Kinh tế   08/11/2023

Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam có đang đi đúng hướng?

Dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam, trong quá trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, đang có các chính sách tích cực để hóa giải khó khăn và phát huy lợi thế.

Image
Ảnh minh hoạ Việt Nam trong ngành bán dẫn - (C): Getty Images

Chạy đua trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn

Trong thời đại mà công nghệ đang phát triển vượt bậc, ngành công nghiệp bán dẫn có tầm quan trọng chiến lược, đặc biệt là trên phương diện an ninh. Tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc,Ấn Độ, lĩnh vực bán dẫn có liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia. Nguyên nhân là vì bán dẫn xuất hiện trong hầu hết các khía cạnh của đời sống hiện đại, từ các sản phẩm tiêu dùng cho đến các thiết bị an ninh và quốc phòng. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay đang bị “đe dọa” bởi căng thẳng địa chính trị và các biến động bất ngờ như đại dịch COVID-19. Do đó, để đảm bảo an ninh quốc gia, các cường quốc đang phát triển nhiều chính sách để tăng cường khả năng “tự cung tự cấp” (autarky) đối với nguyên liệu và công nghệ bán dẫn.

Tầm quan trọng của bán dẫn đối với an ninh quốc gia được minh họa sống động qua trường hợp Đài Loan. Trong “cuộc chơi bán dẫn”, Đài Loan là một người chơi chủ chốt, với riêng tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã chiếm 56,4 % thị phần sản xuất bán dẫn toàn cầu. Việc sở hữu một công ty gần như độc quyền đối với các bộ phận quan trọng của chuỗi cung ứng bán dẫn giúp củng cố tầm quan trọng của Đài Loan đối với Mỹ (và cả phần còn lại của thế giới). Trong bối cảnh Trung Quốc đang tham vọng thống nhất Đài Loan, không loại trừ khả năng sử dụng các biện pháp bằng “vũ lực”, việc là một nhân tố không thể thay thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn được xem như một “tấm khiên silicon” (silicon shield) giúp Đài Loan tăng cường sức mạnh an ninh.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang nỗ lực trở thành một cường quốc bán dẫn (microchip powerhouse). Quốc gia này có nhiều bước đi đầy tham vọng để hiện thực hóa tầm nhìn này, như ban hành Chính sách “Made in China 2025, hay triển khai quỹ đầu tư hơn 40 tỷ USD (còn gọi là Quỹ lớn) nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Với các biện pháp này, Trung Quốc hy vọng sẽ giảm phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài và tăng cường năng lực sản xuất của các công ty bán dẫn nội địa. Cho đến nay, các kết quả mà nước này đạt được vẫn còn hạn chế, chẳng hạn như năng lực sản xuất chip trong nước mới chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu, các công ty nội địa thiếu hụt nhân lực, công nghệ và bị các đối thủ nước ngoài “dẫn trước”, đầu tư “Quỹ lớn” chưa hiệu quả, vướng vào nhiều cáo buộc tham nhũng, gây lãng phí… Mặc dù vậy, những thành tựu khoa học của Trung Quốc là đáng chú ý. Cụ thể, mặc dù bị Mỹ trừng phạt và hạn chế xuất khẩu linh kiện tiên tiến, Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Quốc tế Trung Quốc (SMIC) cùng với “ông trùm” viễn thông Trung Quốc Huawei vẫn thành công sản xuất chip công nghệ 7nm. Ở nhiều lĩnh vực công nghệ cao khác như hàng không vũ trụ, máy tính lượng tử, Trung Quốc cũng đạt được nhiều thành tựu và qua đó cho thấy quốc gia này có đủ năng lực để trở thành một cường quốc công nghệ.

Tuy nhiên, Mỹ xem sự phát triển về công nghệ này của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh khi nghi ngờ Bắc Kinh có thể áp dụng công nghệ bán dẫn vào việc phát triển năng lực quân sự. Ngoài ra, Trung Quốc còn bị cáo buộc sao chép, ép buộc chuyển giao công nghệ để phát triển công nghiệp bán dẫn trong nước. Để “đối phó” với Bắc Kinh, vào tháng 8/2022, Mỹ đã thông qua đạo luật “CHIPS và Khoa học” (CHIPS and Science Act). Theo đó, Mỹ triển khai khoản kinh phí 52,7 tỷ USD hỗ trợ sản xuất, nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn trong nước. Từ đây, Mỹ có cơ sở để ngăn các công ty bán dẫn (được hỗ trợ từ khoản kinh phí trên) mở rộng sản xuất sang Trung Quốc trong 10 năm và tham gia nghiên cứu chung hoặc chuyển giao công nghệ cho các thực thể nước ngoài đáng quan ngại (foreign entities of concern), trong đó có các công ty Trung Quốc. Với việc Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các sản phẩm nước ngoài (hầu hết được sản xuất bởi các công ty của Mỹ), động thái của Washington làm hạn chế khả năng Bắc Kinh phát triển công nghệ bán dẫn và sử dụng chúng cho mục đích quân sự.

