Việt Nam ứng phó thuế quan Mỹ: Nỗ lực ra sao, tương lai thế nào?
Liệu Hà Nội có “sống sót” qua cơn bão thuế quan của chính quyền Trump?


Đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ đang là tâm điểm chú ý. Đây là thời điểm quan trọng khi quốc gia Đông Nam Á nỗ lực duy trì đà tăng trưởng kinh tế trước làn sóng đe dọa thuế quan của Mỹ và tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.
Ngày 16/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên có phiên đàm phán trực tiếp cấp Bộ trưởng với Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer về Hiệp định Thương mại đối ứng giữa hai nước. Phía Mỹ cho biết nước này “hy vọng rằng với những nỗ lực chung, các cuộc đàm phán cấp kỹ thuật trong những ngày tới sẽ mang lại kết quả tích cực”.
Việt Nam đã nỗ lực ra sao, và liệu những cố gắng trong thời gian qua có giúp Hà Nội “sống sót” qua cơn bão thuế quan của Trump?
Việt Nam đã nỗ lực ra sao?
Mối quan ngại của Mỹ về thặng dư thương mại với Việt Nam là vấn đề nổi bật. Năm 2024, thặng dư thương mại song phương lên đến 104,6 tỷ USD. Mỹ coi mức thặng dư này là “không bền vững” (unsustainable) và yêu cầu Việt Nam giảm các rào cản đối với hàng hóa Mỹ cũng như giải quyết các vấn đề như định giá tiền tệ và mở cửa thị trường.
Các quan chức Mỹ liên tục thúc ép Việt Nam đưa ra các cam kết cụ thể, đồng thời cảnh báo rằng nếu không hành động, Hà Nội có thể đối mặt với các mức thuế cao hơn. Robert Kaproth, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ, cho biết trong cuộc họp với Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn rằng Việt Nam phải có biện pháp chống gian lận thương mại.
Đáp lại, ông Tuấn cho biết: “Việt Nam có nhu cầu về các sản phẩm mà Mỹ có thế mạnh trong các lĩnh vực năng lượng, công nghệ cao, hàng không, máy móc thiết bị và nông sản”.
Trước đó, Việt Nam đã có những bước đi cụ thể để đáp ứng các yêu cầu của Mỹ. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump vào tháng 4, Tổng Bí thư Tô Lâm đề xuất giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, thậm chí có thể xuống mức 0% đối với một số sản phẩm.
Bên cạnh đó, Việt Nam siết chặt lệnh trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc được vận chuyển qua quốc gia này nhằm né tránh mức thuế quan cao từ Mỹ. Tổng cục Hải quan cũng đang tích cực triển khai các biện pháp chống hàng giả từ nước ngoài và xử lý nghiêm các biện pháp gian lận xuất xứ hàng hóa.
Tháng 4, Bộ Công thương đã chỉ thị cho các quan chức chứng nhận nguồn gốc sản phẩm phải trấn áp hàng giả. Đối với các công ty có số lượng đơn xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ từ Việt Nam tăng đột biến, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thanh tra tại chỗ tại các nhà máy để đảm bảo không có sai sót. Chỉ thị này được ban hành vào ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Việt Nam, trong đó hai bên đã ký kết một số văn kiện hợp tác quan trọng.
Ngày 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Bên cạnh bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước, động thái này còn nhằm đáp ứng các đòi hỏi mà Mỹ đưa ra đối với Việt Nam liên quan đến việc chống gian lận thương mại.
Trong nỗ lực kêu gọi Mỹ hủy bỏ mức thuế quan 46%, Việt Nam rất có thể sẽ tăng cường nỗ lực trấn áp tình trạng hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam để tránh thuế Mỹ (còn gọi là hình thức chuyển tải gián tiếp – “transshipment”).
Nhìn chung, việc đề xuất xóa bỏ thuế quan là một bước đi nhằm cho thấy thiện chí của Hà Nội và thể hiện quyết tâm cao nhằm củng cố quan hệ với Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam đã tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nhằm thu hẹp khoảng cách thương mại. Chỉ riêng trong tháng 4, hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam tăng vọt hơn 40% so cùng kỳ. Doanh nghiệp hai nước cũng ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại, với tổng giá trị ước tính hơn 90 tỷ USD.
