Chính trị - Ngoại giao   12/10/2023

Khủng hoảng Myanmar: “nan đề” của ASEAN

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra tại Indonesia vào tháng 9 năm nay, các cơ chế mới đã được thiết lập nhằm ứng phó với tình trạng khủng hoảng tại Myanmar. Liệu những sáng kiến mới có khỏa lấp được các thách thức mà ASEAN đang đối mặt?

Image
Chỗ ngồi bị bỏ trống của lãnh đạo Myanmar trong phiên họp toàn thể tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Jakarta, Indonesia vào ngày 5/9/2023. (C): Pool/AP

ASEAN đã và đang làm gì?

Trước thềm Hội nghị Cấp cao, các thành viên ASEAN vẫn chưa tìm được tiếng nói chung ngõ hầu tìm ra “lối thoát” cho tình hình Myanmar. Kể từ khi khủng hoảng bùng nổ vào năm 2021, tình hình chính trị tại Myanmar vẫn chưa có tiến triển tích cực. Nhiều nhà quan sát không khỏi quan ngại về tính đoàn kết của ASEAN khi tổ chức khu vực đang đối mặt với các sức ép to lớn từ căng thẳng leo thang tại Myanmar. Theo Cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, khủng hoảng tại Myanmar “là một phép thử dành cho ASEAN”, đồng thời là “mối nguy hiểm đe dọa đến chính ASEAN”.

Những năm qua, Nguyên tắc Đồng thuận 5 điểm (Five-Point Consensus) của ASEAN về vấn đề Myanmar (bao gồm: chấm dứt bạo lực trong nước, đối thoại giữa tất cả các bên liên quan, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo thuận lợi cho đàm phán, hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar, và cho phép đặc phái viên ASEAN tới Myanmar để gặp gỡ các bên) chưa thực sự hiệu quả khi nó chỉ dừng lại ở mức độ yêu cầu chấm dứt bạo lực và kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế để tiến hành đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình, cũng như cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân.

Bằng chứng là, phe quân đội nắm quyền ở Myanmar tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp lần thứ tư, trì hoãn quá trình Tổng tuyển cử trong bối cảnh các cuộc biểu tình gia tăng và tình trạng bất tuân dân sự lan rộng. Bên cạnh đó, chiến loạn vẫn kéo dài khiến hơn sáu nghìn người thiệt mạng kể từ đảo chánh quân sự vào tháng 2/2021, nhiều người phải vượt biên lánh nạn. Dưới những thách thức kéo dài, ASEAN liên tục chịu sức ép và chỉ trích từ quốc tế, cũng như bị hạn chế trong việc hướng đến các mục tiêu xây dựng cộng đồng bền vững. 

Tuy vậy, các vấn đề này lại là động lực để ASEAN có lập trường mạnh mẽ hơn và xúc tiến giải quyết vấn đề Myanmar. Dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch ASEAN là Indonesia, hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ có các hoạt động đối thoại hiệu quả, hướng tới giải quyết ổn thỏa tình trạng khủng hoảng kéo dài tại Myanmar, qua đó bảo vệ hình ảnh và sự đoàn kết nội bộ của ASEAN. Tại Hội nghị, ASEAN đã công bố bản “Đánh giá và Quyết định về việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm” với nhiều điều khoản mới sau hơn 2 năm áp dụng, cụ thể là việc công bố quyết định thay đổi Chủ tịch ASEAN 2026 và thành lập cơ chế Troika.

Theo các thỏa thuận, Myanmar sẽ không giữ chức chủ tịch ASEAN vào năm 2026, thay vào đó, Philippines dự kiến sẽ đảm nhận vai trò này. Trên thực tế, đây là một “nước đi” khéo léo của ASEAN để phần nào hoá giải tình trạng căng thẳng ngày càng gia tăng tại khu vực. Thật vậy, việc để Myanmar giữ quyền chủ tịch ASEAN vào năm 2026 có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực, khi xung đột được dự đoán sẽ còn kéo dài, khả năng các bên tham gia đối thoại tích cực và thẳng thắn cũng không cao. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các đối tác của ASEAN như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lên án mạnh mẽ giới lãnh đạo quân sự Myanmar, việc để Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, đảm nhận chiếc ghế chủ tịch ASEAN, sẽ làm suy yếu các liên kết đa phương của ASEAN và giảm sự tín nhiệm của các bên đối với tổ chức.

