Chính trị - Ngoại giao   01/09/2023

Vì sao Việt Nam nên nâng cấp quan hệ với Nhật Bản lên “đối tác chiến lược toàn diện”?

Nâng cấp quan hệ với Nhật Bản lên “đối tác chiến lược toàn diện” giúp khẳng định tầm quan trọng về vị thế và vai trò của Tokyo đối với Việt Nam.

Tim Phan

01/09/2023
Image
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida - (C): Vietnam Strategic Forum/Prime Minister's Office of Japan

Nhìn chung, Việt Nam vẫn kiên trì “đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại” và nỗ lực cân bằng quan hệ với các cường quốc. Song, những sự kiện gần đây cho thấy Hà Nội đang có những điều chỉnh trong quan điểm về “đối tác”, nhất là khi cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, môi trường an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bất định hơn, và các cơ chế đa phương bộc lộ nhiều hạn chế.

Khác với hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, khi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam giới hạn ở ba đối tác vừa chủ chốt vừa truyền thống là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, giờ đây Hà Nội đang chủ động phát triển quan hệ song phương ở mức cao nhất trong cấp độ quan hệ ngoại giao. Vào cuối năm 2022, Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hàn Quốc lên đối tác chiến lược toàn diện; trong khi đó, Hà Nội đang thảo luận về việc nâng cấp quan hệ với Australia, Singapore và có thể nâng cấp quan hệ với Mỹ trong chuyến thăm sắp tới (ngày 9 và 10/9/2023) của Tổng thống Joe Biden.

Trong bối cảnh đó, khả năng nâng cấp quan hệ Việt - Nhật lên “đối tác chiến lược toàn diện” cũng được bàn luận rộng rãi. Thực tế, lãnh đạo Việt Nam và Nhật Bản đã bày tỏ mong muốn đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Nhóm các nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới (G7) ở thành phố Hiroshima hồi tháng 5, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida chia sẻ quan điểm về việc “nâng cấp quan hệ song phương lên tầm cao mới”. Trước đó, trong cuộc hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Kishida vào tháng 2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn đưa quan hệ Việt - Nhật phát triển hơn nữa và “nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên một tầm cao mới trong 50 năm tới”.

Tính chất của quan hệ Việt - Nhật

Việt Nam và Nhật Bản có lịch sử tương tác từ rất sớm và có nhiều nét tương đồng về văn hóa. Mối “nhân duyên” giữa hai nước được cho là khởi đầu từ khi tăng sĩ Chămpa Phật Triết đến Nhật Bản truyền đạo vào giữa thế kỷ thứ VIII. Giao lưu thương mại giữa hai nước cũng phát triển mạnh vào thế kỷ XVI và XVII tại thương cảng Hội An (Quảng Nam ngày nay) và Phố Hiến (Hưng Yên ngày nay). Phong trào Đông Du vào đầu thế kỷ XX cũng là minh chứng cho sự trao đổi văn hóa giữa hai nước. Những tương tác ban đầu này tạo cơ sở cho sự phát triển của quan hệ song phương trong thời hiện đại.

Đáng chú ý, quan hệ Việt - Nhật không bị ám ảnh bởi những vấn đề lịch sử xảy ra trong quá khứ. Khác với nhận thức về Trung Quốc và Hàn Quốc, người dân Việt Nam không để những ký ức thời kỳ quân đội Nhật Bản xâm lược Việt Nam trong thập niên 40 của thế kỷ trước làm rào cản cho sự phát triển của quan hệ. Bên cạnh đó, nhân dân Việt Nam yêu mến và ngưỡng mộ Nhật Bản, cả trên phương diện quốc gia và con người. Trong mắt người Việt Nam, Nhật Bản kiên cường, sáng tạo và uy tín, còn người dân quốc gia này thì chăm chỉ, dễ mến và thật thà. Việt Nam cũng coi sự phát triển của Nhật Bản, đặc biệt là từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, là hình mẫu để học hỏi.

