Kinh tế   12/07/2024

Nhận đầu tư ồ ạt từ Trung Quốc, Lào được hay mất nhiều hơn?

Trung Quốc mang đến cho Lào nhiều lợi ích về đầu tư, song cũng gây ra khoản nợ công khổng lồ, buộc quốc gia nhỏ bé này phải chật vật để vượt qua nghịch cảnh.

Image
Đoàn tàu tốc độ cao Vientiane - Côn Minh do Trung Quốc làm chủ đầu tư - (C): CGTN

Khi Chiến tranh Lạnh (Cold War) sắp sửa kết thúc (năm 1991), Trung Quốc đã tìm cách khôi phục ảnh hưởng ở Đông Nam Á thông qua chiến lược “tấn công quyến rũ” (charm offensive), trong đó ưu tiên thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn (về viện trợ, đầu tư và thương mại) với các quốc gia trong khu vực. 

Cũng trong nỗ lực này, chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Lý Bằng đến Lào vào năm 1990 đã đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Vientiane. Sau sự kiện này, các trường học và cửa hàng của người Hoa tại Lào dần dần hoạt động trở lại, phá tan sự lạnh nhạt trong quan hệ giữa hai nước trong thời gian trước đó, kéo theo lượng người Hoa chuyển đến sinh sống tại quốc gia Đông Nam Á này nhiều hơn trong suốt thập niên 90, chủ yếu định cư ở phía Bắc và thủ đô Vientiane.  

Quan hệ Trung - Lào vì thế cũng được cải thiện đáng kể, thể hiện qua việc Trung Quốc giúp Lào vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Sau đó Chủ tịch Giang Trạch Dân có chuyến thăm cấp nhà nước tới Lào vào tháng 11/2000. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Trung Quốc tới Lào. Gần một thập kỷ sau, cụ thể là vào năm 2009, hai bên đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.   

Trên nền tảng phát triển như vậy, Bắc Kinh hiện là đối tác bên ngoài Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có mức đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Lào lớn nhất. Cho đến tháng 11/2023, Trung Quốc có hơn 900 dự án tại Lào, với nhiều lĩnh vực khác nhau, tổng giá trị trên 13 tỷ USD. 

Những lợi ích về cơ sở hạ tầng

Trong số các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Lào, nguồn tài chính dành cho phát triển cơ sở hạ tầng là chủ đạo. Nổi bật nhất trong số này có lẽ là tuyến đường sắt tốc độ cao nối thủ đô Vientiane với thành phố Côn Minh (Trung Quốc), được khánh thành vào tháng 12/2021, dài 1.035km. Đây là dự án do Công ty Đường sắt Lào - Trung (Laos - China Railway Company) thi công, trong đó phía Lào trực tiếp chi trả 250 triệu USD, đồng thời vay thêm 1,5 tỷ USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EximBank). Với tuyến đường sắt có vận tốc trung bình 200km/h, việc giao thương giữa Trung Quốc và Lào đã trở nên thuận tiện và nhanh chóng hơn rất nhiều, chỉ mất 10 tiếng cho toàn bộ hành trình, chi phí hàng hóa có thể giảm hơn 30%

Bằng chứng về lợi ích của tuyến đường sắt là kim ngạch thương mại giữa hai nước trong những năm qua liên tục tăng trưởng. Vào năm 2021, thương mại hai chiều đạt 3,56 tỷ USD, sau đó tăng lên 5,21 tỷ USD vào năm 2022, và ở mức 7,09 tỷ USD một năm sau đó. Theo dự báo của tờ Vientiane Times, Trung Quốc đang trên đường trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Lào, soán ngôi của Thái Lan. Hơn nữa, tuyến đường sắt dự kiến sẽ được nối dài để đi qua Thái Lan, Malaysia và kết thúc tại Singapore, nhờ đó giúp Lào có thể trở thành một trung tâm hậu cần quan trọng trong số các quốc gia Đông Nam Á lục địa. 

