Kinh tế   31/10/2023

An ninh chuỗi cung ứng (Phần 1): Chuỗi cung ứng toàn cầu dưới tác động của các “cú sốc” kinh tế chính trị

Sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đe doạ bởi tác động của cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, và xu hướng bảo hộ thương mại nảy sinh bên trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Đào Gia Chi

31/10/2023
Image
Hình minh hoạ một tàu chở hàng container nhìn từ trên không. (C): shaunl/Getty Images

Trong vòng 4 thập kỷ qua, toàn cầu hoá là bệ phóng để các doanh nghiệp thiết lập chuỗi cung ứng quốc tế, tối ưu hoá chi phí sản xuất và tăng cường đầu ra cho sản phẩm. So với những năm 80 của thế kỷ XX, khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu vào năm 2021 tăng hơn 10 lần - vượt quá 22 nghìn tỷ USD. Kết quả này là nhờ vào sự mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy vậy, hiện nay, một cấu trúc chuỗi cung ứng ổn định trong gần nửa thế kỷ đang đứng trước ba mối đe doạ nghiêm trọng: chiến tranh, cạnh tranh giữa các cường quốc, và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Hai năm trở lại đây, “chuỗi cung ứng linh hoạt” (resilient supply chain) - cụm từ chỉ nỗ lực xây dựng một chuỗi cung ứng thông suốt, hạn chế đáng kể sự gián đoạn do tác động của các vấn đề toàn cầu - trở thành chủ đề thảo luận chính tại các diễn đàn hợp tác đa phương về thương mại, nhằm huy động những nỗ lực mang tính phối hợp giữa các quốc gia nhằm bảo vệ tính bền vững của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trớ trêu thay, trái với khẩu hiệu “chuỗi cung ứng linh hoạt”, “chuỗi cung ứng tách rời” (decoupling supply chain) là thực tế mà một bộ phận quốc gia nắm giữ phần lớn GDP toàn cầu đang hướng đến.

Đại dịch Covid-19 - đã chấm dứt vào tháng 5/2023 (theo tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới) - là nguyên nhân khách quan làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy vậy, những gì diễn ra cho đến tháng 10 năm nay, bắt nguồn từ hành vi chính sách của các quốc gia, mới là nhân tố then chốt làm chậm lại sự phục hồi, thậm chí thay đổi cấu trúc của chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch. Nỗ lực kéo dài chiến sự ở Ukraine của các bên liên quan đang chia tách thị trường Nga và châu Âu. Cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung “bẻ đôi” chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ cũng đe dọa thu hẹp một cấu trúc chuỗi cung ứng đã được mở rộng và hoàn chỉnh qua nhiều thập kỷ.

Chiến tranh Ukraine và chuỗi cung ứng năng lượng “đường vòng”

Trong nhiều năm, Nga là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho Liên minh châu Âu (EU). Trước chiến tranh, Nga chiếm 45% tổng lượng than, 36% tổng lượng khí đốt tự nhiên, và 25% tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu vào EU. Sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc tấn công vào Ukraine (tháng 2/2022), phương Tây bắt đầu tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt thương mại lên Nga, khiến thị phần của Moscow trong chiếc bánh nhập khẩu năng lượng của châu Âu giảm mạnh, từ 31% trong quý I/2022 xuống còn chưa đến 19% vào quý IV/2022. Nhập khẩu dầu thô từ Nga sang EU bằng đường biển bị cấm. Nord Stream 1 và 2 - hệ thống đường ống dẫn khí đốt chủ lực từ Nga sang EU – phải dừng hoạt động vì sự cố nổ chưa rõ nguyên nhân. Hợp tác năng lượng giữa hai thị trường truyền thống bị chia cắt, đẩy chuỗi cung ứng năng lượng của Nga hướng về châu Á nhiều hơn. Tiếp theo, những gì đã diễn ra?

Ở thị trường EU, Mỹ chớp thời cơ vươn lên trở thành nhà cung cấp khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) lớn thứ hai với gần 20% thị phần, sau nhà cung cấp lớn nhất của khối hiện nay là Na Uy - chiếm gần 31%. Một chuỗi cung ứng năng lượng mới giữa các đối tác thân thiện (friendshoring) bắt đầu hình thành ở phương Tây. Lý tưởng là vậy, nhưng chỉ sự “hợp lực” giữa MỹNa Uy là không đủ để “hất cẳng” Nga ra khỏi thị phần nhập khẩu năng lượng cho châu Âu. Trong bối cảnh đó, bên cạnh nỗ lực tăng tốc phát triển mạng lưới năng lượng tái tạo nội địa, các thành viên EU buộc phải tìm đến những nhà cung cấp mới để bảo toàn an ninh năng lượng trong ngắn hạn.

Vào tháng 2, Kazakhstan đã gửi lô dầu đầu tiên đến nhà máy lọc dầu PCK ở Schwedt (Đức) trên tuyến đường ống Druzhba qua Nga, Belarus và Ba Lan, sau khi Đức quyết định tạm dừng tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu từ Nga - nhà cung cấp 34% dầu mỏ cho Berlin vào năm 2021. Thương vụ này của Đức đã làm nổi bật vai trò của Kazakhstan trong nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng cho châu Âu. Tuy vậy, nghịch lý ở đây là: Kazakhstan sẽ không thể xuất khẩu dầu sang Đức nếu không có mối quan hệ lịch sử với Nga và cơ sở hạ tầng của Moscow. Nói cách khác, cho dù không là nhà cung cấp, Nga vẫn đóng vai trò không thể thiếu trong chuỗi cung ứng năng lượng của châu Âu.

Mặt khác, trong vòng xoáy trừng phạt của phương Tây, Moscow vẫn không hề bị cô lập. Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia từ chối lên án lẫn ban hành các biện pháp trừng phạt Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, đã và đang thay châu Âu trở thành những khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Moscow. Chỉ một tháng sau khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, trong bối cảnh Mỹ và EU vẫn còn đang bàn tính chuyện có nên chăng cấm dầu của Nga, thì Trung Quốc và Ấn Độ đã nhanh chóng mở rộng nhập khẩu dầu thô từ Nga với mức giá chiết khấu. Tính đến quý II/2023, Bắc Kinh và New Delhi chiếm đến 80% lượng xuất khẩu dầu của Nga.

