Kinh tế   14/11/2023

Đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam: Vẫn còn dư địa phát triển

Môi trường đầu tư ở Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế; tuy nhiên, thị trường này vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Image
Ảnh minh hoạ cờ Việt Nam và Nhật Bản - (C): Vietnam Briefing

Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tư sớm nhất vào Việt Nam kể từ sau khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thông qua vào ngày 29/12/1987. Từ đó đến nay, có những thời điểm Nhật Bản vươn lên vị trí đầu tiên theo hạng mục nguồn vốn đăng ký đầu tư mới hàng năm vào Việt Nam. Hai lần gần đây mà Nhật Bản đứng ở vị trí thứ nhất là vào năm 2017 và năm 2018, lần lượt với tổng vốn là 9,11 tỷ USD8,59 tỷ USD. Tuy nhiên, đến năm 2019, những tác động của tình hình trong nước và quốc tế đã khiến Nhật Bản chỉ còn là nhà đầu tư lớn thứ tư tại Việt Nam với 500 triệu USD vốn đăng ký đầu tư mới.

Theo ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) Hà Nội, có hai nguyên nhân làm chậm lại động lực đầu tư mới của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam vào năm 2019. Nguyên nhân đầu tiên là suy thoái kinh tế càng trầm trọng do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tăng trưởng kinh tế rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giá dầu tăng mạnh. Tác động của tình hình kinh tế khó khăn khiến nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra các tài sản có mức độ rủi ro cao, và mua vào các tài sản an toàn, trong đó có đồng Yên, làm cho đồng nội tệ này tăng giá mạnh so với đồng USD. Tuy nhiên, đồng Yên tăng giá khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản (tập đoàn Subaru, Toyota, Nissan, Mitsubishi…) lo lắng về nguy cơ giảm lợi nhuận, buộc họ phải quản trị rủi ro bằng cách tránh thực hiện các khoản đầu tư mới. Nguyên nhân còn lại là do Chính phủ Nhật Bản tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 8% lên 10% kể từ ngày 1/10/2019, dẫn đến nhu cầu mua hàng trong nước thấp hơn, từ đó ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu về lại thị trường nội địa của một số công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam.

Từ năm 2020 đến nay, Nhật Bản vẫn chưa thể quay trở lại vị trí dẫn đầu về vốn đăng ký đầu tư mới hàng năm tại Việt Nam. Tuy nhiên, có sự khởi sắc trong nỗ lực thúc đẩy đầu tư của Nhật vào Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam ghi nhận 1,7 tỷ USD đầu tư từ Nhật Bản (tính đến hết tháng 10), đứng thứ tư. Đến năm 2021, vốn đầu tư là 3,9 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ ba. Năm 2022, Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí thứ ba với 4,78 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản duy trì vị trí thứ ba với tổng vốn đăng ký mới gần 2,9 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, Việt Nam vẫn là lựa chọn hàng đầu khi các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản muốn đặt trụ sở và mở rộng kinh doanh. Theo khảo sát của JETRO vào tháng 2/2023, 60% doanh nghiệp Nhật Bản có ý định tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam. Đây là mức cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á có ý định đầu tư vào Việt Nam.   

Việt Nam vẫn hấp dẫn với nhà đầu tư Nhật Bản

Đối với Nhật Bản, thị trường Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầy hứa hẹn. Trong phần còn lại của năm 2023 và những năm tiếp theo, nguồn vốn đăng ký đầu tư mới của Nhật Bản vào nhiều lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng vì quốc gia Đông Nam Á này có lợi thế về nguồn nhân lực, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, tình hình chính trị ổn định, và Chính phủ quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.   

