Vào ngày 21/9, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ sáu của nhóm Đối thoại Tứ giác An ninh (Quadrilateral Security Dialogue, gọi tắt là Quad) gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản đã diễn ra tại thành phố Wilmington, bang Delaware (Mỹ) – thành phố quê nhà của Tổng thống Joe Biden. Đây cũng là lần cuối cùng ông Biden cùng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tham dự Hội nghị của Quad vì sắp hết nhiệm kỳ.
Một số kết quả đáng chú ý
Tại sự kiện, bốn quốc gia thuộc Quad đã ra Tuyên bố chung Wilmington dài đến 5.000 từ. Để so sánh, Tuyên bố chung tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ năm diễn ra ở Hiroshima (Nhật Bản) vào tháng 5/2023 chỉ có tổng cộng 3.370 chữ.
Cụ thể, Tuyên bố Wilmington đã nhắc lại nhu cầu cấp thiết phải chấm dứt xung đột và duy trì tinh thần của luật pháp quốc tế; bày tỏ mối quan ngại về các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, ngăn chặn sự phổ biến tên lửa và công nghệ hạt nhân; chia sẻ mối quan ngại về cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Gaza, ủng hộ một nhà nước Palestine có chủ quyền và độc lập; nhắc lại mối quan ngại về tình hình chính trị và nhân đạo ngày càng xấu đi ở Myanmar, cũng như các cuộc tấn công của Houthis ở Biển Đỏ và Vịnh Aden.
Dù có số lượng chữ nhiều hơn so với Tuyên bố Hiroshima, nhưng nhìn chung, Tuyên bố Wilmington với các nội dung bao gồm vẫn không mấy khác biệt, ngoại trừ vấn đề ở Gaza, cũng như các cuộc tấn công của Houthis (do thời điểm đó chưa xảy ra). Một điểm mới hiếm hoi của Hội nghị ở Wilmington là lực lượng tuần duyên của bốn quốc gia có kế hoạch triển khai Nhiệm vụ Quan sát Tàu “Quad-at-Sea” lần đầu tiên vào năm 2025, với mục tiêu cải thiện khả năng tương tác và thúc đẩy an toàn hàng hải trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là hai điểm nóng là Biển Đông (South China Sea) và Biển Hoa Đông (East Sea).
Bên cạnh đó, các bên đã công bố Sáng kiến Hàng hải về Đào tạo tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Maritime Initiative for Training in the Indo-Pacific) nhằm giúp tối đa hóa các công cụ được cung cấp thông qua Quan hệ Đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về Nhận thức Vùng Biển (Indo-Pacific Partnership for Maritime Domain Awareness - IPMDA). Cụ thể, IPMDA là sáng kiến để cung cấp các công nghệ nhằm giúp các thành viên Quad cải thiện năng lực theo dõi và kiểm soát những hoạt động bất hợp pháp trên biển như đánh bắt cá trái phép, buôn lậu, và di chuyển tàu thuyền trái phép.
Từ những điểm mới kể trên, có thể thấy rằng Hội nghị Thượng đỉnh vừa qua của Quad chú trọng mở rộng hợp tác an ninh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đặc biệt là cải thiện khả năng tương tác giữa lực lượng tuần duyên của bốn quốc gia. Tuyên bố chung đã kết thúc bằng một câu rất đáng chú ý rằng “Quad sẽ tồn tại lâu dài” (The Quad is here to stay), cho thấy các quốc gia thành viên quyết tâm sát cánh cùng nhau.
Trung Quốc vẫn là “con voi trong phòng”
Đối với mối quan ngại Trung Quốc, phản ứng của Quad năm nay có vẻ gay gắt hơn so với Hội nghị trước đó. Tuyên bố chung Wilmington nhấn mạnh rằng “Chúng tôi thực sự quan ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Chúng tôi tiếp tục bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp, cũng như các động thái cưỡng ép và đe dọa ở Biển Đông. Chúng tôi lên án việc sử dụng nguy hiểm các tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển và dân quân biển, bao gồm cả việc sử dụng ngày càng nhiều các động thái nguy hiểm”.
Trong khi đó, Tuyên bố chung Hiroshima có “giọng điệu” nhẹ nhàng hơn đáng kể: “Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp, việc sử dụng nguy hiểm các tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển và dân quân biển, cũng như các nỗ lực phá vỡ hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các quốc gia khác”.