Nếu Philippines đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN năm 2026, hoạt động đối ngoại của Hiệp hội sẽ giữ được tính liên tục. Đặc biệt, xét trong bối cảnh quan hệ giữa ASEAN với các cường quốc như MỹNhật Bản đang được tăng cường, ASEAN rất cần củng cố vai trò trung tâm trong khu vực để từ đó tăng cường tính đoàn kết của khối. Với sự năng động của mình, Philippines được kỳ vọng sẽ đảm nhận tốt vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2026.

Tại cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị ASEAN, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố: “Tôi rất vui mừng thông báo rằng Philippines sẵn sàng đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2026. Chúng tôi sẽ củng cố những nền tảng xây dựng cộng đồng và dẫn dắt ASEAN khi tổ chức bước vào một chương mới”. Thêm nữa, động thái này còn giúp các quốc gia ASEAN có thêm thời gian để tìm “lời giải” cho “bài toán Myanmar”.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã đồng thuận việc thành lập “cơ chế Troika” như một giải pháp để ứng phó với tình trạng khủng hoảng ở Myanmar. Cụ thể, theo cơ chế này, ba chủ tịch (tiền nhiệm, hiện tại, và sắp tới) sẽ cùng nhau phối hợp để quản lý cuộc khủng hoảng. Bản Đánh giá và Quyết định về việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm và cơ chế Troika cho thấy ASEAN có nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho khủng hoảng Myanmar.

Thông qua hành động trên, ASEAN tái khẳng định quyết tâm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Myanmar. Ngoài ra, các thành viên của Hiệp hội còn tiếp tục thể hiện cam kết hỗ trợ Myanmar tìm ra giải pháp hợp lý cho cuộc khủng hoảng này và khẳng định Myanmar vẫn là “một phần không thể thiếu” của ASEAN. Qua đó, ASEAN kỳ vọng các động thái này sẽ “giáng một đòn” chính trị lên chính phủ đang nắm quyền tại Myanmar, kêu gọi Myanmar duy trì thái độ thiện chí và hợp tác với các bên liên quan.

Không những vậy, dấu ấn của Indonesia trong vai trò Chủ tịch ASEAN đã được khẳng định. Cụ thể, Indonesia đã nỗ lực tiếp xúc, thiết lập, và tiến hành các cuộc đối thoại giữa các bên liên quan tại Myanmar nhằm tạo ra cơ hội cho các bên hòa giải và chấm dứt bạo lực trong nội bộ. Sự ra đời của “cơ chế Troika” không chỉ giúp Indonesia tiếp tục thực hiện chính sách “ngoại giao thầm lặng” sau năm Chủ tịch của mình mà còn giúp định hình vai trò của các chủ tịch ASEAN trong tương lai nhằm đảm bảo các chủ tịch “không bị giới hạn bởi bất cứ tình huống nào”. Cụ thể, các quốc gia trong cơ chế Troika sẽ tiếp tục tăng cường ảnh hưởng thay vì chỉ bị giới hạn quyền hành trong một năm chủ tịch của mình. Điều này sẽ giúp thúc đẩy đối thoại và mở ra khả năng tìm kiếm các giải pháp mới cho tình hình bất ổn ở Myanmar.

Nhìn chung, với những nỗ lực kể trên, ASEAN đang cố gắng thắt chặt đoàn kết nội khối, hướng tới củng cố một khu vực hòa bình, ổn định và bền vững, đồng thời tăng cường vai trò trung tâm của tổ chức trong khu vực.

