Tôi đọc “Người đọc”
Làm sao hàn gắn một lịch sử đã rạn nứt?


Nếu có một cuốn sách khiến ta day dứt, tự vấn, và mắc kẹt giữa quá khứ và hiện tại, thì đó là Người đọc (The Reader) của Bernhard Schlink.
Người đọc là ai?
Người đọc là Michael Berg – chàng trai mang đến cho cô soát vé tàu điện Hanna Schmitz niềm hân hoan, nỗi khắc khoải, cùng sự kỳ vọng vào hơi ấm của văn chương và tình người – điều là bất khả trước khi cô gặp cậu trai kém mình 21 tuổi.
Người đọc là những tù nhân Do Thái trong trại tập trung Auschwitz, những người đọc sách cho Hanna – khi ấy là một quản tù.
Người đọc là chính Hanna – một quản giáo năm nào, nay là tù nhân – khi cô lần mò học đọc, học viết, và học cách thích nghi với đời sống mới.
Người đọc là tác giả – một luật gia và cũng là nhà văn – khi ông đối diện với chính mình và với lịch sử dân tộc Đức.
Người đọc cũng có thể là bất kỳ ai trong chúng ta, đang “đọc” chính mình trong cuốn sách mang tên lịch sử – và số phận – của một dân tộc.
Lịch sử không phán xét, không cứu chuộc. Lịch sử là tấm gương để người ta soi mình giữa hỗn mang hoài niệm và khắc khoải. Thế giới ấy có thể dịu ngọt, cũng có thể xót xa – hoặc là cả hai, đan quyện, không rạch ròi.
Ấy là khi Michael – chàng sinh viên luật – tham dự một phiên tòa pháp lý (hay cũng là phiên tòa lương tâm?). Trước vành móng ngựa là Hanna, bị buộc tội tiếp tay cho phát xít Đức sát hại tù nhân Do Thái, khi cô làm quản giáo cho nhà tù Đức Quốc Xã. Hỡi ôi, chỉ Michael biết rằng Hanna không biết chữ, vậy thì, làm sao cô có thể viết hay ký tên vào bản báo cáo. Quá khứ, từng dịu dàng và da diết với nghi lễ hiến dâng: “tắm – đọc sách – làm tình”, giờ đây trĩu nặng bối rối, nghi ngờ, giận dữ và tổn thương. Michael im lặng, Hanna nhận tội. Bản án dành cho cô, hay bản án dành cho lòng tự trọng – khi cô chọn cách che giấu việc mình mù chữ?
Hanna và Michael, mỗi người thuộc về một thế hệ – một trước, một sau chiến tranh. Họ ở vào hai chiều kích thời gian nhưng cùng trong một không gian lịch sử. Và khi ấy, lịch sử vừa là cầu nối, vừa là hố thẳm, hố thẳm của im lặng!
Liệu người ta có quyền phán xét ai đó khi chưa từng sống đời của họ – trong những hoàn cảnh, lựa chọn, và giới hạn rất cụ thể? Khi người ta sống trong một xã hội nơi hệ thống quyết định vận mệnh của cá nhân hơn là chính bản thân người ấy, thì họ đáng thương hay đáng trách?
Như nhà thơ Nga Yevgeny Yevtushenko từng cảm thán: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời – Mỗi số phận chứa một phần lịch sử” và “Chúng ta tưởng biết kỹ càng, sâu sắc – Nhưng thử hỏi thực tình, ta đã biết gì đâu?”
– “Ở địa vị tôi, ông sẽ làm gì?”, Hanna gai góc nhưng yếu đuối hỏi ngược vị thẩm phán. Câu hỏi vang lên như bất lực, mà cũng bất cần.
Nếu là Hanna – bạn sẽ làm gì?
