An ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2025 (Phần 2)

Chuỗi bài phân tích của Vietnam Strategic Forum về an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2025 tập trung vào sáu chủ đề trọng điểm: chiến tranh Nga - Ukraine, bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, tình hình Myanmar, Biển Đông và khối BRICS. Thông qua loạt bài này, chúng tôi kỳ vọng góp phần thúc đẩy các cuộc thảo luận sâu rộng về tương lai khu vực, nơi cơ hội và thách thức đan xen, đồng thời các tương tác quyền lực làm gia tăng tính bất ổn và sự không chắc chắn. Mời quý độc giả cùng đón đọc bài viết thứ hai: "Bán đảo Triều Tiên năm 2025: Bước vào vùng biển dữ".

Tim Phan 14/01/2025

Tim Phan

14/01/2025
Image
Bán đảo Triều Tiên năm 2025: Bước vào vùng biển dữ - (C): IFRI

Bước sang năm 2025, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục chứng kiến những bất ổn an ninh kéo dài. Cuộc chiến tranh Nga - Ukraine chưa có hồi kết đã bước sang năm thứ ba, trong khi Myanmar vẫn chìm trong bạo lực triền miên gần bốn năm kể từ cuộc đảo chính quân sự. Bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan đối mặt với nguy cơ xung đột vũ trang. Cùng lúc đó, các diễn biến trên Biển Đông và sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của BRICS – khối đa phương lớn nhất toàn cầu – cũng là những chuyển động địa chính trị đáng chú ý tại khu vực.

Chuỗi bài phân tích của Vietnam Strategic Forum về an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2025 tập trung vào 6 chủ điểm chính: Chiến tranh Nga - Ukraine, bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, tình hình Myanmar, Biển Đông và khối BRICS. Với việc trình bày súc tích và bàn luận trực tiếp các khía cạnh chủ yếu của vấn đề, các tác giả không chỉ cung cấp bức tranh khái quát về tình hình các “điểm nóng” trong năm 2024 mà còn đưa ra những dự báo cho năm 2025.

Với chuỗi bài này, chúng tôi mong muốn thúc đẩy các thảo luận sâu rộng về tương lai khu vực, nơi các cơ hội và thách thức đan xen, và cũng là nơi mà các tương tác quyền lực khiến tính bất ổn và sự không chắc chắn trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Bài viết thứ hai: Bán đảo Triều Tiên năm 2025: Bước vào vùng biển dữ

Bất ổn (uncertainty) và khó lường (unpredictability) sẽ là những cụm từ thích hợp để mô tả tình hình địa chính trị trên Bán đảo Triều Tiên khi bước vào năm 2025 bởi sự kết hợp của các yếu tố bên trong (chủ yếu là sự đối đầu liên Triều cùng sự vận động trong chính trị nội bộ của Triều Tiên và Hàn Quốc) và bên ngoài (đáng chú ý là “nhân tố Donald Trump”).

Đúc kết từ những sự kiện đã trải qua trong năm 2024, tổ chức International Crisis Group nhận định rằng “Bán đảo Triều Tiên dự kiến sẽ trải qua một năm 2025 đầy căng thẳng”, đồng thời xếp khu vực này vào danh sách 10 cuộc xung đột đáng theo dõi trong năm 2025.

Bất ổn thứ nhất có thể đến từ phía Triều Tiên—một quốc gia khép kín, tự cô lập với cộng đồng quốc tế nhưng lại thuộc nhóm nhỏ các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Dưới sự cầm quyền hàng thập niên qua của dòng họ Kim, mà hiện tại là do nhà lãnh đạo Kim Jong-un đứng đầu, Triều Tiên trong những năm trở lại đây đã triển khai chính sách đối ngoại hung hăng và thù địch ở một mức độ mới, đặc biệt nhắm vào Hàn Quốc và liên minh Mỹ - Hàn.

Đầu năm 2024, Kim đã bất ngờ đảo ngược chính sách thống nhất trong hòa bình Bán đảo Triều Tiên mà cha và ông của ông đã thúc đẩy trong quá khứ; thay vào đó, Kim Jong-un tuyên bố Hàn Quốc là quốc gia “thù địch” của Triều Tiên, không ngừng tung ra những lời đe dọa chiến tranh với Hàn Quốc. Hơn nữa, Bình Nhưỡng trong năm qua cũng ra sức phô diễn sức mạnh quân sự bằng một loạt các cuộc thử nghiệm tên lửa với chức năng, quy mô, và tầm bắn đa dạng, thậm chí có thể vươn tới lục địa Mỹ. Đáng chú ý nhất là vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới Hwasong-19 vào tháng 10/2024 mà truyền thông Triều Tiên gọi là “tên lửa chiến lược mạnh nhất thế giới” (the world’s strongest strategic missile).