Cuộc chiến tranh Ukraine đang góp vào sự tách rời chuỗi cung ứng Đông - Tây. Điều này được phản ánh qua dự báo của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG). Cụ thể, từ 2023 đến năm 2031, thương mại giữa EU và Mỹ dự kiến sẽ tăng thêm 338 tỷ USD, phần lớn nhờ sự mở rộng thị phần xuất khẩu năng lượng của Mỹ sang châu Âu. Trong khi đó, thương mại của Nga với Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng 110 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 90 tỷ USD.

Song, điểm đáng chú ý ở đây là, một lần nữa, EU vẫn không thể “tách rời” hoàn toàn khỏi Nga. Sau khi áp lệnh hạn chế lên giá dầu của Nga vào tháng 12 năm ngoái, EU đã chuyển sang mua gián tiếp dầu Nga từ Ấn Độ với giá cao hơn. Dữ liệu của Bộ Thương mại và Công nghệ Ấn Độ cho thấy, vào tháng 3 năm nay, Nga trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Ấn Độ, song song đó, EU trở thành thị trường xuất khẩu dầu thô lớn nhất của New Delhi. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cũng đã thừa nhận thực tế trên.

Không dừng lại ở lệnh hạn chế đối với mặt hàng dầu, EU còn huy động toàn bộ thành viên của khối hạn chế nhập khẩu LNG từ Nga. Tuy nhiên, ở một diễn biến khác, Trung Quốc mua đi bán lại LNG của Nga cho thị trường châu Âu với giá cao hơn đáng kể. Cuối cùng, EU vẫn mua LNG do Nga sản xuất, nhưng họ phải trả cho Trung Quốc một mức giá cao hơn để có được lượng khí đốt này. Trong nửa đầu năm 2022, tổng khối lượng LNG mà Trung Quốc bán cho EU ước tính trên 4 triệu tấn, tương đương 7% lượng khí đốt nhập khẩu của liên minh.

Nhìn chung, tình cảnh của EU giờ đây đang là: song song với việc không ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine để tiếp tục chiến đấu với Nga, đồng thời ban hành một loạt biện pháp trừng phạt nhà cung cấp năng lượng gần kề và then chốt của mình, Brussels không những phải đi quãng đường xa hơn để tìm kiếm nguồn cung thay thế, mà sau cùng, vẫn mua lại năng lượng của Moscow - nhưng bằng một cách tốn kém hơn.

Cạnh tranh Mỹ - Trung “bẻ đôi” chuỗi cung ứng bán dẫn

Nguồn gốc của cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung đã manh nha từ năm 2015 khi Trung Quốc ban hành kế hoạch “Made in China 2025” (MIC 2025), trong đó chính quyền nước này đề ra mục tiêu “hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện sáp nhập, đầu tư cổ phần và đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài” để giảm sự phụ thuộc của Bắc Kinh vào công nghệ nước ngoài. Kết quả là, tổng giá trị thương vụ mua lại các công ty Mỹ của Trung Quốc đã tăng 376% (lên khoảng 55 tỷ USD) vào năm 2016.

Ở thời điểm này, Washington vẫn chưa kịp trở tay trước việc Bắc Kinh đang tìm cách đầu tư, sáp nhập các công ty của nước mình nhằm tìm cách “đánh cắp” công nghệ, khi hàng lang pháp lý của Mỹ nhằm ứng phó với vấn đề này vẫn còn là khoảng trống. Báo cáo của Lầu Năm Góc vào năm 2018 cho biết: “Mỹ không có chính sách hoặc công cụ toàn diện để giải quyết vấn đề chuyển giao công nghệ khổng lồ này sang Trung Quốc”. Các chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh: việc chuyển giao công nghệ lén lút thông qua các hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ là một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với tranh chấp thuế quan. Phải đến năm 2017, khi Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông mới nhận ra “mánh khoé” trên của Trung Quốc và áp đặt thuế quan nhằm trừng phạt Bắc Kinh vì các hoạt động thương mại không công bằng.

Năm 2018, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc chính thức được Tổng thống Trump phát động. Kể từ đó cho đến nay, cạnh tranh thương mại và công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiếp diễn, với các biện pháp trả đũa lẫn nhau gây tác động mạnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong giai đoạn 2016 - 2020, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm 96%, trong khi chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm đổi mới công nghệ của hai nước tăng mạnh.

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, cạnh tranh thương mại và công nghệ Mỹ - Trung tập trung chủ yếu vào ngành bán dẫn - ngành công nghiệp đóng vai trò “nguồn sống” cho toàn bộ nền kinh tế dựa trên công nghệ, có sản phẩm được giao dịch nhiều thứ tư trên thế giới chỉ sau dầu thô, dầu tinh chế và ô tô. Khởi động cuộc đua này, hai siêu cường đã ban hành các sáng kiến chiến lược như Đạo luật CHIPS và khoa học của Mỹ (tháng 8/2022) và Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc (tháng 3/2021) nhằm tăng cường năng lực sản xuất chất bán dẫn nội địa.

Song song đó, các biện pháp trừng phạt đối phương chủ yếu do phía Mỹ khơi mào. Sự tách rời công nghệ Mỹ - Trung leo thang vào tháng 9/2022 khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan thông báo những thay đổi trong chính sách kinh tế của Mỹ đối với Trung Quốc, với mục tiêu đóng băng tốc độ phát triển công nghệ của Bắc Kinh, để khi biên giới công nghệ của Washington tiếp tục mở rộng, khoảng cách giữa hai nước sẽ xa hơn, từ đó khiến các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc thụt lùi so với của Mỹ.

