Chính trị - Ngoại giao | An ninh - Quốc phòng   23/10/2024

“Bên miệng hố chiến tranh”: Căng thẳng Hàn - Triều có vượt tầm kiểm soát?

Triều Tiên sửa đổi hiến pháp, gọi Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”, và đơn phương chấm dứt hoà giải với Seoul. Liệu chiến tranh giữa hai miền Nam - Bắc có tái diễn?

Image
Triều Tiên đã cho nổ tung một số đoạn đường bộ và đường sắt kết nối với Hàn Quốc hôm 15/10. - (C): KCNA

Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đã lên đến đỉnh điểm hôm 17/10, khi Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (gọi tắt là Triều Tiên) hoàn tất việc sửa đổi hiến pháp, lần đầu tiên nêu đích danh Hàn Quốc là “quốc gia thù địch” (hostile state) trong văn bản luật cao nhất của nước này.

Đồng thời, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo Quân đội Nhân dân nước này đã phá hủy các đoạn đường bộ và đường sắt dài 60m dọc theo phần phía đông và phía tây của biên giới liên Triều “như một phần của sự tách biệt hoàn toàn [hai miền Nam - Bắc Triều] theo từng giai đoạn”. Bình Nhưỡng cũng coi việc phá hủy các đoạn đường sắt này là hành động hợp pháp để chống lại “quốc gia thù địch” theo quy định của hiến pháp sửa đổi.

Những động thái này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ liên Triều, phản ánh sự thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng. Việc chính thức gọi Hàn Quốc là “quốc gia thù địch” trong hiến pháp không chỉ có tính biểu tượng mà còn dẫn đến những hệ quả chính trị. Cụ thể, cách định danh Hàn Quốc như vậy đã và sẽ được Triều Tiên sử dụng để biện minh cho các hành động thù địch của nước này trong tương lai cũng như làm suy yếu bất kỳ nỗ lực hòa giải nào trên Bán đảo Triều Tiên. Hơn nữa, việc phá hủy các tuyến đường liên lạc vật lý giữa hai miền không chỉ là một hành động mang tính thực tế mà còn là một thông điệp mạnh mẽ về ý định cắt đứt mọi liên hệ với Hàn Quốc.

Căng thẳng leo thang

Để hiểu rõ hơn về tình hình hiện tại, cần nhìn lại diễn biến căng thẳng leo thang từ đầu năm 2024. Từ đầu năm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã công khai gọi Hàn Quốc là “kẻ thù chính” (principal enemy), đồng thời tuyên bố từ bỏ chính sách hòa giải giữa hai miền Nam - Bắc và kêu gọi sửa đổi hiến pháp để loại bỏ khái niệm thống nhất hòa bình. Những tuyên bố này đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Triều Tiên đối với Hàn Quốc: từ bỏ mục tiêu thống nhất hòa bình và chuyển sang một lập trường đối đầu rõ rệt hơn.

Tình hình càng trở nên phức tạp khi Triều Tiên tiến hành chiến dịch thả bóng bay chứa các vật phẩm gây ô nhiễm vào lãnh thổ Hàn Quốc từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6. Chiến dịch này không chỉ là một hành động khiêu khích mà còn là một biểu hiện của chiến lược “ngoại giao cưỡng bức” (coercive diplomacy). Bằng cách tạo ra một cuộc khủng hoảng nhỏ mà không dùng đến vũ lực, Bình Nhưỡng có thể đo lường phản ứng của Seoul và Washington, đồng thời tạo ra đòn bẩy trong các cuộc đàm phán tiềm năng với các bên liên quan trong tương lai.

Phản ứng cứng rắn của Seoul qua việc đình chỉ toàn bộ Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) với Bình Nhưỡng vào đầu tháng 6 cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình và sự thay đổi trong chính sách của Hàn Quốc đối với các hành động khiêu khích của Triều Tiên (thay vì duy trì các phản ứng mang tính ngoại giao như trước đây). Tuy nhiên, việc Triều Tiên chủ động dừng chiến dịch vào ngày 2/6 là một tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng vẫn có sự cân nhắc để không đẩy xung đột vượt quá tầm kiểm soát.