Trong những năm qua, Trung Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng điện ở Lào. Cụ thể, các nhà thầu của Trung Quốc đang được đầu tư vào ba dự án xây dựng đập trên dòng chính của sông Mekong là Pak Lay (dự kiến hoàn thành vào năm 2032), Pak Beng (dự kiến hoàn thành vào năm 2033) và Sanakham (đang trong quá trình xem xét). Trước đó, Trung Quốc cũng đã xây dựng nhiều đập khác trên dòng nhánh sông Mekong là Nam Beng (được khánh thành vào năm 2017) và bảy dự án thuộc nhóm dự án Nam Ou (các đập số 2, 5, 6 được khánh thành vào năm 2016, các đập còn lại đã đi vào hoạt động vào năm 2020). 

Cùng với đó, vào năm 2022, tập đoàn Huawei (có trụ sở tại Trung Quốc) đã thiết lập quan hệ đối tác với nhà điều hành truyền tải và sản xuất điện nhà nước Lào là Électricité du Laos (EDL) để tìm kiếm các cơ hội trong sản xuất năng lượng tái tạo. Đến tháng 1/2023, công ty Lưới điện miền Nam Trung Quốc (China Southern Power Grid - CSPG) đã bắt đầu truyền tải điện đầy đủ vào Lào thông qua EDL. Theo liên doanh hợp tác này, CSPG chiếm 90% cổ phần, có quyền kiểm soát phần lớn lưới điện của Lào. Ngoài ra, Tập đoàn Điện Hạt nhân Tổng hợp Trung Quốc (China General Nuclear Power Group) đang có kế hoạch bắt đầu sản xuất điện bằng năng lượng mặt trời và gió ở miền Bắc Lào. 

Bên cạnh du lịch thì xuất khẩu điện là nguồn thu chính của Lào, do đó những khoản đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như vậy của Trung Quốc rất có ý nghĩa đối với Vientiane. Nguồn hỗ trợ từ cường quốc này đã góp phần giúp Lào xuất khẩu 80% sản lượng điện hàng năm sang các nước láng giềng như Thái Lan, Myanmar, Việt Nam, Trung Quốc, đồng thời bắt đầu thâm nhập vào thị trường Singapore từ năm 2022, và lắp đặt đường dây truyền tải 500kV sang Campuchia một năm sau đó. Trong số này, thủy điện là nguồn xuất khẩu chủ lực của Lào, chiếm khoảng 80% sản lượng.  

Như vậy, trong những năm qua, nguồn đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc đã giúp Lào có tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên, vận hành thêm nhiều thủy điện, cũng như phát triển những loại hình năng lượng tái tạo khác. Nhờ đó, thương mại song phương ngày càng phát triển nhanh, và sản lượng xuất khẩu điện của Lào sang các nước láng giềng khác cũng đạt kết quả tích cực. 

Nhưng nền kinh tế Lào đang gặp nhiều rủi ro 

Những khoản đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đang khiến khoản nợ công của Lào ngày thêm khổng lồ, với tổng cộng 13,8 tỷ USD (chiếm đến 108% so với GDP của Lào), trong đó nợ Bắc Kinh ở vào khoảng 10,5 tỷ USD. Theo Viện nghiên cứu và đổi mới AidData (có trụ sở tại Mỹ), trong 18 năm qua (tính đến năm ngoái), không có quốc gia nào nợ Trung Quốc nhiều như Lào, và thậm chí quốc gia Đông Nam Á này không có khả năng chi trả. Vào năm 2022, nghĩa vụ phải trả nợ nước ngoài của Lào là 507 triệu USD, nhưng chỉ sau một năm, con số này đã tăng lên 950 triệu USD (gần gấp đôi). Trước tình cảnh đó, Bộ Tài chính Lào cho biết đã phải xin hoãn thanh toán 670 triệu USD vào năm 2023. Từ năm 2020 đến nay, Lào đã xin hoãn tổng cộng 1,22 tỷ USD.       

Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Lào đang đàm phán với các chủ nợ để hoãn những khoản nợ hiện có và cải thiện tính thanh khoản. Vientiane cũng ban hành một số biện pháp để ngăn chặn khủng hoảng như tăng lãi suất, phát hành trái phiếu và phát triển các chiến lược quản lý nợ với sự cộng tác của Ngân hàng Phát triển châu Á (Asian Development Bank). 

