Biển Đông   13/11/2023

Phán quyết Trọng tài Biển Đông năm 2016: Ngẫm lại về một “chiến thắng cho tất cả”

Đã hơn bảy năm kể từ ngày 12/7/2016, phán quyết của Tòa Trọng tài Biển Đông có thực sự là giải pháp hữu hiệu để ứng phó với một Bắc Kinh ngày càng quyết đoán và hiếu chiến?

Trần Duy

13/11/2023
Image
Phái đoàn Philippines trước Tòa án Trọng tài Biển Đông trong phiên điều trần vụ kiện Trung Quốc. Ảnh: Tòa Trọng tài Thường trực (PCA)

Vụ va chạm giữa tàu cảnh sát biển Trung Quốc và tàu tiếp vận của Philippines cuối tháng trước cùng hàng loạt căng thẳng trên Biển Đông giữa Bắc Kinh và Manila trong năm qua nhắc nhớ về “cuộc chiến pháp lý” giữa hai quốc gia cách đây đã gần một thập kỷ. Sau ba năm gửi hồ sơ khiếu kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài thường trực (PCA) (2013-2016), Philippines giành được chiến thắng về mặt pháp lý với phán quyết dày 479 trang được đưa ra bởi tòa án trực thuộc PCA ở Den Haag (Hà Lan) vào ngày 12/7/2016 (sau đây gọi là Tòa Trọng tài Biển Đông).

Phán quyết Trọng tài Biển Đông (sau đây gọi tắt là phán quyết) ủng hộ nỗ lực của Philippines nhằm chống lại yêu sách “đường chín đoạn” phi pháp của Trung Quốc, đồng thời giải quyết một số vấn đề pháp lý ở Biển Đông. Văn bản làm rõ ba nội dung chính: (i) cái gọi là yêu sách “đường chín đoạn” dựa trên các quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông, (ii) tình trạng của một số thực thể ở Biển Đông, và (iii) tính hợp pháp của các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Vụ kiện thành công của Philippines đi vào lịch sử như một bước phát triển trong cách giải quyết mâu thuẫn ở Biển Đông bằng công cụ pháp lý. Phán quyết không chỉ chính thức bác bỏ tính pháp lý của đường chín đoạn dựa trên quyền lịch sử của Trung Quốc (Đoạn 277 - 278), mà còn công nhận một số thực thể gồm “Đá Vành khăn, Bãi Cỏ Mây, lô GSEC101, Khu vực 3, Khu vực 4 hoặc lô SC58” nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (Đoạn 697). Phán quyết cũng trở thành hướng dẫn pháp lý để các quốc gia liên quan củng cố lập trường và chính sách của họ ở Biển Đông.

Tuy nhiên, đã hơn bảy năm trôi qua kể từ khi vụ kiện kết thúc, Biển Đông vẫn không ngừng dậy sóng. Trung Quốc tiếp tục phổ biến bản đồ hàng hải phi pháp, triển khai các hoạt động quân sự trái phéptiến hành chiến thuật “vùng xám” trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước trong khu vực, trong đó có Philippines và Việt Nam.

Thực tế ấy khơi dậy nhiều cuộc thảo luận về tính hiệu quả của phán quyết, rằng liệu phán quyết có phải là “một chiến thắng cho tất cả” (a victory for all) như lời của cựu Tổng thống Benigno Aquino III - người đứng sau quyết định của Philippines vào năm 2013 trong việc đệ đơn lên Tòa Trọng tài Biển Đông để kiện Trung Quốc. Bên cạnh những mặt tích cực, phán quyết, thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, vẫn tồn tại ít nhất ba hạn chế.

Đầu tiên, phán quyết loại bỏ tính hợp pháp của mọi tuyên bố chủ quyền dựa trên bằng chứng lịch sử nếu các tuyên bố đó đi ngược lại chế độ phân chia vùng biển được đề ra trong UNCLOS 1982. Đoạn 278 trong phán quyết ghi rõ: “Công ước thay thế mọi quyền lịch sử, quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán khác vượt quá giới hạn được đề ra trong đó”.

