Ngày 11/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh ba bên lần đầu tiên tại Washington, nhằm khẳng định cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời chống lại sự quyết đoán và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Lý do đằng sau Hội nghị Thượng đỉnh là gì? 

Hội nghị Thượng đỉnh ba bên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có các hành động leo thang căng thẳng ở Biển Đông, đặc biệt là với Philippines. Chỉ trong tháng 3/2024, đã có hai cuộc đụng độ giữa Bắc Kinh và Manila gần bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal). Cụ thể, vào ngày 5/3, Lực lượng đặc nhiệm quốc gia phụ trách Biển Tây Philippines (cách Manila gọi Biển Đông) cáo buộc các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã va chạm và đồng thời triển khai vòi rồng nhằm vào tàu tiếp tế Unaizah May 4 (UM4) của Philippines, khiến tấm chắn gió của UM4 bị vỡ, và có ít nhất bốn thủy thủ trên tàu bị thương nhẹ. Sau đó, đến ngày 23/3, quân đội Philippines tiếp tục cáo buộc tàu hải cảnh Trung Quốc chặn và phun vòi rồng vào tàu tiếp tế UM4, khiến con tàu bị hư hại nặng ngay sau khi được sửa chữa từ vụ va chạm lần trước. 

Trước tình thế đó, việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần này mang ý nghĩa biểu tượng hết sức quan trọng, cho thấy Mỹ và Nhật Bản sẵn sàng sát cánh cùng Philippines trước mối đe dọa Trung Quốc. Hơn nữa, cả ba quốc gia đã cùng nhau tạo ra động lực cho hợp tác chặt chẽ hơn khi tổ chức tập trận chung lần đầu tiên vào tháng 6/2023. Mặc dù vậy, trước sự kiện tháng 4 này, ba nước chưa từng tổ chức hội nghị thượng đỉnh chung. Do đó, sự kiện vừa qua cũng là dịp để Mỹ, Nhật Bản và Philippines chính thức hóa các nội dung hợp tác giữa ba quốc gia.  

Cùng với những tính toán chung, việc tham gia vào Hội nghị Thượng đỉnh vừa qua cũng xuất phát từ mong đợi riêng của mỗi quốc gia. Trước hết, trong những năm qua, Mỹ đã tích cực củng cố quan hệ song phương với Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Indonesia và nhiều quốc gia khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đồng thời, Washington cũng thúc đẩy các nhóm tiểu đa phương (minilateral) mới với Nhật Bản và Hàn Quốc; Australia và Anh (Hiệp ước An ninh AUKUS); Ấn Độ, Nhật Bản và Australia (Đối thoại Tứ giác An ninh). Do đó, động thái chính thức hóa hợp tác với Nhật Bản và Philippines cũng là một phần trong xu hướng trên. Các quốc gia kể trên nhìn chung đều quan ngại việc Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng, và đó là điều kiện để Mỹ thúc đẩy các hoạt động ngoại giao nhằm lôi kéo thêm đối tác hoặc củng cố đồng minh, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh, tạo thành một mạng lưới bao vây Bắc Kinh từ nhiều hướng.  

Từ góc nhìn của Nhật Bản, nhóm tiểu đa phương mới nổi cùng Mỹ và Philippines là bước quan trọng tiếp theo trong việc củng cố sự “trỗi dậy” gần đây của Tokyo như là một đối tác cung cấp an ninh quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Hơn nữa, tương tự với Mỹ, Nhật Bản cũng có tham vọng xây dựng thế trận “bao vây” quốc phòng với Bắc Kinh. Vì thế, Nhật Bản đã tham gia cùng Mỹ trong hầu hết các nhóm tiểu đa phương tại khu vực này. Trường hợp hiếm hoi Tokyo không là thành viên chính là AUKUS. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng đang nỗ lực để trở thành một phần của hiệp ước an ninh trên, bằng chứng là tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nhật vừa diễn ra tại Washington hôm 10/4, hai quốc gia đã cùng thảo luận về triển vọng đưa Tokyo tham gia trụ cột II của AUKUS (tập trung vào hợp tác công nghệ tiên tiến). 