Những động thái quyết liệt trong cuộc chạy đua bán dẫn Mỹ - Trung cùng vai trò của bán dẫn trong nền kinh tế và an ninh của nhiều cường quốc cho thấy lĩnh vực này thật sự quan trọng. Vậy, thực trạng ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, với cả thành tựu và khó khăn, nổi bật ở những nội dung nào?

Khó khăn vẫn còn đó…

Việt Nam hiện ở vị trí thấp trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, nhất là khi so với các cường quốc có thế mạnh trong lĩnh vực này. Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khai và tụt hậu so với Đài Loan về đầu tư và nguồn vốn. Việt Nam chủ yếu tham gia vào công đoạn thử nghiệm và đóng gói (Testing and Packaging), vốn có tỷ suất lợi nhuận thấp (chiếm 6% giá trị một con chip) và không có nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở quy mô công nghiệp. Trong khi đó, Đài Loan đã đạt được đột phá trong công nghệ bán dẫn với tiến trình sản xuất 1nm (Trung Quốc hiện nay chỉ mới đạt đến 7nm), vượt trội đối thủ Intel của Mỹ về công nghệ và trong tương lai còn có thể phát triển rất nhanh. Xuất phát điểm thấp khiến Việt Nam khó bắt kịp các quốc gia “dẫn trước”. Bên cạnh đó, các nước có xu hướng bảo hộ trong lĩnh vực này, vì công nghệ bán dẫn có can hệ chặt chẽ với an ninh quốc gia, qua đó khiến các nước “đi sau” như Việt Nam khó được chuyển giao công nghệ hơn.

Vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực cũng gây trở ngại cho Việt Nam. Theo Technavio (một công ty phân tích thị trường của Anh), Việt Nam đang thiếu lao động có tay nghề cao. Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp số, nhu cầu nhân lực ở Việt Nam là khoảng 150.000 kỹ sư/năm, với riêng nhu cầu nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng là chưa đến 20%. Trong khi đó, những năm vừa qua, số lượng các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam ngày càng tăng, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên, số lượng 1.000 kỹ sư vi mạch hiện tại ở địa phương này là không đủ đáp ứng.

Trong khi đó, việc đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn để đáp ứng “cơn khát” này là vô cùng gian nan. Để có thể bắt kịp Đài Loan, Việt Nam cần đến 50.000 kỹ sư công nghệ. Như vậy, từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam phải đào tạo khoảng 6.250 kỹ sư công nghệ. Trong khi đó, năng lực đào tạo của các trường đại học lớn của Việt Nam khó để có thể đáp ứng được con số này. Điển hình là Đại học Bách khoa Hà Nội, với khoa điện tử (bao gồm nhiều ngành) chỉ đào tạo được khoảng 600 kỹ sư công nghệ mỗi năm. Đặt trong bối cảnh tốc độ phát triển của lĩnh vực bán dẫn trên thế giới là gấp đôi sau mỗi 18 tháng, việc mỗi kỹ sư của Việt Nam cần đến 4 năm đào tạo sẽ khiến Việt Nam có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội nếu chờ đến thế hệ kỹ sư mới.

Cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế. Theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu (Global Competitiveness Report) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) năm 2019, Việt Nam xếp hạng thấp trong hai tiêu chí là kết nối đường bộ và chất lượng cơ sở hạ tầng đường bộ (lần lượt xếp hạng 104 và 103 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá). Hệ thống đường bộ kém phát triển khiến chi phí vận tải trở nên đắt đỏ và làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, khiến nước này khó thu hút đầu tư. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng điện của Việt Nam cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đơn cử là đợt thiếu điện ở miền Bắc vào tháng 5 và 6 vừa qua đã khiến sản xuất bị gián đoạn và gây tổn thất 1,4 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm xếp thứ hai thế giới, nhưng chưa làm chủ được công nghệ chế biến đất hiếm để tận dụng con “át chủ bài” này trong cuộc đua bán dẫn. Điều này đồng nghĩa, nếu Việt Nam hợp tác với các đối tác nước ngoài nhằm khai thác thô khoáng sản đất hiếm thì quốc gia Đông Nam Á này sẽ trở thành “mỏ đất hiếm giá rẻ” của các cường quốc. Ngoài ra, một vài vấn đề khác có thể làm chậm lại đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như nạn quan liêu, nhiều vùng xám trong pháp luật, và hạn chế trong việc thực thi các quyền sở hữu trí tuệ. Tình trạng quan liêu cùng sự thiếu ổn định về nguồn cung điện đã khiến “ông lớn” công nghệ Intel hủy kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam.

