Quan hệ Mỹ - Trung: Chiến tranh Lạnh mới đã bắt đầu?
Việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 tác động sâu sắc tới chiều hướng lâu dài của “mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới”. Liệu Mỹ và Trung Quốc có thể quản lý mối quan hệ căng thẳng hay đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh Lạnh mới?
Ngày 7/11/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi điện mừng tới Tổng thống đắc cử Donald Trump sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Nhà lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ tin tưởng vào triển vọng hợp tác của quan hệ Trung - Mỹ trong bốn năm tiếp theo và cho rằng hai siêu cường có thể “tìm ra hướng đi đúng đắn” để chung sống hòa bình trong giai đoạn mới.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên (tháng 1/2017 - tháng 1/2021), ông Trump đã thực thi nhiều biện pháp để gây sức ép với Trung Quốc như khởi xướng các biện pháp thuế quan đối với hàng hóa của Trung Quốc vào năm 2018 và cáo buộc Bắc Kinh có liên quan tới nguồn gốc của đại dịch Covid-19 toàn cầu hai năm sau đó. Cách ông Trump can dự với Trung Quốc trong giai đoạn này phản ánh rõ nét chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” (America First).
Dù tinh thần dân túy (populism) đã giúp vị tỷ phú giành được sự ủng hộ của cử tri Mỹ trong các cuộc bầu cử năm 2016 (chỉ thắng phiếu đại cử tri) và 2024 (thắng cả phiếu đại cử tri lẫn phiếu phổ thông), chưa rõ liệu sự trở lại mang tính lịch sử của ông sẽ tác động thế nào đến nền chính trị đang bị chia rẽ tại Mỹ. Bởi lẽ, sau bốn năm, các ưu tiên hành pháp của ông Trump có thể đã thay đổi, đặc biệt là khi ông phải đối mặt với hơn 90 cáo buộc trong bốn vụ án hình sự và thậm chí đã bị kết tội vào tháng 5/2024, điều chưa từng có trong lịch sử nước này.
Tuy nhiên, dựa vào các tuyên bố chính sách, các quyết định bổ nhiệm nhân sự cho chính quyền mới, kết hợp với những chuyển biến của quan hệ Mỹ - Trung từ năm 2016, các ưu tiên mà Washington và Bắc Kinh dành cho nhau trong chính sách đối ngoại, và triển vọng của “mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới”—trích lời Tổng thống Joe Biden—đang dần được hé lộ. Nhìn chung, Mỹ và Trung Quốc sẽ có nhiều việc phải làm để điều chỉnh mối quan hệ này về đúng quỹ đạo mà Bắc Kinh đang kỳ vọng.
Thuế quan là khởi đầu, nhưng thương mại không phải là tất cả
Trái với thiện chí từ ông Tập, ông Trump phản ứng theo cách mà nhà lãnh đạo Trung Quốc ít mong muốn nhất. Ngày 25/11/2024, chưa đầy hai tuần sau thông điệp từ Trung Nam Hải, ông Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế bổ sung 10% đối với tất cả sản phẩm từ Trung Quốc sau khi nhậm chức. Biện pháp này buộc Bắc Kinh phải có hành động quyết liệt hơn để ngăn cái mà ông Trump gọi là tình trạng ma túy có nguồn gốc Trung Quốc xuất hiện tràn lan tại Mỹ qua đường biên giới Mexico. Cùng với Canada, Mexico cũng là quốc gia bị vị tỷ phú nhắm tới trong nỗ lực ngăn chặn dòng người nhập cư mang theo nguy cơ tội phạm và ma túy “tràn vào” Mỹ.
Với riêng Trung Quốc, tuyên bố của ông Trump tiếp tục làm gia tăng áp lực lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau tuyên bố áp thuế lên ít nhất 60% hàng hóa nước này. Trong nhiệm kỳ Trump 1.0, Trung Quốc cũng là mục tiêu chính trong các nỗ lực bảo hộ kinh tế của Mỹ. Với cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, từ tháng 1/2018, chính quyền Trump liên tiếp áp thuế lên hàng nhập khẩu mà phần nhiều trong đó sản xuất tại Trung Quốc, như tấm pin mặt trời và thép, nhằm bảo vệ doanh nghiệp và người lao động Mỹ.
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, tổng khoản thuế tăng lên là gần 80 tỷ USD, và giá trị hàng hóa bị ảnh hưởng chạm mốc 380 tỷ USD tại thời điểm áp thuế. Tháng 1/2021, mức thuế suất hiệu dụng (effective tax rate - ETR), hay tỷ lệ phần trăm của khoản thuế hải quan đối với tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc tại Mỹ, ghi nhận sự chênh lệch lớn so với các đối tác thương mại quan trọng khác của Washington, như Việt Nam và Ấn Độ. Tính chung từ năm 2018 đến tháng 10/2024, mức ETR trung bình của Trung Quốc tăng từ 3% lên 11%, trong khi con số này là 1% lên 2% cho tất cả các quốc gia còn lại.
Nếu các ý định của ông Trump thành hiện thực trong nhiệm kỳ hai, nền kinh tế Trung Quốc khó tránh khỏi những tác động tiêu cực. Và điều này thậm chí sẽ khiến ngành công nghiệp nước này thêm khó khăn. Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu) cảnh báo rằng “sẽ không ai thắng trong cuộc chiến thương mại hay thuế quan”, đồng thời khẳng định cách làm của Washington có thể khiến lạm phát gia tăng và nâng cao chi phí mua sắm của người dân Mỹ. Kịch bản đó rõ ràng không phải là điều mà ông Trump hướng tới, nhất là khi ông muốn đòi lại “công bằng” cho nền kinh tế Mỹ.