Cuối cùng, đối với Philippines, trong bối cảnh Trung Quốc liên tục triển khai các hành động gây hấn trên Biển Đông, Manila có nhu cầu tìm kiếm sự hỗ trợ lớn hơn về quốc phòng từ Mỹ và Nhật Bản để “cân bằng thế trận” với Bắc Kinh. Trong phát biểu tại phần mở đầu cuộc họp, Tổng thống Marcos đã tuyên bố “Hội nghị Thượng đỉnh ba bên ra đời không phải vì sự thuận tiện mà là “một sự tiến triển tự nhiên”. Hàm ý của câu nói trên có thể là Hội nghị chỉ là bước chính thức hóa cho những tương tác đã được triển khai trong thời gian qua giữa Philippines với Nhật Bản và Mỹ. Trên thực tế, năm 2023 và đầu năm 2024 đã chứng kiến những nền tảng cho việc củng cố quan hệ song phương giữa Manila với Tokyo và Washington, cũng như mối quan hệ giữa ba bên. 

Chẳng hạn, vào tháng 4/2023, Philippines đã quyết định cho phép Mỹ sử dụng thêm bốn căn cứ gồm Camilo Osias và sân bay Lal-lo (cả hai đều ở tỉnh Cagayan), Melchor Dela Cruz (tỉnh Isabela) và Balabac (thuộc đảo Palawan). Trước đây, Philippines đã cho Mỹ sử dụng năm căn cứ khác theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (Enhanced Defense Cooperation Agreement - EDCA). Philippines - vào tháng 11/2023 - cũng bắt đầu đàm phán với Nhật Bản về Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (Reciprocal Access Agreement), nhằm mục đích tăng cường quan hệ an ninh và tạo điều kiện tổ chức các cuộc tập trận phòng thủ chung. Ngoài ra, bên cạnh sự kiện tập trận chung vào tháng 6/2023, Philippines cùng Mỹ và Nhật Bản đã mời thêm Australia tập trận vào tháng 8/2023 và ngày 7/4/2024.      

Không chỉ về quốc phòng, Philippines đến Hội nghị với những kỳ vọng về mở rộng hợp tác thương mại và đầu tư. Do những tranh cãi về việc Trung Quốc không đáp ứng các mong đợi của Philippines về nguồn vốn xây dựng các tuyến đường sắt mới, Manila - cuối tháng 10/2023 - đã tuyên bố rút khỏi các dự án đầu tư thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative - BRI) của Bắc Kinh. Vì thế, trước tình cảnh trên, Tokyo và Washington có thể trở thành những bên cung cấp nguồn vốn thay thế tiềm năng cho Manila. Hơn nữa, Philippines cũng kỳ vọng Mỹ và Nhật Bản quan tâm hơn đến tăng cường chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng như niken (mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Manila), từ đó giúp Philippines trở thành trung tâm chế biến các khoáng sản quan trọng.  

Như vậy, Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra trong bối cảnh cả ba quốc gia đều có mối quan tâm chung là sự quyết đoán của Trung Quốc, cũng như xuất phát từ kỳ vọng siết chặt thế trận bao vây Bắc Kinh, tăng cường ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (hẹp hơn là Biển Đông) của cả Mỹ và Nhật Bản, lẫn mong muốn tìm kiếm sự hỗ trợ về an ninh và kinh tế của Philippines. 

Hội nghị đạt được những kết quả đáng chú ý nào?

Hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề trên phạm vi khá rộng, từ cơ sở hạ tầng và các vật liệu quan trọng đến tăng cường hợp tác an ninh. Trong đó, trọng tâm của cuộc thảo luận xoay quanh sự phối hợp giữa ba quốc gia về các vấn đề an ninh. Theo tuyên bố chung, Tổng thống Biden tái khẳng định các cam kết liên minh vững chắc của Mỹ với Nhật Bản và Philippines, gọi đây là mối quan hệ “sắt son” (ironclad). Đáng chú ý, từ “sắt son” trong những năm qua cũng được Trung Quốc và Campuchia sử dụng để mô tả về mối quan hệ giữa hai nước. Do đó, việc định danh mối quan hệ trong Hội nghị vừa qua có thể ngầm gửi đi thông điệp đến Bắc Kinh về sự gắn bó sâu sắc không hề kém cạnh giữa Mỹ với các đồng minh ở châu Á. 

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị cũng “hoan nghênh sự hợp tác gần đây giữa ba quốc gia nhằm ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời cam kết tăng cường hợp tác sâu sắc hơn”. Thêm vào đó, tuyên bố chung đã chỉ đích danh Trung Quốc sử dụng “một cách nguy hiểm và cưỡng bức” (dangerous and coercive) các tàu hải cảnh và dân quân biển ở Biển Đông, “cũng như những nỗ lực nhằm cản trở hoạt động thăm dò tài nguyên ngoài khơi của các nước khác”. 