… Nhưng không phải không có cơ hội

Dù còn hạn chế, Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Dù nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt, lực lượng lao động hiện có của Việt Nam là rất tiềm năng để được đào tạo và gia nhập thị trường bán dẫn. Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và dồi dào, đang trong quá trình được đào tạo, và đây là nguồn tài nguyên quý cho ngành công nghiệp bán dẫn. Học sinh Việt Nam nhìn chung có kiến thức phổ thông về các môn học khoa học tự nhiên khá tốt. Hơn 40% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và đại học của Việt Nam đang theo học chuyên ngành khoa học và kỹ thuật. Việt Nam cũng thuộc 10 quốc gia có nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật nhất. Đây là cơ sở để triển khai chương trình giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) nhằm chuẩn bị một lực lượng lao động trong những ngành khoa học kỹ thuật, trong đó có công nghiệp bán dẫn. Gần đây, một nhóm sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đã đạt giải cao trong cuộc thi Thiết kế vi mạch bán dẫn khu vực Đông Nam Á (SEACAS Chipathon 2023) diễn ra tại Philippines. Điều này cho thấy thế hệ trẻ Việt Nam có đủ năng lực để lĩnh hội kiến thức về khoa học, kỹ thuật của ngành bán dẫn và có thể trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành này.

Bối cảnh trong nước của Việt Nam cũng khá thuận lợi. So với các nền kinh tế phát triển, chẳng hạn như Đài Loan, Việt Nam có mức sống và chi phí nhân công rẻ hơn đáng kể. Sự hấp dẫn về mặt chi phí này thu hút sự hiện diện của nhiều tập đoàn lớn cùng lực lượng nhân lực chất lượng cao. Đây là động lực quan trọng giúp Việt Nam phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có vị trí chiến lược khi là trung tâm của Đông Nam Á, là địa điểm lý tưởng cho các nhà sản xuất muốn thâm nhập thị trường bán dẫn đang phát triển nhanh chóng của khu vực. Ngoài ra, trong bối cảnh chính trị quốc tế đang bất ổn, với cạnh tranh giữa các cường quốc cũng như xung đột xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, việc giữ vững được tình hình chính trị ổn định giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, khi đã tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh mới nhất của Cơ quan Tình báo Kinh tế (Economist Intelligence Unit) có trụ sở tại Anh.

Ngoài ra, Việt Nam cũng được hưởng lợi lớn từ bối cảnh quốc tế. Vào tháng 4/2022, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Janet Yellen đã đề cập đến thuật ngữ “friend-shoring” như cách tiếp cận thương mại mới của Mỹ, hướng đến dịch chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc đến các quốc gia cùng chí hướng và thân thiện hơn với Mỹ. Trong khi đó, vào tháng 3/2023, EU công bố Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng (EU Critical Raw Materials Act) với mục tiêu giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu từ Trung Quốc và tăng cường tự chủ trong việc khai thác, chế biến và tái chế các kim loại và khoáng sản quan trọng. Khối này hướng tới đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu thô sang các “đối tác đáng tin cậy” cũng như thúc đẩy “các mối quan hệ đối tác cùng có lợi với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển”. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một sự thay thế hàng đầu đối với Mỹ và các đồng minh của siêu cường này. Với nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào (đặc biệt là đất hiếm) cùng rủi ro địa chính trị thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, Việt Nam có thể tận dụng thời cơ “vàng” này để bứt phá.

Sự hiện diện của nhiều công ty bán dẫn lớn cũng tạo thuận lợi cho Việt Nam. Hầu hết các quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển đều đã đầu tư tại Việt Nam, với Hàn Quốc là SamsungHanmi Semiconductor, với Đức là Infineon Technologies AG (công ty chuyên về giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và Internet), với Mỹ là QualcommTexas Instruments, với Hà Lan là NXP Semiconductors. Các công ty này đã đặt nền móng về cơ sở hạ tầng sản xuất, hậu cần, và các trung tâm nghiên cứu, từ đó giúp củng cố vị thế của Việt Nam để tiếp tục thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn.

Hướng đi của Việt Nam trong ngành bán dẫn?