Mỹ và các đồng minh hiện nắm giữ phần lớn chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Với lợi thế này, Mỹ không những đơn phương mà còn kêu gọi đồng minh ban hành các lệnh hạn chế lên ngành bán dẫn của Trung Quốc, nhằm làm chậm những tiến bộ công nghệ của Bắc Kinh. Vào tháng 10/2022, chính quyền Biden đã công bố một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu bán dẫn cho Trung Quốc, bao gồm cắt đứt khả năng Trung Quốc tiếp cận một số chip bán dẫn được sản xuất ở bất kỳ đâu trên thế giới bằng thiết bị của Mỹ, và cấm công dân Mỹ làm việc cho các công ty bán dẫn của Trung Quốc. Trong cùng tháng, cuộc họp đầu tiên giữa Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Liên minh Chip 4) đã diễn ra. Đây là nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm làm suy yếu khả năng tham gia của Trung Quốc vào chuỗi cung ứng bán dẫn. Sang đầu năm 2023, Mỹ đã thành công lôi kéo Nhật Bản và Hà Lan cùng ban hành các lệnh giới hạn xuất khẩu bán dẫn sang thị trường Trung Quốc.

Theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào năm 2021, việc tách rời công nghệ gây ra ba tác động trực tiếp đến tăng trưởng toàn cầu, gồm: giảm dòng chảy thương mại toàn cầu, phân bổ sai nguồn lực, và hạn chế phổ biến kiến thức xuyên biên giới. Trước hết, theo ước tính của BCG, các công ty Mỹ sẽ mất 18% thị phần toàn cầu và 37% doanh thu - dẫn đến mất từ 15.000 - 40.000 việc làm có tay nghề cao trong nước - nếu Washington theo đuổi các biện pháp tách rời công nghệ cứng và cấm hoàn toàn các công ty bán dẫn trong nước giao thương với khách hàng Trung Quốc. Thứ hai, tuy Mỹ là quê hương của ngành công nghiệp bán dẫn, các công ty bán dẫn hàng đầu của quốc gia này (Qualcomm, Qorvo, Texas Instruments và Broadcom) lại vươn lên nhờ thị trường Trung Quốc - nơi chiếm phân nửa doanh thu hàng năm của họ. Khi các biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa Washington và Bắc Kinh ngày một leo thang, các công ty công nghệ của Mỹ có nguy cơ phải chịu lệnh trừng phạt từ cả hai phía: Washington trừng phạt họ vì ủng hộ việc sản xuất chip của Trung Quốc, và Bắc Kinh trừng phạt họ vì các chính sách của Washington.

Cuối cùng, bên cạnh chi phí kinh tế, việc tách rời chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu cũng sẽ dẫn đến tổn thất về đổi mới trong tương lai cho toàn bộ ngành, bởi các rào cản tiếp cận thị trường rộng rãi và các hạn chế đối với chuyển giao công nghệ có thể phá vỡ các vòng phản hồi (feedback loop) - hay dây chuyền cung ứng, đã hình thành và được tối ưu hoá trong 30 năm.

Chủ nghĩa bảo hộ và tình trạng “nội địa hoá” chuỗi cung ứng

Toàn cầu hoá không chỉ mang đến điều tích cực. Các “cú sốc” kinh tế do hiệu ứng tiêu cực của toàn cầu hoá trong vòng hơn một thập kỷ qua, như khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19, đã kích thích sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ (protectionism) ở nhiều quốc gia.

Kể từ năm 1990, thương mại toàn cầu đã làm tăng thu nhập trên toàn thế giới lên 24%, và 50% cho 40% dân số nghèo nhất. Tuy nhiên, theo sau tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, tăng trưởng thương mại toàn cầu đã bắt đầu giảm tốc. Từ năm 2016, ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng tăng trưởng thương mại thấp hơn đã trở thành một đặc trưng lâu dài của nền kinh tế thế giới. Thương mại thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng với tốc độ chỉ 2,3% mỗi năm cho đến năm 2031, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 8,1% trong giai đoạn 1985 - 2007. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đã chứng kiến dòng vốn giảm mạnh xuống dao động ở mức rất thấp trong gần hai thập niên (từ 1,26 - 3,6%), sau khi đạt đỉnh 5,4% vào năm 2007.

Trong 5 năm trở lại đây, theo sau chiến thắng của Trump và Brexit, chủ nghĩa dân túy (populism) bắt đầu nở rộ ở nhiều quốc gia, khi những người theo chủ nghĩa dân túy lần đầu tiên lên nắm quyền ở những nền kinh tế mới nổi, điển hình là Vladimir Putin ở Nga (từ năm 2000), Tập Cận Bình ở Trung Quốc (từ năm 2012) và Recep Erdoğan ở Thổ Nhĩ Kỳ (từ năm 2014). Dưới sự cầm quyền của các chính quyền dân tuý, các chính sách thương mại có xu hướng chống lại khả năng quốc hữu hóa hoặc đa dạng hóa chuỗi giá trị, thay vào đó, cổ vũ cho nội địa hoá (localization) - một tập hợp những biện pháp nhằm hỗ trợ cho ngành công nghiệp nội địa, bao gồm các ưu đãi về thuế và mua sắm của chính phủ, những biện pháp trợ cấp, can thiệp thương mại, ràng buộc yêu cầu hàm lượng sản phẩm địa phương vào các dự án đầu tư. Đó cũng chính là các công cụ chính sách điển hình mang tên “chủ nghĩa bảo hộ”.

Trong một nền kinh tế toàn cầu ngày càng liên kết, chưa bàn đến những vấn đề có tác động lan toả rộng khắp như biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, chỉ cần một sự kiện địa chính trị xảy ra ở một khu vực (như chiến tranh Ukraine), những khu vực khác cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Trước thực tế trên, xu hướng sử dụng chính sách bảo hộ và nội địa hoá chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu rủi ro không chỉ trở thành lựa chọn “thức thời” ở những quốc gia có chính quyền thiên hữu, mà còn lan sang nhiều nền kinh tế thị trường tự do ở cả phương Đông và phương Tây.

