Ngày 18/6/2024, Thượng viện Thái Lan đã bỏ phiếu với tỷ lệ ủng hộ áp đảo để thông qua Dự luật Hôn nhân Bình đẳng (Marriage Equality Bill), đưa quốc gia này tiến gần tới bước hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới (same-sex marriage). Dự luật này sẽ cần được Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn phê chuẩn trước khi chính thức trở thành luật; tuy nhiên quá trình này chỉ mang tính hình thức. Về cơ bản, Thái Lan có thể được coi là đã công nhận hôn nhân đồng giới.
“Ngôi sao đang lên” về đấu tranh cho hôn nhân đồng giới
Ngay sau khi Thượng viện Thái Lan thông qua Dự luật Hôn nhân Bình đẳng, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin—một người ủng hộ mạnh mẽ cộng đồng LGBT—nhấn mạnh trên mạng xã hội X rằng Thái Lan “sẽ tiếp tục đấu tranh vì quyền xã hội cho tất cả mọi người bất kể địa vị của họ”, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực để trở thành nước chủ nhà tổ chức sự kiện WorldPride—một lễ hội diễu hành toàn cầu dành cho cộng đồng LGBT—vào năm 2030.
Dự luật mới này trao cho các cặp đôi đồng tính các quyền và lợi ích tương tự như các cặp đôi dị tính theo luật pháp Thái Lan, bao gồm quyền nhận con nuôi và quyền thừa kế. Trên cơ sở tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau, dự luật đã sửa đổi cách sử dụng từ ngữ vốn mang đặc tính dị nguyên trong Bộ luật Dân sự và Thương mại (the Civil and Commercial Code) của Thái Lan từ cách gọi “nam và nữ” thành “các cá nhân” và gọi “bạn đời” đối với các cặp đôi đã kết hôn thay vì “vợ và chồng”. Bên cạnh đó, dự luật còn cho phép các cặp đôi, trong đó có một người là người nước ngoài, hoặc các cặp đôi từ bất kỳ quốc gia nào, cũng có thể đăng ký kết hôn tại Thái Lan.
So sánh với Đài Loan vào thời điểm quốc gia này công nhận hôn nhân đồng giới (năm 2019), dự luật trên của Thái Lan là tương đối hoàn thiện và mang lại bình đẳng cao hơn cho các cặp đôi đồng tính. Trong khi dự luật công nhận hôn nhân đồng giới của Thái Lan thay đổi định nghĩa hôn nhân giữa nam và nữ, thì luật dân sự của Đài Loan vẫn giữ nguyên định nghĩa hôn nhân; thay vào đó Viện Lập pháp (tức Quốc hội) Đài Loan thông qua một đạo luật đặc biệt về hôn nhân đồng giới, gọi là “Đạo luật thực thi Diễn giải số 748 của Viện Tư pháp” (Enforcement Act of Judicial Yuan Interpretation No. 748). Bên cạnh đó, mãi cho tới năm 2023, tức gần 4 năm sau khi hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới năm 2019, Đài Loan mới chính thức công nhận việc kết hôn xuyên quốc gia (trừ Trung Quốc) mà không còn yêu cầu một người trong cặp đôi LGBT phải đến từ quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới.
Thái Lan từ lâu được biết đến là một quốc gia tự do và là một “thiên đường” đối với những thành viên LGBT trong khu vực. Cộng đồng LGBT của Thái Lan là một cộng đồng lớn mạnh, và sự hiện diện của họ đã trở thành một phần không thể thiếu trong xã hội nước này. Yếu tố LGBT xuất hiện hầu hết trong các phương diện của xã hội, đặc biệt là ở các đô thị, như phim ảnh, văn hóa, du lịch,... Thái Lan cũng là một trong chín quốc gia ở châu Á ký vào nghị quyết đầu tiên công nhận quyền LGBT của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào năm 2011.
Xã hội Thái Lan cũng dần ủng hộ và chấp nhận cộng đồng LGBT, khi 60% người dân nước này, theo khảo sát gần đây của Pew Research Center, ủng hộ hôn nhân đồng giới. Bên cạnh đó, ngành du lịch LGBT (LGBT Tourism) đem lại cho Thái Lan động lực tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là khi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của nước này. Năm 2019, doanh thu du lịch LGBT quốc tế của Thái Lan đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 1,23% GDP, theo công ty tư vấn doanh nghiệp LGBT Capital.