Là một doanh nhân tham gia chính trường, ông Trump ý thức được những hệ lụy mà bảo hộ thương mại tác động lên quan hệ song phương, không chỉ với riêng Bắc Kinh hay Washington. Tháng 1/2021, khi ông Trump rời nhiệm sở, chiến lược ăn miếng trả miếng (tit-for-tat) về thương mại mà ông khơi mào với Trung Quốc đã cướp đi 245.000 việc làm tại Mỹ, con số kỷ lục thời điểm đó. Quan trọng hơn, thâm hụt thương mại của Washington đã tăng từ khoảng 480 tỷ USD vào năm 2016 lên 653 tỷ USD vào năm 2020. Dù vậy, những tổn thất kinh tế đong đếm được dường như khó mà khiến ông Trump chùn bước trong việc bảo vệ các lợi ích lâu dài, khó đong đếm hơn, và liên quan đến an ninh quốc gia trong nhiệm kỳ tới, ngay cả khi các khó khăn trước mắt của thị trường tác động trực tiếp lên doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.
Từ góc nhìn kinh tế đến lăng kính hiện thực của Washington
Tại Mỹ, xuất hiện một luồng ý kiến cho rằng thành quả từ dòng chảy thương mại toàn cầu (như giá cả rẻ hơn, điều kiện sống tốt hơn hay mức độ cạnh tranh của thị trường mạnh mẽ hơn) không thể bù đắp cho những khó khăn do các ngành sản xuất mất việc làm, do nền kinh tế mất tự chủ khi phụ thuộc vào sản phẩm từ các quốc gia đối thủ, và do nền chính trị nội bộ bất ổn trong bối cảnh chia rẽ giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Với Mỹ, dường như nguy cơ nước này bị Bắc Kinh tiếp tục đánh cắp tài sản trí tuệ và nguy hiểm hơn là bị cường quốc châu Á bỏ lại trong cuộc cạnh tranh công nghệ quyết liệt mới là lý do chủ yếu thúc đẩy Washington hành động cứng rắn.
Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, chính sách kinh tế của chính quyền Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên đã đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong cách mà chính giới Mỹ nhận thức về chủ nghĩa bảo hộ. Nhìn lại quá trình trao đổi thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc từ đầu thế kỷ 21 đến nay, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization - WTO) năm 2001, một số nhà quan sát cho rằng chủ nghĩa bảo hộ Mỹ không đơn thuần bắt nguồn từ tính cách hay những quan điểm chống Bắc Kinh của cá nhân của ông Trump hay chính quyền ông. Sớm hay muộn, đây dường như là một phản ứng không thể tránh khỏi của Washington trước các chính sách thiếu công bằng đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian qua.
Theo ông Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Mỹ từ tháng 5/2017 đến 1/2021, ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên xem xét một cách đầy đủ việc Trung Quốc có các hành vi đi ngược lại nguyên tắc cân bằng trong cách thương mại tự do vận hành, vốn là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo lợi ích cho tất cả các quốc gia. Bắc Kinh bị cáo buộc duy trì nền kinh tế trong nước hầu như khép kín trước thị trường tài chính quốc tế, neo tỷ giá hối đoái ở mức cao để thúc đẩy xuất khẩu. Cùng với thao túng tiền tệ và đánh cắp sở hữu trí tuệ, chính phủ Trung Quốc được cho là thực hiện trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước nhằm tăng tính cạnh tranh, tiến hành hoạt động gián điệp công nghiệp để nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), đồng thời kiểm soát dòng vốn chặt chẽ để hạn chế đầu tư ra nước ngoài và ngăn nhà đầu tư quốc tế tiếp cận thị trường tài chính trong nước.
Năm 2007, hai nhà nghiên cứu Niall Ferguson và Moritz Schularick đề xuất thuật ngữ “Chimerica” để chỉ mô hình là sự kết hợp giữa nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế Trung Quốc. “Chimerica” nổi bật bởi hai yếu tố chính: tăng trưởng dựa trên xuất khẩu của Trung Quốc và tiêu dùng quá mức tại Mỹ. Theo các tác giả, trong giai đoạn đầu tiên của Chimerica 2000-2008, chi tiêu của Mỹ liên tục vượt thu nhập quốc dân, trong khi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm một phần ba khoản chênh lệch đó. Lợi ích từ quan hệ cộng sinh với kinh tế Mỹ trong giai đoạn này đã giúp GDP của Trung Quốc tăng gấp bốn lần, xuất khẩu tăng năm lần, đồng thời cho phép Bắc Kinh nhập khẩu công nghệ phương Tây và tạo ra hàng chục triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc Trung Quốc can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và tích lũy dự trữ ngoại hối (chủ yếu là USD) để phòng ngừa rủi ro đã gây ra những tác động sâu rộng: làm giảm lãi suất dài hạn, thổi phồng bong bóng bất động sản tại Mỹ và tạo ra sự lệ thuộc tài chính của Mỹ vào Trung Quốc.
Washington cho rằng Trung Quốc là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ sự ổn định của trật tự thế giới hiện nay và những cơ hội mà trật tự ấy mang lại. Dù thành tựu kinh tế của Trung Quốc có được phần nhiều nhờ vào đầu tư từ Mỹ, nhưng Washington lại phải gánh chịu hậu quả từ các chính sách cạnh tranh không công bằng của Bắc Kinh. Quan trọng hơn, cựu Phó Tổng thống Mike Pence khẳng định Bắc Kinh đang áp dụng cách tiếp cận toàn diện, huy động toàn bộ hệ thống chính quyền (whole-of-government approach), với công cụ chính trị, kinh tế, quân sự và tuyên truyền, để mở rộng ảnh hưởng và đạt được lợi ích tại Mỹ. Trong khi đó, Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh rằng một Trung Quốc mạnh mẽ, “hà khắc hơn trong đối nội và hung hăng hơn khi đối ngoại” (more repressive at home and more aggressive abroad), đang cố gắng phá hoại các thể chế đã tạo tiền đề để nước này phát triển và đẩy Mỹ ra khỏi các giá trị phổ quát đã duy trì tiến bộ của nhân loại trong thời gian qua.
