Tương lai bấp bênh của Đài Loan trong cạnh tranh Mỹ - Trung 2.0

Sự trở lại của Trump khiến cam kết bảo vệ Đài Loan của Mỹ thêm mơ hồ. Trước áp lực từ Bắc Kinh, Đài Bắc không còn lựa chọn nào tốt hơn ngoài “tự lực, tự cường”.

Phan Nhật Bình 05/03/2025
Image
Vấn đề Đài Loan vẫn đang là con bài mặc cả quan trọng trong đàm phán Mỹ - Trung, và hiển nhiên, không nằm ngoài bối cảnh cạnh tranh giữa hai cường quốc. (C): The Atlantic

Trump yêu sách với Đài Loan

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Trump (2017–2021), quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan đã được củng cố, thể hiện qua việc Washington gia tăng bán vũ khí cho Đài Bắc. Tháng 6/2017, chính quyền Trump đã phê duyệt gói vũ khí trị giá 1,4 tỷ USD cho hòn đảo dân chủ ở châu Á. Sau đó, vào tháng 10/2018, Mỹ chấp thuận một gói vũ khí khác trị giá 330 triệu USD để hỗ trợ Đài Loan. Trong bốn năm đầu tiên của Trump, chính phủ Mỹ đã cho phép 11 thỏa thuận vũ khí với Đài Loan, với tổng trị giá 21 tỷ USD.

Tuy nhiên, sang nhiệm kỳ hai, phong cách “chính trị giao dịch” (transactional politics) của Trump gây lo ngại về việc liệu chính quyền của ông có sẵn sàng viện trợ quân sự cho Đài Loan hay không. Bởi, Trump đã phản đối việc thông qua gói viện trợ quân sự cho Ukraine, Israel và Đài Loan (được Quốc hội Mỹ đưa ra vào đầu năm 2024). Ông cũng đã công khai cáo buộc Đài Loan lấy “100% hoạt động kinh doanh chip của chúng tôi” và hòn đảo này nên tự chi trả cho hoạt động quốc phòng của mình.

Trong chiến dịch tranh cử, Trump thẳng thừng chỉ trích Đài Loan không đủ nỗ lực để tự vệ trước khả năng xâm lược của Trung Quốc. Ông gợi ý rằng Đài Loan nên trả tiền cho Mỹ để được bảo vệ khỏi Bắc Kinh, đồng thời cho rằng Đài Loan nên tăng ngân sách quốc phòng lên 10% thu nhập quốc gia (mức hiện tại là 2,45%), tương đương 3,38% của Mỹ.

Trước những tuyên bố thách thức của Trump, một số học giả cho rằng Đài Loan nên tăng ngân sách quốc phòng để thuyết phục Trump rằng Đài Loan sẵn sàng đóng góp tài chính cho sự hỗ trợ của Washington, đồng thời thúc đẩy các mục tiêu hiện đại hóa quân sự.

Tuy nhiên, theo Yen Chen-shen, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc lập Chính trị (National Chengchi University), việc Đài Loan tăng chi tiêu quốc phòng không đồng nghĩa với việc hòn đảo sẽ nhận được sự bảo vệ nhiều hơn từ chính quyền Trump 2.0. Theo giáo sư Yen Chen-shen, các tuyên bố của Trump có thể chỉ là “lời đe dọa” và “nếu chúng tôi đáp ứng [sự thúc giục của Trump về việc tăng chi tiêu], điều đó không đảm bảo ông ấy sẽ giúp chúng tôi... Nếu chúng tôi không làm như vậy, điều đó có thể sẽ cho ông ấy một cái cớ thuận tiện để tránh can thiệp trong trường hợp xảy ra xung đột qua eo biển Đài Loan”.

Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung 2.0

Sau khi Trump nhậm chức, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang. Trump đã tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế cố định 60% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, thuế quan bổ sung 10% (vừa được tăng gấp đôi lên 20% hôm 4/3) để giảm dòng chảy ma túy và nhập cư, và sẽ tăng thuế quan thêm nữa nếu Trung Quốc giúp nhóm các nền kinh tế đang phát triển BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) phát triển đồng tiền chung. Có thể thấy, căng thẳng Mỹ - Trung gần đây tập trung vào vấn đề kinh tế.