Trong năm 2025, Triều Tiên có nhiều điều kiện địa chính trị thuận lợi hơn, đặc biệt là nhờ vào mối quan hệ ngày càng khăng khít với Nga như thời Liên Xô (trong Chiến tranh Lạnh). Việc Triều Tiên gửi khoảng 10,000 - 12,000 binh lính sang giúp Nga đánh Ukraine, bên cạnh những hỗ trợ về vũ khí quân sự cho Moscow trước đó, đã làm thay đổi tính chất của cuộc chiến Nga - Ukraine cũng như tương quan quyền lực trên Bán đảo Triều Tiên.

Có được sự ủng hộ từ Nga—cường quốc hạt nhân và là thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc—về kinh tế, ngoại giao và kể cả công nghệ quốc phòng, Triều Tiên sẽ tự tin hơn rất nhiều khi thực hiện các hành động khiêu khích mà không lo ngại hậu quả, chẳng hạn như sự trừng phạt từ năm nước Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc).

Sự khó lường thứ hai đến từ cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại ở Hàn Quốc. Canh bạc “thiết quân luật” (martial law) thất bại của Tổng thống Yoon Suk-yeol vào cuối năm 2024 đã đẩy tương lai chính trị của bản thân ông vào thế bấp bênh, đồng thời nhấn chìm Hàn Quốc vào cuộc khủng hoảng vẫn chưa có hồi kết. Tuyên bố thiết quân luật của Yoon khiến Hàn Quốc bước sang năm 2025 với một “khoảng trống quyền lực” to lớn khi phe đối lập liên tục (và có thể sắp) luận tội tổng thống/quyền tổng thống—một thể thức hỗn loạn hiến pháp chưa từng có ở quốc gia dân chủ này. Trong khi cuộc chiến đảng phái chưa có hồi kết, vẫn chưa thể đoán được liệu Yoon có bị mất chức và lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập Lee Jae-myung có trở thành tổng thống Hàn Quốc tiếp theo hay không (nếu cuộc bầu cử diễn ra). Nếu có sự thay đổi đảng cầm quyền sau cuộc bầu cử, từ phe bảo thủ có lập trường chống Triều Tiên mạnh mẽ sang phe tự do ủng hộ quan điểm hoà giải với Bình Nhưỡng, thì điều này sẽ có tác động đáng kể đến quan hệ liên Triều cũng như các chủ thể liên quan khác.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là cuộc khủng hoảng hiến pháp này sẽ còn kéo dài và sự bất bình trong công chúng đối với thể chế chính trị Hàn Quốc sẽ ngày càng sâu sắc. Hơn hết, sự hỗn loạn này khiến Seoul khó phản ứng kịp thời trước môi trường quan hệ quốc tế đang có nhiều thay đổi, đặc biệt là khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông Donald Trump sắp bắt đầu.

Sự trở lại của Trump sẽ là một trong những nhân tố chính đẩy an ninh trên Bán đảo Triều Tiên vào tình trạng thêm bất định. Với sự lãnh đạo khó lường, kết hợp với các tiếp cận theo lối giao dịch (transactional approach) của ông đối với các đồng minh và đối tác, không ai có thể đoán trước được những bước đi tiếp theo của Trump trong vấn đề Bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc sẽ là bên lo lắng nhất về nhân tố khó đoán Trump, từ thoả thuận liên minh Mỹ - Hàn, vấn đề thâm hụt thương mại song phương, đến việc gia tăng áp lực buộc Seoul cứng rắn hơn với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng lo ngại kịch bản Trump sẽ thỏa thuận với Kim Jong-un mà không thảo luận trước với Seoul.

Do đó, để lèo lái các chính sách khó đoán của Trump, Hàn Quốc cần có cách tiếp cận linh hoạt và theo từng vấn đề cụ thể để điều chỉnh quan hệ với Mỹ theo hướng “chiều lòng Trump” nhưng vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia và sự vững mạnh của liên minh Mỹ - Hàn. Seoul cũng cần chuẩn bị một “kế hoạch B” nhằm ứng phó sớm nhất với những quyết định bất ngờ của Trump, chẳng hạn như khả năng tân tổng thống Mỹ tuyên bố rút lực lượng đồn trú Mỹ về nước.