Cách Mỹ nhìn nhận sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc và lo ngại về sự trỗi dậy đó đang dấy lên những câu hỏi lớn về an ninh quốc gia tại Washington. Điều này phần nào giải thích tại sao ông Biden và ông Trump dù có lập trường chính trị khác biệt lại chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong cách đối phó với Bắc Kinh. Năm 2017, Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ của ông Trump nhìn nhận Trung Quốc là một “cường quốc xét lại”, cố gắng “chuyển dịch cán cân khu vực theo hướng có lợi cho mình” và tìm cách “thay thế Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Năm 2022, Bắc Kinh trở thành “thách thức địa chính trị quan trọng nhất” trong Chiến lược An ninh Quốc gia của ông Biden, là “đối thủ cạnh tranh duy nhất” có tham vọng sắp xếp lại trật tự quốc tế và có khả năng về kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để đạt mục tiêu đó.
Sự kết thúc của mô hình “Chimerica” mang tính cộng sinh giữa hai nước đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa hiện thực chi phối mạnh mẽ nhận thức chiến lược của Mỹ về Trung Quốc trong hai nhiệm kỳ tổng thống gần nhất. Quan trọng hơn, lưỡng đảng tại Mỹ, vốn hay chia rẽ trong nhiều chính sách đối ngoại, giờ đây lại tìm được tiếng nói chung trước một Bắc Kinh ngày càng quyết đoán hơn trong cái được cho là nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, mà việc thống nhất Đài Loan vào đại lục đang được Bắc Kinh xem là “tất yếu” (inevitable). Không chỉ riêng vấn đề Đài Loan, trong khi những dự báo về xung đột trực tiếp giữa hai siêu cường xuất hiện ngày càng gần và cụ thể hơn, Washington đã thực sự xem Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh chiến lược, tương tự Liên Xô, trong một mô hình đối kháng kiểu Chiến tranh Lạnh (1947-1991).
Trở lại thời điểm Thế chiến thứ hai (1939-1945) kết thúc, Mỹ và Liên Xô nhanh chóng chuyển từ quan hệ đồng minh sang đối đầu sau khi Đại biện lâm thời của Mỹ tại Liên Xô George Kennan gửi về Washington “Bức điện dài” (Long Telegram) vào năm 1946. Dựa trên lý luận rằng Moscow sẽ không chịu “chung sống hòa bình vĩnh viễn” với phương Tây (sau này được đề cập trong bài viết “Nguồn gốc hành vi của Liên Xô”), Kennan cho rằng Washington cần “phản kháng mạnh mẽ” trước sự bành trướng của Liên Xô. Lập luận của nhà ngoại giao Mỹ đã đặt nền móng cho chiến lược ngăn chặn (containment) của Washington với Moscow trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, mà một trong những biểu hiện cụ thể là Học thuyết Truman vào năm 1947.
Chưa rõ liệu có hay không một “George Kennan thứ hai” trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung hiện nay. Tuy nhiên, với một số học giả, trong đó có Niall Ferguson, mô hình đối đầu Washington - Bắc Kinh kiểu Chiến tranh Lạnh đã định hình từ năm 2019. Sự khác biệt trong giai đoạn này so với bối cảnh những năm 1940 là những “mặt trận” trọng tâm của cuộc cạnh tranh chiến lược. Thay vì chênh vênh bên “miệng hố” một cuộc xung đột hạt nhân hay can dự vào các cuộc chiến tranh ủy nhiệm (proxy war) như Mỹ và Liên Xô, Washington và Bắc Kinh đang so kè nhau trong các lĩnh vực mới, mà trọng tâm là công nghệ. Trong tương lai gần, các chuyên gia tin rằng năng lực công nghệ và khả năng đổi mới sáng tạo sẽ không chỉ quyết định tương lai của cuộc đối đầu Mỹ - Trung mà còn của cả nhân loại.
Công nghệ là trung tâm
Trong nhiệm kỳ của ông Biden, Mỹ đã theo đuổi nỗ lực toàn diện hơn khi đối phó với thách thức từ Bắc Kinh, cụ thể là xoay quanh ba trụ cột: “đầu tư” (invest) vào nền tảng sức mạnh trong nước, “liên kết” (align) với các đồng minh và đối tác, đồng thời “cạnh tranh” (compete) trực tiếp với Trung Quốc. Washington đã đầu tư hai nghìn tỷ USD vào công nghệ sạch, hạ tầng và công nghệ cao, đồng thời áp thuế lên các sản phẩm Trung Quốc với trị giá 18 tỷ USD, trong đó có linh kiện bán dẫn, xe điện và tấm pin mặt trời. Duy trì các chính sách thuế quan của ông Trump, ông Biden làm tốt hơn người tiền nhiệm ở một điểm quan trọng là tạo ra hơn 700.000 việc làm sau các chính sách quan trọng như Đạo luật đầu tư cơ sở hạ tầng và việc làm, Đạo luật giảm lạm phát, Đạo luật CHIPS và khoa học.
Khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, lĩnh vực công nghệ được kỳ vọng sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, nơi chính sách “sân nhỏ, rào cao” mà chính quyền Biden để lại sẽ tiếp tục được kế thừa. Ngay từ năm 2018, hai nhà nghiên cứu Lorand Laskai và Samm Sacks đã cho rằng “sân nhỏ, rào cao” là cách Washington nên áp dụng trong cuộc chạy đua với Trung Quốc về công nghệ để duy trì vị thế, nhất là khi năng lực R&D của Trung Quốc ngày càng được nâng cao. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ cựu Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates (2006-2011), liên quan đến hai khía cạnh quan trọng của chính sách: chọn lọc kỹ các lĩnh vực công nghệ cần bảo vệ và quyết liệt bảo vệ các công nghệ đó.
Trên thực tế, những trao đổi về “sân nhỏ, rào cao” mới chỉ dừng lại ở phạm vi học thuật. Đến năm 2022, dưới nhiệm kỳ Biden, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan tuyên bố Washington đang thực sự triển khai chính sách này (“we are now implementing it”) để ngăn các đối thủ cạnh tranh chiến lược tìm cách khai thác công nghệ để phá hoại an ninh của Mỹ và đồng minh. Thậm chí, “khoảng sân” của Washington dần nới rộng từ lĩnh vực công nghệ cao sang mọi công nghệ trên không gian mạng, còn “hàng rào” phân loại được Mỹ hạ xuống để có thêm nhiều yếu tố quan trọng được bảo vệ hơn, miễn là các mục tiêu này có liên quan đến an ninh quốc gia. Theo các nhà quan sát, các biện pháp bảo vệ được đưa ra không chỉ nhắm vào kiểm soát xuất khẩu đơn thuần, mà còn bao gồm cả hạn chế đầu tư, áp dụng lệnh trừng phạt và đặt ra giới hạn trong tiếp cận thị trường. Tất cả nhằm tách rời (decoupling) sự liên hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, từ đó phản ảnh mức độ cạnh tranh gay gắt giữa hai siêu cường.
Tuy nhiên, là một chính trị gia theo đuổi phong cách ngoại giao truyền thống, ông Biden vẫn nhấn mạnh việc kiểm soát có trách nhiệm quan hệ Mỹ - Trung, đồng thời không tự giới hạn các tương tác song phương trong khía cạnh cạnh tranh đơn thuần. Trong thời gian qua, Washington và Bắc Kinh vẫn đạt được một số bước tiến trong các lĩnh vực hợp tác như chống ma túy, liên lạc quân sự, phòng ngừa rủi ro liên quan đến trí tuệ nhân tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu và giao lưu nhân dân. Trong cuộc gặp song phương vào ngày 16/11/2024, bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Peru, ông Tập ghi nhận sự “ổn định” của quan hệ song phương dưới thời ông Biden, mặc dù ông thừa nhận một số thăng trầm trong bốn năm qua. Việc tái khởi động và thiết lập mới hơn 20 cơ chế liên lạc có thể là cách làm “đúng đắn” mà ông Tập định hướng cho quan hệ Trung - Mỹ trong thời gian tới.
Dù chỉ trích người tiền nhiệm trong nhiều vấn đề , ông Trump sẽ một lần nữa phải đồng ý với chính quyền Biden rằng việc chỉ nhìn nhận quan hệ Mỹ - Trung ở khía cạnh canh tranh sẽ bỏ qua tiềm năng hợp tác của mối quan hệ này, đồng thời làm xói mòn vai trò lãnh đạo của cả Washington lẫn Bắc Kinh trong việc duy trì ổn định địa chính trị toàn cầu. Ngày 16/12/2024, vài giờ trước khi gặp đại diện TikTok tại Florida, ông Trump bất ngờ tuyên bố Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác để “giải quyết mọi vấn đề của thế giới” (solve all of the problems of the world). Trong khi mức độ cam kết trong các diễn ngôn chính trị của ông Trump vẫn là một dấu hỏi lớn, chí ít tổng thống đắc cử Mỹ cũng đã cho thấy một thái độ cởi mở hơn với Trung Quốc, nhất là so với cách ông lựa chọn các chính trị gia có quan điểm diều hâu trong bộ máy của mình. Ông Trump cũng đã mời ông Tập cùng lãnh đạo các quốc gia khác đến dự Lễ nhậm chức của ông vào ngày 20/1/2025, một bước đi gây bất ngờ, chưa có tiền lệ, và đầy thiện chí.
Chưa thể khẳng định liệu những động thái trên có phải là một phần trong tính toán lớn hơn của ông Trump, giúp ông có thêm cơ sở để ngã giá trong một cuộc đàm phán quan trọng nào đó của Mỹ hay không. Tuy nhiên, sự cầu thị của các bên dù mong manh vẫn có thể mở ra cơ hội đối thoại về các bất đồng trong quan hệ song phương và tình hình quốc tế, nổi bật là căng thẳng ở eo biển Đài Loan và giải pháp hòa bình cho cuộc chiến Nga - Ukraine.
Ngày 17/12/2024, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) thậm chí tuyên bố Washington và Bắc Kinh có thể đạt được “nhiều điều vĩ đại” (many great things) nếu hợp tác cùng nhau. Nếu ông Vương không ngây thơ về tư duy hiện thực của chính quyền Mỹ (và rõ ràng không phải vậy), có thể ông đang ngầm gửi gắm một thông điệp khác đến bộ máy mới của ông Trump. Trong quá khứ, hợp tác Mỹ - Trung từng đưa đến cái bắt tay vào năm 1972 giữa Tổng thống Richard Nixon và Chủ tịch Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh, trong chuyến thăm lịch sử được cho là đã thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu và khép lại Chiến tranh Lạnh ở Đông Á. Giờ đây, việc đảm bảo rằng tình thế đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không đưa đến một cuộc xung đột nóng giữa hai siêu cường cũng có thể được xem là một thành quả lớn lao như vậy cho người dân hai nước cũng như cộng đồng quốc tế.
