Kinh tế   14/06/2024

Năng lực khai thác đất hiếm của Việt Nam: Yếu và thiếu

Những yếu kém về năng lực và công nghệ khiến Việt Nam - dù sở hữu trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới - đang “mất hút” trên thị trường đất hiếm toàn cầu.

Image
Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, ước tính khoảng 22 triệu tấn - (C): The Saigon Times

Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng để sản xuất các thiết bị công nghệ cao như điện thoại di động, máy tính, màn hình LCD, pin lưu trữ, tấm pin mặt trời, xe ô tô điện, tàu ngầm, máy bay… Đất hiếm là tập hợp của 17 nguyên tố hóa học, có những đặc tính như từ tính, quang học, điện hóa và siêu dẫn. Mặc dù mang tên đất hiếm, nhưng các nguyên tố trên không thật sự quá hiếm gặp như tên gọi. Ngoại trừ nguyên tố Prometi có tính phóng xạ nên không phổ biến, các nguyên tố đất hiếm còn lại đều có trữ lượng tương đối dồi dào.  

Tuy nhiên, các nguyên tố đất hiếm thường phân tán, do đó việc khai thác đất hiếm thường rất khó khăn, tốn kém, đòi hỏi công nghệ tiên tiến. Do có nhiều ứng dụng trong sản xuất (đặc biệt là những thiết bị quan trọng và giá trị cao), kết hợp với việc khai thác khó khăn, đất hiếm ngày càng trở thành một nguồn tài nguyên quý giá, không thể thiếu và được săn lùng.

Theo công bố mới nhất từ Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV vào ngày 4/6, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn, khoảng hơn 20,7 triệu tấn. Trước đó, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (United States Geological Survey - USGS) - vào tháng 1/2024 - thậm chí còn đưa ra ước tính Việt Nam có đến 22 triệu tấn đất hiếm, xếp thứ hai toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc với 44 triệu tấn. 

Thực trạng ngành công nghiệp đất hiếm của Việt Nam

Ngay từ năm 1958, Việt Nam đã triển khai các hoạt động tìm kiếm, nghiên cứu về trữ lượng đất hiếm, và cho đến nay đã phát hiện ra năm mỏ có quy mô lớn tại khu vực Tây Bắc, gồm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái). Vào tháng 6/2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép cho Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Thái Dương được khai thác, thăm dò đất hiếm tại mỏ Yên Phú. Một năm sau, đến lượt CTCP Đất hiếm Lai Châu - VIMICO (gọi tắt là Lavreco) được cấp phép tương tự để khai thác tại mỏ đất hiếm Đông Pao (là mỏ có trữ lượng lớn nhất Việt Nam). Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, việc khai thác ở cả hai mỏ trên vẫn gần như “án binh bất động”. 

Bức tranh khá ảm đạm khi USGS thống kê rằng Việt Nam chỉ sản xuất được khoảng 600 tấn oxit đất hiếm vào năm 2023. Đây là một con số rất thấp so với thế giới, chỉ chiếm khoảng 0,17% nguồn cung toàn cầu vào năm 2023 (tổng khoảng 350.000 tấn), thấp hơn nhiều quốc gia như Nga (0,74%), Ấn Độ (0,83%), Thái Lan (2%), Australia (5,1%), Myanmar (10,9%), Mỹ (12,3%) và Trung Quốc (68,6%).  

Nhận thức được sự chậm chạp và manh mún của ngành công nghiệp đất hiếm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thay mặt chính phủ Việt Nam ký ban hành “Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. 

Cụ thể, theo quy hoạch, tổng sản lượng khai thác giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 sẽ đạt trên hai triệu tấn quặng nguyên khai đất hiếm mỗi năm. Cùng với đó, trong giai đoạn 2031-2050, chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao, cũng như đầu tư mới thêm ba đến bốn dự án khai thác tại tỉnh Lai Châu và Lào Cai. 