Tuy nhiên, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi đồng Kip (đơn vị tiền tệ của Lào) chịu áp lực mất giá. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), đồng tiền này đã suy yếu 31% so với đồng USD trong năm 2023, khiến việc trả nợ trở nên khó khăn hơn, tốn kém hơn vì 59% tổng số nợ là bằng USD. Tình trạng này khó cải thiện khi các doanh nghiệp dần không tin tưởng vào đồng Kip, và thay vào đó chuyển tài sản sang đồng Baht hoặc USD để giảm thiểu những rủi ro, tiếp tay thúc đẩy thị trường chợ đen buôn tiền bất hợp pháp. 

Hậu quả, lạm phát liên tục gia tăng (thống kê mới nhất ghi nhận tỷ lệ lạm phát trong tháng 6 là 26,2%), đồng tiền ngày càng mất giá, trong khi chính phủ thừa nhận rằng chỉ 1/3 doanh thu xuất khẩu được giao dịch hợp pháp (thông qua hệ thống ngân hàng). Chẳng hạn năm 2022, Lào xuất khẩu được 8,19 tỷ USD, nhưng nhà nước chỉ quản lý được 2,7 tỷ USD

Hệ quả tất yếu khi nợ nhà nước quá cao và đồng tiền suy yếu là chính phủ Lào phải cắt giảm các khoản chi tiêu công cho những nhu cầu thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Cụ thể, theo thống kê từ WB, tổng chi tiêu công cho giáo dục và y tế của Lào đã giảm từ 4,9% GDP (năm 2013) xuống hơn một nửa còn khoảng 2,3% (năm 2023). 

Về phía Trung Quốc, vào hôm 2/7, đại diện Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố rằng “họ đang cố gắng hết sức để giúp các quốc gia liên quan [bao gồm có Lào] giảm bớt gánh nặng nợ nần”. Khẳng định của Bắc Kinh có thể đáng tin cậy vì siêu cường này rõ ràng không muốn Lào trở thành trường hợp điển hình tiếp theo cho cái mà phương Tây thường cáo buộc là “ngoại giao bẫy nợ” (debt-trap diplomacy). Thực tế là Trung Quốc đã giảm nợ đáng kể cho Lào trong ba năm (từ 2020 đến 2022), ước tính giúp quốc gia Đông Nam Á này tiết kiệm được khoản chi tương đương 8% GDP của năm 2022. Tuy nhiên, sự cứu trợ của Trung Quốc chỉ mang tính tình thế và không thể xóa bỏ hoàn toàn những khó khăn mà Lào đang phải đối diện. 

Trong khi nền kinh tế Lào dù muốn hay không đều khó thoát khỏi sự chi phối của Trung Quốc, thì một bộ nông dân của quốc gia Đông Nam Á này lại không mấy vui vẻ trước tình cảnh trên. Tại miền Bắc của Lào, chẳng hạn tại tỉnh Luang Namtha, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đến và đổ xô trồng các loại cây không phải là loại cây truyền thống ở đây như chuối, dưa hấu và mía. Doanh nghiệp Trung Quốc cũng gây xích mích với dân làng như không trả tiền đúng hạn hay vứt rác bừa bãi, khiến đỉnh điểm là người dân đã phá hủy mùa màng mà người Trung Quốc đang trồng. Trong khi đó, một cư dân tên là Noi, chuyên lái thuyền trên sông Mekong để kiếm sống bằng nghề đánh cá và thu hoạch các loại cỏ sông theo mùa, phàn nàn rằng “Người Trung Quốc đến và lấy hết tài nguyên từ đất liền, chính phủ được hưởng mọi lợi ích trong khi chúng tôi chẳng nhận được gì”.

Tại huyện Pak Beng (tỉnh Oudomxay), một cư dân tên Tee cũng thẳng thắn cho biết “Người Trung Quốc đã xây đập nhưng họ chẳng giúp được gì”. Cụ thể hơn, bà Tee kể lại rằng nhà mình từng bị thủy triều do con đập Nam Beng (cách huyện Pak Beng khoảng 10km về phía bắc) đổ xuống và cuốn trôi 150 con gà và 8 con lợn. Sau vụ việc, chính phủ Lào cũng không bồi thường cho những tổn thất của bà, thay vào đó họ chuyển bà và những dân làng bị ảnh hưởng khác đến một nơi ở mới. 

