Kinh tế
17 PHÚT ĐỌC

Thấy gì từ dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia?

Dự án kênh đào Funan Techo cho thấy Campuchia quyết tâm phát triển kinh tế đường thuỷ, tăng cường năng lực tự chủ. Tuy nhiên, dự án này cũng giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng thông qua hợp tác đầu tư, tạo những thách thức mới cho Việt Nam, và có thể làm giảm vai trò của Ủy hội sông Mekong (MRC).

Trương Tuấn Kiệt 20/03/2024
Image
Thủ tướng Hun Mannet chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận khung về dự án kênh đào Funan Techo giữa đại diện Campuchia (phải) và đại diện Trung Quốc (trái) vào ngày 17/10/2023 tại Bắc Kinh. - (C): Facebook Prime Minister Hun Manet

 Dự án kênh đào Funan Techo là gì? 

Vào đầu năm 2022, Bộ Công chính và Vận tải Campuchia tiết lộ rằng quốc gia này có kế hoạch xây dựng một tuyến đường thủy mới để kết nối từ sông Bassac (một nhánh của sông Mekong, Việt Nam gọi là sông Hậu) chảy bên trong nội địa với cảng biển tại tỉnh Kep (giáp Vịnh Thái Lan). Tuyến đường mới này được kỳ vọng sẽ giúp Campuchia có thể tự vận chuyển hàng hóa từ cảng biển vào sâu trong đất liền mà không phải quá cảnh qua các cảng ở Việt Nam.

Dựa trên ý tưởng đó, đến tháng 5/2023, cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chủ trì một cuộc họp nội các và quyết định rằng dự án tuyến đường thủy mới sẽ được gọi là kênh đào Funan Techo. Cuộc họp cũng đã công bố ngân sách, cấu trúc và lộ trình của dự án.

Theo đó, chi phí ước tính cho việc phát triển dự án là 1,7 tỷ USD và dự kiến sẽ mất khoảng bốn năm để hoàn thành. Kênh Funan Techo dài 180km, sẽ nối dòng chảy Prek Takeo (thuộc huyện Kien Svay) với dòng chảy Prek Ta Ek (thuộc huyện Saang), sau đó nối đến dòng chảy Prek Ta Hing (huyện Kothom). Tất cả những địa điểm kể trên đều thuộc tỉnh Kandal và nằm trên phụ lưu của hệ thống sông Bassac. Cuối cùng, con kênh nối lại vào dòng chảy Prek Takeo nằm trên địa hạt hai tỉnh Kampot và Kep.

Ngoài ra, kênh đào Funan Techo sẽ bao gồm các hạ tầng đi kèm như ba âu tàu (watergates) (theo kế hoạch hiện tại, những âu tàu sẽ được xây tại Phnom Penh, Takeo và Kep), 11 cây cầu, cùng 208km đường sá ở hai bên tuyến đường thủy. Sau khi hoàn thành, con kênh sẽ rộng 100m ở thượng nguồn và 80m ở hạ lưu, có độ sâu 5,4m, và sẽ có hai làn đường vận chuyển để cho phép các tàu thuyền có thể di chuyển an toàn theo các hướng ngược nhau cùng một thời điểm.

Với những kế hoạch do chính quyền tiền nhiệm đề ra, ngay sau khi nhậm chức vào tháng 8/2023, Thủ tướng đương nhiệm Hun Manet đã bắt tay vào việc đưa kênh đào đi vào thực tiễn. Từ ngày 16-17/9, ông Hun Manet đã có chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc. Đáng chú ý, trong chuyến thăm này, Thủ tướng Campuchia đã gặp ông Wang Tongzhou, Chủ tịch Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (China Road and Bridge Corporation – CRBC), một công ty thuộc sở hữu của nhà nước chuyên về xây dựng cầu đường. Một tháng sau, Campuchia ký thỏa thuận với CRBC để tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về tất cả các khía cạnh của dự án kênh đào trong vòng 8 tháng.  

Dự án kênh đào Funan Techo phản ánh quyết tâm to lớn của chính phủ Campuchia nhằm phát triển kinh tế bằng cách tận dụng kênh đường thuỷ, tăng cường năng lực tự chủ. Tuy vậy, dự án này đồng thời cũng giúp Trung Quốc hưởng lợi thông qua đầu tư xây dựng, trong khi đặt ra những thách thức mới cho Việt Nam và có thể thách thức vai trò của Ủy hội sông Mekong (MRC).

Campuchia quyết tâm xây kênh đào

Campuchia có nhiều động lực để quyết tâm hoàn thành kênh đào này. Trước hết là lợi ích về kinh tế. Cụ thể, Campuchia có hai cảng quan trọng là cảng tự trị Sihanoukville (thuộc tỉnh Kep) và cảng tự trị Phnom Penh trên sông Mekong. Hai cảng này nối với nhau qua Quốc lộ 4, đường cao tốc Phnom Penh - Sihanoukville (E4) mới được xây dựng, hoặc tuyến đường sắt Phnom Penh - Sihanoukville. Tuy nhiên, chưa có tuyến đường thủy nào nối hai cảng trên, do đó hàng hóa hiện nay phải vận chuyển từ cảng tự trị Phnom Penh về Sihanoukville (và ngược lại) bằng đường bộ, đường sắt, vốn tốn kém chi phí và mất thời gian.

