Chính trị - Ngoại giao   03/07/2024

Vì sao Malaysia sẵn sàng gia nhập BRICS?

Với tuyên bố mong muốn gia nhập BRICS, Malaysia mong muốn tăng cường năng lực tự chủ, đạt được các lợi ích kinh tế và gia tăng vị thế quốc tế.

Image
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (phải) tiếp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại thành phố Putrajaya (Malaysia) hôm 19/6 - (C): Department of Information Malaysia

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Guancha của Trung Quốc được phát sóng vào ngày 18/6, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tuyên bố rằng chính phủ nước này đã đưa ra quyết định gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và sẽ sớm triển khai các thủ tục theo quy trình; hiện Malaysia đang chờ phản hồi từ Nam Phi (một thành viên của tổ chức trên). 

Với quyết định gia nhập BRICS, Malaysia trở thành quốc Đông Nam Á thứ hai sau Thái Lan bày tỏ mong muốn gia nhập tổ chức có sức ảnh hưởng ngày càng lớn trên trường quốc tế.

Nhóm các nền kinh tế mới nổi được thành lập vào năm 2006 với bốn thành viên ban đầu là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, khi đó mang tên là BRIC (ghép từ chữ cái đầu theo tên tiếng Anh của các quốc gia nêu trên). Bốn năm sau, khối này kết nạp thêm Nam Phi (South Africa) nên tên gọi trở thành BRICS. Đến ngày 1/1/2024, BRICS thực hiện đợt bổ sung thành viên thứ hai khi kết nạp thêm bốn quốc gia là Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nhưng không đổi tên. 

Như vậy, BRICS hiện có tổng cộng chín quốc gia thành viên. Tuy nhiên, có thể sẽ mất một khoảng thời gian tương đối lâu thì khối này mới thực hiện đợt bổ sung tiếp theo, bởi trong một tuyên bố mới nhất vào ngày 25/6, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết nội bộ BRICS đã biểu quyết thông qua việc tạm ngừng kết nạp thành viên.     

Vì sao Malaysia muốn gia nhập BRICS? 

Việc Malaysia mong muốn tham gia BRICS trước hết vì mục đích phát triển kinh tế và thị trường, bởi với số lượng thành viên như hiện nay, khối này đã chiếm đến 37,3% GDP và 46% dân số thế giới. Động thái trên diễn ra không lâu sau khi chính phủ Malaysia công bố Chiến lược Bán dẫn Quốc gia (National Semiconductor Strategy) vào ngày 28/5, với mục tiêu trở thành trung tâm bán dẫn toàn cầu. Theo Chiến lược, trong giai đoạn một chính phủ sẽ đảm bảo đầu tư trực tiếp (cả trong nước lẫn nước ngoài) ít nhất 500 tỷ ringgit (107 tỷ USD), phục vụ cho việc thiết kế vi mạch, thiết bị sản xuất, đóng gói tiên tiến và phát triển nhà máy sản xuất tấm bán dẫn, thiết bị bán dẫn. Tiếp đến giai đoạn hai, chính phủ sẽ thành lập ít nhất 10 công ty nội địa trong lĩnh vực thiết kế và đóng gói tiên tiến, đồng thời thành lập thêm 100 công ty liên quan đến phát triển chất bán dẫn. Ngoài ra, Malaysia còn phân bổ nguồn vốn để nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo nhân lực trình độ cao về bán dẫn…

Với tham vọng như vậy, Malaysia cần một thị trường rộng lớn như BRICS để tạo thành chuỗi cung ứng phục vụ cho việc bán các sản phẩm bán dẫn của mình. Hơn nữa, các cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga với Ukraine, cũng như giữa Israel với Hamas, hay cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung đã tác động tiêu cực lên hệ thống thương mại toàn cầu, khiến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Vì thế, việc tham gia BRICS có thể giúp Malaysia tiếp cận một con đường chuỗi cung ứng ổn định hơn, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực vừa nêu. 

Cùng với đó, tham gia BRICS có thể giúp Malaysia tham gia tích cực hơn vào quá trình “phi dollar hóa” mà các quốc gia thành viên đang theo đuổi. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, Thủ tướng Anwar từng đảm nhận chức vụ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính. Thời điểm này, ông được biết đến là một chính khách có xu hướng thân phương Tây. Trải qua gần ba thập kỷ, người lãnh đạo chính phủ Malaysia giờ đây lại muốn tham gia BRICS (một tổ chức không thân thiện trong mắt phương Tây). 