Nói cách khác, UNCLOS 1982 không cho phép bảo tồn các quyền lịch sử của bất kỳ quốc gia nào trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của một quốc gia khác, trong đó có yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Thay vào đó, các quyền lịch sử có thể đã tồn tại ở các quốc gia đều sẽ bị thay thế bởi các điều khoản phân chia vùng biển được quy định trong Công ước.

Sở dĩ có kết luận trên là vì Trung Quốc đã sử dụng bằng chứng lịch sử để cho rằng phạm vi “đường chín đoạn” trên Biển Đông thuộc chủ quyền tự nhiên của quốc gia này. Kết luận đã tái khẳng định tính thống nhất và phổ quát của UNCLOS 1982 như là cơ sở pháp lý tối cao để giải quyết các vấn đề liên quan đến phân định vùng biển, tránh để những nhập nhằng lịch sử giữa các quốc gia kéo dài thêm các tranh chấp ở Biển Đông.

Đối với Việt Nam, hệ quả khó tránh khỏi sau khi phán quyết từ chối công nhận tính pháp lý của quyền lịch sử là nó có thể khiến khả năng tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - dựa trên bằng chứng lịch sử - bị thế giới bác bỏ. Các lập trường pháp lý của Việt Nam, nhất là tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, rất có thể bị tác động từ phán quyết, đặc biệt là nếu Việt Nam dự định tạo nên một vụ kiện tương tự Philippines nhằm “hợp pháp hoá” chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hoặc “vô tình” trở thành một bên liên quan trong bất kỳ vụ kiện Biển Đông nào tại tòa án quốc tế như Trung Quốc.

Đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn coi việc Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tương đương với việc tham gia vào vấn đề Biển Đông trong vai trò là một bên tranh chấp. Vào tháng 1 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố văn bản “Limits in the Seas No. 150 – People’s Republic of China: Maritime Claims in the South China Sea” (tạm dịch: “Các giới hạn trên biển Số 150 – Yêu sách Biển Đông của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”), trong đó có đoạn: “Mỗi đảo hoặc nhóm đảo [ở Biển Đông] được tuyên bố chủ quyền bởi ít nhất một bên yêu sách khác”, trong đó có “Việt Nam (quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa)”. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà chỉ xem Hà Nội, tương tự như Bắc Kinh, là một bên yêu sách ở Biển Đông.

Kế đến, phán quyết chỉ liên quan đến vấn đề thẩm quyền và không giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia. Thể theo đề nghị trong tuyên bố khởi kiện của Philippines, Tòa Trọng tài Biển Đông không có thẩm quyền phân định chủ quyền cho các thực thể trên biển đang bị tranh chấp giữa các bên. Nói cách khác, phán quyết không quyết định quốc gia nào có quyền sở hữu các thực thể hàng hải ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Thực chất, giới hạn thẩm quyền nêu trên vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS 1982. Cụ thể, Điều 279 của Công ước quy định, các tranh chấp song phương hoặc đa phương ở Biển Đông sẽ được giải quyết trực tiếp bởi các bên liên quan “bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Điều 2, khoản 3 của Hiến chương Liên Hợp Quốc”. Theo đó, các bên liên quan có thể tự giải quyết các tranh chấp giữa họ, miễn là “không tổn hại đến hòa bình, an ninh quốc tế và công lý”.

Về mặt tích cực, việc giới hạn thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa Trọng tài Biển Đông tạo không gian linh hoạt để các tranh chấp hàng hải được giải quyết hòa bình trong nội bộ các bên liên quan mà không cần đến sự can thiệp của một tòa trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, đây có thể là kẽ hở để Trung Quốc tận dụng sức mạnh kinh tế và quân sự của một cường quốc nhằm làm “đòn bẩy” trong những cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp hàng hải với các nước nhỏ hơn, nơi luật quốc tế không đủ “sức nặng” để gây áp lực lên Bắc Kinh. Triển vọng mong manh của tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN sau hơn hai thập kỷ là ví dụ rõ nét.

Cuối cùng, hạn chế lớn nhất của phán quyết là, Trung Quốc chưa bao giờ chấp nhận tính pháp lý và các kết luận của phán quyết. Trong khi vẫn sử dụng lập luận lịch sử để làm cơ sở tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, Trung Quốc “tôn trọng” UNCLOS 1982 dưới hình thức lợi dụng triệt để các khoảng trống trong Công ước, trong đó có việc loại trừ quốc gia này khỏi nghĩa vụ thi hành phán quyết.