Đáng chú ý, sự trở lại của Trump khiến giới quan sát tò mò về khả năng bộ đôi Trump - Kim sẽ một lần nữa trao đổi “những bức thư tình” (love letters). Trump rất có thể muốn nối lại quan hệ cá nhân với Kim vì điều đó giúp hình ảnh ông tràn ngập trên báo chí (điều Trump rất thích) và cuộc hội ngộ Trump - Kim tiềm năng sẽ chứng minh chính sách Triều Tiên của ông thành công hơn chính quyền tiềm nhiệm Joe Biden, vốn áp dụng cách tiếp cận “kiên nhẫn chiến lược” (strategic patience) không mấy hiệu quả.

Dù vậy, bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay khác xa so bối cảnh trong nhiệm kỳ thứ nhất của Trump (2017 – 2021). Được sự ủng hộ từ Nga và lợi dụng cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, Triều Tiên có nhiều “con bài mặc cả” và có thể miễn cưỡng can dự đối ngoại với Trump hơn. Bình Nhưỡng sẽ nghiêng về phía Nga và tiếp tục phát triển chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của mình, dĩ nhiên là với sự giúp đỡ của Moscow. Điều này càng có khả năng khi Kim tuyên bố rằng các cuộc đàm phán với Mỹ trong quá khứ chỉ giúp xác nhận sự hung hăng (hostility) của Washington đối với Bình Nhưỡng, đồng thời nhấn mạnh sẽ áp dụng chính sách chống Mỹ (anti-US) mạnh mẽ nhất. Về phía Mỹ, chính quyền Trump đưa đối nội thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự, và các cuộc chiến tranh lớn ở Ukraine và Dải Gaza có thể khiến Trump sao nhãng vấn đề Triều Tiên. Những yếu tố này cho thấy khả năng hai bên đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Triều Tiên thấp hơn so với nhiệm kỳ đầu.

Nếu như tình hình Bán đảo Triều Tiên trong năm 2024 nguy hiểm hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ đầu tháng 6/1950, thì mối nguy hiểm ấy sẽ gia tăng vào năm 2025. Sắp tới, sự bất định và những nhân tố khó lường sẽ định hình môi trường an ninh trên bán đảo.

Mời quý vị tiếp tục đón đọc bài viết tiếp theo trong chuỗi bài "An ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2025" vào ngày mai 15/1/2025 với tựa đề: "Eo biển Đài Loan: Khu vực thử nghiệm quyền lực".

Bước sang năm 2025, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tiếp tục chứng kiến những bất ổn an ninh kéo dài. Cuộc chiến tranh Nga - Ukraine chưa có hồi kết đã bước sang năm thứ ba, trong khi Myanmar vẫn chìm trong bạo lực triền miên gần bốn năm kể từ cuộc đảo chính quân sự. Bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan đối mặt với nguy cơ xung đột vũ trang. Cùng lúc đó, các diễn biến trên Biển Đông và sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của BRICS – khối đa phương lớn nhất toàn cầu – cũng là những chuyển động địa chính trị đáng chú ý tại khu vực.

Chuỗi bài phân tích của Vietnam Strategic Forum về an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2025 tập trung vào 6 chủ điểm chính: Chiến tranh Nga - Ukraine, bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan, tình hình Myanmar, Biển Đông và khối BRICS. Với việc trình bày súc tích và bàn luận trực tiếp các khía cạnh chủ yếu của vấn đề, các tác giả không chỉ cung cấp bức tranh khái quát về tình hình các “điểm nóng” trong năm 2024 mà còn đưa ra những dự báo cho năm 2025.

Với chuỗi bài này, chúng tôi mong muốn thúc đẩy các thảo luận sâu rộng về tương lai khu vực, nơi các cơ hội và thách thức đan xen, và cũng là nơi mà các tương tác quyền lực khiến tính bất ổn và sự không chắc chắn trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Bài viết thứ hai: Bán đảo Triều Tiên năm 2025: Bước vào vùng biển dữ

Bất ổn (uncertainty) và khó lường (unpredictability) sẽ là những cụm từ thích hợp để mô tả tình hình địa chính trị trên Bán đảo Triều Tiên khi bước vào năm 2025 bởi sự kết hợp của các yếu tố bên trong (chủ yếu là sự đối đầu liên Triều cùng sự vận động trong chính trị nội bộ của Triều Tiên và Hàn Quốc) và bên ngoài (đáng chú ý là “nhân tố Donald Trump”).