Michael không vô lý cũng chẳng xấu xa khi phán xét Hanna (dù anh đấu tranh để không phải làm vậy), nhưng liệu Michael có hiểu hết về người phụ nữ và tội ác mà anh không ngừng vật lộn để thấu hiểu – giữa buộc tội và cảm thông. Tình thế lưỡng nan ấy kéo dài từ khoảnh khắc họ tái ngộ nơi pháp đình, đến tận cùng nỗi day dứt từ đó về sau? Tội ác ta phạm phải vì ngây thơ có phải là tội ác? Hay tội ác ấy phải kèm theo một bổ sung nào đó để làm rõ bản chất hay tính chất của nó?
Con người, rốt cuộc, chỉ có thể biết nhiều hay ít, chứ khó mà biết cho đủ – như lời bài hát “Uyên ương hồ điệp mộng” (phim Bao Thanh Thiên, Đài Loan, 1993). Và như tranh luận giữa Trang Tử và Huệ Tử về nỗi vui của con cá – cái vui ấy, có ai ngoài cá thật sự biết được?
Và chính thế, tâm hồn là nơi chiến tranh để lại những vết thương âm ỉ nhất. Chiến tranh không chỉ tàn phá bằng bom đạn mà còn bằng tự vấn. Tự vấn khiến ta trở nên người hơn, nhưng tự vấn cũng bào mòn sinh lực khi con người bị đặt trước những nghịch lý tưởng chừng không lối thoát. Để vượt qua vách núi cheo leo của lịch sử, người ta phải học cách vừa phán xét vừa cảm thông – và học cách để hòa hợp lý trí và tình cảm. Phải “học” bởi khả năng này chẳng do thiên bẩm cũng chẳng bởi tự nhiên.
Thử thách này khiến tôi nhớ đến cuốn “Steppenwolf” (Chơn Hạnh và Phùng Thăng dịch là “Sói đồng hoang”, Lê Chu Cầu dịch là “Sói thảo nguyên”) của Hermann Hesse. Trong hý viện cuộc đời, Harry Haller phải sống giữa ngàn cái tôi và chấp nhận chúng như những cấu phần hữu cơ của một tâm hồn vẹn tròn nhất. Khi ấy, kẻ nào muốn nhìn sâu vào tâm hồn mình, kẻ ấy phải đối diện với địa ngục của hỗn mang cung cách trưởng giả, những cơn lên đồng tập thể, nỗi giằng xé và thống khổ. Muốn vượt thắng, có cách nào tốt hơn là đối diện với chính mình và tha nhân?
Muốn “khép lại quá khứ” để “hướng tới tương lai” thì ta không chỉ cần lý trí, mà cần cả dũng cảm – thứ dũng cảm cao quý của một dân tộc dám đối diện với lịch sử. Dũng cảm để thừa nhận và trân trọng quá khứ, nhưng không để quá khứ cản bước tiến bộ. Muốn vậy, quá khứ ấy phải trọn vẹn nhất có thể, đừng là quá khứ bị bóp méo, tô hồng, hay bôi đen. Quá khứ ấy sòng phẳng, đúng, nhưng cần khoan dung. Nơi vắng bóng cảm thông và tha thứ là nơi nhân loại gánh chịu khổ nạn.
Người đọc nhắc ta rằng: lịch sử đứt gãy của nước Đức cũng là hình ảnh phản chiếu của những lịch sử khác – trong đó có Việt Nam. Thống nhất không phải là kết thúc. Sau thống nhất, bên cạnh lòng tự hào và niềm hân hoan, vẫn còn những vết sẹo, những ký ức – và những đối thoại chưa thành lời.
Thế hệ trẻ – những người trưởng thành sau chiến tranh và chỉ thấy vinh quang, khói súng, máu và nước mắt trong những bài hát, trang sách, lời kể và kỷ vật – sẽ ứng xử ra sao với quá khứ, với thế hệ đi trước và với người thân? Họ sẽ đau đáu hay thờ ơ khi soi mình trong tấm gương lịch sử? Họ có dám hỏi: ta là ai, trong những đứt gãy và tiếp nối của dòng thời gian?