Đến cuối tháng 6, liên minh Mỹ - Nhật - Hàn tiếp tục đẩy căng thẳng khu vực lên cao khi tổ chức cuộc tập trận quân sự ba bên đầu tiên mang tên “Freedom Edge” diễn ra từ ngày 27 - 29/6, nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Triều Tiên về sự đoàn kết của liên minh ba bên. Để đáp trả, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã đưa ra một tuyên bố chỉ trích rằng mối quan hệ ba bên này đang phát triển thành “phiên bản NATO châu Á” (Asian NATO) và nhấn mạnh “sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích an ninh và hòa bình khu vực thông qua các hành động quyết đoán và mạnh mẽ”. Đến ngày 1/7, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết họ phát hiện ít nhất một tên lửa đạn đạo được phóng lên từ phía Triều Tiên như một hành động đáp trả cuộc tập trận “Freedom Edge”.

Từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành liên tiếp hai cuộc tập trận quân sự là “Ulchi Freedom Shield 24” (19/8 - 19/8) và “Ssang Yong 24” (26/8 - 7/9). Đáp lại, Bộ Quốc phòng Triều Tiên cảnh báo rằng các lực lượng vũ trang của họ sẽ không bao giờ dung thứ cho bất kỳ động thái đe dọa an ninh khu vực của Mỹ và Hàn Quốc. Cùng với đó, hôm 3/9, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đích thân giám sát buổi trình diễn máy bay không người lái mới, được thiết kế để thực hiện các cuộc tấn công bằng chất nổ của nước này. Sự kiện này được xem như một phản ứng trực tiếp đối với cuộc tập trận chung đang diễn ra giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc.

Phản ứng của Triều Tiên trước những động thái thắt chặt liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và Mỹ - Hàn còn được thể hiện rõ trong bài phát biểu của Kim Jong-un nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập nước CHDCND Triều Tiên (9/9/1948 - 9/9/2024): “Với những động thái liều lĩnh của khối quân sự do Mỹ dẫn đầu để bành trướng và sự phát triển của khối dựa trên vũ khí hạt nhân, môi trường an ninh quân sự xung quanh CHDCND Triều Tiên đã đến gần hơn với [khối này] như một mối đe dọa nghiêm trọng”. Việc ông Kim nhấn mạnh về mối đe dọa từ “khối quân sự do Mỹ dẫn đầu” (US-led military bloc) cho thấy trên thực tế, Bình Nhưỡng vẫn xem Mỹ và hệ thống đồng minh của Washington là mối nguy chính chứ không chỉ riêng gì Hàn Quốc.

Phát biểu trên của ông Kim phản ánh cách nhìn nhận chiến lược của Triều Tiên về tình hình an ninh khu vực đồng thời có thể ảnh hưởng đến cách Bình Nhưỡng định hình chính sách đối ngoại của quốc gia này trong tương lai. Bằng việc định vị xung đột ở cấp độ khu vực (gọi Hàn Quốc là “kẻ thù chính” và “quốc gia thù địch”) và quốc tế (mối đe dọa từ “khối quân sự do Mỹ dẫn đầu”), trong thời gian tới, Triều Tiên có thể coi đây là cơ sở để biện minh cho các hành động thử nghiệm vũ khí hạt nhân như một phản ứng tự vệ trước các mối đe dọa bên ngoài.

Liệu chiến tranh Nam - Bắc Triều có tái diễn?

