Kinh tế
17 PHÚT ĐỌC

Việt Nam cần cải cách toàn diện về chính sách thuế thu nhập cá nhân

Thuế thu nhập cá nhân lỗi thời làm biến dạng nghĩa vụ thuế, khoét sâu bất bình đẳng, và âm thầm tích tụ bất ổn xã hội.

Trần Anh Tùng 23/04/2025
Image
Thuế thu nhập cá nhân lỗi thời làm biến dạng nghĩa vụ thuế, khoét sâu bất bình đẳng, và âm thầm tích tụ bất ổn xã hội. (C): Internet

Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình một hệ thống thuế trực thu phù hợp với chủ trương “đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả” của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều quy định trong luật – đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh – đã trở nên lạc hậu, không còn tương thích với thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam hiện đại. Nhu cầu điều chỉnh luật càng trở nên cấp thiết khi tốc độ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng, trong khi người dân đối mặt với áp lực chi phí sinh hoạt leo thang và những đòi hỏi cao hơn về mức sống tối thiểu.

Lạc hậu và cứng nhắc

Theo quy định tại khoản 1, Điều 19 của Luật Thuế TNCN (sửa đổi năm 2020), mức giảm trừ gia cảnh hiện hành là 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc. Mức này được áp dụng từ tháng 7/2020 và đã giữ nguyên suốt hơn 4 năm cho đến thời điểm tháng 4/2025. Trong khi đó, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong giai đoạn 2020-2024 tăng bình quân 3,5–4% mỗi năm, tương đương mức tăng lũy kế khoảng 15–20%. Điều này đồng nghĩa với việc mức giảm trừ gia cảnh đã bị lạm phát bào mòn đáng kể, làm suy giảm giá trị thực của khoản giảm trừ, và khiến nghĩa vụ thuế trở nên nặng nề hơn, đặc biệt đối với người nộp thuế có thu nhập trung bình tại các đô thị lớn.

Một phân tích thực tiễn cho thấy, với mức lương 15 triệu đồng/tháng tại các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) hoặc Hà Nội, sau khi trừ đi 11 triệu đồng giảm trừ bản thân và 4,4 triệu đồng cho một người phụ thuộc, phần thu nhập tính thuế gần như bằng 0. Tuy nhiên, con số này không phản ánh đúng gánh nặng chi tiêu thực tế. Theo dữ liệu trích dẫn trên Báo Tuổi Trẻ từ tác giả Phạm Thị Vân, chi phí sinh hoạt tối thiểu cho một hộ gia đình bốn người tại TP.HCM dao động từ 18 đến 22 triệu đồng/tháng, bao gồm tiền thuê nhà, điện nước, thực phẩm, học hành và y tế. Với một gia đình hai lao động có thu nhập dưới 20 triệu đồng/người/tháng, nghĩa vụ thuế phát sinh từ phần thu nhập vượt mức giảm trừ trở nên thiếu hợp lý, phản ánh sự chậm trễ trong điều chỉnh chính sách thuế so với thực tế đời sống.

Đáng nói, cách thức xác định mức giảm trừ gia cảnh trong luật hiện hành cũng bộc lộ nhiều bất cập. Theo Điều 19, khoản 4 của Luật TNCN, chỉ khi CPI biến động trên 20% thì mức giảm trừ mới được xem xét điều chỉnh. Tuy nhiên, cơ chế “đợi lạm phát trên 20% mới điều chỉnh” không chỉ kém linh hoạt, mà còn đi ngược với nguyên tắc của quản lý thuế hiện đại – vốn đòi hỏi rà soát định kỳ dựa trên chi phí sinh hoạt tối thiểu thực tế. Việc duy trì một ngưỡng cứng như vậy đã khiến mức giảm trừ “đứng yên” trong nhiều năm, trong khi đời sống kinh tế - xã hội lại biến đổi liên tục. Quy định về điều chỉnh mức giảm trừ phản ánh sự bảo thủ và trì trệ trong hoạch định chính sách thuế, và đặt gánh nặng lên vai người nộp thuế thay vì phân bổ hợp lý theo khả năng chi trả.

Không chỉ vậy, hệ thống biểu thuế lũy tiến từng phần hiện nay cũng có nhiều hạn chế khi vẫn giữ nguyên 7 bậc thuế với mức cao nhất là 35% cho thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng – một mức mà rất nhiều lao động cấp cao trong khu vực tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và các chuyên gia công nghệ thường xuyên chạm ngưỡng. Tuy nhiên, biểu thuế này không có điều chỉnh kèm theo các khoản khấu trừ phù hợp như bảo hiểm y tế tự nguyện, chi phí giáo dục – vốn là thực tế phổ biến của người dân đô thị. Cách đánh thuế này trở nên máy móc và thiếu công bằng khi người có cùng mức thu nhập nhưng hoàn cảnh sống rất khác biệt – ví dụ giữa người độc thân và người nuôi hai con nhỏ tại TP.HCM – lại bị đánh thuế gần như tương đương.

