Kinh tế   07/08/2024

Tại sao Mỹ tiếp tục không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường?

Không chỉ khiến Việt Nam thất vọng, quyết định của Mỹ còn làm suy giảm lòng tin chính trị giữa hai nước.

Image
Ngoại trưởng Mỹ A. Blinken hội đàm với người đồng cấp Việt Nam Bùi Thanh Sơn hôm 25/3 tại Washington, D.C. - (C): AFP/Mandel Ngan

Vào tối ngày 2/8 (theo giờ Việt Nam), Bộ Thương mại Mỹ (Department of Commerce - DOC) đã ra phán quyết không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Hệ quả của quyết định này là các nhà xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam vì thế cũng không được dùng để tính toán biên độ phá giá mà phải sử dụng giá trị thay thế của một nước thứ ba.

Cụ thể hơn, khi một quốc gia bị dán nhãn nền kinh tế phi thị trường (như Việt Nam), các nguyên tắc tính toán giá xuất khẩu thông thường sẽ không được áp dụng. Thay vào đó, nước nhập khẩu (trong trường hợp này là Mỹ) có thể dùng các phương pháp khác mà họ cho là hợp lý. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp bất lợi rất lớn ở thị trường Mỹ, vì biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh đúng thực trạng chi phí sản xuất của các công ty này.

Tại sao Mỹ chưa công nhận Việt Nam?

Theo tuyên bố của DOC, “bất chấp những cải cách đáng kể của Việt Nam trong 20 năm qua, sự can dự sâu rộng của chính phủ vào nền kinh tế Việt Nam vẫn làm bóp méo giá cả và chi phí của Việt Nam” (Despite Vietnam’s substantive reforms made over the past 20 years, the extensive government involvement in Vietnam’s economy distorts Vietnamese prices and costs). Đồng thời, Bộ này cũng khẳng định rằng quyết định trên được đưa ra sau khi đã “đánh giá kỹ lưỡng” (thorough evaluation) toàn bộ bình luận trong hơn 36.000 trang từ các ngành công nghiệp nội địa của Mỹ (nhóm phản đối công nhận), cũng như chính phủ Việt Nam.

Phía Mỹ cho rằng Việt Nam không đáp ứng cả năm tiêu chí để được công nhận là nền kinh tế thị trường, bao gồm mức độ chuyển đổi của đồng tiền; quá trình đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; mức độ kiểm soát của chính phủ với một số nguồn lực và giá cả.

Cụ thể, DOC nhận định Hà Nội tiếp tục duy trì các hạn chế về khả năng chuyển đổi đối với đồng tiền của mình, và Ngân hàng Trung ương Việt Nam cũng không phải là một thực thể độc lập. Tiếp theo, quốc gia Đông Nam Á này vẫn chưa để các công đoàn hoạt động một cách độc lập, thay vào đó nỗ lực kiểm soát, gây tổn hại đến khả năng của người lao động trong việc tổ chức và thương lượng tập thể để có mức lương cao hơn.

Đến với tiêu chí thứ ba, chính phủ Việt Nam vẫn duy trì các hạn chế quá mức và tạo ra nhiều thách thức đối với đầu tư nước ngoài, chẳng hạn thủ tục hành chính rườm rà và thiếu minh bạch trong các quy trình quản lý, cũng như không bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước và hiện diện trong một số lĩnh vực (chẳng hạn như sản xuất) mà không có lý do chính đáng. Doanh nghiệp nhà nước cũng được chính phủ ưu tiên hơn. Cụ thể, chính phủ can thiệp đáng kể để bao bọc năng lực quản trị yếu kém của các công ty này, hay các công ty có lợi thế về đất đai do nhà nước vẫn là bên sở hữu toàn bộ đất đai trong lãnh thổ Việt Nam. Cuối cùng, chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát đáng kể đối với việc phân bổ nguồn lực, kiểm soát giá cả, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng.  

