Thực trạng ngành bán dẫn ở Việt Nam
Sự kiện đánh dấu việc Việt Nam chính thức bước vào thị trường công nghệ bán dẫn diễn ra vào năm 2008, khi con chip nội địa đầu tiên được công bố. Đó là một bộ vi xử lý 8 bit do nhóm giảng viên và kỹ sư trẻ tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Mạch Tích hợp (ICDREC), thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) chế tạo. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, con chip này không thu hút được nhiều sự quan tâm và dần biến mất khỏi thị trường do thiếu khách hàng.
Trải qua nhiều năm tương đối trầm lắng sau đó, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam chỉ thật sự đón nhận những làn gió mới kể từ đại dịch COVID-19. Dịch bệnh đã làm tăng nhu cầu về chất bán dẫn, do sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các thiết bị điện tử trong và sau thời gian giãn cách xã hội. Thêm vào đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung cũng thúc đẩy nhu cầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng, trong đó có chất bán dẫn. Nhờ đó, Việt Nam đã hưởng lợi và nhận được hàng loạt quyết định đầu tư từ các tập đoàn nước ngoài, phần lớn từ Mỹ và Hàn Quốc.
“Bắn phát súng” đầu tiên trong loạt làn gió mới đầu tư vào ngành bán dẫn ở Việt Nam là tập đoàn Qualcomm (Mỹ), khi doanh nghiệp này mở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) đầu tiên ở Đông Nam Á tại Hà Nội vào năm 2020, tập trung vào phát triển công nghệ không dây (4G, 5G) và Internet Vạn vật (IoT). Một năm sau, đến lượt tập đoàn Amkor (Hàn Quốc) quyết định đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn tại tỉnh Bắc Ninh, chính thức đi vào hoạt động năm 2023. Đây là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của tập đoàn này.
Cũng tham gia vào cuộc chạy đua này là gã khổng lồ Samsung. Vào tháng 8/2022, Tổng Giám đốc Samsung Electronics Roh Tae-moon đã gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong đó cam kết chuẩn bị điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn, sau đó sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam ở tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, trễ hơn so với kế hoạch, phải đến cuối năm 2023, nhà máy trên mới bắt đầu sản xuất đại trà các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn. Bên cạnh đó, cuối năm 2022, Samsung cũng đã khánh thành Trung tâm R&D tại Hà Nội; đây được xem là cơ sở lớn nhất của tập đoàn này tại Đông Nam Á.
Làn sóng đầu tư vào Việt Nam tiếp diễn trong năm 2023 với bốn trường hợp nổi bật là Marvell Technology (Mỹ) thành lập Trung tâm Thiết kế Vi mạch tại TPHCM (tháng 5); Infineon Technologies (Đức) khánh thành Trung tâm R&D tại Hà Nội, chuyên về kiểm thử, tùy chỉnh mạch kỹ thuật số (tháng 5); Foxconn (Đài Loan) công bố quyết định đầu tư nhà máy tại Bắc Ninh để sản xuất bảng mạch in (tháng 6); BE Semiconductor Industries N.V (Hà Lan) công bố quyết định xây nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn (tháng 11), dự kiến chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2025. Ngoài ra, trong chuyến thăm lần đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 12/2023, CEO Jensen Huang của tập đoàn Nvidia (Mỹ) đã bày tỏ mong muốn thành lập cơ sở sản xuất để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn địa phương, và thậm chí nói rằng quốc gia Đông Nam Á này như là “nhà” của Nvidia.
Không chỉ từ phía doanh nghiệp mà ở cấp độ quốc gia, Mỹ cũng rất quan tâm về triển vọng ngành bán dẫn ở Việt Nam. Trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 7 năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong việc sản xuất chip bán dẫn. Sự hỗ trợ này bao gồm chuyển giao công nghệ, đầu tư tài chính, xây dựng năng lực, và tạo ra một hệ sinh thái chất bán dẫn an toàn, bền vững tại Việt Nam. Thêm vào đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đang hợp tác với chính phủ Việt Nam để nghiên cứu khả năng mở rộng và nâng cao hệ sinh thái chất bán dẫn trên toàn thế giới thông qua Quỹ Đổi mới và An ninh Công nghệ Quốc tế (International Technology Security and Innovation Fund).