Trong bối cảnh đó, nhiều năm qua Campuchia đã chọn phương án kết nối đường thủy qua sông Mekong, bắt đầu từ Phnom Penh đến các cảng ở Việt Nam (chủ yếu là cảng Cát Lái và Cái Mép) vì chi phí rẻ hơn nhiều. Kể từ năm 2011, tuyến đường này càng được tận dụng hơn khi Hiệp ước Vận tải Đường thủy giữa hai nước có hiệu lực, trong đó trao cho tàu thuyền của nhau quy chế “Tối huệ quốc” (Most Favoured Nation), giúp đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh và hải quan. Mặt hàng vận chuyển chủ yếu trên tuyến đường này là thành phẩm hoặc nguyên liệu thô của ngành may mặc (vì ngành này chiếm một nửa số nhà máy ở Phnom Penh, và cũng là ngành sản xuất quan trọng nhất của Campuchia). 

Tuy nhiên, với Campuchia, giải pháp vận chuyển hàng hóa sang Việt Nam vẫn không phải là phương án tối ưu, vì khiến nước này phải phụ thuộc rất nhiều vào các cảng ở Việt Nam để nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, và xuất khẩu thành phẩm sang Mỹ hoặc các nước phương Tây khác. Do đó, Phnom Penh cần một kế hoạch mang tính triệt để hơn, và đó chính là kênh đào Funan Techo, vì vừa kết nối được hai cảng quan trọng nhất đất nước, vừa không phải đi qua Việt Nam. Bằng cách này, Campuchia có thể giảm tới 30% chi phí vận chuyển và theo đó có lợi thế cạnh tranh tốt hơn trong các lĩnh vực xuất khẩu quan trọng như ngành may mặc.

Cùng với các lợi ích như tiết kiệm thời gian, chi phí, kênh đào cũng tạo nền tảng để hình thành các khu thương mại, trung tâm hậu cần, các cảng vệ tinh mới dọc theo tuyến đường. Bên cạnh đó, kênh đào sau khi hoàn thành có thể mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho người dân Campuchia, đặc biệt là tại các địa điểm chiến lược như hai cảng tự trị là Sihanoukville và Phnom Penh. 

Động lực tiếp theo thúc đẩy Campuchia quyết tâm xây dựng kênh đào là mang lại sự tự chủ, không phụ thuộc vào nước ngoài trong các hoạt động giao thương. Khát vọng tự chủ được thể hiện rõ ràng trong phát biểu của ông So Naro, Bộ trưởng hỗ trợ Thủ tướng về Các Vấn đề ASEAN, tại cuộc phỏng vấn trên chương trình Cross-Talk vào ngày 29/1/2024. Theo đó, ông So Naro khẳng định: “Đây [kênh đào Funan Techo] là một dự án quan trọng đối với Campuchia, đất nước suốt một thế kỷ không có con đường trực tiếp nối từ sông ra biển. Thay vào đó, hàng hóa của đất nước phải đi qua Việt Nam”. Vì thế, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không có điều gì tiêu cực về Việt Nam. Tuy nhiên, khi chúng tôi phụ thuộc vào ai đó để tồn tại, chúng tôi đang đánh mất một phần sự độc lập của chính mình”. Trước đó, chính Thủ tướng Hun Manet cũng từng dự án kênh đào Funan Techo như là cách để Campuchia “thở bằng mũi của chính mình”. Từ góc nhìn của Campuchia, khát vọng tự chủ này là chính đáng, đặc biệt là khi sự phụ thuộc đã từng khiến Phnom Penh gặp khó khăn trong giao thương hàng hóa với nước ngoài ở thời điểm Việt Nam thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại trong đại dịch COVID-19.   

Cuối cùng, nỗ lực tạo dấu ấn cá nhân của Thủ tướng Hun Manet cũng có thể là động lực thúc đẩy Campuchia hiện thực hóa dự án này. Ông Hun Manet lên nắm quyền sau khi đất nước Campuchia đã trải qua gần 40 năm lãnh đạo của cha ông, cựu Thủ tướng Hun Sen. Do đó, ông Hun Manet có thể cảm thấy cần phải tạo ra bước đột phá nhằm vượt qua “cái bóng” của cha mình. Điều này giải thích vì sao ngay từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Hun Manet đã gần như ngay lập tức triển khai các bước để bắt đầu dự án như thăm Trung Quốc để trao đổi, sau đó ký kết thỏa thuận CRBC, và sang Việt Nam (từ ngày 11-12/12/2023) để xoa dịu, trấn an Hà Nội. 

Như vậy, Campuchia quyết tâm xây dựng kênh đào Funan Techo vì tin rằng dự án sẽ giúp nâng cao sự phát triển kinh tế của đất nước, tăng cường năng lực tự chủ, giảm phụ thuộc vào nước ngoài, đồng thời tạo dấu ấn cho chính quyền mới.