Hơn nữa, Việt Nam đang không ngừng làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Trung Quốc (một quốc gia khác thuộc nhóm kinh tế phi thị trường). Chẳng hạn, không lâu sau khi ký hiệp định đối tác chiến lược toàn diện với Washington hồi tháng 9/2023, Hà Nội đã đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ký kết 36 văn bản hợp tác (nhiều nhất từ trước đến nay trong khuôn khổ một chuyến thăm của ông Tập sang Việt Nam). Trong các văn kiện ký kết có hai bản ghi nhớ về “tăng cường hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc” và “tăng cường hợp tác viện trợ phát triển đường sắt qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc” – là chỉ dấu cho thấy Hà Nội và Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy thương mại xuyên biên giới (thay vì giảm tương tác như Mỹ kỳ vọng).

Một vấn đề quan trọng nữa mà phía Mỹ rất quan tâm là trong nhiều trường hợp, đầu vào thượng nguồn được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó được chuyển đến các công ty con của Việt Nam để chế biến nhỏ thành các sản phẩm hạ nguồn, rồi đem đi xuất khẩu nhằm giúp doanh nghiệp ở quốc gia tỷ dân tránh thuế của Mỹ. Bằng chứng là, cho đến nay Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (U.S. Customs and Border Protection) đã phát hiện ra 17 sự việc như thế.

Từ những nội dung kể trên, DOC nhận thấy sự can thiệp sâu rộng và toàn diện của chính phủ vào nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp diễn, làm méo mó giá cả và chi phí, và ngăn cản quốc gia này hoạt động theo các nguyên tắc thị trường.

Sâu xa hơn, quyết định này của DOC nói riêng và chính phủ Mỹ nói chung có thể xuất phát từ nhu cầu “lấy lòng dư luận” trước cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra vào tháng 11. Đây rõ ràng là một thời điểm vô cùng nhạy cảm, và đảng Dân chủ có lẽ không muốn mạo hiểm đưa ra quyết định gây tranh cãi để rồi có nguy cơ đánh mất sự ủng hộ từ một bộ phận cử tri. Nếu DOC công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, đảng Dân chủ có thể “tạo thời cơ” để đảng Cộng hòa lấy được số phiếu cử tri đông đảo từ các ngành công nghiệp như thép, nhôm đùn, gỗ dán, mật ong, cá da trơn... (và đảng Dân chủ chắc chắn không muốn kịch bản này xảy ra).  

Phản ứng của Việt Nam và dư luận Mỹ

Ngay sau khi Mỹ đưa ra quyết định, Bộ Công Thương Việt Nam đã “lấy làm tiếc, cho rằng nếu DOC xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan và công bằng, họ sẽ chấp nhận thực tế quốc gia Đông Nam Á này đã là nền kinh tế thị trường. Bộ này cũng cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu và phân tích các lập luận trong báo cáo của DOC để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ liên quan, một lần nữa trình lên DOC yêu cầu xem xét lại quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng thậm chí thẳng thắn hơn khi nhấn mạnh: “Chúng tôi thất vọng về việc DOC tiếp tục xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường”. Bà Hằng nói thêm rằng “quyết định này không phản ánh đầy đủ những nỗ lực và thành tựu to lớn của Việt Nam trong xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận”.  

Cùng quan điểm ủng hộ Việt Nam, nhà nghiên cứu Murray Hiebert (cộng sự cấp cao của chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS, có trụ sở tại Washington, D.C.) gọi quyết định này là “nực cười” (ridiculous), vì thị trường Việt Nam có mức độ tự do ngang với nhiều nước khác được Mỹ xem là kinh tế thị trường. Trong khi đó, nhà kinh tế học Liang Yan (công tác tại Đại học Willamette, tiểu bang Oregon, Mỹ) bày tỏ sự bất ngờ đôi chút vì cho rằng Washington có thể cần Hà Nội hỗ trợ chuỗi cung ứng như là một lựa chọn thay thế cho Bắc Kinh.

