Điểm sách
13 PHÚT ĐỌC

Ngọn lửa hoang dã: 40 năm trước Đài Loan từng “tệ” ra sao?

“Đài Bắc quả thực đã tồi tệ lắm rồi! Hãy cho chúng tôi một bãi cỏ xanh, đưa cho chúng tôi một chút không khí trong lành, đưa cho chúng tôi một khu dân cư yên tĩnh sạch sẽ, đưa cho những đứa trẻ của chúng tôi một nhà vệ sinh sạch sẽ, một công viên rộng rãi, một thư viện nhi đồng, nhưng đừng, đừng đưa cho chúng tôi một bức tượng đồng khổng lồ che mất ánh mặt trời”. (Trích từ Trung Quốc Thời Báo – Nhân Gian, tháng 3 năm 1985, trong cuốn “Ngọn lửa hoang dã”)

Tim Phan 08/07/2024

Tim Phan

08/07/2024
Image
Sách "Ngọn lửa hoang dã" trên nền dòng sông Đạm Thuỷ (Đài Loan) trong xanh hiện nay - (C): VSF

Với ngòi bút châm biếm sâu sắc và lời văn khúc chiết, tuyển tập “Ngọn lửa hoang dã” (Hồ Như Ý dịch, Domino và NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2020) của Long Ứng Đài (Lung Ying-tai)—Bộ trưởng Văn hóa đầu tiên của Đài Loan (2012 - 2014)—đã vạch trần toàn bộ bộ mặt xấu xí của xã hội Đài Loan vào thời kỳ sôi sục của buổi bình minh dân chủ trong những năm 80 của thế kỷ trước.

Được xuất bản vào năm 1985, “Ngọn lửa hoang dã” là tập hợp những bài bình luận mang tính phê phán của Long Ứng Đài về những vấn đề nhức nhối của Đài Loan từ môi trường, giáo dục cho đến an sinh xã hội; các bài viết của tác giả được đăng trên tờ Trung Quốc Thời báo trong giai đoạn 1984 - 1985. 

Những bài bình luận của Long Ứng Đài được ví như là “một cuộc lật đổ về nhận thức” đối với xã hội Đài Loan, chạm vào từng ngóc ngách trên hòn đảo, cũng như len lỏi vào từng “tế bào tự ái xen lẫn đau khổ” của người dân Đài Loan.

Đài Loan – “Người mẹ bị bệnh giang mai”

Đài Loan vào những năm 80 giống như “một người mẹ mắc bệnh giang mai”. Long Ứng Đài đã ví von như vậy khi dẫn ra những vấn đề vô cùng nghiêm trọng của xã hội mà đa phần mọi người đều đang “thờ ơ” và/hoặc chọn tâm thái “sống chung” với “người mẹ” xấu xí, bẩn thỉu và xuống cấp về đạo đức. 

Vấn đề môi trường là “khối u tanh mủ nhất” khi Đài Loan thời kỳ này đang bị ô nhiễm tồi tệ. Dòng sông Đạm Thuỷ (Tamsui) bốc lên mùi hôi thối do các hộ dân gần đó ngày ngày ném từng bao rác, xả thải trực tiếp ra sông. Ở khu vực ngoại ô, người ta đốt chất hóa học, đốt dây điện khiến cho những đứa trẻ được sinh ra trong khu vực này bị thiếu não, yếu ớt, sức khỏe bị ảnh hưởng trầm trọng. Những ngọn núi xanh “bị hụt xuống một mảnh, đất cát bị đào đi, lớp đá màu đỏ trần trụi lộ ra bên ngoài” do khai thác một cách bừa bãi, quá mức mà không mảy may quan tâm tới việc bảo tồn tự nhiên.

Về chính trị, tác giả dẫn một bài báo trên tạp chí Newsweek của Mỹ đã so sánh xã hội  Đài Loan những năm 80 giống như trong cuốn sách phản địa đàng (dystopian) mang tên 1984 của nhà văn người Anh George Orwell (1903 - 1950) về một xã hội tưởng tượng đen tối nơi chính quyền toàn trị mà “Anh Cả” (Big Brother) theo dõi nhất cử nhất động của người dân. Trên thực tế, không khí chính trị ở Đài Loan khi ấy (dưới sự cầm quyền toàn diện của Quốc dân Đảng) cũng tương tự vậy, với một sự kiểm duyệt gắt gao về tự do ngôn luận, mặc dù đã có những sự cởi mở và tiến bộ nhất định. 