Dù có những khác biệt về hệ thống chính trị và trình độ phát triển nhưng quan hệ Việt - Nhật, đặc biệt kể từ năm 1992, ngày càng gắn kết và không ngừng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Các chuyên gia nhận định mối quan hệ này trong hai thập niên gần đây “không tồn đọng vấn đề” (problem-free). Việt Nam coi Nhật Bản là “đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu và lâu dài”. Cựu Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho rằng Hà Nội và Tokyo là “đồng minh tự nhiên” của nhau. Nhật Bản là nước đầu tiên trong G7 nối lại Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) cho Việt Nam vào năm 1992, là nước phát triển đầu tiên công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam vào năm 2011, là nước chủ nhà G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng vào năm 2016 (và lần thứ hai là vào năm 2023). 

Hà Nội quan tâm đặc biệt tới việc thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật. Quan hệ hai nước được nhanh chóng nâng cấp từ “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á” (năm 2009) lên quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á” (năm 2014). Về lý thuyết, khuôn khổ quan hệ đối tác của Việt Nam được chia theo ba cấp, từ thấp tới cao, là (1) quan hệ đối tác toàn diện; (2) quan hệ đối tác chiến lược; và (3) quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Dựa vào xếp hạng này, quan hệ hiện nay giữa Việt Nam và Nhật Bản cao hơn quan hệ đối tác chiến lược mà Việt Nam đang có với Australia và Singapore; thậm chí là cao hơn so với quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ, nhưng lại thấp hơn mức quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đây là một điểm khá đặc biệt trong ứng xử ngoại giao của Hà Nội với Tokyo.

Vì sao cần nâng cấp quan hệ Việt - Nhật?

Trong quá khứ, Việt Nam có vẻ dè dặt trước việc nâng cấp quan hệ với Nhật Bản lên mức cao nhất, một phần là do mối quan ngại từ phản ứng của Trung Quốc - đối tác thương mại hàng đầu và quốc gia “anh em chủ nghĩa xã hội” của Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần một thập niên, quan hệ Việt - Nhật ngày càng đi vào thực chất, mở rộng trên tất cả các lĩnh vực. Trên thực tế, quan hệ hai nước đã chạm mức “đối tác chiến lược toàn diện”. Hơn nữa, sự “trỗi dậy” của Trung Quốc cùng những hành động khiêu khích của cường quốc này ở Biển Đông đang đe dọa chủ quyền của Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần nâng cấp quan hệ với Nhật Bản để “cân bằng” với Trung Quốc, bởi: 

Thứ nhất, quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước ngày càng trưởng thành, sự tin cậy cũng gia tăng qua các chuyến thăm và tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo và quan chức hai nước. Hầu như các lãnh đạo của Việt Nam và Nhật Bản đều tiến hành công du đến mỗi nước ngay sau khi nhậm chức. Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chọn Việt Nam làm địa điểm công du nước ngoài đầu tiên sau khi ông trở lại làm thủ tướng vào năm 2013. Tương tự, cựu Thủ tướng Yoshihide Suga cũng chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên của mình. Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Nhật Bản sau khi ông Kishida đắc cử thủ tướng vào năm 2021. Ngoại giao nghị viện cũng sôi động không kém với các chuyến thăm, trao đổi lẫn nhau giữa các nhà lập pháp hai nước, đặc biệt là Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản với Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam. Thúc đẩy ngoại giao nghị viện góp phần đưa quan hệ  Việt - Nhật phát triển đa dạng, toàn diện và thực chất hơn.

Thứ hai, Nhật Bản là đối tác quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trên cả ba trụ cột: thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ. Tokyo hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hà Nội (sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc), với kim ngạch thương mại song phương trong năm 2022 chạm ngưỡng gần 50 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 24,2 tỷ USD, tăng 20,4% so với năm ngoái, trong khi nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 23,4 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại song phương là tương đối cân bằng. 

Về đầu tư, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ ba của Việt Nam (sau Hàn Quốc và Singapore). Lũy kế đến hết tháng 8/2023, Nhật Bản có 5.168 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 71 tỷ USD. Bên cạnh đó, Nhật Bản là quốc gia cung cấp viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam kể từ khi Tokyo nối lại viện trợ vào năm 1992. Nhật Bản đã viện trợ khoảng 29,3 tỷ USD, chiếm trên 30% viện trợ phát triển song phương dành cho Việt Nam. Vào tháng 7/2023, hai nước ký kết 3 thỏa thuận vay ODA thế hệ mới, trong đó Nhật Bản cung cấp khoản vay ODA tổng giá trị hơn 60 tỷ yên (khoảng 442 triệu USD) cho Việt Nam. Nguồn viện trợ này góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam, cụ thể là hỗ trợ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, đào tạo nguồn nhân lực cũng như gián tiếp góp phần giảm tỷ lệ nghèo đói ở Việt Nam. 