Trong khi đó, vấn đề an ninh, mà nổi bật là vai trò của Đài Loan trong mối quan hệ giữa hai siêu cường, vẫn còn là một câu hỏi lớn. Trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ba ngày trước lễ nhậm chức của ông Trump (20/1), trong khi ông Tập, vẫn như thường lệ, nhấn mạnh rằng “vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và hy vọng phía Mỹ sẽ xử lý vấn đề này một cách thận trọng”, thì người đứng đầu Nhà Trắng không những không đề cập đến Đài Loan mà còn từ chối mọi câu hỏi liên quan từ phía báo chí.

Những tưởng sự im lặng của Trump ngụ ý rằng vấn đề Đài Loan không còn là câu chuyện đáng bàn trong chương trình nghị sự của chính phủ mới, thì không lâu sau ngày Trump nhậm chức, từ khoá “Đài Loan” bắt đầu nóng lên. Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba hôm 7/2 tại Nhà Trắng, Mỹ và Nhật Bản đã đưa ra một tuyên bố chung tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, đồng thời ủng hộ sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, đáng chú ý là “chính sách Một Trung Quốc” (One China Policy) hoàn toàn không được đề cập trong tuyên bố chung này. Động thái này cộng với sự im lặng trước đó của Trump trong cuộc điện đàm với lãnh đạo Trung Quốc có thể là dấu hiệu cho thấy Trump có ý định tách quan hệ Mỹ - Trung khỏi Đài Loan.

Đến nay, Trump vẫn chưa đưa ra một lời khẳng định cụ thể nào về việc chính quyền của ông sẽ bảo vệ hay ủng hộ Đài Loan độc lập. Tuy nhiên, hai tuần trước, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Mỹ đã gỡ bỏ dòng chữ “chúng tôi không ủng hộ Đài Loan độc lập” (nguyên văn tiếng Anh: “we do not support Taiwan independence”) - quan điểm từ lâu đã được cơ quan này thể hiện công khai trên trang web của mình. Ngoài việc bỏ cụm từ trên, trang web còn đề cập đến sự hợp tác của Đài Loan và Lầu Năm Góc trong những dự án phát triển công nghệ và chất bán dẫn, đồng thời cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ “tư cách thành viên” của Đài Loan trong các tổ chức quốc tế “nếu có”. Sự kiện này được thực hiện trong một ngày sau khi chính quyền Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% và khuyến khích các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư nhiều hơn nữa vào Mỹ. Với phong cách chính trị giao dịch của Trump, động thái trên có thể là một phản ứng ngoại giao nhằm đáp lại tuyên bố thiện chí của chính quyền Đài Loan.

Song, chuỗi hành động “vừa đấm vừa xoa” của Trump lại một lần nữa làm sâu sắc thêm lập trường “mơ hồ chiến lược” (strategic ambiguity) truyền thống của các đời lãnh đạo Mỹ trong vấn đề Đài Loan. Mơ hồ chiến lược có nghĩa là Mỹ không đưa ra lập trường rõ ràng về phạm vi và quy mô của bất kỳ sự hỗ trợ quân sự và ngoại giao nào mà nước này dành cho Đài Loan trong trường hợp hòn đảo bị Trung Quốc tấn công. Hay theo Raymond Kuo, giám đốc Sáng kiến ​​Chính sách Đài Loan (Taiwan Policy Initiative) tại Rand Corporation, “tốt nhất Mỹ nên để cho tất cả các bên đoán” liệu quân đội nước này có can thiệp vào một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan hay không.

Đặt trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung, động thái thay đổi nội dung trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ có thể được ví như một “cú đấm” đối với Trung Quốc. Không ngạc nhiên khi Bắc Kinh ngay lập tức đưa ra phản ứng cáo buộc chính quyền Trump “thụt lùi nghiêm trọng” trong lập trường của họ về Đài Loan, kêu gọi Mỹ “ngay lập tức sửa chữa sai lầm”, hoặc nếu không sẽ có nguy cơ “thiệt hại nghiêm trọng hơn nữa” trong quan hệ Mỹ - Trung. Sau đó, Trump vẫn tiếp tục im lặng khi được phóng viên hỏi về Đài Loan, song lại đưa ra câu trả lời mang ý ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình và đất nước Trung Quốc: “Tôi có mối quan hệ tuyệt vời với Chủ tịch Tập Cận Bình (…) Tôi thấy rất nhiều nơi đặt điều rằng chúng tôi không muốn Trung Quốc ở đất nước này. Điều đó không đúng. Chúng tôi muốn họ đầu tư vào nước Mỹ (…) Chúng tôi sẽ làm mọi thứ với Trung Quốc. Mối quan hệ giữa chúng tôi với Trung Quốc sẽ là một mối quan hệ rất tốt”.