Điểm tích cực là sau 10 năm không có nhiều tiến triển, đại diện công ty Lavreco - vào tháng 10/2023 cho biết các bên liên quan đang tích cực tiến hành khảo sát thực địa và sắp tới sẽ tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm nhằm tìm phương án phù hợp cho việc khai thác. Cũng trong thời gian này, ông Lưu Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE, là doanh nghiệp duy nhất có nhà máy chế biến đất hiếm tại Việt Nam) tiết lộ đang đàm phán với đối tác Blackstone Minerals (công ty khai thác khoáng sản đến từ Australia) để khai thác, quản lý vận hành mỏ theo tiêu chuẩn quốc tế với chứng chỉ môi trường của châu Âu. Mặc dù ông Tuấn sau đó bị bắt về tội “buôn lậu” do có hành vi khai báo hải quan gian dối để xuất khẩu trái phép, bán cho các đối tác nước ngoài trên 470 tấn oxit đất hiếm, song cho đến nay phía Blackstone vẫn không rút lại kế hoạch tham gia đấu thầu quyền khai thác đất hiếm tại Việt Nam.   

Bên cạnh Australia, một số quốc gia khác cũng quan tâm đến việc hợp tác về đất hiếm với Việt Nam. Trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đến Hà Nội vào tháng 6/2023, hai quốc gia đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về việc thành lập trung tâm chuỗi cung ứng chung về đất hiếm và khoáng sản như vonfram. Ba tháng sau, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam, hai bên cũng đã ký MoU nhằm hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á định lượng tài nguyên đất hiếm, cũng như thu hút đầu tư có chất lượng cho lĩnh vực này. Đến tháng 10, Kinh tế trưởng của Bộ Ngoại giao Mỹ Emily Blanchard khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tính toán trữ lượng đất hiếm và đấu giá việc khai thác, nếu Hà Nội đưa ra yêu cầu. 

Nhìn chung, mặc dù có trữ lượng rất lớn, nhưng sản lượng khai thác đất hiếm ở Việt Nam vẫn còn vô cùng khiêm tốn. Do đó, chính phủ đã nhận ra vấn đề và ban hành định hướng cụ thể, đồng thời tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế. 

Khó có sự đột phá trong thời gian tới

Mặc dù chính phủ đã ban hành mục tiêu cụ thể về sản lượng, cũng như kế hoạch đầu tư mở rộng khai thác đất hiếm, nhưng các nội dung này chủ yếu chỉ mới ở mức định hướng, trong khi lại thiếu cơ chế, chính sách cụ thể cho việc nghiên cứu và phát triển năng lực để tạo ra bước đột phá. Các nội dung cụ thể là rất cần thiết, bởi nhiều năm qua, doanh nghiệp đã có giấy phép thăm dò khai thác, nhưng lại không tự chủ về công nghệ chế biến sâu, nghĩa là chỉ có thể khai thác và xuất khẩu đất hiếm ở dạng thô. 

Chẳng hạn, công ty Lavreco hiện chỉ có năng lực chế biến sau khai thác thô đạt độ tinh khiết 40%, trong khi Bộ Công thương Việt Nam quy định xuất khẩu phải đạt chất lượng tối thiểu là 95%. Hơn nữa, chính phủ Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh quan điểm là tránh khai thác tuỳ tiện, xuất khẩu thô đất hiếm. Nhận thức được năng lực còn yếu kém, kết hợp với quan điểm không xuất khẩu thô của chính phủ, Lavreco đã cố gắng làm việc với nhiều đơn vị trong và ngoài nước để hợp tác, khai thác, chế biến sâu đất hiếm, tuy nhiên đều thất bại vì đối tác hoặc không chứng minh được năng lực công nghệ, hoặc không muốn chuyển giao công nghệ vì đó là bí mật, tài sản riêng của họ.

Cùng với đó, công nghệ lạc hậu khiến việc khai thác chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công. Hậu quả, công suất đất hiếm thu nhặt được không cao, trong khi mức độ tổn thất tài nguyên lớn (có những mỏ tổn thất tới 60%). 