So sánh với các quốc gia trong khu vực càng cho thấy sự tụt hậu rõ rệt của chính sách thuế cá nhân tại Việt Nam. Tại Thái Lan, mức giảm trừ cá nhân (cập nhật năm 2023) là 150,000 baht/năm (gần 100 triệu đồng) và 30,000 baht (gần 20 triệu đồng) cho mỗi người phụ thuộc. Quan trọng hơn, hệ thống thuế nước này cũng cho phép khấu trừ nhiều chi phí thiết yếu như bảo hiểm, giáo dục, và chi phí nuôi con dưới 25 tuổi. Singapore thậm chí còn tiến xa hơn khi thiết lập chính sách giảm trừ dựa trên mức sống thực tế của từng nhóm dân cư, với các lựa chọn linh hoạt giữa định mức và chi phí thực tế. Cụ thể, người nộp thuế có thể kê khai chi phí giáo dục nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, chi phí chăm sóc người phụ thuộc (như cha mẹ cao tuổi hay con nhỏ), chi phí gửi trẻ, học phí mầm non, cũng như các khoản đóng góp bắt buộc vào Quỹ Tiết kiệm Trung ương (CPF). Tùy theo từng loại chi phí, cơ quan thuế sẽ cho phép giảm trừ theo trần định mức hoặc theo hóa đơn thực tế nếu người nộp thuế có nhu cầu chứng minh và hưởng mức giảm thuế cao hơn. Cơ chế này vừa giúp tăng tính minh bạch, vừa khuyến khích người dân khai báo đúng, đủ, từ đó củng cố lòng tin vào hệ thống thuế. 

Trở lại Việt Nam, một hệ quả đáng lo ngại từ sự chậm cải cách chính sách giảm trừ gia cảnh là tâm lý bất mãn lan rộng trong tầng lớp trung lưu – lực lượng đóng vai trò then chốt trong sản xuất và phát triển xã hội. Khi nghĩa vụ thuế không còn phản ánh đúng khả năng chi trả, người dân có xu hướng tìm cách lách luật, hoặc né tránh đóng thuế, làm suy giảm hiệu quả thu ngân sách và phá vỡ tính chính danh của hệ thống thuế – vốn là một trụ cột của quản trị công hiện đại.

Một số nghiên cứu gần đây từ Viện Nghiên cứu Tài chính và Bộ Tài chính đã gợi ý mô hình linh hoạt hơn, chẳng hạn áp dụng mức giảm trừ theo vùng địa lý, hoặc định kỳ rà soát mức sống tối thiểu và gắn mức giảm trừ với rổ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu do Tổng cục Thống kê công bố định kỳ. Đây là hướng đi hợp lý vì mức sống giữa các địa phương như Hà Nội, TP.HCM với các tỉnh như Thanh Hóa, Long An, Đắk Lắk có sự chênh lệch khá lớn. Mức giảm trừ cứng như hiện nay không thể phản ánh chính xác khả năng đóng góp thực tế của người dân từng vùng.

Sau cùng, cần nhận thức rằng thuế TNCN không chỉ là công cụ thu ngân sách, mà còn là chính sách điều tiết thu nhập và thể hiện tính công bằng trong phân phối nguồn lực xã hội. Nếu các quy định như mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh kịp thời, thuế sẽ không còn là phương tiện của đồng thuận xã hội, mà trở thành một gánh nặng mang tính cưỡng ép, từ đó làm suy yếu mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân.

Tâm lý bất mãn có thể gây bất ổn xã hội

Nếu tình trạng bất cập trong chính sách thuế TNCN, đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh lỗi thời và biểu thuế lũy tiến không còn tương thích với thực tiễn, tiếp tục kéo dài mà không được điều chỉnh kịp thời, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hệ luỵ trên các phương diện: tài chính công, ổn định xã hội và niềm tin vào thể chế. Những bất ổn này có thể không diễn ra đột ngột hay rầm rộ như một cuộc khủng hoảng, nhưng sẽ âm thầm tích tụ, lan rộng và trở nên trầm trọng theo thời gian nếu không được nhận diện và xử lý một cách khoa học, cẩn trọng và có trách nhiệm.

Trước hết, cần nhìn nhận rằng thuế là một nghĩa vụ tài chính bắt buộc và đồng thời là một  “giao ước xã hội” giữa Nhà nước và công dân. Người dân sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ thuế khi họ cảm thấy khoản tiền đóng góp được sử dụng một cách minh bạch, công bằng và hợp lý. Nói cách khác, nghĩa vụ thuế phải tỷ lệ thuận với năng lực kinh tế của người nộp, và đổi lại, người dân kỳ vọng nhận được những dịch vụ công tương xứng. Khi mức giảm trừ gia cảnh không theo kịp thực tế mức sống và lạm phát, thuế không còn phản ánh đúng khả năng chi trả, khiến người dân dần cảm thấy đây là một gánh nặng phi lý, thay vì là sự đóng góp vì lợi ích chung.