Đúc kết từ những sự kiện đã trải qua trong năm 2024, tổ chức International Crisis Group nhận định rằng “Bán đảo Triều Tiên dự kiến sẽ trải qua một năm 2025 đầy căng thẳng”, đồng thời xếp khu vực này vào danh sách 10 cuộc xung đột đáng theo dõi trong năm 2025.

Bất ổn thứ nhất có thể đến từ phía Triều Tiên—một quốc gia khép kín, tự cô lập với cộng đồng quốc tế nhưng lại thuộc nhóm nhỏ các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Dưới sự cầm quyền hàng thập niên qua của dòng họ Kim, mà hiện tại là do nhà lãnh đạo Kim Jong-un đứng đầu, Triều Tiên trong những năm trở lại đây đã triển khai chính sách đối ngoại hung hăng và thù địch ở một mức độ mới, đặc biệt nhắm vào Hàn Quốc và liên minh Mỹ - Hàn.

Đầu năm 2024, Kim đã bất ngờ đảo ngược chính sách thống nhất trong hòa bình Bán đảo Triều Tiên mà cha và ông của ông đã thúc đẩy trong quá khứ; thay vào đó, Kim Jong-un tuyên bố Hàn Quốc là quốc gia “thù địch” của Triều Tiên, không ngừng tung ra những lời đe dọa chiến tranh với Hàn Quốc. Hơn nữa, Bình Nhưỡng trong năm qua cũng ra sức phô diễn sức mạnh quân sự bằng một loạt các cuộc thử nghiệm tên lửa với chức năng, quy mô, và tầm bắn đa dạng, thậm chí có thể vươn tới lục địa Mỹ. Đáng chú ý nhất là vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới Hwasong-19 vào tháng 10/2024 mà truyền thông Triều Tiên gọi là “tên lửa chiến lược mạnh nhất thế giới” (the world’s strongest strategic missile).

Trong năm 2025, Triều Tiên có nhiều điều kiện địa chính trị thuận lợi hơn, đặc biệt là nhờ vào mối quan hệ ngày càng khăng khít với Nga như thời Liên Xô (trong Chiến tranh Lạnh). Việc Triều Tiên gửi khoảng 10,000 - 12,000 binh lính sang giúp Nga đánh Ukraine, bên cạnh những hỗ trợ về vũ khí quân sự cho Moscow trước đó, đã làm thay đổi tính chất của cuộc chiến Nga - Ukraine cũng như tương quan quyền lực trên Bán đảo Triều Tiên.

Có được sự ủng hộ từ Nga—cường quốc hạt nhân và là thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc—về kinh tế, ngoại giao và kể cả công nghệ quốc phòng, Triều Tiên sẽ tự tin hơn rất nhiều khi thực hiện các hành động khiêu khích mà không lo ngại hậu quả, chẳng hạn như sự trừng phạt từ năm nước Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc).

Sự khó lường thứ hai đến từ cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại ở Hàn Quốc. Canh bạc “thiết quân luật” (martial law) thất bại của Tổng thống Yoon Suk-yeol vào cuối năm 2024 đã đẩy tương lai chính trị của bản thân ông vào thế bấp bênh, đồng thời nhấn chìm Hàn Quốc vào cuộc khủng hoảng vẫn chưa có hồi kết. Tuyên bố thiết quân luật của Yoon khiến Hàn Quốc bước sang năm 2025 với một “khoảng trống quyền lực” to lớn khi phe đối lập liên tục (và có thể sắp) luận tội tổng thống/quyền tổng thống—một thể thức hỗn loạn hiến pháp chưa từng có ở quốc gia dân chủ này. Trong khi cuộc chiến đảng phái chưa có hồi kết, vẫn chưa thể đoán được liệu Yoon có bị mất chức và lãnh đạo Đảng Dân chủ đối lập Lee Jae-myung có trở thành tổng thống Hàn Quốc tiếp theo hay không (nếu cuộc bầu cử diễn ra). Nếu có sự thay đổi đảng cầm quyền sau cuộc bầu cử, từ phe bảo thủ có lập trường chống Triều Tiên mạnh mẽ sang phe tự do ủng hộ quan điểm hoà giải với Bình Nhưỡng, thì điều này sẽ có tác động đáng kể đến quan hệ liên Triều cũng như các chủ thể liên quan khác.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là cuộc khủng hoảng hiến pháp này sẽ còn kéo dài và sự bất bình trong công chúng đối với thể chế chính trị Hàn Quốc sẽ ngày càng sâu sắc. Hơn hết, sự hỗn loạn này khiến Seoul khó phản ứng kịp thời trước môi trường quan hệ quốc tế đang có nhiều thay đổi, đặc biệt là khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông Donald Trump sắp bắt đầu.