Nói một cách ngắn gọn, nền kinh tế Lào vẫn đang trong tình trạng nợ nần chồng chất, và dù Trung Quốc có những nỗ lực trợ giúp trong ngắn hạn nhưng tình hình vẫn chưa có khởi sắc là bao. Bên cạnh đó, sự hiện diện của Bắc Kinh khiến một bộ phận người dân ở phía Bắc của Lào cảm thấy không thật sự dễ chịu. Vì thế, có thể khẳng định Lào đang thiệt hại nhiều hơn so với các lợi ích mà nước này nhận được từ nguồn đầu tư ồ ạt của Trung Quốc. 

Lào sẽ làm gì trong thời gian tới? 

Với mối liên kết ngày càng sâu sắc, quan hệ kinh tế giữa Lào và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục được mở rộng. Song song với đó, vấn đề nợ nần chồng chất của Lào sẽ không sớm biến mất, và theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì khoản nợ này vẫn sẽ ở mức “rất cao” (very high) trong hai thập kỷ tới. 

Hai yếu tố này kết hợp lại có thể khiến nhiều trường hợp tương tự như sự việc của EDL hồi năm 2020 xảy ra nhiều hơn trong tương lai. Vào thời điểm đó, EDL đã chuyển giao gần như toàn bộ quyền sở hữu cho CSPG quản lý, và như đã đề cập, phía Trung Quốc hiện nắm đến 90% cổ phần. 

Những động thái như vậy có thể giúp ích trong ngắn hạn, vì việc Trung Quốc tiếp quản có thể giúp quản lý quá trình vận hành tốt hơn, song về dài hạn Lào sẽ đánh mất năng lực tự chủ và ngày càng lệ thuộc hơn vào cường quốc láng giềng. 

Tuy nhiên, phần đông người dân Lào đã quá quen với sự hiện diện của Trung Quốc và không có dấu hiệu rõ rệt cho thấy mong muốn “chống lại” điều này. Thực tế này có thể được làm rõ qua số liệu khảo sát những năm qua của Viện ISEAS-Yusof Ishak (có trụ sở tại Singapore) về quan điểm từ các quốc gia ASEAN. Cụ thể, với câu hỏi “Nếu ASEAN buộc phải liên kết với một trong hai đối thủ chiến lược, thì nên chọn bên nào?”, phần lớn người khảo sát đến từ Lào lựa chọn Trung Quốc thay vì Mỹ, chẳng hạn năm 2021 là 80%, năm 2022 là 81,8% và năm 2024 là 70,6%. Chỉ có năm 2023 là trường hợp đặc biệt khi có 58,9% người Lào chọn Mỹ. 

Kết quả cũng là tương tự với câu hỏi “quốc gia/tổ chức khu vực nào có ảnh hưởng về kinh tế nhất ở Đông Nam Á?”. Phần đông người dân Lào đã chọn đáp án là Trung Quốc, cụ thể năm 2021 là 87,5%, năm 2022 là 86,4% và mới nhất là 77,5%, trong khi năm 2023 chỉ 20,6%.      

Một trong những nguyên nhân khiến niềm tin của người dân Lào đối với Trung Quốc bị giảm sút mạnh trong năm 2023 là các hạn chế về biên giới mà chính phủ Trung Quốc ban hành trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Việc Trung Quốc đình chỉ xuất khẩu của Lào cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và nông dân của quốc gia Đông Nam Á này. Do đó, người khảo sát đến từ Lào đã hướng sự kỳ vọng vào ASEAN, Liên minh châu Âu (EU) hay Australia.  

Mặc dù ảnh hưởng của Trung Quốc tại Lào vẫn đang quá lớn, song trong bối cảnh nợ nần chồng chất và cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, có lý do để tin rằng Vientiane sẽ nỗ lực để tiến hành đường lối đối ngoại đa dạng hơn, mở rộng hợp tác về kinh tế với ASEAN (đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam, những thị trường xuất khẩu lần lượt lớn thứ nhất và thứ ba của Lào trong năm 2023), EU, hoặc các đồng minh của Mỹ như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc để phòng ngừa rủi ro. 

Nếu không có gì thay đổi, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Lào sang Thái Lan, Việt Nam cùng các quốc gia ASEAN khác sẽ tiếp tục là điện; EU là hàng may mặc, giày dép, các sản phẩm nông nghiệp; Australia là vàng; Nhật Bản là hydro, dây cách điện; và Hàn Quốc là than củi, phân bón.