Để khắc phục tình trạng nêu trên, nhiều đơn vị đang tham gia vào quá trình nghiên cứu công nghệ xử lý chế biến quặng đất hiếm, như Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện Kim, Viện Công nghệ Xạ Hiếm, cùng một số trường đại học; song các hoạt động nghiên cứu chủ yếu diễn ra trong quy mô phòng thí nghiệm. 

Lý do không quá khó hiểu. Nếu muốn thử nghiệm quy mô công nghiệp trên thực địa thì cần có sự cho phép của công ty được cấp phép khai thác mỏ đất hiếm (chẳng hạn trong trường hợp mỏ Đông Pao là công ty Lavreco), cơ quan chức năng của tỉnh quản lý mỏ đó, rồi sau đó đơn vị nghiên cứu mới được cấp đất, cấp khoáng sản phục vụ nghiên cứu. Tuy nhiên, với quy trình như vậy, sự rườm rà và nhiêu khê về thủ tục hành chính là không thể tránh khỏi, khiến nỗ lực tìm ra công nghệ chế biến đất hiếm chất lượng cao càng trở nên khó khăn hơn.   

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác có thể khiến ngành công nghiệp đất hiếm của Việt Nam khó khởi sắc là do doanh nghiệp trong nước chưa thực sự quyết tâm đầu tư, chưa đặt ra chiến lược nghiên cứu và lộ trình tiếp cận công nghệ chế biến sâu đất hiếm một cách quyết liệt. Trường hợp của bị can Lưu Anh Tuấn và Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch Tập đoàn Thái Dương, cũng tham gia vào đường dây buôn lậu đất hiếm) là một ví dụ, thay vì nỗ lực cải thiện tình trạng sản xuất yếu kém, thì các chủ doanh nghiệp lại ưu tiên buôn lậu đất hiếm thô để kiếm lời, có thể do nhận thấy rằng việc tinh luyện trong nước quá tốn kém và không mang lại lợi nhuận.

Cánh cửa vẫn chưa khép lại!  

Trước nhiều khó khăn chồng chất như vậy, chính phủ Việt Nam cần thực hiện nghiêm chủ trương không xuất khẩu đất hiếm thô để tránh thất thoát tài nguyên, và xử lý triệt để các doanh nghiệp buôn bán trái phép nguồn khoáng sản này. 

Song song với đó, các cơ quan chức năng cần chú trọng tạo điều kiện, ban hành các chế tài nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu tìm ra giải pháp chế biến sâu đất hiếm, đồng thời mở rộng hợp tác với các chuyên gia quốc tế. 

Tuy nhiên, điểm quan trọng cần lưu ý là quá trình cải tiến công nghệ cần nhiều thời gian để đi vào thực tiễn, do đó không nên cố gắng “đốt cháy giai đoạn”, làm nửa vời. Dư địa của ngành đất hiếm toàn cầu vẫn còn rất nhiều, chỉ mới ở trong giai đoạn đang phát triển, giá cả tăng dần theo thời gian, trong khi nhu cầu sử dụng nguồn khoáng sản này để phục vụ hoạt động sản xuất gần như chỉ tăng lên chứ khó giảm đi. 

Vì thế, Việt Nam hoàn toàn có thể “hy sinh” thêm vài năm nữa để tập trung nghiên cứu, cải thiện năng lực và công nghệ chế biến sâu đất hiếm đạt mức quy định tối thiểu mà Bộ Công thương đề ra, trước khi gia nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường toàn cầu.       