Ngày 7/11/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi điện mừng tới Tổng thống đắc cử Donald Trump sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Nhà lãnh đạo Trung Quốc bày tỏ tin tưởng vào triển vọng hợp tác của quan hệ Trung - Mỹ trong bốn năm tiếp theo và cho rằng hai siêu cường có thể “tìm ra hướng đi đúng đắn” để chung sống hòa bình trong giai đoạn mới.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên (tháng 1/2017 - tháng 1/2021), ông Trump đã thực thi nhiều biện pháp để gây sức ép với Trung Quốc như khởi xướng các biện pháp thuế quan đối với hàng hóa của Trung Quốc vào năm 2018 và cáo buộc Bắc Kinh có liên quan tới nguồn gốc của đại dịch Covid-19 toàn cầu hai năm sau đó. Cách ông Trump can dự với Trung Quốc trong giai đoạn này phản ánh rõ nét chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” (America First).
Dù tinh thần dân túy (populism) đã giúp vị tỷ phú giành được sự ủng hộ của cử tri Mỹ trong các cuộc bầu cử năm 2016 (chỉ thắng phiếu đại cử tri) và 2024 (thắng cả phiếu đại cử tri lẫn phiếu phổ thông), chưa rõ liệu sự trở lại mang tính lịch sử của ông sẽ tác động thế nào đến nền chính trị đang bị chia rẽ tại Mỹ. Bởi lẽ, sau bốn năm, các ưu tiên hành pháp của ông Trump có thể đã thay đổi, đặc biệt là khi ông phải đối mặt với hơn 90 cáo buộc trong bốn vụ án hình sự và thậm chí đã bị kết tội vào tháng 5/2024, điều chưa từng có trong lịch sử nước này.
Tuy nhiên, dựa vào các tuyên bố chính sách, các quyết định bổ nhiệm nhân sự cho chính quyền mới, kết hợp với những chuyển biến của quan hệ Mỹ - Trung từ năm 2016, các ưu tiên mà Washington và Bắc Kinh dành cho nhau trong chính sách đối ngoại, và triển vọng của “mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới”—trích lời Tổng thống Joe Biden—đang dần được hé lộ. Nhìn chung, Mỹ và Trung Quốc sẽ có nhiều việc phải làm để điều chỉnh mối quan hệ này về đúng quỹ đạo mà Bắc Kinh đang kỳ vọng.
Thuế quan là khởi đầu, nhưng thương mại không phải là tất cả
Trái với thiện chí từ ông Tập, ông Trump phản ứng theo cách mà nhà lãnh đạo Trung Quốc ít mong muốn nhất. Ngày 25/11/2024, chưa đầy hai tuần sau thông điệp từ Trung Nam Hải, ông Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế bổ sung 10% đối với tất cả sản phẩm từ Trung Quốc sau khi nhậm chức. Biện pháp này buộc Bắc Kinh phải có hành động quyết liệt hơn để ngăn cái mà ông Trump gọi là tình trạng ma túy có nguồn gốc Trung Quốc xuất hiện tràn lan tại Mỹ qua đường biên giới Mexico. Cùng với Canada, Mexico cũng là quốc gia bị vị tỷ phú nhắm tới trong nỗ lực ngăn chặn dòng người nhập cư mang theo nguy cơ tội phạm và ma túy “tràn vào” Mỹ.
Với riêng Trung Quốc, tuyên bố của ông Trump tiếp tục làm gia tăng áp lực lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau tuyên bố áp thuế lên ít nhất 60% hàng hóa nước này. Trong nhiệm kỳ Trump 1.0, Trung Quốc cũng là mục tiêu chính trong các nỗ lực bảo hộ kinh tế của Mỹ. Với cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, từ tháng 1/2018, chính quyền Trump liên tiếp áp thuế lên hàng nhập khẩu mà phần nhiều trong đó sản xuất tại Trung Quốc, như tấm pin mặt trời và thép, nhằm bảo vệ doanh nghiệp và người lao động Mỹ.
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, tổng khoản thuế tăng lên là gần 80 tỷ USD, và giá trị hàng hóa bị ảnh hưởng chạm mốc 380 tỷ USD tại thời điểm áp thuế. Tháng 1/2021, mức thuế suất hiệu dụng (effective tax rate - ETR), hay tỷ lệ phần trăm của khoản thuế hải quan đối với tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc tại Mỹ, ghi nhận sự chênh lệch lớn so với các đối tác thương mại quan trọng khác của Washington, như Việt Nam và Ấn Độ. Tính chung từ năm 2018 đến tháng 10/2024, mức ETR trung bình của Trung Quốc tăng từ 3% lên 11%, trong khi con số này là 1% lên 2% cho tất cả các quốc gia còn lại.
Nếu các ý định của ông Trump thành hiện thực trong nhiệm kỳ hai, nền kinh tế Trung Quốc khó tránh khỏi những tác động tiêu cực. Và điều này thậm chí sẽ khiến ngành công nghiệp nước này thêm khó khăn. Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu) cảnh báo rằng “sẽ không ai thắng trong cuộc chiến thương mại hay thuế quan”, đồng thời khẳng định cách làm của Washington có thể khiến lạm phát gia tăng và nâng cao chi phí mua sắm của người dân Mỹ. Kịch bản đó rõ ràng không phải là điều mà ông Trump hướng tới, nhất là khi ông muốn đòi lại “công bằng” cho nền kinh tế Mỹ.