Bước sang đầu tháng 10, căng thẳng tiếp tục dâng cao khi Triều Tiên cáo buộc Seoul sử dụng máy bay không người lái để thả tờ rơi tuyên truyền tại Bình Nhưỡng. Việc Triều Tiên cảnh báo sẽ coi bất kỳ vụ xâm nhập nào tiếp theo là “lời tuyên chiến” (a declaration of war) đã đẩy tình hình đến bờ vực xung đột vũ trang. Việc Lee Seong-joon, phát ngôn viên của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), tuyên bố Seoul “hoàn toàn sẵn sàng ứng phó với các hành động của miền Bắc” vào giữa tháng 10 cho thấy cả hai bên đều đang ở trong trạng thái cảnh giác cao độ, làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột do tính toán sai lầm hoặc hiểu sai thông điệp của nhau.

Tình hình hiện tại trên Bán đảo Triều Tiên có thể được phân tích dưới góc độ lý thuyết “bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanship) của Thomas Schelling, liên quan đến việc một quốc gia (ở đây là Triều Tiên) đẩy một cuộc khủng hoảng đến gần điểm bùng nổ cốt yếu là để buộc đối phương (Hàn Quốc) phải nhượng bộ, trong khi vẫn giữ lựa chọn mở về việc có nên tiếp tục leo thang căng thẳng hay không.

Với tình hình hiện nay, cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều có những động thái leo thang căng thẳng, nhưng thời gian tới hai phía có thể vẫn thận trọng để tránh vượt quá ngưỡng dẫn đến xung đột toàn diện. Phát biểu của ông Kim hồi tháng 1 rằng “Chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng chúng tôi không có ý định tránh nó” phản ánh rõ chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” của Triều Tiên. Bằng cách tạo ra một mức độ không chắc chắn về ý định thực sự của mình, Triều Tiên có thể tăng cường vị thế đàm phán và buộc các bên liên quan phải cân nhắc kỹ lưỡng các động thái tiếp theo của họ. Kết quả là đến ngày 15/8, trong bài phát biểu kỷ niệm Ngày Giải phóng (Gwangbokjeol) – khi Hàn Quốc thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Nhật, Tổng thống nước này là Yoon Suk-yeol đã đề xuất thiết lập kênh đối thoại chính thức với Triều Tiên, theo đó thành lập một “Nhóm công tác liên Triều” để thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm giảm căng thẳng, hợp tác kinh tế và trao đổi văn hóa.

Những tín hiệu ít nhiều thiện chí của cả Triều Tiên và Hàn Quốc cho thấy, trong suốt 10 tháng qua với hàng loạt căng thẳng liên tiếp xảy ra trên bán đảo này, đâu đó vẫn hé mở cánh cửa cho khả năng nối lại đối thoại giữa hai miền. Nói cách khác, mặc dù tình hình đang diễn biến căng thẳng, khả năng xảy ra xung đột vũ trang quy mô lớn giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn được đánh giá là khá thấp.

Bàn về động cơ của Triều Tiên trong việc leo thang căng thẳng với Hàn Quốc, một yếu tố quan trọng khác cần xem xét là tình hình kinh tế - xã hội nội bộ có tác động ra sao đến quyết sách đối ngoại của Bình Nhưỡng. Các biện pháp trừng phạt quốc tế kéo dài cùng với những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra đã đặt nền kinh tế Triều Tiên dưới áp lực đáng kể. Bên cạnh đó, trong đợt lũ lụt khiến hơn 4.000 người thiệt mạng ở Triều Tiên hồi tháng 7, chính quyền Kim được báo cáo là đã hành quyết khoảng 30 quan chức vì tội không chuẩn bị ứng phó đầy đủ trước thiên tai, ép buộc lao động Triều Tiên ở nước ngoài phải trích lương để quyên góp về trong nước dù họ đang nhận được thu nhập rất thấp, và buôn lậu hàng cứu trợ vào các khu vực bị lũ lụt.

Trong bối cảnh đó, việc leo thang căng thẳng với Hàn Quốc và Mỹ có thể được xem như cách thức chính quyền Kim sử dụng để củng cố sự ủng hộ nội bộ và chuyển hướng sự chú ý của dư luận khỏi các vấn đề trong nước. Nếu những động thái gần đây của Triều Tiên thật sự chỉ nhằm mục đích “chuyển lửa ra bên ngoài”, khả năng căng thẳng liên Triều leo thang thành một cuộc chiến là khó xảy ra.

Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc Triều Tiên nắm giữ trong tay vũ khí hạt nhân cũng đóng vai trò như một yếu tố răn đe, làm tăng chi phí và rủi ro của bất kỳ cuộc xung đột nào. Một cuộc chiến tranh nổ ra sẽ mang đến hậu quả thảm khốc không chỉ đối với Triều Tiên và Hàn Quốc mà còn đối với cả khu vực và thế giới. Tuy nhiên, cũng theo lý thuyết “bên miệng hố chiến tranh”, việc tính toán sai lầm hoặc leo thang xung đột ngoài ý muốn giữa các bên liên quan vẫn có khả năng xảy ra, đòi hỏi các bên liên quan cần có nỗ lực nghiêm túc để cải thiện tình hình (như nối lại đàm phán và chấm dứt các hành động khiêu khích).

Cần một “lối ra” cho căng thẳng

Để giải quyết căng thẳng hiện tại, cần có sự nỗ lực không chỉ từ hai miền Nam - Bắc Triều mà còn từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc có ảnh hưởng trong khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Việc duy trì các kênh đối thoại, xây dựng lòng tin và tìm kiếm các biện pháp giảm thiểu căng thẳng là vô cùng quan trọng.  

Sau khi Bình Nhưỡng thông qua Đạo luật Hạt nhân (Nuclear Law) và ghi nhận trong hiến pháp rằng nước này là quốc gia hạt nhân (tháng 9/2022), việc đàm phán chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên càng trở nên khó đạt được. Song, vẫn có một số giải pháp trong ngắn và dài hạn để làm dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong ngắn hạn, việc thiết lập lại các kênh liên lạc và đối thoại giữa hai miền là bước đi cấp thiết để ngăn chặn nguy cơ leo thang không mong muốn. Các biện pháp xây dựng lòng tin, như trao đổi thông tin về các hoạt động quân sự hoặc thiết lập đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo quân sự, có thể giúp giảm nguy cơ xung đột do hiểu nhầm. Đặc biệt, Bình Nhưỡng và Seoul nên cùng lùi một bước để ngồi vào bàn đàm phán nhằm nối lại toàn bộ hoặc chí ít là một phần của CMA (bị Hàn Quốc đơn phương đình chỉ hồi tháng 6). Hai nước cũng nên tính đến chuyện hồi sinh Văn phòng liên lạc chung liên Triều (đã bị Triều Tiên cho nổ tung cách đây 4 năm), cũng như đảm bảo rằng cả hai bên tuân thủ nghiêm ngặt Đường phân giới quân sự (MDL) để tránh mọi hành động khiêu khích có thể dẫn đến đụng độ.

Trong dài hạn, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đối thoại đa phương, với mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và thiết lập một cơ chế hòa bình bền vững trong khu vực. Điều này có thể bao gồm việc tái khởi động các cuộc đàm phán sáu bên (gồm sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nga, Trung Quốc) hoặc thiết lập một khuôn khổ đối thoại mới có sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

Vai trò của các cường quốc khu vực, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, cũng rất quan trọng trong việc giải quyết căng thẳng. Là đồng minh truyền thống của Triều Tiên, Trung Quốc có thể sử dụng ảnh hưởng của mình để khuyến khích Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán. Trong khi đó, Nga – quốc gia có biên giới vùng Viễn Đông giáp với Triều Tiên và đã đầu tư một lượng vốn đáng kể vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn như đường ống dẫn dầu và khí đốt và các nút giao thông đường sắt xuyên Triều Tiên và xuyên Siberia, có thể can dự như một bên trung gian. Nga có thể khuyến khích các cuộc đối thoại không chính thức giữa Bình Nhưỡng và Seoul, nhằm đảm bảo an ninh và lợi ích kinh tế chiến lược của Moscow không bị ảnh hưởng bởi một cuộc chiến tranh trên Bán đảo này.