Lo ngại về một cuộc khủng hoảng lạm phát lương thực toàn cầu gia tăng trong bối cảnh mất an ninh lương thực vì biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, và chiến tranh Ukraine, nhiều quốc gia bắt đầu áp dụng chính sách bảo hộ lương thực. Ví dụ cụ thể là các biện pháp đình chỉ xuất khẩu và dỡ bỏ thuế nhập khẩu lương thực ở EU, Argentina, Anguilla, Bolivia, Brazil, Campuchia, Colombia, Ai Cập, El Salvador, Ba Lan, Romania, Gambia, Indonesia, Mông Cổ, Bắc Macedonia, Serbia, Thụy Sĩ và Uzbekistan; lệnh cấm xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp của Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) gồm Nga, Kazakhstan, Armenia, Belarus và Kyrgyzstan; lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, ngô, dầu hướng dương và phân bón của Ukraine; lệnh ngừng xuất khẩu ngũ cốc của Hungary; lệnh hạn chế xuất khẩu dầu cọ của Indonesia - nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới.

Những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và khuyến khích các công ty rút chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc đang tiếp tục dưới thời chính quyền Biden, dưới hình thái các của các đạo luật và thoả thuận như Đạo luật Giảm lạm phát (The Inflation Reduction Act), Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (United States-Mexico-Canada Agreement), Đạo luật CHIPS và Khoa học (CHIPS and Science Act). Về phía Trung Quốc, nước này đã thành lập một quỹ công trị giá 40 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp chip trong nước, hướng đến mục tiêu tự cung tự cấp bán dẫn và sớm đuổi kịp các tiến bộ công nghệ của Mỹ cũng như các đối thủ khác trong ngành. Nhật Bản cũng không đứng ngoài xu hướng trên, khi các cơ quan quản lý ở Tokyo đang cung cấp các ưu đãi (dưới hình thức trợ cấp trị giá 2,2 tỷ USD) để giúp các nhà sản xuất chuyển dây chuyền ra khỏi Trung Quốc, trở lại Nhật Bản, hoặc sang các nước khác ở châu Á (như Indonesia hoặc Philippines) nhằm hạn chế rủi ro từ việc liên kết chuỗi cung ứng với Trung Quốc. Đài Loan cũng đang hướng đến nội địa hoá chuỗi cung ứng bán dẫn qua nỗ lực đầu tư cho đổi mới và R&D thay vì chỉ tập trung vào sản xuất chip theo đơn đặt hàng từ nước ngoài như trước đây.

Không chỉ giới hạn ở chính sách công, các doanh nghiệp đa quốc gia cũng nhận ra những rủi ro của toàn cầu hoá và đa dạng hoá sau đại dịch, từ đó dần thu hẹp chuỗi cung ứng về gần nước mình hơn, góp phần vào xu hướng nội địa hoá chuỗi cung ứng. Báo cáo của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho biết, đa dạng hóa vẫn là chiến lược chính của các công ty nhằm tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng (47% vào năm 2021 và 48% vào năm 2022), nhưng riêng trong năm 2022, đã có khoảng 20% doanh nghiệp chuyển sang khu vực hóa (nearshoring) (so với 12% vào năm 2021) và 15% theo đuổi việc thu hẹp chuỗi cung ứng về trong nước (reshoring) (so với chỉ 5% vào năm 2021).

Nội địa hoá chuỗi cung ứng, những tưởng là để giảm thiểu rủi ro từ các vấn đề toàn cầu, nhưng trên thực tế có thể tiêu tốn chi phí lớn và kém hiệu quả hơn nhiều so với đa dạng hoá, nhất là đối với một số ngành công nghiệp đặc thù. Chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay mang bản chất của một hệ sinh thái module lớn (Massively Modular Ecosystem) - một hệ thống phi tập trung nơi các công ty sử dụng các công cụ ưu đãi để liên kết với nhau, nơi một hàng hoá từ khâu thiết kế đến khâu thành phẩm phải đi qua các cụm doanh nghiệp/nhà xưởng phân tán về mặt địa lý, với mỗi cụm chuyên sản xuất mỗi thành phần cụ thể của mặt hàng. Hệ sinh thái đa dạng hoá này là cấu trúc vận hành điển hình của nhiều ngành công nghiệp hiện đại, cần nguồn nguyên liệu đầu vào là nguồn tài nguyên phân bố rải rác ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có ngành bán dẫn, ô tô và điện tử tiêu dùng, dẫn đến sự tốn kém và hầu như là thiếu khả thi để tái cấu trúc theo hướng nội địa hoá. Báo cáo chung của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) và BCG ước tính, để thiết lập một chuỗi cung ứng chip địa phương tự cung tự cấp hoàn toàn, cần ít nhất 1 nghìn tỷ USD đầu tư trả trước và từ 45 - 125 tỷ USD chi phí hoạt động thường xuyên hàng năm cho toàn ngành, dẫn đến giá chip về tổng thể có thể tăng từ 35 - 65%.

Hơn nữa, để vượt qua khủng hoảng thì các biện pháp bảo hộ thương mại thường chỉ có tác dụng tạm thời. Việc các quốc gia lạm dụng chủ nghĩa bảo hộ có thể làm gián đoạn dòng chảy thương mại và cô lập các nhà cung cấp lớn khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Riêng đối với ngành lương thực, các chính sách bảo hộ có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng trong việc tiếp cận lương thực ở châu Phi và Trung Đông - nơi có các nền kinh tế kém phát triển và chỉ số nghèo đói cao, cũng như dễ bị tổn thương trước tình trạng mất an ninh lương thực.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu những tác động mạnh mẽ từ những cú sốc kinh tế chính trị. Vậy, chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục được duy trì, hay sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới? Bài viết tiếp theo sẽ cung cấp một số dự báo về tương lai của chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng những hàm ý cho Đông Nam Á và Việt Nam.