Thứ ba, Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược. Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP) của Nhật Bản tương đối phù hợp với các lợi ích địa chính trị của Việt Nam. Thủ tướng Kishida khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng giúp Nhật Bản đạt được FOIP, nhất là góp phần thực hiện mục tiêu duy trì ổn định, hòa bình và thịnh vượng khu vực; đảm bảo tự do hàng hải và hàng không; thượng tôn pháp luật. Trong Kế hoạch mới cho một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” (New Plan for a “Free and Open Indo-Pacific) được Nhật bản công bố hồi tháng 4/2023, có nhiều nguyên tắc mà Việt Nam có thể tăng cường hợp tác với Nhật Bản, chẳng hạn như kiến tạo một trật tự kinh tế tự do và công bằng, không có sự cưỡng ép; hợp tác trong các lĩnh vực phi truyền thống; nỗ lực đảm bảo an ninh và sử dụng an toàn từ vùng biển đến vùng trời. 

Hơn hết, hai nước chia sẻ tầm nhìn về một khu vực hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không. Điều này từng được Cố Thủ tướng Abe khẳng định: “Dòng sông Hồng hùng vĩ chảy xuyên suốt qua Hà Nội hướng ra biển Đông tới biển Hoa Đông rồi nối dòng với vịnh Tokyo. Không gì có thể ngăn nổi tự do qua lại trên dòng chảy này. Nhật Bản và Việt Nam là hai nước láng giềng được gắn kết bởi vùng biển tự do”. Lãnh đạo hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tầm nhìn trên cũng như kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và tuân thủ luật pháp quốc tế. Việc Hà Nội và Tokyo đối mặt với áp lực quân sự không ngừng gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông đã khiến tầm nhìn trên quan trọng hơn bao giờ hết và là chất keo kết dính quan hệ hai nước. 

Trước tham vọng bá quyền khu vực và âm mưu độc chiếm Biển Đông qua những hành vi quân sự hung hăng của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp, hợp tác chiến lược Việt - Nhật ngày càng được tăng cường. Từ năm 2011, quan hệ an ninh - quốc phòng giữa hai nước đi vào thực chất với hàng loạt các tài liệu chiến lược, sáng kiến, cơ chế hợp tác ra đời như Bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi quốc phòng song phương (tháng 10/2011), Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng hướng tới thập niên tiếp theo (tháng 4/2018), Đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng (từ năm 2012), Đối thoại an ninh chiến lược cấp thứ trưởng (từ năm 2013)...

Tokyo nổi lên như một đối tác tiềm năng trong việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực hàng hải và năng lực thực thi pháp luật trên biển nhằm đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông. Năm 2014, ngay sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế (ADIZ) của Việt Nam, Nhật Bản thông báo cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra đã qua sử dụng cùng các thiết bị bảo đảm an ninh trên biển cho quốc gia này. Năm 2020, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Việt Nam ký kết thỏa thuận vốn vay ODA trị giá gần 345 triệu USD để cung cấp cho Hà Nội 6 tàu tuần tra mới. Đây là thỏa thuận “tàu tuần tra hàng hải” đầu tiên giữa Việt Nam và Nhật Bản. Vào tháng 9/2021, hai nước ký kết “Thỏa thuận chuyển giao trang bị, công nghệ quốc phòng”, thiết lập nền tảng pháp lý cho việc tăng cường hợp tác quốc phòng trong tương lai. Ngoài ra, Tokyo cũng thúc đẩy chương trình hỗ trợ an ninh chính thức (official security assistance - OSA) tới “các quốc gia cùng chí hướng” (like-minded countries), bao gồm Việt Nam, thông qua việc cung cấp các thiết bị quốc phòng như hệ thống liên lạc vệ tinh, thiết bị radar và tàu tuần tra.