Nếu Việt Nam có thể phát triển thành công ngành công nghiệp đất hiếm chất lượng cao, và đạt sản lượng hàng đầu thế giới, đây sẽ là đòn bẩy để Hà Nội đạt được những lợi ích chiến lược quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt. Theo số liệu do USGS công bố vào tháng 1/2023, Trung Quốc là nhà cung cấp đất hiếm lớn nhất cho Mỹ, chiếm đến 74% lượng nhập khẩu. Mức độ phụ thuộc lớn như vậy khiến Bắc Kinh hoàn toàn có thể sử dụng chúng như một công cụ để gây sức ép lên Washington. Mặc dù Trung Quốc chưa trừng phạt đất hiếm, nhưng nước này - vào tháng 8/2023 - đã quyết định cấm xuất khẩu sang Mỹ hai loại khoáng sản quan trọng khác là gali (chiếm 53% lượng nhập khẩu) và germani (chiếm 54% lượng nhập khẩu). Vì thế, nếu trong tương lai Việt Nam có thể trở thành nhà xuất khẩu đất hiếm với chất lượng cao, quốc gia Đông Nam Á này hoàn toàn có thể thu hút khách hàng là Mỹ, cũng như các nước đồng minh của Washington nhằm giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc.    

Trong trường hợp thuận lợi, Việt Nam có thể đạt doanh thu 2 tỷ USD mỗi năm từ xuất khẩu đất hiếm, đồng thời có cơ hội hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho các sản phẩm công nghệ cao, là tiền đề quan trọng để hướng tới hoàn thành mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.  

Tóm lại, ngành công nghiệp đất hiếm ở Việt Nam hiện vẫn còn ở trong giai đoạn sơ khai, chưa tự chủ, vừa yếu về năng lực, vừa thiếu về công nghệ. Đây là những thách thức không thể giải quyết trong thời gian ngắn, vì thế đòi hỏi sự kiên định trong đường lối và sự hỗ trợ sát sao của chính phủ dành cho công tác nghiên cứu, nâng cao trình độ. Nếu vượt qua được giai đoạn khó khăn này và có các chính sách kịp thời, hiệu quả, khi đó việc xuất khẩu đất hiếm chất lượng cao sẽ đầy hứa hẹn!

Đất hiếm là nguyên liệu quan trọng để sản xuất các thiết bị công nghệ cao như điện thoại di động, máy tính, màn hình LCD, pin lưu trữ, tấm pin mặt trời, xe ô tô điện, tàu ngầm, máy bay… Đất hiếm là tập hợp của 17 nguyên tố hóa học, có những đặc tính như từ tính, quang học, điện hóa và siêu dẫn. Mặc dù mang tên đất hiếm, nhưng các nguyên tố trên không thật sự quá hiếm gặp như tên gọi. Ngoại trừ nguyên tố Prometi có tính phóng xạ nên không phổ biến, các nguyên tố đất hiếm còn lại đều có trữ lượng tương đối dồi dào.  

Tuy nhiên, các nguyên tố đất hiếm thường phân tán, do đó việc khai thác đất hiếm thường rất khó khăn, tốn kém, đòi hỏi công nghệ tiên tiến. Do có nhiều ứng dụng trong sản xuất (đặc biệt là những thiết bị quan trọng và giá trị cao), kết hợp với việc khai thác khó khăn, đất hiếm ngày càng trở thành một nguồn tài nguyên quý giá, không thể thiếu và được săn lùng.

Theo công bố mới nhất từ Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV vào ngày 4/6, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn, khoảng hơn 20,7 triệu tấn. Trước đó, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (United States Geological Survey - USGS) - vào tháng 1/2024 - thậm chí còn đưa ra ước tính Việt Nam có đến 22 triệu tấn đất hiếm, xếp thứ hai toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc với 44 triệu tấn. 