Trở lại với động thái thay đổi nội dung về Đài Loan trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, có thể thấy điều này là khá “tiểu tiết”, và chưa đủ để đưa đến một kết luận là Mỹ chắc chắn sẽ bênh vực Đài Loan. Song động thái ấy có thể là chiến thuật của Trump đối với Trung Quốc: “lấn lướt trước” để làm đòn bẩy mặc cả với đối thủ trên bàn đàm phán thuế quan. Hiện tại, Trump đã công bố kế hoạch về cuộc gặp thượng đỉnh với người đứng đầu nhà nước Trung Quốc nhưng chưa cung cấp thời gian cụ thể.

Nói cách khác, vấn đề Đài Loan vẫn đang là con bài mặc cả quan trọng trong đàm phán Mỹ - Trung, và hiển nhiên, không nằm ngoài bối cảnh cạnh tranh giữa hai cường quốc.

Dễ tổn thương và dễ bị bỏ rơi

Nhiệm kỳ lãnh đạo của Trump không thay đổi được thực tế rằng Đài Loan vẫn đóng vai trò quan trọng chiến lược đối với Mỹ cả về địa chính trị (nằm trên chuỗi đảo thứ nhất bao vây Trung Quốc), lẫn địa kinh tế (là “người chơi chính” trong chuỗi cung ứng bán dẫn khi nắm giữ 68% thị phần ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu). Những yếu tố này làm cho Đài Loan trở thành mấu chốt về an ninh và kinh tế trong nỗ lực của Mỹ nhằm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan về vị trí địa lý của Đài Loan lẫn nguyên nhân chủ quan về lợi ích của Mỹ, việc chính quyền Trump sẵn sàng bảo vệ Đài Loan nếu xảy ra chiến tranh với Trung Quốc là một khả năng khá thấp.

Thứ nhất, không giống như Ukraine - quốc gia có biên giới trên bộ giáp với Ba Lan, thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là đồng minh của Mỹ, Đài Loan là một hòn đảo với bốn bề giáp biển, cách Philippines ít nhất 250 km (tính từ Đảo Luzon và điểm cực nam của Đài Loan) và cách Nhật Bản ít nhất 1.600 km (tính từ điểm cực bắc của Đài Loan đến điểm cực nam của đất liền Nhật Bản). Do đó, sẽ cực kỳ khó khăn khi Mỹ muốn tiếp tế cho hòn đảo trong trường hợp Đài Bắc hứng chịu các đòn tấn công quân sự từ Bắc Kinh. Nếu có xung đột, Mỹ sẽ không thể cung cấp viện trợ quân sự cho Đài Loan một cách nhanh chóng như với Ukraine.

Thứ hai, không thể loại trừ tình huống Mỹ và Trung Quốc âm thầm đổi chác lợi ích kinh tế để Washington chấp nhận can thiệp vào vấn đề Đài Loan ở mức tối thiểu.

Sự quay lưng của Trump với Ukraine gần đây sau khi đạt được triển vọng đàm phán khai thác đất hiếm với Nga là một tiền lệ rõ nét. Quan sát hai tuyến đàm phán song song giữa Mỹ - Nga và Mỹ - Ukraine về chiến tranh Ukraine trong hơn một tháng qua, có thể thấy Nga đã đạt được nhượng bộ rõ rệt từ Mỹ so với Ukraine.

Hôm 24/2, Tổng thống Trump xác nhận đã “thảo luận nghiêm túc” với Nga về “các giao dịch phát triển kinh tế lớn” để kết thúc chiến tranh ở Ukraine đồng thời nhấn mạnh “Các cuộc đàm phán đang diễn ra rất tốt!”. Cùng ngày, Tổng thống Putin tuyên bố “sẵn sàng làm việc với các đối tác nước ngoài của chúng tôi, bao gồm cả Mỹ”, trong việc “phát triển các mỏ đất hiếm ở Nga” và “vùng lãnh thổ của Ukraine hiện đang do Nga chiếm đóng”, đồng thời “sẵn sàng hỗ trợ các công ty Mỹ phát triển sản xuất nhôm ở Siberia”.

Trong khi đó, về tuyến đàm phán với Ukraine, Mỹ bị cáo buộc đã gây sức ép để Kiev chấp nhận ký vào thoả thuận chứa các điều khoản có lợi cho Ukraine hơn so với các dự thảo trước đó [về bồi thường viện trợ cho Mỹ], nhưng thoả thuận lại không bao gồm các đảm bảo an ninh mà Ukraine đã yêu cầu. Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng vào ngày 28/2 (giờ nước Mỹ), Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine đã đấu khẩu gay gắt vì nhiều bất đồng. Trump đã chỉ trích Ukraine “vô ơn” trước sự hỗ trợ từ Mỹ và hệ quả là một thoả thuận về khoáng sản đã tan thành bọt nước vì không được thực hiện.