Dù chính phủ có tâm thế khá cởi mở nhưng Bangkok lại tỏ ra khá chậm chạp trong việc thúc đẩy những tiến bộ về xã hội và luật pháp nhằm mang lại quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT, đặc biệt là trong giai đoạn cầm quyền của quân đội Thái Lan, đứng đầu là Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, từ năm 2014 đến năm 2023.
Mặc dù chính phủ của ông Prayut Chan-o-cha từng thúc đẩy một dự luật về quyền kết hôn của các cặp đôi cùng giới và những quyền phát sinh đi kèm, được biết tới là Dự luật Đối tác Dân sự (Civil Partnership Bill)—công nhận các cặp đôi LGBT là quan hệ đối tác dân sự thay vì quan hệ hôn nhân như các cặp đôi dị tính, nhưng cuối cùng dự luật này đã không được Quốc hội Thái Lan thông qua trước khi ông Prayut giải tán cơ quan lập pháp này vào tháng 3/2023.
Thậm chí, trước đó, vào năm 2020, Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết rằng mục 1448 của Bộ luật Dân sự và Thương mại quy định rằng hôn nhân chỉ diễn ra giữa một người đàn ông và một người phụ nữ là phù hợp với Hiến pháp, qua đó phủ nhận mối quan hệ giữa những cặp đôi cùng giới. Sự phân biệt đối xử, kỳ thị vẫn còn xảy ra trong xã hội tương đối bảo thủ của Thái Lan.
Do đó, việc Thượng viện Thái Lan thông qua dự luật hôn nhân đồng giới (trước đó Hạ viện thông qua vào tháng 3/2024) không chỉ mang lại chiến thắng mang tính bước ngoặt cho cộng đồng LGBT ở nước này, mà còn đưa Bangkok trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và là quốc gia thứ ba ở châu Á, sau Đài Loan năm 2019 và Nepal năm 2023, đạt được thành tựu có ý nghĩa này. Để đạt được kết quả này, các nhà hoạt động vì quyền LGBT đã trải qua nhiều năm đấu tranh không ngừng nghỉ trong một bối cảnh chính trị nội bộ đầy bất ổn, đặc trưng bởi các cuộc đảo chính do quân đội tiến hành.
Sự quay trở lại của nền dân chủ (dù vẫn rất mong manh), thể hiện qua vai trò ngày càng gia tăng của các đảng tiến bộ, đã góp phần thúc đẩy việc “luật hóa” hôn nhân đồng giới. Sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5/2023, sự thay đổi cục diện chính trị tại Thái Lan đã mở ra niềm hy vọng đối với cộng đồng LGBT của nước này. Sau gần một thập niên, cuộc bầu cử dân chủ tương đối công bằng và tự do đã diễn ra ở Thái Lan, tạo cơ hội cho các đảng với tư tưởng cấp tiến tham gia vào việc hoạch định, thúc đẩy các chương trình, chính sách nhằm xây dựng một xã hội đa dạng, công bằng và hơn hết, bảo vệ tốt hơn đối với cộng đồng yếu thế, bao gồm cả cộng đồng LGBT. Sự tham gia ngày càng nhiều của lực lượng tiến bộ và dân tuý vào đời sống chính trị Thái Lan đóng vai trò hạt nhân trong nỗ lực đảm bảo quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT.
Kết quả cuộc bầu cử năm 2023 còn cho thấy sự thắng thế của các đảng ủng hộ nền dân chủ Thái Lan, gồm Đảng Tiến bước (Move Forward Party - MFP) và Đảng Vì nước Thái (Pheu Thai). Cả hai đảng đều đưa ra các cam kết về quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT trong quá trình vận động tranh cử. Tuy nhiên, với một nền chính trị mà quân đội còn ảnh hưởng khá sâu rộng, MFP, dù giành được nhiều phiếu nhất sau cuộc bầu cử tháng 5/2023 nhưng đã không thể hình thành liên minh với Pheu Thai (đảng đứng thứ hai) để điều hành chính phủ và buộc phải trở thành đảng đối lập tại Quốc hội. Pheu Thai trở thành đảng cầm quyền sau khi liên minh với các đảng nhỏ khác (bao gồm đảng thân quân đội).