Trong bối cảnh đó, nhóm bị ảnh hưởng đầu tiên là tầng lớp lao động phổ thông, công chức cấp thấp, nhân viên văn phòng – những người có thu nhập ổn định và minh bạch. Nhóm này gần như không có khả năng “giấu thu nhập” hay “lách luật” vì thu nhập thường qua hệ thống chuyển khoản, có mã số thuế và bị khấu trừ tại nguồn. Khi chi phí sinh hoạt leo thang nhưng mức giảm trừ không được điều chỉnh, số tiền thuế họ phải nộp sẽ tăng lên đáng kể, kéo theo cảm giác thiệt thòi vì cho rằng Nhà nước “đánh thuế vào nỗi khổ của người dân”. Điều này dễ dẫn đến tâm lý chán nản, mất động lực làm việc, khi mà phần lớn nỗ lực lao động lại bị “bào mòn” bởi những khoản thuế không còn hợp lý; trong khi đó, những người làm tự do, kinh doanh không chính thức (không đăng ký) lại có thể dễ dàng né tránh nghĩa vụ thuế.

Xu hướng này đã bộc lộ rõ qua dữ liệu thực tế. Theo Báo Nhân Dân (2023), khoảng 47% người lao động dưới 35 tuổi tại TP.HCM và Hà Nội có xu hướng rời bỏ các công việc toàn thời gian và chính thức sang làm tự do hoặc kinh doanh nhỏ không đăng ký. Động cơ chính là để giữ được nhiều thu nhập hơn và giảm thiểu tiếp xúc với cơ quan thuế. Đây là một chỉ dấu đáng báo động vì nó phản ánh sự rạn nứt về niềm tin trong mối quan hệ giữa công dân và Nhà nước – nơi nghĩa vụ thuế không còn được nhìn nhận là trách nhiệm xã hội đi kèm với quyền lợi, mà bị xem như một “sự mất mát”. 

Sự bất mãn của người dân càng gia tăng khi họ chứng kiến một hệ thống hành chính thuế vẫn mang nặng tính cửa quyền, cứng nhắc và chậm cải cách. Trong quá trình đăng ký người phụ thuộc, khai thuế, cập nhật tình trạng hôn nhân hay thay đổi nơi cư trú, người nộp thuế vẫn phải in ấn giấy tờ, nộp bản sao công chứng và xếp hàng tại chi cục thuế địa phương – trong khi ở nhiều quốc gia, quy trình này đã được số hoá và thực hiện hoàn toàn trực tuyến từ nhiều năm trước. Việc thiếu một hệ thống liên thông và cơ chế cập nhật tự động dẫn đến tình trạng nhiều người không thể khai người phụ thuộc hợp lệ chỉ vì “sổ hộ khẩu không còn hợp lệ sau chuyển đổi”, hoặc vì người phụ thuộc sinh sống ở địa phương khác mà không có cách chứng minh phù hợp. Những rào cản phi lý này tạo nên một trải nghiệm hành chính tồi tệ, khiến người dân không chỉ mất niềm tin vào chính sách thuế mà còn bất mãn với một bộ máy quản lý còn cứng nhắc, quan liêu và kém nhân văn.

Về dài hạn, những biến dạng như vậy sẽ khiến thị trường lao động bị phân cực: một bên là nhóm lao động chính thức – ngày càng bị “vắt kiệt” bởi thuế nhưng không được hưởng cơ chế giảm trừ tương xứng; bên còn lại là nhóm lao động phi chính thức – đông đảo, linh hoạt, nhưng khó kiểm soát và không đóng góp cho ngân sách quốc gia. Hệ quả là quy mô khu vực phi chính thức ngày càng mở rộng, trong khi nền tài khóa bị xói mòn do thất thu thuế. Tệ hơn, khi tỷ lệ người dân tránh né nghĩa vụ thuế gia tăng, Nhà nước lại buộc phải tăng cường các biện pháp giám sát, cưỡng chế – tạo nên một vòng luẩn quẩn không cần thiết giữa cơ quan thuế và xã hội dân sự.

Đáng lo hơn, sự bất mãn không chỉ giới hạn ở khía cạnh tài chính, mà còn ăn sâu vào tâm lý xã hội và nhận thức chính trị của người dân. Họ bắt đầu đặt những câu hỏi ngày càng gai góc về tư cách và năng lực của những người xây dựng chính sách: Tại sao một luật quan trọng như thuế TNCN lại không được điều chỉnh suốt nhiều năm, bất chấp sự thay đổi chóng mặt của giá cả và chi phí sinh hoạt? Vì sao người dân nghèo không được “khoan sức”, trong khi các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp lớn vẫn tồn tại? Tại sao một hệ thống thuế được gọi là “lũy tiến công bằng” lại tạo cảm giác bất công sâu sắc hơn bao giờ hết? Những câu hỏi này, nếu không được trả lời bằng cải cách thực chất, có thể dẫn đến một mối nguy nghiêm trọng: sự ly tâm của người dân đối với Nhà nước, khi họ cảm thấy mình không còn được lắng nghe hay bảo vệ.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hệ thống thuế hoàn toàn có thể trở thành mồi lửa cho bất ổn xã hội. Pháp từng chứng kiến làn sóng biểu tình “Áo vàng” năm 2018 sau khi Chính phủ tăng thuế nhiên liệu mà không có chính sách hỗ trợ tương ứng cho người thu nhập thấp. Tại Chile năm 2019, chỉ một đợt tăng giá vé tàu điện ngầm vài cent đã thổi bùng bất mãn tích tụ lâu ngày về bất bình đẳng thu nhập và chi phí sinh hoạt – dẫn đến biểu tình toàn quốc kéo dài hàng tháng. 

