Chính trị - Ngoại giao   16/09/2024

Vịnh Thái Lan: Điểm nóng tiếp theo trong cạnh tranh Mỹ - Trung?

Nếu Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở vùng biển giữa Campuchia với Thái Lan thì Mỹ cũng đang nỗ lực lôi kéo các quốc gia Đông Nam Á này.

Image
Phối cảnh siêu dự án Land Bridge của Thái Lan đang được Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh để trở thành nhà thầu - (C): Thailand Transport Ministry

Vịnh Thái Lan là khu vực nằm ở phía nam Biển Đông, được bao bọc bởi bốn quốc gia gồm  Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Nhìn chung, cạnh tranh Mỹ - Trung ở Vịnh Thái Lan là không đáng kể nếu so với các điểm nóng khác trong khu vực như quần đảo Trường Sa và eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, tình hình có thể sẽ khác đi trong vài năm tới. 

Trung Quốc tăng cường sự hiện diện

Vào năm 2019, căn cứ hải quân Ream (nằm trên Vịnh Thái Lan, thuộc tỉnh Sihanoukville) bắt đầu nhận được sự chú ý khi tờ Wall Street Journal trích lời các quan chức Mỹ, đưa tin rằng Campuchia đã ký một thỏa thuận bí mật, qua đó trao cho quân đội Trung Quốc quyền sử dụng căn cứ này trong thời hạn 30 năm. Tin đồn trên nhanh chóng bị cả Phnom Penh lẫn Bắc Kinh phủ nhận, nhưng mối quan tâm của dư luận (đặc biệt là Mỹ) dành cho căn cứ này vẫn tiếp tục.

Một năm sau, Campuchia tiến hành phá bỏ các tòa nhà do Mỹ xây dựng tại căn cứ Ream, bao gồm trụ sở chỉ huy chiến thuật của Ủy ban An ninh Hàng hải Quốc gia Campuchia, và cơ sở bảo dưỡng tàu thuyền. Sau đó, Trung Quốc bắt đầu tham gia vào quá trình hiện đại hóa cơ sở quân sự này từ tháng 6/2021, trong đó có xây dựng một cầu tàu nước sâu mới dài 300 mét (hoàn toàn do Bắc Kinh tài trợ), hoàn thành vào năm ngoái, và dự kiến chính thức bàn giao vào cuối tháng 9.

Ngoài ra, cường quốc này đã bàn giao hai tàu hộ tống tên lửa Type 056A cho Hải quân Hoàng gia Campuchia, với lý lẽ rằng “mục đích duy nhất là tăng cường năng lực và khả năng của Campuchia trong việc duy trì hòa bình, ổn định và đảm bảo an ninh” (the sole purpose of strengthening Cambodia's capacity and capabilities to maintain peace, stability and ensure security).  

Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, kể từ tháng 12/2023, Trung Quốc đã đưa hai tàu Type 056A là Wenshan và Bazhong cập cảng căn cứ Ream, trùng với chuyến thăm của Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Hà Vệ Đông (quan chức quốc phòng hàng đầu Bắc Kinh) đến thủ đô Phnom Penh. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat, hai con tàu này đến Ream để phục vụ mục đích huấn luyện và “không ở lại thường trực” (not staying permanently). Căn cứ theo dự định viện trợ hai tàu hộ tống tên lửa, lời giải thích trên là có cơ sở, vì sự xuất hiện của Wenshan và Bazhong có thể nhằm huấn luyện Hải quân Campuchia cách vận hành loại tàu Type 056A. Wenshan và Bazhong sau đó tham gia cuộc tập trận quân sự Rồng Vàng (Golden Dragon) vào tháng 5 trước khi rời đi. Tuy nhiên, đến tháng 7, hình ảnh vệ tinh cho thấy rằng lại có hai tàu Type 056A neo đậu ở Ream (không rõ mác tàu cụ thể, vì Bắc Kinh sở hữu đến 20 tàu thuộc chủng loại này). 