Trong vòng 4 thập kỷ qua, toàn cầu hoá là bệ phóng để các doanh nghiệp thiết lập chuỗi cung ứng quốc tế, tối ưu hoá chi phí sản xuất và tăng cường đầu ra cho sản phẩm. So với những năm 80 của thế kỷ XX, khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu vào năm 2021 tăng hơn 10 lần - vượt quá 22 nghìn tỷ USD. Kết quả này là nhờ vào sự mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy vậy, hiện nay, một cấu trúc chuỗi cung ứng ổn định trong gần nửa thế kỷ đang đứng trước ba mối đe doạ nghiêm trọng: chiến tranh, cạnh tranh giữa các cường quốc, và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Hai năm trở lại đây, “chuỗi cung ứng linh hoạt” (resilient supply chain) - cụm từ chỉ nỗ lực xây dựng một chuỗi cung ứng thông suốt, hạn chế đáng kể sự gián đoạn do tác động của các vấn đề toàn cầu - trở thành chủ đề thảo luận chính tại các diễn đàn hợp tác đa phương về thương mại, nhằm huy động những nỗ lực mang tính phối hợp giữa các quốc gia nhằm bảo vệ tính bền vững của chuỗi cung ứng toàn cầu. Trớ trêu thay, trái với khẩu hiệu “chuỗi cung ứng linh hoạt”, “chuỗi cung ứng tách rời” (decoupling supply chain) là thực tế mà một bộ phận quốc gia nắm giữ phần lớn GDP toàn cầu đang hướng đến.

Đại dịch Covid-19 - đã chấm dứt vào tháng 5/2023 (theo tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới) - là nguyên nhân khách quan làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy vậy, những gì diễn ra cho đến tháng 10 năm nay, bắt nguồn từ hành vi chính sách của các quốc gia, mới là nhân tố then chốt làm chậm lại sự phục hồi, thậm chí thay đổi cấu trúc của chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch. Nỗ lực kéo dài chiến sự ở Ukraine của các bên liên quan đang chia tách thị trường Nga và châu Âu. Cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung “bẻ đôi” chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ cũng đe dọa thu hẹp một cấu trúc chuỗi cung ứng đã được mở rộng và hoàn chỉnh qua nhiều thập kỷ.

Chiến tranh Ukraine và chuỗi cung ứng năng lượng “đường vòng”

Trong nhiều năm, Nga là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho Liên minh châu Âu (EU). Trước chiến tranh, Nga chiếm 45% tổng lượng than, 36% tổng lượng khí đốt tự nhiên, và 25% tổng lượng dầu mỏ nhập khẩu vào EU. Sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc tấn công vào Ukraine (tháng 2/2022), phương Tây bắt đầu tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt thương mại lên Nga, khiến thị phần của Moscow trong chiếc bánh nhập khẩu năng lượng của châu Âu giảm mạnh, từ 31% trong quý I/2022 xuống còn chưa đến 19% vào quý IV/2022. Nhập khẩu dầu thô từ Nga sang EU bằng đường biển bị cấm. Nord Stream 1 và 2 - hệ thống đường ống dẫn khí đốt chủ lực từ Nga sang EU – phải dừng hoạt động vì sự cố nổ chưa rõ nguyên nhân. Hợp tác năng lượng giữa hai thị trường truyền thống bị chia cắt, đẩy chuỗi cung ứng năng lượng của Nga hướng về châu Á nhiều hơn. Tiếp theo, những gì đã diễn ra?

Ở thị trường EU, Mỹ chớp thời cơ vươn lên trở thành nhà cung cấp khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) lớn thứ hai với gần 20% thị phần, sau nhà cung cấp lớn nhất của khối hiện nay là Na Uy - chiếm gần 31%. Một chuỗi cung ứng năng lượng mới giữa các đối tác thân thiện (friendshoring) bắt đầu hình thành ở phương Tây. Lý tưởng là vậy, nhưng chỉ sự “hợp lực” giữa MỹNa Uy là không đủ để “hất cẳng” Nga ra khỏi thị phần nhập khẩu năng lượng cho châu Âu. Trong bối cảnh đó, bên cạnh nỗ lực tăng tốc phát triển mạng lưới năng lượng tái tạo nội địa, các thành viên EU buộc phải tìm đến những nhà cung cấp mới để bảo toàn an ninh năng lượng trong ngắn hạn.

Vào tháng 2, Kazakhstan đã gửi lô dầu đầu tiên đến nhà máy lọc dầu PCK ở Schwedt (Đức) trên tuyến đường ống Druzhba qua Nga, Belarus và Ba Lan, sau khi Đức quyết định tạm dừng tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu từ Nga - nhà cung cấp 34% dầu mỏ cho Berlin vào năm 2021. Thương vụ này của Đức đã làm nổi bật vai trò của Kazakhstan trong nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng cho châu Âu. Tuy vậy, nghịch lý ở đây là: Kazakhstan sẽ không thể xuất khẩu dầu sang Đức nếu không có mối quan hệ lịch sử với Nga và cơ sở hạ tầng của Moscow. Nói cách khác, cho dù không là nhà cung cấp, Nga vẫn đóng vai trò không thể thiếu trong chuỗi cung ứng năng lượng của châu Âu.

Mặt khác, trong vòng xoáy trừng phạt của phương Tây, Moscow vẫn không hề bị cô lập. Trung Quốc và Ấn Độ - hai quốc gia từ chối lên án lẫn ban hành các biện pháp trừng phạt Nga vì cuộc chiến ở Ukraine, đã và đang thay châu Âu trở thành những khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Moscow. Chỉ một tháng sau khi chiến tranh nổ ra ở Ukraine, trong bối cảnh Mỹ và EU vẫn còn đang bàn tính chuyện có nên chăng cấm dầu của Nga, thì Trung Quốc và Ấn Độ đã nhanh chóng mở rộng nhập khẩu dầu thô từ Nga với mức giá chiết khấu. Tính đến quý II/2023, Bắc Kinh và New Delhi chiếm đến 80% lượng xuất khẩu dầu của Nga.