Việt Nam lưu ý những trường hợp trên và cần cải thiện chính sách thuế một cách kịp thời và khoa học. Người dân có thể không xuống đường, nhưng họ sẽ phản kháng bằng các hành vi âm thầm nhưng dai dẳng: từ chối tuân thủ nghĩa vụ công dân, tham gia nền kinh tế ngầm, rút khỏi các kênh đóng góp minh bạch, và dần tách mình ra khỏi quỹ đạo phát triển chính thức của quốc gia.

Ngoài ra, việc duy trì một chính sách giảm trừ gia cảnh lạc hậu còn tạo ra áp lực tâm lý không cần thiết đối với tầng lớp trung lưu – lực lượng giữ vai trò then chốt trong ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Khi họ cảm thấy mình vừa bị đánh thuế nặng, vừa phải tự xoay xở với các chi phí thiết yếu như nuôi con, học hành, y tế, nhà ở… họ dễ rơi vào tâm lý “không có gì để mất”. Điều này không chỉ làm xói mòn động lực lao động và sự gắn bó lâu dài với hệ thống chính thức, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần tuân thủ pháp luật nói chung. Một xã hội đánh mất động lực của tầng lớp trung lưu chính là xã hội đang đánh mất nền tảng bền vững cả về kinh tế lẫn chính trị.

***

Nếu những bất cập trong mức giảm trừ gia cảnh và cơ chế quản lý thuế TNCN không được cải cách toàn diện và kịp thời, Việt Nam sẽ phải đối mặt với ba hệ quả nguy hiểm: Thứ nhất, người dân sẽ dần mất động lực làm việc trong khu vực chính thức và có xu hướng chuyển dịch sang nền kinh tế phi chính thức – nơi thu nhập có thể được giữ lại trọn vẹn và không chịu sự giám sát thuế. Xu hướng này làm suy giảm hiệu quả thu ngân sách, gây rối loạn thị trường lao động, phá vỡ các chuẩn mực về bảo hiểm, an sinh và quyền lợi người lao động. Thứ hai, niềm tin vào thể chế sẽ bị xói mòn khi chính sách thuế không còn phản ánh đúng thực tế đời sống, và bộ máy hành chính vẫn vận hành theo lối cứng nhắc, lạc hậu. Người dân sẽ cảm thấy mình bị gạt ra ngoài các ưu tiên của hệ thống – điều rất nguy hiểm trong bối cảnh niềm tin vào Nhà nước là yếu tố cốt lõi bảo đảm ổn định vĩ mô và đoàn kết xã hội. Thứ ba, sự bất mãn trong dân chúng – dù không bộc phát ngay – sẽ âm thầm tích tụ và sau đó lan rộng, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội trong dài hạn. Khi cảm giác bất công và bị bỏ rơi trở thành tâm lý phổ biến, xã hội sẽ đứng trước nguy cơ phân hóa sâu sắc và thiếu sức đề kháng trước các cú sốc chính trị – kinh tế. 

Giải pháp cấp bách là thiết kế lại toàn bộ chính sách thuế TNCN theo hướng minh bạch, linh hoạt, công bằng và nhân văn – bởi đây không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật thuế, mà còn là nền tảng cho ổn định quốc gia. Các cải cách nên được triển khai theo ba giai đoạn: (1) Điều chỉnh ngay mức giảm trừ gia cảnh dựa trên chi phí sinh hoạt đặc thù của từng vùng miền; (2) Sửa đổi biểu thuế và bổ sung cơ chế khấu trừ đối với các khoản chi thiết yếu như giáo dục, y tế, chăm sóc người phụ thuộc; (3) Xây dựng một hệ thống thuế hiện đại, số hóa, có khả năng liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Mục tiêu của các cải cách này là khôi phục công bằng thuế, khuyến khích lao động chính thức và nâng cao hiệu quả quản lý thuế.

Thạc sĩ Trần Anh Tùng là giảng viên Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF), với các nghiên cứu tập trung vào kinh tế chính sách, thương mại, và chiến lược trong chuyển đổi số. Bạn đọc có thể liên hệ tác giả qua địa chỉ email: tungta@uef.edu.vn.