Trước mắt, Việt Nam cần giải quyết bài toán nhân lực chất lượng cao. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân công Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được khoảng 50.000 kỹ sư trong ngành công nghiệp này. Trên cơ sở đó, các trường đại học lớn chuyên đào tạo lĩnh vực khoa học kỹ thuật đã gấp rút xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực cho ngành vi mạch. Doanh nghiệp cũng đóng vai trò không nhỏ, với trường đại học FPT như một mô hình kiểu mẫu của hợp tác đại học-doanh nghiệp, qua đó giúp rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành để đưa các kỹ sư được đào tạo hòa nhập nhanh nhất vào thị trường. Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực hợp tác quốc tế trong đào tạo STEM, tạo cơ sở để thu hút nguồn nhân lực phù hợp cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Chính phủ Việt Nam cũng có các chính sách hỗ trợ vốn và xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phát triển ngành bán dẫn. Chính phủ cũng thành lập nhiều quỹ, tiêu biểu như Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIF), nhằm cung cấp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Việt Nam cũng đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, bao gồm đường sá, bến cảng và sân bay, để hỗ trợ ngành bán dẫn đang phát triển cũng như cải thiện khả năng kết nối của các trung tâm sản xuất với phần còn lại của thế giới. Gần đây, Việt Nam có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên, cho thấy quốc gia này có tham vọng nâng tầm vị trí trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, với việc tham gia vào khâu sản xuất chip - khâu mang lại giá trị cao trong ba khâu của quy trình sản xuất bán dẫn (gồm thiết kế, sản xuất, lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói).

Song song đó, Việt Nam cũng tích cực hợp tác với nhiều đối tác quốc tế. Hướng đi này là cần thiết, bởi quy trình sản xuất bán dẫn gồm nhiều công đoạn phức tạpkhông quốc gia nào hoàn toàn làm chủ được toàn bộ các khâu của quy trình sản xuất này. Mỗi quốc gia sẽ đóng một vai trò riêng và các quốc gia sẽ có những công nghệ khác nhau để phát triển sản phẩm của riêng mình. Do đó, việc hợp tác với càng nhiều đối tác sẽ giúp Việt Nam tiếp cận được các công nghệ bán dẫn khác nhau. Sau khi quan hệ được nâng cấp lên “đối tác chiến lược toàn diện” vào ngày 10/9, hợp tác Việt-Mỹ trên lĩnh vực công nghệ có nhiều triển vọng rõ ràng hơn. Bên cạnh Mỹ, Việt Nam cũng hợp tác về công nghiệp bán dẫn với cả hai cường quốc bán dẫn là Hàn QuốcNhật Bản. Sắp tới, công ty bán dẫn lớn của Hà Lan là ASML được cho là đang thăm dò cơ hội để đa dạng hóa hoạt động của họ từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, và Việt Nam nổi lên như một ứng viên hàng đầu. Với chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp bán dẫn, Việt Nam có thể thu hút thêm nhiều đối tác nước ngoài.

Triển vọng cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam

Nhìn chung, việc “hóa giải khó khăn và phát huy thế mạnh” trong việc phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là phù hợp. Dù thiếu nhân lực chất lượng cao nhưng nhân lực hiện nay của Việt Nam có đủ năng lực để tiếp thu công nghệ cao. Do đó, việc chú trọng phát triển giáo dục, đặc biệt là phối hợp giữa giáo dục đại học và nghiên cứu trong doanh nghiệp là bước đi đúng đắn.

Nhưng dù có nhân lực mà thiếu cơ sở hạ tầng thì Việt Nam cũng rất khó phát triển công nghiệp bán dẫn và thu hút đầu tư nước ngoài. Để giải quyết thách thức này, Chính phủ đang tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, với sự hỗ trợ từ nguồn vốn và công nghệ nước ngoài, để đảm bảo nền tảng hạ tầng vững chắc cho việc phát triển lâu dài. Cuối cùng, Việt Nam đã tận dụng rất tốt sự ổn định về chính trị, cũng như việc được các cường quốc tin tưởng nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc phát triển công nghiệp bán dẫn. Nhìn chung, nếu thiếu vắng một trong ba yếu tố là nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng phát triển và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài thì Việt Nam rất khó để tự mình phát triển trong lĩnh vực mới mẻ này.

Như vậy, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì những chính sách nêu trên thì triển vọng để nước này phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là rất hứa hẹn. Trước hết, Việt Nam có tiềm năng tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị, từ đó chuyển đổi từ mô hình thâm dụng lao động (labor intensive - đòi hỏi một lượng lớn lao động để sản xuất hàng hóa, dịch vụ) sang mô hình công nghệ tiên tiến (đòi hỏi ít nhân công, nhiều chất xám hơn và tạo ra giá trị cao). Ngoài ra, thành công trong lĩnh vực bán dẫn là cơ hội lớn để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bìnhhoàn thành mục tiêu đạt GDP bình quân đầu người vượt 18.000 USD vào năm 2045. Bên cạnh đó, việc trở nên quan trọng hơn trong chuỗi giá trị cũng nâng tầm vị thế của Việt Nam trong quan hệ với các cường quốc, từ đó củng cố an ninh quốc gia (như trường hợp “tấm khiên silicon” của Đài Loan). Trong dài hạn, Việt Nam có thể tiếp cận nhiều công nghệ từ các nước phát triển và phát triển khả năng tự sản xuất chip trong nước để trở nên “bền bỉ” (resilient) hơn trước các bất ổn về địa kinh tế và địa chính trị.