Trên cơ sở đó, ba nước tuyên bố thiết lập cơ chế đối thoại hàng hải nhằm tăng cường phối hợp và ứng phó chung với các thách thức về hàng hải. Mỹ và Nhật Bản cam kết tiếp tục hỗ trợ xây dựng năng lực cho Lực lượng tuần duyên Philippines. Mỹ cũng mời Lực lượng tuần duyên Philippines và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản lên tàu tuần duyên của Mỹ trong chuyến tuần tra tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm nay. Thêm vào đó, các bên cùng xây dựng kế hoạch để triển khai tập trận chung trên biển, cũng như các hoạt động hàng hải khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm sau. 

Bên cạnh hợp tác quốc phòng, lĩnh vực kinh tế cũng mang lại những kết quả đáng chú ý, với việc các quốc gia tập trung vào phát triển bền vững và “phi Trung Quốc hóa”. Tổng thống Biden đã công bố ý tưởng về Hành lang kinh tế Luzon thuộc sáng kiến “Đối tác về Cơ sở Hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu” (Partnership for Global Infrastructure and Investment - PGII, do các các nhà lãnh đạo nhóm G7 thông qua vào năm 2022). Đây cũng là Hành lang đầu tiên của PGII tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cụ thể, Hành lang Luzon đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng như các cảng nối Vịnh Subic, Clark, Manila và Batangas ở Philippines, đường sắt, năng lượng sạch, chuỗi cung ứng chất bán dẫn và nông nghiệp. Nếu thành công, Hành lang Luzon có thể trở thành đối trọng với BRI tại Đông Nam Á. Tuy triển vọng này còn quá sớm để nhận định vì Trung Quốc có tiềm lực rất lớn về kinh tế trong BRI, nhưng đó cũng là kết quả đáng khích lệ, cho thấy các quốc gia trong khu vực vẫn còn nhiều lựa chọn tiềm năng khác thay vì phải phụ thuộc vào nguồn vốn của riêng Bắc Kinh.    

Ngoài ra, ba quốc gia cũng quyết định tăng cường hợp tác công nghệ bán dẫn và chuỗi cung ứng, hỗ trợ phát triển và chế biến niken, khoáng chất quan trọng cho pin xe điện, đồng thời giúp thúc đẩy các nhà máy điện hạt nhân tư nhân ở Philippines. 

Với kết quả như trên, cả ba quốc gia về cơ bản đều đạt được mục đích đề ra trước khi tham gia Hội nghị. Mỹ và Nhật Bản tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc, lôi kéo Philippines tham gia nhiều hơn vào các hoạt động tập trận, tuần tra chung trên biển. Trong khi đó, Philippines cũng nhận thêm sự đảm bảo về hỗ trợ năng lực an ninh hàng hải, cũng như mở ra triển vọng nhận thêm đầu tư về cơ sở hạ tầng và hợp tác kinh tế từ hai đối tác trên.  

Trung Quốc phản ứng gay gắt

Vào ngày 12/4, Trung Quốc đã triệu tập các nhà ngoại giao Nhật Bản và Philippines để bày tỏ sự không hài lòng trước những bình luận tiêu cực về Bắc Kinh trong Hội nghị. Theo đó, Vụ trưởng Vụ châu Á của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Kình Tùng đã gặp Chánh văn phòng Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc Yokochi Akira để đưa ra “lời phản đối nghiêm túc” (solemn representations) về những bình luận của Tokyo trong Hội nghị. Tương tự, ông Lưu cũng gặp Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jaime FlorCruz để phản đối “những lời nói và hành động tiêu cực” (negative words and deeds) của Manila về Bắc Kinh. 

Cũng trong ngày hôm đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh rằng Trung Quốc “phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành vi kích động và leo thang xung đột, làm suy yếu an ninh và lợi ích chiến lược của các nước khác”, đồng thời khẳng định Bắc Kinh “phản đối việc hình thành các vòng tròn độc quyền trong khu vực”. 