Trung Quốc hưởng lợi

Thỏa thuận đạt được với tập đoàn CRBC về việc khảo sát và xây dựng kênh đào Funan Techo của Campuchia đã mở đường để Trung Quốc có cơ hội thu thêm nhiều lợi ích tại quốc gia này. Vào tháng 12/2023, Thủ tướng Hun Manet đã phủ nhận tin đồn về việc Campuchia vay tiền từ Trung Quốc để xây dựng kênh đào Funan Techo, nhưng trên thực tế, phía Trung Quốc vẫn sẽ nhận được nhiều lợi ích theo hình thức khác, đó là thông qua hợp đồng Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao (Build - Operate - Transfer, BOT).    

Với hợp đồng BOT, trên danh nghĩa chính phủ Campuchia không mượn nợ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, thu nhập được tạo ra từ con kênh (sau khi hoàn thành) như phí cầu đường, thuế hay các hình thức thu nhập khác sẽ thuộc về nhà thầu CRBC trong khoảng thời gian 20, 30 hoặc thậm chí 50 năm tùy theo hợp đồng. Chỉ khi hợp đồng BOT hết hạn, quyền sở hữu và thu nhập do con kênh tạo ra từ thời điểm đó trở đi mới thuộc về chính phủ Campuchia. Ngoài ra, các dịch vụ đi kèm như chuyển hàng hóa từ sà lan trên sông sang các tàu viễn dương tại Kep (điểm cuối kênh đào) có thể cũng sẽ được cung cấp bởi các công ty Trung Quốc.

Kiểu hợp đồng BOT đã từng xuất hiện trước đây tại dự án đường cao tốc E4. Theo đó, phía Trung Quốc được phép thu phí và quản lý dự án trong 50 năm. Người lái xe sẽ phải trả từ 12 USD cho một chiếc ô tô nhỏ, và lên tới 60 USD cho một chiếc xe tải chở hàng khi di chuyển một chiều trên đường cao tốc.

Không chỉ thu được lợi ích từ hợp đồng BOT, Trung Quốc cũng sẽ hưởng lợi vì dự án kênh đào Funan Techo góp phần giúp việc giao thương hàng hóa đến và đi từ Đặc khu Kinh tế Sihanoukville trở nên thuận lợi hơn. Đây là Đặc khu mà Trung Quốc đã đầu tư đáng kể suốt hơn 10 năm qua dựa trên Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Hơn nữa, thông qua dự án, Trung Quốc có thể vận chuyển qua lại hàng hoá từ các cảng phía Nam Campuchia đi qua Lào về phía Trung Quốc (và ngược lại) một cách dễ dàng hơn.

Xét rộng hơn, dự án kênh đào Funan Techo sẽ giúp Trung Quốc gây áp lực toàn diện lên lượng nước và phù sa chảy về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vốn đang phải chịu áp lực lớn từ hệ thống 14 đập thuỷ điện bậc thềm khổng lồ của Trung Quốc cùng với các công trình thủy điện khác ở Lào trên dòng chảy của sông Mekong.

Như vậy, những khoản đầu tư này đang góp phần làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc về kinh tế của Campuchia với Trung Quốc. Sự phụ thuộc này về lâu dài có thể được chuyển thành ảnh hưởng về chính trị khi Trung Quốc có thể gây sức ép buộc Campuchia hỗ trợ hoặc ít nhất không phản đối cường quốc này trong các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế, chẳng hạn tranh chấp trên Biển Đông.

Thách thức cho Việt Nam

Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Manet vào tháng 12 vừa qua, phía Hà Nội bày tỏ quan ngại dự án kênh đào Funan Techo sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và hệ thống nước của sông Mekong, đặc biệt là dòng nước hạ lưu từ Campuchia chảy về Việt Nam. Đáp lại, Thủ tướng Hun Manet trấn an rằng các nghiên cứu sơ bộ về dự án chỉ ra tác động môi trường đối với Việt Nam sẽ ở mức tối thiểu.  

Tuy nhiên, mối lo ngại của Việt Nam không phải là không có cơ sở. Theo PGS. TS. Văn Phạm Đăng Trí, nhà nghiên cứu về tài nguyên nước tại Đại học Cần Thơ, nếu không có biện pháp phòng ngừa đầy đủ, con kênh có thể phá vỡ nguồn lũ tự nhiên, làm tăng độ mặn và thay đổi dòng nước của ĐBSCL. Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Brian Eyler - Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Chương trình Năng lượng, Nước và Sự bền vững của Trung tâm Stimson - nhận định rằng kênh đào sẽ tạo ra một vùng khô hạn ở phía Nam (bao gồm một phần các tỉnh An Giang và Kiên Giang của Việt Nam) và một vùng lũ lớn hơn ở phía Bắc (tức Campuchia).   

Một khi kênh đào hình thành, dòng nước thay vì chảy về ĐBSCL sẽ bị đổi hướng theo dòng kênh và đổ thẳng ra biển. Điều này có thể khiến tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL diễn ra dai dẳng hơn, với quy mô lớn hơn và mức độ nghiêm trọng cao hơn. Khi đó, ĐBSCL sẽ bị thiếu nước ngọt, ảnh hưởng trực tiếp lên các loại cây ăn quả, cây hoa màu, lương thực. Đồng thời, nguồn nước bị xâm nhập mặn khiến việc nuôi các loại thủy sản nước ngọt cũng bị ảnh hưởng nặng nề do thay đổi môi trường sống. Hậu quả tất yếu là nguồn sinh kế của người dân ĐBSCL bị ảnh hưởng lớn, vì ngành nông nghiệp chiếm đến 30% GDP của vùng.