Là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết và phê chuẩn UNCLOS 1982, Trung Quốc tự khẳng định mình thực hiện “đầy đủ, trung thành” và “đóng góp tích cực” cho các cơ chế của Công ước. Tuy nhiên, vào năm 2006, viện dẫn Điều 298 của UNCLOS 1982 về quyền được từ chối thực hiện các nghĩa vụ bắt buộc liên quan đến giải quyết tranh chấp, Bắc Kinh đã đơn phương miễn trừ quốc gia này khỏi thủ tục trọng tài bắt buộc về phân định biển, danh nghĩa lịch sử, và các hoạt động thực thi pháp luật. Theo Trung Quốc, phán quyết năm 2016 cũng nằm trong phạm vi miễn trừ này.

Ngày 10/6/2016, Hiệp hội Luật Quốc tế Trung Quốc (CSIL) đã xuất bản một báo cáo có tựa đề “The Tribunal’s Award in the 'South China Sea Arbitration' Initiated by the Philippines Is Null and Void” (tạm dịch: “Phán quyết của Tòa Trọng tài trong ‘Vụ kiện Biển Đông’ do Philippines khởi xướng là vô hiệu”), cho rằng phán quyết “đầy sai sót trong cả việc xác định thực tế và áp dụng pháp luật”. Từ đó đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Bốn Không” ở Biển Đông, đó là không chấp nhận, không tham gia, không công nhận, và không thực hiện phán quyết của Tòa trọng tài.

Thật vậy, bên cạnh phớt lờ phán quyết, Bắc Kinh thường xuyên cản trở các tàu đánh cá của các quốc gia trong khu vực, song song với tiến hành tuần tra gần như mỗi ngày tại các khu vực mà nước này có tranh chấp ở Biển Đông nhằm ngăn chặn các hoạt động quân sự và thăm dò của các quốc gia khác. Theo dữ liệu được công bố trên trang web của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), từ năm 2013 đến nay, có ít nhất 3.200 mẫu đất mới do Trung Quốc xây dựng và bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Bên cạnh gây cản trở cho các hoạt động di chuyển và thương mại ở Biển Đông thì các hành động của Trung Quốc còn là một phần trong nỗ lực lâu dài của Bắc Kinh nhằm tăng cường tuyên bố chủ quyền đối với hơn 80% Biển Đông.

Bắc Kinh cho rằng việc quốc gia này từ chối tuân thủ phán quyết vẫn tuân theo các quy định của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, thực chất là cường quốc này chỉ đang lựa chọn tuân thủ những điều khoản của UNCLOS 1982 có lợi cho quốc gia mình. Đó là cách tiếp cận không phù hợp với tinh thần “thỏa thuận trọn gói” (package deal) được thúc đẩy trong các cuộc đàm phán UNCLOS 1982, yêu cầu các quốc gia thành viên “chấp nhận một cách tổng thể mọi nội dung [của Công ước] mà không bảo lưu bất kỳ khía cạnh nào”.

Quan sát tình hình Biển Đông hiện nay, khó có thể khẳng định phán quyết là một hướng dẫn pháp lý ưu việt giúp các quốc gia giải quyết tranh chấp và ứng phó với những hành vi ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh. Về bản chất, thực tế ấy không chỉ bắt nguồn từ một số hạn chế còn tồn tại trong phán quyết, mà chủ yếu là do tính tương đối của một trật tự thế giới bị chi phối bởi nền chính trị cường quyền (great-power politics), nơi các cường quốc sở hữu ưu thế về ý chí lẫn nguồn lực để thiết lập “luật chơi” riêng.

Chỉ công cụ pháp lý và việc áp dựng chúng là chưa đủ để giữ vững hoà bình ở Biển Đông. Vùng biển này cần có những lực lượng thường trực đủ khả năng đối trọng với quyền lực của Bắc Kinh. Lực lượng ấy có thể là một hay nhiều cường quốc bên ngoài như Mỹ, Australia, Bộ tứ kim cương (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia - QUAD), hoặc Bộ ba AUKUS (gồm Australia, Anh và Mỹ),... Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu lực lượng này được tạo nên từ chính sự hợp lực của các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó những nước chịu tác động trực tiếp bởi các yêu sách phi pháp và hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông (như Philippines và Việt Nam) nên là thành viên đi đầu.