Thực trạng ngành công nghiệp đất hiếm của Việt Nam

Ngay từ năm 1958, Việt Nam đã triển khai các hoạt động tìm kiếm, nghiên cứu về trữ lượng đất hiếm, và cho đến nay đã phát hiện ra năm mỏ có quy mô lớn tại khu vực Tây Bắc, gồm Bắc Nậm Xe, Nam Nậm Xe, Đông Pao (Lai Châu), Mường Hum (Lào Cai) và Yên Phú (Yên Bái). Vào tháng 6/2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép cho Công ty cổ phần (CTCP) Tập đoàn Thái Dương được khai thác, thăm dò đất hiếm tại mỏ Yên Phú. Một năm sau, đến lượt CTCP Đất hiếm Lai Châu - VIMICO (gọi tắt là Lavreco) được cấp phép tương tự để khai thác tại mỏ đất hiếm Đông Pao (là mỏ có trữ lượng lớn nhất Việt Nam). Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, việc khai thác ở cả hai mỏ trên vẫn gần như “án binh bất động”. 

Bức tranh khá ảm đạm khi USGS thống kê rằng Việt Nam chỉ sản xuất được khoảng 600 tấn oxit đất hiếm vào năm 2023. Đây là một con số rất thấp so với thế giới, chỉ chiếm khoảng 0,17% nguồn cung toàn cầu vào năm 2023 (tổng khoảng 350.000 tấn), thấp hơn nhiều quốc gia như Nga (0,74%), Ấn Độ (0,83%), Thái Lan (2%), Australia (5,1%), Myanmar (10,9%), Mỹ (12,3%) và Trung Quốc (68,6%).  

Nhận thức được sự chậm chạp và manh mún của ngành công nghiệp đất hiếm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã thay mặt chính phủ Việt Nam ký ban hành “Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. 

Cụ thể, theo quy hoạch, tổng sản lượng khai thác giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050 sẽ đạt trên hai triệu tấn quặng nguyên khai đất hiếm mỗi năm. Cùng với đó, trong giai đoạn 2031-2050, chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao, cũng như đầu tư mới thêm ba đến bốn dự án khai thác tại tỉnh Lai Châu và Lào Cai. 

Điểm tích cực là sau 10 năm không có nhiều tiến triển, đại diện công ty Lavreco - vào tháng 10/2023 cho biết các bên liên quan đang tích cực tiến hành khảo sát thực địa và sắp tới sẽ tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm nhằm tìm phương án phù hợp cho việc khai thác. Cũng trong thời gian này, ông Lưu Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE, là doanh nghiệp duy nhất có nhà máy chế biến đất hiếm tại Việt Nam) tiết lộ đang đàm phán với đối tác Blackstone Minerals (công ty khai thác khoáng sản đến từ Australia) để khai thác, quản lý vận hành mỏ theo tiêu chuẩn quốc tế với chứng chỉ môi trường của châu Âu. Mặc dù ông Tuấn sau đó bị bắt về tội “buôn lậu” do có hành vi khai báo hải quan gian dối để xuất khẩu trái phép, bán cho các đối tác nước ngoài trên 470 tấn oxit đất hiếm, song cho đến nay phía Blackstone vẫn không rút lại kế hoạch tham gia đấu thầu quyền khai thác đất hiếm tại Việt Nam.   

Bên cạnh Australia, một số quốc gia khác cũng quan tâm đến việc hợp tác về đất hiếm với Việt Nam. Trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đến Hà Nội vào tháng 6/2023, hai quốc gia đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về việc thành lập trung tâm chuỗi cung ứng chung về đất hiếm và khoáng sản như vonfram. Ba tháng sau, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam, hai bên cũng đã ký MoU nhằm hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á định lượng tài nguyên đất hiếm, cũng như thu hút đầu tư có chất lượng cho lĩnh vực này. Đến tháng 10, Kinh tế trưởng của Bộ Ngoại giao Mỹ Emily Blanchard khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tính toán trữ lượng đất hiếm và đấu giá việc khai thác, nếu Hà Nội đưa ra yêu cầu. 

Nhìn chung, mặc dù có trữ lượng rất lớn, nhưng sản lượng khai thác đất hiếm ở Việt Nam vẫn còn vô cùng khiêm tốn. Do đó, chính phủ đã nhận ra vấn đề và ban hành định hướng cụ thể, đồng thời tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế. 