Bên cạnh vấn đề về môi trường, việc mất nguồn thu ở các cảng của Việt Nam cũng là một mối quan tâm cần chú ý. Trong giai đoạn 2011-2023, đã có khoảng 20 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển trên tuyến đường thủy giữa Việt Nam với Campuchia. Do đó, khi kênh đào được hoàn thành, Việt Nam sẽ mất nguồn thu thuế và phí quá cảnh từ hàng hóa, tàu biển của Campuchia. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang - hiện đang làm việc tại Viện Yusof Ishak của Singapore - cho rằng ảnh hưởng từ việc mất nguồn thu này là không đáng kể, vì khối lượng thương mại tương đối nhỏ. Ngoài ra, các tàu chở hàng trên 1.000 tấn nhiều khả năng vẫn sẽ chọn đi qua các cảng của Việt Nam để đến Campuchia, vì đi theo đường kênh đào sẽ phải chuyển tải sang các sà lan nhỏ hơn để phù hợp với thiết kế của con kênh.

Nhìn chung, các thách thức về môi trường và kinh tế đối với Việt Nam liên quan đến kênh đào Funan Techo sẽ cần được theo dõi thêm trong tương lai. Trong khi thách thức về kinh tế là khó có thể tránh khỏi, thì tác động về môi trường sẽ phụ thuộc nhiều vào “thiện chí” từ phía Campuchia để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam (như Thủ tướng Hun Manet đã “hứa”).         

Liệu MRC có giải quyết hiệu quả?

Vào tháng 8/2023, Campuchia đã gửi Bản tóm tắt đánh giá tác động môi trường của dự án kênh đào Funan Techo lên Ban Thư ký MRC, trong đó nêu rõ rằng việc sử dụng ba âu tàu dọc theo kênh sẽ đảm bảo việc xả nước được “kiểm soát hiệu quả” nhằm ngăn chặn những thay đổi đáng kể đối với dòng chảy của sông Mekong. Chính vì Bản tóm tắt này, MRC đã quyết định dán nhãn kênh đào Funan Techo là dự án trên phụ lưu thay vì là dự án trên dòng chính sông Mekong.

Tuy nhiên, quyết định này có thể dẫn đến nguy cơ MRC không tham gia vào việc đánh giá tác động xuyên biên giới của kênh đào, vì theo Hiệp định Mekong năm 1995, MRC có nghĩa vụ “xem xét kỹ thuật” và nhận ý kiến đóng góp từ các quốc gia thành viên đối với các dự án ảnh hưởng đến dòng chính của con sông. 

Mặc dù vậy, dự án chỉ đang ở trong giai đoạn đầu, và cho đến nay MRC lẫn Việt Nam chưa nhận được nghiên cứu khả thi hoặc các thông tin cập nhật về dự án kênh đào Funan Techo. Vì thế, Ban Thư ký MRC cho biết vẫn “đang chờ thêm thông tin từ Campuchia”. Thông tin này cho thấy chỉ có thể đánh giá đầy đủ, chính xác quan điểm tiếp cận, động thái triển khai của MRC khi Campuchia hoàn thành quá trình nghiên cứu về tính khả thi và báo cáo lên Ủy hội.

Dự án vẫn sẽ tiếp tục

Bất chấp những lo ngại từ Việt Nam và phần nào từ MRC, cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Campuchia ngừng quyết tâm theo đuổi dự án xây dựng kênh đào Funan Techo. Ông So Naro đã nhấn mạnh rằng “chính phủ Campuchia có toàn quyền đối với dự án, và không có gì bên ngoài có thể cản trở việc xây dựng kênh đào Funan Techo”. Hơn nữa, Bộ Công chính và Vận tải Campuchia - vào tháng 1/2024 - tuyên bố rằng lễ khởi công dự án kênh đào Funan Techo dự kiến sẽ diễn ra vào quý IV năm nay.

Mặc dù đã lên kế hoạch khởi công cụ thể, song cho đến nay, những thông tin mà phía Campuchia công khai vẫn còn rất mơ hồ. Đơn cử, ngay cả trong tài liệu Campuchia gửi đến MRC, các thông tin chỉ được cung cấp ở mức cơ bản như những tác động từ bụi và tiếng ồn trong quá trình xây dựng, thông tin về các khu vực xây dựng, khu vực đường sá tạm thời, khu vực công trường tạm thời, khu vực xả thải.

Sự mơ hồ như vậy khiến những dự báo về tác động đến kinh tế, môi trường chỉ mang tính phỏng đoán, chưa lường trước được hết các rủi ro có thể xảy ra, gây khó khăn cho công tác phòng bị của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc cần làm đối với Việt Nam là tích cực theo sát tình hình, hợp tác và trao đổi với phía Campuchia để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Bởi lẽ, dự án chỉ mới đang ở giai đoạn khảo sát, do đó Campuchia hoàn toàn có thể tính toán để xây dựng kênh đào theo hướng ít gây hại cho Việt Nam nhất. Dù ở thế “bất lợi” hơn, Việt Nam vẫn có công cụ để “thương lượng”, vì các tàu có tải trọng lớn hơn công suất thiết kế của kênh đào phải đi qua hướng các cảng ở Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh để vào Campuchia. 