Cuộc chiến tranh Ukraine đang góp vào sự tách rời chuỗi cung ứng Đông - Tây. Điều này được phản ánh qua dự báo của Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG). Cụ thể, từ 2023 đến năm 2031, thương mại giữa EU và Mỹ dự kiến sẽ tăng thêm 338 tỷ USD, phần lớn nhờ sự mở rộng thị phần xuất khẩu năng lượng của Mỹ sang châu Âu. Trong khi đó, thương mại của Nga với Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng 110 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 90 tỷ USD.

Song, điểm đáng chú ý ở đây là, một lần nữa, EU vẫn không thể “tách rời” hoàn toàn khỏi Nga. Sau khi áp lệnh hạn chế lên giá dầu của Nga vào tháng 12 năm ngoái, EU đã chuyển sang mua gián tiếp dầu Nga từ Ấn Độ với giá cao hơn. Dữ liệu của Bộ Thương mại và Công nghệ Ấn Độ cho thấy, vào tháng 3 năm nay, Nga trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Ấn Độ, song song đó, EU trở thành thị trường xuất khẩu dầu thô lớn nhất của New Delhi. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cũng đã thừa nhận thực tế trên.

Không dừng lại ở lệnh hạn chế đối với mặt hàng dầu, EU còn huy động toàn bộ thành viên của khối hạn chế nhập khẩu LNG từ Nga. Tuy nhiên, ở một diễn biến khác, Trung Quốc mua đi bán lại LNG của Nga cho thị trường châu Âu với giá cao hơn đáng kể. Cuối cùng, EU vẫn mua LNG do Nga sản xuất, nhưng họ phải trả cho Trung Quốc một mức giá cao hơn để có được lượng khí đốt này. Trong nửa đầu năm 2022, tổng khối lượng LNG mà Trung Quốc bán cho EU ước tính trên 4 triệu tấn, tương đương 7% lượng khí đốt nhập khẩu của liên minh.

Nhìn chung, tình cảnh của EU giờ đây đang là: song song với việc không ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine để tiếp tục chiến đấu với Nga, đồng thời ban hành một loạt biện pháp trừng phạt nhà cung cấp năng lượng gần kề và then chốt của mình, Brussels không những phải đi quãng đường xa hơn để tìm kiếm nguồn cung thay thế, mà sau cùng, vẫn mua lại năng lượng của Moscow - nhưng bằng một cách tốn kém hơn.

Cạnh tranh Mỹ - Trung “bẻ đôi” chuỗi cung ứng bán dẫn

Nguồn gốc của cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung đã manh nha từ năm 2015 khi Trung Quốc ban hành kế hoạch “Made in China 2025” (MIC 2025), trong đó chính quyền nước này đề ra mục tiêu “hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện sáp nhập, đầu tư cổ phần và đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài” để giảm sự phụ thuộc của Bắc Kinh vào công nghệ nước ngoài. Kết quả là, tổng giá trị thương vụ mua lại các công ty Mỹ của Trung Quốc đã tăng 376% (lên khoảng 55 tỷ USD) vào năm 2016.

Ở thời điểm này, Washington vẫn chưa kịp trở tay trước việc Bắc Kinh đang tìm cách đầu tư, sáp nhập các công ty của nước mình nhằm tìm cách “đánh cắp” công nghệ, khi hàng lang pháp lý của Mỹ nhằm ứng phó với vấn đề này vẫn còn là khoảng trống. Báo cáo của Lầu Năm Góc vào năm 2018 cho biết: “Mỹ không có chính sách hoặc công cụ toàn diện để giải quyết vấn đề chuyển giao công nghệ khổng lồ này sang Trung Quốc”. Các chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh: việc chuyển giao công nghệ lén lút thông qua các hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ là một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều so với tranh chấp thuế quan. Phải đến năm 2017, khi Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông mới nhận ra “mánh khoé” trên của Trung Quốc và áp đặt thuế quan nhằm trừng phạt Bắc Kinh vì các hoạt động thương mại không công bằng.

Năm 2018, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc chính thức được Tổng thống Trump phát động. Kể từ đó cho đến nay, cạnh tranh thương mại và công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tiếp diễn, với các biện pháp trả đũa lẫn nhau gây tác động mạnh đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong giai đoạn 2016 - 2020, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm 96%, trong khi chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm đổi mới công nghệ của hai nước tăng mạnh.

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, cạnh tranh thương mại và công nghệ Mỹ - Trung tập trung chủ yếu vào ngành bán dẫn - ngành công nghiệp đóng vai trò “nguồn sống” cho toàn bộ nền kinh tế dựa trên công nghệ, có sản phẩm được giao dịch nhiều thứ tư trên thế giới chỉ sau dầu thô, dầu tinh chế và ô tô. Khởi động cuộc đua này, hai siêu cường đã ban hành các sáng kiến chiến lược như Đạo luật CHIPS và khoa học của Mỹ (tháng 8/2022) và Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc (tháng 3/2021) nhằm tăng cường năng lực sản xuất chất bán dẫn nội địa.

Song song đó, các biện pháp trừng phạt đối phương chủ yếu do phía Mỹ khơi mào. Sự tách rời công nghệ Mỹ - Trung leo thang vào tháng 9/2022 khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan thông báo những thay đổi trong chính sách kinh tế của Mỹ đối với Trung Quốc, với mục tiêu đóng băng tốc độ phát triển công nghệ của Bắc Kinh, để khi biên giới công nghệ của Washington tiếp tục mở rộng, khoảng cách giữa hai nước sẽ xa hơn, từ đó khiến các tiến bộ công nghệ của Trung Quốc thụt lùi so với của Mỹ.