Chạy đua trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn

Trong thời đại mà công nghệ đang phát triển vượt bậc, ngành công nghiệp bán dẫn có tầm quan trọng chiến lược, đặc biệt là trên phương diện an ninh. Tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc,Ấn Độ, lĩnh vực bán dẫn có liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia. Nguyên nhân là vì bán dẫn xuất hiện trong hầu hết các khía cạnh của đời sống hiện đại, từ các sản phẩm tiêu dùng cho đến các thiết bị an ninh và quốc phòng. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay đang bị “đe dọa” bởi căng thẳng địa chính trị và các biến động bất ngờ như đại dịch COVID-19. Do đó, để đảm bảo an ninh quốc gia, các cường quốc đang phát triển nhiều chính sách để tăng cường khả năng “tự cung tự cấp” (autarky) đối với nguyên liệu và công nghệ bán dẫn.

Tầm quan trọng của bán dẫn đối với an ninh quốc gia được minh họa sống động qua trường hợp Đài Loan. Trong “cuộc chơi bán dẫn”, Đài Loan là một người chơi chủ chốt, với riêng tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã chiếm 56,4 % thị phần sản xuất bán dẫn toàn cầu. Việc sở hữu một công ty gần như độc quyền đối với các bộ phận quan trọng của chuỗi cung ứng bán dẫn giúp củng cố tầm quan trọng của Đài Loan đối với Mỹ (và cả phần còn lại của thế giới). Trong bối cảnh Trung Quốc đang tham vọng thống nhất Đài Loan, không loại trừ khả năng sử dụng các biện pháp bằng “vũ lực”, việc là một nhân tố không thể thay thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn được xem như một “tấm khiên silicon” (silicon shield) giúp Đài Loan tăng cường sức mạnh an ninh.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đang nỗ lực trở thành một cường quốc bán dẫn (microchip powerhouse). Quốc gia này có nhiều bước đi đầy tham vọng để hiện thực hóa tầm nhìn này, như ban hành Chính sách “Made in China 2025, hay triển khai quỹ đầu tư hơn 40 tỷ USD (còn gọi là Quỹ lớn) nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Với các biện pháp này, Trung Quốc hy vọng sẽ giảm phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài và tăng cường năng lực sản xuất của các công ty bán dẫn nội địa. Cho đến nay, các kết quả mà nước này đạt được vẫn còn hạn chế, chẳng hạn như năng lực sản xuất chip trong nước mới chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu, các công ty nội địa thiếu hụt nhân lực, công nghệ và bị các đối thủ nước ngoài “dẫn trước”, đầu tư “Quỹ lớn” chưa hiệu quả, vướng vào nhiều cáo buộc tham nhũng, gây lãng phí… Mặc dù vậy, những thành tựu khoa học của Trung Quốc là đáng chú ý. Cụ thể, mặc dù bị Mỹ trừng phạt và hạn chế xuất khẩu linh kiện tiên tiến, Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Quốc tế Trung Quốc (SMIC) cùng với “ông trùm” viễn thông Trung Quốc Huawei vẫn thành công sản xuất chip công nghệ 7nm. Ở nhiều lĩnh vực công nghệ cao khác như hàng không vũ trụ, máy tính lượng tử, Trung Quốc cũng đạt được nhiều thành tựu và qua đó cho thấy quốc gia này có đủ năng lực để trở thành một cường quốc công nghệ.

Tuy nhiên, Mỹ xem sự phát triển về công nghệ này của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh khi nghi ngờ Bắc Kinh có thể áp dụng công nghệ bán dẫn vào việc phát triển năng lực quân sự. Ngoài ra, Trung Quốc còn bị cáo buộc sao chép, ép buộc chuyển giao công nghệ để phát triển công nghiệp bán dẫn trong nước. Để “đối phó” với Bắc Kinh, vào tháng 8/2022, Mỹ đã thông qua đạo luật “CHIPS và Khoa học” (CHIPS and Science Act). Theo đó, Mỹ triển khai khoản kinh phí 52,7 tỷ USD hỗ trợ sản xuất, nghiên cứu và phát triển ngành bán dẫn trong nước. Từ đây, Mỹ có cơ sở để ngăn các công ty bán dẫn (được hỗ trợ từ khoản kinh phí trên) mở rộng sản xuất sang Trung Quốc trong 10 năm và tham gia nghiên cứu chung hoặc chuyển giao công nghệ cho các thực thể nước ngoài đáng quan ngại (foreign entities of concern), trong đó có các công ty Trung Quốc. Với việc Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào các sản phẩm nước ngoài (hầu hết được sản xuất bởi các công ty của Mỹ), động thái của Washington làm hạn chế khả năng Bắc Kinh phát triển công nghệ bán dẫn và sử dụng chúng cho mục đích quân sự.