Song song với các khoản đầu tư hoặc hỗ trợ bên ngoài, doanh nghiệp nội địa Việt Nam, đơn cử là FPT, cũng ráo riết tham gia vào quá trình chạy đua sản xuất chip bán dẫn. Bước đi đầu tiên của tập đoàn này là thành lập công ty con FPT Semiconductor vào năm 2022. Trong cùng năm, công ty này đã nhanh chóng cho ra mắt sản phẩm đầu tiên là chip nguồn, một loại vi mạch giúp đảm bảo nguồn điện ổn định trong các thiết bị. Chip nguồn không khó để sản xuất, nhưng mọi sản phẩm đều cần đến chúng. Nhiều công ty không có đủ nguồn lực để thuê các thương hiệu lớn sản xuất chip nguồn tùy chỉnh phù hợp với nhu cầu cụ thể của họ, và đó chính là cơ hội mà FPT Semiconductor hướng đến và nắm bắt.
Cho đến nay, bước đi trên đã cho thấy kết quả tích cực khi FPT giới thiệu ba dòng chip nguồn và bán được hơn 25 triệu sản phẩm. Theo doanh nghiệp này, chất lượng của các con chip kể trên có thể chỉ bằng 80 - 90% so với các thương hiệu lớn, nhưng có giá chỉ bằng 50 - 60%, vì thế vẫn đủ sức đáp ứng thị hiếu của khách hàng.
So với FPT, một tập đoàn khác là Viettel chú trọng đến việc phát triển các mẫu chip phức tạp hơn, có giá trị cao hơn. Vào tháng 10/2023, Viettel High Tech (đơn vị nghiên cứu và sản xuất của tập đoàn Viettel) đã cho ra mắt con chip mang tên 5G DFE, có thể xử lý 1.000 nghìn tỷ phép tính mỗi giây. Hiệu suất của con chip này không thực sự ấn tượng khi xét đến các sản phẩm mới hơn trên thị trường (thường có công suất xử lý nhanh hơn 10 lần), nhưng đây là chip phức tạp nhất mà các kỹ sư Việt Nam từng thiết kế. Quan trọng hơn là nguồn cung chip 5G hiện nay vẫn còn hạn chế, và không có sẵn ở thị trường Việt Nam, do đó sự xuất hiện của 5G DFE rất đáng khích lệ vì giúp nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ của quốc gia.
Với hàng loạt quyết định đầu tư mới từ các tập đoàn nước ngoài, nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế và vươn mình của những công ty quốc nội, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được kỳ vọng sẽ vượt mức doanh thu 6,16 tỷ USD vào cuối năm nay, qua đó tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành một trong những trung tâm sản xuất bán dẫn lớn trên toàn cầu.
Sức hấp dẫn của Việt Nam là nhờ đâu?
Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm bán dẫn trước hết vì có vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, dễ dàng tiếp cận các thị trường khác trong khu vực, và tham gia đến 16 Hiệp định Thương mại Tự do (nhiều hơn các nước láng giềng). Điều này càng trở nên cần thiết hơn trong bối cảnh các tập đoàn lớn muốn giảm rủi ro bằng việc rút dần những cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc. Một quy trình sản xuất chip thường bao gồm ba giai đoạn lớn là thiết kế; chế tạo; lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói (ATP). Trong đó, xét riêng giai đoạn ATP, Trung Quốc chiếm trên 36% thị phần trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc hàng loạt các nhà máy bán dẫn mới đã/sắp hình thành tại Việt Nam (như của Amkor, Foxconn, BE Semiconductor Industries N.V) là minh chứng cho thấy quốc gia Đông Nam Á này đang hưởng lợi từ quá trình giảm rủi ro khỏi chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
Đồng thời, Việt Nam có nguồn tài nguyên đất hiếm dồi dào (trữ lượng đứng thứ hai thế giới), là vật liệu quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn. Quan trọng hơn, chính phủ Việt Nam tích cực quan tâm đến việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Chính phủ Việt Nam đưa ra các ưu đãi thuế gồm (1) miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước trong suốt thời gian thuê đối với các dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; (2) các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước, hoặc giảm tới 50% tại các khu công nghệ cao tập trung; (3) các công ty đặt cơ sở tại Hà Nội được hưởng những ưu đãi đầu tư như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong bốn năm đầu, thuế suất 5% trong chín năm tiếp theo và thuế suất 10% trong 15 năm tiếp theo nữa.
Cùng với đó, Việt Nam cũng quan tâm đầu tư vào giáo dục và đào tạo để phát triển nhóm lao động lành nghề trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ bán dẫn. Hiện nay, một số trường đại học tại Việt Nam đã thành lập các chương trình đào tạo bán dẫn chuyên ngành. Chẳng hạn, Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có hai chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo liên quan là Điện tử Viễn thông; Thiết kế vi mạch; Hệ thống nhúng; Điện/Tự động hóa; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy tính/Khoa học máy tính; Vật lý kỹ thuật; Vật liệu/Vật liệu điện tử; Công nghệ Vi điện tử và nano (tổng số hơn 3.300 sinh viên). Trong khi đó, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cũng cho ra mắt chương trình liên kết quốc tế đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Công nghệ bán dẫn với Đại học Quốc gia Giao thông Đài Loan (National Chiao Tung University) từ năm 2020. Bên cạnh đó, Đại học Công nghệ Hà Nội cũng đã ký kết văn bản hợp tác với Samsung từ đầu năm nay để đào tạo sinh viên chuyên sâu về các chuyên ngành công nghiệp bán dẫn như thiết kế mạch tích hợp, vật liệu bán dẫn, sản xuất và phân tích chất bán dẫn.
Một yếu tố cần chú ý là số tiền lương mà các tập đoàn phải trả cho kỹ sư công nghệ thông tin ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia/vùng lãnh thổ lân cận. Cụ thể, theo thống kê vào năm nay của trang web Salary Explorer, các kỹ sư ở Việt Nam kiếm được trung bình 706 USD mỗi tháng, trong khi ở Malaysia là 1.532 USD, Thái Lan là 2.884 USD, Hàn Quốc là 2.970 USD, Đài Loan là 4.119 USD và Singapore là 6.619 USD.
Mặc dù mức lương thấp hơn so với các láng giềng, nhưng năng suất và trình độ làm việc của kỹ sư Việt Nam nhận được đánh giá cao từ một số tập đoàn lớn. Theo đó, nhà cung cấp dịch vụ thiết kế chip trí tuệ nhân tạo hàng đầu (AI) của Đài Loan là Alchip Technologies cho biết đang mở rộng nhóm R&D sang Việt Nam, vì cho rằng lực lượng kỹ sư của quốc gia này có tài năng và đầy triển vọng, tận tụy, luôn khao khát học hỏi.
Tương tự, vào năm 2022, công ty BOS Semiconductors của Hàn Quốc (chuyên thiết kế chip AI) đã đến TPHCM để thành lập một nhóm kỹ sư hỗ trợ R&D. Theo Lim Hyung Jun, Quản lý Quốc gia của BOS, doanh nghiệp này đã bay qua lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc để so sánh hai nhóm nhân viên từ hai quốc gia, và cuối cùng chất lượng kỹ sư của Việt Nam đã thuyết phục họ nên thành lập trung tâm R&D chính tại đây.