Vấn đề Myanmar: “gót chân Achilles” của ASEAN

Các giải pháp nêu trên cho thấy ASEAN đang tích cực duy trì sự đoàn kết nội khối, gia tăng vai trò trung tâm của tổ chức, và nâng cao vị thế của mình trong khu vực. Tuy nhiên, khủng hoảng tại Myanmar lại là “gót chân Achilles” khi phơi bày điểm yếu của ASEAN.

Vốn là tổ chức có sự tham gia của nhiều quốc gia, ASEAN đối diện với thách thức mỗi khi các nước có quan điểm khác nhau. Trong nỗ lực tìm lối thoát cho khủng hoảng Myanmar, một số quốc gia ưu tiên cho ngoại giao, nhưng Malaysia lại kêu gọi ASEAN chuyển sang các biện pháp cứng rắn hơn. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho rằng ASEAN cần “thúc đẩy và gợi ý các cơ chế mới để kết thúc việc chính quyền Myanmar gây tội ác lên chính người dân của họ”. Thủ tướng Anwar còn khuyến khích ASEAN nên “can đảm để thử và giải quyết vấn đề này”. Sự khác biệt về quan điểm giữa các thành viên sẽ cản trở ASEAN đạt được đồng thuận. Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết sẽ không còn được duy trì và phát huy, mà thay vào đó là một ASEAN chia rẽ.

Vấn đề nội bộ Myanmar cũng góp phần làm chia rẽ sâu sắc ASEAN. Dù Indonesia, Chủ tịch ASEAN, đã tích cực kêu gọi các bên liên quan trong vấn đề Myanmar tôn trọng bản Đồng thuận 5 điểm, nhưng chính quyền quân sự vẫn chưa thực hiện nghiêm túc bản Đồng thuận này. Tình trạng bạo lực tại Myanmar không chấm dứt mà còn tiếp tục leo thang, với đỉnh điểm là quân đội Myanmar đã không kích vào làng Pa Zi Gyi (huyện Kanbalu, vùng Sagaing) hồi tháng 4, gây khủng hoảng về nhân đạo và an ninh khu vực.

Đối mặt với lời đề nghị cần lên án chính quyền quân sự Myanmar vi phạm nhân quyền và coi thường việc thực thi Đồng thuận 5 điểm của Liên Hợp Quốc, ASEAN dường như không có quá nhiều ý tưởng mới để giải quyết triệt để vấn đề. Các giải pháp, cho đến nay, chỉ mang tính tạm thời và mới chạm đến bề nổi do không có giải pháp cụ thể để can thiệp sâu vào nội bộ của Myanmar. Hầu hết các giải pháp mới dừng lại ở khía cạnh ngoại giao, với việc các quốc gia ASEAN kêu gọi chấm dứt bạo lực và gây áp lực răn đe gián tiếp. Một số quốc gia đã chủ động tiến hành các giải pháp của riêng mình, như Indonesia sử dụng “ngoại giao thầm lặng” để âm thầm tiếp xúc và cố gắng dàn xếp cũng như hòa giải với các bên liên quan. Trong khi đó, Thái Lan lại tổ chức các buổi hội nghị phi chính thức về vấn đề Myanmar để “thiết lập những bước ban đầu” cho quá trình tái lập hòa bình. Đến nay, các nỗ lực đều chưa thành công khi thiếu những cơ chế tác động trực tiếp; hầu hết những diễn ngôn và động thái chưa mang lại hiệu quả rõ nét.

Trên thực tế, việc “phá rào giới hạn” bằng những biện pháp mạnh là điều khó diễn ra do ASEAN kiên trì nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên”, theo Hiến chương ASEAN. Những phương án “mềm” mà ASEAN cố gắng thực thi vẫn không đủ năng lực răn đe chính quyền quân sự Myanmar.

Bằng mọi giá ASEAN phải sớm đưa ra “đáp án” cho vấn đề Myanmar trong bối cảnh vai trò trung tâm của tổ chức đang bị thách thức. Nếu chậm trễ, khủng hoảng Myanmar sẽ trở thành một bài toán nan giải, qua đó tác động đến hình ảnh và vị thế của ASEAN. Dẫu vậy, với ASEAN, “lời giải” cho khủng hoảng Myanmar dường như vẫn còn xa vời.