Bạn có hài lòng về bài viết? Đóng góp cho VSF tại đây. Mọi đóng góp tài chính từ quý độc giả đều là nguồn động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục xuất bản những nội dung chất lượng cho cộng đồng.

Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) từng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình một hệ thống thuế trực thu phù hợp với chủ trương “đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả” của Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều quy định trong luật – đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh – đã trở nên lạc hậu, không còn tương thích với thực tiễn của nền kinh tế Việt Nam hiện đại. Nhu cầu điều chỉnh luật càng trở nên cấp thiết khi tốc độ đô thị hóa gia tăng nhanh chóng, trong khi người dân đối mặt với áp lực chi phí sinh hoạt leo thang và những đòi hỏi cao hơn về mức sống tối thiểu.

Lạc hậu và cứng nhắc

Theo quy định tại khoản 1, Điều 19 của Luật Thuế TNCN (sửa đổi năm 2020), mức giảm trừ gia cảnh hiện hành là 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc. Mức này được áp dụng từ tháng 7/2020 và đã giữ nguyên suốt hơn 4 năm cho đến thời điểm tháng 4/2025. Trong khi đó, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong giai đoạn 2020-2024 tăng bình quân 3,5–4% mỗi năm, tương đương mức tăng lũy kế khoảng 15–20%. Điều này đồng nghĩa với việc mức giảm trừ gia cảnh đã bị lạm phát bào mòn đáng kể, làm suy giảm giá trị thực của khoản giảm trừ, và khiến nghĩa vụ thuế trở nên nặng nề hơn, đặc biệt đối với người nộp thuế có thu nhập trung bình tại các đô thị lớn.

Một phân tích thực tiễn cho thấy, với mức lương 15 triệu đồng/tháng tại các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) hoặc Hà Nội, sau khi trừ đi 11 triệu đồng giảm trừ bản thân và 4,4 triệu đồng cho một người phụ thuộc, phần thu nhập tính thuế gần như bằng 0. Tuy nhiên, con số này không phản ánh đúng gánh nặng chi tiêu thực tế. Theo dữ liệu trích dẫn trên Báo Tuổi Trẻ từ tác giả Phạm Thị Vân, chi phí sinh hoạt tối thiểu cho một hộ gia đình bốn người tại TP.HCM dao động từ 18 đến 22 triệu đồng/tháng, bao gồm tiền thuê nhà, điện nước, thực phẩm, học hành và y tế. Với một gia đình hai lao động có thu nhập dưới 20 triệu đồng/người/tháng, nghĩa vụ thuế phát sinh từ phần thu nhập vượt mức giảm trừ trở nên thiếu hợp lý, phản ánh sự chậm trễ trong điều chỉnh chính sách thuế so với thực tế đời sống.

Đáng nói, cách thức xác định mức giảm trừ gia cảnh trong luật hiện hành cũng bộc lộ nhiều bất cập. Theo Điều 19, khoản 4 của Luật TNCN, chỉ khi CPI biến động trên 20% thì mức giảm trừ mới được xem xét điều chỉnh. Tuy nhiên, cơ chế “đợi lạm phát trên 20% mới điều chỉnh” không chỉ kém linh hoạt, mà còn đi ngược với nguyên tắc của quản lý thuế hiện đại – vốn đòi hỏi rà soát định kỳ dựa trên chi phí sinh hoạt tối thiểu thực tế. Việc duy trì một ngưỡng cứng như vậy đã khiến mức giảm trừ “đứng yên” trong nhiều năm, trong khi đời sống kinh tế - xã hội lại biến đổi liên tục. Quy định về điều chỉnh mức giảm trừ phản ánh sự bảo thủ và trì trệ trong hoạch định chính sách thuế, và đặt gánh nặng lên vai người nộp thuế thay vì phân bổ hợp lý theo khả năng chi trả.

Không chỉ vậy, hệ thống biểu thuế lũy tiến từng phần hiện nay cũng có nhiều hạn chế khi vẫn giữ nguyên 7 bậc thuế với mức cao nhất là 35% cho thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng – một mức mà rất nhiều lao động cấp cao trong khu vực tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và các chuyên gia công nghệ thường xuyên chạm ngưỡng. Tuy nhiên, biểu thuế này không có điều chỉnh kèm theo các khoản khấu trừ phù hợp như bảo hiểm y tế tự nguyện, chi phí giáo dục – vốn là thực tế phổ biến của người dân đô thị. Cách đánh thuế này trở nên máy móc và thiếu công bằng khi người có cùng mức thu nhập nhưng hoàn cảnh sống rất khác biệt – ví dụ giữa người độc thân và người nuôi hai con nhỏ tại TP.HCM – lại bị đánh thuế gần như tương đương.