Tuy nhiên, để đạt được tiến bộ thực sự, cần có sự thay đổi trong cách tiếp cận của tất cả các bên, bao gồm Mỹ và Hàn Quốc. Thay vì tập trung vào các biện pháp trừng phạt và cô lập, Washington và Seoul cần xem xét các biện pháp để khuyến khích Bình Nhưỡng tham gia đối thoại và điều chỉnh lại hiến pháp (dù khả năng này là không mấy hứa hẹn). Đồng thời, Triều Tiên cũng cần thể hiện thiện chí thông qua các hành động cụ thể, như tạm dừng các vụ thử tên lửa hoặc cho phép thanh sát quốc tế tại các cơ sở hạt nhân.

Ngoài ra, bốn quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam, Indonesia, Singapore và Thái Lan có thể trở thành trung gian hòa giải tiềm năng cho quan hệ liên Triều. Trong số đó, Việt Nam được xem là lựa chọn tốt hơn cả vì chính sách trung lập của Hà Nội và nước này đã duy trì mối quan hệ tốt đẹp trong nhiều năm với cả Triều Tiên và Hàn Quốc.

Nhìn chung, Bán đảo Triều Tiên đang ở thời kỳ căng thẳng nhất trong vòng vài năm trở lại đây. Mặc dù căng thẳng đã đến mức báo động, vẫn còn cơ hội để ngăn chặn một cuộc xung đột toàn diện và thúc đẩy đối thoại hòa bình. Điều này đòi hỏi thiện chí đối thoại (thay vì đối đầu) từ tất cả các bên liên quan. Chỉ thông qua những nỗ lực chung như vậy, mới có thể hy vọng ngăn chặn được một cuộc “chiến tranh Nam - Bắc Triều 2.0” và nối lại cơ hội hoà giải cho hai miền Triều Tiên.

Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đã lên đến đỉnh điểm hôm 17/10, khi Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (gọi tắt là Triều Tiên) hoàn tất việc sửa đổi hiến pháp, lần đầu tiên nêu đích danh Hàn Quốc là “quốc gia thù địch” (hostile state) trong văn bản luật cao nhất của nước này.

Đồng thời, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) thông báo Quân đội Nhân dân nước này đã phá hủy các đoạn đường bộ và đường sắt dài 60m dọc theo phần phía đông và phía tây của biên giới liên Triều “như một phần của sự tách biệt hoàn toàn [hai miền Nam - Bắc Triều] theo từng giai đoạn”. Bình Nhưỡng cũng coi việc phá hủy các đoạn đường sắt này là hành động hợp pháp để chống lại “quốc gia thù địch” theo quy định của hiến pháp sửa đổi.

Những động thái này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ liên Triều, phản ánh sự thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng. Việc chính thức gọi Hàn Quốc là “quốc gia thù địch” trong hiến pháp không chỉ có tính biểu tượng mà còn dẫn đến những hệ quả chính trị. Cụ thể, cách định danh Hàn Quốc như vậy đã và sẽ được Triều Tiên sử dụng để biện minh cho các hành động thù địch của nước này trong tương lai cũng như làm suy yếu bất kỳ nỗ lực hòa giải nào trên Bán đảo Triều Tiên. Hơn nữa, việc phá hủy các tuyến đường liên lạc vật lý giữa hai miền không chỉ là một hành động mang tính thực tế mà còn là một thông điệp mạnh mẽ về ý định cắt đứt mọi liên hệ với Hàn Quốc.

Căng thẳng leo thang

Để hiểu rõ hơn về tình hình hiện tại, cần nhìn lại diễn biến căng thẳng leo thang từ đầu năm 2024. Từ đầu năm, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã công khai gọi Hàn Quốc là “kẻ thù chính” (principal enemy), đồng thời tuyên bố từ bỏ chính sách hòa giải giữa hai miền Nam - Bắc và kêu gọi sửa đổi hiến pháp để loại bỏ khái niệm thống nhất hòa bình. Những tuyên bố này đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong chính sách của Triều Tiên đối với Hàn Quốc: từ bỏ mục tiêu thống nhất hòa bình và chuyển sang một lập trường đối đầu rõ rệt hơn.