Ở giai đoạn đầu, các sáng kiến hợp tác “tiểu đa phương” (minilateral) trong ASEAN nhằm tăng cường khả năng phối hợp chấp pháp trên Biển Đông, hoặc kết hợp nghiên cứu khoa học đại dương để bảo vệ chủ quyền, là hoàn toàn khả thi. Minh chứng là trước đây đã từng có một số hoạt động được triển khai như: Đoàn thám hiểm nghiên cứu khoa học biển và hải dương học chung ở Biển Đông (JOMSRE-SCS) giữa Philippines và Việt Nam (1994-2007); hoạt động Tuần tra Eo biển Malacca (MSP) giữa Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan (năm 2015); Thỏa thuận Hợp tác Ba bên (TCA) giữa Indonesia, Malaysia và Philippines để tuần tra trên biển và trên không, chia sẻ thông tin tình báo và thành lập Trung tâm chỉ huy hàng hải (MCC) ở các vùng biển Sulu và Sulawesi (năm 2017);...

Tuy nhiên, những sáng kiến hợp tác hàng hải trong ASEAN thường vấp phải hai trở ngại. Thứ nhất, ASEAN có thể bị Trung Quốc gây rối và ngăn chặn. Thứ hai, việc mở rộng phạm vi hợp tác lên toàn khối ASEAN dường như là một ý tưởng kém hấp dẫn đối với các thành viên không có yêu sách ở Biển Đông và có xu hướng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc như Lào Myanmar.

Do đó, ASEAN thường triển khai một cách “âm thầm” với số lượng nhỏ thành viên để linh hoạt hơn trong việc ra quyết định và tránh sự chú ý của Trung Quốc. Về dài hạn, các nhóm “tiểu đa phương” trong ASEAN cần cân nhắc thuận lợi và rủi ro trong việc kêu gọi sự tham gia của các quốc gia tầm trung trong khu vực như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, hoặc hợp tác với các lực lượng bên ngoài (như QUAD và/ hay AUKUS). Một khi ASEAN xây dựng thành công các sáng kiến có khả năng kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông, đó mới thực sự là một “chiến thắng cho tất cả”.

Vụ va chạm giữa tàu cảnh sát biển Trung Quốc và tàu tiếp vận của Philippines cuối tháng trước cùng hàng loạt căng thẳng trên Biển Đông giữa Bắc Kinh và Manila trong năm qua nhắc nhớ về “cuộc chiến pháp lý” giữa hai quốc gia cách đây đã gần một thập kỷ. Sau ba năm gửi hồ sơ khiếu kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài thường trực (PCA) (2013-2016), Philippines giành được chiến thắng về mặt pháp lý với phán quyết dày 479 trang được đưa ra bởi tòa án trực thuộc PCA ở Den Haag (Hà Lan) vào ngày 12/7/2016 (sau đây gọi là Tòa Trọng tài Biển Đông).

Phán quyết Trọng tài Biển Đông (sau đây gọi tắt là phán quyết) ủng hộ nỗ lực của Philippines nhằm chống lại yêu sách “đường chín đoạn” phi pháp của Trung Quốc, đồng thời giải quyết một số vấn đề pháp lý ở Biển Đông. Văn bản làm rõ ba nội dung chính: (i) cái gọi là yêu sách “đường chín đoạn” dựa trên các quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông, (ii) tình trạng của một số thực thể ở Biển Đông, và (iii) tính hợp pháp của các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Vụ kiện thành công của Philippines đi vào lịch sử như một bước phát triển trong cách giải quyết mâu thuẫn ở Biển Đông bằng công cụ pháp lý. Phán quyết không chỉ chính thức bác bỏ tính pháp lý của đường chín đoạn dựa trên quyền lịch sử của Trung Quốc (Đoạn 277 - 278), mà còn công nhận một số thực thể gồm “Đá Vành khăn, Bãi Cỏ Mây, lô GSEC101, Khu vực 3, Khu vực 4 hoặc lô SC58” nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (Đoạn 697). Phán quyết cũng trở thành hướng dẫn pháp lý để các quốc gia liên quan củng cố lập trường và chính sách của họ ở Biển Đông.