Do đó, dù tầm quan trọng của Đài Loan đối với Washington là một thực tế nhưng hòn đảo không thể tự mãn hay lệ thuộc vào sự hỗ trợ của Mỹ. Nhìn vào bài học của Ukraine, có thể thấy Đài Loan nằm ở thế yếu tương tự, nếu so sánh lợi ích kinh tế mà chính quyền Trump có thể đạt được trong đàm phán với Bắc Kinh so với đàm phán với Đài Bắc. Trung Quốc chiếm 10.9% thương mại của Mỹ trong khi Đài Loan chỉ chiếm 3%. Quan trọng nhất, Trung Quốc cung cấp đến 72% đất hiếm cho thị trường Mỹ. Đây là một nguồn cung khổng lồ và khó có thể bị thay thế trong ngắn hạn.

Đài Loan cần “tự lực, tự cường”

Để tăng cường năng lực tự vệ, Đài Loan trước tiên cần thể hiện khả năng duy trì sức chống chịu trong trường hợp bị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa phong tỏa hoặc tấn công. Cụ thể, hòn đảo cần xây dựng các kho dự trữ chiến lược lớn hơn, bao gồm nhiên liệu và lương thực. Một số vị trí phù hợp cho việc xây dựng này là miền trung và miền đông như ở căn cứ không quân Hualien hoặc Taitung, là các khu vực ít có nguy cơ bị Bắc Kinh tấn công trực tiếp vì khoảng cách xa.

Đài Loan cũng có thể xây thêm kho dự trữ tại các đảo ngoài khơi như Bành Hồ, Kim Môn và Mã Tổ vì đây là những điểm trung chuyển quan trọng giữa Đài Loan với nguồn tiếp tế bên ngoài, trong trường hợp Bắc Kinh không thể phong toả hoàn toàn nền dân chủ châu Á.

Bên cạnh đó, Đài Loan nên phát triển các hệ thống phòng thủ ven biển và phòng không cơ động kiên cố hơn để biến hòn đảo thành một “con nhím phòng thủ” có thể gây tổn thất thực sự cho quân đội Trung Quốc nếu bị cường quốc này xâm lược.

Ngoài ra, Đài Loan không thể chỉ dựa vào năng lực tự thân (tự lực) mà cần mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài để tăng cường các liên kết quốc tế và học hỏi kinh nghiệm từ quốc gia khác nhằm đảm bảo an ninh dài hạn. Đầu tiên, thay vì trông chờ vào Mỹ, hòn đảo nên mở rộng hợp tác kinh tế và an ninh với các quốc gia gần kề như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, và các nước Đông Nam Á để đổi lại sự hỗ trợ an ninh khi cần thiết.

Thứ hai, Đài Loan nên tăng cường hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ (Nvidia, AMD, Apple – những công ty công nghệ phát triển phần cứng và phần mềm cho máy tính, điện thoại thông minh, và trí tuệ nhân tạo) và châu Âu để đảm bảo vai trò trung tâm sản xuất chip bán dẫn hàng đầu, song cần tránh không để bị rò rỉ công nghệ sản xuất ra ngoài lãnh thổ.

Thứ ba, chính quyền Lại Thanh Đức cần đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn mạnh ở châu Á và châu Âu như Ấn Độ và Liên hiệp châu Âu (EU) để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Thứ tư, Đài Bắc rất nên tìm cách học hỏi từ các nhà cung cấp quốc phòng có tiềm lực và đang nổi trên toàn cầu như Hàn Quốc, Israel,... để tăng cường năng lực sản xuất vũ khí và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

***

Tóm lại, sự trở lại của Trump đặt ra những dấu hỏi lớn về cam kết bảo vệ Đài Loan của Mỹ, khiến hòn đảo rơi vào thế bấp bênh hơn trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh. Trong trường hợp Mỹ điều chỉnh ưu tiên chiến lược và giảm mức độ can dự vào Đài Loan, hòn đảo không còn lựa chọn nào khác ngoài việc củng cố khả năng tự vệ, tăng cường quan hệ với các đối tác quốc tế và xây dựng một nền quốc phòng tự chủ để đối phó với áp lực ngày càng lớn từ Bắc Kinh.