Bên cạnh Ream, một dự án khác cũng cho thấy tham vọng tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc tại Campuchia nói riêng và Vịnh Thái Lan nói chung là kênh đào Funan Techo, được khởi công vào ngày 5/8. Con kênh bắt đầu tại thôn Prek Takeo, cách trung tâm thủ đô Phnom Penh khoảng 35km, trải dài 180km trước khi đổ ra Vịnh Thái Lan ở tỉnh Kep. Mặc dù Bắc Kinh không tài trợ 100% vốn như dự án cải tạo căn cứ Ream, song cường quốc này (thông qua Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc) cũng nắm đến 49% cổ phần, đồng thời là chủ thầu của Funan Techo. Một khi kênh đào hoàn thành, hàng hóa từ Trung Quốc có thể xuất phát từ Tây Tạng, dọc theo sông Mekong, sau đó kết nối vào kênh đào Funan Techo để tiếp cận Vịnh Thái Lan.

Ngoài ra, Trung Quốc còn là nhà tài trợ xây dựng sân bay quốc tế Dara Sakor thuộc tỉnh Koh Kong (giáp với Vịnh Thái Lan). Điều này gây ra một số quan ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng sân bay này cho mục đích quân sự, vì đường băng đủ sức tiếp nhận máy bay chiến đấu, thay vì chỉ máy bay thương mại. Điểm đáng mừng là cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu quân sự hóa nào diễn ra tại sân bay này.   

Bằng việc đầu tư vào cả hai mặt quân sự (căn cứ Ream) và kinh tế (kênh đào Funan Techo, sân bay Dara Sakor), Trung Quốc có tiềm năng rất lớn để mở rộng sự hiện diện ở vùng biển phía nam Campuchia (tức Vịnh Thái Lan). Đây sẽ là bàn đạp để Bắc Kinh giám sát các cảng quan trọng về mặt thương mại và quân sự lân cận ở Thái Lan, Malaysia và miền nam Việt Nam.

Tuy nhiên, không chỉ có Trung Quốc quan tâm đến Campuchia. Thái Lan cũng là một mục tiêu tiềm năng. Dưới thời cựu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha (2014 - 2023), Trung Quốc và Thái Lan đã thành lập một cơ sở nghiên cứu chung để đánh giá tiềm năng của dự án kênh đào Kra. Trên thực tế, đây là một ý tưởng đã được Bangkok ấp ủ từ rất lâu, cách đây 300 năm, với mục đích xây dựng một tuyến đường thủy qua eo đất Kra ở phía nam đất nước, nối Vịnh Thái Lan với biển Andaman, từ đó nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.

Đến khi cựu Thủ tướng Srettha Thavisin lên nắm quyền (2023 - 2024), dự án kênh đào được điều chỉnh lại thành siêu dự án cầu cạn Land Bridge bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường sắt cắt ngang qua eo đất Kra, chi phí ước tính 1.000 tỷ baht (hơn 29 tỷ USD). Vào tháng 10/2023, tập đoàn nhà nước Trung Quốc là China Harbour Engineering đã tiến hành xem xét khả năng tham gia vào dự án. Sau đó, đến tháng 5, có ít nhất hai phái đoàn của Trung Quốc (một từ Côn Minh và một từ Thành Đô) đã đến tỉnh Chumphon và Ranong ở miền nam Thái Lan. Mục đích của các chuyến đi là để thảo luận, trao đổi với phía Thái Lan, và đánh giá tính khả thi về cơ hội để Trung Quốc trở thành nhà thầu của siêu dự án cầu cạn Land Bridge.   