Thứ nhất, so với thị trường Nhật Bản, Việt Nam có lợi thế hơn về nguồn nhân lực. Tại Nhật Bản, số người từ 65 tuổi trở lên dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2044, đồng nghĩa nhân lực trong độ tuổi lao động ngày càng giảm. Ngược lại, xã hội Việt Nam vẫn trong giai đoạn dân số “vàng” (khoảng 50,74 triệu người trong độ tuổi lao động, thế hệ sinh ra từ những năm 1990 và 2000 chiếm 65%). Các yếu tố này góp phần thúc đẩy xu hướng chuyển dịch, mở rộng nhà máy của các công ty Nhật Bản sang Việt Nam. Năm 2020, Tokyo đã ban hành gói tài trợ 653 triệu USD cho 80 công ty để di chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó có 15 công ty chuyển đến Việt Nam với những tên tuổi nổi tiếng như Công Ty TNHH Thương Mại và Xây Lắp Meiko (chuyên sản xuất bản mạch điện tử), Công ty TNHH Nikkiso Việt Nam (chuyên sản xuất ống dây lọc thận), Công ty TNHH Akiba Die Casting (chuyên sản xuất bộ phận module điện), Công ty TNHH Pronics (chuyên sản xuất linh kiện máy điều hòa)…

Thứ hai, Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, tình hình chính trị ổn định, và quy mô tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. Những yếu tố này khá hấp dẫn trong việc thu hút làn sóng đầu tư từ các tập đoàn tài chính nước ngoài, nhất là từ các ngân hàng của Nhật Bản. Ba ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản là Tokyo-Mitsubishi UFJ, Mizuho và Sumitomo Mitsui (SMBC) đều đã trở thành cổ đông chiến lược tại ba ngân hàng lớn của Việt Nam là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Ngoài ra, một ngân hàng khác của Nhật Bản là Aozora đã mua lại 15% cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vào năm 2021.

Thứ ba, quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đã giúp Việt Nam mở rộng cơ hội thu hút thêm nguồn vốn đầu tư mới từ Nhật Bản. Tháng 10/2021, Văn phòng Thủ tướng của Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2025. Chiến lược giúp hình thành khuôn khổ phát triển bền vững trên phạm vi cả nước với các mục tiêu rõ ràng, đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa theo đuổi hoạt động kinh tế với bảo vệ môi trường, tận dụng công nghệ và nguồn nhân lực trình độ cao. Hệ quả là, những năm qua, Nhật Bản đã đầu tư vào một số dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam như nhà máy thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Thác Mơ, nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng, và nhà máy điện gió Quảng Trị. Dư địa cho hợp tác này vẫn rất rộng mở vì lĩnh vực chuyển đổi xanh nhận được sự quan tâm thường xuyên của các đối tác Nhật Bản. Tại Hội thảo “Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng tới tăng trưởng xanh” (tháng 9/2023), JETRO khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần thắt chặt các quy định về môi trường và trách nhiệm với môi trường của các nhà sản xuất, đồng thời đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Do vậy, quyết tâm từ Chính phủ Việt Nam và các kết quả thực tế có ý nghĩa quyết định đến việc Nhật Bản có gia tăng nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam hay không.

Những thách thức còn tồn tại

Tuy nhiên, môi trường kinh tế - xã hội của Việt Nam vẫn còn hạn chế về chất lượng nhân lực, nguồn cung đầu vào, và khả năng tiếp nhận nguồn vốn. Các thách thức này có thể là lực cản làm giảm khả năng thu hút nguồn vốn đăng ký mới từ các nhà đầu tư Nhật Bản.

Thứ nhất, theo khảo sát của JETRO, các công ty Nhật Bản cho rằng chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Trình độ nguồn nhân lực còn thấp là thách thức đáng kể có thể ảnh hưởng đến mức độ hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Theo Báo cáo thường niên về các thị trường lao động trên toàn cầu do Talent Solutions thực hiện vào năm 2022, mặc dù Việt Nam có tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở tương đối cao (khoảng 88%), nhưng lao động có tay nghề cao chỉ chiếm 11,67%, và hầu như không thay đổi so với 3 năm trước. Hơn nữa, tỷ lệ lao động Việt Nam thông thạo tiếng Anh chỉ chiếm 5% tổng lực lượng lao động, tương đối thấp so với các nước không nói tiếng Anh khác trong khu vực như Indonesia (10%), Malaysia (21%), Thái Lan (27%).