Mỹ và các đồng minh hiện nắm giữ phần lớn chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Với lợi thế này, Mỹ không những đơn phương mà còn kêu gọi đồng minh ban hành các lệnh hạn chế lên ngành bán dẫn của Trung Quốc, nhằm làm chậm những tiến bộ công nghệ của Bắc Kinh. Vào tháng 10/2022, chính quyền Biden đã công bố một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu bán dẫn cho Trung Quốc, bao gồm cắt đứt khả năng Trung Quốc tiếp cận một số chip bán dẫn được sản xuất ở bất kỳ đâu trên thế giới bằng thiết bị của Mỹ, và cấm công dân Mỹ làm việc cho các công ty bán dẫn của Trung Quốc. Trong cùng tháng, cuộc họp đầu tiên giữa Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Liên minh Chip 4) đã diễn ra. Đây là nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm làm suy yếu khả năng tham gia của Trung Quốc vào chuỗi cung ứng bán dẫn. Sang đầu năm 2023, Mỹ đã thành công lôi kéo Nhật Bản và Hà Lan cùng ban hành các lệnh giới hạn xuất khẩu bán dẫn sang thị trường Trung Quốc.

Theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào năm 2021, việc tách rời công nghệ gây ra ba tác động trực tiếp đến tăng trưởng toàn cầu, gồm: giảm dòng chảy thương mại toàn cầu, phân bổ sai nguồn lực, và hạn chế phổ biến kiến thức xuyên biên giới. Trước hết, theo ước tính của BCG, các công ty Mỹ sẽ mất 18% thị phần toàn cầu và 37% doanh thu - dẫn đến mất từ 15.000 - 40.000 việc làm có tay nghề cao trong nước - nếu Washington theo đuổi các biện pháp tách rời công nghệ cứng và cấm hoàn toàn các công ty bán dẫn trong nước giao thương với khách hàng Trung Quốc. Thứ hai, tuy Mỹ là quê hương của ngành công nghiệp bán dẫn, các công ty bán dẫn hàng đầu của quốc gia này (Qualcomm, Qorvo, Texas Instruments và Broadcom) lại vươn lên nhờ thị trường Trung Quốc - nơi chiếm phân nửa doanh thu hàng năm của họ. Khi các biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa Washington và Bắc Kinh ngày một leo thang, các công ty công nghệ của Mỹ có nguy cơ phải chịu lệnh trừng phạt từ cả hai phía: Washington trừng phạt họ vì ủng hộ việc sản xuất chip của Trung Quốc, và Bắc Kinh trừng phạt họ vì các chính sách của Washington.

Cuối cùng, bên cạnh chi phí kinh tế, việc tách rời chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu cũng sẽ dẫn đến tổn thất về đổi mới trong tương lai cho toàn bộ ngành, bởi các rào cản tiếp cận thị trường rộng rãi và các hạn chế đối với chuyển giao công nghệ có thể phá vỡ các vòng phản hồi (feedback loop) - hay dây chuyền cung ứng, đã hình thành và được tối ưu hoá trong 30 năm.

Chủ nghĩa bảo hộ và tình trạng “nội địa hoá” chuỗi cung ứng

Toàn cầu hoá không chỉ mang đến điều tích cực. Các “cú sốc” kinh tế do hiệu ứng tiêu cực của toàn cầu hoá trong vòng hơn một thập kỷ qua, như khủng hoảng kinh tế và đại dịch Covid-19, đã kích thích sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ (protectionism) ở nhiều quốc gia.

Kể từ năm 1990, thương mại toàn cầu đã làm tăng thu nhập trên toàn thế giới lên 24%, và 50% cho 40% dân số nghèo nhất. Tuy nhiên, theo sau tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, tăng trưởng thương mại toàn cầu đã bắt đầu giảm tốc. Từ năm 2016, ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng tăng trưởng thương mại thấp hơn đã trở thành một đặc trưng lâu dài của nền kinh tế thế giới. Thương mại thế giới được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng với tốc độ chỉ 2,3% mỗi năm cho đến năm 2031, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 8,1% trong giai đoạn 1985 - 2007. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đã chứng kiến dòng vốn giảm mạnh xuống dao động ở mức rất thấp trong gần hai thập niên (từ 1,26 - 3,6%), sau khi đạt đỉnh 5,4% vào năm 2007.

Trong 5 năm trở lại đây, theo sau chiến thắng của Trump và Brexit, chủ nghĩa dân túy (populism) bắt đầu nở rộ ở nhiều quốc gia, khi những người theo chủ nghĩa dân túy lần đầu tiên lên nắm quyền ở những nền kinh tế mới nổi, điển hình là Vladimir Putin ở Nga (từ năm 2000), Tập Cận Bình ở Trung Quốc (từ năm 2012) và Recep Erdoğan ở Thổ Nhĩ Kỳ (từ năm 2014). Dưới sự cầm quyền của các chính quyền dân tuý, các chính sách thương mại có xu hướng chống lại khả năng quốc hữu hóa hoặc đa dạng hóa chuỗi giá trị, thay vào đó, cổ vũ cho nội địa hoá (localization) - một tập hợp những biện pháp nhằm hỗ trợ cho ngành công nghiệp nội địa, bao gồm các ưu đãi về thuế và mua sắm của chính phủ, những biện pháp trợ cấp, can thiệp thương mại, ràng buộc yêu cầu hàm lượng sản phẩm địa phương vào các dự án đầu tư. Đó cũng chính là các công cụ chính sách điển hình mang tên “chủ nghĩa bảo hộ”.

Trong một nền kinh tế toàn cầu ngày càng liên kết, chưa bàn đến những vấn đề có tác động lan toả rộng khắp như biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19, chỉ cần một sự kiện địa chính trị xảy ra ở một khu vực (như chiến tranh Ukraine), những khu vực khác cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Trước thực tế trên, xu hướng sử dụng chính sách bảo hộ và nội địa hoá chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu rủi ro không chỉ trở thành lựa chọn “thức thời” ở những quốc gia có chính quyền thiên hữu, mà còn lan sang nhiều nền kinh tế thị trường tự do ở cả phương Đông và phương Tây.