Mặc dù chưa từng bày tỏ lập trường chính thức, nhưng những gì đã diễn ra cho thấy Bắc Kinh quan tâm đến siêu dự án này. Sự quan tâm có thể hiểu được vì cho đến nay hàng hóa từ Trung Quốc sang Ấn Độ Dương để đến Trung Đông, châu Phi (và ngược lại) chỉ có một đường duy nhất là đi qua eo biển Malacca. Điều này tạo ra cái gọi là “thế lưỡng nan Malacca” (Malacca dilemma), vì sự phụ thuộc quá lớn vào tuyến đường này khiến Bắc Kinh luôn phải sống trong nỗi lo về viễn cảnh hải quân Mỹ hoặc Ấn Độ có thể gây sức ép bằng cách chặn lối ra Ấn Độ Dương ở phía nam của eo biển. Do đó, nếu mở thêm một tuyến đường băng qua eo đất Kra, Trung Quốc sẽ vừa giảm chi phí vận chuyển, giảm sự phụ thuộc, và vừa tăng thêm năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.     

Như vậy, để thúc đẩy ảnh hưởng tại khu vực Vịnh Thái Lan, Trung Quốc trong những năm qua đã tăng cường đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại phía nam Campuchia cả về khía cạnh kinh tế lẫn quân sự. Đồng thời, địa bàn phía nam Thái Lan, cụ thể là eo đất Kra có thể sẽ trở thành khu vực tiềm năng để Bắc Kinh tìm cách mở rộng hiện diện của mình trong thời gian tới. 

Mỹ nỗ lực đáp trả

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã tìm cách tăng cường tương tác với Tây Âu và nỗ lực hàn gắn quan hệ với Mỹ. Trên cơ sở đó, vào tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến Phnom Penh, là sự kiện mang tính lịch sử vì lần đầu tiên trong nhiều năm qua, người đứng đầu quân đội Mỹ có chuyến thăm chính thức Campuchia. Chuyến thăm làm dấy lên hy vọng về sự hồi sinh các tương tác tích cực hơn về ngoại giao, sau một thời gian gần như bị đóng băng bởi những căng thẳng khi Mỹ cáo buộc chính quyền Hun Sen về vi phạm nhân quyền và quan ngại về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Campuchia. Đồng thời, cuộc gặp cũng đề cập đến khả năng nối lại tập trận quân sự chung Angkor Sentinel đã bị đình chỉ từ năm 2017; bàn về vai trò tiềm năng của Campuchia trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; và việc Campuchia được tiếp cận lại các chương trình đào tạo chuyên nghiệp do quân đội Mỹ điều hành.

Tuy nhiên, chuyến thăm không chỉ bàn về việc nối lại hợp tác. Ông Austin đã thể hiện rõ quan điểm của chính quyền Biden là Mỹ quan ngại Campuchia có thể cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream. Trên thực tế, ông Austin đến Phnom Penh ngay sau khi Campuchia hoàn tất cuộc tập trận quân sự chung thường niên Rồng Vàng với Trung Quốc ở Vịnh Thái Lan.

Bên cạnh Campuchia, Mỹ còn lo lắng về việc Trung Quốc có thể trở thành nhà thầu của dự án cầu cạn Land Bridge. Việc để cho Bắc Kinh thiết lập một tuyến đường thương mại thay thế Malacca ở Thái Lan sẽ là một sai lầm chiến lược đối với Mỹ. Khi đó, Washington sẽ mất đi một công cụ gây sức ép quan trọng với Trung Quốc, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến vị thế chiến lược của Mỹ trong khu vực. Hơn nữa, vì sự tiện lợi về thời gian và chi phí vận chuyển khi qua eo đất Kra, hàng hóa Trung Quốc sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn hơn tại các thị trường Nam Á, Trung Đông và Châu Phi, đe dọa trực tiếp đến thị phần của Mỹ cùng các đồng minh.

