Trung Quốc để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường lớn hơn”.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất thép, ngư dân đánh bắt tôm và người nuôi ong cũng thuộc nhóm phản đối Mỹ cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, vì họ lo ngại rằng động thái này có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa trên chính đất nước mình. Liên minh tôm miền Nam (SSA) của Mỹ cho biết lý do họ phản đối việc công nhận quy chế kinh tế thị trường là vì các hạn chế của Việt Nam như việc cấm sở hữu đất đai, luật lao động yếu kém và thuế tôm thấp hơn sẽ gây tổn hại cho các thành viên của SSA.
Như vậy, có thể thấy dư luận Mỹ đang chia thành hai phe tương đối rõ rệt, trong đó các tổ chức liên quan đến thương mại và các doanh nghiệp bán lẻ ủng hộ Washington cấp quy chế kinh tế thị trường cho Hà Nội. Ở chiều ngược lại, một số thượng nghị sĩ ở cả hai đảng cũng như các doanh nghiệp sản xuất có xu hướng phản đối quá trình này vì lo ngại một quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam sẽ đe dọa đến sức cạnh tranh ở thị trường Mỹ.
Những tác động nếu Mỹ công nhận
Trong trường hợp Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vào ngày 2/8, việc này có thể mang lại tác động tích cực cho Hà Nội lẫn Washington. Trước hết, lợi ích quan trọng nhất có lẽ là sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ đó có thể thúc đẩy thương mại song phương, đồng thời tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng hơn giữa hàng hóa của Việt Nam với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác tại Mỹ. Để dễ hình dung, hãy xét ví dụ sau: khi nhập khẩu mặt hàng tôm nuôi đông lạnh, mức thuế chống bán phá giá mà Mỹ áp cho Việt Nam hiện tại lên tới gần 26%, gấp gần năm lần so với cùng một mặt hàng nhưng nhập khẩu từ Thái Lan (quốc gia đã được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường).
Cùng với đó, việc Việt Nam trở thành nền kinh tế thị trường có thể giúp làm giảm nguy cơ hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ vướng vào các vụ điều tra, khởi kiện liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại. Những vụ việc pháp lý như vậy không chỉ khiến hàng hóa Việt Nam dễ bị tăng mức áp thuế (như trường hợp của tôm nuôi đông lạnh), mà còn làm mất thời gian (phải tham gia cung cấp thông tin phục vụ điều tra), và ảnh hưởng không tốt đến cơ hội cạnh tranh (tạo điều kiện cho các đối thủ khác tận dụng cơ hội để “giành thế thượng phong”).
Theo đánh giá của Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI, các ngành xuất khẩu dự kiến được hưởng lợi từ quyết định công nhận nền kinh tế thị trường là dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản. Lý do là vì các ngành này có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ tương đối đáng kể, đóng góp lần lượt 43%, 35%, 54% và 17% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của từng ngành trong năm 2023. Tuy nhiên, SSI cũng lưu ý rằng các tác động không xuất hiện tức thì, mà chỉ có thể được nhìn thấy rõ nét trong dài hạn.
Còn với Mỹ, việc công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam có thể giúp phát triển hơn nữa mối quan hệ đang tiến triển với đối tác Đông Nam Á. Điều này cũng có thể là chất xúc tác để Washington thuyết phục Hà Nội giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, thay vào đó nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ nhiều hơn. Trong năm 2023, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng giá trị 110,6 tỷ USD, cao hơn 12 lần so với nhập khẩu từ Mỹ (chỉ 9,79 tỷ USD).
Nhìn chung, nếu Mỹ cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu từ quốc gia Đông Nam Á này sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường Mỹ và thu hút các đối tác ở đây. Ở chiều ngược lại, Mỹ không có nhiều lợi ích đáng kể từ quyết định này, song trong trường hợp lý tưởng, vẫn có thể thu lợi từ việc kéo Hà Nội ngả nhiều hơn về Washington và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về khía cạnh thương mại.
Liệu Mỹ sẽ công nhận Việt Nam?