So sánh với các quốc gia trong khu vực càng cho thấy sự tụt hậu rõ rệt của chính sách thuế cá nhân tại Việt Nam. Tại Thái Lan, mức giảm trừ cá nhân (cập nhật năm 2023) là 150,000 baht/năm (gần 100 triệu đồng) và 30,000 baht (gần 20 triệu đồng) cho mỗi người phụ thuộc. Quan trọng hơn, hệ thống thuế nước này cũng cho phép khấu trừ nhiều chi phí thiết yếu như bảo hiểm, giáo dục, và chi phí nuôi con dưới 25 tuổi. Singapore thậm chí còn tiến xa hơn khi thiết lập chính sách giảm trừ dựa trên mức sống thực tế của từng nhóm dân cư, với các lựa chọn linh hoạt giữa định mức và chi phí thực tế. Cụ thể, người nộp thuế có thể kê khai chi phí giáo dục nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, chi phí chăm sóc người phụ thuộc (như cha mẹ cao tuổi hay con nhỏ), chi phí gửi trẻ, học phí mầm non, cũng như các khoản đóng góp bắt buộc vào Quỹ Tiết kiệm Trung ương (CPF). Tùy theo từng loại chi phí, cơ quan thuế sẽ cho phép giảm trừ theo trần định mức hoặc theo hóa đơn thực tế nếu người nộp thuế có nhu cầu chứng minh và hưởng mức giảm thuế cao hơn. Cơ chế này vừa giúp tăng tính minh bạch, vừa khuyến khích người dân khai báo đúng, đủ, từ đó củng cố lòng tin vào hệ thống thuế. 

Trở lại Việt Nam, một hệ quả đáng lo ngại từ sự chậm cải cách chính sách giảm trừ gia cảnh là tâm lý bất mãn lan rộng trong tầng lớp trung lưu – lực lượng đóng vai trò then chốt trong sản xuất và phát triển xã hội. Khi nghĩa vụ thuế không còn phản ánh đúng khả năng chi trả, người dân có xu hướng tìm cách lách luật, hoặc né tránh đóng thuế, làm suy giảm hiệu quả thu ngân sách và phá vỡ tính chính danh của hệ thống thuế – vốn là một trụ cột của quản trị công hiện đại.

Một số nghiên cứu gần đây từ Viện Nghiên cứu Tài chính và Bộ Tài chính đã gợi ý mô hình linh hoạt hơn, chẳng hạn áp dụng mức giảm trừ theo vùng địa lý, hoặc định kỳ rà soát mức sống tối thiểu và gắn mức giảm trừ với rổ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu do Tổng cục Thống kê công bố định kỳ. Đây là hướng đi hợp lý vì mức sống giữa các địa phương như Hà Nội, TP.HCM với các tỉnh như Thanh Hóa, Long An, Đắk Lắk có sự chênh lệch khá lớn. Mức giảm trừ cứng như hiện nay không thể phản ánh chính xác khả năng đóng góp thực tế của người dân từng vùng.

Sau cùng, cần nhận thức rằng thuế TNCN không chỉ là công cụ thu ngân sách, mà còn là chính sách điều tiết thu nhập và thể hiện tính công bằng trong phân phối nguồn lực xã hội. Nếu các quy định như mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh kịp thời, thuế sẽ không còn là phương tiện của đồng thuận xã hội, mà trở thành một gánh nặng mang tính cưỡng ép, từ đó làm suy yếu mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân.

Tâm lý bất mãn có thể gây bất ổn xã hội

Nếu tình trạng bất cập trong chính sách thuế TNCN, đặc biệt là mức giảm trừ gia cảnh lỗi thời và biểu thuế lũy tiến không còn tương thích với thực tiễn, tiếp tục kéo dài mà không được điều chỉnh kịp thời, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hệ luỵ trên các phương diện: tài chính công, ổn định xã hội và niềm tin vào thể chế. Những bất ổn này có thể không diễn ra đột ngột hay rầm rộ như một cuộc khủng hoảng, nhưng sẽ âm thầm tích tụ, lan rộng và trở nên trầm trọng theo thời gian nếu không được nhận diện và xử lý một cách khoa học, cẩn trọng và có trách nhiệm.

Trước hết, cần nhìn nhận rằng thuế là một nghĩa vụ tài chính bắt buộc và đồng thời là một  “giao ước xã hội” giữa Nhà nước và công dân. Người dân sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ thuế khi họ cảm thấy khoản tiền đóng góp được sử dụng một cách minh bạch, công bằng và hợp lý. Nói cách khác, nghĩa vụ thuế phải tỷ lệ thuận với năng lực kinh tế của người nộp, và đổi lại, người dân kỳ vọng nhận được những dịch vụ công tương xứng. Khi mức giảm trừ gia cảnh không theo kịp thực tế mức sống và lạm phát, thuế không còn phản ánh đúng khả năng chi trả, khiến người dân dần cảm thấy đây là một gánh nặng phi lý, thay vì là sự đóng góp vì lợi ích chung.