Là một doanh nhân tham gia chính trường, ông Trump ý thức được những hệ lụy mà bảo hộ thương mại tác động lên quan hệ song phương, không chỉ với riêng Bắc Kinh hay Washington. Tháng 1/2021, khi ông Trump rời nhiệm sở, chiến lược ăn miếng trả miếng (tit-for-tat) về thương mại mà ông khơi mào với Trung Quốc đã cướp đi 245.000 việc làm tại Mỹ, con số kỷ lục thời điểm đó. Quan trọng hơn, thâm hụt thương mại của Washington đã tăng từ khoảng 480 tỷ USD vào năm 2016 lên 653 tỷ USD vào năm 2020. Dù vậy, những tổn thất kinh tế đong đếm được dường như khó mà khiến ông Trump chùn bước trong việc bảo vệ các lợi ích lâu dài, khó đong đếm hơn, và liên quan đến an ninh quốc gia trong nhiệm kỳ tới, ngay cả khi các khó khăn trước mắt của thị trường tác động trực tiếp lên doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.
Từ góc nhìn kinh tế đến lăng kính hiện thực của Washington
Tại Mỹ, xuất hiện một luồng ý kiến cho rằng thành quả từ dòng chảy thương mại toàn cầu (như giá cả rẻ hơn, điều kiện sống tốt hơn hay mức độ cạnh tranh của thị trường mạnh mẽ hơn) không thể bù đắp cho những khó khăn do các ngành sản xuất mất việc làm, do nền kinh tế mất tự chủ khi phụ thuộc vào sản phẩm từ các quốc gia đối thủ, và do nền chính trị nội bộ bất ổn trong bối cảnh chia rẽ giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ. Với Mỹ, dường như nguy cơ nước này bị Bắc Kinh tiếp tục đánh cắp tài sản trí tuệ và nguy hiểm hơn là bị cường quốc châu Á bỏ lại trong cuộc cạnh tranh công nghệ quyết liệt mới là lý do chủ yếu thúc đẩy Washington hành động cứng rắn.
Dù còn nhiều ý kiến trái chiều, chính sách kinh tế của chính quyền Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên đã đánh dấu một sự thay đổi quan trọng trong cách mà chính giới Mỹ nhận thức về chủ nghĩa bảo hộ. Nhìn lại quá trình trao đổi thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc từ đầu thế kỷ 21 đến nay, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization - WTO) năm 2001, một số nhà quan sát cho rằng chủ nghĩa bảo hộ Mỹ không đơn thuần bắt nguồn từ tính cách hay những quan điểm chống Bắc Kinh của cá nhân của ông Trump hay chính quyền ông. Sớm hay muộn, đây dường như là một phản ứng không thể tránh khỏi của Washington trước các chính sách thiếu công bằng đã thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian qua.
Theo ông Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Mỹ từ tháng 5/2017 đến 1/2021, ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên xem xét một cách đầy đủ việc Trung Quốc có các hành vi đi ngược lại nguyên tắc cân bằng trong cách thương mại tự do vận hành, vốn là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo lợi ích cho tất cả các quốc gia. Bắc Kinh bị cáo buộc duy trì nền kinh tế trong nước hầu như khép kín trước thị trường tài chính quốc tế, neo tỷ giá hối đoái ở mức cao để thúc đẩy xuất khẩu. Cùng với thao túng tiền tệ và đánh cắp sở hữu trí tuệ, chính phủ Trung Quốc được cho là thực hiện trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước nhằm tăng tính cạnh tranh, tiến hành hoạt động gián điệp công nghiệp để nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D), đồng thời kiểm soát dòng vốn chặt chẽ để hạn chế đầu tư ra nước ngoài và ngăn nhà đầu tư quốc tế tiếp cận thị trường tài chính trong nước.
Năm 2007, hai nhà nghiên cứu Niall Ferguson và Moritz Schularick đề xuất thuật ngữ “Chimerica” để chỉ mô hình là sự kết hợp giữa nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế Trung Quốc. “Chimerica” nổi bật bởi hai yếu tố chính: tăng trưởng dựa trên xuất khẩu của Trung Quốc và tiêu dùng quá mức tại Mỹ. Theo các tác giả, trong giai đoạn đầu tiên của Chimerica 2000-2008, chi tiêu của Mỹ liên tục vượt thu nhập quốc dân, trong khi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm một phần ba khoản chênh lệch đó. Lợi ích từ quan hệ cộng sinh với kinh tế Mỹ trong giai đoạn này đã giúp GDP của Trung Quốc tăng gấp bốn lần, xuất khẩu tăng năm lần, đồng thời cho phép Bắc Kinh nhập khẩu công nghệ phương Tây và tạo ra hàng chục triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc Trung Quốc can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và tích lũy dự trữ ngoại hối (chủ yếu là USD) để phòng ngừa rủi ro đã gây ra những tác động sâu rộng: làm giảm lãi suất dài hạn, thổi phồng bong bóng bất động sản tại Mỹ và tạo ra sự lệ thuộc tài chính của Mỹ vào Trung Quốc.
Washington cho rằng Trung Quốc là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ sự ổn định của trật tự thế giới hiện nay và những cơ hội mà trật tự ấy mang lại. Dù thành tựu kinh tế của Trung Quốc có được phần nhiều nhờ vào đầu tư từ Mỹ, nhưng Washington lại phải gánh chịu hậu quả từ các chính sách cạnh tranh không công bằng của Bắc Kinh. Quan trọng hơn, cựu Phó Tổng thống Mike Pence khẳng định Bắc Kinh đang áp dụng cách tiếp cận toàn diện, huy động toàn bộ hệ thống chính quyền (whole-of-government approach), với công cụ chính trị, kinh tế, quân sự và tuyên truyền, để mở rộng ảnh hưởng và đạt được lợi ích tại Mỹ. Trong khi đó, Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh rằng một Trung Quốc mạnh mẽ, “hà khắc hơn trong đối nội và hung hăng hơn khi đối ngoại” (more repressive at home and more aggressive abroad), đang cố gắng phá hoại các thể chế đã tạo tiền đề để nước này phát triển và đẩy Mỹ ra khỏi các giá trị phổ quát đã duy trì tiến bộ của nhân loại trong thời gian qua.