Khi Chiến tranh Lạnh (Cold War) sắp sửa kết thúc (năm 1991), Trung Quốc đã tìm cách khôi phục ảnh hưởng ở Đông Nam Á thông qua chiến lược “tấn công quyến rũ” (charm offensive), trong đó ưu tiên thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn (về viện trợ, đầu tư và thương mại) với các quốc gia trong khu vực. 

Cũng trong nỗ lực này, chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Lý Bằng đến Lào vào năm 1990 đã đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Vientiane. Sau sự kiện này, các trường học và cửa hàng của người Hoa tại Lào dần dần hoạt động trở lại, phá tan sự lạnh nhạt trong quan hệ giữa hai nước trong thời gian trước đó, kéo theo lượng người Hoa chuyển đến sinh sống tại quốc gia Đông Nam Á này nhiều hơn trong suốt thập niên 90, chủ yếu định cư ở phía Bắc và thủ đô Vientiane.  

Quan hệ Trung - Lào vì thế cũng được cải thiện đáng kể, thể hiện qua việc Trung Quốc giúp Lào vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Sau đó Chủ tịch Giang Trạch Dân có chuyến thăm cấp nhà nước tới Lào vào tháng 11/2000. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Trung Quốc tới Lào. Gần một thập kỷ sau, cụ thể là vào năm 2009, hai bên đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.   

Trên nền tảng phát triển như vậy, Bắc Kinh hiện là đối tác bên ngoài Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có mức đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Lào lớn nhất. Cho đến tháng 11/2023, Trung Quốc có hơn 900 dự án tại Lào, với nhiều lĩnh vực khác nhau, tổng giá trị trên 13 tỷ USD. 

Những lợi ích về cơ sở hạ tầng

Trong số các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Lào, nguồn tài chính dành cho phát triển cơ sở hạ tầng là chủ đạo. Nổi bật nhất trong số này có lẽ là tuyến đường sắt tốc độ cao nối thủ đô Vientiane với thành phố Côn Minh (Trung Quốc), được khánh thành vào tháng 12/2021, dài 1.035km. Đây là dự án do Công ty Đường sắt Lào - Trung (Laos - China Railway Company) thi công, trong đó phía Lào trực tiếp chi trả 250 triệu USD, đồng thời vay thêm 1,5 tỷ USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (EximBank). Với tuyến đường sắt có vận tốc trung bình 200km/h, việc giao thương giữa Trung Quốc và Lào đã trở nên thuận tiện và nhanh chóng hơn rất nhiều, chỉ mất 10 tiếng cho toàn bộ hành trình, chi phí hàng hóa có thể giảm hơn 30%

Bằng chứng về lợi ích của tuyến đường sắt là kim ngạch thương mại giữa hai nước trong những năm qua liên tục tăng trưởng. Vào năm 2021, thương mại hai chiều đạt 3,56 tỷ USD, sau đó tăng lên 5,21 tỷ USD vào năm 2022, và ở mức 7,09 tỷ USD một năm sau đó. Theo dự báo của tờ Vientiane Times, Trung Quốc đang trên đường trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Lào, soán ngôi của Thái Lan. Hơn nữa, tuyến đường sắt dự kiến sẽ được nối dài để đi qua Thái Lan, Malaysia và kết thúc tại Singapore, nhờ đó giúp Lào có thể trở thành một trung tâm hậu cần quan trọng trong số các quốc gia Đông Nam Á lục địa. 

Trong những năm qua, Trung Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng điện ở Lào. Cụ thể, các nhà thầu của Trung Quốc đang được đầu tư vào ba dự án xây dựng đập trên dòng chính của sông Mekong là Pak Lay (dự kiến hoàn thành vào năm 2032), Pak Beng (dự kiến hoàn thành vào năm 2033) và Sanakham (đang trong quá trình xem xét). Trước đó, Trung Quốc cũng đã xây dựng nhiều đập khác trên dòng nhánh sông Mekong là Nam Beng (được khánh thành vào năm 2017) và bảy dự án thuộc nhóm dự án Nam Ou (các đập số 2, 5, 6 được khánh thành vào năm 2016, các đập còn lại đã đi vào hoạt động vào năm 2020). 