Những động thái quyết liệt trong cuộc chạy đua bán dẫn Mỹ - Trung cùng vai trò của bán dẫn trong nền kinh tế và an ninh của nhiều cường quốc cho thấy lĩnh vực này thật sự quan trọng. Vậy, thực trạng ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, với cả thành tựu và khó khăn, nổi bật ở những nội dung nào?

Khó khăn vẫn còn đó…

Việt Nam hiện ở vị trí thấp trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, nhất là khi so với các cường quốc có thế mạnh trong lĩnh vực này. Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khai và tụt hậu so với Đài Loan về đầu tư và nguồn vốn. Việt Nam chủ yếu tham gia vào công đoạn thử nghiệm và đóng gói (Testing and Packaging), vốn có tỷ suất lợi nhuận thấp (chiếm 6% giá trị một con chip) và không có nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở quy mô công nghiệp. Trong khi đó, Đài Loan đã đạt được đột phá trong công nghệ bán dẫn với tiến trình sản xuất 1nm (Trung Quốc hiện nay chỉ mới đạt đến 7nm), vượt trội đối thủ Intel của Mỹ về công nghệ và trong tương lai còn có thể phát triển rất nhanh. Xuất phát điểm thấp khiến Việt Nam khó bắt kịp các quốc gia “dẫn trước”. Bên cạnh đó, các nước có xu hướng bảo hộ trong lĩnh vực này, vì công nghệ bán dẫn có can hệ chặt chẽ với an ninh quốc gia, qua đó khiến các nước “đi sau” như Việt Nam khó được chuyển giao công nghệ hơn.

Vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực cũng gây trở ngại cho Việt Nam. Theo Technavio (một công ty phân tích thị trường của Anh), Việt Nam đang thiếu lao động có tay nghề cao. Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp số, nhu cầu nhân lực ở Việt Nam là khoảng 150.000 kỹ sư/năm, với riêng nhu cầu nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng là chưa đến 20%. Trong khi đó, những năm vừa qua, số lượng các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam ngày càng tăng, nhất là tại thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên, số lượng 1.000 kỹ sư vi mạch hiện tại ở địa phương này là không đủ đáp ứng.

Trong khi đó, việc đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn để đáp ứng “cơn khát” này là vô cùng gian nan. Để có thể bắt kịp Đài Loan, Việt Nam cần đến 50.000 kỹ sư công nghệ. Như vậy, từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam phải đào tạo khoảng 6.250 kỹ sư công nghệ. Trong khi đó, năng lực đào tạo của các trường đại học lớn của Việt Nam khó để có thể đáp ứng được con số này. Điển hình là Đại học Bách khoa Hà Nội, với khoa điện tử (bao gồm nhiều ngành) chỉ đào tạo được khoảng 600 kỹ sư công nghệ mỗi năm. Đặt trong bối cảnh tốc độ phát triển của lĩnh vực bán dẫn trên thế giới là gấp đôi sau mỗi 18 tháng, việc mỗi kỹ sư của Việt Nam cần đến 4 năm đào tạo sẽ khiến Việt Nam có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội nếu chờ đến thế hệ kỹ sư mới.

Cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế. Theo Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu (Global Competitiveness Report) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) năm 2019, Việt Nam xếp hạng thấp trong hai tiêu chí là kết nối đường bộ và chất lượng cơ sở hạ tầng đường bộ (lần lượt xếp hạng 104 và 103 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá). Hệ thống đường bộ kém phát triển khiến chi phí vận tải trở nên đắt đỏ và làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, khiến nước này khó thu hút đầu tư. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng điện của Việt Nam cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đơn cử là đợt thiếu điện ở miền Bắc vào tháng 5 và 6 vừa qua đã khiến sản xuất bị gián đoạn và gây tổn thất 1,4 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm xếp thứ hai thế giới, nhưng chưa làm chủ được công nghệ chế biến đất hiếm để tận dụng con “át chủ bài” này trong cuộc đua bán dẫn. Điều này đồng nghĩa, nếu Việt Nam hợp tác với các đối tác nước ngoài nhằm khai thác thô khoáng sản đất hiếm thì quốc gia Đông Nam Á này sẽ trở thành “mỏ đất hiếm giá rẻ” của các cường quốc. Ngoài ra, một vài vấn đề khác có thể làm chậm lại đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như nạn quan liêu, nhiều vùng xám trong pháp luật, và hạn chế trong việc thực thi các quyền sở hữu trí tuệ. Tình trạng quan liêu cùng sự thiếu ổn định về nguồn cung điện đã khiến “ông lớn” công nghệ Intel hủy kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam.