Tuy nhiên, đã hơn bảy năm trôi qua kể từ khi vụ kiện kết thúc, Biển Đông vẫn không ngừng dậy sóng. Trung Quốc tiếp tục phổ biến bản đồ hàng hải phi pháp, triển khai các hoạt động quân sự trái phéptiến hành chiến thuật “vùng xám” trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của các nước trong khu vực, trong đó có Philippines và Việt Nam.

Thực tế ấy khơi dậy nhiều cuộc thảo luận về tính hiệu quả của phán quyết, rằng liệu phán quyết có phải là “một chiến thắng cho tất cả” (a victory for all) như lời của cựu Tổng thống Benigno Aquino III - người đứng sau quyết định của Philippines vào năm 2013 trong việc đệ đơn lên Tòa Trọng tài Biển Đông để kiện Trung Quốc. Bên cạnh những mặt tích cực, phán quyết, thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, vẫn tồn tại ít nhất ba hạn chế.

Đầu tiên, phán quyết loại bỏ tính hợp pháp của mọi tuyên bố chủ quyền dựa trên bằng chứng lịch sử nếu các tuyên bố đó đi ngược lại chế độ phân chia vùng biển được đề ra trong UNCLOS 1982. Đoạn 278 trong phán quyết ghi rõ: “Công ước thay thế mọi quyền lịch sử, quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán khác vượt quá giới hạn được đề ra trong đó”.

Nói cách khác, UNCLOS 1982 không cho phép bảo tồn các quyền lịch sử của bất kỳ quốc gia nào trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của một quốc gia khác, trong đó có yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Thay vào đó, các quyền lịch sử có thể đã tồn tại ở các quốc gia đều sẽ bị thay thế bởi các điều khoản phân chia vùng biển được quy định trong Công ước.

Sở dĩ có kết luận trên là vì Trung Quốc đã sử dụng bằng chứng lịch sử để cho rằng phạm vi “đường chín đoạn” trên Biển Đông thuộc chủ quyền tự nhiên của quốc gia này. Kết luận đã tái khẳng định tính thống nhất và phổ quát của UNCLOS 1982 như là cơ sở pháp lý tối cao để giải quyết các vấn đề liên quan đến phân định vùng biển, tránh để những nhập nhằng lịch sử giữa các quốc gia kéo dài thêm các tranh chấp ở Biển Đông.

Đối với Việt Nam, hệ quả khó tránh khỏi sau khi phán quyết từ chối công nhận tính pháp lý của quyền lịch sử là nó có thể khiến khả năng tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - dựa trên bằng chứng lịch sử - bị thế giới bác bỏ. Các lập trường pháp lý của Việt Nam, nhất là tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, rất có thể bị tác động từ phán quyết, đặc biệt là nếu Việt Nam dự định tạo nên một vụ kiện tương tự Philippines nhằm “hợp pháp hoá” chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hoặc “vô tình” trở thành một bên liên quan trong bất kỳ vụ kiện Biển Đông nào tại tòa án quốc tế như Trung Quốc.

Đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn coi việc Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tương đương với việc tham gia vào vấn đề Biển Đông trong vai trò là một bên tranh chấp. Vào tháng 1 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố văn bản “Limits in the Seas No. 150 – People’s Republic of China: Maritime Claims in the South China Sea” (tạm dịch: “Các giới hạn trên biển Số 150 – Yêu sách Biển Đông của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”), trong đó có đoạn: “Mỗi đảo hoặc nhóm đảo [ở Biển Đông] được tuyên bố chủ quyền bởi ít nhất một bên yêu sách khác”, trong đó có “Việt Nam (quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa)”. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà chỉ xem Hà Nội, tương tự như Bắc Kinh, là một bên yêu sách ở Biển Đông.