Vấn đề giáo dục được Long Ứng Đài dành phần lớn thì giờ (có thể là do tác giả là một giảng viên đại học) để nêu ra những cái bất nhất, vô lý của nền giáo dục Đài Loan đương thời mà tác giả cho rằng chúng rất phi giáo dục. Trước hết, tác giả chỉ ra nền giáo dục đại học “mầm non”, ở đó những người làm giáo dục áp dụng hình thức kiểu “cho bú sữa”, “ôm lấy và dắt đi” đối với những sinh viên ở độ tuổi đã 20. Mục đích của kiểu giáo dục đại học này là nhằm đào tạo ra một thế hệ sinh viên biết kỷ luật, lắng nghe và phục tùng. Thế nhưng, tác giả chỉ ra vấn đề nghiêm trọng nhất của loại hình giáo dục này là nó khiến sinh viên Đài Loan mất đi năng lực tư duy độc lập, khả năng phản biện, phán đoán cá nhân và kỹ năng xử lý tình huống thực tế.

Nguyên nhân gốc rễ của nền giáo dục này xuất phát từ loại hình giáo dục đè nén, “quản lý giáo huấn” học sinh mà ở đó những nhà quản lý giáo dục (tác giả gọi họ là những con robot) cứng nhắc tuân theo một bộ khung quy định trong trường học mà kỷ luật, trách phạt học sinh nếu nhận thấy hành vi của học sinh đó không phù hợp hoặc/và vượt quá phạm vi bộ khung. 

Thể loại giáo dục này kéo theo hai vấn đề đáng báo động, đó là nó tạo ra một nền giáo dục ưa chuộng hình thức và một nền giáo dục nơi thầy, cô sử dụng để thể hiện “tôn nghiêm và quyền uy cá nhân” hơn là việc trui rèn học sinh trở thành người có tư duy, có khả năng sáng tạo và biết phản biện. Một mặt, giáo viên khuyến khích học sinh tư duy, dũng cảm bày tỏ ý kiến; mặt khác, họ lại mong muốn học sinh ngoan ngoãn tuân theo những quy định trường học và nghe lời người lớn. 

Đấy chính là mâu thuẫn lớn nhất của nền giáo dục Đài Loan bấy giờ, bởi vì nếu một học sinh nghiêm túc tuân thủ nội quy và răm rắp nghe lời giáo viên theo phương châm “gọi dạ bảo vâng” thì học sinh đó khó mà mạnh dạn thể hiện bản thân hay nêu lên những nghi ngờ trước giáo viên. 

Bên cạnh đó, thể loại giáo dục “hai mặt” này cũng mang màu sắc chính trị gay gắt. Dù có vẻ nhà trường nỗ lực khuyến khích người học tư duy đến tận cùng vấn đề để tìm ra chân lý, khơi nguồn sáng tạo nhưng giáo viên lại ngăn cản người học tiếp cận những tài liệu “cấm” và dặn dò họ không được đụng chạm tới vấn đề chính trị nhạy cảm; nói cách khác, người học chỉ được “tự do học thuật trong khuôn khổ”.         

“Người Đài Loan xấu xí”

Một phần của nguyên nhân tạo ra xã hội Đài Loan nhếch nhác, bẩn thỉu và lộn xộn trong mắt Long Ứng Đài xuất phát từ thái độ “ích kỷ tư lợi” và tự ti, không dũng cảm của người Trung Quốc (tác giả dùng cụm từ “người Trung Quốc”, nhưng để phân biệt với người Trung Quốc ở đại lục, bài viết này sẽ thay bằng cụm từ “người Đài Loan”).