Cách Mỹ nhìn nhận sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc và lo ngại về sự trỗi dậy đó đang dấy lên những câu hỏi lớn về an ninh quốc gia tại Washington. Điều này phần nào giải thích tại sao ông Biden và ông Trump dù có lập trường chính trị khác biệt lại chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong cách đối phó với Bắc Kinh. Năm 2017, Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ của ông Trump nhìn nhận Trung Quốc là một “cường quốc xét lại”, cố gắng “chuyển dịch cán cân khu vực theo hướng có lợi cho mình” và tìm cách “thay thế Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Năm 2022, Bắc Kinh trở thành “thách thức địa chính trị quan trọng nhất” trong Chiến lược An ninh Quốc gia của ông Biden, là “đối thủ cạnh tranh duy nhất” có tham vọng sắp xếp lại trật tự quốc tế và có khả năng về kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để đạt mục tiêu đó.
Sự kết thúc của mô hình “Chimerica” mang tính cộng sinh giữa hai nước đã tạo điều kiện cho chủ nghĩa hiện thực chi phối mạnh mẽ nhận thức chiến lược của Mỹ về Trung Quốc trong hai nhiệm kỳ tổng thống gần nhất. Quan trọng hơn, lưỡng đảng tại Mỹ, vốn hay chia rẽ trong nhiều chính sách đối ngoại, giờ đây lại tìm được tiếng nói chung trước một Bắc Kinh ngày càng quyết đoán hơn trong cái được cho là nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, mà việc thống nhất Đài Loan vào đại lục đang được Bắc Kinh xem là “tất yếu” (inevitable). Không chỉ riêng vấn đề Đài Loan, trong khi những dự báo về xung đột trực tiếp giữa hai siêu cường xuất hiện ngày càng gần và cụ thể hơn, Washington đã thực sự xem Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh chiến lược, tương tự Liên Xô, trong một mô hình đối kháng kiểu Chiến tranh Lạnh (1947-1991).
Trở lại thời điểm Thế chiến thứ hai (1939-1945) kết thúc, Mỹ và Liên Xô nhanh chóng chuyển từ quan hệ đồng minh sang đối đầu sau khi Đại biện lâm thời của Mỹ tại Liên Xô George Kennan gửi về Washington “Bức điện dài” (Long Telegram) vào năm 1946. Dựa trên lý luận rằng Moscow sẽ không chịu “chung sống hòa bình vĩnh viễn” với phương Tây (sau này được đề cập trong bài viết “Nguồn gốc hành vi của Liên Xô”), Kennan cho rằng Washington cần “phản kháng mạnh mẽ” trước sự bành trướng của Liên Xô. Lập luận của nhà ngoại giao Mỹ đã đặt nền móng cho chiến lược ngăn chặn (containment) của Washington với Moscow trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, mà một trong những biểu hiện cụ thể là Học thuyết Truman vào năm 1947.
Chưa rõ liệu có hay không một “George Kennan thứ hai” trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung hiện nay. Tuy nhiên, với một số học giả, trong đó có Niall Ferguson, mô hình đối đầu Washington - Bắc Kinh kiểu Chiến tranh Lạnh đã định hình từ năm 2019. Sự khác biệt trong giai đoạn này so với bối cảnh những năm 1940 là những “mặt trận” trọng tâm của cuộc cạnh tranh chiến lược. Thay vì chênh vênh bên “miệng hố” một cuộc xung đột hạt nhân hay can dự vào các cuộc chiến tranh ủy nhiệm (proxy war) như Mỹ và Liên Xô, Washington và Bắc Kinh đang so kè nhau trong các lĩnh vực mới, mà trọng tâm là công nghệ. Trong tương lai gần, các chuyên gia tin rằng năng lực công nghệ và khả năng đổi mới sáng tạo sẽ không chỉ quyết định tương lai của cuộc đối đầu Mỹ - Trung mà còn của cả nhân loại.
Công nghệ là trung tâm
Trong nhiệm kỳ của ông Biden, Mỹ đã theo đuổi nỗ lực toàn diện hơn khi đối phó với thách thức từ Bắc Kinh, cụ thể là xoay quanh ba trụ cột: “đầu tư” (invest) vào nền tảng sức mạnh trong nước, “liên kết” (align) với các đồng minh và đối tác, đồng thời “cạnh tranh” (compete) trực tiếp với Trung Quốc. Washington đã đầu tư hai nghìn tỷ USD vào công nghệ sạch, hạ tầng và công nghệ cao, đồng thời áp thuế lên các sản phẩm Trung Quốc với trị giá 18 tỷ USD, trong đó có linh kiện bán dẫn, xe điện và tấm pin mặt trời. Duy trì các chính sách thuế quan của ông Trump, ông Biden làm tốt hơn người tiền nhiệm ở một điểm quan trọng là tạo ra hơn 700.000 việc làm sau các chính sách quan trọng như Đạo luật đầu tư cơ sở hạ tầng và việc làm, Đạo luật giảm lạm phát, Đạo luật CHIPS và khoa học.
Khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025, lĩnh vực công nghệ được kỳ vọng sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, nơi chính sách “sân nhỏ, rào cao” mà chính quyền Biden để lại sẽ tiếp tục được kế thừa. Ngay từ năm 2018, hai nhà nghiên cứu Lorand Laskai và Samm Sacks đã cho rằng “sân nhỏ, rào cao” là cách Washington nên áp dụng trong cuộc chạy đua với Trung Quốc về công nghệ để duy trì vị thế, nhất là khi năng lực R&D của Trung Quốc ngày càng được nâng cao. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ cựu Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Robert Gates (2006-2011), liên quan đến hai khía cạnh quan trọng của chính sách: chọn lọc kỹ các lĩnh vực công nghệ cần bảo vệ và quyết liệt bảo vệ các công nghệ đó.