 Dự án kênh đào Funan Techo là gì? 

Vào đầu năm 2022, Bộ Công chính và Vận tải Campuchia tiết lộ rằng quốc gia này có kế hoạch xây dựng một tuyến đường thủy mới để kết nối từ sông Bassac (một nhánh của sông Mekong, Việt Nam gọi là sông Hậu) chảy bên trong nội địa với cảng biển tại tỉnh Kep (giáp Vịnh Thái Lan). Tuyến đường mới này được kỳ vọng sẽ giúp Campuchia có thể tự vận chuyển hàng hóa từ cảng biển vào sâu trong đất liền mà không phải quá cảnh qua các cảng ở Việt Nam.

Dựa trên ý tưởng đó, đến tháng 5/2023, cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chủ trì một cuộc họp nội các và quyết định rằng dự án tuyến đường thủy mới sẽ được gọi là kênh đào Funan Techo. Cuộc họp cũng đã công bố ngân sách, cấu trúc và lộ trình của dự án.

Theo đó, chi phí ước tính cho việc phát triển dự án là 1,7 tỷ USD và dự kiến sẽ mất khoảng bốn năm để hoàn thành. Kênh Funan Techo dài 180km, sẽ nối dòng chảy Prek Takeo (thuộc huyện Kien Svay) với dòng chảy Prek Ta Ek (thuộc huyện Saang), sau đó nối đến dòng chảy Prek Ta Hing (huyện Kothom). Tất cả những địa điểm kể trên đều thuộc tỉnh Kandal và nằm trên phụ lưu của hệ thống sông Bassac. Cuối cùng, con kênh nối lại vào dòng chảy Prek Takeo nằm trên địa hạt hai tỉnh Kampot và Kep.

Ngoài ra, kênh đào Funan Techo sẽ bao gồm các hạ tầng đi kèm như ba âu tàu (watergates) (theo kế hoạch hiện tại, những âu tàu sẽ được xây tại Phnom Penh, Takeo và Kep), 11 cây cầu, cùng 208km đường sá ở hai bên tuyến đường thủy. Sau khi hoàn thành, con kênh sẽ rộng 100m ở thượng nguồn và 80m ở hạ lưu, có độ sâu 5,4m, và sẽ có hai làn đường vận chuyển để cho phép các tàu thuyền có thể di chuyển an toàn theo các hướng ngược nhau cùng một thời điểm.

Với những kế hoạch do chính quyền tiền nhiệm đề ra, ngay sau khi nhậm chức vào tháng 8/2023, Thủ tướng đương nhiệm Hun Manet đã bắt tay vào việc đưa kênh đào đi vào thực tiễn. Từ ngày 16-17/9, ông Hun Manet đã có chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc. Đáng chú ý, trong chuyến thăm này, Thủ tướng Campuchia đã gặp ông Wang Tongzhou, Chủ tịch Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (China Road and Bridge Corporation – CRBC), một công ty thuộc sở hữu của nhà nước chuyên về xây dựng cầu đường. Một tháng sau, Campuchia ký thỏa thuận với CRBC để tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về tất cả các khía cạnh của dự án kênh đào trong vòng 8 tháng.  

Dự án kênh đào Funan Techo phản ánh quyết tâm to lớn của chính phủ Campuchia nhằm phát triển kinh tế bằng cách tận dụng kênh đường thuỷ, tăng cường năng lực tự chủ. Tuy vậy, dự án này đồng thời cũng giúp Trung Quốc hưởng lợi thông qua đầu tư xây dựng, trong khi đặt ra những thách thức mới cho Việt Nam và có thể thách thức vai trò của Ủy hội sông Mekong (MRC).

Campuchia quyết tâm xây kênh đào

Campuchia có nhiều động lực để quyết tâm hoàn thành kênh đào này. Trước hết là lợi ích về kinh tế. Cụ thể, Campuchia có hai cảng quan trọng là cảng tự trị Sihanoukville (thuộc tỉnh Kep) và cảng tự trị Phnom Penh trên sông Mekong. Hai cảng này nối với nhau qua Quốc lộ 4, đường cao tốc Phnom Penh - Sihanoukville (E4) mới được xây dựng, hoặc tuyến đường sắt Phnom Penh - Sihanoukville. Tuy nhiên, chưa có tuyến đường thủy nào nối hai cảng trên, do đó hàng hóa hiện nay phải vận chuyển từ cảng tự trị Phnom Penh về Sihanoukville (và ngược lại) bằng đường bộ, đường sắt, vốn tốn kém chi phí và mất thời gian.