Lý lẽ được ông Anwar đưa ra là “Vào năm ngoái, Malaysia ghi nhận mức đầu tư cao nhất từ ​​trước đến nay, nhưng đồng tiền nội tệ vẫn bị tấn công. Điều đó thật vô nghĩa, đi ngược lại các nguyên tắc kinh tế cơ bản. Một loại tiền tệ [ám chỉ đồng USD] hoàn toàn nằm ngoài hệ thống thương mại của hai quốc gia và không liên quan đến các hoạt động kinh tế trong nước đã trở nên thống trị, chỉ vì nó được sử dụng như một loại tiền tệ quốc tế”.   

Thời gian qua, Malaysia đã có những bước đi thực tiễn. Vào tháng 4/2023, nước này ký kết thỏa thuận với Ấn Độ để tăng cường sử dụng đồng rupee trong kinh doanh xuyên biên giới, thay vì sử dụng USD. Đồng thời, Thủ tướng Anwar cũng là người ủng hộ mạnh mẽ việc thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á (Asian Monetary Fund - AMF), với mong muốn tạo dựng một tổ chức tài chính tập trung vào khu vực, thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch thương mại và đầu tư. AMF là một ý tưởng do chính phủ Nhật Bản đưa ra để chống lại cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997, nhưng chưa bao giờ trở thành hiện thực. 

Mặc dù nỗ lực phi dollar hóa và thành lập AMF (nếu thành công) có thể không ngay lập tức thách thức sự thống trị của đồng USD hoặc các thể chế tài chính hiện có của phương Tây, nhưng vẫn sẽ mang lại cho các cường quốc vừa và nhỏ như Malaysia sự linh hoạt, tăng cường tính tự chủ, giảm phụ thuộc trước những thay đổi trong chính sách và biến động tiền tệ của Mỹ. Điều này càng quan trọng trong bối cảnh hiện nay bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Reserve System) vẫn neo lãi suất ở mức cao, và chưa có quyết định cuối cùng về việc có giảm lãi suất trong năm nay hay không. Hành động này làm cho đồng USD trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư, tạo động lực tăng giá nhanh, ảnh hưởng đến nhiều đồng nội tệ khác trên thế giới (trường hợp bị ảnh hưởng nổi bật nhất chính là đồng Yên của Nhật Bản).    

Trong số các thành viên của BRICS, Trung Quốc có thể là đối tác kinh tế trọng tâm mà Malaysia hướng tới, vì động thái tuyên bố mong muốn gia nhập tổ chức của Thủ tướng Anwar diễn ra ngay trước khi người đồng cấp Lý Cường đến thăm Kuala Lumpur (từ ngày 18-20/6). Đây là chuyến công du đầu tiên của một Thủ tướng Trung Quốc đến quốc gia Đông Nam Á này kể từ năm 2015. Nhân sự kiện trên, ông Anwar cũng đã yêu cầu sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong quá trình nộp đơn BRICS, bởi theo quan điểm của ông, “Họ [người Trung Quốc] là những người dễ tiếp thu nhất, họ cộng tác tốt, họ thẳng thắn và không tỏ ra kiêu ngạo” (They have been most receptive and they collaborate well, and they are frank and no display of arrogance).   

Bắc Kinh có ảnh hưởng lớn về kinh tế khi là đối tác thương mại lớn nhất của Kuala Lumpur trong suốt 15 năm qua (tính đến năm 2023). Trong chuyến thăm vừa qua, ông Lý Cường cũng đã tham gia lễ khởi công nhà ga Gombak thuộc Tuyến Đường sắt Bờ Đông (East Coast Rail Link - ECRL) do Trung Quốc làm nhà thầu xây dựng. ECRL là một trong những dự án đường sắt dài nhất mà Trung Quốc đầu tư xây dựng ở nước ngoài, trị giá hơn 16 tỷ USD, dài 665km bắt đầu từ cảng Klang ở bang Selangor, sau đó đi qua các bang ven biển khác bao gồm Pahang, Terengganu và Kelantan. Tính đến hết tháng 3 năm nay, ECRL đã hoàn thành 60% so với kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, các thương hiệu ô tô Trung Quốc như Tập đoàn Ô tô Quảng Châu, Great Wall Motors, BYDNeta cũng đang tăng cường hiện diện ở Malaysia để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh xe điện tại đây.   