Ở chiều ngược lại, Kevin Dempsey, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Viện Sắt và Thép Mỹ (American Iron and Steel Institute), đã hoan nghênh quyết định của DOC. Ông Kevin Dempsey tin rằng doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, tiếp tục thao túng tiền tệ, can thiệp vào việc xuất khẩu nguyên liệu thô để sản xuất thép, và hỗ trợ Trung Quốc lách luật thương mại của Mỹ. Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà sản xuất Thép (Steel Manufacturers Association) Philip K. Bell đã ca ngợi phán quyết vừa qua và cảm ơn DOC vì đã đưa ra kết luận hợp lý.  

Cùng với đó, ông Nazak Nikakhtar (cựu trợ lý Bộ trưởng Thương mại dưới thời Tổng thống Donald Trump) khẳng định quyết định của DOC là một bước đi nhằm giúp “cân bằng sân chơi và mang lại chiến thắng quan trọng cho hàng chục ngành công nghiệp của Mỹ cùng người lao động của họ, những người đã buộc phải cạnh tranh với các hoạt động thương mại không công bằng từ các công ty Việt Nam”. 

Dự báo tác động từ quyết định của Mỹ

Phán quyết vừa qua của DOC khó có thể khiến quan hệ Việt - Mỹ “trật đường ray”, mà trái lại, các doanh nghiệp ở quốc gia Đông Nam Á này vẫn sẽ tìm cách tăng xuất khẩu vào thị trường của xứ sở cờ hoa. Bằng chứng là dù chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nhưng Mỹ là điểm đến lớn nhất của hàng xuất khẩu Việt Nam trong năm 2023, đạt hơn 96,9 tỷ USD (chiếm khoảng 27,3% tổng kim ngạch xuất khẩu). Con số này thậm chí còn tốt hơn trong sáu tháng đầu năm nay, khi Washington chiếm hơn 28,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đạt 54,3 tỷ USD, tiếp tục ở vị trí dẫn đầu.

Tuy nhiên, sự hoài nghi từ phía Việt Nam đối với Mỹ là khó tránh khỏi. Từ tuyên bố của Bộ Công thương về việc DOC xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam chưa khách quan và công bằng, Hà Nội có lý do để nghi ngờ Washington vẫn đang có thái độ thiếu tích cực đối với các quốc gia mà siêu cường này coi là độc tài (authoritarian states).

Dù Mỹ có mối quan hệ song phương ở cấp cao nhất trong thang bậc đối ngoại của Việt Nam, nhưng quyết định của DOC cho thấy Mỹ vẫn đang xem Việt Nam ngang hàng với Nga, Trung Quốc (những nước được xem là đối trọng lớn nhất của Washington). Nói cách khác, Việt Nam có thể nhận định rằng Mỹ đang không “nói đi đôi với làm”, và sẵn sàng gây bất lợi cho Hà Nội.

Trong bối cảnh đó, những lời “ve vãn” (chẳng hạn như phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen khi đến Việt Nam vào tháng 7/2023 rằng “Chúng tôi không tìm cách xây dựng mọi thứ ở Mỹ. Chúng tôi tin rằng khả năng phục hồi kinh tế dài hạn đòi hỏi chuỗi cung ứng toàn cầu đa dạng, trong đó có Việt Nam”), hay các chuyến thăm cấp cao của Mỹ trong những năm gần đây để tìm cách lôi kéo Việt Nam trở thành đối trọng chiến lược với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, có thể trở nên kém hấp dẫn hơn.

Hơn nữa, nếu ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, niềm tin trong quan hệ Việt - Mỹ (về chính trị lẫn kinh tế) có thể còn trở nên bi quan hơn, vì trong nhiệm kỳ trước đây, ông đã từng gắn mác “thao túng tiền tệ” lên quốc gia hình chữ S (tức cáo buộc có sự can thiệp không đúng cách vào thị trường ngoại hối để tạo lợi thế xuất khẩu, gây ra môi trường cạnh tranh thiếu công bằng với các doanh nghiệp nội địa của Mỹ).   