Trên thực tế, những trao đổi về “sân nhỏ, rào cao” mới chỉ dừng lại ở phạm vi học thuật. Đến năm 2022, dưới nhiệm kỳ Biden, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan tuyên bố Washington đang thực sự triển khai chính sách này (“we are now implementing it”) để ngăn các đối thủ cạnh tranh chiến lược tìm cách khai thác công nghệ để phá hoại an ninh của Mỹ và đồng minh. Thậm chí, “khoảng sân” của Washington dần nới rộng từ lĩnh vực công nghệ cao sang mọi công nghệ trên không gian mạng, còn “hàng rào” phân loại được Mỹ hạ xuống để có thêm nhiều yếu tố quan trọng được bảo vệ hơn, miễn là các mục tiêu này có liên quan đến an ninh quốc gia. Theo các nhà quan sát, các biện pháp bảo vệ được đưa ra không chỉ nhắm vào kiểm soát xuất khẩu đơn thuần, mà còn bao gồm cả hạn chế đầu tư, áp dụng lệnh trừng phạt và đặt ra giới hạn trong tiếp cận thị trường. Tất cả nhằm tách rời (decoupling) sự liên hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, từ đó phản ảnh mức độ cạnh tranh gay gắt giữa hai siêu cường.
Tuy nhiên, là một chính trị gia theo đuổi phong cách ngoại giao truyền thống, ông Biden vẫn nhấn mạnh việc kiểm soát có trách nhiệm quan hệ Mỹ - Trung, đồng thời không tự giới hạn các tương tác song phương trong khía cạnh cạnh tranh đơn thuần. Trong thời gian qua, Washington và Bắc Kinh vẫn đạt được một số bước tiến trong các lĩnh vực hợp tác như chống ma túy, liên lạc quân sự, phòng ngừa rủi ro liên quan đến trí tuệ nhân tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu và giao lưu nhân dân. Trong cuộc gặp song phương vào ngày 16/11/2024, bên lề Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Peru, ông Tập ghi nhận sự “ổn định” của quan hệ song phương dưới thời ông Biden, mặc dù ông thừa nhận một số thăng trầm trong bốn năm qua. Việc tái khởi động và thiết lập mới hơn 20 cơ chế liên lạc có thể là cách làm “đúng đắn” mà ông Tập định hướng cho quan hệ Trung - Mỹ trong thời gian tới.
Dù chỉ trích người tiền nhiệm trong nhiều vấn đề , ông Trump sẽ một lần nữa phải đồng ý với chính quyền Biden rằng việc chỉ nhìn nhận quan hệ Mỹ - Trung ở khía cạnh canh tranh sẽ bỏ qua tiềm năng hợp tác của mối quan hệ này, đồng thời làm xói mòn vai trò lãnh đạo của cả Washington lẫn Bắc Kinh trong việc duy trì ổn định địa chính trị toàn cầu. Ngày 16/12/2024, vài giờ trước khi gặp đại diện TikTok tại Florida, ông Trump bất ngờ tuyên bố Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác để “giải quyết mọi vấn đề của thế giới” (solve all of the problems of the world). Trong khi mức độ cam kết trong các diễn ngôn chính trị của ông Trump vẫn là một dấu hỏi lớn, chí ít tổng thống đắc cử Mỹ cũng đã cho thấy một thái độ cởi mở hơn với Trung Quốc, nhất là so với cách ông lựa chọn các chính trị gia có quan điểm diều hâu trong bộ máy của mình. Ông Trump cũng đã mời ông Tập cùng lãnh đạo các quốc gia khác đến dự Lễ nhậm chức của ông vào ngày 20/1/2025, một bước đi gây bất ngờ, chưa có tiền lệ, và đầy thiện chí.
Chưa thể khẳng định liệu những động thái trên có phải là một phần trong tính toán lớn hơn của ông Trump, giúp ông có thêm cơ sở để ngã giá trong một cuộc đàm phán quan trọng nào đó của Mỹ hay không. Tuy nhiên, sự cầu thị của các bên dù mong manh vẫn có thể mở ra cơ hội đối thoại về các bất đồng trong quan hệ song phương và tình hình quốc tế, nổi bật là căng thẳng ở eo biển Đài Loan và giải pháp hòa bình cho cuộc chiến Nga - Ukraine.
Ngày 17/12/2024, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) thậm chí tuyên bố Washington và Bắc Kinh có thể đạt được “nhiều điều vĩ đại” (many great things) nếu hợp tác cùng nhau. Nếu ông Vương không ngây thơ về tư duy hiện thực của chính quyền Mỹ (và rõ ràng không phải vậy), có thể ông đang ngầm gửi gắm một thông điệp khác đến bộ máy mới của ông Trump. Trong quá khứ, hợp tác Mỹ - Trung từng đưa đến cái bắt tay vào năm 1972 giữa Tổng thống Richard Nixon và Chủ tịch Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh, trong chuyến thăm lịch sử được cho là đã thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu và khép lại Chiến tranh Lạnh ở Đông Á. Giờ đây, việc đảm bảo rằng tình thế đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không đưa đến một cuộc xung đột nóng giữa hai siêu cường cũng có thể được xem là một thành quả lớn lao như vậy cho người dân hai nước cũng như cộng đồng quốc tế.
Từ khoá: Mỹ Trung Quốc cạnh tranh Mỹ - Trung Chiến tranh Lạnh