Kế đến, phán quyết chỉ liên quan đến vấn đề thẩm quyền và không giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia. Thể theo đề nghị trong tuyên bố khởi kiện của Philippines, Tòa Trọng tài Biển Đông không có thẩm quyền phân định chủ quyền cho các thực thể trên biển đang bị tranh chấp giữa các bên. Nói cách khác, phán quyết không quyết định quốc gia nào có quyền sở hữu các thực thể hàng hải ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Thực chất, giới hạn thẩm quyền nêu trên vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của UNCLOS 1982. Cụ thể, Điều 279 của Công ước quy định, các tranh chấp song phương hoặc đa phương ở Biển Đông sẽ được giải quyết trực tiếp bởi các bên liên quan “bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Điều 2, khoản 3 của Hiến chương Liên Hợp Quốc”. Theo đó, các bên liên quan có thể tự giải quyết các tranh chấp giữa họ, miễn là “không tổn hại đến hòa bình, an ninh quốc tế và công lý”.

Về mặt tích cực, việc giới hạn thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa Trọng tài Biển Đông tạo không gian linh hoạt để các tranh chấp hàng hải được giải quyết hòa bình trong nội bộ các bên liên quan mà không cần đến sự can thiệp của một tòa trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, đây có thể là kẽ hở để Trung Quốc tận dụng sức mạnh kinh tế và quân sự của một cường quốc nhằm làm “đòn bẩy” trong những cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp hàng hải với các nước nhỏ hơn, nơi luật quốc tế không đủ “sức nặng” để gây áp lực lên Bắc Kinh. Triển vọng mong manh của tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN sau hơn hai thập kỷ là ví dụ rõ nét.

Cuối cùng, hạn chế lớn nhất của phán quyết là, Trung Quốc chưa bao giờ chấp nhận tính pháp lý và các kết luận của phán quyết. Trong khi vẫn sử dụng lập luận lịch sử để làm cơ sở tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, Trung Quốc “tôn trọng” UNCLOS 1982 dưới hình thức lợi dụng triệt để các khoảng trống trong Công ước, trong đó có việc loại trừ quốc gia này khỏi nghĩa vụ thi hành phán quyết.

Là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết và phê chuẩn UNCLOS 1982, Trung Quốc tự khẳng định mình thực hiện “đầy đủ, trung thành” và “đóng góp tích cực” cho các cơ chế của Công ước. Tuy nhiên, vào năm 2006, viện dẫn Điều 298 của UNCLOS 1982 về quyền được từ chối thực hiện các nghĩa vụ bắt buộc liên quan đến giải quyết tranh chấp, Bắc Kinh đã đơn phương miễn trừ quốc gia này khỏi thủ tục trọng tài bắt buộc về phân định biển, danh nghĩa lịch sử, và các hoạt động thực thi pháp luật. Theo Trung Quốc, phán quyết năm 2016 cũng nằm trong phạm vi miễn trừ này.

Ngày 10/6/2016, Hiệp hội Luật Quốc tế Trung Quốc (CSIL) đã xuất bản một báo cáo có tựa đề “The Tribunal’s Award in the 'South China Sea Arbitration' Initiated by the Philippines Is Null and Void” (tạm dịch: “Phán quyết của Tòa Trọng tài trong ‘Vụ kiện Biển Đông’ do Philippines khởi xướng là vô hiệu”), cho rằng phán quyết “đầy sai sót trong cả việc xác định thực tế và áp dụng pháp luật”. Từ đó đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Bốn Không” ở Biển Đông, đó là không chấp nhận, không tham gia, không công nhận, và không thực hiện phán quyết của Tòa trọng tài.

Thật vậy, bên cạnh phớt lờ phán quyết, Bắc Kinh thường xuyên cản trở các tàu đánh cá của các quốc gia trong khu vực, song song với tiến hành tuần tra gần như mỗi ngày tại các khu vực mà nước này có tranh chấp ở Biển Đông nhằm ngăn chặn các hoạt động quân sự và thăm dò của các quốc gia khác. Theo dữ liệu được công bố trên trang web của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), từ năm 2013 đến nay, có ít nhất 3.200 mẫu đất mới do Trung Quốc xây dựng và bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Bên cạnh gây cản trở cho các hoạt động di chuyển và thương mại ở Biển Đông thì các hành động của Trung Quốc còn là một phần trong nỗ lực lâu dài của Bắc Kinh nhằm tăng cường tuyên bố chủ quyền đối với hơn 80% Biển Đông.