Căn cứ theo các tiêu chí mà Mỹ đề ra, có nhiều lý do để tin rằng Việt Nam có thể nhận được “cái gật đầu” từ siêu cường này. Với tiêu chí đầu tiên về mức độ chuyển đổi tiền tệ, kể từ tháng 1/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã áp dụng tỷ giá hối đoái thả nổi có quản lý (tức là tỷ giá linh hoạt nhưng vẫn có sự quản lý của nhà nước), và tỷ giá VND/USD đã được điều chỉnh hàng ngày. Theo Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, trong hơn 10 năm qua, không có công ty nào trong số hơn 130 thành viên của Hội đồng gặp trục trặc về vấn đề chuyển đổi tiền tệ (từ VND sang USD và ngược lại).
Tiếp đến, trong vấn đề đàm phán lương giữa người lao động với người sử dụng lao động, Việt Nam hiện đã có đầy đủ các luật để bảo vệ quyền của cả hai bên như Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự và Luật Phòng, chống mua bán người. Quốc gia Đông Nam Á này cũng đã tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó Hà Nội đồng ý trao cho các công đoàn lao động vai trò độc lập hơn.
Ngoài ra, Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) nhiệm kỳ 2023 - 2025. Điều này cũng cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế dành cho Hà Nội trong nỗ lực bảo vệ nhân quyền nói chung và quyền của người lao động nói riêng.
Tiêu chí tiếp theo, về mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế, có thể được xem là ưu điểm lớn nhất của Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện đóng góp hơn 20% GDP, 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, và 70% kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Nhờ sự cởi mở với FDI, Việt Nam cũng được công nhận là nền kinh tế thị trường từ 72 quốc gia, bao gồm các đồng minh của Mỹ như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đến với tiêu chí thứ tư là mối liên hệ giữa sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân, trong các Đại hội Đảng gần đây, vai trò của nền kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định. Nghị quyết Đại hội X của Đảng năm 2006 khẳng định kinh tế tư nhân “có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”. Đến Đại hội XII năm 2016, cấp độ nhấn mạnh đã được tăng lên khi Đảng Cộng sản Việt Nam xác định kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Trên cơ sở đó, Nghị quyết ngày 9/5/2024 của chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu có hai triệu doanh nghiệp vào năm 2030, trong đó khu vực tư nhân đóng góp 60 - 65% GDP.
Đối với tiêu chí thứ năm là mức độ kiểm soát của chính phủ với một số nguồn lực và giá cả thì Việt Nam cũng có những nỗ lực đáng ghi nhận. Theo Luật giá ban hành năm 2023, Việt Nam đã bãi bỏ kiểm soát giá với mặt hàng điện, muối, đường, và hiện chỉ có còn giữ lại chín mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá là xăng, dầu diesel, khí dầu mỏ hóa lỏng, sữa bột trẻ em, gạo, thức ăn chăn nuôi, vaccine, thuốc trừ sâu và thuốc thiết yếu cho người dân. Tuy nhiên, các biện pháp can thiệp giá chỉ được xem xét sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định (do biến động giá bất thường) và vì lý do khẩn cấp như thiên tai hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng.
Xét năm tiêu chí kể trên, Việt Nam đều đáp ứng yêu cầu từ phía Mỹ và xứng đáng được công nhận là nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, vẫn cần lạc quan thận trọng, vì vẫn còn tiêu chí cuối cùng (vốn mang tính chủ quan) là các yếu tố khác mà cơ quan quản lý cho là phù hợp. Chính phủ Mỹ sẽ phải cân nhắc giữa luồng dư luận ủng hộ và phản đối, đồng thời dựa trên những suy xét mà quốc gia này cho là phù hợp với lợi ích tổng thể của đất nước.
Tuy nhiên, xét về những nỗ lực đáng kể của Việt Nam nhằm đáp ứng các tiêu chí từ phía Mỹ, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đang phát triển, và vị trí chiến lược của Việt Nam tại Đông Nam Á (nhất là trong tam giác Việt - Mỹ - Trung), khả năng Washington trao quy chế kinh tế thị trường cho Hà Nội vẫn “nhỉnh hơn” so với lựa chọn từ chối.