Ta không phủ nhận hay lảnh tránh quá khứ. Ta không che giấu tội ác chiến tranh, sự chia rẽ, nỗi bi thương hay lỗi lầm, nhưng ta cũng không nên dùng lịch sử cứng nhắc và lạnh lẽo như lưỡi hái tử thần để tước đi mạng sống hay tương lai của ai đó chỉ vì lòng ích kỷ hay sự giả trá nhân danh công lý. Công lý – có thực sự công bằng chăng, nếu nó không mang theo lòng nhân?
Kết tội thì dễ. Tha thứ mới là dũng cảm. Tha thứ không phải là lãng quên. Tha thứ là một cuộc trở về, để hiểu, để đối diện, để làm hòa – với bản thân và đồng loại. Khi ấy, người ta cần trò chuyện, với người biết kể chuyện và người biết lắng nghe. Ta cần những cuộc đối thoại thật sự, dù chúng dường như quá xa xỉ giữa những bộn bề và toan tính lợi quyền. Nhưng chả lẽ ta làm điều gì chỉ là để đạt được nó cho bằng được? Cuộc đời sẽ tẻ nhạt biết bao nếu ta không thấy ý nghĩa trong mỗi suy nghĩ, mỗi hành động. Cuộc đời sẽ là sa mạc khi người ta loay hoay với nỗi sợ cái chết thay vì chọn sống cuộc đời trọn vẹn nhất.
Người đọc không thúc giục, không tuyên ngôn. Nó thì thầm. Nó gợi mở. Nó mời gọi ta nhìn lại quá khứ và hiện tại – để biết mình là ai, đã đi qua những gì, và có thể đi về đâu. Sau rốt, lịch sử dẫu ngọt ngào hay cay đắng, nó vẫn là máu thịt, là thân xác, là ý nghĩa. Và vì thế lịch sử xứng đáng được gìn giữ và ca tụng.
Bạn có hài lòng về bài viết? Đóng góp cho VSF tại đây. Mọi đóng góp tài chính từ quý độc giả đều là nguồn động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục xuất bản những nội dung chất lượng cho cộng đồng.

Nếu có một cuốn sách khiến ta day dứt, tự vấn, và mắc kẹt giữa quá khứ và hiện tại, thì đó là Người đọc (The Reader) của Bernhard Schlink.
Người đọc là ai?
Người đọc là Michael Berg – chàng trai mang đến cho cô soát vé tàu điện Hanna Schmitz niềm hân hoan, nỗi khắc khoải, cùng sự kỳ vọng vào hơi ấm của văn chương và tình người – điều là bất khả trước khi cô gặp cậu trai kém mình 21 tuổi.
Người đọc là những tù nhân Do Thái trong trại tập trung Auschwitz, những người đọc sách cho Hanna – khi ấy là một quản tù.
Người đọc là chính Hanna – một quản giáo năm nào, nay là tù nhân – khi cô lần mò học đọc, học viết, và học cách thích nghi với đời sống mới.
Người đọc là tác giả – một luật gia và cũng là nhà văn – khi ông đối diện với chính mình và với lịch sử dân tộc Đức.
Người đọc cũng có thể là bất kỳ ai trong chúng ta, đang “đọc” chính mình trong cuốn sách mang tên lịch sử – và số phận – của một dân tộc.
Lịch sử không phán xét, không cứu chuộc. Lịch sử là tấm gương để người ta soi mình giữa hỗn mang hoài niệm và khắc khoải. Thế giới ấy có thể dịu ngọt, cũng có thể xót xa – hoặc là cả hai, đan quyện, không rạch ròi.
Ấy là khi Michael – chàng sinh viên luật – tham dự một phiên tòa pháp lý (hay cũng là phiên tòa lương tâm?). Trước vành móng ngựa là Hanna, bị buộc tội tiếp tay cho phát xít Đức sát hại tù nhân Do Thái, khi cô làm quản giáo cho nhà tù Đức Quốc Xã. Hỡi ôi, chỉ Michael biết rằng Hanna không biết chữ, vậy thì, làm sao cô có thể viết hay ký tên vào bản báo cáo. Quá khứ, từng dịu dàng và da diết với nghi lễ hiến dâng: “tắm – đọc sách – làm tình”, giờ đây trĩu nặng bối rối, nghi ngờ, giận dữ và tổn thương. Michael im lặng, Hanna nhận tội. Bản án dành cho cô, hay bản án dành cho lòng tự trọng – khi cô chọn cách che giấu việc mình mù chữ?