Lo ngại về một cuộc khủng hoảng lạm phát lương thực toàn cầu gia tăng trong bối cảnh mất an ninh lương thực vì biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, và chiến tranh Ukraine, nhiều quốc gia bắt đầu áp dụng chính sách bảo hộ lương thực. Ví dụ cụ thể là các biện pháp đình chỉ xuất khẩu và dỡ bỏ thuế nhập khẩu lương thực ở EU, Argentina, Anguilla, Bolivia, Brazil, Campuchia, Colombia, Ai Cập, El Salvador, Ba Lan, Romania, Gambia, Indonesia, Mông Cổ, Bắc Macedonia, Serbia, Thụy Sĩ và Uzbekistan; lệnh cấm xuất khẩu nhiều sản phẩm nông nghiệp của Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) gồm Nga, Kazakhstan, Armenia, Belarus và Kyrgyzstan; lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, ngô, dầu hướng dương và phân bón của Ukraine; lệnh ngừng xuất khẩu ngũ cốc của Hungary; lệnh hạn chế xuất khẩu dầu cọ của Indonesia - nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới.

Những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và khuyến khích các công ty rút chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc đang tiếp tục dưới thời chính quyền Biden, dưới hình thái các của các đạo luật và thoả thuận như Đạo luật Giảm lạm phát (The Inflation Reduction Act), Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (United States-Mexico-Canada Agreement), Đạo luật CHIPS và Khoa học (CHIPS and Science Act). Về phía Trung Quốc, nước này đã thành lập một quỹ công trị giá 40 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp chip trong nước, hướng đến mục tiêu tự cung tự cấp bán dẫn và sớm đuổi kịp các tiến bộ công nghệ của Mỹ cũng như các đối thủ khác trong ngành. Nhật Bản cũng không đứng ngoài xu hướng trên, khi các cơ quan quản lý ở Tokyo đang cung cấp các ưu đãi (dưới hình thức trợ cấp trị giá 2,2 tỷ USD) để giúp các nhà sản xuất chuyển dây chuyền ra khỏi Trung Quốc, trở lại Nhật Bản, hoặc sang các nước khác ở châu Á (như Indonesia hoặc Philippines) nhằm hạn chế rủi ro từ việc liên kết chuỗi cung ứng với Trung Quốc. Đài Loan cũng đang hướng đến nội địa hoá chuỗi cung ứng bán dẫn qua nỗ lực đầu tư cho đổi mới và R&D thay vì chỉ tập trung vào sản xuất chip theo đơn đặt hàng từ nước ngoài như trước đây.

Không chỉ giới hạn ở chính sách công, các doanh nghiệp đa quốc gia cũng nhận ra những rủi ro của toàn cầu hoá và đa dạng hoá sau đại dịch, từ đó dần thu hẹp chuỗi cung ứng về gần nước mình hơn, góp phần vào xu hướng nội địa hoá chuỗi cung ứng. Báo cáo của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho biết, đa dạng hóa vẫn là chiến lược chính của các công ty nhằm tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng (47% vào năm 2021 và 48% vào năm 2022), nhưng riêng trong năm 2022, đã có khoảng 20% doanh nghiệp chuyển sang khu vực hóa (nearshoring) (so với 12% vào năm 2021) và 15% theo đuổi việc thu hẹp chuỗi cung ứng về trong nước (reshoring) (so với chỉ 5% vào năm 2021).

Nội địa hoá chuỗi cung ứng, những tưởng là để giảm thiểu rủi ro từ các vấn đề toàn cầu, nhưng trên thực tế có thể tiêu tốn chi phí lớn và kém hiệu quả hơn nhiều so với đa dạng hoá, nhất là đối với một số ngành công nghiệp đặc thù. Chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay mang bản chất của một hệ sinh thái module lớn (Massively Modular Ecosystem) - một hệ thống phi tập trung nơi các công ty sử dụng các công cụ ưu đãi để liên kết với nhau, nơi một hàng hoá từ khâu thiết kế đến khâu thành phẩm phải đi qua các cụm doanh nghiệp/nhà xưởng phân tán về mặt địa lý, với mỗi cụm chuyên sản xuất mỗi thành phần cụ thể của mặt hàng. Hệ sinh thái đa dạng hoá này là cấu trúc vận hành điển hình của nhiều ngành công nghiệp hiện đại, cần nguồn nguyên liệu đầu vào là nguồn tài nguyên phân bố rải rác ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có ngành bán dẫn, ô tô và điện tử tiêu dùng, dẫn đến sự tốn kém và hầu như là thiếu khả thi để tái cấu trúc theo hướng nội địa hoá. Báo cáo chung của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA) và BCG ước tính, để thiết lập một chuỗi cung ứng chip địa phương tự cung tự cấp hoàn toàn, cần ít nhất 1 nghìn tỷ USD đầu tư trả trước và từ 45 - 125 tỷ USD chi phí hoạt động thường xuyên hàng năm cho toàn ngành, dẫn đến giá chip về tổng thể có thể tăng từ 35 - 65%.

Hơn nữa, để vượt qua khủng hoảng thì các biện pháp bảo hộ thương mại thường chỉ có tác dụng tạm thời. Việc các quốc gia lạm dụng chủ nghĩa bảo hộ có thể làm gián đoạn dòng chảy thương mại và cô lập các nhà cung cấp lớn khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Riêng đối với ngành lương thực, các chính sách bảo hộ có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng trong việc tiếp cận lương thực ở châu Phi và Trung Đông - nơi có các nền kinh tế kém phát triển và chỉ số nghèo đói cao, cũng như dễ bị tổn thương trước tình trạng mất an ninh lương thực.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu những tác động mạnh mẽ từ những cú sốc kinh tế chính trị. Vậy, chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục được duy trì, hay sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian tới? Bài viết tiếp theo sẽ cung cấp một số dự báo về tương lai của chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng những hàm ý cho Đông Nam Á và Việt Nam.

Từ khoá: chuỗi cung ứng thương mại quốc tế chiến tranh Ukraine cạnh tranh Mỹ - Trung chủ nghĩa bảo hộ

BÀI LIÊN QUAN