Thứ tư, năm 2023 đánh dấu 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023). Trong khi đó, năm 2024 là kỷ niệm 10 năm quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á”. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để các lãnh đạo Việt Nam và Nhật Bản thẳng thắn và nghiêm túc trao đổi khả năng nâng cấp quan hệ. Việc tận dụng “thời điểm vàng” này sẽ giúp Việt Nam dễ dàng đưa ra lý do chính đáng để giải thích với các cường quốc (đặc biệt là Trung Quốc) về ý định của mình. Trong khi đó, bỏ lỡ cơ hội nâng cấp lần này có thể tạo ra những hiểu lầm không cần thiết trong quan hệ ngoại giao hai nước.  

Cuối cùng, nâng cấp quan hệ với Nhật Bản (và một số quốc gia chung chí hướng) không những phù hợp với đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ ngoại giao và tư duy “không chọn phe” của Việt Nam mà còn cho thấy sự chủ động và tích cực của Hà Nội trong việc theo đuổi chính sách ngoại giao tự chủ và độc lập. Về phần mình, Nhật Bản cũng có thể tăng cường tiếng nói và vị thế tại khu vực. Những yếu tố này là chất xúc tác giúp gắn kết quan hệ song phương. 

Tóm lại, Việt Nam cần sớm nâng cấp quan hệ với Nhật Bản giữa bối cảnh lợi ích hai nước đang ngày càng song trùng. Nâng cấp quan hệ với Nhật Bản cũng giúp Việt Nam tận dụng xung lực trong khuôn khổ ngoại giao mới để thu hút thương mại và đầu tư từ phía Tokyo, đặc biệt trong bối cảnh Nhật Bản đang thúc đẩy chiến lược “Trung Quốc +1” (China Plus One Strategy) nhằm dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc đến các quốc gia lân cận. Quan trọng không kém, việc nâng cấp quan hệ với Nhật Bản và một số quốc gia quan trọng (như Mỹ, Australia, Singapore) gửi đi tín hiệu rằng Việt Nam có khả năng tự chủ trong đối ngoại và có thể “cân bằng mềm” trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đang phức tạp.

Nhìn chung, Việt Nam vẫn kiên trì “đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại” và nỗ lực cân bằng quan hệ với các cường quốc. Song, những sự kiện gần đây cho thấy Hà Nội đang có những điều chỉnh trong quan điểm về “đối tác”, nhất là khi cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, môi trường an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bất định hơn, và các cơ chế đa phương bộc lộ nhiều hạn chế.

Khác với hai thập niên đầu của thế kỷ XXI, khi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam giới hạn ở ba đối tác vừa chủ chốt vừa truyền thống là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, giờ đây Hà Nội đang chủ động phát triển quan hệ song phương ở mức cao nhất trong cấp độ quan hệ ngoại giao. Vào cuối năm 2022, Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hàn Quốc lên đối tác chiến lược toàn diện; trong khi đó, Hà Nội đang thảo luận về việc nâng cấp quan hệ với Australia, Singapore và có thể nâng cấp quan hệ với Mỹ trong chuyến thăm sắp tới (ngày 9 và 10/9/2023) của Tổng thống Joe Biden.

Trong bối cảnh đó, khả năng nâng cấp quan hệ Việt - Nhật lên “đối tác chiến lược toàn diện” cũng được bàn luận rộng rãi. Thực tế, lãnh đạo Việt Nam và Nhật Bản đã bày tỏ mong muốn đưa quan hệ song phương lên một tầm cao mới. Tại Hội nghị Thượng đỉnh của Nhóm các nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới (G7) ở thành phố Hiroshima hồi tháng 5, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida chia sẻ quan điểm về việc “nâng cấp quan hệ song phương lên tầm cao mới”. Trước đó, trong cuộc hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Kishida vào tháng 2, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn đưa quan hệ Việt - Nhật phát triển hơn nữa và “nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên một tầm cao mới trong 50 năm tới”.