Thứ hai, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Theo đánh giá của Bộ Công thương vào năm 2022, doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đủ năng lực để làm chủ, cũng như cạnh tranh về các công nghệ nguồn trong sản xuất. Đồng thời, họ cũng chưa tạo dựng được các sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu Việt Nam với giá trị và hàm lượng công nghệ cao. Vì vậy, các nhà máy sản xuất ở Việt Nam phải phụ thuộc phần lớn vào linh kiện, phụ kiện nước ngoài, chẳng hạn “hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô tô lắp ráp tại các doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay vẫn do công ty mẹ và các tập đoàn xuyên quốc gia cung cấp”. Hạn chế này khiến giá nguyên liệu đầu vào ở thị trường Việt Nam dễ bị ảnh hưởng trước những biến động của tình hình thế giới.

Thứ ba, năng lực thu hút nguồn vốn đầu tư mới từ Nhật Bản của các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển chậm vì Việt Nam có nguy cơ không đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán lên vị thế nền kinh tế mới nổi vào năm 2025. Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), các quỹ đầu tư (đặc biệt là quỹ bị động) thường ưu tiên phân bổ tỷ trọng đầu tư lớn vào thị trường phát triển và mới nổi vì các thị trường này có tính ổn định cao, sản phẩm đa dạng, quy mô giao dịch lớn hơn so với thị trường cận biên. Do đó, việc được nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trong trung và dài hạn.

Căn cứ theo phân loại từ ba tổ chức lớn về xếp hạng thị trường chứng khoán (bao gồm công ty Vốn Quốc tế Morgan Stanley – MSCI; công ty FTSE Russell; và doanh nghiệp liên doanh S&P Dow Jones Indices), các thị trường tài chính được sắp xếp theo ba nhóm (theo thứ tự từ cao đến thấp): thị trường phát triển, thị trường mới nổi, và thị trường cận biên. Theo đó, Việt Nam thuộc vào nhóm thị trường cận biên. Ở cấp độ thị trường cận biên, các quỹ nước ngoài có quy mô nhỏ, thường mang tính đầu cơ cao. Trong khi đó, ở cấp độ thị trường mới nổi, cơ hội để thị trường Việt Nam tiếp cận với các quỹ có quy mô lớn (chẳng hạn như Quỹ Tầm nhìn Softbank) cao hơn, dòng vốn khối ngoại lưu thông trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn.   

Cơ hội vẫn lớn

Tuy còn nhiều thách thức, hợp tác đầu tư Việt - Nhật vẫn có khả năng phát triển, nhất là khi các công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư sang Việt Nam. Công ty Nitto Denko Việt Nam (chuyên sản xuất linh kiện điện tử) đã triển khai đầu tư vốn giai đoạn sáu, với tổng vốn đầu tư hơn 113 triệu USD. Tập đoàn AEON cũng xác định chiến lược đầu tư dài hạn ở Việt Nam để mở rộng mô hình bán lẻ mới. Trong khi đó, tập đoàn Sumitomo đang đầu tư mở rộng khu công nghiệp Thăng Long II (giai đoạn III), và lên kế hoạch sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư giai đoạn IV. Sumitomo, Nitto Denko và AEON đều là những doanh nghiệp có thâm niên hoạt động tại Việt Nam (bắt đầu đầu tư lần lượt vào các năm 1997, 1999, 2009).

Trong nhiều năm qua, các tập đoàn trên còn góp phần vào sự phát triển chung của xã hội Việt Nam, như Quỹ Sumitomo hỗ trợ và trao học bổng cho các dự án nghiên cứu khoa học tại các trường đại học ở Việt Nam; AEON triển khai dự án “Giáo dục bền vững cho thế hệ tương lai”; Nitto Denko có chương trình lựa chọn thợ giỏi để huấn luyện trực tiếp với các chuyên gia, và gửi ra nước ngoài đào tạo. Những sự hỗ trợ trên cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản rất xem trọng thị trường Việt Nam và ngày càng làm sâu sắc hơn quan hệ đầu tư. Có thể thấy, với các công ty Nhật Bản, Việt Nam không chỉ là một cơ sở sản xuất đơn thuần, mà còn là một thị trường đầu tư triển vọng trong dài hạn, nơi Nhật Bản đang dành nguồn lực lớn để hỗ trợ Việt Nam nâng cao trình độ nguồn nhân lực. 