Khó có sự đột phá trong thời gian tới

Mặc dù chính phủ đã ban hành mục tiêu cụ thể về sản lượng, cũng như kế hoạch đầu tư mở rộng khai thác đất hiếm, nhưng các nội dung này chủ yếu chỉ mới ở mức định hướng, trong khi lại thiếu cơ chế, chính sách cụ thể cho việc nghiên cứu và phát triển năng lực để tạo ra bước đột phá. Các nội dung cụ thể là rất cần thiết, bởi nhiều năm qua, doanh nghiệp đã có giấy phép thăm dò khai thác, nhưng lại không tự chủ về công nghệ chế biến sâu, nghĩa là chỉ có thể khai thác và xuất khẩu đất hiếm ở dạng thô. 

Chẳng hạn, công ty Lavreco hiện chỉ có năng lực chế biến sau khai thác thô đạt độ tinh khiết 40%, trong khi Bộ Công thương Việt Nam quy định xuất khẩu phải đạt chất lượng tối thiểu là 95%. Hơn nữa, chính phủ Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh quan điểm là tránh khai thác tuỳ tiện, xuất khẩu thô đất hiếm. Nhận thức được năng lực còn yếu kém, kết hợp với quan điểm không xuất khẩu thô của chính phủ, Lavreco đã cố gắng làm việc với nhiều đơn vị trong và ngoài nước để hợp tác, khai thác, chế biến sâu đất hiếm, tuy nhiên đều thất bại vì đối tác hoặc không chứng minh được năng lực công nghệ, hoặc không muốn chuyển giao công nghệ vì đó là bí mật, tài sản riêng của họ.

Cùng với đó, công nghệ lạc hậu khiến việc khai thác chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, chủ yếu sử dụng phương pháp thủ công. Hậu quả, công suất đất hiếm thu nhặt được không cao, trong khi mức độ tổn thất tài nguyên lớn (có những mỏ tổn thất tới 60%). 

Để khắc phục tình trạng nêu trên, nhiều đơn vị đang tham gia vào quá trình nghiên cứu công nghệ xử lý chế biến quặng đất hiếm, như Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện Kim, Viện Công nghệ Xạ Hiếm, cùng một số trường đại học; song các hoạt động nghiên cứu chủ yếu diễn ra trong quy mô phòng thí nghiệm. 

Lý do không quá khó hiểu. Nếu muốn thử nghiệm quy mô công nghiệp trên thực địa thì cần có sự cho phép của công ty được cấp phép khai thác mỏ đất hiếm (chẳng hạn trong trường hợp mỏ Đông Pao là công ty Lavreco), cơ quan chức năng của tỉnh quản lý mỏ đó, rồi sau đó đơn vị nghiên cứu mới được cấp đất, cấp khoáng sản phục vụ nghiên cứu. Tuy nhiên, với quy trình như vậy, sự rườm rà và nhiêu khê về thủ tục hành chính là không thể tránh khỏi, khiến nỗ lực tìm ra công nghệ chế biến đất hiếm chất lượng cao càng trở nên khó khăn hơn.   

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác có thể khiến ngành công nghiệp đất hiếm của Việt Nam khó khởi sắc là do doanh nghiệp trong nước chưa thực sự quyết tâm đầu tư, chưa đặt ra chiến lược nghiên cứu và lộ trình tiếp cận công nghệ chế biến sâu đất hiếm một cách quyết liệt. Trường hợp của bị can Lưu Anh Tuấn và Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch Tập đoàn Thái Dương, cũng tham gia vào đường dây buôn lậu đất hiếm) là một ví dụ, thay vì nỗ lực cải thiện tình trạng sản xuất yếu kém, thì các chủ doanh nghiệp lại ưu tiên buôn lậu đất hiếm thô để kiếm lời, có thể do nhận thấy rằng việc tinh luyện trong nước quá tốn kém và không mang lại lợi nhuận.

Cánh cửa vẫn chưa khép lại!  