Ngay bài viết mở đầu của tuyển tập “Ngọn lửa hoang dã”, Long Ứng Đài đã thẳng thắn đặt câu hỏi “Người Trung Quốc, tại sao anh lại không tức giận?” về những thực tế xấu xí bày ra trước mặt. Tác giả phê bình những người chỉ biết nhún nhường chọn làm “đa số im lặng” còn hơn là thiểu số phẫn nộ; do đó mà “hiên nhà trở thành cái tạp viện nhếch nhác”, “giao thông của Đài Bắc trở thành ô nhiễm chướng khí”, “sông Đạm Thuỷ là một khúc ruột thối”. Đó đều là những vấn đề liên quan mật thiết tới lợi ích và cuộc sống của mỗi người Đài Loan “không biết chửi bới, bày tỏ ý kiến”. 

Để rồi, Long Ứng Đài phải thốt ra một lời dọa dẫm không thể xúc phạm hơn: “Hôm nay bạn không tức giận, không đứng lên nói chuyện, ngày mai thì bạn - còn có tôi, còn có đời sau của chúng ta, tất cả sẽ trở thành những con súc vật, người bị hại im lặng!” (tr. 15-16). Bởi tác giả hiểu rõ phản ứng của người dân ra sao thì sẽ định hình nên chính phủ như thế đó, môi trường sống cũng như vậy. Do đó việc không dám “tức giận” tức là thiếu đi ý thức về công lý, và ngược lại, chọn im lặng đồng nghĩa với chấp nhận sự sỉ nhục (tr. 170-171). 

Dù vậy, dựa trên những kinh nghiệm “tức giận” thất bại của mình, Long Ứng Đài đã chỉ ra bốn nguyên nhân khiến cho việc “phẫn nộ” không thành công và người dân thà chọn im lặng sống còn hơn lên tiếng bày tỏ ý kiến. 

Bốn nguyên do đó là: (1) xã hội có quá nhiều những tên “hùm beo” hung dữ mà ta không thể cãi tay đôi hay dùng lý lẽ với họ; (2) pháp luật chưa kiện toàn, chưa phát huy hiệu quả mà ở đó những nhà cầm quyền phô bày thái độ “quan phụ mẫu” mà hà hiếp, đe dọa người dân; (3) thái độ làm việc cẩu thả, dung dưỡng của nhân viên chấp pháp; (4) quá ít người biết “tức giận”, và đây chính là nguyên nhân chủ yếu. 

Ngoài ra, cảm giác bất lực một cách tuyệt vọng trước thời cuộc của người dân Đài Loan chỉ có thể thốt ra bằng những nỗi đau thay vì hành động để thay đổi cũng góp phần tạo ra tình trạng Đài Loan xấu xí ấy. Long Ứng Đài đã chỉ ra căn nguyên của cảm giác bất lực nằm ở chính người Đài Loan “dung túng”, “quen phục tùng quyền uy” những người “làm công ăn lương” đáng lẽ ra phải phục tùng mỗi công dân đóng từng đồng thuế cho họ. 

Thay vì nhận thức vị trí của bản thân trong quan hệ cá nhân - nhà nước, người Đài Loan chỉ biết “chép miệng” mà bất lực, không đứng lên để đấu tranh đến cùng cho quyền lợi chính đáng của mình, và thậm chí tìm cách đi ra nước ngoài. 

Người Đài Loan có thói quen xem trọng hình thức, vẻ bề ngoài hơn là phần nội tâm sâu sắc, thể hiện qua những biểu ngữ lan tràn khắp mọi nơi, đẩy mạnh tuyên truyền một cách vô bổ, phi khoa học, xây những công trình lớn nhất thế giới thay vì những cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu cơ bản của người dân, chủ yếu cho mục đích khoa trương với thế giới. 

Bên cạnh đó, Long Ứng Đài mô tả kiểu thái độ trái ngược nhau của người Đài Loan đối với phương Tây. Một mặt, người Đài Loan rất sính ngoại, cuồng hàng hóa của phương Tây bất chấp chất lượng, không tiếc tiền bạc cho con đi học tiếng Anh, lo lót cho con đi du học trời Tây, cũng như coi trọng du khách phương Tây hơn là người dân trong nước. Tâm lý này khiến cho Đài Loan luôn lấy phương Tây làm tiêu chuẩn để đốc thúc bản thân phải hành động (thay vì tự ngẫm về bản thân mà thay đổi) với mục tiêu giữ gìn hình ảnh Đài Loan tốt đẹp trong mắt cộng đồng quốc tế. Trong mắt Long Ứng Đài, loại tâm lý “sĩ diện hão” này rất đáng thương và có tính chất “giả bộ văn minh” cốt để lấy lòng quốc tế.