Nhận thức được điều đó, hơn mười tập đoàn lớn của Mỹ, như Amazon, Oracle, SSA Marine, đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn tham gia vào cuộc cạnh tranh để trở thành nhà thầu của siêu dự án cầu cạn Land Bridge. Hiện Thái Lan vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc sẽ trao quy chế nhà thầu cho đối tác nào; song cơ hội cho Washington vẫn chưa khép lại, vì với việc Trung Quốc thường xuyên hiện diện quân sự tại căn cứ Ream, Bangkok có thể sẽ phải dè chừng. Bên cạnh đó, Campuchia và Thái Lan vẫn có những tranh chấp hàng hải chưa được giải quyết ở Vịnh Thái Lan, và việc hải quân Bắc Kinh thường xuyên “lảng vảng” ngay trước sân nhà là điều mà Bangkok khó mà cảm thấy dễ chịu. Do đó, sự hiện diện của Mỹ ở phía nam Thái Lan có thể là một cách cân bằng quyền lực mà Bangkok sẽ phải rất cân nhắc. 

Một điểm tích cực khác cho Mỹ là so với Campuchia, Thái Lan tỏ ra dè chừng hơn với nguy cơ ảnh hưởng của Trung Quốc. Chẳng hạn, với dự án đường sắt Bangkok - Nong Khai đang được xây dựng (kết nối vào tuyến Côn Minh - Viêng Chăn), Thái Lan đã quyết định là bên tài trợ duy nhất cho dự án, và chỉ nhờ cậy Trung Quốc về công nghệ và chuyên môn để thi công. 

Tuy nhiên, dù thận trọng với các khoản tài trợ từ Trung Quốc, chính phủ mới của Thái Lan do bà Paetongtarn Shinawatra lãnh đạo có thể vẫn sẽ cân nhắc nhiều hơn đến việc chọn Bắc Kinh (thay vì Washington) là nhà thầu thi công dự án Land Bridge. Không lâu sau khi nhậm chức, bà Paetongtarn đã viết trên mạng xã hội X rằng Thái Lan và Trung Quốc có “tình bạn thân thiết” (close friendship), đồng thời cam kết sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ song phương. Trong khi đó, đồng minh truyền thống của Thái Lan là Mỹ lại chưa nhận được những lời “có cánh” như vậy từ chính phủ mới.

Với sự nhạy bén chính trị, Trung Quốc đã nhiệt tình “lấy lòng” chính phủ Thái Lan khi nhanh chóng gửi lời chúc mừng tân Thủ tướng Paetongtarn, nhấn mạnh quan hệ “láng giềng gần gũi và thân thiện” (close and friendly neighbors) nhân dịp hai nước sắp kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao song phương vào năm 2025. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng tuyên bố sẵn sàng làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống với Bangkok, xây dựng “cộng đồng Trung Quốc - Thái Lan chia sẻ tương lai” (China-Thailand community with a shared future). 

Xu hướng thân Trung Quốc hơn dường như cũng đang được phản ánh trong giới tinh hoa của Thái Lan, thể hiện qua khảo sát năm 2024 của Viện ISEAS-Yusof Ishak (có trụ sở tại Singapore) về quan điểm từ người dân các quốc gia ASEAN. Với câu hỏi “Nếu ASEAN buộc phải liên kết với một trong hai đối thủ chiến lược [Trung Quốc hoặc Mỹ], ASEAN nên chọn bên nào?” (If ASEAN was forced to align itself with one of the two strategic rivals, which should it choose?), có 52,2% người dân Thái Lan đã chọn Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2020, người Thái mới dành sự ưu ái nhiều hơn cho Bắc Kinh.    

Tóm lại, Vịnh Thái Lan tuy chưa phải là địa bàn cạnh tranh sống còn giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng có thể trở thành điểm nóng mới, nhất là trong bối cảnh quan hệ giữa hai siêu cường vẫn còn căng thẳng. Bắc Kinh dường như đang có nhiều lợi thế hơn khi đã tăng cường sự hiện diện đáng kể ở phía nam Campuchia, đồng thời có tiềm năng tham gia vào dự án Land Bridge để qua đó phá vỡ “thế lưỡng nan Malacca”. Trong khi đó, Mỹ cũng không muốn để Trung Quốc dễ dàng giành được lợi thế, và vì thế đang nỗ lực lấy lại thiện cảm từ Campuchia trong khi tìm cơ hội trở thành nhà thầu ở eo đất Kra.   