Với riêng Mỹ, bà Mao chỉ trích quốc gia này “tấn công ác ý Trung Quốc”, “bám vào tâm lý Chiến tranh Lạnh” và thường xuyên đe dọa các nước khác bằng các hiệp ước liên minh song phương. Theo bà Mao, những hành động như vậy vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và làm suy yếu sự ổn định trong khu vực. 

Không chỉ dừng lại ở những tuyên bố cứng rắn, Trung Quốc đã thực hiện động thái đáp trả trên biển với cả Philippines và Nhật Bản. Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc - ngày 12/4 - cho biết đã điều bốn tàu hải cảnh tuần tra xung quanh khu vực quần đảo Điếu Ngư (hiện do Tokyo kiểm soát và gọi là Senkaku nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền) ở biển Hoa Đông. Đáp lại, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã đưa tàu để gây sức ép và yêu cầu Bắc Kinh rời đi (cả hai bên sau đó không đề cập về kết quả sự việc). Theo phía Nhật Bản, đây đã là lần thứ 10 hai nước đụng độ tại khu vực này trong năm nay. Chỉ một ngày sau, vào tối ngày 13/4, một tàu hải cảnh Trung Quốc đã chặn một tàu nghiên cứu hàng hải và một tàu hộ tống của Lực lượng Tuần duyên Philippines trong hơn 8 giờ. Sự việc diễn ra tại Biển Đông, chỉ cách bờ biển Philippines 35 hải lý. 

Thách thức vẫn còn đó 

Mặc dù Hội nghị vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, song tính chất của nó chỉ dừng lại ở mức độ chính thức hóa các hoạt động hợp tác đã được các bên triển khai trong thời gian qua, thay vì tạo ra những bước đột phá mới. Tương tự như các nhóm tiểu đa phương khác do Mỹ dẫn đầu ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tam giác Mỹ - Nhật - Philippines không có mức độ thể chế hóa cao như liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chẳng hạn về cơ cấu chỉ huy hay kế hoạch ứng phó với các tình huống cụ thể. Điều này có thể tạo ra những chồng chéo về lợi ích giữa các bên. 

Mối quan tâm về chính sách đối ngoại chủ yếu của Philippines hiện nay là bảo vệ vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Tương tự, mối quan tâm của Nhật Bản là ở quần đảo tranh chấp với Trung Quốc tại biển Hoa Đông. Với hai mối quan tâm khác nhau như vậy, không có gì chắc chắn rằng Nhật Bản sẽ chiến đấu để bảo vệ Philippines nếu Trung Quốc tấn công hay gây sức ép lên Manila ở Biển Đông và ngược lại (trường hợp phản ứng của Manila khi Bắc Kinh dùng vũ lực với Tokyo ở biển Hoa Đông). Thêm vào đó, Hiến pháp Nhật Bản chỉ cho phép Lực lượng Phòng vệ triển khai quân ra nước ngoài trong trường hợp không chống lại các chủ thể nhà nước (theo Điều 9), khiến nước này khó mà bảo vệ Philippines ngay cả khi mong muốn làm điều đó. Theo một khảo sát của tờ Asahi Shimbun công bố vào tháng 5/2023, có đến 59% người được hỏi cho rằng Điều 9 không cần phải điều chỉnh, trong khi số người muốn thay đổi là 37%. Điều này cho thấy phần đông dân số Nhật Bản vẫn còn mang tâm lý e ngại nguy cơ chủ nghĩa quân phiệt trỗi dậy và lôi cuốn quốc gia này vào chiến tranh. Ngay cả Mỹ, một đối tác đã ký Thỏa thuận EDCA với Philippines cũng phớt lờ các hành động cụ thể để bảo vệ Manila trước những hành động hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông, bao gồm hai vụ việc ở bãi Cỏ Mây gần đây.   

Ngoài ra, triển vọng hỗ trợ Philippines tăng cường năng lực quốc phòng cũng đối mặt với nhiều hoài nghi. Mặc dù vào tháng 12/2023, Nhật Bản đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí theo Hiến pháp bằng việc công bố danh mục 80 đơn vị vũ khí sát thương và linh kiện được phép bán ra nước ngoài, tuy nhiên về cơ bản con số này vẫn là khá ít nếu Tokyo muốn thực hiện cam kết hỗ trợ hiện đại hóa quân đội Philippines.   