Ban đầu, chính phủ của ông Srettha Thavisin bị chỉ trích vì không hành động để thúc đẩy quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT như lời hứa lúc tranh cử. Dù vậy, sau cùng, với áp lực từ các tổ chức dân sự ủng hộ quyền LGBT, chính phủ Thái Lan đã nhanh chóng thúc đẩy dự luật về hôn nhân đồng giới và giờ đây, các thành viên trong cộng đồng LGBT đang sắp sửa đón nhận các quyền cơ bản mà họ đã phải đấu tranh trong hơn một thập niên qua mới có được. Dự luật Hôn nhân Bình đẳng là dự luật hợp nhất giữa bốn dự luật liên quan đến hôn nhân đồng giới do MFP, chính phủ Pheu Thai, đảng Dân chủ (Democratic Party) và nhóm dân sự Thái Lan đệ trình.
Mặc dù nền dân chủ không phải lúc nào cũng đảm bảo sự bảo vệ tốt hơn cho cộng đồng LGBT, nhưng nó tạo ra một không gian tự do để các nhóm dân sự thể hiện quan điểm, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên LGBT được là chính mình. Hay nói cách khác, dân chủ là phương tiện để thúc đẩy quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT, nếu so với các quốc gia độc tài hay toàn trị.
Khát vọng về nền dân chủ của người dân Thái Lan đã nhận được sự chú ý lớn vào năm 2020 khi các cuộc biểu tình do giới trẻ lãnh đạo bùng nổ nhằm phản đối chính phủ do quân đội hậu thuẫn của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha và kêu gọi cải cách nền quân chủ nước này, đồng thời đưa ra các yêu cầu cải cách dân chủ, bao gồm quyền bình đẳng cho cộng đồng LGBT. Sự hiện hiện của các thành viên LGBT trong các cuộc biểu tình khi đó nhấn mạnh mối liên hệ giữa dân chủ và nhân quyền, cụ thể hơn là quyền cho người LGBT.
Sự tham gia của cộng đồng LGBT trong các cuộc biểu tình dân chủ năm 2020 - 2021 cũng được coi là “phát súng khởi đầu” cho quá trình đấu tranh quyết liệt hơn về bình đẳng hôn nhân tại Thái Lan, dẫn tới sự ra đời của dự luật Dự luật Hôn nhân Bình đẳng do nghị sĩ MFP soạn thảo, với nội dung tương đương với dự luật mới được thông qua hôm 18/6.
Tiến bộ nhưng chưa được đón nhận rộng rãi
Bước tiến của Thái Lan liên quan đến các chính sách về quyền LGBT được coi là một sự tiến bộ vượt bậc khi xét đến bối cảnh xã hội châu Á với quan điểm truyền thống bảo thủ, đề cao vai trò hôn nhân giữa nam và nữ, và coi trọng việc sinh sản để nối dõi.
Tại một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, phong trào đòi quyền LGBT diễn ra rất nhỏ lẻ, không có nhiều tiến bộ và thậm chí còn chịu áp lực và sự đàn áp từ chính quyền. Thậm chí, một số quốc gia trong khu vực còn ban hành nhiều luật và quy định mới nhắm vào cộng đồng LGBT khiến cho cuộc sống của họ ngày càng khó khăn hơn, phải đối mặt với sự kỳ thị, bạo lực gia tăng và cả án tù giam.
Ở các quốc gia Hồi giáo như Indonesia, Malaysia và Brunei, việc tự do thể hiện xu hướng tính dục và bản dạng giới, cũng như quan hệ đồng giới bị coi là bất hợp pháp, thậm chí là bị bỏ tù. Năm 2019, Brunei ban hành đạo luật gây tranh cãi về việc tử hình bằng cách ném đá đến chết đối với những người có hành vi quan hệ tình dục cùng giới. Tại Myanmar, quan hệ tình dục cùng giới cũng bị cấm và có thể đối mặt với hình phạt tù lên tới 10 năm. Cộng đồng LGBT ở đây càng gặp khó khăn hơn sau khi phe quân đội đảo chính và lên nắm quyền vào năm 2021.
Kết hôn đồng giới vẫn bị cấm ở Singapore dù nước này đã bãi bỏ luật hình sự hóa hành vi quan hệ tình dục giữa nam - nam—bước tiến được xem là một chiến thắng nhỏ đối với cộng đồng LGBT ở đất nước bảo thủ như Singapore. Khả năng Singpapore công nhận hôn nhân đồng giới là rất thấp khi tân Thủ tướng Lawrence Wong đã công khai phản đối hôn nhân đồng giới và tuyên bố chính phủ sẽ không thay đổi định nghĩa của hôn nhân giữa nam và nữ.