Vịnh Thái Lan là khu vực nằm ở phía nam Biển Đông, được bao bọc bởi bốn quốc gia gồm  Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Nhìn chung, cạnh tranh Mỹ - Trung ở Vịnh Thái Lan là không đáng kể nếu so với các điểm nóng khác trong khu vực như quần đảo Trường Sa và eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, tình hình có thể sẽ khác đi trong vài năm tới. 

Trung Quốc tăng cường sự hiện diện

Vào năm 2019, căn cứ hải quân Ream (nằm trên Vịnh Thái Lan, thuộc tỉnh Sihanoukville) bắt đầu nhận được sự chú ý khi tờ Wall Street Journal trích lời các quan chức Mỹ, đưa tin rằng Campuchia đã ký một thỏa thuận bí mật, qua đó trao cho quân đội Trung Quốc quyền sử dụng căn cứ này trong thời hạn 30 năm. Tin đồn trên nhanh chóng bị cả Phnom Penh lẫn Bắc Kinh phủ nhận, nhưng mối quan tâm của dư luận (đặc biệt là Mỹ) dành cho căn cứ này vẫn tiếp tục.

Một năm sau, Campuchia tiến hành phá bỏ các tòa nhà do Mỹ xây dựng tại căn cứ Ream, bao gồm trụ sở chỉ huy chiến thuật của Ủy ban An ninh Hàng hải Quốc gia Campuchia, và cơ sở bảo dưỡng tàu thuyền. Sau đó, Trung Quốc bắt đầu tham gia vào quá trình hiện đại hóa cơ sở quân sự này từ tháng 6/2021, trong đó có xây dựng một cầu tàu nước sâu mới dài 300 mét (hoàn toàn do Bắc Kinh tài trợ), hoàn thành vào năm ngoái, và dự kiến chính thức bàn giao vào cuối tháng 9.

Ngoài ra, cường quốc này đã bàn giao hai tàu hộ tống tên lửa Type 056A cho Hải quân Hoàng gia Campuchia, với lý lẽ rằng “mục đích duy nhất là tăng cường năng lực và khả năng của Campuchia trong việc duy trì hòa bình, ổn định và đảm bảo an ninh” (the sole purpose of strengthening Cambodia's capacity and capabilities to maintain peace, stability and ensure security).  

Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, kể từ tháng 12/2023, Trung Quốc đã đưa hai tàu Type 056A là Wenshan và Bazhong cập cảng căn cứ Ream, trùng với chuyến thăm của Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Hà Vệ Đông (quan chức quốc phòng hàng đầu Bắc Kinh) đến thủ đô Phnom Penh. Theo người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat, hai con tàu này đến Ream để phục vụ mục đích huấn luyện và “không ở lại thường trực” (not staying permanently). Căn cứ theo dự định viện trợ hai tàu hộ tống tên lửa, lời giải thích trên là có cơ sở, vì sự xuất hiện của Wenshan và Bazhong có thể nhằm huấn luyện Hải quân Campuchia cách vận hành loại tàu Type 056A. Wenshan và Bazhong sau đó tham gia cuộc tập trận quân sự Rồng Vàng (Golden Dragon) vào tháng 5 trước khi rời đi. Tuy nhiên, đến tháng 7, hình ảnh vệ tinh cho thấy rằng lại có hai tàu Type 056A neo đậu ở Ream (không rõ mác tàu cụ thể, vì Bắc Kinh sở hữu đến 20 tàu thuộc chủng loại này). 