Tuy nhiên, Mỹ, Nhật và Philippines sẽ triển khai nhiều hoạt động chung trong thời gian tới. Mới đây, Tổng thống Marcos - ngày 15/4 - cho biết rằng Philippines đã gửi lời mời Nhật Bản tham gia tập trận thường niên Balikatan giữa Manila với Washington. Cuộc tập trận năm nay diễn ra từ ngày 22/4 - 18/5, dự kiến quy tụ ít nhất 16.000 quân (11.000 quân Mỹ và 5.000 quân Philippines). Nhật Bản cùng với 13 quốc gia khác dự kiến sẽ tham gia với vai trò quan sát viên. Sau đó, từ ngày 1/6 - 10/6, khoảng 2.000 quân Mỹ và Philippines sẽ lần đầu tiên tiến hành các cuộc tập trận lực lượng mô phỏng chiến đấu ở Philippines theo yêu cầu của Manila. Tương tự cuộc tập trận Balikatan, Nhật Bản cũng sẽ tham gia với vai trò quan sát viên. 

Mặc dù vậy, liệu ba nước có đủ động lực để tham gia và duy trì các hoạt động này hay không là nội dung cần xem xét, vì các bên hiện còn phải bận tâm trong việc giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ. Tại Mỹ, ông Biden đang bước vào giai đoạn sáu tháng nước rút cuối cùng trong cuộc đua tranh cử tổng thống với ông Donald Trump diễn ra vào tháng 11 tới. Tương tự, ông Kishida cũng đang bận rộn với việc thu hút sự ủng hộ để có thể tái đắc cử vị trí chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democratic Party) vào tháng 9 tới. Nếu không thể giành chiến thắng, ông Kishida khó lòng tiếp tục nhiệm kỳ thủ tướng của mình. Trong khi đó, tại Philippines, ông Marcos cũng đang vướng vào những căng thẳng với gia tộc Duterte liên quan đến vấn đề ngân sách cho các quỹ sử dụng tùy ý (tức một khoản tiền cho phép người trong các cơ quan chính phủ chi tiêu mà không phải chịu sự giám sát từ quốc hội), những bất đồng về các chương trình nghị sự chính trị và việc thay đổi Hiến pháp.    

Nhìn chung, triển vọng hợp tác ba bên Mỹ - Nhật - Philippines sẽ xoay quanh các hoạt động tập trận chung, trong khi vẫn còn tồn tại nhiều hoài nghi về việc sẵn lòng bảo vệ nhau [người viết nhấn mạnh] trong trường hợp một trong các bên xảy ra xung đột với Trung Quốc, cũng như mức độ mà Mỹ và Nhật Bản hỗ trợ Manila hiện đại hóa quốc phòng. 

Bên cạnh đó, an ninh Biển Đông rất có thể sẽ thêm phần phức tạp. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc chưa bao giờ thể hiện ý định sẽ dừng các hoạt động gây hấn trên Biển Đông. Tình hình sẽ càng trở nên phức tạp hơn khi Mỹ và Nhật Bản càng cố gắng tạo ra thế trận bao vây Bắc Kinh. Trước tình cảnh đó, Trung Quốc đã nhiều lần cảnh báo về “tâm lý Chiến tranh Lạnh” chia rẽ thế giới thành các khối đối địch, mặc dù Mỹ thường cố gắng làm dịu đi sự căng thẳng bằng việc khẳng định Washington không tìm kiếm xung đột với Bắc Kinh. Nếu Mỹ và đồng minh khiến Trung Quốc cảm thấy bị bao vây và gặp nguy hiểm, Bắc Kinh có thể sẽ tăng cường các hành động gây hấn ở Biển Đông và khiến vùng biển này trở thành điểm nóng an ninh khó giảm nhiệt ở khu vực - điều mà cả Mỹ, Nhật Bản và Philippines đều không mong muốn.

Như vậy, Hội nghị đã mang lại những kết quả tích cực cho cả Mỹ, Nhật Bản và Philippines, đáng chú ý là đối với việc tăng cường hiện diện quân sự, mở rộng số lượng các cuộc tập trận chung, hợp tác về đầu tư và thương mại. Tuy nhiên, vẫn cần lạc quan thận trọng về khả năng duy trì sự gắn kết giữa ba đối tác cùng chí hướng, nhất là trong bối cảnh mức độ thể chế hóa hợp tác giữa các bên còn chưa chặt chẽ và các vấn đề chính trị nội bộ phức tạp vẫn đeo bám các nhà lãnh đạo ở cả ba quốc gia.