Triển vọng hợp tác kinh tế song phương còn được phản ánh qua số lượng trên 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hiện diện tại Việt Nam (lớn nhất Đông Nam Á), qua đó giúp mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế của quốc gia này. Đồng thời, để mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời kỳ hậu COVID-19, Chính phủ Nhật Bản cam kết vốn chương trình ODA thế hệ mới trị giá 50 tỷ Yên (tương đương 330 triệu USD) với trọng tâm là cơ sở hạ tầng chiến lược quy mô lớn (đường sắt cao tốc Bắc - Nam, xây dựng đường sắt đô thị, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và y tế).

Qua hơn 30 năm Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam (1993-2023), các giá trị hấp dẫn và hạn chế của thị trường Việt Nam vẫn cùng tồn tại. Tuy nhiên, với lợi ích đan xen trong quan hệ Việt - Nhật và mối quan tâm của Nhật Bản vào thị trường Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á nhiều khả năng vẫn tiếp tục là thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Thêm vào đó, hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương, nhất là khi hai nước đang cân nhắc đưa quan hệ hiện thời từ Đối tác chiến lược sâu rộng lên Đối tác chiến lược toàn diện. Nhiều khả năng Việt Nam và Nhật Bản sẽ đồng ý nâng cấp quan hệ ngay trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản sắp tới của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (dự kiến vào tháng 11 năm nay). Trong bối cảnh trên, nhân tố kinh tế sẽ là động lực quan trọng giúp thúc đẩy quan hệ song phương, bao gồm khả năng tăng cường nguồn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.

Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tư sớm nhất vào Việt Nam kể từ sau khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thông qua vào ngày 29/12/1987. Từ đó đến nay, có những thời điểm Nhật Bản vươn lên vị trí đầu tiên theo hạng mục nguồn vốn đăng ký đầu tư mới hàng năm vào Việt Nam. Hai lần gần đây mà Nhật Bản đứng ở vị trí thứ nhất là vào năm 2017 và năm 2018, lần lượt với tổng vốn là 9,11 tỷ USD8,59 tỷ USD. Tuy nhiên, đến năm 2019, những tác động của tình hình trong nước và quốc tế đã khiến Nhật Bản chỉ còn là nhà đầu tư lớn thứ tư tại Việt Nam với 500 triệu USD vốn đăng ký đầu tư mới.

Theo ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) Hà Nội, có hai nguyên nhân làm chậm lại động lực đầu tư mới của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam vào năm 2019. Nguyên nhân đầu tiên là suy thoái kinh tế càng trầm trọng do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tăng trưởng kinh tế rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giá dầu tăng mạnh. Tác động của tình hình kinh tế khó khăn khiến nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra các tài sản có mức độ rủi ro cao, và mua vào các tài sản an toàn, trong đó có đồng Yên, làm cho đồng nội tệ này tăng giá mạnh so với đồng USD. Tuy nhiên, đồng Yên tăng giá khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản (tập đoàn Subaru, Toyota, Nissan, Mitsubishi…) lo lắng về nguy cơ giảm lợi nhuận, buộc họ phải quản trị rủi ro bằng cách tránh thực hiện các khoản đầu tư mới. Nguyên nhân còn lại là do Chính phủ Nhật Bản tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 8% lên 10% kể từ ngày 1/10/2019, dẫn đến nhu cầu mua hàng trong nước thấp hơn, từ đó ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu về lại thị trường nội địa của một số công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam.