Bài viết này thuộc ấn bản đặc biệt với chủ đề “Cạnh tranh Mỹ - Trung dưới thời Trump 2.0”.

Trump yêu sách với Đài Loan

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Trump (2017–2021), quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan đã được củng cố, thể hiện qua việc Washington gia tăng bán vũ khí cho Đài Bắc. Tháng 6/2017, chính quyền Trump đã phê duyệt gói vũ khí trị giá 1,4 tỷ USD cho hòn đảo dân chủ ở châu Á. Sau đó, vào tháng 10/2018, Mỹ chấp thuận một gói vũ khí khác trị giá 330 triệu USD để hỗ trợ Đài Loan. Trong bốn năm đầu tiên của Trump, chính phủ Mỹ đã cho phép 11 thỏa thuận vũ khí với Đài Loan, với tổng trị giá 21 tỷ USD.

Tuy nhiên, sang nhiệm kỳ hai, phong cách “chính trị giao dịch” (transactional politics) của Trump gây lo ngại về việc liệu chính quyền của ông có sẵn sàng viện trợ quân sự cho Đài Loan hay không. Bởi, Trump đã phản đối việc thông qua gói viện trợ quân sự cho Ukraine, Israel và Đài Loan (được Quốc hội Mỹ đưa ra vào đầu năm 2024). Ông cũng đã công khai cáo buộc Đài Loan lấy “100% hoạt động kinh doanh chip của chúng tôi” và hòn đảo này nên tự chi trả cho hoạt động quốc phòng của mình.

Trong chiến dịch tranh cử, Trump thẳng thừng chỉ trích Đài Loan không đủ nỗ lực để tự vệ trước khả năng xâm lược của Trung Quốc. Ông gợi ý rằng Đài Loan nên trả tiền cho Mỹ để được bảo vệ khỏi Bắc Kinh, đồng thời cho rằng Đài Loan nên tăng ngân sách quốc phòng lên 10% thu nhập quốc gia (mức hiện tại là 2,45%), tương đương 3,38% của Mỹ.

Trước những tuyên bố thách thức của Trump, một số học giả cho rằng Đài Loan nên tăng ngân sách quốc phòng để thuyết phục Trump rằng Đài Loan sẵn sàng đóng góp tài chính cho sự hỗ trợ của Washington, đồng thời thúc đẩy các mục tiêu hiện đại hóa quân sự.

Tuy nhiên, theo Yen Chen-shen, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Quốc lập Chính trị (National Chengchi University), việc Đài Loan tăng chi tiêu quốc phòng không đồng nghĩa với việc hòn đảo sẽ nhận được sự bảo vệ nhiều hơn từ chính quyền Trump 2.0. Theo giáo sư Yen Chen-shen, các tuyên bố của Trump có thể chỉ là “lời đe dọa” và “nếu chúng tôi đáp ứng [sự thúc giục của Trump về việc tăng chi tiêu], điều đó không đảm bảo ông ấy sẽ giúp chúng tôi... Nếu chúng tôi không làm như vậy, điều đó có thể sẽ cho ông ấy một cái cớ thuận tiện để tránh can thiệp trong trường hợp xảy ra xung đột qua eo biển Đài Loan”.

Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung 2.0

Sau khi Trump nhậm chức, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang. Trump đã tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế cố định 60% đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, thuế quan bổ sung 10% (vừa được tăng gấp đôi lên 20% hôm 4/3) để giảm dòng chảy ma túy và nhập cư, và sẽ tăng thuế quan thêm nữa nếu Trung Quốc giúp nhóm các nền kinh tế đang phát triển BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) phát triển đồng tiền chung. Có thể thấy, căng thẳng Mỹ - Trung gần đây tập trung vào vấn đề kinh tế.

Trong khi đó, vấn đề an ninh, mà nổi bật là vai trò của Đài Loan trong mối quan hệ giữa hai siêu cường, vẫn còn là một câu hỏi lớn. Trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ba ngày trước lễ nhậm chức của ông Trump (20/1), trong khi ông Tập, vẫn như thường lệ, nhấn mạnh rằng “vấn đề Đài Loan liên quan đến chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và hy vọng phía Mỹ sẽ xử lý vấn đề này một cách thận trọng”, thì người đứng đầu Nhà Trắng không những không đề cập đến Đài Loan mà còn từ chối mọi câu hỏi liên quan từ phía báo chí.