Dù có sự khác biệt trong cách diễn đạt cũng như số lượng từ ngữ, Tuyên bố chung Wilmington vẫn không đề cập đến Trung Quốc, tương tự như các Hội nghị trước đây. Điều này trái ngược với những tuyên bố của riêng Mỹ ở cả trước lẫn sau cuộc họp. Hồi ngày 18/9, Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết rằng các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về “hành động quân sự hung hăng của Trung Quốc, các hoạt động thương mại không công bằng, căng thẳng trên Eo biển Đài Loan” (aggressive PRC military action, unfair trade practices, tensions over the Taiwan Strait). Còn tại cuộc họp báo kéo dài nửa giờ sau khi Hội nghị Thượng đỉnh kết thúc, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nhắc đến Trung Quốc bảy lần. Trong đó, ông Sullivan nhấn mạnh các bên quan ngại về những hành động của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng quốc gia này không phải là trọng tâm của Quad, và cơ chế này không được lập ra để tập hợp lực lượng chống lại Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác.
Thêm vào đó, ngay tại Hội nghị Thượng đỉnh, khi các phóng viên đã rời khỏi phòng để các bên tiến hành họp kín; và một nguồn cấp dữ liệu camera đã ghi lại được thông tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo chủ đề thảo luận đầu tiên là Trung Quốc. Cùng với đó, nguồn tin cũng nghe được quan điểm của ông Biden rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đang “tìm cách mở rộng không gian ngoại giao, mà theo quan điểm của tôi [tức Tổng thống Mỹ] là để theo đuổi lợi ích của Trung Quốc một cách quyết liệt” (looking to buy himself some diplomatic space, in my view, to aggressively pursue China’s interest). Ông Biden nói thêm rằng Bắc Kinh đang “tiếp tục hành xử hung hăng, thử thách chúng ta trên khắp khu vực, bao gồm cả các vấn đề kinh tế và công nghệ” (continues to behave aggressively, testing us all across the region, including on economic and technology issues).
Nhìn chung, việc Quad thảo luận về Trung Quốc là không có gì bất ngờ, vì bên cạnh Mỹ, tất cả các nước thành viên còn lại đều có những mối quan tâm nhất định đến Bắc Kinh. Cụ thể, Ấn Độ từ lâu đã có những tranh chấp về biên giới với Trung Quốc tại khu vực mà New Delhi gọi là bang Arunachal Pradesh, trong khi Bắc Kinh cho rằng thuộc về vùng Tạng Nam (tức phía nam Tây Tạng). Gần đây, Ấn Độ cũng đã tham gia nhiều hơn vào các vấn đề an ninh hàng hải trên Biển Đông, thể hiện qua việc công khai đứng về phía Philippines và trang bị cho nước này các hệ thống vũ khí hiện đại, bao gồm cả tên lửa hành trình siêu thanh tầm trung BrahMos.
Tương tự với Ấn Độ, Nhật Bản cũng có những tranh chấp dai dẳng với Trung Quốc ở quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông. Quan trọng hơn, Tokyo cũng đang mở rộng hợp tác an ninh với Manila, gần đây nhất là thông qua Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (Reciprocal Access Agreement), với trọng tâm là tăng cường trao đổi quân sự. Với Australia, trong năm nay, quốc gia này cũng đã tham gia vào các cuộc tập trận hải quân bốn bên với Philippines, Nhật Bản và Mỹ ở Biển Đông.
Mặc dù vậy, việc Tuyên bố chung không đề cập đến Bắc Kinh cho thấy đã có ít nhất một quốc gia cho rằng vấn đề Trung Quốc là nhạy cảm và không muốn đề cập cụ thể đến quốc gia này. Trên thực tế, cả Nhật Bản, Ấn Độ lẫn Australia đều có mối liên hệ chặt chẽ và toàn diện về thương mại, kinh tế với Trung Quốc. Tính gắn kết này đã tạo ra sự mơ hồ ngay trong mối quan hệ hợp tác an ninh của Quad. Chẳng hạn, mặc dù sáng kiến “Quad-at-Sea” là một bước đi đáng khích lệ (vì trước đây Ấn Độ từng từ chối đề xuất tuần tra chung), nhưng hiện không rõ hoạt động này sẽ diễn ra ở vùng biển nào. Hơn nữa, nhiều khả năng sẽ phải có thêm những cuộc thảo luận giữa các thành viên của Quad để xác định cách thức hoạt động của sáng kiến. Nhìn chung, hoạt động tuần tra này có lẽ sẽ chỉ mang tính hình thức (ít nhất là trong ngắn hạn), và chủ yếu được sử dụng để tăng cường tương tác và sự hiểu biết giữa các thành viên Quad.
Dù Tuyên bố chung không đề cập đến Trung Quốc, Bắc Kinh không hề cảm thấy dễ chịu với Hội nghị này. Trong cuộc họp báo thường kỳ vào ngày 23/9, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm đã cáo buộc Mỹ cố gắng “thổi phồng mối đe dọa từ Trung Quốc” (hype up the China threat) để kiềm chế và loại trừ Bắc Kinh, đồng thời sử dụng Quad nhằm duy trì “quyền bá chủ của Mỹ” (U.S. hegemony). Ông Lâm nói thêm rằng “Phía Mỹ liên tục nói rằng họ không nhắm vào Trung Quốc, nhưng chủ đề đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh là Trung Quốc, và Hội nghị Thượng đỉnh nói về Trung Quốc ở khắp mọi nơi” (The U.S. side keeps saying that it is not aimed at China, but the first topic of the summit is China, and the summit talks about China everywhere).