Bên cạnh Ream, một dự án khác cũng cho thấy tham vọng tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc tại Campuchia nói riêng và Vịnh Thái Lan nói chung là kênh đào Funan Techo, được khởi công vào ngày 5/8. Con kênh bắt đầu tại thôn Prek Takeo, cách trung tâm thủ đô Phnom Penh khoảng 35km, trải dài 180km trước khi đổ ra Vịnh Thái Lan ở tỉnh Kep. Mặc dù Bắc Kinh không tài trợ 100% vốn như dự án cải tạo căn cứ Ream, song cường quốc này (thông qua Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc) cũng nắm đến 49% cổ phần, đồng thời là chủ thầu của Funan Techo. Một khi kênh đào hoàn thành, hàng hóa từ Trung Quốc có thể xuất phát từ Tây Tạng, dọc theo sông Mekong, sau đó kết nối vào kênh đào Funan Techo để tiếp cận Vịnh Thái Lan.

Ngoài ra, Trung Quốc còn là nhà tài trợ xây dựng sân bay quốc tế Dara Sakor thuộc tỉnh Koh Kong (giáp với Vịnh Thái Lan). Điều này gây ra một số quan ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng sân bay này cho mục đích quân sự, vì đường băng đủ sức tiếp nhận máy bay chiến đấu, thay vì chỉ máy bay thương mại. Điểm đáng mừng là cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu quân sự hóa nào diễn ra tại sân bay này.   

Bằng việc đầu tư vào cả hai mặt quân sự (căn cứ Ream) và kinh tế (kênh đào Funan Techo, sân bay Dara Sakor), Trung Quốc có tiềm năng rất lớn để mở rộng sự hiện diện ở vùng biển phía nam Campuchia (tức Vịnh Thái Lan). Đây sẽ là bàn đạp để Bắc Kinh giám sát các cảng quan trọng về mặt thương mại và quân sự lân cận ở Thái Lan, Malaysia và miền nam Việt Nam.

Tuy nhiên, không chỉ có Trung Quốc quan tâm đến Campuchia. Thái Lan cũng là một mục tiêu tiềm năng. Dưới thời cựu Thủ tướng Prayut Chan-o-cha (2014 - 2023), Trung Quốc và Thái Lan đã thành lập một cơ sở nghiên cứu chung để đánh giá tiềm năng của dự án kênh đào Kra. Trên thực tế, đây là một ý tưởng đã được Bangkok ấp ủ từ rất lâu, cách đây 300 năm, với mục đích xây dựng một tuyến đường thủy qua eo đất Kra ở phía nam đất nước, nối Vịnh Thái Lan với biển Andaman, từ đó nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.

Đến khi cựu Thủ tướng Srettha Thavisin lên nắm quyền (2023 - 2024), dự án kênh đào được điều chỉnh lại thành siêu dự án cầu cạn Land Bridge bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường sắt cắt ngang qua eo đất Kra, chi phí ước tính 1.000 tỷ baht (hơn 29 tỷ USD). Vào tháng 10/2023, tập đoàn nhà nước Trung Quốc là China Harbour Engineering đã tiến hành xem xét khả năng tham gia vào dự án. Sau đó, đến tháng 5, có ít nhất hai phái đoàn của Trung Quốc (một từ Côn Minh và một từ Thành Đô) đã đến tỉnh Chumphon và Ranong ở miền nam Thái Lan. Mục đích của các chuyến đi là để thảo luận, trao đổi với phía Thái Lan, và đánh giá tính khả thi về cơ hội để Trung Quốc trở thành nhà thầu của siêu dự án cầu cạn Land Bridge.   

Mặc dù chưa từng bày tỏ lập trường chính thức, nhưng những gì đã diễn ra cho thấy Bắc Kinh quan tâm đến siêu dự án này. Sự quan tâm có thể hiểu được vì cho đến nay hàng hóa từ Trung Quốc sang Ấn Độ Dương để đến Trung Đông, châu Phi (và ngược lại) chỉ có một đường duy nhất là đi qua eo biển Malacca. Điều này tạo ra cái gọi là “thế lưỡng nan Malacca” (Malacca dilemma), vì sự phụ thuộc quá lớn vào tuyến đường này khiến Bắc Kinh luôn phải sống trong nỗi lo về viễn cảnh hải quân Mỹ hoặc Ấn Độ có thể gây sức ép bằng cách chặn lối ra Ấn Độ Dương ở phía nam của eo biển. Do đó, nếu mở thêm một tuyến đường băng qua eo đất Kra, Trung Quốc sẽ vừa giảm chi phí vận chuyển, giảm sự phụ thuộc, và vừa tăng thêm năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.     