Trong khi đó, Tổng giám đốc của Marvell Việt Nam Lê Quang Đạm tiết lộ doanh nghiệp này xem Việt Nam là “vị trí chiến lược để phát triển nhân tài kỹ sư” (strategic location for the development of engineering talent) và “sẽ trở thành trung tâm thiết kế chip lớn thứ ba của Marvell, chỉ sau trụ sở chính tại Mỹ và Ấn Độ”.
Như vậy, các yếu tố chính làm nên sức hấp dẫn của Việt Nam là có vị trí địa chiến lược, nguồn tài nguyên đầy hứa hẹn, chính phủ tích cực quan tâm đến thu hút FDI (đặc biệt là các ưu đãi về thuế), và lực lượng kỹ sư chất lượng cao với mức lương phải chăng.
Nhưng vẫn còn rất non trẻ
Hiện nay, thách thức lớn nhất là Việt Nam vẫn thiếu một hệ sinh thái bán dẫn toàn diện, bao gồm các nhà cung cấp trong nước, các công ty thiết kế, cơ sở thử nghiệm và các viện nghiên cứu. Cụ thể hơn, trong ba công đoạn chính của một quy trình sản xuất bán dẫn, Việt Nam hiện chủ yếu chỉ tham gia vào giai đoạn ATP. Tuy nhiên, ATP là giai đoạn có giá trị thấp nhất trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, chỉ chiếm khoảng 6% giá trị của một con chip thành phẩm.
Trong khi đó, các cơ sở chế tạo (hay từ ngữ chuyên ngành gọi là fab) là phần mang lại nhiều giá trị nhất, và tất nhiên yêu cầu chi phí vốn xây dựng cao nhất. Hiện nay, tại Đông Nam Á, chỉ có hai quốc gia sở hữu các fab là Singapore (16 cái) và Malaysia (8 cái), trong khi Indonesia, Philippines và Thái Lan vẫn chủ yếu ở quy trình ATP như Việt Nam. Để đầu tư một fab, giá thành không dưới 1 tỷ USD, và thậm chí là rất nhiều tỷ USD. Việt Nam hiện đang có kế hoạch sẽ hoàn thành fab đầu tiên vào năm 2030. Trong bối cảnh hiện nay, cả FPT lẫn Viettel đều đang phải theo đuổi mô hình “fabless”, tức là chịu trách nhiệm thiết kế chip, và cung ứng sản phẩm ra thị trường, còn công đoạn sản xuất phải nhờ cậy vào bên ngoài. Chẳng hạn, FPT gửi thiết kế chip sang Hàn Quốc để gia công, và sau đó chuyển sang Đài Loan để đóng gói và thử nghiệm.
Mô hình fabless như vậy phù hợp với thực trạng hiện nay (vì không có fab tại Việt Nam), nhưng sẽ khiến FPT lẫn Viettel khó tạo ra đột phá. Các quốc gia đóng vai trò chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đều đầu tư vào cả ba giai đoạn sản xuất chip. Hơn nữa, việc phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài trong quy trình chế tạo chip có khả năng đe dọa về an ninh, đặc biệt là các vi mạch được sử dụng trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng.
Giả sử Việt Nam sở hữu fab đầu tiên vào năm 2030 đúng như kế hoạch, nền công nghiệp bán dẫn cũng cần phải mở rộng về số lượng doanh nghiệp nội địa. Có thể thấy, ngoài Viettel và FPT, chưa có bất kỳ cái tên nào khác tham gia vào cuộc chạy đua này.
Tiếp sau đó, trong trường hợp số lượng doanh nghiệp nội địa tăng lên như kỳ vọng, còn một bài toán “đau đầu” khác là thị trường tiêu thụ. Nếu chính phủ không có những chính sách phát triển, hỗ trợ đủ mạnh mẽ, doanh nghiệp nội địa rất khó cạnh tranh với hàng loạt “ông lớn” đang hiện diện ngay tại thị trường Việt Nam, và khi đó bài học của con chip do ICDREC chế tạo vào năm 2008 có thể sẽ lặp lại.