Trước nhiều khó khăn chồng chất như vậy, chính phủ Việt Nam cần thực hiện nghiêm chủ trương không xuất khẩu đất hiếm thô để tránh thất thoát tài nguyên, và xử lý triệt để các doanh nghiệp buôn bán trái phép nguồn khoáng sản này. 

Song song với đó, các cơ quan chức năng cần chú trọng tạo điều kiện, ban hành các chế tài nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu tìm ra giải pháp chế biến sâu đất hiếm, đồng thời mở rộng hợp tác với các chuyên gia quốc tế. 

Tuy nhiên, điểm quan trọng cần lưu ý là quá trình cải tiến công nghệ cần nhiều thời gian để đi vào thực tiễn, do đó không nên cố gắng “đốt cháy giai đoạn”, làm nửa vời. Dư địa của ngành đất hiếm toàn cầu vẫn còn rất nhiều, chỉ mới ở trong giai đoạn đang phát triển, giá cả tăng dần theo thời gian, trong khi nhu cầu sử dụng nguồn khoáng sản này để phục vụ hoạt động sản xuất gần như chỉ tăng lên chứ khó giảm đi. 

Vì thế, Việt Nam hoàn toàn có thể “hy sinh” thêm vài năm nữa để tập trung nghiên cứu, cải thiện năng lực và công nghệ chế biến sâu đất hiếm đạt mức quy định tối thiểu mà Bộ Công thương đề ra, trước khi gia nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường toàn cầu.       

Nếu Việt Nam có thể phát triển thành công ngành công nghiệp đất hiếm chất lượng cao, và đạt sản lượng hàng đầu thế giới, đây sẽ là đòn bẩy để Hà Nội đạt được những lợi ích chiến lược quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt. Theo số liệu do USGS công bố vào tháng 1/2023, Trung Quốc là nhà cung cấp đất hiếm lớn nhất cho Mỹ, chiếm đến 74% lượng nhập khẩu. Mức độ phụ thuộc lớn như vậy khiến Bắc Kinh hoàn toàn có thể sử dụng chúng như một công cụ để gây sức ép lên Washington. Mặc dù Trung Quốc chưa trừng phạt đất hiếm, nhưng nước này - vào tháng 8/2023 - đã quyết định cấm xuất khẩu sang Mỹ hai loại khoáng sản quan trọng khác là gali (chiếm 53% lượng nhập khẩu) và germani (chiếm 54% lượng nhập khẩu). Vì thế, nếu trong tương lai Việt Nam có thể trở thành nhà xuất khẩu đất hiếm với chất lượng cao, quốc gia Đông Nam Á này hoàn toàn có thể thu hút khách hàng là Mỹ, cũng như các nước đồng minh của Washington nhằm giảm thiểu rủi ro từ Trung Quốc.    

Trong trường hợp thuận lợi, Việt Nam có thể đạt doanh thu 2 tỷ USD mỗi năm từ xuất khẩu đất hiếm, đồng thời có cơ hội hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu cho các sản phẩm công nghệ cao, là tiền đề quan trọng để hướng tới hoàn thành mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.  

Tóm lại, ngành công nghiệp đất hiếm ở Việt Nam hiện vẫn còn ở trong giai đoạn sơ khai, chưa tự chủ, vừa yếu về năng lực, vừa thiếu về công nghệ. Đây là những thách thức không thể giải quyết trong thời gian ngắn, vì thế đòi hỏi sự kiên định trong đường lối và sự hỗ trợ sát sao của chính phủ dành cho công tác nghiên cứu, nâng cao trình độ. Nếu vượt qua được giai đoạn khó khăn này và có các chính sách kịp thời, hiệu quả, khi đó việc xuất khẩu đất hiếm chất lượng cao sẽ đầy hứa hẹn!

Từ khoá: Việt Nam đất hiếm khoáng sản chiến lược chuỗi cung ứng

BÀI LIÊN QUAN