Như vậy, để thúc đẩy ảnh hưởng tại khu vực Vịnh Thái Lan, Trung Quốc trong những năm qua đã tăng cường đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại phía nam Campuchia cả về khía cạnh kinh tế lẫn quân sự. Đồng thời, địa bàn phía nam Thái Lan, cụ thể là eo đất Kra có thể sẽ trở thành khu vực tiềm năng để Bắc Kinh tìm cách mở rộng hiện diện của mình trong thời gian tới. 

Mỹ nỗ lực đáp trả

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã tìm cách tăng cường tương tác với Tây Âu và nỗ lực hàn gắn quan hệ với Mỹ. Trên cơ sở đó, vào tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến Phnom Penh, là sự kiện mang tính lịch sử vì lần đầu tiên trong nhiều năm qua, người đứng đầu quân đội Mỹ có chuyến thăm chính thức Campuchia. Chuyến thăm làm dấy lên hy vọng về sự hồi sinh các tương tác tích cực hơn về ngoại giao, sau một thời gian gần như bị đóng băng bởi những căng thẳng khi Mỹ cáo buộc chính quyền Hun Sen về vi phạm nhân quyền và quan ngại về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Campuchia. Đồng thời, cuộc gặp cũng đề cập đến khả năng nối lại tập trận quân sự chung Angkor Sentinel đã bị đình chỉ từ năm 2017; bàn về vai trò tiềm năng của Campuchia trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; và việc Campuchia được tiếp cận lại các chương trình đào tạo chuyên nghiệp do quân đội Mỹ điều hành.

Tuy nhiên, chuyến thăm không chỉ bàn về việc nối lại hợp tác. Ông Austin đã thể hiện rõ quan điểm của chính quyền Biden là Mỹ quan ngại Campuchia có thể cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ hải quân Ream. Trên thực tế, ông Austin đến Phnom Penh ngay sau khi Campuchia hoàn tất cuộc tập trận quân sự chung thường niên Rồng Vàng với Trung Quốc ở Vịnh Thái Lan.

Bên cạnh Campuchia, Mỹ còn lo lắng về việc Trung Quốc có thể trở thành nhà thầu của dự án cầu cạn Land Bridge. Việc để cho Bắc Kinh thiết lập một tuyến đường thương mại thay thế Malacca ở Thái Lan sẽ là một sai lầm chiến lược đối với Mỹ. Khi đó, Washington sẽ mất đi một công cụ gây sức ép quan trọng với Trung Quốc, từ đó ảnh hưởng đáng kể đến vị thế chiến lược của Mỹ trong khu vực. Hơn nữa, vì sự tiện lợi về thời gian và chi phí vận chuyển khi qua eo đất Kra, hàng hóa Trung Quốc sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn hơn tại các thị trường Nam Á, Trung Đông và Châu Phi, đe dọa trực tiếp đến thị phần của Mỹ cùng các đồng minh.

Nhận thức được điều đó, hơn mười tập đoàn lớn của Mỹ, như Amazon, Oracle, SSA Marine, đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn tham gia vào cuộc cạnh tranh để trở thành nhà thầu của siêu dự án cầu cạn Land Bridge. Hiện Thái Lan vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc sẽ trao quy chế nhà thầu cho đối tác nào; song cơ hội cho Washington vẫn chưa khép lại, vì với việc Trung Quốc thường xuyên hiện diện quân sự tại căn cứ Ream, Bangkok có thể sẽ phải dè chừng. Bên cạnh đó, Campuchia và Thái Lan vẫn có những tranh chấp hàng hải chưa được giải quyết ở Vịnh Thái Lan, và việc hải quân Bắc Kinh thường xuyên “lảng vảng” ngay trước sân nhà là điều mà Bangkok khó mà cảm thấy dễ chịu. Do đó, sự hiện diện của Mỹ ở phía nam Thái Lan có thể là một cách cân bằng quyền lực mà Bangkok sẽ phải rất cân nhắc. 