Bên cạnh khía cạnh kinh tế, Malaysia còn mong muốn gia nhập BRICS để nâng cao vị thế và sự chú ý trên trường quốc tế, vì tổ chức này không chỉ gồm Nga và Trung Quốc, mà còn có sự tham gia của các đồng minh/đối tác thân thiết của Mỹ như UAE, Ấn Độ. Thông qua BRICS, Malaysia ngầm cho thấy sự ủng hộ đối với một trật tự quốc tế đa cực, qua đó giúp tiếng nói của Kuala Lumpur được lắng nghe nhiều hơn, đặc biệt là đối với các quốc gia Nam Bán cầu (Global South) - vốn được xem trọng tâm của cơ chế này. Trong lịch sử, Kuala Lumpur cũng từng thể hiện xu hướng này khi là một trong những quốc gia khởi xướng thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1967, và đồng sáng lập Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (Organisation of Islamic Cooperation) vào năm 1969. 

Ngoài ra, một động cơ khác thúc đẩy chính phủ Malaysia gia nhập BRICS là nhu cầu tìm kiếm sự ủng hộ của dư luận trong nước. Theo khảo sát năm 2024 của Viện ISEAS-Yusof Ishak (có trụ sở tại Singapore) về quan điểm từ các quốc gia ASEAN, có đến 75,1% người Malaysia ủng hộ liên kết với Trung Quốc nếu bị buộc phải lựa chọn giữa nước này với Mỹ. Con số của năm 2024 tăng đáng kể nếu so với báo cáo một năm trước đó, khi kết quả lựa chọn Trung Quốc là 54,8%. Là một quốc gia Hồi giáo, người dân Malaysia đã có cái nhìn tiêu cực hơn về Mỹ kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra vào ngày 7/10/2023 (khi Washington công khai và nhất quán ủng hộ Tel Aviv), cho rằng “cuộc tấn công của Israel vào Gaza đã đi quá xa” (Israel’s attack on Gaza has gone too far), và có đến 64,4% người khảo sát từ Malaysia đồng tình với quan điểm này.   

Như vậy, mong muốn tham gia BRICS của Malaysia trước hết là vì các lợi ích kinh tế, cụ thể là mở rộng cơ hội giao thương và thúc đẩy quá trình phi dollar hóa. Bên cạnh đó, Kuala Lumpur cũng kỳ vọng danh tiếng của BRICS sẽ giúp nước này tăng cường vị thế quốc tế và thu hút sự ủng hộ của người dân trong nước đối với chính phủ của Thủ tướng Anwar.      

Tác động từ quyết định của Malaysia

Quyết định của Malaysia bị nghi ngờ là chỉ dấu cho thấy nước này đang dần nghiêng về Trung Quốc, qua đó tạo cho Bắc Kinh một đòn bẩy để thao túng chính sách đối ngoại của quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, nhận định này chưa phản ánh đúng thực tế, vì từ lâu, Trung Quốc là siêu cường có tầm ảnh hưởng hàng đầu không chỉ ở Malaysia, mà còn với các quốc gia ASEAN khác. Trong thời gian đó, Kuala Lumpur vẫn duy trì chính sách đối ngoại độc lập, sẵn sàng chống lại những yêu sách quá mức của Trung Quốc (chẳng hạn phản đối tấm bản đồ phi pháp về Biển Đông mà Bắc Kinh công bố hồi tháng 8/2023). 

Đồng thời, Malaysia tiếp tục mở rộng hợp tác kinh tế với Mỹ, thể hiện qua số liệu xuất khẩu từ Kuala Lumpur sang Washington trong năm 2023 đạt 161,3 tỷ ringgit (hơn 34 tỷ USD), là mức cao thứ hai từ trước đến nay. Vào ngày 2/5/2024, tập đoàn công nghệ Microsoft đã thông báo sẽ đầu tư 2,2 tỷ USD trong vòng bốn năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Malaysia, đây là khoản đầu tư lớn nhất mà tập đoàn từng đổ vào quốc gia Đông Nam Á này.    