Đây chính là thời cơ để Trung Quốc kéo Việt Nam xích lại gần hơn, tiếp tục trở thành điểm trung chuyển cho hàng công nghiệp từ quốc gia tỷ dân sang các thị trường khác, đặc biệt là Mỹ, nhằm lách các loại thuế mà Washington áp đặt lên Bắc Kinh. Đây không phải là một kịch bản xa vời, vì trong năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu tới 8,2 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc, tương đương trên 5,65 tỷ USD, tăng 62,8% về lượng so với năm trước đó.

Mặc dù vậy, cũng cần lưu ý rằng, Hà Nội nhiều khả năng sẽ không để quan hệ với Mỹ xấu đi một cách rõ rệt, vì như Bộ Công thương đã khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục tìm cách bổ sung hồ sơ và tái trình lên DOC để xem xét xét duyệt trong một thời điểm khác. Do đó, mục tiêu thuyết phục Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường vẫn nằm ở vị trí hàng đầu trong mối quan tâm của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian có thể sẽ tương đối lâu, vì không dễ để Hà Nội tạo ra bước chuyển đổi mang tính đột phá nhằm đáp ứng các tiêu chí mà Washington mong đợi. 

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Hà Nội có thể sẽ tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế để chứng minh Việt Nam xứng đáng được công nhận là nền kinh tế thị trường. Chẳng hạn, vào ngày 5/8, Costa Rica đã trở thành quốc gia thứ 73 công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. 

Tóm lại, DOC đã đưa ra nhiều lý do nhằm chứng minh rằng Việt Nam vẫn chưa đáp ứng một cách đầy đủ bất kỳ tiêu chí nào để được công nhận là nền kinh tế thị trường. Đây có thể là một quyết định tương đối khắt khe, nhưng đảng Dân chủ dường như phải chọn giải pháp an toàn để tránh tạo ra những cuộc tranh cãi không cần thiết trước cuộc bầu cử quan trọng sắp tới.

Quyết định này đã khiến Việt Nam thất vọng và ít nhiều gây suy giảm lòng tin cho mối quan hệ giữa nước này với Mỹ - vốn đang tiến triển nhờ động lực của hiệp định đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ khó bị ảnh hưởng, và quốc gia Đông Nam Á sẽ tiếp tục nỗ lực để thuyết phục Washington sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường trong tương lai.

Vào tối ngày 2/8 (theo giờ Việt Nam), Bộ Thương mại Mỹ (Department of Commerce - DOC) đã ra phán quyết không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Hệ quả của quyết định này là các nhà xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp. Chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam vì thế cũng không được dùng để tính toán biên độ phá giá mà phải sử dụng giá trị thay thế của một nước thứ ba.

Cụ thể hơn, khi một quốc gia bị dán nhãn nền kinh tế phi thị trường (như Việt Nam), các nguyên tắc tính toán giá xuất khẩu thông thường sẽ không được áp dụng. Thay vào đó, nước nhập khẩu (trong trường hợp này là Mỹ) có thể dùng các phương pháp khác mà họ cho là hợp lý. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp bất lợi rất lớn ở thị trường Mỹ, vì biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh đúng thực trạng chi phí sản xuất của các công ty này.

Tại sao Mỹ chưa công nhận Việt Nam?

Theo tuyên bố của DOC, “bất chấp những cải cách đáng kể của Việt Nam trong 20 năm qua, sự can dự sâu rộng của chính phủ vào nền kinh tế Việt Nam vẫn làm bóp méo giá cả và chi phí của Việt Nam” (Despite Vietnam’s substantive reforms made over the past 20 years, the extensive government involvement in Vietnam’s economy distorts Vietnamese prices and costs). Đồng thời, Bộ này cũng khẳng định rằng quyết định trên được đưa ra sau khi đã “đánh giá kỹ lưỡng” (thorough evaluation) toàn bộ bình luận trong hơn 36.000 trang từ các ngành công nghiệp nội địa của Mỹ (nhóm phản đối công nhận), cũng như chính phủ Việt Nam.

Phía Mỹ cho rằng Việt Nam không đáp ứng cả năm tiêu chí để được công nhận là nền kinh tế thị trường, bao gồm mức độ chuyển đổi của đồng tiền; quá trình đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; mức độ kiểm soát của chính phủ với một số nguồn lực và giá cả.