Một điểm tích cực khác cho Mỹ là so với Campuchia, Thái Lan tỏ ra dè chừng hơn với nguy cơ ảnh hưởng của Trung Quốc. Chẳng hạn, với dự án đường sắt Bangkok - Nong Khai đang được xây dựng (kết nối vào tuyến Côn Minh - Viêng Chăn), Thái Lan đã quyết định là bên tài trợ duy nhất cho dự án, và chỉ nhờ cậy Trung Quốc về công nghệ và chuyên môn để thi công. 

Tuy nhiên, dù thận trọng với các khoản tài trợ từ Trung Quốc, chính phủ mới của Thái Lan do bà Paetongtarn Shinawatra lãnh đạo có thể vẫn sẽ cân nhắc nhiều hơn đến việc chọn Bắc Kinh (thay vì Washington) là nhà thầu thi công dự án Land Bridge. Không lâu sau khi nhậm chức, bà Paetongtarn đã viết trên mạng xã hội X rằng Thái Lan và Trung Quốc có “tình bạn thân thiết” (close friendship), đồng thời cam kết sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ song phương. Trong khi đó, đồng minh truyền thống của Thái Lan là Mỹ lại chưa nhận được những lời “có cánh” như vậy từ chính phủ mới.

Với sự nhạy bén chính trị, Trung Quốc đã nhiệt tình “lấy lòng” chính phủ Thái Lan khi nhanh chóng gửi lời chúc mừng tân Thủ tướng Paetongtarn, nhấn mạnh quan hệ “láng giềng gần gũi và thân thiện” (close and friendly neighbors) nhân dịp hai nước sắp kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao song phương vào năm 2025. Hơn nữa, Bắc Kinh cũng tuyên bố sẵn sàng làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống với Bangkok, xây dựng “cộng đồng Trung Quốc - Thái Lan chia sẻ tương lai” (China-Thailand community with a shared future). 

Xu hướng thân Trung Quốc hơn dường như cũng đang được phản ánh trong giới tinh hoa của Thái Lan, thể hiện qua khảo sát năm 2024 của Viện ISEAS-Yusof Ishak (có trụ sở tại Singapore) về quan điểm từ người dân các quốc gia ASEAN. Với câu hỏi “Nếu ASEAN buộc phải liên kết với một trong hai đối thủ chiến lược [Trung Quốc hoặc Mỹ], ASEAN nên chọn bên nào?” (If ASEAN was forced to align itself with one of the two strategic rivals, which should it choose?), có 52,2% người dân Thái Lan đã chọn Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2020, người Thái mới dành sự ưu ái nhiều hơn cho Bắc Kinh.    

Tóm lại, Vịnh Thái Lan tuy chưa phải là địa bàn cạnh tranh sống còn giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng có thể trở thành điểm nóng mới, nhất là trong bối cảnh quan hệ giữa hai siêu cường vẫn còn căng thẳng. Bắc Kinh dường như đang có nhiều lợi thế hơn khi đã tăng cường sự hiện diện đáng kể ở phía nam Campuchia, đồng thời có tiềm năng tham gia vào dự án Land Bridge để qua đó phá vỡ “thế lưỡng nan Malacca”. Trong khi đó, Mỹ cũng không muốn để Trung Quốc dễ dàng giành được lợi thế, và vì thế đang nỗ lực lấy lại thiện cảm từ Campuchia trong khi tìm cơ hội trở thành nhà thầu ở eo đất Kra.   

Từ khoá: Vịnh Thái Lan Trung Quốc Mỹ cạnh tranh Mỹ - Trung

BÀI LIÊN QUAN