… Nhưng không phải không có cơ hội

Dù còn hạn chế, Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Dù nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt, lực lượng lao động hiện có của Việt Nam là rất tiềm năng để được đào tạo và gia nhập thị trường bán dẫn. Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và dồi dào, đang trong quá trình được đào tạo, và đây là nguồn tài nguyên quý cho ngành công nghiệp bán dẫn. Học sinh Việt Nam nhìn chung có kiến thức phổ thông về các môn học khoa học tự nhiên khá tốt. Hơn 40% sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và đại học của Việt Nam đang theo học chuyên ngành khoa học và kỹ thuật. Việt Nam cũng thuộc 10 quốc gia có nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật nhất. Đây là cơ sở để triển khai chương trình giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) nhằm chuẩn bị một lực lượng lao động trong những ngành khoa học kỹ thuật, trong đó có công nghiệp bán dẫn. Gần đây, một nhóm sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đã đạt giải cao trong cuộc thi Thiết kế vi mạch bán dẫn khu vực Đông Nam Á (SEACAS Chipathon 2023) diễn ra tại Philippines. Điều này cho thấy thế hệ trẻ Việt Nam có đủ năng lực để lĩnh hội kiến thức về khoa học, kỹ thuật của ngành bán dẫn và có thể trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành này.

Bối cảnh trong nước của Việt Nam cũng khá thuận lợi. So với các nền kinh tế phát triển, chẳng hạn như Đài Loan, Việt Nam có mức sống và chi phí nhân công rẻ hơn đáng kể. Sự hấp dẫn về mặt chi phí này thu hút sự hiện diện của nhiều tập đoàn lớn cùng lực lượng nhân lực chất lượng cao. Đây là động lực quan trọng giúp Việt Nam phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có vị trí chiến lược khi là trung tâm của Đông Nam Á, là địa điểm lý tưởng cho các nhà sản xuất muốn thâm nhập thị trường bán dẫn đang phát triển nhanh chóng của khu vực. Ngoài ra, trong bối cảnh chính trị quốc tế đang bất ổn, với cạnh tranh giữa các cường quốc cũng như xung đột xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, việc giữ vững được tình hình chính trị ổn định giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, khi đã tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh mới nhất của Cơ quan Tình báo Kinh tế (Economist Intelligence Unit) có trụ sở tại Anh.

Ngoài ra, Việt Nam cũng được hưởng lợi lớn từ bối cảnh quốc tế. Vào tháng 4/2022, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Janet Yellen đã đề cập đến thuật ngữ “friend-shoring” như cách tiếp cận thương mại mới của Mỹ, hướng đến dịch chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi Trung Quốc đến các quốc gia cùng chí hướng và thân thiện hơn với Mỹ. Trong khi đó, vào tháng 3/2023, EU công bố Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng (EU Critical Raw Materials Act) với mục tiêu giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu từ Trung Quốc và tăng cường tự chủ trong việc khai thác, chế biến và tái chế các kim loại và khoáng sản quan trọng. Khối này hướng tới đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu thô sang các “đối tác đáng tin cậy” cũng như thúc đẩy “các mối quan hệ đối tác cùng có lợi với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển”. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một sự thay thế hàng đầu đối với Mỹ và các đồng minh của siêu cường này. Với nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào (đặc biệt là đất hiếm) cùng rủi ro địa chính trị thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, Việt Nam có thể tận dụng thời cơ “vàng” này để bứt phá.

Sự hiện diện của nhiều công ty bán dẫn lớn cũng tạo thuận lợi cho Việt Nam. Hầu hết các quốc gia có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển đều đã đầu tư tại Việt Nam, với Hàn Quốc là SamsungHanmi Semiconductor, với Đức là Infineon Technologies AG (công ty chuyên về giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và Internet), với Mỹ là QualcommTexas Instruments, với Hà Lan là NXP Semiconductors. Các công ty này đã đặt nền móng về cơ sở hạ tầng sản xuất, hậu cần, và các trung tâm nghiên cứu, từ đó giúp củng cố vị thế của Việt Nam để tiếp tục thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn.

Hướng đi của Việt Nam trong ngành bán dẫn?

Trước mắt, Việt Nam cần giải quyết bài toán nhân lực chất lượng cao. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phân công Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó mục tiêu đến năm 2030 đào tạo được khoảng 50.000 kỹ sư trong ngành công nghiệp này. Trên cơ sở đó, các trường đại học lớn chuyên đào tạo lĩnh vực khoa học kỹ thuật đã gấp rút xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực cho ngành vi mạch. Doanh nghiệp cũng đóng vai trò không nhỏ, với trường đại học FPT như một mô hình kiểu mẫu của hợp tác đại học-doanh nghiệp, qua đó giúp rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành để đưa các kỹ sư được đào tạo hòa nhập nhanh nhất vào thị trường. Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực hợp tác quốc tế trong đào tạo STEM, tạo cơ sở để thu hút nguồn nhân lực phù hợp cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Chính phủ Việt Nam cũng có các chính sách hỗ trợ vốn và xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phát triển ngành bán dẫn. Chính phủ cũng thành lập nhiều quỹ, tiêu biểu như Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIF), nhằm cung cấp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Việt Nam cũng đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, bao gồm đường sá, bến cảng và sân bay, để hỗ trợ ngành bán dẫn đang phát triển cũng như cải thiện khả năng kết nối của các trung tâm sản xuất với phần còn lại của thế giới. Gần đây, Việt Nam có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên, cho thấy quốc gia này có tham vọng nâng tầm vị trí trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu, với việc tham gia vào khâu sản xuất chip - khâu mang lại giá trị cao trong ba khâu của quy trình sản xuất bán dẫn (gồm thiết kế, sản xuất, lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói).