Mặt khác, từ sâu bên trong nội tâm, người Đài Loan lại kịch liệt chống phương Tây, và điều này mạnh mẽ không kém tâm lý yêu quý phương Tây. Biểu hiện sinh động nhất mà tác giả lồng ghép vào là mỗi khi nêu những đặc điểm ưu việt của phương Tây, người ta phải chèn thêm câu giải thích “nhưng tôi không sính ngoại” nhằm tránh sự chỉ trích của những người xung quanh. 

Hễ khi động vào các vấn đề của Đài Loan thì những quan chức và kẻ “bài ngoại” đều trưng ra một thái độ “chống Tây” kịch liệt, thay vì tìm cách phân tích, đối chiếu và thậm chí là học tập kinh nghiệm phương Tây để cải thiện vấn đề. Những phản ứng gồm “nói Đài Loan không tốt, chẳng nhẽ phương Tây không có vấn đề này”; chỉ trích là “kẻ sính ngoại” khi luôn nói phương Tây văn minh; gắn nhãn phương Tây để ngụy biện rằng điều đó/vấn đề đó “không phù hợp với tình hình Đài Loan”.

Là một giảng viên đại học trở về từ Mỹ, đau đớn trước một Đài Loan xuống cấp nhanh chóng, Long Ứng Đài đã “vượt qua những bức tường cao cửa của ngôi trường” để vạch từng “chân tơ kẽ tóc” những tật xấu của hòn đảo. Nói như vậy không có nghĩa rằng Đài Loan trong mắt của Long Ứng Đài không có khung hình nào đẹp đẽ nhưng chính tác giả đã bộc bạch rằng: “Thật sự tôi không thể viết ra những bài viết ca ngợi được; tôi không thốt ra lời”. 

Sự lo lắng của tác giả đối với tình trạng xuống cấp nhanh chóng của môi trường, xã hội Đài Loan đã chiếm phần lớn tâm trí và buộc tác giả không thể nào không viết ra những bài viết như vậy, cốt lõi là để người dân Đài Loan thức tỉnh mà hành động trước khi quá muộn màng. 

Trải qua gần 40 năm kể từ những bài viết phản tỉnh của Long Ứng Đài, Đài Loan đã có những biến đổi to lớn về kinh tế, chính trị và xã hội; hầu hết những vấn đề mà Long Ứng Đài nêu ra đều đã được chính quyền và người dân Đài Loan khắc phục triệt để. 

Ngày nay, Đài Loan ngày càng có nhiều bãi cỏ xanh, bảo tàng, thư viện và công viên. Đài Loan hiện xếp thứ 31 về mức độ hạnh phúc trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, theo “Báo cáo Hạnh phúc Thế giới” năm 2024 của Đại học Oxford; đồng thời xếp thứ tư về mức độ tự do trong báo cáo “Chỉ số Tự do Kinh tế” năm 2024 do The Heritage Foundation công bố. 

Những thành tựu về kinh tế và tiến bộ về đời sống văn hóa - xã hội của Đài Loan ngày nay không phải là ngẫu nhiên, tất cả có được là nhờ công lao của những con người có tinh thần dấn thân và có can đảm tách biệt với đám đông thờ ơ và hồ đồ để “dám giận giữ”, dám bày tỏ chính kiến, và dám lên tiếng vì lợi ích chung như Long Ứng Đài.  

Dù được xuất bản đã bốn thập kỷ nhưng cuốn sách “Ngọn lửa hoang dã” vẫn còn giữ nguyên giá trị tham khảo, đặc biệt là đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam - vốn đang đối mặt với hàng loạt vấn đề kinh tế - xã hội tương tự Đài Loan vào những năm 80. 