Cụ thể, DOC nhận định Hà Nội tiếp tục duy trì các hạn chế về khả năng chuyển đổi đối với đồng tiền của mình, và Ngân hàng Trung ương Việt Nam cũng không phải là một thực thể độc lập. Tiếp theo, quốc gia Đông Nam Á này vẫn chưa để các công đoàn hoạt động một cách độc lập, thay vào đó nỗ lực kiểm soát, gây tổn hại đến khả năng của người lao động trong việc tổ chức và thương lượng tập thể để có mức lương cao hơn.

Đến với tiêu chí thứ ba, chính phủ Việt Nam vẫn duy trì các hạn chế quá mức và tạo ra nhiều thách thức đối với đầu tư nước ngoài, chẳng hạn thủ tục hành chính rườm rà và thiếu minh bạch trong các quy trình quản lý, cũng như không bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ.

Cùng với đó, các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước và hiện diện trong một số lĩnh vực (chẳng hạn như sản xuất) mà không có lý do chính đáng. Doanh nghiệp nhà nước cũng được chính phủ ưu tiên hơn. Cụ thể, chính phủ can thiệp đáng kể để bao bọc năng lực quản trị yếu kém của các công ty này, hay các công ty có lợi thế về đất đai do nhà nước vẫn là bên sở hữu toàn bộ đất đai trong lãnh thổ Việt Nam. Cuối cùng, chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát đáng kể đối với việc phân bổ nguồn lực, kiểm soát giá cả, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng.  

Hơn nữa, Việt Nam đang không ngừng làm sâu sắc thêm mối quan hệ với Trung Quốc (một quốc gia khác thuộc nhóm kinh tế phi thị trường). Chẳng hạn, không lâu sau khi ký hiệp định đối tác chiến lược toàn diện với Washington hồi tháng 9/2023, Hà Nội đã đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ký kết 36 văn bản hợp tác (nhiều nhất từ trước đến nay trong khuôn khổ một chuyến thăm của ông Tập sang Việt Nam). Trong các văn kiện ký kết có hai bản ghi nhớ về “tăng cường hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc” và “tăng cường hợp tác viện trợ phát triển đường sắt qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc” – là chỉ dấu cho thấy Hà Nội và Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy thương mại xuyên biên giới (thay vì giảm tương tác như Mỹ kỳ vọng).

Một vấn đề quan trọng nữa mà phía Mỹ rất quan tâm là trong nhiều trường hợp, đầu vào thượng nguồn được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó được chuyển đến các công ty con của Việt Nam để chế biến nhỏ thành các sản phẩm hạ nguồn, rồi đem đi xuất khẩu nhằm giúp doanh nghiệp ở quốc gia tỷ dân tránh thuế của Mỹ. Bằng chứng là, cho đến nay Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (U.S. Customs and Border Protection) đã phát hiện ra 17 sự việc như thế.

Từ những nội dung kể trên, DOC nhận thấy sự can thiệp sâu rộng và toàn diện của chính phủ vào nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp diễn, làm méo mó giá cả và chi phí, và ngăn cản quốc gia này hoạt động theo các nguyên tắc thị trường.

Sâu xa hơn, quyết định này của DOC nói riêng và chính phủ Mỹ nói chung có thể xuất phát từ nhu cầu “lấy lòng dư luận” trước cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra vào tháng 11. Đây rõ ràng là một thời điểm vô cùng nhạy cảm, và đảng Dân chủ có lẽ không muốn mạo hiểm đưa ra quyết định gây tranh cãi để rồi có nguy cơ đánh mất sự ủng hộ từ một bộ phận cử tri. Nếu DOC công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, đảng Dân chủ có thể “tạo thời cơ” để đảng Cộng hòa lấy được số phiếu cử tri đông đảo từ các ngành công nghiệp như thép, nhôm đùn, gỗ dán, mật ong, cá da trơn... (và đảng Dân chủ chắc chắn không muốn kịch bản này xảy ra).  