Trong bối cảnh đó, nhiều năm qua Campuchia đã chọn phương án kết nối đường thủy qua sông Mekong, bắt đầu từ Phnom Penh đến các cảng ở Việt Nam (chủ yếu là cảng Cát Lái và Cái Mép) vì chi phí rẻ hơn nhiều. Kể từ năm 2011, tuyến đường này càng được tận dụng hơn khi Hiệp ước Vận tải Đường thủy giữa hai nước có hiệu lực, trong đó trao cho tàu thuyền của nhau quy chế “Tối huệ quốc” (Most Favoured Nation), giúp đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh và hải quan. Mặt hàng vận chuyển chủ yếu trên tuyến đường này là thành phẩm hoặc nguyên liệu thô của ngành may mặc (vì ngành này chiếm một nửa số nhà máy ở Phnom Penh, và cũng là ngành sản xuất quan trọng nhất của Campuchia). 

Tuy nhiên, với Campuchia, giải pháp vận chuyển hàng hóa sang Việt Nam vẫn không phải là phương án tối ưu, vì khiến nước này phải phụ thuộc rất nhiều vào các cảng ở Việt Nam để nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, và xuất khẩu thành phẩm sang Mỹ hoặc các nước phương Tây khác. Do đó, Phnom Penh cần một kế hoạch mang tính triệt để hơn, và đó chính là kênh đào Funan Techo, vì vừa kết nối được hai cảng quan trọng nhất đất nước, vừa không phải đi qua Việt Nam. Bằng cách này, Campuchia có thể giảm tới 30% chi phí vận chuyển và theo đó có lợi thế cạnh tranh tốt hơn trong các lĩnh vực xuất khẩu quan trọng như ngành may mặc.

Cùng với các lợi ích như tiết kiệm thời gian, chi phí, kênh đào cũng tạo nền tảng để hình thành các khu thương mại, trung tâm hậu cần, các cảng vệ tinh mới dọc theo tuyến đường. Bên cạnh đó, kênh đào sau khi hoàn thành có thể mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho người dân Campuchia, đặc biệt là tại các địa điểm chiến lược như hai cảng tự trị là Sihanoukville và Phnom Penh. 

Động lực tiếp theo thúc đẩy Campuchia quyết tâm xây dựng kênh đào là mang lại sự tự chủ, không phụ thuộc vào nước ngoài trong các hoạt động giao thương. Khát vọng tự chủ được thể hiện rõ ràng trong phát biểu của ông So Naro, Bộ trưởng hỗ trợ Thủ tướng về Các Vấn đề ASEAN, tại cuộc phỏng vấn trên chương trình Cross-Talk vào ngày 29/1/2024. Theo đó, ông So Naro khẳng định: “Đây [kênh đào Funan Techo] là một dự án quan trọng đối với Campuchia, đất nước suốt một thế kỷ không có con đường trực tiếp nối từ sông ra biển. Thay vào đó, hàng hóa của đất nước phải đi qua Việt Nam”. Vì thế, ông nhấn mạnh: “Chúng tôi không có điều gì tiêu cực về Việt Nam. Tuy nhiên, khi chúng tôi phụ thuộc vào ai đó để tồn tại, chúng tôi đang đánh mất một phần sự độc lập của chính mình”. Trước đó, chính Thủ tướng Hun Manet cũng từng dự án kênh đào Funan Techo như là cách để Campuchia “thở bằng mũi của chính mình”. Từ góc nhìn của Campuchia, khát vọng tự chủ này là chính đáng, đặc biệt là khi sự phụ thuộc đã từng khiến Phnom Penh gặp khó khăn trong giao thương hàng hóa với nước ngoài ở thời điểm Việt Nam thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại trong đại dịch COVID-19.   

Cuối cùng, nỗ lực tạo dấu ấn cá nhân của Thủ tướng Hun Manet cũng có thể là động lực thúc đẩy Campuchia hiện thực hóa dự án này. Ông Hun Manet lên nắm quyền sau khi đất nước Campuchia đã trải qua gần 40 năm lãnh đạo của cha ông, cựu Thủ tướng Hun Sen. Do đó, ông Hun Manet có thể cảm thấy cần phải tạo ra bước đột phá nhằm vượt qua “cái bóng” của cha mình. Điều này giải thích vì sao ngay từ khi lên nắm quyền, Thủ tướng Hun Manet đã gần như ngay lập tức triển khai các bước để bắt đầu dự án như thăm Trung Quốc để trao đổi, sau đó ký kết thỏa thuận CRBC, và sang Việt Nam (từ ngày 11-12/12/2023) để xoa dịu, trấn an Hà Nội. 

Như vậy, Campuchia quyết tâm xây dựng kênh đào Funan Techo vì tin rằng dự án sẽ giúp nâng cao sự phát triển kinh tế của đất nước, tăng cường năng lực tự chủ, giảm phụ thuộc vào nước ngoài, đồng thời tạo dấu ấn cho chính quyền mới.

Trung Quốc hưởng lợi

Thỏa thuận đạt được với tập đoàn CRBC về việc khảo sát và xây dựng kênh đào Funan Techo của Campuchia đã mở đường để Trung Quốc có cơ hội thu thêm nhiều lợi ích tại quốc gia này. Vào tháng 12/2023, Thủ tướng Hun Manet đã phủ nhận tin đồn về việc Campuchia vay tiền từ Trung Quốc để xây dựng kênh đào Funan Techo, nhưng trên thực tế, phía Trung Quốc vẫn sẽ nhận được nhiều lợi ích theo hình thức khác, đó là thông qua hợp đồng Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao (Build - Operate - Transfer, BOT).    