Vào tháng 6, để xóa đi những nghi ngờ về việc Malaysia đang xích lại gần với Trung Quốc, Thủ tướng Anwar khẳng định Malaysia không chọn phe giữa các siêu cường, ông cũng phản pháo rằng việc nghi ngờ Kuala Lumpur nghiêng về bên này nhiều hơn bên kia là một “sự hiểu lầm trắng trợn” (gross misperception). 

Động thái xin gia nhập BRICS cũng có thể là “bước chạy đà” cần thiết để Malaysia xây dựng danh tiếng và uy tín đối ngoại của mình, hướng tới trọng trách quan trọng sắp tới là đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2025. Với lập trường trung lập như Thủ tướng Anwar đã khẳng định trong phát biểu hồi tháng 6, Malaysia có thể kêu gọi sự gắn kết của các quốc gia ASEAN, từ đó tạo tiền đề thúc đẩy vai trò trung tâm của tổ chức trong việc giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống trong khu vực (như lương thực, biến đổi khí hậu, an ninh mạng) và an ninh truyền thống (Biển Đông, Myanmar), đồng thời đưa ASEAN hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Tuy nhiên, Kuala Lumpur sẽ phải nỗ lực rất nhiều để ghi dấu ấn trong việc giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống, vì tình hình Biển Đông và Myanmar thường xuyên diễn biến phức tạp, với căng thẳng kéo dài trong nhiều năm qua, nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp nào đủ sức tạo đột phá. 

Tóm lại, mong muốn gia nhập BRICS của Malaysia dựa trên nhiều tính toán chiến lược, nổi bật là các cân nhắc lợi ích về kinh tế, ngoại giao và chính trị trong nước. Dù dựa trên lợi ích quốc gia nhưng những mục tiêu này gây nghi ngại rằng Kuala Lumpur đang “ngả về” Trung Quốc. Tuy vậy, nhiều khả năng là quốc gia Đông Nam Á này vẫn sẽ duy trì chính sách đối ngoại trung lập, và áp dụng định hướng trên vào việc chèo lái ASEAN trong năm 2025. 

Ghi chú của VSF: Độc giả có thể tham khảo các đường hướng chính sách của Malaysia khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2025 trong bài “Malaysia sẽ làm gì trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2025?” (tác giả: Võ Trường An).

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Guancha của Trung Quốc được phát sóng vào ngày 18/6, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tuyên bố rằng chính phủ nước này đã đưa ra quyết định gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và sẽ sớm triển khai các thủ tục theo quy trình; hiện Malaysia đang chờ phản hồi từ Nam Phi (một thành viên của tổ chức trên). 

Với quyết định gia nhập BRICS, Malaysia trở thành quốc Đông Nam Á thứ hai sau Thái Lan bày tỏ mong muốn gia nhập tổ chức có sức ảnh hưởng ngày càng lớn trên trường quốc tế.

Nhóm các nền kinh tế mới nổi được thành lập vào năm 2006 với bốn thành viên ban đầu là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, khi đó mang tên là BRIC (ghép từ chữ cái đầu theo tên tiếng Anh của các quốc gia nêu trên). Bốn năm sau, khối này kết nạp thêm Nam Phi (South Africa) nên tên gọi trở thành BRICS. Đến ngày 1/1/2024, BRICS thực hiện đợt bổ sung thành viên thứ hai khi kết nạp thêm bốn quốc gia là Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), nhưng không đổi tên. 

Như vậy, BRICS hiện có tổng cộng chín quốc gia thành viên. Tuy nhiên, có thể sẽ mất một khoảng thời gian tương đối lâu thì khối này mới thực hiện đợt bổ sung tiếp theo, bởi trong một tuyên bố mới nhất vào ngày 25/6, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết nội bộ BRICS đã biểu quyết thông qua việc tạm ngừng kết nạp thành viên.     

Vì sao Malaysia muốn gia nhập BRICS? 