Từ năm 2020 đến nay, Nhật Bản vẫn chưa thể quay trở lại vị trí dẫn đầu về vốn đăng ký đầu tư mới hàng năm tại Việt Nam. Tuy nhiên, có sự khởi sắc trong nỗ lực thúc đẩy đầu tư của Nhật vào Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam ghi nhận 1,7 tỷ USD đầu tư từ Nhật Bản (tính đến hết tháng 10), đứng thứ tư. Đến năm 2021, vốn đầu tư là 3,9 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ ba. Năm 2022, Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí thứ ba với 4,78 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Nhật Bản duy trì vị trí thứ ba với tổng vốn đăng ký mới gần 2,9 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, Việt Nam vẫn là lựa chọn hàng đầu khi các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản muốn đặt trụ sở và mở rộng kinh doanh. Theo khảo sát của JETRO vào tháng 2/2023, 60% doanh nghiệp Nhật Bản có ý định tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam. Đây là mức cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á có ý định đầu tư vào Việt Nam.   

Việt Nam vẫn hấp dẫn với nhà đầu tư Nhật Bản

Đối với Nhật Bản, thị trường Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầy hứa hẹn. Trong phần còn lại của năm 2023 và những năm tiếp theo, nguồn vốn đăng ký đầu tư mới của Nhật Bản vào nhiều lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng vì quốc gia Đông Nam Á này có lợi thế về nguồn nhân lực, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, tình hình chính trị ổn định, và Chính phủ quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.   

Thứ nhất, so với thị trường Nhật Bản, Việt Nam có lợi thế hơn về nguồn nhân lực. Tại Nhật Bản, số người từ 65 tuổi trở lên dự kiến sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2044, đồng nghĩa nhân lực trong độ tuổi lao động ngày càng giảm. Ngược lại, xã hội Việt Nam vẫn trong giai đoạn dân số “vàng” (khoảng 50,74 triệu người trong độ tuổi lao động, thế hệ sinh ra từ những năm 1990 và 2000 chiếm 65%). Các yếu tố này góp phần thúc đẩy xu hướng chuyển dịch, mở rộng nhà máy của các công ty Nhật Bản sang Việt Nam. Năm 2020, Tokyo đã ban hành gói tài trợ 653 triệu USD cho 80 công ty để di chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó có 15 công ty chuyển đến Việt Nam với những tên tuổi nổi tiếng như Công Ty TNHH Thương Mại và Xây Lắp Meiko (chuyên sản xuất bản mạch điện tử), Công ty TNHH Nikkiso Việt Nam (chuyên sản xuất ống dây lọc thận), Công ty TNHH Akiba Die Casting (chuyên sản xuất bộ phận module điện), Công ty TNHH Pronics (chuyên sản xuất linh kiện máy điều hòa)…

Thứ hai, Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng nhanh, tình hình chính trị ổn định, và quy mô tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng. Những yếu tố này khá hấp dẫn trong việc thu hút làn sóng đầu tư từ các tập đoàn tài chính nước ngoài, nhất là từ các ngân hàng của Nhật Bản. Ba ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản là Tokyo-Mitsubishi UFJ, Mizuho và Sumitomo Mitsui (SMBC) đều đã trở thành cổ đông chiến lược tại ba ngân hàng lớn của Việt Nam là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Ngoài ra, một ngân hàng khác của Nhật Bản là Aozora đã mua lại 15% cổ phần và trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vào năm 2021.

Thứ ba, quyết tâm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đã giúp Việt Nam mở rộng cơ hội thu hút thêm nguồn vốn đầu tư mới từ Nhật Bản. Tháng 10/2021, Văn phòng Thủ tướng của Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2025. Chiến lược giúp hình thành khuôn khổ phát triển bền vững trên phạm vi cả nước với các mục tiêu rõ ràng, đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa theo đuổi hoạt động kinh tế với bảo vệ môi trường, tận dụng công nghệ và nguồn nhân lực trình độ cao. Hệ quả là, những năm qua, Nhật Bản đã đầu tư vào một số dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam như nhà máy thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Thác Mơ, nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng, và nhà máy điện gió Quảng Trị. Dư địa cho hợp tác này vẫn rất rộng mở vì lĩnh vực chuyển đổi xanh nhận được sự quan tâm thường xuyên của các đối tác Nhật Bản. Tại Hội thảo “Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng tới tăng trưởng xanh” (tháng 9/2023), JETRO khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần thắt chặt các quy định về môi trường và trách nhiệm với môi trường của các nhà sản xuất, đồng thời đẩy nhanh hơn nữa quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Do vậy, quyết tâm từ Chính phủ Việt Nam và các kết quả thực tế có ý nghĩa quyết định đến việc Nhật Bản có gia tăng nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam hay không.