Tính chất của quan hệ Việt - Nhật

Việt Nam và Nhật Bản có lịch sử tương tác từ rất sớm và có nhiều nét tương đồng về văn hóa. Mối “nhân duyên” giữa hai nước được cho là khởi đầu từ khi tăng sĩ Chămpa Phật Triết đến Nhật Bản truyền đạo vào giữa thế kỷ thứ VIII. Giao lưu thương mại giữa hai nước cũng phát triển mạnh vào thế kỷ XVI và XVII tại thương cảng Hội An (Quảng Nam ngày nay) và Phố Hiến (Hưng Yên ngày nay). Phong trào Đông Du vào đầu thế kỷ XX cũng là minh chứng cho sự trao đổi văn hóa giữa hai nước. Những tương tác ban đầu này tạo cơ sở cho sự phát triển của quan hệ song phương trong thời hiện đại.

Đáng chú ý, quan hệ Việt - Nhật không bị ám ảnh bởi những vấn đề lịch sử xảy ra trong quá khứ. Khác với nhận thức về Trung Quốc và Hàn Quốc, người dân Việt Nam không để những ký ức thời kỳ quân đội Nhật Bản xâm lược Việt Nam trong thập niên 40 của thế kỷ trước làm rào cản cho sự phát triển của quan hệ. Bên cạnh đó, nhân dân Việt Nam yêu mến và ngưỡng mộ Nhật Bản, cả trên phương diện quốc gia và con người. Trong mắt người Việt Nam, Nhật Bản kiên cường, sáng tạo và uy tín, còn người dân quốc gia này thì chăm chỉ, dễ mến và thật thà. Việt Nam cũng coi sự phát triển của Nhật Bản, đặc biệt là từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, là hình mẫu để học hỏi.

Dù có những khác biệt về hệ thống chính trị và trình độ phát triển nhưng quan hệ Việt - Nhật, đặc biệt kể từ năm 1992, ngày càng gắn kết và không ngừng được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Các chuyên gia nhận định mối quan hệ này trong hai thập niên gần đây “không tồn đọng vấn đề” (problem-free). Việt Nam coi Nhật Bản là “đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu và lâu dài”. Cựu Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho rằng Hà Nội và Tokyo là “đồng minh tự nhiên” của nhau. Nhật Bản là nước đầu tiên trong G7 nối lại Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) cho Việt Nam vào năm 1992, là nước phát triển đầu tiên công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam vào năm 2011, là nước chủ nhà G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng vào năm 2016 (và lần thứ hai là vào năm 2023). 

Hà Nội quan tâm đặc biệt tới việc thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật. Quan hệ hai nước được nhanh chóng nâng cấp từ “Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á” (năm 2009) lên quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á” (năm 2014). Về lý thuyết, khuôn khổ quan hệ đối tác của Việt Nam được chia theo ba cấp, từ thấp tới cao, là (1) quan hệ đối tác toàn diện; (2) quan hệ đối tác chiến lược; và (3) quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Dựa vào xếp hạng này, quan hệ hiện nay giữa Việt Nam và Nhật Bản cao hơn quan hệ đối tác chiến lược mà Việt Nam đang có với Australia và Singapore; thậm chí là cao hơn so với quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ, nhưng lại thấp hơn mức quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đây là một điểm khá đặc biệt trong ứng xử ngoại giao của Hà Nội với Tokyo.

Vì sao cần nâng cấp quan hệ Việt - Nhật?

Trong quá khứ, Việt Nam có vẻ dè dặt trước việc nâng cấp quan hệ với Nhật Bản lên mức cao nhất, một phần là do mối quan ngại từ phản ứng của Trung Quốc - đối tác thương mại hàng đầu và quốc gia “anh em chủ nghĩa xã hội” của Việt Nam. Tuy nhiên, sau gần một thập niên, quan hệ Việt - Nhật ngày càng đi vào thực chất, mở rộng trên tất cả các lĩnh vực. Trên thực tế, quan hệ hai nước đã chạm mức “đối tác chiến lược toàn diện”. Hơn nữa, sự “trỗi dậy” của Trung Quốc cùng những hành động khiêu khích của cường quốc này ở Biển Đông đang đe dọa chủ quyền của Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần nâng cấp quan hệ với Nhật Bản để “cân bằng” với Trung Quốc, bởi: 