Trong bối cảnh đó, nhóm bị ảnh hưởng đầu tiên là tầng lớp lao động phổ thông, công chức cấp thấp, nhân viên văn phòng – những người có thu nhập ổn định và minh bạch. Nhóm này gần như không có khả năng “giấu thu nhập” hay “lách luật” vì thu nhập thường qua hệ thống chuyển khoản, có mã số thuế và bị khấu trừ tại nguồn. Khi chi phí sinh hoạt leo thang nhưng mức giảm trừ không được điều chỉnh, số tiền thuế họ phải nộp sẽ tăng lên đáng kể, kéo theo cảm giác thiệt thòi vì cho rằng Nhà nước “đánh thuế vào nỗi khổ của người dân”. Điều này dễ dẫn đến tâm lý chán nản, mất động lực làm việc, khi mà phần lớn nỗ lực lao động lại bị “bào mòn” bởi những khoản thuế không còn hợp lý; trong khi đó, những người làm tự do, kinh doanh không chính thức (không đăng ký) lại có thể dễ dàng né tránh nghĩa vụ thuế.

Xu hướng này đã bộc lộ rõ qua dữ liệu thực tế. Theo Báo Nhân Dân (2023), khoảng 47% người lao động dưới 35 tuổi tại TP.HCM và Hà Nội có xu hướng rời bỏ các công việc toàn thời gian và chính thức sang làm tự do hoặc kinh doanh nhỏ không đăng ký. Động cơ chính là để giữ được nhiều thu nhập hơn và giảm thiểu tiếp xúc với cơ quan thuế. Đây là một chỉ dấu đáng báo động vì nó phản ánh sự rạn nứt về niềm tin trong mối quan hệ giữa công dân và Nhà nước – nơi nghĩa vụ thuế không còn được nhìn nhận là trách nhiệm xã hội đi kèm với quyền lợi, mà bị xem như một “sự mất mát”. 

Sự bất mãn của người dân càng gia tăng khi họ chứng kiến một hệ thống hành chính thuế vẫn mang nặng tính cửa quyền, cứng nhắc và chậm cải cách. Trong quá trình đăng ký người phụ thuộc, khai thuế, cập nhật tình trạng hôn nhân hay thay đổi nơi cư trú, người nộp thuế vẫn phải in ấn giấy tờ, nộp bản sao công chứng và xếp hàng tại chi cục thuế địa phương – trong khi ở nhiều quốc gia, quy trình này đã được số hoá và thực hiện hoàn toàn trực tuyến từ nhiều năm trước. Việc thiếu một hệ thống liên thông và cơ chế cập nhật tự động dẫn đến tình trạng nhiều người không thể khai người phụ thuộc hợp lệ chỉ vì “sổ hộ khẩu không còn hợp lệ sau chuyển đổi”, hoặc vì người phụ thuộc sinh sống ở địa phương khác mà không có cách chứng minh phù hợp. Những rào cản phi lý này tạo nên một trải nghiệm hành chính tồi tệ, khiến người dân không chỉ mất niềm tin vào chính sách thuế mà còn bất mãn với một bộ máy quản lý còn cứng nhắc, quan liêu và kém nhân văn.

Về dài hạn, những biến dạng như vậy sẽ khiến thị trường lao động bị phân cực: một bên là nhóm lao động chính thức – ngày càng bị “vắt kiệt” bởi thuế nhưng không được hưởng cơ chế giảm trừ tương xứng; bên còn lại là nhóm lao động phi chính thức – đông đảo, linh hoạt, nhưng khó kiểm soát và không đóng góp cho ngân sách quốc gia. Hệ quả là quy mô khu vực phi chính thức ngày càng mở rộng, trong khi nền tài khóa bị xói mòn do thất thu thuế. Tệ hơn, khi tỷ lệ người dân tránh né nghĩa vụ thuế gia tăng, Nhà nước lại buộc phải tăng cường các biện pháp giám sát, cưỡng chế – tạo nên một vòng luẩn quẩn không cần thiết giữa cơ quan thuế và xã hội dân sự.

Đáng lo hơn, sự bất mãn không chỉ giới hạn ở khía cạnh tài chính, mà còn ăn sâu vào tâm lý xã hội và nhận thức chính trị của người dân. Họ bắt đầu đặt những câu hỏi ngày càng gai góc về tư cách và năng lực của những người xây dựng chính sách: Tại sao một luật quan trọng như thuế TNCN lại không được điều chỉnh suốt nhiều năm, bất chấp sự thay đổi chóng mặt của giá cả và chi phí sinh hoạt? Vì sao người dân nghèo không được “khoan sức”, trong khi các ưu đãi thuế cho doanh nghiệp lớn vẫn tồn tại? Tại sao một hệ thống thuế được gọi là “lũy tiến công bằng” lại tạo cảm giác bất công sâu sắc hơn bao giờ hết? Những câu hỏi này, nếu không được trả lời bằng cải cách thực chất, có thể dẫn đến một mối nguy nghiêm trọng: sự ly tâm của người dân đối với Nhà nước, khi họ cảm thấy mình không còn được lắng nghe hay bảo vệ.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hệ thống thuế hoàn toàn có thể trở thành mồi lửa cho bất ổn xã hội. Pháp từng chứng kiến làn sóng biểu tình “Áo vàng” năm 2018 sau khi Chính phủ tăng thuế nhiên liệu mà không có chính sách hỗ trợ tương ứng cho người thu nhập thấp. Tại Chile năm 2019, chỉ một đợt tăng giá vé tàu điện ngầm vài cent đã thổi bùng bất mãn tích tụ lâu ngày về bất bình đẳng thu nhập và chi phí sinh hoạt – dẫn đến biểu tình toàn quốc kéo dài hàng tháng. 