Việc Malaysia mong muốn tham gia BRICS trước hết vì mục đích phát triển kinh tế và thị trường, bởi với số lượng thành viên như hiện nay, khối này đã chiếm đến 37,3% GDP và 46% dân số thế giới. Động thái trên diễn ra không lâu sau khi chính phủ Malaysia công bố Chiến lược Bán dẫn Quốc gia (National Semiconductor Strategy) vào ngày 28/5, với mục tiêu trở thành trung tâm bán dẫn toàn cầu. Theo Chiến lược, trong giai đoạn một chính phủ sẽ đảm bảo đầu tư trực tiếp (cả trong nước lẫn nước ngoài) ít nhất 500 tỷ ringgit (107 tỷ USD), phục vụ cho việc thiết kế vi mạch, thiết bị sản xuất, đóng gói tiên tiến và phát triển nhà máy sản xuất tấm bán dẫn, thiết bị bán dẫn. Tiếp đến giai đoạn hai, chính phủ sẽ thành lập ít nhất 10 công ty nội địa trong lĩnh vực thiết kế và đóng gói tiên tiến, đồng thời thành lập thêm 100 công ty liên quan đến phát triển chất bán dẫn. Ngoài ra, Malaysia còn phân bổ nguồn vốn để nghiên cứu và phát triển (R&D), đào tạo nhân lực trình độ cao về bán dẫn…

Với tham vọng như vậy, Malaysia cần một thị trường rộng lớn như BRICS để tạo thành chuỗi cung ứng phục vụ cho việc bán các sản phẩm bán dẫn của mình. Hơn nữa, các cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga với Ukraine, cũng như giữa Israel với Hamas, hay cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung đã tác động tiêu cực lên hệ thống thương mại toàn cầu, khiến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Vì thế, việc tham gia BRICS có thể giúp Malaysia tiếp cận một con đường chuỗi cung ứng ổn định hơn, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực vừa nêu. 

Cùng với đó, tham gia BRICS có thể giúp Malaysia tham gia tích cực hơn vào quá trình “phi dollar hóa” mà các quốc gia thành viên đang theo đuổi. Trong thập niên 90 của thế kỷ trước, Thủ tướng Anwar từng đảm nhận chức vụ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính. Thời điểm này, ông được biết đến là một chính khách có xu hướng thân phương Tây. Trải qua gần ba thập kỷ, người lãnh đạo chính phủ Malaysia giờ đây lại muốn tham gia BRICS (một tổ chức không thân thiện trong mắt phương Tây). 

Lý lẽ được ông Anwar đưa ra là “Vào năm ngoái, Malaysia ghi nhận mức đầu tư cao nhất từ ​​trước đến nay, nhưng đồng tiền nội tệ vẫn bị tấn công. Điều đó thật vô nghĩa, đi ngược lại các nguyên tắc kinh tế cơ bản. Một loại tiền tệ [ám chỉ đồng USD] hoàn toàn nằm ngoài hệ thống thương mại của hai quốc gia và không liên quan đến các hoạt động kinh tế trong nước đã trở nên thống trị, chỉ vì nó được sử dụng như một loại tiền tệ quốc tế”.   

Thời gian qua, Malaysia đã có những bước đi thực tiễn. Vào tháng 4/2023, nước này ký kết thỏa thuận với Ấn Độ để tăng cường sử dụng đồng rupee trong kinh doanh xuyên biên giới, thay vì sử dụng USD. Đồng thời, Thủ tướng Anwar cũng là người ủng hộ mạnh mẽ việc thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á (Asian Monetary Fund - AMF), với mong muốn tạo dựng một tổ chức tài chính tập trung vào khu vực, thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch thương mại và đầu tư. AMF là một ý tưởng do chính phủ Nhật Bản đưa ra để chống lại cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997, nhưng chưa bao giờ trở thành hiện thực. 

Mặc dù nỗ lực phi dollar hóa và thành lập AMF (nếu thành công) có thể không ngay lập tức thách thức sự thống trị của đồng USD hoặc các thể chế tài chính hiện có của phương Tây, nhưng vẫn sẽ mang lại cho các cường quốc vừa và nhỏ như Malaysia sự linh hoạt, tăng cường tính tự chủ, giảm phụ thuộc trước những thay đổi trong chính sách và biến động tiền tệ của Mỹ. Điều này càng quan trọng trong bối cảnh hiện nay bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Reserve System) vẫn neo lãi suất ở mức cao, và chưa có quyết định cuối cùng về việc có giảm lãi suất trong năm nay hay không. Hành động này làm cho đồng USD trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư, tạo động lực tăng giá nhanh, ảnh hưởng đến nhiều đồng nội tệ khác trên thế giới (trường hợp bị ảnh hưởng nổi bật nhất chính là đồng Yên của Nhật Bản).    