Thứ nhất, quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước ngày càng trưởng thành, sự tin cậy cũng gia tăng qua các chuyến thăm và tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo và quan chức hai nước. Hầu như các lãnh đạo của Việt Nam và Nhật Bản đều tiến hành công du đến mỗi nước ngay sau khi nhậm chức. Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chọn Việt Nam làm địa điểm công du nước ngoài đầu tiên sau khi ông trở lại làm thủ tướng vào năm 2013. Tương tự, cựu Thủ tướng Yoshihide Suga cũng chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên của mình. Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Nhật Bản sau khi ông Kishida đắc cử thủ tướng vào năm 2021. Ngoại giao nghị viện cũng sôi động không kém với các chuyến thăm, trao đổi lẫn nhau giữa các nhà lập pháp hai nước, đặc biệt là Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản với Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam. Thúc đẩy ngoại giao nghị viện góp phần đưa quan hệ  Việt - Nhật phát triển đa dạng, toàn diện và thực chất hơn.

Thứ hai, Nhật Bản là đối tác quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam trên cả ba trụ cột: thương mại, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ. Tokyo hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hà Nội (sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc), với kim ngạch thương mại song phương trong năm 2022 chạm ngưỡng gần 50 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 24,2 tỷ USD, tăng 20,4% so với năm ngoái, trong khi nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 23,4 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại song phương là tương đối cân bằng. 

Về đầu tư, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ ba của Việt Nam (sau Hàn Quốc và Singapore). Lũy kế đến hết tháng 8/2023, Nhật Bản có 5.168 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 71 tỷ USD. Bên cạnh đó, Nhật Bản là quốc gia cung cấp viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam kể từ khi Tokyo nối lại viện trợ vào năm 1992. Nhật Bản đã viện trợ khoảng 29,3 tỷ USD, chiếm trên 30% viện trợ phát triển song phương dành cho Việt Nam. Vào tháng 7/2023, hai nước ký kết 3 thỏa thuận vay ODA thế hệ mới, trong đó Nhật Bản cung cấp khoản vay ODA tổng giá trị hơn 60 tỷ yên (khoảng 442 triệu USD) cho Việt Nam. Nguồn viện trợ này góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam, cụ thể là hỗ trợ xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, đào tạo nguồn nhân lực cũng như gián tiếp góp phần giảm tỷ lệ nghèo đói ở Việt Nam. 

Thứ ba, Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược. Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP) của Nhật Bản tương đối phù hợp với các lợi ích địa chính trị của Việt Nam. Thủ tướng Kishida khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng giúp Nhật Bản đạt được FOIP, nhất là góp phần thực hiện mục tiêu duy trì ổn định, hòa bình và thịnh vượng khu vực; đảm bảo tự do hàng hải và hàng không; thượng tôn pháp luật. Trong Kế hoạch mới cho một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” (New Plan for a “Free and Open Indo-Pacific) được Nhật bản công bố hồi tháng 4/2023, có nhiều nguyên tắc mà Việt Nam có thể tăng cường hợp tác với Nhật Bản, chẳng hạn như kiến tạo một trật tự kinh tế tự do và công bằng, không có sự cưỡng ép; hợp tác trong các lĩnh vực phi truyền thống; nỗ lực đảm bảo an ninh và sử dụng an toàn từ vùng biển đến vùng trời. 

Hơn hết, hai nước chia sẻ tầm nhìn về một khu vực hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không. Điều này từng được Cố Thủ tướng Abe khẳng định: “Dòng sông Hồng hùng vĩ chảy xuyên suốt qua Hà Nội hướng ra biển Đông tới biển Hoa Đông rồi nối dòng với vịnh Tokyo. Không gì có thể ngăn nổi tự do qua lại trên dòng chảy này. Nhật Bản và Việt Nam là hai nước láng giềng được gắn kết bởi vùng biển tự do”. Lãnh đạo hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tầm nhìn trên cũng như kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và tuân thủ luật pháp quốc tế. Việc Hà Nội và Tokyo đối mặt với áp lực quân sự không ngừng gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông đã khiến tầm nhìn trên quan trọng hơn bao giờ hết và là chất keo kết dính quan hệ hai nước. 