Cuốn sách là tiếng nói tri thức của một cá nhân “bất bình với thời cuộc” nhưng nó có sức ảnh hưởng vượt ngoài tầm quốc gia bởi tác giả không chỉ muốn cắt bỏ những “khối u” của xã hội Đài Loan mà còn đưa vào đó những lời khuyên dựa trên kiến thức và kinh nghiệm cá nhân, và có lẽ quan trọng hơn, là tấm lòng thiết tha với quê hương xứ sở.

Với ngòi bút châm biếm sâu sắc và lời văn khúc chiết, tuyển tập “Ngọn lửa hoang dã” (Hồ Như Ý dịch, Domino và NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2020) của Long Ứng Đài (Lung Ying-tai)—Bộ trưởng Văn hóa đầu tiên của Đài Loan (2012 - 2014)—đã vạch trần toàn bộ bộ mặt xấu xí của xã hội Đài Loan vào thời kỳ sôi sục của buổi bình minh dân chủ trong những năm 80 của thế kỷ trước.

Được xuất bản vào năm 1985, “Ngọn lửa hoang dã” là tập hợp những bài bình luận mang tính phê phán của Long Ứng Đài về những vấn đề nhức nhối của Đài Loan từ môi trường, giáo dục cho đến an sinh xã hội; các bài viết của tác giả được đăng trên tờ Trung Quốc Thời báo trong giai đoạn 1984 - 1985. 

Những bài bình luận của Long Ứng Đài được ví như là “một cuộc lật đổ về nhận thức” đối với xã hội Đài Loan, chạm vào từng ngóc ngách trên hòn đảo, cũng như len lỏi vào từng “tế bào tự ái xen lẫn đau khổ” của người dân Đài Loan.

Đài Loan – “Người mẹ bị bệnh giang mai”

Đài Loan vào những năm 80 giống như “một người mẹ mắc bệnh giang mai”. Long Ứng Đài đã ví von như vậy khi dẫn ra những vấn đề vô cùng nghiêm trọng của xã hội mà đa phần mọi người đều đang “thờ ơ” và/hoặc chọn tâm thái “sống chung” với “người mẹ” xấu xí, bẩn thỉu và xuống cấp về đạo đức. 

Vấn đề môi trường là “khối u tanh mủ nhất” khi Đài Loan thời kỳ này đang bị ô nhiễm tồi tệ. Dòng sông Đạm Thuỷ (Tamsui) bốc lên mùi hôi thối do các hộ dân gần đó ngày ngày ném từng bao rác, xả thải trực tiếp ra sông. Ở khu vực ngoại ô, người ta đốt chất hóa học, đốt dây điện khiến cho những đứa trẻ được sinh ra trong khu vực này bị thiếu não, yếu ớt, sức khỏe bị ảnh hưởng trầm trọng. Những ngọn núi xanh “bị hụt xuống một mảnh, đất cát bị đào đi, lớp đá màu đỏ trần trụi lộ ra bên ngoài” do khai thác một cách bừa bãi, quá mức mà không mảy may quan tâm tới việc bảo tồn tự nhiên.

Về chính trị, tác giả dẫn một bài báo trên tạp chí Newsweek của Mỹ đã so sánh xã hội  Đài Loan những năm 80 giống như trong cuốn sách phản địa đàng (dystopian) mang tên 1984 của nhà văn người Anh George Orwell (1903 - 1950) về một xã hội tưởng tượng đen tối nơi chính quyền toàn trị mà “Anh Cả” (Big Brother) theo dõi nhất cử nhất động của người dân. Trên thực tế, không khí chính trị ở Đài Loan khi ấy (dưới sự cầm quyền toàn diện của Quốc dân Đảng) cũng tương tự vậy, với một sự kiểm duyệt gắt gao về tự do ngôn luận, mặc dù đã có những sự cởi mở và tiến bộ nhất định. 