Việt Nam lưu ý những trường hợp trên và cần cải thiện chính sách thuế một cách kịp thời và khoa học. Người dân có thể không xuống đường, nhưng họ sẽ phản kháng bằng các hành vi âm thầm nhưng dai dẳng: từ chối tuân thủ nghĩa vụ công dân, tham gia nền kinh tế ngầm, rút khỏi các kênh đóng góp minh bạch, và dần tách mình ra khỏi quỹ đạo phát triển chính thức của quốc gia.

Ngoài ra, việc duy trì một chính sách giảm trừ gia cảnh lạc hậu còn tạo ra áp lực tâm lý không cần thiết đối với tầng lớp trung lưu – lực lượng giữ vai trò then chốt trong ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Khi họ cảm thấy mình vừa bị đánh thuế nặng, vừa phải tự xoay xở với các chi phí thiết yếu như nuôi con, học hành, y tế, nhà ở… họ dễ rơi vào tâm lý “không có gì để mất”. Điều này không chỉ làm xói mòn động lực lao động và sự gắn bó lâu dài với hệ thống chính thức, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần tuân thủ pháp luật nói chung. Một xã hội đánh mất động lực của tầng lớp trung lưu chính là xã hội đang đánh mất nền tảng bền vững cả về kinh tế lẫn chính trị.

***

Nếu những bất cập trong mức giảm trừ gia cảnh và cơ chế quản lý thuế TNCN không được cải cách toàn diện và kịp thời, Việt Nam sẽ phải đối mặt với ba hệ quả nguy hiểm: Thứ nhất, người dân sẽ dần mất động lực làm việc trong khu vực chính thức và có xu hướng chuyển dịch sang nền kinh tế phi chính thức – nơi thu nhập có thể được giữ lại trọn vẹn và không chịu sự giám sát thuế. Xu hướng này làm suy giảm hiệu quả thu ngân sách, gây rối loạn thị trường lao động, phá vỡ các chuẩn mực về bảo hiểm, an sinh và quyền lợi người lao động. Thứ hai, niềm tin vào thể chế sẽ bị xói mòn khi chính sách thuế không còn phản ánh đúng thực tế đời sống, và bộ máy hành chính vẫn vận hành theo lối cứng nhắc, lạc hậu. Người dân sẽ cảm thấy mình bị gạt ra ngoài các ưu tiên của hệ thống – điều rất nguy hiểm trong bối cảnh niềm tin vào Nhà nước là yếu tố cốt lõi bảo đảm ổn định vĩ mô và đoàn kết xã hội. Thứ ba, sự bất mãn trong dân chúng – dù không bộc phát ngay – sẽ âm thầm tích tụ và sau đó lan rộng, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội trong dài hạn. Khi cảm giác bất công và bị bỏ rơi trở thành tâm lý phổ biến, xã hội sẽ đứng trước nguy cơ phân hóa sâu sắc và thiếu sức đề kháng trước các cú sốc chính trị – kinh tế. 

Giải pháp cấp bách là thiết kế lại toàn bộ chính sách thuế TNCN theo hướng minh bạch, linh hoạt, công bằng và nhân văn – bởi đây không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật thuế, mà còn là nền tảng cho ổn định quốc gia. Các cải cách nên được triển khai theo ba giai đoạn: (1) Điều chỉnh ngay mức giảm trừ gia cảnh dựa trên chi phí sinh hoạt đặc thù của từng vùng miền; (2) Sửa đổi biểu thuế và bổ sung cơ chế khấu trừ đối với các khoản chi thiết yếu như giáo dục, y tế, chăm sóc người phụ thuộc; (3) Xây dựng một hệ thống thuế hiện đại, số hóa, có khả năng liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Mục tiêu của các cải cách này là khôi phục công bằng thuế, khuyến khích lao động chính thức và nâng cao hiệu quả quản lý thuế.

Thạc sĩ Trần Anh Tùng là giảng viên Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF), với các nghiên cứu tập trung vào kinh tế chính sách, thương mại, và chiến lược trong chuyển đổi số. Bạn đọc có thể liên hệ tác giả qua địa chỉ email: tungta@uef.edu.vn.

Bạn có hài lòng về bài viết? Đóng góp cho VSF tại đây. Mọi đóng góp tài chính từ quý độc giả đều là nguồn động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục xuất bản những nội dung chất lượng cho cộng đồng.

Từ khoá: thuế thu nhập cá nhân đóng thuế nghĩa vụ công dân chính sách thuế

BÀI LIÊN QUAN