Cùng với đó, vào năm 2022, tập đoàn Huawei (có trụ sở tại Trung Quốc) đã thiết lập quan hệ đối tác với nhà điều hành truyền tải và sản xuất điện nhà nước Lào là Électricité du Laos (EDL) để tìm kiếm các cơ hội trong sản xuất năng lượng tái tạo. Đến tháng 1/2023, công ty Lưới điện miền Nam Trung Quốc (China Southern Power Grid - CSPG) đã bắt đầu truyền tải điện đầy đủ vào Lào thông qua EDL. Theo liên doanh hợp tác này, CSPG chiếm 90% cổ phần, có quyền kiểm soát phần lớn lưới điện của Lào. Ngoài ra, Tập đoàn Điện Hạt nhân Tổng hợp Trung Quốc (China General Nuclear Power Group) đang có kế hoạch bắt đầu sản xuất điện bằng năng lượng mặt trời và gió ở miền Bắc Lào. 

Bên cạnh du lịch thì xuất khẩu điện là nguồn thu chính của Lào, do đó những khoản đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như vậy của Trung Quốc rất có ý nghĩa đối với Vientiane. Nguồn hỗ trợ từ cường quốc này đã góp phần giúp Lào xuất khẩu 80% sản lượng điện hàng năm sang các nước láng giềng như Thái Lan, Myanmar, Việt Nam, Trung Quốc, đồng thời bắt đầu thâm nhập vào thị trường Singapore từ năm 2022, và lắp đặt đường dây truyền tải 500kV sang Campuchia một năm sau đó. Trong số này, thủy điện là nguồn xuất khẩu chủ lực của Lào, chiếm khoảng 80% sản lượng.  

Như vậy, trong những năm qua, nguồn đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc đã giúp Lào có tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên, vận hành thêm nhiều thủy điện, cũng như phát triển những loại hình năng lượng tái tạo khác. Nhờ đó, thương mại song phương ngày càng phát triển nhanh, và sản lượng xuất khẩu điện của Lào sang các nước láng giềng khác cũng đạt kết quả tích cực. 

Nhưng nền kinh tế Lào đang gặp nhiều rủi ro 

Những khoản đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đang khiến khoản nợ công của Lào ngày thêm khổng lồ, với tổng cộng 13,8 tỷ USD (chiếm đến 108% so với GDP của Lào), trong đó nợ Bắc Kinh ở vào khoảng 10,5 tỷ USD. Theo Viện nghiên cứu và đổi mới AidData (có trụ sở tại Mỹ), trong 18 năm qua (tính đến năm ngoái), không có quốc gia nào nợ Trung Quốc nhiều như Lào, và thậm chí quốc gia Đông Nam Á này không có khả năng chi trả. Vào năm 2022, nghĩa vụ phải trả nợ nước ngoài của Lào là 507 triệu USD, nhưng chỉ sau một năm, con số này đã tăng lên 950 triệu USD (gần gấp đôi). Trước tình cảnh đó, Bộ Tài chính Lào cho biết đã phải xin hoãn thanh toán 670 triệu USD vào năm 2023. Từ năm 2020 đến nay, Lào đã xin hoãn tổng cộng 1,22 tỷ USD.       

Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Lào đang đàm phán với các chủ nợ để hoãn những khoản nợ hiện có và cải thiện tính thanh khoản. Vientiane cũng ban hành một số biện pháp để ngăn chặn khủng hoảng như tăng lãi suất, phát hành trái phiếu và phát triển các chiến lược quản lý nợ với sự cộng tác của Ngân hàng Phát triển châu Á (Asian Development Bank). 

Tuy nhiên, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi đồng Kip (đơn vị tiền tệ của Lào) chịu áp lực mất giá. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), đồng tiền này đã suy yếu 31% so với đồng USD trong năm 2023, khiến việc trả nợ trở nên khó khăn hơn, tốn kém hơn vì 59% tổng số nợ là bằng USD. Tình trạng này khó cải thiện khi các doanh nghiệp dần không tin tưởng vào đồng Kip, và thay vào đó chuyển tài sản sang đồng Baht hoặc USD để giảm thiểu những rủi ro, tiếp tay thúc đẩy thị trường chợ đen buôn tiền bất hợp pháp. 