Bắc Kinh cho rằng việc quốc gia này từ chối tuân thủ phán quyết vẫn tuân theo các quy định của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, thực chất là cường quốc này chỉ đang lựa chọn tuân thủ những điều khoản của UNCLOS 1982 có lợi cho quốc gia mình. Đó là cách tiếp cận không phù hợp với tinh thần “thỏa thuận trọn gói” (package deal) được thúc đẩy trong các cuộc đàm phán UNCLOS 1982, yêu cầu các quốc gia thành viên “chấp nhận một cách tổng thể mọi nội dung [của Công ước] mà không bảo lưu bất kỳ khía cạnh nào”.

Quan sát tình hình Biển Đông hiện nay, khó có thể khẳng định phán quyết là một hướng dẫn pháp lý ưu việt giúp các quốc gia giải quyết tranh chấp và ứng phó với những hành vi ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh. Về bản chất, thực tế ấy không chỉ bắt nguồn từ một số hạn chế còn tồn tại trong phán quyết, mà chủ yếu là do tính tương đối của một trật tự thế giới bị chi phối bởi nền chính trị cường quyền (great-power politics), nơi các cường quốc sở hữu ưu thế về ý chí lẫn nguồn lực để thiết lập “luật chơi” riêng.

Chỉ công cụ pháp lý và việc áp dựng chúng là chưa đủ để giữ vững hoà bình ở Biển Đông. Vùng biển này cần có những lực lượng thường trực đủ khả năng đối trọng với quyền lực của Bắc Kinh. Lực lượng ấy có thể là một hay nhiều cường quốc bên ngoài như Mỹ, Australia, Bộ tứ kim cương (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia - QUAD), hoặc Bộ ba AUKUS (gồm Australia, Anh và Mỹ),... Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu lực lượng này được tạo nên từ chính sự hợp lực của các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó những nước chịu tác động trực tiếp bởi các yêu sách phi pháp và hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông (như Philippines và Việt Nam) nên là thành viên đi đầu.

Ở giai đoạn đầu, các sáng kiến hợp tác “tiểu đa phương” (minilateral) trong ASEAN nhằm tăng cường khả năng phối hợp chấp pháp trên Biển Đông, hoặc kết hợp nghiên cứu khoa học đại dương để bảo vệ chủ quyền, là hoàn toàn khả thi. Minh chứng là trước đây đã từng có một số hoạt động được triển khai như: Đoàn thám hiểm nghiên cứu khoa học biển và hải dương học chung ở Biển Đông (JOMSRE-SCS) giữa Philippines và Việt Nam (1994-2007); hoạt động Tuần tra Eo biển Malacca (MSP) giữa Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan (năm 2015); Thỏa thuận Hợp tác Ba bên (TCA) giữa Indonesia, Malaysia và Philippines để tuần tra trên biển và trên không, chia sẻ thông tin tình báo và thành lập Trung tâm chỉ huy hàng hải (MCC) ở các vùng biển Sulu và Sulawesi (năm 2017);...

Tuy nhiên, những sáng kiến hợp tác hàng hải trong ASEAN thường vấp phải hai trở ngại. Thứ nhất, ASEAN có thể bị Trung Quốc gây rối và ngăn chặn. Thứ hai, việc mở rộng phạm vi hợp tác lên toàn khối ASEAN dường như là một ý tưởng kém hấp dẫn đối với các thành viên không có yêu sách ở Biển Đông và có xu hướng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc như Lào Myanmar.

Do đó, ASEAN thường triển khai một cách “âm thầm” với số lượng nhỏ thành viên để linh hoạt hơn trong việc ra quyết định và tránh sự chú ý của Trung Quốc. Về dài hạn, các nhóm “tiểu đa phương” trong ASEAN cần cân nhắc thuận lợi và rủi ro trong việc kêu gọi sự tham gia của các quốc gia tầm trung trong khu vực như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, hoặc hợp tác với các lực lượng bên ngoài (như QUAD và/ hay AUKUS). Một khi ASEAN xây dựng thành công các sáng kiến có khả năng kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông, đó mới thực sự là một “chiến thắng cho tất cả”.

Từ khoá: Phán quyết Trọng tài Biển Đông chiến thuật "vùng xám" UNCLOS 1982 Hoàng Sa Trường Sa COC

BÀI LIÊN QUAN