Một hạn chế khác cho thấy ngành bán dẫn ở Việt Nam vẫn còn rất non trẻ là số lượng kỹ sư sẵn có. Hiện nay, Việt Nam có hơn 5.000 kỹ sư có chuyên môn về bán dẫn, ít hơn 20% nhu cầu hiện tại ở quốc gia này, và thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà chính phủ đặt ra là có 50.000 kỹ sư vào năm 2030. Mặc dù tại Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn” vào tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tin tưởng rằng mục tiêu 50.000 kỹ sư là “hoàn toàn khả thi”, nhưng đó sẽ là một chặng đường rất gian nan và không dễ làm được.
Lý do là vì Việt Nam hiện chỉ đào tạo được 500 kỹ sư có trình độ mỗi năm, và phải đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám khi sinh viên tìm kiếm mức lương cao hơn ở nước ngoài. Thêm vào đó, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam có tỷ lệ nội địa hóa thấp khiến các hoạt động nghiên cứu và phát triển không đồng bộ.
Cần hoá giải thách thức
Để vượt qua hàng loạt thách thức khó nhằn kể trên, chính phủ nên ưu tiên cho mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo kỹ sư theo cả hai quy trình là R&D và chế tạo. Bên cạnh thông qua các trường đại học, các cơ quan liên quan nên tích cực hợp tác theo hình thức trao học bổng với các tập đoàn lớn để đào tạo nhanh hơn, nhiều hơn, và chuyên sâu hơn cho lực lượng sinh viên ngành bán dẫn. Giải quyết thách thức về lao động là bàn đạp để tăng sức hấp dẫn cho Việt Nam, thu hút thêm các tập đoàn lớn về công nghệ đầu tư vào mảng R&D và chế tạo, thay vì chỉ đơn thuần mở nhà máy chuyên về ATP như hiện nay.
Đồng thời, đảm bảo nguồn cung cấp điện cũng là yếu tố then chốt, đặc biệt là ở khu vực miền bắc, vốn có nguy cơ cao về thiếu điện trong mùa hè. Việc vận hành các cơ sở sản xuất chất bán dẫn đòi hỏi một lượng điện năng cực lớn, có thể sử dụng tới 100 megawatt điện mỗi giờ, nhiều hơn đáng kể so với nhà máy lọc dầu hay sản xuất ô tô. Một sự cố mất điện có thể đe dọa hoạt động sản xuất chip trong nhiều tháng, khiến chi phí thiệt hại là rất lớn, thường tốn khoảng vài triệu USD, thậm chí hàng chục triệu USD. Vì thế, chính phủ cần đẩy nhanh xây dựng các cơ sở hạ tầng năng lượng quy mô lớn, trong đó ưu tiên các dự án đầu tư hướng tới phát triển năng lượng bền vững.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng nên xem xét các hình thức hỗ trợ thiết thực hơn để khuyến khích doanh nghiệp nội địa nâng cao năng lực cạnh tranh, có thị trường để bán các sản phẩm của mình. Chẳng hạn, chính phủ có thể đứng ra đặt hàng trực tiếp để doanh nghiệp phát triển sản phẩm theo yêu cầu, hoặc ưu tiên mua các sản phẩm chip “cây nhà lá vườn”.
Tóm lại, cho dù chặng đường phía trước còn nhiều gian nan trong bối cảnh nền công nghiệp bán dẫn Việt Nam vẫn rất non trẻ, nhưng nếu chính phủ thực hiện quyết liệt các kế hoạch đã ban hành, cũng như theo sát quá trình phát triển để đưa ra giải pháp phù hợp, có lý do để tin rằng quốc gia Đông Nam Á này sẽ sớm trở thành một trung tâm sản xuất chất bán dẫn quan trọng trên toàn cầu, đủ sức để tham gia sâu hơn vào các quy trình thiết kế và chế tạo, thay vì chỉ đóng góp ở mức đóng gói sản phẩm.