Tình hình càng trở nên phức tạp khi Triều Tiên tiến hành chiến dịch thả bóng bay chứa các vật phẩm gây ô nhiễm vào lãnh thổ Hàn Quốc từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6. Chiến dịch này không chỉ là một hành động khiêu khích mà còn là một biểu hiện của chiến lược “ngoại giao cưỡng bức” (coercive diplomacy). Bằng cách tạo ra một cuộc khủng hoảng nhỏ mà không dùng đến vũ lực, Bình Nhưỡng có thể đo lường phản ứng của Seoul và Washington, đồng thời tạo ra đòn bẩy trong các cuộc đàm phán tiềm năng với các bên liên quan trong tương lai.

Phản ứng cứng rắn của Seoul qua việc đình chỉ toàn bộ Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) với Bình Nhưỡng vào đầu tháng 6 cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình hình và sự thay đổi trong chính sách của Hàn Quốc đối với các hành động khiêu khích của Triều Tiên (thay vì duy trì các phản ứng mang tính ngoại giao như trước đây). Tuy nhiên, việc Triều Tiên chủ động dừng chiến dịch vào ngày 2/6 là một tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng vẫn có sự cân nhắc để không đẩy xung đột vượt quá tầm kiểm soát.

Đến cuối tháng 6, liên minh Mỹ - Nhật - Hàn tiếp tục đẩy căng thẳng khu vực lên cao khi tổ chức cuộc tập trận quân sự ba bên đầu tiên mang tên “Freedom Edge” diễn ra từ ngày 27 - 29/6, nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Triều Tiên về sự đoàn kết của liên minh ba bên. Để đáp trả, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã đưa ra một tuyên bố chỉ trích rằng mối quan hệ ba bên này đang phát triển thành “phiên bản NATO châu Á” (Asian NATO) và nhấn mạnh “sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích an ninh và hòa bình khu vực thông qua các hành động quyết đoán và mạnh mẽ”. Đến ngày 1/7, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết họ phát hiện ít nhất một tên lửa đạn đạo được phóng lên từ phía Triều Tiên như một hành động đáp trả cuộc tập trận “Freedom Edge”.

Từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9, Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành liên tiếp hai cuộc tập trận quân sự là “Ulchi Freedom Shield 24” (19/8 - 19/8) và “Ssang Yong 24” (26/8 - 7/9). Đáp lại, Bộ Quốc phòng Triều Tiên cảnh báo rằng các lực lượng vũ trang của họ sẽ không bao giờ dung thứ cho bất kỳ động thái đe dọa an ninh khu vực của Mỹ và Hàn Quốc. Cùng với đó, hôm 3/9, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đích thân giám sát buổi trình diễn máy bay không người lái mới, được thiết kế để thực hiện các cuộc tấn công bằng chất nổ của nước này. Sự kiện này được xem như một phản ứng trực tiếp đối với cuộc tập trận chung đang diễn ra giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc.

Phản ứng của Triều Tiên trước những động thái thắt chặt liên minh Mỹ - Nhật - Hàn và Mỹ - Hàn còn được thể hiện rõ trong bài phát biểu của Kim Jong-un nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày thành lập nước CHDCND Triều Tiên (9/9/1948 - 9/9/2024): “Với những động thái liều lĩnh của khối quân sự do Mỹ dẫn đầu để bành trướng và sự phát triển của khối dựa trên vũ khí hạt nhân, môi trường an ninh quân sự xung quanh CHDCND Triều Tiên đã đến gần hơn với [khối này] như một mối đe dọa nghiêm trọng”. Việc ông Kim nhấn mạnh về mối đe dọa từ “khối quân sự do Mỹ dẫn đầu” (US-led military bloc) cho thấy trên thực tế, Bình Nhưỡng vẫn xem Mỹ và hệ thống đồng minh của Washington là mối nguy chính chứ không chỉ riêng gì Hàn Quốc.