Phản ứng của Việt Nam và dư luận Mỹ

Ngay sau khi Mỹ đưa ra quyết định, Bộ Công Thương Việt Nam đã “lấy làm tiếc, cho rằng nếu DOC xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan và công bằng, họ sẽ chấp nhận thực tế quốc gia Đông Nam Á này đã là nền kinh tế thị trường. Bộ này cũng cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu và phân tích các lập luận trong báo cáo của DOC để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ liên quan, một lần nữa trình lên DOC yêu cầu xem xét lại quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng thậm chí thẳng thắn hơn khi nhấn mạnh: “Chúng tôi thất vọng về việc DOC tiếp tục xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường”. Bà Hằng nói thêm rằng “quyết định này không phản ánh đầy đủ những nỗ lực và thành tựu to lớn của Việt Nam trong xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận”.  

Cùng quan điểm ủng hộ Việt Nam, nhà nghiên cứu Murray Hiebert (cộng sự cấp cao của chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS, có trụ sở tại Washington, D.C.) gọi quyết định này là “nực cười” (ridiculous), vì thị trường Việt Nam có mức độ tự do ngang với nhiều nước khác được Mỹ xem là kinh tế thị trường. Trong khi đó, nhà kinh tế học Liang Yan (công tác tại Đại học Willamette, tiểu bang Oregon, Mỹ) bày tỏ sự bất ngờ đôi chút vì cho rằng Washington có thể cần Hà Nội hỗ trợ chuỗi cung ứng như là một lựa chọn thay thế cho Bắc Kinh.

Ở chiều ngược lại, Kevin Dempsey, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Viện Sắt và Thép Mỹ (American Iron and Steel Institute), đã hoan nghênh quyết định của DOC. Ông Kevin Dempsey tin rằng doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, tiếp tục thao túng tiền tệ, can thiệp vào việc xuất khẩu nguyên liệu thô để sản xuất thép, và hỗ trợ Trung Quốc lách luật thương mại của Mỹ. Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà sản xuất Thép (Steel Manufacturers Association) Philip K. Bell đã ca ngợi phán quyết vừa qua và cảm ơn DOC vì đã đưa ra kết luận hợp lý.  

Cùng với đó, ông Nazak Nikakhtar (cựu trợ lý Bộ trưởng Thương mại dưới thời Tổng thống Donald Trump) khẳng định quyết định của DOC là một bước đi nhằm giúp “cân bằng sân chơi và mang lại chiến thắng quan trọng cho hàng chục ngành công nghiệp của Mỹ cùng người lao động của họ, những người đã buộc phải cạnh tranh với các hoạt động thương mại không công bằng từ các công ty Việt Nam”. 

Dự báo tác động từ quyết định của Mỹ

Phán quyết vừa qua của DOC khó có thể khiến quan hệ Việt - Mỹ “trật đường ray”, mà trái lại, các doanh nghiệp ở quốc gia Đông Nam Á này vẫn sẽ tìm cách tăng xuất khẩu vào thị trường của xứ sở cờ hoa. Bằng chứng là dù chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, nhưng Mỹ là điểm đến lớn nhất của hàng xuất khẩu Việt Nam trong năm 2023, đạt hơn 96,9 tỷ USD (chiếm khoảng 27,3% tổng kim ngạch xuất khẩu). Con số này thậm chí còn tốt hơn trong sáu tháng đầu năm nay, khi Washington chiếm hơn 28,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đạt 54,3 tỷ USD, tiếp tục ở vị trí dẫn đầu.

Tuy nhiên, sự hoài nghi từ phía Việt Nam đối với Mỹ là khó tránh khỏi. Từ tuyên bố của Bộ Công thương về việc DOC xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam chưa khách quan và công bằng, Hà Nội có lý do để nghi ngờ Washington vẫn đang có thái độ thiếu tích cực đối với các quốc gia mà siêu cường này coi là độc tài (authoritarian states).