Trong số các thành viên của BRICS, Trung Quốc có thể là đối tác kinh tế trọng tâm mà Malaysia hướng tới, vì động thái tuyên bố mong muốn gia nhập tổ chức của Thủ tướng Anwar diễn ra ngay trước khi người đồng cấp Lý Cường đến thăm Kuala Lumpur (từ ngày 18-20/6). Đây là chuyến công du đầu tiên của một Thủ tướng Trung Quốc đến quốc gia Đông Nam Á này kể từ năm 2015. Nhân sự kiện trên, ông Anwar cũng đã yêu cầu sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong quá trình nộp đơn BRICS, bởi theo quan điểm của ông, “Họ [người Trung Quốc] là những người dễ tiếp thu nhất, họ cộng tác tốt, họ thẳng thắn và không tỏ ra kiêu ngạo” (They have been most receptive and they collaborate well, and they are frank and no display of arrogance).   

Bắc Kinh có ảnh hưởng lớn về kinh tế khi là đối tác thương mại lớn nhất của Kuala Lumpur trong suốt 15 năm qua (tính đến năm 2023). Trong chuyến thăm vừa qua, ông Lý Cường cũng đã tham gia lễ khởi công nhà ga Gombak thuộc Tuyến Đường sắt Bờ Đông (East Coast Rail Link - ECRL) do Trung Quốc làm nhà thầu xây dựng. ECRL là một trong những dự án đường sắt dài nhất mà Trung Quốc đầu tư xây dựng ở nước ngoài, trị giá hơn 16 tỷ USD, dài 665km bắt đầu từ cảng Klang ở bang Selangor, sau đó đi qua các bang ven biển khác bao gồm Pahang, Terengganu và Kelantan. Tính đến hết tháng 3 năm nay, ECRL đã hoàn thành 60% so với kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, các thương hiệu ô tô Trung Quốc như Tập đoàn Ô tô Quảng Châu, Great Wall Motors, BYDNeta cũng đang tăng cường hiện diện ở Malaysia để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh xe điện tại đây.   

Bên cạnh khía cạnh kinh tế, Malaysia còn mong muốn gia nhập BRICS để nâng cao vị thế và sự chú ý trên trường quốc tế, vì tổ chức này không chỉ gồm Nga và Trung Quốc, mà còn có sự tham gia của các đồng minh/đối tác thân thiết của Mỹ như UAE, Ấn Độ. Thông qua BRICS, Malaysia ngầm cho thấy sự ủng hộ đối với một trật tự quốc tế đa cực, qua đó giúp tiếng nói của Kuala Lumpur được lắng nghe nhiều hơn, đặc biệt là đối với các quốc gia Nam Bán cầu (Global South) - vốn được xem trọng tâm của cơ chế này. Trong lịch sử, Kuala Lumpur cũng từng thể hiện xu hướng này khi là một trong những quốc gia khởi xướng thành lập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1967, và đồng sáng lập Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (Organisation of Islamic Cooperation) vào năm 1969. 

Ngoài ra, một động cơ khác thúc đẩy chính phủ Malaysia gia nhập BRICS là nhu cầu tìm kiếm sự ủng hộ của dư luận trong nước. Theo khảo sát năm 2024 của Viện ISEAS-Yusof Ishak (có trụ sở tại Singapore) về quan điểm từ các quốc gia ASEAN, có đến 75,1% người Malaysia ủng hộ liên kết với Trung Quốc nếu bị buộc phải lựa chọn giữa nước này với Mỹ. Con số của năm 2024 tăng đáng kể nếu so với báo cáo một năm trước đó, khi kết quả lựa chọn Trung Quốc là 54,8%. Là một quốc gia Hồi giáo, người dân Malaysia đã có cái nhìn tiêu cực hơn về Mỹ kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra vào ngày 7/10/2023 (khi Washington công khai và nhất quán ủng hộ Tel Aviv), cho rằng “cuộc tấn công của Israel vào Gaza đã đi quá xa” (Israel’s attack on Gaza has gone too far), và có đến 64,4% người khảo sát từ Malaysia đồng tình với quan điểm này.   