Những tưởng sự im lặng của Trump ngụ ý rằng vấn đề Đài Loan không còn là câu chuyện đáng bàn trong chương trình nghị sự của chính phủ mới, thì không lâu sau ngày Trump nhậm chức, từ khoá “Đài Loan” bắt đầu nóng lên. Trong cuộc gặp giữa Tổng thống Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba hôm 7/2 tại Nhà Trắng, Mỹ và Nhật Bản đã đưa ra một tuyên bố chung tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, đồng thời ủng hộ sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, đáng chú ý là “chính sách Một Trung Quốc” (One China Policy) hoàn toàn không được đề cập trong tuyên bố chung này. Động thái này cộng với sự im lặng trước đó của Trump trong cuộc điện đàm với lãnh đạo Trung Quốc có thể là dấu hiệu cho thấy Trump có ý định tách quan hệ Mỹ - Trung khỏi Đài Loan.

Đến nay, Trump vẫn chưa đưa ra một lời khẳng định cụ thể nào về việc chính quyền của ông sẽ bảo vệ hay ủng hộ Đài Loan độc lập. Tuy nhiên, hai tuần trước, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Mỹ đã gỡ bỏ dòng chữ “chúng tôi không ủng hộ Đài Loan độc lập” (nguyên văn tiếng Anh: “we do not support Taiwan independence”) - quan điểm từ lâu đã được cơ quan này thể hiện công khai trên trang web của mình. Ngoài việc bỏ cụm từ trên, trang web còn đề cập đến sự hợp tác của Đài Loan và Lầu Năm Góc trong những dự án phát triển công nghệ và chất bán dẫn, đồng thời cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ “tư cách thành viên” của Đài Loan trong các tổ chức quốc tế “nếu có”. Sự kiện này được thực hiện trong một ngày sau khi chính quyền Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% và khuyến khích các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư nhiều hơn nữa vào Mỹ. Với phong cách chính trị giao dịch của Trump, động thái trên có thể là một phản ứng ngoại giao nhằm đáp lại tuyên bố thiện chí của chính quyền Đài Loan.

Song, chuỗi hành động “vừa đấm vừa xoa” của Trump lại một lần nữa làm sâu sắc thêm lập trường “mơ hồ chiến lược” (strategic ambiguity) truyền thống của các đời lãnh đạo Mỹ trong vấn đề Đài Loan. Mơ hồ chiến lược có nghĩa là Mỹ không đưa ra lập trường rõ ràng về phạm vi và quy mô của bất kỳ sự hỗ trợ quân sự và ngoại giao nào mà nước này dành cho Đài Loan trong trường hợp hòn đảo bị Trung Quốc tấn công. Hay theo Raymond Kuo, giám đốc Sáng kiến ​​Chính sách Đài Loan (Taiwan Policy Initiative) tại Rand Corporation, “tốt nhất Mỹ nên để cho tất cả các bên đoán” liệu quân đội nước này có can thiệp vào một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan hay không.

Đặt trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung, động thái thay đổi nội dung trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ có thể được ví như một “cú đấm” đối với Trung Quốc. Không ngạc nhiên khi Bắc Kinh ngay lập tức đưa ra phản ứng cáo buộc chính quyền Trump “thụt lùi nghiêm trọng” trong lập trường của họ về Đài Loan, kêu gọi Mỹ “ngay lập tức sửa chữa sai lầm”, hoặc nếu không sẽ có nguy cơ “thiệt hại nghiêm trọng hơn nữa” trong quan hệ Mỹ - Trung. Sau đó, Trump vẫn tiếp tục im lặng khi được phóng viên hỏi về Đài Loan, song lại đưa ra câu trả lời mang ý ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình và đất nước Trung Quốc: “Tôi có mối quan hệ tuyệt vời với Chủ tịch Tập Cận Bình (…) Tôi thấy rất nhiều nơi đặt điều rằng chúng tôi không muốn Trung Quốc ở đất nước này. Điều đó không đúng. Chúng tôi muốn họ đầu tư vào nước Mỹ (…) Chúng tôi sẽ làm mọi thứ với Trung Quốc. Mối quan hệ giữa chúng tôi với Trung Quốc sẽ là một mối quan hệ rất tốt”.

Trở lại với động thái thay đổi nội dung về Đài Loan trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ, có thể thấy điều này là khá “tiểu tiết”, và chưa đủ để đưa đến một kết luận là Mỹ chắc chắn sẽ bênh vực Đài Loan. Song động thái ấy có thể là chiến thuật của Trump đối với Trung Quốc: “lấn lướt trước” để làm đòn bẩy mặc cả với đối thủ trên bàn đàm phán thuế quan. Hiện tại, Trump đã công bố kế hoạch về cuộc gặp thượng đỉnh với người đứng đầu nhà nước Trung Quốc nhưng chưa cung cấp thời gian cụ thể.