Vấn đề giáo dục được Long Ứng Đài dành phần lớn thì giờ (có thể là do tác giả là một giảng viên đại học) để nêu ra những cái bất nhất, vô lý của nền giáo dục Đài Loan đương thời mà tác giả cho rằng chúng rất phi giáo dục. Trước hết, tác giả chỉ ra nền giáo dục đại học “mầm non”, ở đó những người làm giáo dục áp dụng hình thức kiểu “cho bú sữa”, “ôm lấy và dắt đi” đối với những sinh viên ở độ tuổi đã 20. Mục đích của kiểu giáo dục đại học này là nhằm đào tạo ra một thế hệ sinh viên biết kỷ luật, lắng nghe và phục tùng. Thế nhưng, tác giả chỉ ra vấn đề nghiêm trọng nhất của loại hình giáo dục này là nó khiến sinh viên Đài Loan mất đi năng lực tư duy độc lập, khả năng phản biện, phán đoán cá nhân và kỹ năng xử lý tình huống thực tế.

Nguyên nhân gốc rễ của nền giáo dục này xuất phát từ loại hình giáo dục đè nén, “quản lý giáo huấn” học sinh mà ở đó những nhà quản lý giáo dục (tác giả gọi họ là những con robot) cứng nhắc tuân theo một bộ khung quy định trong trường học mà kỷ luật, trách phạt học sinh nếu nhận thấy hành vi của học sinh đó không phù hợp hoặc/và vượt quá phạm vi bộ khung. 

Thể loại giáo dục này kéo theo hai vấn đề đáng báo động, đó là nó tạo ra một nền giáo dục ưa chuộng hình thức và một nền giáo dục nơi thầy, cô sử dụng để thể hiện “tôn nghiêm và quyền uy cá nhân” hơn là việc trui rèn học sinh trở thành người có tư duy, có khả năng sáng tạo và biết phản biện. Một mặt, giáo viên khuyến khích học sinh tư duy, dũng cảm bày tỏ ý kiến; mặt khác, họ lại mong muốn học sinh ngoan ngoãn tuân theo những quy định trường học và nghe lời người lớn. 

Đấy chính là mâu thuẫn lớn nhất của nền giáo dục Đài Loan bấy giờ, bởi vì nếu một học sinh nghiêm túc tuân thủ nội quy và răm rắp nghe lời giáo viên theo phương châm “gọi dạ bảo vâng” thì học sinh đó khó mà mạnh dạn thể hiện bản thân hay nêu lên những nghi ngờ trước giáo viên. 

Bên cạnh đó, thể loại giáo dục “hai mặt” này cũng mang màu sắc chính trị gay gắt. Dù có vẻ nhà trường nỗ lực khuyến khích người học tư duy đến tận cùng vấn đề để tìm ra chân lý, khơi nguồn sáng tạo nhưng giáo viên lại ngăn cản người học tiếp cận những tài liệu “cấm” và dặn dò họ không được đụng chạm tới vấn đề chính trị nhạy cảm; nói cách khác, người học chỉ được “tự do học thuật trong khuôn khổ”.         

“Người Đài Loan xấu xí”

Một phần của nguyên nhân tạo ra xã hội Đài Loan nhếch nhác, bẩn thỉu và lộn xộn trong mắt Long Ứng Đài xuất phát từ thái độ “ích kỷ tư lợi” và tự ti, không dũng cảm của người Trung Quốc (tác giả dùng cụm từ “người Trung Quốc”, nhưng để phân biệt với người Trung Quốc ở đại lục, bài viết này sẽ thay bằng cụm từ “người Đài Loan”).

Ngay bài viết mở đầu của tuyển tập “Ngọn lửa hoang dã”, Long Ứng Đài đã thẳng thắn đặt câu hỏi “Người Trung Quốc, tại sao anh lại không tức giận?” về những thực tế xấu xí bày ra trước mặt. Tác giả phê bình những người chỉ biết nhún nhường chọn làm “đa số im lặng” còn hơn là thiểu số phẫn nộ; do đó mà “hiên nhà trở thành cái tạp viện nhếch nhác”, “giao thông của Đài Bắc trở thành ô nhiễm chướng khí”, “sông Đạm Thuỷ là một khúc ruột thối”. Đó đều là những vấn đề liên quan mật thiết tới lợi ích và cuộc sống của mỗi người Đài Loan “không biết chửi bới, bày tỏ ý kiến”. 