Như vậy, mong muốn tham gia BRICS của Malaysia trước hết là vì các lợi ích kinh tế, cụ thể là mở rộng cơ hội giao thương và thúc đẩy quá trình phi dollar hóa. Bên cạnh đó, Kuala Lumpur cũng kỳ vọng danh tiếng của BRICS sẽ giúp nước này tăng cường vị thế quốc tế và thu hút sự ủng hộ của người dân trong nước đối với chính phủ của Thủ tướng Anwar.      

Tác động từ quyết định của Malaysia

Quyết định của Malaysia bị nghi ngờ là chỉ dấu cho thấy nước này đang dần nghiêng về Trung Quốc, qua đó tạo cho Bắc Kinh một đòn bẩy để thao túng chính sách đối ngoại của quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, nhận định này chưa phản ánh đúng thực tế, vì từ lâu, Trung Quốc là siêu cường có tầm ảnh hưởng hàng đầu không chỉ ở Malaysia, mà còn với các quốc gia ASEAN khác. Trong thời gian đó, Kuala Lumpur vẫn duy trì chính sách đối ngoại độc lập, sẵn sàng chống lại những yêu sách quá mức của Trung Quốc (chẳng hạn phản đối tấm bản đồ phi pháp về Biển Đông mà Bắc Kinh công bố hồi tháng 8/2023). 

Đồng thời, Malaysia tiếp tục mở rộng hợp tác kinh tế với Mỹ, thể hiện qua số liệu xuất khẩu từ Kuala Lumpur sang Washington trong năm 2023 đạt 161,3 tỷ ringgit (hơn 34 tỷ USD), là mức cao thứ hai từ trước đến nay. Vào ngày 2/5/2024, tập đoàn công nghệ Microsoft đã thông báo sẽ đầu tư 2,2 tỷ USD trong vòng bốn năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Malaysia, đây là khoản đầu tư lớn nhất mà tập đoàn từng đổ vào quốc gia Đông Nam Á này.    

Vào tháng 6, để xóa đi những nghi ngờ về việc Malaysia đang xích lại gần với Trung Quốc, Thủ tướng Anwar khẳng định Malaysia không chọn phe giữa các siêu cường, ông cũng phản pháo rằng việc nghi ngờ Kuala Lumpur nghiêng về bên này nhiều hơn bên kia là một “sự hiểu lầm trắng trợn” (gross misperception). 

Động thái xin gia nhập BRICS cũng có thể là “bước chạy đà” cần thiết để Malaysia xây dựng danh tiếng và uy tín đối ngoại của mình, hướng tới trọng trách quan trọng sắp tới là đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2025. Với lập trường trung lập như Thủ tướng Anwar đã khẳng định trong phát biểu hồi tháng 6, Malaysia có thể kêu gọi sự gắn kết của các quốc gia ASEAN, từ đó tạo tiền đề thúc đẩy vai trò trung tâm của tổ chức trong việc giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống trong khu vực (như lương thực, biến đổi khí hậu, an ninh mạng) và an ninh truyền thống (Biển Đông, Myanmar), đồng thời đưa ASEAN hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Tuy nhiên, Kuala Lumpur sẽ phải nỗ lực rất nhiều để ghi dấu ấn trong việc giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống, vì tình hình Biển Đông và Myanmar thường xuyên diễn biến phức tạp, với căng thẳng kéo dài trong nhiều năm qua, nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp nào đủ sức tạo đột phá. 

Tóm lại, mong muốn gia nhập BRICS của Malaysia dựa trên nhiều tính toán chiến lược, nổi bật là các cân nhắc lợi ích về kinh tế, ngoại giao và chính trị trong nước. Dù dựa trên lợi ích quốc gia nhưng những mục tiêu này gây nghi ngại rằng Kuala Lumpur đang “ngả về” Trung Quốc. Tuy vậy, nhiều khả năng là quốc gia Đông Nam Á này vẫn sẽ duy trì chính sách đối ngoại trung lập, và áp dụng định hướng trên vào việc chèo lái ASEAN trong năm 2025. 

Ghi chú của VSF: Độc giả có thể tham khảo các đường hướng chính sách của Malaysia khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2025 trong bài “Malaysia sẽ làm gì trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2025?” (tác giả: Võ Trường An).

Từ khoá: Malaysia BRICS Đông Nam Á ASEAN

BÀI LIÊN QUAN