Nói cách khác, vấn đề Đài Loan vẫn đang là con bài mặc cả quan trọng trong đàm phán Mỹ - Trung, và hiển nhiên, không nằm ngoài bối cảnh cạnh tranh giữa hai cường quốc.

Dễ tổn thương và dễ bị bỏ rơi

Nhiệm kỳ lãnh đạo của Trump không thay đổi được thực tế rằng Đài Loan vẫn đóng vai trò quan trọng chiến lược đối với Mỹ cả về địa chính trị (nằm trên chuỗi đảo thứ nhất bao vây Trung Quốc), lẫn địa kinh tế (là “người chơi chính” trong chuỗi cung ứng bán dẫn khi nắm giữ 68% thị phần ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu). Những yếu tố này làm cho Đài Loan trở thành mấu chốt về an ninh và kinh tế trong nỗ lực của Mỹ nhằm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan về vị trí địa lý của Đài Loan lẫn nguyên nhân chủ quan về lợi ích của Mỹ, việc chính quyền Trump sẵn sàng bảo vệ Đài Loan nếu xảy ra chiến tranh với Trung Quốc là một khả năng khá thấp.

Thứ nhất, không giống như Ukraine - quốc gia có biên giới trên bộ giáp với Ba Lan, thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là đồng minh của Mỹ, Đài Loan là một hòn đảo với bốn bề giáp biển, cách Philippines ít nhất 250 km (tính từ Đảo Luzon và điểm cực nam của Đài Loan) và cách Nhật Bản ít nhất 1.600 km (tính từ điểm cực bắc của Đài Loan đến điểm cực nam của đất liền Nhật Bản). Do đó, sẽ cực kỳ khó khăn khi Mỹ muốn tiếp tế cho hòn đảo trong trường hợp Đài Bắc hứng chịu các đòn tấn công quân sự từ Bắc Kinh. Nếu có xung đột, Mỹ sẽ không thể cung cấp viện trợ quân sự cho Đài Loan một cách nhanh chóng như với Ukraine.

Thứ hai, không thể loại trừ tình huống Mỹ và Trung Quốc âm thầm đổi chác lợi ích kinh tế để Washington chấp nhận can thiệp vào vấn đề Đài Loan ở mức tối thiểu.

Sự quay lưng của Trump với Ukraine gần đây sau khi đạt được triển vọng đàm phán khai thác đất hiếm với Nga là một tiền lệ rõ nét. Quan sát hai tuyến đàm phán song song giữa Mỹ - Nga và Mỹ - Ukraine về chiến tranh Ukraine trong hơn một tháng qua, có thể thấy Nga đã đạt được nhượng bộ rõ rệt từ Mỹ so với Ukraine.

Hôm 24/2, Tổng thống Trump xác nhận đã “thảo luận nghiêm túc” với Nga về “các giao dịch phát triển kinh tế lớn” để kết thúc chiến tranh ở Ukraine đồng thời nhấn mạnh “Các cuộc đàm phán đang diễn ra rất tốt!”. Cùng ngày, Tổng thống Putin tuyên bố “sẵn sàng làm việc với các đối tác nước ngoài của chúng tôi, bao gồm cả Mỹ”, trong việc “phát triển các mỏ đất hiếm ở Nga” và “vùng lãnh thổ của Ukraine hiện đang do Nga chiếm đóng”, đồng thời “sẵn sàng hỗ trợ các công ty Mỹ phát triển sản xuất nhôm ở Siberia”.

Trong khi đó, về tuyến đàm phán với Ukraine, Mỹ bị cáo buộc đã gây sức ép để Kiev chấp nhận ký vào thoả thuận chứa các điều khoản có lợi cho Ukraine hơn so với các dự thảo trước đó [về bồi thường viện trợ cho Mỹ], nhưng thoả thuận lại không bao gồm các đảm bảo an ninh mà Ukraine đã yêu cầu. Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng vào ngày 28/2 (giờ nước Mỹ), Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine đã đấu khẩu gay gắt vì nhiều bất đồng. Trump đã chỉ trích Ukraine “vô ơn” trước sự hỗ trợ từ Mỹ và hệ quả là một thoả thuận về khoáng sản đã tan thành bọt nước vì không được thực hiện.