Song song đó, Việt Nam cũng tích cực hợp tác với nhiều đối tác quốc tế. Hướng đi này là cần thiết, bởi quy trình sản xuất bán dẫn gồm nhiều công đoạn phức tạpkhông quốc gia nào hoàn toàn làm chủ được toàn bộ các khâu của quy trình sản xuất này. Mỗi quốc gia sẽ đóng một vai trò riêng và các quốc gia sẽ có những công nghệ khác nhau để phát triển sản phẩm của riêng mình. Do đó, việc hợp tác với càng nhiều đối tác sẽ giúp Việt Nam tiếp cận được các công nghệ bán dẫn khác nhau. Sau khi quan hệ được nâng cấp lên “đối tác chiến lược toàn diện” vào ngày 10/9, hợp tác Việt-Mỹ trên lĩnh vực công nghệ có nhiều triển vọng rõ ràng hơn. Bên cạnh Mỹ, Việt Nam cũng hợp tác về công nghiệp bán dẫn với cả hai cường quốc bán dẫn là Hàn QuốcNhật Bản. Sắp tới, công ty bán dẫn lớn của Hà Lan là ASML được cho là đang thăm dò cơ hội để đa dạng hóa hoạt động của họ từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, và Việt Nam nổi lên như một ứng viên hàng đầu. Với chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp bán dẫn, Việt Nam có thể thu hút thêm nhiều đối tác nước ngoài.

Triển vọng cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam

Nhìn chung, việc “hóa giải khó khăn và phát huy thế mạnh” trong việc phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là phù hợp. Dù thiếu nhân lực chất lượng cao nhưng nhân lực hiện nay của Việt Nam có đủ năng lực để tiếp thu công nghệ cao. Do đó, việc chú trọng phát triển giáo dục, đặc biệt là phối hợp giữa giáo dục đại học và nghiên cứu trong doanh nghiệp là bước đi đúng đắn.

Nhưng dù có nhân lực mà thiếu cơ sở hạ tầng thì Việt Nam cũng rất khó phát triển công nghiệp bán dẫn và thu hút đầu tư nước ngoài. Để giải quyết thách thức này, Chính phủ đang tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, với sự hỗ trợ từ nguồn vốn và công nghệ nước ngoài, để đảm bảo nền tảng hạ tầng vững chắc cho việc phát triển lâu dài. Cuối cùng, Việt Nam đã tận dụng rất tốt sự ổn định về chính trị, cũng như việc được các cường quốc tin tưởng nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc phát triển công nghiệp bán dẫn. Nhìn chung, nếu thiếu vắng một trong ba yếu tố là nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng phát triển và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài thì Việt Nam rất khó để tự mình phát triển trong lĩnh vực mới mẻ này.

Như vậy, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì những chính sách nêu trên thì triển vọng để nước này phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là rất hứa hẹn. Trước hết, Việt Nam có tiềm năng tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị, từ đó chuyển đổi từ mô hình thâm dụng lao động (labor intensive - đòi hỏi một lượng lớn lao động để sản xuất hàng hóa, dịch vụ) sang mô hình công nghệ tiên tiến (đòi hỏi ít nhân công, nhiều chất xám hơn và tạo ra giá trị cao). Ngoài ra, thành công trong lĩnh vực bán dẫn là cơ hội lớn để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bìnhhoàn thành mục tiêu đạt GDP bình quân đầu người vượt 18.000 USD vào năm 2045. Bên cạnh đó, việc trở nên quan trọng hơn trong chuỗi giá trị cũng nâng tầm vị thế của Việt Nam trong quan hệ với các cường quốc, từ đó củng cố an ninh quốc gia (như trường hợp “tấm khiên silicon” của Đài Loan). Trong dài hạn, Việt Nam có thể tiếp cận nhiều công nghệ từ các nước phát triển và phát triển khả năng tự sản xuất chip trong nước để trở nên “bền bỉ” (resilient) hơn trước các bất ổn về địa kinh tế và địa chính trị.

Từ khoá: ngành bán dẫn an ninh kinh tế an ninh quốc gia

BÀI LIÊN QUAN