ASEAN đã và đang làm gì?

Trước thềm Hội nghị Cấp cao, các thành viên ASEAN vẫn chưa tìm được tiếng nói chung ngõ hầu tìm ra “lối thoát” cho tình hình Myanmar. Kể từ khi khủng hoảng bùng nổ vào năm 2021, tình hình chính trị tại Myanmar vẫn chưa có tiến triển tích cực. Nhiều nhà quan sát không khỏi quan ngại về tính đoàn kết của ASEAN khi tổ chức khu vực đang đối mặt với các sức ép to lớn từ căng thẳng leo thang tại Myanmar. Theo Cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, khủng hoảng tại Myanmar “là một phép thử dành cho ASEAN”, đồng thời là “mối nguy hiểm đe dọa đến chính ASEAN”.

Những năm qua, Nguyên tắc Đồng thuận 5 điểm (Five-Point Consensus) của ASEAN về vấn đề Myanmar (bao gồm: chấm dứt bạo lực trong nước, đối thoại giữa tất cả các bên liên quan, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo thuận lợi cho đàm phán, hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar, và cho phép đặc phái viên ASEAN tới Myanmar để gặp gỡ các bên) chưa thực sự hiệu quả khi nó chỉ dừng lại ở mức độ yêu cầu chấm dứt bạo lực và kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm chế để tiến hành đối thoại, tìm kiếm giải pháp hòa bình, cũng như cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho người dân.

Bằng chứng là, phe quân đội nắm quyền ở Myanmar tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp lần thứ tư, trì hoãn quá trình Tổng tuyển cử trong bối cảnh các cuộc biểu tình gia tăng và tình trạng bất tuân dân sự lan rộng. Bên cạnh đó, chiến loạn vẫn kéo dài khiến hơn sáu nghìn người thiệt mạng kể từ đảo chánh quân sự vào tháng 2/2021, nhiều người phải vượt biên lánh nạn. Dưới những thách thức kéo dài, ASEAN liên tục chịu sức ép và chỉ trích từ quốc tế, cũng như bị hạn chế trong việc hướng đến các mục tiêu xây dựng cộng đồng bền vững. 

Tuy vậy, các vấn đề này lại là động lực để ASEAN có lập trường mạnh mẽ hơn và xúc tiến giải quyết vấn đề Myanmar. Dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch ASEAN là Indonesia, hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ có các hoạt động đối thoại hiệu quả, hướng tới giải quyết ổn thỏa tình trạng khủng hoảng kéo dài tại Myanmar, qua đó bảo vệ hình ảnh và sự đoàn kết nội bộ của ASEAN. Tại Hội nghị, ASEAN đã công bố bản “Đánh giá và Quyết định về việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm” với nhiều điều khoản mới sau hơn 2 năm áp dụng, cụ thể là việc công bố quyết định thay đổi Chủ tịch ASEAN 2026 và thành lập cơ chế Troika.

Theo các thỏa thuận, Myanmar sẽ không giữ chức chủ tịch ASEAN vào năm 2026, thay vào đó, Philippines dự kiến sẽ đảm nhận vai trò này. Trên thực tế, đây là một “nước đi” khéo léo của ASEAN để phần nào hoá giải tình trạng căng thẳng ngày càng gia tăng tại khu vực. Thật vậy, việc để Myanmar giữ quyền chủ tịch ASEAN vào năm 2026 có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực, khi xung đột được dự đoán sẽ còn kéo dài, khả năng các bên tham gia đối thoại tích cực và thẳng thắn cũng không cao. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các đối tác của ASEAN như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lên án mạnh mẽ giới lãnh đạo quân sự Myanmar, việc để Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, đảm nhận chiếc ghế chủ tịch ASEAN, sẽ làm suy yếu các liên kết đa phương của ASEAN và giảm sự tín nhiệm của các bên đối với tổ chức.