Trước tham vọng bá quyền khu vực và âm mưu độc chiếm Biển Đông qua những hành vi quân sự hung hăng của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp, hợp tác chiến lược Việt - Nhật ngày càng được tăng cường. Từ năm 2011, quan hệ an ninh - quốc phòng giữa hai nước đi vào thực chất với hàng loạt các tài liệu chiến lược, sáng kiến, cơ chế hợp tác ra đời như Bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi quốc phòng song phương (tháng 10/2011), Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng hướng tới thập niên tiếp theo (tháng 4/2018), Đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng (từ năm 2012), Đối thoại an ninh chiến lược cấp thứ trưởng (từ năm 2013)...

Tokyo nổi lên như một đối tác tiềm năng trong việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực hàng hải và năng lực thực thi pháp luật trên biển nhằm đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông. Năm 2014, ngay sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế (ADIZ) của Việt Nam, Nhật Bản thông báo cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra đã qua sử dụng cùng các thiết bị bảo đảm an ninh trên biển cho quốc gia này. Năm 2020, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Việt Nam ký kết thỏa thuận vốn vay ODA trị giá gần 345 triệu USD để cung cấp cho Hà Nội 6 tàu tuần tra mới. Đây là thỏa thuận “tàu tuần tra hàng hải” đầu tiên giữa Việt Nam và Nhật Bản. Vào tháng 9/2021, hai nước ký kết “Thỏa thuận chuyển giao trang bị, công nghệ quốc phòng”, thiết lập nền tảng pháp lý cho việc tăng cường hợp tác quốc phòng trong tương lai. Ngoài ra, Tokyo cũng thúc đẩy chương trình hỗ trợ an ninh chính thức (official security assistance - OSA) tới “các quốc gia cùng chí hướng” (like-minded countries), bao gồm Việt Nam, thông qua việc cung cấp các thiết bị quốc phòng như hệ thống liên lạc vệ tinh, thiết bị radar và tàu tuần tra.

Thứ tư, năm 2023 đánh dấu 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2023). Trong khi đó, năm 2024 là kỷ niệm 10 năm quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á”. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để các lãnh đạo Việt Nam và Nhật Bản thẳng thắn và nghiêm túc trao đổi khả năng nâng cấp quan hệ. Việc tận dụng “thời điểm vàng” này sẽ giúp Việt Nam dễ dàng đưa ra lý do chính đáng để giải thích với các cường quốc (đặc biệt là Trung Quốc) về ý định của mình. Trong khi đó, bỏ lỡ cơ hội nâng cấp lần này có thể tạo ra những hiểu lầm không cần thiết trong quan hệ ngoại giao hai nước.  

Cuối cùng, nâng cấp quan hệ với Nhật Bản (và một số quốc gia chung chí hướng) không những phù hợp với đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ ngoại giao và tư duy “không chọn phe” của Việt Nam mà còn cho thấy sự chủ động và tích cực của Hà Nội trong việc theo đuổi chính sách ngoại giao tự chủ và độc lập. Về phần mình, Nhật Bản cũng có thể tăng cường tiếng nói và vị thế tại khu vực. Những yếu tố này là chất xúc tác giúp gắn kết quan hệ song phương. 

Tóm lại, Việt Nam cần sớm nâng cấp quan hệ với Nhật Bản giữa bối cảnh lợi ích hai nước đang ngày càng song trùng. Nâng cấp quan hệ với Nhật Bản cũng giúp Việt Nam tận dụng xung lực trong khuôn khổ ngoại giao mới để thu hút thương mại và đầu tư từ phía Tokyo, đặc biệt trong bối cảnh Nhật Bản đang thúc đẩy chiến lược “Trung Quốc +1” (China Plus One Strategy) nhằm dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc đến các quốc gia lân cận. Quan trọng không kém, việc nâng cấp quan hệ với Nhật Bản và một số quốc gia quan trọng (như Mỹ, Australia, Singapore) gửi đi tín hiệu rằng Việt Nam có khả năng tự chủ trong đối ngoại và có thể “cân bằng mềm” trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đang phức tạp.

Từ khoá: quan hệ Việt - Nhật đối tác chiến lược toàn diện nâng cấp quan hệ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hợp tác cường quốc tầm trung

BÀI LIÊN QUAN