Những thách thức còn tồn tại

Tuy nhiên, môi trường kinh tế - xã hội của Việt Nam vẫn còn hạn chế về chất lượng nhân lực, nguồn cung đầu vào, và khả năng tiếp nhận nguồn vốn. Các thách thức này có thể là lực cản làm giảm khả năng thu hút nguồn vốn đăng ký mới từ các nhà đầu tư Nhật Bản.

Thứ nhất, theo khảo sát của JETRO, các công ty Nhật Bản cho rằng chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Trình độ nguồn nhân lực còn thấp là thách thức đáng kể có thể ảnh hưởng đến mức độ hấp dẫn của thị trường Việt Nam. Theo Báo cáo thường niên về các thị trường lao động trên toàn cầu do Talent Solutions thực hiện vào năm 2022, mặc dù Việt Nam có tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở tương đối cao (khoảng 88%), nhưng lao động có tay nghề cao chỉ chiếm 11,67%, và hầu như không thay đổi so với 3 năm trước. Hơn nữa, tỷ lệ lao động Việt Nam thông thạo tiếng Anh chỉ chiếm 5% tổng lực lượng lao động, tương đối thấp so với các nước không nói tiếng Anh khác trong khu vực như Indonesia (10%), Malaysia (21%), Thái Lan (27%).

Thứ hai, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Theo đánh giá của Bộ Công thương vào năm 2022, doanh nghiệp trong nước vẫn chưa đủ năng lực để làm chủ, cũng như cạnh tranh về các công nghệ nguồn trong sản xuất. Đồng thời, họ cũng chưa tạo dựng được các sản phẩm công nghiệp mang thương hiệu Việt Nam với giá trị và hàm lượng công nghệ cao. Vì vậy, các nhà máy sản xuất ở Việt Nam phải phụ thuộc phần lớn vào linh kiện, phụ kiện nước ngoài, chẳng hạn “hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô tô lắp ráp tại các doanh nghiệp FDI Nhật Bản tại Việt Nam hiện nay vẫn do công ty mẹ và các tập đoàn xuyên quốc gia cung cấp”. Hạn chế này khiến giá nguyên liệu đầu vào ở thị trường Việt Nam dễ bị ảnh hưởng trước những biến động của tình hình thế giới.

Thứ ba, năng lực thu hút nguồn vốn đầu tư mới từ Nhật Bản của các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển chậm vì Việt Nam có nguy cơ không đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán lên vị thế nền kinh tế mới nổi vào năm 2025. Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), các quỹ đầu tư (đặc biệt là quỹ bị động) thường ưu tiên phân bổ tỷ trọng đầu tư lớn vào thị trường phát triển và mới nổi vì các thị trường này có tính ổn định cao, sản phẩm đa dạng, quy mô giao dịch lớn hơn so với thị trường cận biên. Do đó, việc được nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm một lượng lớn nguồn vốn đầu tư trong trung và dài hạn.

Căn cứ theo phân loại từ ba tổ chức lớn về xếp hạng thị trường chứng khoán (bao gồm công ty Vốn Quốc tế Morgan Stanley – MSCI; công ty FTSE Russell; và doanh nghiệp liên doanh S&P Dow Jones Indices), các thị trường tài chính được sắp xếp theo ba nhóm (theo thứ tự từ cao đến thấp): thị trường phát triển, thị trường mới nổi, và thị trường cận biên. Theo đó, Việt Nam thuộc vào nhóm thị trường cận biên. Ở cấp độ thị trường cận biên, các quỹ nước ngoài có quy mô nhỏ, thường mang tính đầu cơ cao. Trong khi đó, ở cấp độ thị trường mới nổi, cơ hội để thị trường Việt Nam tiếp cận với các quỹ có quy mô lớn (chẳng hạn như Quỹ Tầm nhìn Softbank) cao hơn, dòng vốn khối ngoại lưu thông trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn.   