Nếu Philippines đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN năm 2026, hoạt động đối ngoại của Hiệp hội sẽ giữ được tính liên tục. Đặc biệt, xét trong bối cảnh quan hệ giữa ASEAN với các cường quốc như MỹNhật Bản đang được tăng cường, ASEAN rất cần củng cố vai trò trung tâm trong khu vực để từ đó tăng cường tính đoàn kết của khối. Với sự năng động của mình, Philippines được kỳ vọng sẽ đảm nhận tốt vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2026.

Tại cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị ASEAN, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên bố: “Tôi rất vui mừng thông báo rằng Philippines sẵn sàng đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2026. Chúng tôi sẽ củng cố những nền tảng xây dựng cộng đồng và dẫn dắt ASEAN khi tổ chức bước vào một chương mới”. Thêm nữa, động thái này còn giúp các quốc gia ASEAN có thêm thời gian để tìm “lời giải” cho “bài toán Myanmar”.

Các nhà lãnh đạo ASEAN đã đồng thuận việc thành lập “cơ chế Troika” như một giải pháp để ứng phó với tình trạng khủng hoảng ở Myanmar. Cụ thể, theo cơ chế này, ba chủ tịch (tiền nhiệm, hiện tại, và sắp tới) sẽ cùng nhau phối hợp để quản lý cuộc khủng hoảng. Bản Đánh giá và Quyết định về việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm và cơ chế Troika cho thấy ASEAN có nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho khủng hoảng Myanmar.

Thông qua hành động trên, ASEAN tái khẳng định quyết tâm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Myanmar. Ngoài ra, các thành viên của Hiệp hội còn tiếp tục thể hiện cam kết hỗ trợ Myanmar tìm ra giải pháp hợp lý cho cuộc khủng hoảng này và khẳng định Myanmar vẫn là “một phần không thể thiếu” của ASEAN. Qua đó, ASEAN kỳ vọng các động thái này sẽ “giáng một đòn” chính trị lên chính phủ đang nắm quyền tại Myanmar, kêu gọi Myanmar duy trì thái độ thiện chí và hợp tác với các bên liên quan.

Không những vậy, dấu ấn của Indonesia trong vai trò Chủ tịch ASEAN đã được khẳng định. Cụ thể, Indonesia đã nỗ lực tiếp xúc, thiết lập, và tiến hành các cuộc đối thoại giữa các bên liên quan tại Myanmar nhằm tạo ra cơ hội cho các bên hòa giải và chấm dứt bạo lực trong nội bộ. Sự ra đời của “cơ chế Troika” không chỉ giúp Indonesia tiếp tục thực hiện chính sách “ngoại giao thầm lặng” sau năm Chủ tịch của mình mà còn giúp định hình vai trò của các chủ tịch ASEAN trong tương lai nhằm đảm bảo các chủ tịch “không bị giới hạn bởi bất cứ tình huống nào”. Cụ thể, các quốc gia trong cơ chế Troika sẽ tiếp tục tăng cường ảnh hưởng thay vì chỉ bị giới hạn quyền hành trong một năm chủ tịch của mình. Điều này sẽ giúp thúc đẩy đối thoại và mở ra khả năng tìm kiếm các giải pháp mới cho tình hình bất ổn ở Myanmar.

Nhìn chung, với những nỗ lực kể trên, ASEAN đang cố gắng thắt chặt đoàn kết nội khối, hướng tới củng cố một khu vực hòa bình, ổn định và bền vững, đồng thời tăng cường vai trò trung tâm của tổ chức trong khu vực.

Vấn đề Myanmar: “gót chân Achilles” của ASEAN

Các giải pháp nêu trên cho thấy ASEAN đang tích cực duy trì sự đoàn kết nội khối, gia tăng vai trò trung tâm của tổ chức, và nâng cao vị thế của mình trong khu vực. Tuy nhiên, khủng hoảng tại Myanmar lại là “gót chân Achilles” khi phơi bày điểm yếu của ASEAN.