Sự trở lại của Trump sẽ là một trong những nhân tố chính đẩy an ninh trên Bán đảo Triều Tiên vào tình trạng thêm bất định. Với sự lãnh đạo khó lường, kết hợp với các tiếp cận theo lối giao dịch (transactional approach) của ông đối với các đồng minh và đối tác, không ai có thể đoán trước được những bước đi tiếp theo của Trump trong vấn đề Bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc sẽ là bên lo lắng nhất về nhân tố khó đoán Trump, từ thoả thuận liên minh Mỹ - Hàn, vấn đề thâm hụt thương mại song phương, đến việc gia tăng áp lực buộc Seoul cứng rắn hơn với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng lo ngại kịch bản Trump sẽ thỏa thuận với Kim Jong-un mà không thảo luận trước với Seoul.

Do đó, để lèo lái các chính sách khó đoán của Trump, Hàn Quốc cần có cách tiếp cận linh hoạt và theo từng vấn đề cụ thể để điều chỉnh quan hệ với Mỹ theo hướng “chiều lòng Trump” nhưng vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia và sự vững mạnh của liên minh Mỹ - Hàn. Seoul cũng cần chuẩn bị một “kế hoạch B” nhằm ứng phó sớm nhất với những quyết định bất ngờ của Trump, chẳng hạn như khả năng tân tổng thống Mỹ tuyên bố rút lực lượng đồn trú Mỹ về nước.

Đáng chú ý, sự trở lại của Trump khiến giới quan sát tò mò về khả năng bộ đôi Trump - Kim sẽ một lần nữa trao đổi “những bức thư tình” (love letters). Trump rất có thể muốn nối lại quan hệ cá nhân với Kim vì điều đó giúp hình ảnh ông tràn ngập trên báo chí (điều Trump rất thích) và cuộc hội ngộ Trump - Kim tiềm năng sẽ chứng minh chính sách Triều Tiên của ông thành công hơn chính quyền tiềm nhiệm Joe Biden, vốn áp dụng cách tiếp cận “kiên nhẫn chiến lược” (strategic patience) không mấy hiệu quả.

Dù vậy, bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay khác xa so bối cảnh trong nhiệm kỳ thứ nhất của Trump (2017 – 2021). Được sự ủng hộ từ Nga và lợi dụng cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, Triều Tiên có nhiều “con bài mặc cả” và có thể miễn cưỡng can dự đối ngoại với Trump hơn. Bình Nhưỡng sẽ nghiêng về phía Nga và tiếp tục phát triển chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của mình, dĩ nhiên là với sự giúp đỡ của Moscow. Điều này càng có khả năng khi Kim tuyên bố rằng các cuộc đàm phán với Mỹ trong quá khứ chỉ giúp xác nhận sự hung hăng (hostility) của Washington đối với Bình Nhưỡng, đồng thời nhấn mạnh sẽ áp dụng chính sách chống Mỹ (anti-US) mạnh mẽ nhất. Về phía Mỹ, chính quyền Trump đưa đối nội thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự, và các cuộc chiến tranh lớn ở Ukraine và Dải Gaza có thể khiến Trump sao nhãng vấn đề Triều Tiên. Những yếu tố này cho thấy khả năng hai bên đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Triều Tiên thấp hơn so với nhiệm kỳ đầu.

Nếu như tình hình Bán đảo Triều Tiên trong năm 2024 nguy hiểm hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ đầu tháng 6/1950, thì mối nguy hiểm ấy sẽ gia tăng vào năm 2025. Sắp tới, sự bất định và những nhân tố khó lường sẽ định hình môi trường an ninh trên bán đảo.

Mời quý vị tiếp tục đón đọc bài viết tiếp theo trong chuỗi bài "An ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương 2025" vào ngày mai 15/1/2025 với tựa đề: "Eo biển Đài Loan: Khu vực thử nghiệm quyền lực".

Từ khoá: Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Bán đảo Triều Tiên Triều Tiên Hàn Quốc quan hệ liên Triều

BÀI LIÊN QUAN