Để rồi, Long Ứng Đài phải thốt ra một lời dọa dẫm không thể xúc phạm hơn: “Hôm nay bạn không tức giận, không đứng lên nói chuyện, ngày mai thì bạn - còn có tôi, còn có đời sau của chúng ta, tất cả sẽ trở thành những con súc vật, người bị hại im lặng!” (tr. 15-16). Bởi tác giả hiểu rõ phản ứng của người dân ra sao thì sẽ định hình nên chính phủ như thế đó, môi trường sống cũng như vậy. Do đó việc không dám “tức giận” tức là thiếu đi ý thức về công lý, và ngược lại, chọn im lặng đồng nghĩa với chấp nhận sự sỉ nhục (tr. 170-171). 

Dù vậy, dựa trên những kinh nghiệm “tức giận” thất bại của mình, Long Ứng Đài đã chỉ ra bốn nguyên nhân khiến cho việc “phẫn nộ” không thành công và người dân thà chọn im lặng sống còn hơn lên tiếng bày tỏ ý kiến. 

Bốn nguyên do đó là: (1) xã hội có quá nhiều những tên “hùm beo” hung dữ mà ta không thể cãi tay đôi hay dùng lý lẽ với họ; (2) pháp luật chưa kiện toàn, chưa phát huy hiệu quả mà ở đó những nhà cầm quyền phô bày thái độ “quan phụ mẫu” mà hà hiếp, đe dọa người dân; (3) thái độ làm việc cẩu thả, dung dưỡng của nhân viên chấp pháp; (4) quá ít người biết “tức giận”, và đây chính là nguyên nhân chủ yếu. 

Ngoài ra, cảm giác bất lực một cách tuyệt vọng trước thời cuộc của người dân Đài Loan chỉ có thể thốt ra bằng những nỗi đau thay vì hành động để thay đổi cũng góp phần tạo ra tình trạng Đài Loan xấu xí ấy. Long Ứng Đài đã chỉ ra căn nguyên của cảm giác bất lực nằm ở chính người Đài Loan “dung túng”, “quen phục tùng quyền uy” những người “làm công ăn lương” đáng lẽ ra phải phục tùng mỗi công dân đóng từng đồng thuế cho họ. 

Thay vì nhận thức vị trí của bản thân trong quan hệ cá nhân - nhà nước, người Đài Loan chỉ biết “chép miệng” mà bất lực, không đứng lên để đấu tranh đến cùng cho quyền lợi chính đáng của mình, và thậm chí tìm cách đi ra nước ngoài. 

Người Đài Loan có thói quen xem trọng hình thức, vẻ bề ngoài hơn là phần nội tâm sâu sắc, thể hiện qua những biểu ngữ lan tràn khắp mọi nơi, đẩy mạnh tuyên truyền một cách vô bổ, phi khoa học, xây những công trình lớn nhất thế giới thay vì những cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu cơ bản của người dân, chủ yếu cho mục đích khoa trương với thế giới. 

Bên cạnh đó, Long Ứng Đài mô tả kiểu thái độ trái ngược nhau của người Đài Loan đối với phương Tây. Một mặt, người Đài Loan rất sính ngoại, cuồng hàng hóa của phương Tây bất chấp chất lượng, không tiếc tiền bạc cho con đi học tiếng Anh, lo lót cho con đi du học trời Tây, cũng như coi trọng du khách phương Tây hơn là người dân trong nước. Tâm lý này khiến cho Đài Loan luôn lấy phương Tây làm tiêu chuẩn để đốc thúc bản thân phải hành động (thay vì tự ngẫm về bản thân mà thay đổi) với mục tiêu giữ gìn hình ảnh Đài Loan tốt đẹp trong mắt cộng đồng quốc tế. Trong mắt Long Ứng Đài, loại tâm lý “sĩ diện hão” này rất đáng thương và có tính chất “giả bộ văn minh” cốt để lấy lòng quốc tế.