Hanna và Michael, mỗi người thuộc về một thế hệ – một trước, một sau chiến tranh. Họ ở vào hai chiều kích thời gian nhưng cùng trong một không gian lịch sử. Và khi ấy, lịch sử vừa là cầu nối, vừa là hố thẳm, hố thẳm của im lặng!
Liệu người ta có quyền phán xét ai đó khi chưa từng sống đời của họ – trong những hoàn cảnh, lựa chọn, và giới hạn rất cụ thể? Khi người ta sống trong một xã hội nơi hệ thống quyết định vận mệnh của cá nhân hơn là chính bản thân người ấy, thì họ đáng thương hay đáng trách?
Như nhà thơ Nga Yevgeny Yevtushenko từng cảm thán: “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời – Mỗi số phận chứa một phần lịch sử” và “Chúng ta tưởng biết kỹ càng, sâu sắc – Nhưng thử hỏi thực tình, ta đã biết gì đâu?”
– “Ở địa vị tôi, ông sẽ làm gì?”, Hanna gai góc nhưng yếu đuối hỏi ngược vị thẩm phán. Câu hỏi vang lên như bất lực, mà cũng bất cần.
Nếu là Hanna – bạn sẽ làm gì?
Michael không vô lý cũng chẳng xấu xa khi phán xét Hanna (dù anh đấu tranh để không phải làm vậy), nhưng liệu Michael có hiểu hết về người phụ nữ và tội ác mà anh không ngừng vật lộn để thấu hiểu – giữa buộc tội và cảm thông. Tình thế lưỡng nan ấy kéo dài từ khoảnh khắc họ tái ngộ nơi pháp đình, đến tận cùng nỗi day dứt từ đó về sau? Tội ác ta phạm phải vì ngây thơ có phải là tội ác? Hay tội ác ấy phải kèm theo một bổ sung nào đó để làm rõ bản chất hay tính chất của nó?
Con người, rốt cuộc, chỉ có thể biết nhiều hay ít, chứ khó mà biết cho đủ – như lời bài hát “Uyên ương hồ điệp mộng” (phim Bao Thanh Thiên, Đài Loan, 1993). Và như tranh luận giữa Trang Tử và Huệ Tử về nỗi vui của con cá – cái vui ấy, có ai ngoài cá thật sự biết được?
Và chính thế, tâm hồn là nơi chiến tranh để lại những vết thương âm ỉ nhất. Chiến tranh không chỉ tàn phá bằng bom đạn mà còn bằng tự vấn. Tự vấn khiến ta trở nên người hơn, nhưng tự vấn cũng bào mòn sinh lực khi con người bị đặt trước những nghịch lý tưởng chừng không lối thoát. Để vượt qua vách núi cheo leo của lịch sử, người ta phải học cách vừa phán xét vừa cảm thông – và học cách để hòa hợp lý trí và tình cảm. Phải “học” bởi khả năng này chẳng do thiên bẩm cũng chẳng bởi tự nhiên.
Thử thách này khiến tôi nhớ đến cuốn “Steppenwolf” (Chơn Hạnh và Phùng Thăng dịch là “Sói đồng hoang”, Lê Chu Cầu dịch là “Sói thảo nguyên”) của Hermann Hesse. Trong hý viện cuộc đời, Harry Haller phải sống giữa ngàn cái tôi và chấp nhận chúng như những cấu phần hữu cơ của một tâm hồn vẹn tròn nhất. Khi ấy, kẻ nào muốn nhìn sâu vào tâm hồn mình, kẻ ấy phải đối diện với địa ngục của hỗn mang cung cách trưởng giả, những cơn lên đồng tập thể, nỗi giằng xé và thống khổ. Muốn vượt thắng, có cách nào tốt hơn là đối diện với chính mình và tha nhân?