Dù Mỹ có mối quan hệ song phương ở cấp cao nhất trong thang bậc đối ngoại của Việt Nam, nhưng quyết định của DOC cho thấy Mỹ vẫn đang xem Việt Nam ngang hàng với Nga, Trung Quốc (những nước được xem là đối trọng lớn nhất của Washington). Nói cách khác, Việt Nam có thể nhận định rằng Mỹ đang không “nói đi đôi với làm”, và sẵn sàng gây bất lợi cho Hà Nội.

Trong bối cảnh đó, những lời “ve vãn” (chẳng hạn như phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen khi đến Việt Nam vào tháng 7/2023 rằng “Chúng tôi không tìm cách xây dựng mọi thứ ở Mỹ. Chúng tôi tin rằng khả năng phục hồi kinh tế dài hạn đòi hỏi chuỗi cung ứng toàn cầu đa dạng, trong đó có Việt Nam”), hay các chuyến thăm cấp cao của Mỹ trong những năm gần đây để tìm cách lôi kéo Việt Nam trở thành đối trọng chiến lược với ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, có thể trở nên kém hấp dẫn hơn.

Hơn nữa, nếu ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới, niềm tin trong quan hệ Việt - Mỹ (về chính trị lẫn kinh tế) có thể còn trở nên bi quan hơn, vì trong nhiệm kỳ trước đây, ông đã từng gắn mác “thao túng tiền tệ” lên quốc gia hình chữ S (tức cáo buộc có sự can thiệp không đúng cách vào thị trường ngoại hối để tạo lợi thế xuất khẩu, gây ra môi trường cạnh tranh thiếu công bằng với các doanh nghiệp nội địa của Mỹ).   

Đây chính là thời cơ để Trung Quốc kéo Việt Nam xích lại gần hơn, tiếp tục trở thành điểm trung chuyển cho hàng công nghiệp từ quốc gia tỷ dân sang các thị trường khác, đặc biệt là Mỹ, nhằm lách các loại thuế mà Washington áp đặt lên Bắc Kinh. Đây không phải là một kịch bản xa vời, vì trong năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu tới 8,2 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc, tương đương trên 5,65 tỷ USD, tăng 62,8% về lượng so với năm trước đó.

Mặc dù vậy, cũng cần lưu ý rằng, Hà Nội nhiều khả năng sẽ không để quan hệ với Mỹ xấu đi một cách rõ rệt, vì như Bộ Công thương đã khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục tìm cách bổ sung hồ sơ và tái trình lên DOC để xem xét xét duyệt trong một thời điểm khác. Do đó, mục tiêu thuyết phục Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường vẫn nằm ở vị trí hàng đầu trong mối quan tâm của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian có thể sẽ tương đối lâu, vì không dễ để Hà Nội tạo ra bước chuyển đổi mang tính đột phá nhằm đáp ứng các tiêu chí mà Washington mong đợi. 

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Hà Nội có thể sẽ tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế để chứng minh Việt Nam xứng đáng được công nhận là nền kinh tế thị trường. Chẳng hạn, vào ngày 5/8, Costa Rica đã trở thành quốc gia thứ 73 công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. 

Tóm lại, DOC đã đưa ra nhiều lý do nhằm chứng minh rằng Việt Nam vẫn chưa đáp ứng một cách đầy đủ bất kỳ tiêu chí nào để được công nhận là nền kinh tế thị trường. Đây có thể là một quyết định tương đối khắt khe, nhưng đảng Dân chủ dường như phải chọn giải pháp an toàn để tránh tạo ra những cuộc tranh cãi không cần thiết trước cuộc bầu cử quan trọng sắp tới.

Quyết định này đã khiến Việt Nam thất vọng và ít nhiều gây suy giảm lòng tin cho mối quan hệ giữa nước này với Mỹ - vốn đang tiến triển nhờ động lực của hiệp định đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ khó bị ảnh hưởng, và quốc gia Đông Nam Á sẽ tiếp tục nỗ lực để thuyết phục Washington sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường trong tương lai.

Từ khoá: Việt Nam Mỹ hợp tác kinh tế kinh tế thị trường

BÀI LIÊN QUAN