Hậu quả, lạm phát liên tục gia tăng (thống kê mới nhất ghi nhận tỷ lệ lạm phát trong tháng 6 là 26,2%), đồng tiền ngày càng mất giá, trong khi chính phủ thừa nhận rằng chỉ 1/3 doanh thu xuất khẩu được giao dịch hợp pháp (thông qua hệ thống ngân hàng). Chẳng hạn năm 2022, Lào xuất khẩu được 8,19 tỷ USD, nhưng nhà nước chỉ quản lý được 2,7 tỷ USD

Hệ quả tất yếu khi nợ nhà nước quá cao và đồng tiền suy yếu là chính phủ Lào phải cắt giảm các khoản chi tiêu công cho những nhu cầu thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Cụ thể, theo thống kê từ WB, tổng chi tiêu công cho giáo dục và y tế của Lào đã giảm từ 4,9% GDP (năm 2013) xuống hơn một nửa còn khoảng 2,3% (năm 2023). 

Về phía Trung Quốc, vào hôm 2/7, đại diện Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố rằng “họ đang cố gắng hết sức để giúp các quốc gia liên quan [bao gồm có Lào] giảm bớt gánh nặng nợ nần”. Khẳng định của Bắc Kinh có thể đáng tin cậy vì siêu cường này rõ ràng không muốn Lào trở thành trường hợp điển hình tiếp theo cho cái mà phương Tây thường cáo buộc là “ngoại giao bẫy nợ” (debt-trap diplomacy). Thực tế là Trung Quốc đã giảm nợ đáng kể cho Lào trong ba năm (từ 2020 đến 2022), ước tính giúp quốc gia Đông Nam Á này tiết kiệm được khoản chi tương đương 8% GDP của năm 2022. Tuy nhiên, sự cứu trợ của Trung Quốc chỉ mang tính tình thế và không thể xóa bỏ hoàn toàn những khó khăn mà Lào đang phải đối diện. 

Trong khi nền kinh tế Lào dù muốn hay không đều khó thoát khỏi sự chi phối của Trung Quốc, thì một bộ nông dân của quốc gia Đông Nam Á này lại không mấy vui vẻ trước tình cảnh trên. Tại miền Bắc của Lào, chẳng hạn tại tỉnh Luang Namtha, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đến và đổ xô trồng các loại cây không phải là loại cây truyền thống ở đây như chuối, dưa hấu và mía. Doanh nghiệp Trung Quốc cũng gây xích mích với dân làng như không trả tiền đúng hạn hay vứt rác bừa bãi, khiến đỉnh điểm là người dân đã phá hủy mùa màng mà người Trung Quốc đang trồng. Trong khi đó, một cư dân tên là Noi, chuyên lái thuyền trên sông Mekong để kiếm sống bằng nghề đánh cá và thu hoạch các loại cỏ sông theo mùa, phàn nàn rằng “Người Trung Quốc đến và lấy hết tài nguyên từ đất liền, chính phủ được hưởng mọi lợi ích trong khi chúng tôi chẳng nhận được gì”.

Tại huyện Pak Beng (tỉnh Oudomxay), một cư dân tên Tee cũng thẳng thắn cho biết “Người Trung Quốc đã xây đập nhưng họ chẳng giúp được gì”. Cụ thể hơn, bà Tee kể lại rằng nhà mình từng bị thủy triều do con đập Nam Beng (cách huyện Pak Beng khoảng 10km về phía bắc) đổ xuống và cuốn trôi 150 con gà và 8 con lợn. Sau vụ việc, chính phủ Lào cũng không bồi thường cho những tổn thất của bà, thay vào đó họ chuyển bà và những dân làng bị ảnh hưởng khác đến một nơi ở mới. 

Nói một cách ngắn gọn, nền kinh tế Lào vẫn đang trong tình trạng nợ nần chồng chất, và dù Trung Quốc có những nỗ lực trợ giúp trong ngắn hạn nhưng tình hình vẫn chưa có khởi sắc là bao. Bên cạnh đó, sự hiện diện của Bắc Kinh khiến một bộ phận người dân ở phía Bắc của Lào cảm thấy không thật sự dễ chịu. Vì thế, có thể khẳng định Lào đang thiệt hại nhiều hơn so với các lợi ích mà nước này nhận được từ nguồn đầu tư ồ ạt của Trung Quốc. 