Cùng với đó, vào ngày 21/7, Trung Quốc và Nga đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân kéo dài một tuần tại Biển Hoa Đông – và đây có thể là động thái mang tính trả đũa ngoại giao đối với Hội nghị Thượng đỉnh Quad. Tuy nhiên, hiện chưa ghi nhận hành động đáp trả nào của Bắc Kinh trên Biển Đông sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Quad diễn ra, ngay cả khi Nhật Bản lần đầu tiên đưa tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan vào ngày 26/9.
Như vậy, Hội nghị Thượng đỉnh dù không nhắc đến Trung Quốc một cách công khai, nhưng các thông tin liên quan đều cho thấy rằng Bắc Kinh là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự. Điều này đã khiến Trung Quốc không hài lòng, và như thường lệ, quốc gia này đã đáp trả bằng cả tuyên bố và hành động. Có thể nhận thấy, Hội nghị lần này một lần nữa góp phần vào sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa một bên là Mỹ và đối tác, với bên còn lại là Trung Quốc.
Tương lai Quad sẽ thế nào?
Tại Hội nghị vừa qua, các nước đối tác dường như đã nỗ lực để mở rộng cơ chế hợp tác, không chỉ xoay quanh khía cạnh an ninh như tên gọi ban đầu, mà dần trở thành một mô hình toàn diện và đa lĩnh vực hơn. Chẳng hạn, bốn quốc gia đã công bố sáng kiến Quad Cancer Moonshot (tạm dịch là sáng kiến “Đẩy lùi Ung thư của Quad”), trước mắt sẽ tập trung vào cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư cổ tử cung. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Quad cũng thảo luận về các biện pháp phát triển công nghệ và cơ sở hạ tầng. Những tháng tới, các bộ trưởng thương mại và công nghiệp các nước thành viên dự kiến sẽ nhóm họp với nhau lần đầu tiên. Ấn Độ cũng đưa ra sáng kiến mới để trao 50 suất học bổng trị giá 500.000 USD cho sinh viên từ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đến theo học chương trình về kỹ thuật kéo dài bốn năm tại một học viện do chính phủ nước này tài trợ.
Cách tiếp cận đa lĩnh vực có thể giúp nhóm Quad mở rộng hợp tác và gắn kết hơn trong tương lai, bởi nhìn lại ba năm vừa qua dưới nhiệm kỳ Tổng thống Biden, ngoài một vài cuộc họp và tuyên bố chung, thật khó để kể ra các thành tựu đáng kể mà nhóm này đạt được.
Cùng với đó, tương lai của Quad cũng sẽ được định hình thông qua kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Có một số lo ngại rằng việc ông Donald Trump giành chiến thắng sẽ gây ra mối đe dọa tiềm tàng với Quad vì ông từng tỏ ra không mấy thiện chí với hợp tác đa phương. Tuy nhiên, xét kỹ lại, chính dưới thời ông Trump, cuộc họp cấp Bộ trưởng đầu tiên của Quad đã diễn ra vào năm 2019. Hơn nữa, ông Trump đặc biệt không có thiện cảm với Trung Quốc, do đó nhiều khả năng ông sẽ tìm cách củng cố Quad thay vì làm suy yếu cơ chế này.
Trong trường hợp bà Kamala Harris giành chiến thắng, nếu không có gì bất ngờ, bà sẽ tiếp tục các chính sách mà Tổng thống Biden đang theo đuổi, bao gồm cả Quad. Với nhiệm kỳ Phó Tổng thống (2021 - nay), bà thường xuyên đảm nhận trọng trách đi công du các nước châu Á, kể cả những quốc gia thuộc Quad (ngoại trừ Australia). Vì thế, càng có lý do để tin rằng bà Harris chính là “nhiệm kỳ thứ hai” của ông Biden.
Tóm lại, nhiều khả năng Quad sẽ tiếp tục tồn tại lâu dài như mong muốn đề ra ở cuối Tuyên bố chung Wilmington vì những ứng cử viên tổng thống Mỹ đều không bày tỏ sự phản đối. Đồng thời, để tăng cường sự gắn kết giữa các đối tác, Quad có xu hướng đa dạng các lĩnh vực hợp tác, thay vì chỉ gói gọn chương trình nghị sự trong khía cạnh an ninh. Dù thế nào đi nữa, Quad vẫn sẽ ưu tiên củng cố khối an ninh để kiềm chế sự “bá quyền” của Trung Quốc.