Đồng thời, Việt Nam đang đa dạng hóa quan hệ kinh tế với các đối tác thương mại, củng cố quan hệ với các tổ chức khu vực như Liên hiệp Châu Âu (EU) và ASEAN để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Theo số liệu thống kê do Cục Hải quan công bố trong quý I/2025, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 13,71 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là nhờ Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN lần đầu đạt mức 83 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay. Các nỗ lực này phần nào giúp Việt Nam giảm rủi ro từ các biện pháp trừng phạt tiềm tàng của Mỹ.
Thách thức vẫn tồn tại
Tuy nhiên, thách thức vẫn không biến mất. Việc Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, mặc dù ghi nhận những chuyển biến tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, càng làm phức tạp tình hình, khi các nhà xuất khẩu trong nước phải đối mặt với thuế chống bán phá giá cao hơn.
Ngoài áp lực từ Mỹ, Việt Nam còn đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và láng giềng có ảnh hưởng địa chính trị mạnh mẽ. Trung Quốc lo ngại rằng việc Việt Nam xích lại gần Mỹ có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực, đặc biệt khi Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất thay thế trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang kéo dài.
Bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung gay gắt khiến Việt Nam dễ bị ảnh hưởng. Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc về đầu vào sản xuất, trong khi Mỹ là thị trường không thể thay thế cho các sản phẩm đầu ra. Khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng, Việt Nam có nguy cơ vướng vào sự cạnh tranh này và buộc phải khẳng định giá trị của riêng mình mà không nhất thiết phải liên kết với bất kỳ bên nào.
Thực tế, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy các dự án đầu tư hạ tầng trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) để duy trì đòn bẩy kinh tế với Việt Nam. Tháng 2, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để kết nối cảng biển quốc tế Hải Phòng và liên vận với Trung Quốc, với mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng.
Giữa tháng 5, Công ty Công trình xây dựng Trung Quốc (CCECC), trực thuộc Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC), cho biết mong muốn tham gia vào các dự án đường sắt tốc độ cao ở Việt Nam và tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Trung Quốc. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tuyên bố “hoan nghênh sự quan tâm, chủ động hợp tác của các doanh nghiệp Trung Quốc, gồm CCECC, với doanh nghiệp Việt Nam để tham gia đầu tư, xây dựng các tuyến đường sắt hiện đại, tốc độ cao tại Việt Nam”.
Áp lực từ Trung Quốc còn thể hiện qua các vấn đề hàng hóa giá rẻ. Bởi lẽ, các sản phẩm Trung Quốc tràn vào Việt Nam, sau đó được xuất khẩu sang Mỹ dưới nhãn “Made in Vietnam”, khiến Việt Nam bị Mỹ cáo buộc là điểm trung chuyển để né thuế.
Một phần đáng kể hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc dưới dạng hàng hóa trung gian và linh kiện, chẳng hạn như điện tử và máy tính, hàng may mặc, giày dép và đồ nội thất. Trong khi đó, Trung Quốc lại là đối thủ chính của Mỹ. Có thể nói, Việt Nam đối mặt với những bất lợi đáng kể trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ, đặc biệt là khi khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm trở thành mối quan tâm chính của siêu cường.
Các nhà sản xuất Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, đồ nội thất và dệt may, đã đổ xô vào Việt Nam kể từ năm 2018, khi Tổng thống Trump áp đặt mức thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên. Khi cạnh tranh Mỹ - Trung gia tăng thì các doanh nghiệp Trung Quốc coi Việt Nam như nơi để tránh thuế của Mỹ, đặc biệt bởi các lợi thế của Việt Nam như chi phí lao động thấp, tiền thuê nhà rẻ và quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc nhờ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Dù đang nỗ lực kiểm soát và truy xuất nguồn gốc hàng hoá nhập khẩu, Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ áp thuế bổ sung nếu không kiểm soát được dòng hàng hóa này. Việc siết chặt kiểm tra nguồn gốc xuất xứ là một nhiệm vụ không hề dễ dàng khi Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu thô từ Trung Quốc để phục vụ cho ngành sản xuất.
Nỗ lực của Hà Nội và một số hình dung
Sự chủ động của Việt Nam cho thấy quốc gia có khả năng thích nghi với các biến động thương mại toàn cầu. Việc đề xuất giảm thuế, tăng nhập khẩu hàng hoá của Mỹ, tăng cường kiểm tra hải quan và áp dụng các biện pháp chống gian lận xuất xứ cũng cho thấy khả năng ứng phó linh hoạt của Hà Nội. Trước mắt, các động thái mang tính thiện chí này giúp Việt Nam tránh được các biện pháp trừng phạt tức thời từ phía Mỹ và tạo dư địa cho đối thoại.