Mặt khác, từ sâu bên trong nội tâm, người Đài Loan lại kịch liệt chống phương Tây, và điều này mạnh mẽ không kém tâm lý yêu quý phương Tây. Biểu hiện sinh động nhất mà tác giả lồng ghép vào là mỗi khi nêu những đặc điểm ưu việt của phương Tây, người ta phải chèn thêm câu giải thích “nhưng tôi không sính ngoại” nhằm tránh sự chỉ trích của những người xung quanh. 

Hễ khi động vào các vấn đề của Đài Loan thì những quan chức và kẻ “bài ngoại” đều trưng ra một thái độ “chống Tây” kịch liệt, thay vì tìm cách phân tích, đối chiếu và thậm chí là học tập kinh nghiệm phương Tây để cải thiện vấn đề. Những phản ứng gồm “nói Đài Loan không tốt, chẳng nhẽ phương Tây không có vấn đề này”; chỉ trích là “kẻ sính ngoại” khi luôn nói phương Tây văn minh; gắn nhãn phương Tây để ngụy biện rằng điều đó/vấn đề đó “không phù hợp với tình hình Đài Loan”.

Là một giảng viên đại học trở về từ Mỹ, đau đớn trước một Đài Loan xuống cấp nhanh chóng, Long Ứng Đài đã “vượt qua những bức tường cao cửa của ngôi trường” để vạch từng “chân tơ kẽ tóc” những tật xấu của hòn đảo. Nói như vậy không có nghĩa rằng Đài Loan trong mắt của Long Ứng Đài không có khung hình nào đẹp đẽ nhưng chính tác giả đã bộc bạch rằng: “Thật sự tôi không thể viết ra những bài viết ca ngợi được; tôi không thốt ra lời”. 

Sự lo lắng của tác giả đối với tình trạng xuống cấp nhanh chóng của môi trường, xã hội Đài Loan đã chiếm phần lớn tâm trí và buộc tác giả không thể nào không viết ra những bài viết như vậy, cốt lõi là để người dân Đài Loan thức tỉnh mà hành động trước khi quá muộn màng. 

Trải qua gần 40 năm kể từ những bài viết phản tỉnh của Long Ứng Đài, Đài Loan đã có những biến đổi to lớn về kinh tế, chính trị và xã hội; hầu hết những vấn đề mà Long Ứng Đài nêu ra đều đã được chính quyền và người dân Đài Loan khắc phục triệt để. 

Ngày nay, Đài Loan ngày càng có nhiều bãi cỏ xanh, bảo tàng, thư viện và công viên. Đài Loan hiện xếp thứ 31 về mức độ hạnh phúc trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, theo “Báo cáo Hạnh phúc Thế giới” năm 2024 của Đại học Oxford; đồng thời xếp thứ tư về mức độ tự do trong báo cáo “Chỉ số Tự do Kinh tế” năm 2024 do The Heritage Foundation công bố. 

Những thành tựu về kinh tế và tiến bộ về đời sống văn hóa - xã hội của Đài Loan ngày nay không phải là ngẫu nhiên, tất cả có được là nhờ công lao của những con người có tinh thần dấn thân và có can đảm tách biệt với đám đông thờ ơ và hồ đồ để “dám giận giữ”, dám bày tỏ chính kiến, và dám lên tiếng vì lợi ích chung như Long Ứng Đài.  

Dù được xuất bản đã bốn thập kỷ nhưng cuốn sách “Ngọn lửa hoang dã” vẫn còn giữ nguyên giá trị tham khảo, đặc biệt là đối với những quốc gia đang phát triển như Việt Nam - vốn đang đối mặt với hàng loạt vấn đề kinh tế - xã hội tương tự Đài Loan vào những năm 80. 

Cuốn sách là tiếng nói tri thức của một cá nhân “bất bình với thời cuộc” nhưng nó có sức ảnh hưởng vượt ngoài tầm quốc gia bởi tác giả không chỉ muốn cắt bỏ những “khối u” của xã hội Đài Loan mà còn đưa vào đó những lời khuyên dựa trên kiến thức và kinh nghiệm cá nhân, và có lẽ quan trọng hơn, là tấm lòng thiết tha với quê hương xứ sở.

Từ khoá: Điểm sách Ngọn lửa hoang dã Đài Loan Đài Bắc

BÀI LIÊN QUAN