Với hợp đồng BOT, trên danh nghĩa chính phủ Campuchia không mượn nợ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, thu nhập được tạo ra từ con kênh (sau khi hoàn thành) như phí cầu đường, thuế hay các hình thức thu nhập khác sẽ thuộc về nhà thầu CRBC trong khoảng thời gian 20, 30 hoặc thậm chí 50 năm tùy theo hợp đồng. Chỉ khi hợp đồng BOT hết hạn, quyền sở hữu và thu nhập do con kênh tạo ra từ thời điểm đó trở đi mới thuộc về chính phủ Campuchia. Ngoài ra, các dịch vụ đi kèm như chuyển hàng hóa từ sà lan trên sông sang các tàu viễn dương tại Kep (điểm cuối kênh đào) có thể cũng sẽ được cung cấp bởi các công ty Trung Quốc.

Kiểu hợp đồng BOT đã từng xuất hiện trước đây tại dự án đường cao tốc E4. Theo đó, phía Trung Quốc được phép thu phí và quản lý dự án trong 50 năm. Người lái xe sẽ phải trả từ 12 USD cho một chiếc ô tô nhỏ, và lên tới 60 USD cho một chiếc xe tải chở hàng khi di chuyển một chiều trên đường cao tốc.

Không chỉ thu được lợi ích từ hợp đồng BOT, Trung Quốc cũng sẽ hưởng lợi vì dự án kênh đào Funan Techo góp phần giúp việc giao thương hàng hóa đến và đi từ Đặc khu Kinh tế Sihanoukville trở nên thuận lợi hơn. Đây là Đặc khu mà Trung Quốc đã đầu tư đáng kể suốt hơn 10 năm qua dựa trên Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Hơn nữa, thông qua dự án, Trung Quốc có thể vận chuyển qua lại hàng hoá từ các cảng phía Nam Campuchia đi qua Lào về phía Trung Quốc (và ngược lại) một cách dễ dàng hơn.

Xét rộng hơn, dự án kênh đào Funan Techo sẽ giúp Trung Quốc gây áp lực toàn diện lên lượng nước và phù sa chảy về Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vốn đang phải chịu áp lực lớn từ hệ thống 14 đập thuỷ điện bậc thềm khổng lồ của Trung Quốc cùng với các công trình thủy điện khác ở Lào trên dòng chảy của sông Mekong.

Như vậy, những khoản đầu tư này đang góp phần làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc về kinh tế của Campuchia với Trung Quốc. Sự phụ thuộc này về lâu dài có thể được chuyển thành ảnh hưởng về chính trị khi Trung Quốc có thể gây sức ép buộc Campuchia hỗ trợ hoặc ít nhất không phản đối cường quốc này trong các vấn đề an ninh khu vực và quốc tế, chẳng hạn tranh chấp trên Biển Đông.

Thách thức cho Việt Nam

Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Manet vào tháng 12 vừa qua, phía Hà Nội bày tỏ quan ngại dự án kênh đào Funan Techo sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và hệ thống nước của sông Mekong, đặc biệt là dòng nước hạ lưu từ Campuchia chảy về Việt Nam. Đáp lại, Thủ tướng Hun Manet trấn an rằng các nghiên cứu sơ bộ về dự án chỉ ra tác động môi trường đối với Việt Nam sẽ ở mức tối thiểu.  

Tuy nhiên, mối lo ngại của Việt Nam không phải là không có cơ sở. Theo PGS. TS. Văn Phạm Đăng Trí, nhà nghiên cứu về tài nguyên nước tại Đại học Cần Thơ, nếu không có biện pháp phòng ngừa đầy đủ, con kênh có thể phá vỡ nguồn lũ tự nhiên, làm tăng độ mặn và thay đổi dòng nước của ĐBSCL. Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Brian Eyler - Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Chương trình Năng lượng, Nước và Sự bền vững của Trung tâm Stimson - nhận định rằng kênh đào sẽ tạo ra một vùng khô hạn ở phía Nam (bao gồm một phần các tỉnh An Giang và Kiên Giang của Việt Nam) và một vùng lũ lớn hơn ở phía Bắc (tức Campuchia).   

Một khi kênh đào hình thành, dòng nước thay vì chảy về ĐBSCL sẽ bị đổi hướng theo dòng kênh và đổ thẳng ra biển. Điều này có thể khiến tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL diễn ra dai dẳng hơn, với quy mô lớn hơn và mức độ nghiêm trọng cao hơn. Khi đó, ĐBSCL sẽ bị thiếu nước ngọt, ảnh hưởng trực tiếp lên các loại cây ăn quả, cây hoa màu, lương thực. Đồng thời, nguồn nước bị xâm nhập mặn khiến việc nuôi các loại thủy sản nước ngọt cũng bị ảnh hưởng nặng nề do thay đổi môi trường sống. Hậu quả tất yếu là nguồn sinh kế của người dân ĐBSCL bị ảnh hưởng lớn, vì ngành nông nghiệp chiếm đến 30% GDP của vùng.