Song song đó, Việt Nam cũng duy trì lập trường trung lập trong quan hệ Mỹ - Trung, tránh đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh hay có phản ứng quá cứng rắn, trong khi đang củng cố quan hệ thương mại và an ninh với Washington. Việc tham gia các hiệp định thương mại đa phương như RCEP giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào cả hai cường quốc và tạo không gian chiến lược để quốc gia Đông Nam Á xoay sở.
Trong ngắn hạn, kỳ vọng thực tế là Việt Nam có khả năng đạt được một thỏa thuận tạm thời với Mỹ, trong đó bao gồm việc Hà Nội giảm thuế và cam kết tăng nhập khẩu hàng Mỹ. Thỏa thuận này có thể giúp Việt Nam tránh các mức thuế trừng phạt cho đến cuối năm 2025.
Tuy nhiên, một giải pháp toàn diện cho các bên có thể ngoài tầm với trong ngắn hạn, vì các vấn đề mang tính cấu trúc như thặng dư thương mại giữa hai nước và quy chế phi thị trường mà Mỹ dùng để đánh giá nền kinh tế Việt Nam đòi hỏi cải cách cơ cấu to lớn và cả đối thoại.
Dù tồn tại thách thức nhưng các cuộc đàm phán với Mỹ là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy cải cách kinh tế để được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường trong tương lai, dù quá trình này sẽ mất nhiều năm do vai trò và sức chi phối quá lớn của các doanh nghiệp nhà nước.
Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tăng cường quan hệ với EU, Nhật Bản và Hàn Quốc… cũng có thể giúp Việt Nam xây dựng khả năng chống chịu tốt hơn trước các cú sốc thương mại và thắt chặt quan hệ kinh tế với các đối tác. Về thương mại, các hiệp định như RCEP và EVFTA sẽ tiếp tục là “tấm đệm” để Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
***
Các động thái của Việt Nam phản ánh sự khéo léo trong việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế và áp lực địa chính trị. Có thể nhận thấy rằng Việt Nam đã chọn cách tiếp cận lấy ngoại giao làm chủ đạo và nhượng bộ từng bước. Việc đề xuất giảm thuế và tăng nhập khẩu hàng Mỹ cho thấy thiện chí của Hà Nội, nhưng không làm tổn hại đến mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.
Bằng cách đưa ra các nhượng bộ chiến lược, kiểm soát dòng hàng hóa từ Trung Quốc và đa dạng hóa quan hệ thương mại, Việt Nam đang định vị mình như một quốc gia chủ động và có trách nhiệm để vượt qua những thách thức địa kinh tế.
Tuy nhiên, việc nhượng bộ quá nhiều trước áp lực của Mỹ có thể gây phản ứng tiêu cực trong nước, khi lãnh đạo Việt Nam phải cân nhắc giữa sự thực dụng kinh tế và lòng tự hào dân tộc. Hơn nữa, các cuộc đàm phán cũng diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ vẫn đang chiếm ưu thế trong chính trị nội bộ Mỹ, làm hạn chế khả năng đạt được thỏa thuận lâu dài và do đó để ngỏ các dự báo thận trọng.
Nhìn chung, tìm kiếm điểm chung trong đàm phán thuế quan với Mỹ và vượt qua các áp lực từ cả Washington và Bắc Kinh là những thử thách đòi hỏi sự khéo léo và năng lực ngoại giao của Hà Nội cũng như sự cân bằng tinh tế giữa lợi ích kinh tế, áp lực địa chính trị và lòng tự hào dân tộc. Nhưng với kinh nghiệm thích nghi với các cú sốc địa kinh tế cùng vị thế quốc tế đang gia tăng, Việt Nam có cơ hội vượt qua các cú sốc thuế quan của chính quyền Trump.
Bài viết này thuộc ấn bản đặc biệt với chủ đề “Chính sách thuế quan của Trump và phản ứng của các quốc gia”.
Bạn có hài lòng về bài viết? Đóng góp cho VSF tại đây. Mọi đóng góp tài chính từ quý độc giả đều là nguồn động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục xuất bản những nội dung chất lượng cho cộng đồng.

Đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ đang là tâm điểm chú ý. Đây là thời điểm quan trọng khi quốc gia Đông Nam Á nỗ lực duy trì đà tăng trưởng kinh tế trước làn sóng đe dọa thuế quan của Mỹ và tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.
Ngày 16/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên có phiên đàm phán trực tiếp cấp Bộ trưởng với Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer về Hiệp định Thương mại đối ứng giữa hai nước. Phía Mỹ cho biết nước này “hy vọng rằng với những nỗ lực chung, các cuộc đàm phán cấp kỹ thuật trong những ngày tới sẽ mang lại kết quả tích cực”.
Việt Nam đã nỗ lực ra sao, và liệu những cố gắng trong thời gian qua có giúp Hà Nội “sống sót” qua cơn bão thuế quan của Trump?
Việt Nam đã nỗ lực ra sao?
Mối quan ngại của Mỹ về thặng dư thương mại với Việt Nam là vấn đề nổi bật. Năm 2024, thặng dư thương mại song phương lên đến 104,6 tỷ USD. Mỹ coi mức thặng dư này là “không bền vững” (unsustainable) và yêu cầu Việt Nam giảm các rào cản đối với hàng hóa Mỹ cũng như giải quyết các vấn đề như định giá tiền tệ và mở cửa thị trường.
Các quan chức Mỹ liên tục thúc ép Việt Nam đưa ra các cam kết cụ thể, đồng thời cảnh báo rằng nếu không hành động, Hà Nội có thể đối mặt với các mức thuế cao hơn. Robert Kaproth, một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ, cho biết trong cuộc họp với Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn rằng Việt Nam phải có biện pháp chống gian lận thương mại.
Đáp lại, ông Tuấn cho biết: “Việt Nam có nhu cầu về các sản phẩm mà Mỹ có thế mạnh trong các lĩnh vực năng lượng, công nghệ cao, hàng không, máy móc thiết bị và nông sản”.
Trước đó, Việt Nam đã có những bước đi cụ thể để đáp ứng các yêu cầu của Mỹ. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump vào tháng 4, Tổng Bí thư Tô Lâm đề xuất giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, thậm chí có thể xuống mức 0% đối với một số sản phẩm.
Bên cạnh đó, Việt Nam siết chặt lệnh trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc được vận chuyển qua quốc gia này nhằm né tránh mức thuế quan cao từ Mỹ. Tổng cục Hải quan cũng đang tích cực triển khai các biện pháp chống hàng giả từ nước ngoài và xử lý nghiêm các biện pháp gian lận xuất xứ hàng hóa.
Tháng 4, Bộ Công thương đã chỉ thị cho các quan chức chứng nhận nguồn gốc sản phẩm phải trấn áp hàng giả. Đối với các công ty có số lượng đơn xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ từ Việt Nam tăng đột biến, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thanh tra tại chỗ tại các nhà máy để đảm bảo không có sai sót. Chỉ thị này được ban hành vào ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Việt Nam, trong đó hai bên đã ký kết một số văn kiện hợp tác quan trọng.
Ngày 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Bên cạnh bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước, động thái này còn nhằm đáp ứng các đòi hỏi mà Mỹ đưa ra đối với Việt Nam liên quan đến việc chống gian lận thương mại.
Trong nỗ lực kêu gọi Mỹ hủy bỏ mức thuế quan 46%, Việt Nam rất có thể sẽ tăng cường nỗ lực trấn áp tình trạng hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam để tránh thuế Mỹ (còn gọi là hình thức chuyển tải gián tiếp – “transshipment”).
Nhìn chung, việc đề xuất xóa bỏ thuế quan là một bước đi nhằm cho thấy thiện chí của Hà Nội và thể hiện quyết tâm cao nhằm củng cố quan hệ với Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam đã tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, nhằm thu hẹp khoảng cách thương mại. Chỉ riêng trong tháng 4, hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam tăng vọt hơn 40% so cùng kỳ. Doanh nghiệp hai nước cũng ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế thương mại, với tổng giá trị ước tính hơn 90 tỷ USD.
Đồng thời, Việt Nam đang đa dạng hóa quan hệ kinh tế với các đối tác thương mại, củng cố quan hệ với các tổ chức khu vực như Liên hiệp Châu Âu (EU) và ASEAN để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Theo số liệu thống kê do Cục Hải quan công bố trong quý I/2025, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 13,71 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là nhờ Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN lần đầu đạt mức 83 tỷ USD, con số cao nhất từ trước đến nay. Các nỗ lực này phần nào giúp Việt Nam giảm rủi ro từ các biện pháp trừng phạt tiềm tàng của Mỹ.