Cơ hội vẫn lớn

Tuy còn nhiều thách thức, hợp tác đầu tư Việt - Nhật vẫn có khả năng phát triển, nhất là khi các công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư sang Việt Nam. Công ty Nitto Denko Việt Nam (chuyên sản xuất linh kiện điện tử) đã triển khai đầu tư vốn giai đoạn sáu, với tổng vốn đầu tư hơn 113 triệu USD. Tập đoàn AEON cũng xác định chiến lược đầu tư dài hạn ở Việt Nam để mở rộng mô hình bán lẻ mới. Trong khi đó, tập đoàn Sumitomo đang đầu tư mở rộng khu công nghiệp Thăng Long II (giai đoạn III), và lên kế hoạch sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư giai đoạn IV. Sumitomo, Nitto Denko và AEON đều là những doanh nghiệp có thâm niên hoạt động tại Việt Nam (bắt đầu đầu tư lần lượt vào các năm 1997, 1999, 2009).

Trong nhiều năm qua, các tập đoàn trên còn góp phần vào sự phát triển chung của xã hội Việt Nam, như Quỹ Sumitomo hỗ trợ và trao học bổng cho các dự án nghiên cứu khoa học tại các trường đại học ở Việt Nam; AEON triển khai dự án “Giáo dục bền vững cho thế hệ tương lai”; Nitto Denko có chương trình lựa chọn thợ giỏi để huấn luyện trực tiếp với các chuyên gia, và gửi ra nước ngoài đào tạo. Những sự hỗ trợ trên cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản rất xem trọng thị trường Việt Nam và ngày càng làm sâu sắc hơn quan hệ đầu tư. Có thể thấy, với các công ty Nhật Bản, Việt Nam không chỉ là một cơ sở sản xuất đơn thuần, mà còn là một thị trường đầu tư triển vọng trong dài hạn, nơi Nhật Bản đang dành nguồn lực lớn để hỗ trợ Việt Nam nâng cao trình độ nguồn nhân lực. 

Triển vọng hợp tác kinh tế song phương còn được phản ánh qua số lượng trên 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hiện diện tại Việt Nam (lớn nhất Đông Nam Á), qua đó giúp mang lại lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế của quốc gia này. Đồng thời, để mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời kỳ hậu COVID-19, Chính phủ Nhật Bản cam kết vốn chương trình ODA thế hệ mới trị giá 50 tỷ Yên (tương đương 330 triệu USD) với trọng tâm là cơ sở hạ tầng chiến lược quy mô lớn (đường sắt cao tốc Bắc - Nam, xây dựng đường sắt đô thị, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và y tế).

Qua hơn 30 năm Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam (1993-2023), các giá trị hấp dẫn và hạn chế của thị trường Việt Nam vẫn cùng tồn tại. Tuy nhiên, với lợi ích đan xen trong quan hệ Việt - Nhật và mối quan tâm của Nhật Bản vào thị trường Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á nhiều khả năng vẫn tiếp tục là thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản. Thêm vào đó, hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương, nhất là khi hai nước đang cân nhắc đưa quan hệ hiện thời từ Đối tác chiến lược sâu rộng lên Đối tác chiến lược toàn diện. Nhiều khả năng Việt Nam và Nhật Bản sẽ đồng ý nâng cấp quan hệ ngay trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản sắp tới của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (dự kiến vào tháng 11 năm nay). Trong bối cảnh trên, nhân tố kinh tế sẽ là động lực quan trọng giúp thúc đẩy quan hệ song phương, bao gồm khả năng tăng cường nguồn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.

Từ khoá: quan hệ Việt - Nhật đầu tư trực tiếp nước ngoài hợp tác kinh tế Nhật Bản Việt Nam

BÀI LIÊN QUAN