Bên cạnh vấn đề về môi trường, việc mất nguồn thu ở các cảng của Việt Nam cũng là một mối quan tâm cần chú ý. Trong giai đoạn 2011-2023, đã có khoảng 20 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển trên tuyến đường thủy giữa Việt Nam với Campuchia. Do đó, khi kênh đào được hoàn thành, Việt Nam sẽ mất nguồn thu thuế và phí quá cảnh từ hàng hóa, tàu biển của Campuchia. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang - hiện đang làm việc tại Viện Yusof Ishak của Singapore - cho rằng ảnh hưởng từ việc mất nguồn thu này là không đáng kể, vì khối lượng thương mại tương đối nhỏ. Ngoài ra, các tàu chở hàng trên 1.000 tấn nhiều khả năng vẫn sẽ chọn đi qua các cảng của Việt Nam để đến Campuchia, vì đi theo đường kênh đào sẽ phải chuyển tải sang các sà lan nhỏ hơn để phù hợp với thiết kế của con kênh.

Nhìn chung, các thách thức về môi trường và kinh tế đối với Việt Nam liên quan đến kênh đào Funan Techo sẽ cần được theo dõi thêm trong tương lai. Trong khi thách thức về kinh tế là khó có thể tránh khỏi, thì tác động về môi trường sẽ phụ thuộc nhiều vào “thiện chí” từ phía Campuchia để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam (như Thủ tướng Hun Manet đã “hứa”).         

Liệu MRC có giải quyết hiệu quả?

Vào tháng 8/2023, Campuchia đã gửi Bản tóm tắt đánh giá tác động môi trường của dự án kênh đào Funan Techo lên Ban Thư ký MRC, trong đó nêu rõ rằng việc sử dụng ba âu tàu dọc theo kênh sẽ đảm bảo việc xả nước được “kiểm soát hiệu quả” nhằm ngăn chặn những thay đổi đáng kể đối với dòng chảy của sông Mekong. Chính vì Bản tóm tắt này, MRC đã quyết định dán nhãn kênh đào Funan Techo là dự án trên phụ lưu thay vì là dự án trên dòng chính sông Mekong.

Tuy nhiên, quyết định này có thể dẫn đến nguy cơ MRC không tham gia vào việc đánh giá tác động xuyên biên giới của kênh đào, vì theo Hiệp định Mekong năm 1995, MRC có nghĩa vụ “xem xét kỹ thuật” và nhận ý kiến đóng góp từ các quốc gia thành viên đối với các dự án ảnh hưởng đến dòng chính của con sông. 

Mặc dù vậy, dự án chỉ đang ở trong giai đoạn đầu, và cho đến nay MRC lẫn Việt Nam chưa nhận được nghiên cứu khả thi hoặc các thông tin cập nhật về dự án kênh đào Funan Techo. Vì thế, Ban Thư ký MRC cho biết vẫn “đang chờ thêm thông tin từ Campuchia”. Thông tin này cho thấy chỉ có thể đánh giá đầy đủ, chính xác quan điểm tiếp cận, động thái triển khai của MRC khi Campuchia hoàn thành quá trình nghiên cứu về tính khả thi và báo cáo lên Ủy hội.

Dự án vẫn sẽ tiếp tục

Bất chấp những lo ngại từ Việt Nam và phần nào từ MRC, cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Campuchia ngừng quyết tâm theo đuổi dự án xây dựng kênh đào Funan Techo. Ông So Naro đã nhấn mạnh rằng “chính phủ Campuchia có toàn quyền đối với dự án, và không có gì bên ngoài có thể cản trở việc xây dựng kênh đào Funan Techo”. Hơn nữa, Bộ Công chính và Vận tải Campuchia - vào tháng 1/2024 - tuyên bố rằng lễ khởi công dự án kênh đào Funan Techo dự kiến sẽ diễn ra vào quý IV năm nay.

Mặc dù đã lên kế hoạch khởi công cụ thể, song cho đến nay, những thông tin mà phía Campuchia công khai vẫn còn rất mơ hồ. Đơn cử, ngay cả trong tài liệu Campuchia gửi đến MRC, các thông tin chỉ được cung cấp ở mức cơ bản như những tác động từ bụi và tiếng ồn trong quá trình xây dựng, thông tin về các khu vực xây dựng, khu vực đường sá tạm thời, khu vực công trường tạm thời, khu vực xả thải.

Sự mơ hồ như vậy khiến những dự báo về tác động đến kinh tế, môi trường chỉ mang tính phỏng đoán, chưa lường trước được hết các rủi ro có thể xảy ra, gây khó khăn cho công tác phòng bị của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc cần làm đối với Việt Nam là tích cực theo sát tình hình, hợp tác và trao đổi với phía Campuchia để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Bởi lẽ, dự án chỉ mới đang ở giai đoạn khảo sát, do đó Campuchia hoàn toàn có thể tính toán để xây dựng kênh đào theo hướng ít gây hại cho Việt Nam nhất. Dù ở thế “bất lợi” hơn, Việt Nam vẫn có công cụ để “thương lượng”, vì các tàu có tải trọng lớn hơn công suất thiết kế của kênh đào phải đi qua hướng các cảng ở Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh để vào Campuchia. 

Từ khoá: kênh đào Funan Techo Campuchia Trung Quốc Việt Nam Ủy hội sông Mekong MRC

BÀI LIÊN QUAN