Thách thức vẫn tồn tại
Tuy nhiên, thách thức vẫn không biến mất. Việc Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục coi Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, mặc dù ghi nhận những chuyển biến tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, càng làm phức tạp tình hình, khi các nhà xuất khẩu trong nước phải đối mặt với thuế chống bán phá giá cao hơn.
Ngoài áp lực từ Mỹ, Việt Nam còn đối mặt với những thách thức từ Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và láng giềng có ảnh hưởng địa chính trị mạnh mẽ. Trung Quốc lo ngại rằng việc Việt Nam xích lại gần Mỹ có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực, đặc biệt khi Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất thay thế trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang kéo dài.
Bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung gay gắt khiến Việt Nam dễ bị ảnh hưởng. Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc về đầu vào sản xuất, trong khi Mỹ là thị trường không thể thay thế cho các sản phẩm đầu ra. Khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục gia tăng, Việt Nam có nguy cơ vướng vào sự cạnh tranh này và buộc phải khẳng định giá trị của riêng mình mà không nhất thiết phải liên kết với bất kỳ bên nào.
Thực tế, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy các dự án đầu tư hạ tầng trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) để duy trì đòn bẩy kinh tế với Việt Nam. Tháng 2, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để kết nối cảng biển quốc tế Hải Phòng và liên vận với Trung Quốc, với mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng.
Giữa tháng 5, Công ty Công trình xây dựng Trung Quốc (CCECC), trực thuộc Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC), cho biết mong muốn tham gia vào các dự án đường sắt tốc độ cao ở Việt Nam và tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Trung Quốc. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tuyên bố “hoan nghênh sự quan tâm, chủ động hợp tác của các doanh nghiệp Trung Quốc, gồm CCECC, với doanh nghiệp Việt Nam để tham gia đầu tư, xây dựng các tuyến đường sắt hiện đại, tốc độ cao tại Việt Nam”.
Áp lực từ Trung Quốc còn thể hiện qua các vấn đề hàng hóa giá rẻ. Bởi lẽ, các sản phẩm Trung Quốc tràn vào Việt Nam, sau đó được xuất khẩu sang Mỹ dưới nhãn “Made in Vietnam”, khiến Việt Nam bị Mỹ cáo buộc là điểm trung chuyển để né thuế.
Một phần đáng kể hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có nguồn gốc từ Trung Quốc dưới dạng hàng hóa trung gian và linh kiện, chẳng hạn như điện tử và máy tính, hàng may mặc, giày dép và đồ nội thất. Trong khi đó, Trung Quốc lại là đối thủ chính của Mỹ. Có thể nói, Việt Nam đối mặt với những bất lợi đáng kể trong các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ, đặc biệt là khi khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm trở thành mối quan tâm chính của siêu cường.
Các nhà sản xuất Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, đồ nội thất và dệt may, đã đổ xô vào Việt Nam kể từ năm 2018, khi Tổng thống Trump áp đặt mức thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên. Khi cạnh tranh Mỹ - Trung gia tăng thì các doanh nghiệp Trung Quốc coi Việt Nam như nơi để tránh thuế của Mỹ, đặc biệt bởi các lợi thế của Việt Nam như chi phí lao động thấp, tiền thuê nhà rẻ và quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc nhờ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Dù đang nỗ lực kiểm soát và truy xuất nguồn gốc hàng hoá nhập khẩu, Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ áp thuế bổ sung nếu không kiểm soát được dòng hàng hóa này. Việc siết chặt kiểm tra nguồn gốc xuất xứ là một nhiệm vụ không hề dễ dàng khi Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu thô từ Trung Quốc để phục vụ cho ngành sản xuất.
Nỗ lực của Hà Nội và một số hình dung
Sự chủ động của Việt Nam cho thấy quốc gia có khả năng thích nghi với các biến động thương mại toàn cầu. Việc đề xuất giảm thuế, tăng nhập khẩu hàng hoá của Mỹ, tăng cường kiểm tra hải quan và áp dụng các biện pháp chống gian lận xuất xứ cũng cho thấy khả năng ứng phó linh hoạt của Hà Nội. Trước mắt, các động thái mang tính thiện chí này giúp Việt Nam tránh được các biện pháp trừng phạt tức thời từ phía Mỹ và tạo dư địa cho đối thoại.