Muốn “khép lại quá khứ” để “hướng tới tương lai” thì ta không chỉ cần lý trí, mà cần cả dũng cảm – thứ dũng cảm cao quý của một dân tộc dám đối diện với lịch sử. Dũng cảm để thừa nhận và trân trọng quá khứ, nhưng không để quá khứ cản bước tiến bộ. Muốn vậy, quá khứ ấy phải trọn vẹn nhất có thể, đừng là quá khứ bị bóp méo, tô hồng, hay bôi đen. Quá khứ ấy sòng phẳng, đúng, nhưng cần khoan dung. Nơi vắng bóng cảm thông và tha thứ là nơi nhân loại gánh chịu khổ nạn.
Người đọc nhắc ta rằng: lịch sử đứt gãy của nước Đức cũng là hình ảnh phản chiếu của những lịch sử khác – trong đó có Việt Nam. Thống nhất không phải là kết thúc. Sau thống nhất, bên cạnh lòng tự hào và niềm hân hoan, vẫn còn những vết sẹo, những ký ức – và những đối thoại chưa thành lời.
Thế hệ trẻ – những người trưởng thành sau chiến tranh và chỉ thấy vinh quang, khói súng, máu và nước mắt trong những bài hát, trang sách, lời kể và kỷ vật – sẽ ứng xử ra sao với quá khứ, với thế hệ đi trước và với người thân? Họ sẽ đau đáu hay thờ ơ khi soi mình trong tấm gương lịch sử? Họ có dám hỏi: ta là ai, trong những đứt gãy và tiếp nối của dòng thời gian?
Ta không phủ nhận hay lảnh tránh quá khứ. Ta không che giấu tội ác chiến tranh, sự chia rẽ, nỗi bi thương hay lỗi lầm, nhưng ta cũng không nên dùng lịch sử cứng nhắc và lạnh lẽo như lưỡi hái tử thần để tước đi mạng sống hay tương lai của ai đó chỉ vì lòng ích kỷ hay sự giả trá nhân danh công lý. Công lý – có thực sự công bằng chăng, nếu nó không mang theo lòng nhân?
Kết tội thì dễ. Tha thứ mới là dũng cảm. Tha thứ không phải là lãng quên. Tha thứ là một cuộc trở về, để hiểu, để đối diện, để làm hòa – với bản thân và đồng loại. Khi ấy, người ta cần trò chuyện, với người biết kể chuyện và người biết lắng nghe. Ta cần những cuộc đối thoại thật sự, dù chúng dường như quá xa xỉ giữa những bộn bề và toan tính lợi quyền. Nhưng chả lẽ ta làm điều gì chỉ là để đạt được nó cho bằng được? Cuộc đời sẽ tẻ nhạt biết bao nếu ta không thấy ý nghĩa trong mỗi suy nghĩ, mỗi hành động. Cuộc đời sẽ là sa mạc khi người ta loay hoay với nỗi sợ cái chết thay vì chọn sống cuộc đời trọn vẹn nhất.
Người đọc không thúc giục, không tuyên ngôn. Nó thì thầm. Nó gợi mở. Nó mời gọi ta nhìn lại quá khứ và hiện tại – để biết mình là ai, đã đi qua những gì, và có thể đi về đâu. Sau rốt, lịch sử dẫu ngọt ngào hay cay đắng, nó vẫn là máu thịt, là thân xác, là ý nghĩa. Và vì thế lịch sử xứng đáng được gìn giữ và ca tụng.
Bạn có hài lòng về bài viết? Đóng góp cho VSF tại đây. Mọi đóng góp tài chính từ quý độc giả đều là nguồn động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục xuất bản những nội dung chất lượng cho cộng đồng.
Từ khoá: Người đọc Đức Quốc xã chiến tranh lịch sử Đức điểm sách