Lào sẽ làm gì trong thời gian tới? 

Với mối liên kết ngày càng sâu sắc, quan hệ kinh tế giữa Lào và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục được mở rộng. Song song với đó, vấn đề nợ nần chồng chất của Lào sẽ không sớm biến mất, và theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì khoản nợ này vẫn sẽ ở mức “rất cao” (very high) trong hai thập kỷ tới. 

Hai yếu tố này kết hợp lại có thể khiến nhiều trường hợp tương tự như sự việc của EDL hồi năm 2020 xảy ra nhiều hơn trong tương lai. Vào thời điểm đó, EDL đã chuyển giao gần như toàn bộ quyền sở hữu cho CSPG quản lý, và như đã đề cập, phía Trung Quốc hiện nắm đến 90% cổ phần. 

Những động thái như vậy có thể giúp ích trong ngắn hạn, vì việc Trung Quốc tiếp quản có thể giúp quản lý quá trình vận hành tốt hơn, song về dài hạn Lào sẽ đánh mất năng lực tự chủ và ngày càng lệ thuộc hơn vào cường quốc láng giềng. 

Tuy nhiên, phần đông người dân Lào đã quá quen với sự hiện diện của Trung Quốc và không có dấu hiệu rõ rệt cho thấy mong muốn “chống lại” điều này. Thực tế này có thể được làm rõ qua số liệu khảo sát những năm qua của Viện ISEAS-Yusof Ishak (có trụ sở tại Singapore) về quan điểm từ các quốc gia ASEAN. Cụ thể, với câu hỏi “Nếu ASEAN buộc phải liên kết với một trong hai đối thủ chiến lược, thì nên chọn bên nào?”, phần lớn người khảo sát đến từ Lào lựa chọn Trung Quốc thay vì Mỹ, chẳng hạn năm 2021 là 80%, năm 2022 là 81,8% và năm 2024 là 70,6%. Chỉ có năm 2023 là trường hợp đặc biệt khi có 58,9% người Lào chọn Mỹ. 

Kết quả cũng là tương tự với câu hỏi “quốc gia/tổ chức khu vực nào có ảnh hưởng về kinh tế nhất ở Đông Nam Á?”. Phần đông người dân Lào đã chọn đáp án là Trung Quốc, cụ thể năm 2021 là 87,5%, năm 2022 là 86,4% và mới nhất là 77,5%, trong khi năm 2023 chỉ 20,6%.      

Một trong những nguyên nhân khiến niềm tin của người dân Lào đối với Trung Quốc bị giảm sút mạnh trong năm 2023 là các hạn chế về biên giới mà chính phủ Trung Quốc ban hành trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Việc Trung Quốc đình chỉ xuất khẩu của Lào cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và nông dân của quốc gia Đông Nam Á này. Do đó, người khảo sát đến từ Lào đã hướng sự kỳ vọng vào ASEAN, Liên minh châu Âu (EU) hay Australia.  

Mặc dù ảnh hưởng của Trung Quốc tại Lào vẫn đang quá lớn, song trong bối cảnh nợ nần chồng chất và cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, có lý do để tin rằng Vientiane sẽ nỗ lực để tiến hành đường lối đối ngoại đa dạng hơn, mở rộng hợp tác về kinh tế với ASEAN (đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam, những thị trường xuất khẩu lần lượt lớn thứ nhất và thứ ba của Lào trong năm 2023), EU, hoặc các đồng minh của Mỹ như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc để phòng ngừa rủi ro. 

Nếu không có gì thay đổi, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Lào sang Thái Lan, Việt Nam cùng các quốc gia ASEAN khác sẽ tiếp tục là điện; EU là hàng may mặc, giày dép, các sản phẩm nông nghiệp; Australia là vàng; Nhật Bản là hydro, dây cách điện; và Hàn Quốc là than củi, phân bón.

Từ khoá: Lào Trung Quốc đầu tư ngoại giao bẫy nợ Sáng kiến Vành đai và Con đường

BÀI LIÊN QUAN