Song song đó, Việt Nam cũng duy trì lập trường trung lập trong quan hệ Mỹ - Trung, tránh đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh hay có phản ứng quá cứng rắn, trong khi đang củng cố quan hệ thương mại và an ninh với Washington. Việc tham gia các hiệp định thương mại đa phương như RCEP giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào cả hai cường quốc và tạo không gian chiến lược để quốc gia Đông Nam Á xoay sở.
Trong ngắn hạn, kỳ vọng thực tế là Việt Nam có khả năng đạt được một thỏa thuận tạm thời với Mỹ, trong đó bao gồm việc Hà Nội giảm thuế và cam kết tăng nhập khẩu hàng Mỹ. Thỏa thuận này có thể giúp Việt Nam tránh các mức thuế trừng phạt cho đến cuối năm 2025.
Tuy nhiên, một giải pháp toàn diện cho các bên có thể ngoài tầm với trong ngắn hạn, vì các vấn đề mang tính cấu trúc như thặng dư thương mại giữa hai nước và quy chế phi thị trường mà Mỹ dùng để đánh giá nền kinh tế Việt Nam đòi hỏi cải cách cơ cấu to lớn và cả đối thoại.
Dù tồn tại thách thức nhưng các cuộc đàm phán với Mỹ là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy cải cách kinh tế để được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường trong tương lai, dù quá trình này sẽ mất nhiều năm do vai trò và sức chi phối quá lớn của các doanh nghiệp nhà nước.
Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tăng cường quan hệ với EU, Nhật Bản và Hàn Quốc… cũng có thể giúp Việt Nam xây dựng khả năng chống chịu tốt hơn trước các cú sốc thương mại và thắt chặt quan hệ kinh tế với các đối tác. Về thương mại, các hiệp định như RCEP và EVFTA sẽ tiếp tục là “tấm đệm” để Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
***
Các động thái của Việt Nam phản ánh sự khéo léo trong việc cân bằng giữa lợi ích kinh tế và áp lực địa chính trị. Có thể nhận thấy rằng Việt Nam đã chọn cách tiếp cận lấy ngoại giao làm chủ đạo và nhượng bộ từng bước. Việc đề xuất giảm thuế và tăng nhập khẩu hàng Mỹ cho thấy thiện chí của Hà Nội, nhưng không làm tổn hại đến mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.
Bằng cách đưa ra các nhượng bộ chiến lược, kiểm soát dòng hàng hóa từ Trung Quốc và đa dạng hóa quan hệ thương mại, Việt Nam đang định vị mình như một quốc gia chủ động và có trách nhiệm để vượt qua những thách thức địa kinh tế.
Tuy nhiên, việc nhượng bộ quá nhiều trước áp lực của Mỹ có thể gây phản ứng tiêu cực trong nước, khi lãnh đạo Việt Nam phải cân nhắc giữa sự thực dụng kinh tế và lòng tự hào dân tộc. Hơn nữa, các cuộc đàm phán cũng diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ vẫn đang chiếm ưu thế trong chính trị nội bộ Mỹ, làm hạn chế khả năng đạt được thỏa thuận lâu dài và do đó để ngỏ các dự báo thận trọng.
Nhìn chung, tìm kiếm điểm chung trong đàm phán thuế quan với Mỹ và vượt qua các áp lực từ cả Washington và Bắc Kinh là những thử thách đòi hỏi sự khéo léo và năng lực ngoại giao của Hà Nội cũng như sự cân bằng tinh tế giữa lợi ích kinh tế, áp lực địa chính trị và lòng tự hào dân tộc. Nhưng với kinh nghiệm thích nghi với các cú sốc địa kinh tế cùng vị thế quốc tế đang gia tăng, Việt Nam có cơ hội vượt qua các cú sốc thuế quan của chính quyền Trump.
Bài viết này thuộc ấn bản đặc biệt với chủ đề “Chính sách thuế quan của Trump và phản ứng của các quốc gia”.
Bạn có hài lòng về bài viết? Đóng góp cho VSF tại đây. Mọi đóng góp tài chính từ quý độc giả đều là nguồn động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục xuất bản những nội dung chất lượng cho cộng đồng.
Từ khoá: VIệt Nam đàm phán thuế quan Mỹ Donald Trump