Do đó, dù tầm quan trọng của Đài Loan đối với Washington là một thực tế nhưng hòn đảo không thể tự mãn hay lệ thuộc vào sự hỗ trợ của Mỹ. Nhìn vào bài học của Ukraine, có thể thấy Đài Loan nằm ở thế yếu tương tự, nếu so sánh lợi ích kinh tế mà chính quyền Trump có thể đạt được trong đàm phán với Bắc Kinh so với đàm phán với Đài Bắc. Trung Quốc chiếm 10.9% thương mại của Mỹ trong khi Đài Loan chỉ chiếm 3%. Quan trọng nhất, Trung Quốc cung cấp đến 72% đất hiếm cho thị trường Mỹ. Đây là một nguồn cung khổng lồ và khó có thể bị thay thế trong ngắn hạn.

Đài Loan cần “tự lực, tự cường”

Để tăng cường năng lực tự vệ, Đài Loan trước tiên cần thể hiện khả năng duy trì sức chống chịu trong trường hợp bị Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa phong tỏa hoặc tấn công. Cụ thể, hòn đảo cần xây dựng các kho dự trữ chiến lược lớn hơn, bao gồm nhiên liệu và lương thực. Một số vị trí phù hợp cho việc xây dựng này là miền trung và miền đông như ở căn cứ không quân Hualien hoặc Taitung, là các khu vực ít có nguy cơ bị Bắc Kinh tấn công trực tiếp vì khoảng cách xa.

Đài Loan cũng có thể xây thêm kho dự trữ tại các đảo ngoài khơi như Bành Hồ, Kim Môn và Mã Tổ vì đây là những điểm trung chuyển quan trọng giữa Đài Loan với nguồn tiếp tế bên ngoài, trong trường hợp Bắc Kinh không thể phong toả hoàn toàn nền dân chủ châu Á.

Bên cạnh đó, Đài Loan nên phát triển các hệ thống phòng thủ ven biển và phòng không cơ động kiên cố hơn để biến hòn đảo thành một “con nhím phòng thủ” có thể gây tổn thất thực sự cho quân đội Trung Quốc nếu bị cường quốc này xâm lược.

Ngoài ra, Đài Loan không thể chỉ dựa vào năng lực tự thân (tự lực) mà cần mở rộng quan hệ với các đối tác bên ngoài để tăng cường các liên kết quốc tế và học hỏi kinh nghiệm từ quốc gia khác nhằm đảm bảo an ninh dài hạn. Đầu tiên, thay vì trông chờ vào Mỹ, hòn đảo nên mở rộng hợp tác kinh tế và an ninh với các quốc gia gần kề như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, và các nước Đông Nam Á để đổi lại sự hỗ trợ an ninh khi cần thiết.

Thứ hai, Đài Loan nên tăng cường hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ (Nvidia, AMD, Apple – những công ty công nghệ phát triển phần cứng và phần mềm cho máy tính, điện thoại thông minh, và trí tuệ nhân tạo) và châu Âu để đảm bảo vai trò trung tâm sản xuất chip bán dẫn hàng đầu, song cần tránh không để bị rò rỉ công nghệ sản xuất ra ngoài lãnh thổ.

Thứ ba, chính quyền Lại Thanh Đức cần đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn mạnh ở châu Á và châu Âu như Ấn Độ và Liên hiệp châu Âu (EU) để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Thứ tư, Đài Bắc rất nên tìm cách học hỏi từ các nhà cung cấp quốc phòng có tiềm lực và đang nổi trên toàn cầu như Hàn Quốc, Israel,... để tăng cường năng lực sản xuất vũ khí và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

***

Tóm lại, sự trở lại của Trump đặt ra những dấu hỏi lớn về cam kết bảo vệ Đài Loan của Mỹ, khiến hòn đảo rơi vào thế bấp bênh hơn trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh. Trong trường hợp Mỹ điều chỉnh ưu tiên chiến lược và giảm mức độ can dự vào Đài Loan, hòn đảo không còn lựa chọn nào khác ngoài việc củng cố khả năng tự vệ, tăng cường quan hệ với các đối tác quốc tế và xây dựng một nền quốc phòng tự chủ để đối phó với áp lực ngày càng lớn từ Bắc Kinh.

Bài viết này thuộc ấn bản đặc biệt với chủ đề “Cạnh tranh Mỹ - Trung dưới thời Trump 2.0”.

Từ khoá: Đài Loan Donald Trump Trung Quốc cạnh tranh Mỹ - Trung chính sách đối ngoại Mỹ

BÀI LIÊN QUAN