Trái với các quốc gia kể trên, Philippines lại khá thân thiện và cởi mở đối với cộng đồng LGBT. Philippines—quốc gia Thiên Chúa giáo duy nhất tại Đông Nam Á—đã chứng kiến sự gia tăng về tỷ lệ ủng hộ của công chúng đối với cộng đồng LGBT. Có đến 79% người tham gia cuộc khảo sát của tổ chức Social Weather Stations, công bố vào tháng 6/2023, nói rằng “những người đồng tính nam hoặc đồng tính nữ cũng đáng tin cậy như bất kỳ người Philippines nào khác”, và 73% người được hỏi cho rằng “những người đồng tính nam hoặc đồng tính nữ đóng góp rất nhiều cho sự tiến bộ của xã hội”.
Tuy nhiên, Philippines vẫn chưa công nhận hôn nhân đồng giới và chưa có luật về chống phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục, bản dạng giới và đặc điểm giới tính dù điều này đã được thảo luận trong hơn 20 năm qua. Yếu tố tôn giáo được cho là nguyên nhân chính cản trở các tiến bộ của phong trào LGBT ở nước này.
Câu chuyện ở Việt Nam
Đối với Việt Nam, cộng đồng LGBT trong nước không phải đối mặt với những lực lượng tôn giáo phản đối quan hệ đồng giới. Song Việt Nam vẫn chưa công nhận hôn nhân đồng giới dù đã từng trở thành “hiện tượng châu Á” khi là quốc gia đầu tiên của khu vực đưa vấn đề bình đẳng hôn nhân ra thảo luận tại quốc hội vào năm 2014.
Sau sửa đổi về Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014—được ca ngợi là bước tiến lớn đối với phong trào còn non trẻ của cộng đồng LGBT, các cặp đôi đồng tính tại Việt Nam hiện nay đang sống trong hoàn cảnh “mơ hồ về mặt pháp lý”, tức được phép tổ chức đám cưới và chung sống như các cặp đôi dị tính nhưng lại không được pháp luật công nhận và bảo vệ. Cộng đồng LGBT cũng chịu nhiều kỳ thị và định kiến từ gia đình, trường học, nơi làm việc và những nơi công cộng.
Dù vậy, có nhiều nhân tố cho thấy triển vọng về khả năng Việt Nam hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới trong tương lai gần, nhất là có thể được thúc đẩy bởi trường hợp của Thái Lan—quốc gia được coi là có trình độ phát triển kinh tế - xã hội tương đương với Việt Nam. Cụ thể, cộng đồng LGBT ở Việt Nam tương đối lớn mạnh với mức độ hiện diện ngày càng sâu rộng ở mọi mặt của đời sống xã hội. Trong khi đó, sự ủng hộ dành cho các thành viên LGBT cũng tăng lên đáng kể với khoảng 65% người ủng hộ các cặp đôi đồng giới được phép đăng ký kết hôn.
Ngoài ra, chính phủ Việt Nam tương đối cởi mở đối với các vấn đề liên quan đến cộng đồng LGBT, bằng chứng là việc ban hành một số quy định nhằm bảo vệ cộng đồng này khỏi việc bị kỳ thị hay bị phân biệt đối xử. Vấn đề xã hội này cũng không được coi là “mối đe dọa” đối với sự sống còn của chế độ; và về chính trị, những chính sách bảo vệ tốt hơn cho cộng đồng LGBT sẽ giúp nâng cao hình ảnh của Việt Nam (nhất là về vấn đề nhân quyền) trong mắt cộng đồng quốc tế.
Tóm lại, việc Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á công nhận hôn nhân đồng giới cho thấy vị thế dẫn đầu của nước này về quyền LGBT trong một khu vực tương đối bảo thủ về vấn đề này. Mặc dù bước tiến lớn của Thái Lan về bình đẳng hôn nhân sẽ không ngay lập tức tạo ra hiệu ứng domino (domino effect) trong khu vực, nhưng điều này sẽ giống như “cầu vồng sau cơn mưa”, tiếp thêm động lực cho phong trào LGBT tại các quốc gia Đông Nam Á.
Về lâu dài, những lợi ích và kinh nghiệm từ việc Thái Lan hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới sẽ là những bài học đối với các quốc gia đang có triển vọng tươi sáng về vấn đề này, bao gồm cả Việt Nam.