Vốn là tổ chức có sự tham gia của nhiều quốc gia, ASEAN đối diện với thách thức mỗi khi các nước có quan điểm khác nhau. Trong nỗ lực tìm lối thoát cho khủng hoảng Myanmar, một số quốc gia ưu tiên cho ngoại giao, nhưng Malaysia lại kêu gọi ASEAN chuyển sang các biện pháp cứng rắn hơn. Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho rằng ASEAN cần “thúc đẩy và gợi ý các cơ chế mới để kết thúc việc chính quyền Myanmar gây tội ác lên chính người dân của họ”. Thủ tướng Anwar còn khuyến khích ASEAN nên “can đảm để thử và giải quyết vấn đề này”. Sự khác biệt về quan điểm giữa các thành viên sẽ cản trở ASEAN đạt được đồng thuận. Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết sẽ không còn được duy trì và phát huy, mà thay vào đó là một ASEAN chia rẽ.

Vấn đề nội bộ Myanmar cũng góp phần làm chia rẽ sâu sắc ASEAN. Dù Indonesia, Chủ tịch ASEAN, đã tích cực kêu gọi các bên liên quan trong vấn đề Myanmar tôn trọng bản Đồng thuận 5 điểm, nhưng chính quyền quân sự vẫn chưa thực hiện nghiêm túc bản Đồng thuận này. Tình trạng bạo lực tại Myanmar không chấm dứt mà còn tiếp tục leo thang, với đỉnh điểm là quân đội Myanmar đã không kích vào làng Pa Zi Gyi (huyện Kanbalu, vùng Sagaing) hồi tháng 4, gây khủng hoảng về nhân đạo và an ninh khu vực.

Đối mặt với lời đề nghị cần lên án chính quyền quân sự Myanmar vi phạm nhân quyền và coi thường việc thực thi Đồng thuận 5 điểm của Liên Hợp Quốc, ASEAN dường như không có quá nhiều ý tưởng mới để giải quyết triệt để vấn đề. Các giải pháp, cho đến nay, chỉ mang tính tạm thời và mới chạm đến bề nổi do không có giải pháp cụ thể để can thiệp sâu vào nội bộ của Myanmar. Hầu hết các giải pháp mới dừng lại ở khía cạnh ngoại giao, với việc các quốc gia ASEAN kêu gọi chấm dứt bạo lực và gây áp lực răn đe gián tiếp. Một số quốc gia đã chủ động tiến hành các giải pháp của riêng mình, như Indonesia sử dụng “ngoại giao thầm lặng” để âm thầm tiếp xúc và cố gắng dàn xếp cũng như hòa giải với các bên liên quan. Trong khi đó, Thái Lan lại tổ chức các buổi hội nghị phi chính thức về vấn đề Myanmar để “thiết lập những bước ban đầu” cho quá trình tái lập hòa bình. Đến nay, các nỗ lực đều chưa thành công khi thiếu những cơ chế tác động trực tiếp; hầu hết những diễn ngôn và động thái chưa mang lại hiệu quả rõ nét.

Trên thực tế, việc “phá rào giới hạn” bằng những biện pháp mạnh là điều khó diễn ra do ASEAN kiên trì nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên”, theo Hiến chương ASEAN. Những phương án “mềm” mà ASEAN cố gắng thực thi vẫn không đủ năng lực răn đe chính quyền quân sự Myanmar.

Bằng mọi giá ASEAN phải sớm đưa ra “đáp án” cho vấn đề Myanmar trong bối cảnh vai trò trung tâm của tổ chức đang bị thách thức. Nếu chậm trễ, khủng hoảng Myanmar sẽ trở thành một bài toán nan giải, qua đó tác động đến hình ảnh và vị thế của ASEAN. Dẫu vậy, với ASEAN, “lời giải” cho khủng hoảng Myanmar dường như vẫn còn xa vời.

Từ khoá: chính biến Myanmar Đồng thuận 5 điểm Hội nghị Cấp cao ASEAN ngoại giao im lặng cơ chế "Troika"

BÀI LIÊN QUAN