Phát biểu trên của ông Kim phản ánh cách nhìn nhận chiến lược của Triều Tiên về tình hình an ninh khu vực đồng thời có thể ảnh hưởng đến cách Bình Nhưỡng định hình chính sách đối ngoại của quốc gia này trong tương lai. Bằng việc định vị xung đột ở cấp độ khu vực (gọi Hàn Quốc là “kẻ thù chính” và “quốc gia thù địch”) và quốc tế (mối đe dọa từ “khối quân sự do Mỹ dẫn đầu”), trong thời gian tới, Triều Tiên có thể coi đây là cơ sở để biện minh cho các hành động thử nghiệm vũ khí hạt nhân như một phản ứng tự vệ trước các mối đe dọa bên ngoài.

Liệu chiến tranh Nam - Bắc Triều có tái diễn?

Bước sang đầu tháng 10, căng thẳng tiếp tục dâng cao khi Triều Tiên cáo buộc Seoul sử dụng máy bay không người lái để thả tờ rơi tuyên truyền tại Bình Nhưỡng. Việc Triều Tiên cảnh báo sẽ coi bất kỳ vụ xâm nhập nào tiếp theo là “lời tuyên chiến” (a declaration of war) đã đẩy tình hình đến bờ vực xung đột vũ trang. Việc Lee Seong-joon, phát ngôn viên của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), tuyên bố Seoul “hoàn toàn sẵn sàng ứng phó với các hành động của miền Bắc” vào giữa tháng 10 cho thấy cả hai bên đều đang ở trong trạng thái cảnh giác cao độ, làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột do tính toán sai lầm hoặc hiểu sai thông điệp của nhau.

Tình hình hiện tại trên Bán đảo Triều Tiên có thể được phân tích dưới góc độ lý thuyết “bên miệng hố chiến tranh” (brinkmanship) của Thomas Schelling, liên quan đến việc một quốc gia (ở đây là Triều Tiên) đẩy một cuộc khủng hoảng đến gần điểm bùng nổ cốt yếu là để buộc đối phương (Hàn Quốc) phải nhượng bộ, trong khi vẫn giữ lựa chọn mở về việc có nên tiếp tục leo thang căng thẳng hay không.

Với tình hình hiện nay, cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều có những động thái leo thang căng thẳng, nhưng thời gian tới hai phía có thể vẫn thận trọng để tránh vượt quá ngưỡng dẫn đến xung đột toàn diện. Phát biểu của ông Kim hồi tháng 1 rằng “Chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng chúng tôi không có ý định tránh nó” phản ánh rõ chiến lược “bên miệng hố chiến tranh” của Triều Tiên. Bằng cách tạo ra một mức độ không chắc chắn về ý định thực sự của mình, Triều Tiên có thể tăng cường vị thế đàm phán và buộc các bên liên quan phải cân nhắc kỹ lưỡng các động thái tiếp theo của họ. Kết quả là đến ngày 15/8, trong bài phát biểu kỷ niệm Ngày Giải phóng (Gwangbokjeol) – khi Hàn Quốc thoát khỏi ách thống trị của đế quốc Nhật, Tổng thống nước này là Yoon Suk-yeol đã đề xuất thiết lập kênh đối thoại chính thức với Triều Tiên, theo đó thành lập một “Nhóm công tác liên Triều” để thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm giảm căng thẳng, hợp tác kinh tế và trao đổi văn hóa.

Những tín hiệu ít nhiều thiện chí của cả Triều Tiên và Hàn Quốc cho thấy, trong suốt 10 tháng qua với hàng loạt căng thẳng liên tiếp xảy ra trên bán đảo này, đâu đó vẫn hé mở cánh cửa cho khả năng nối lại đối thoại giữa hai miền. Nói cách khác, mặc dù tình hình đang diễn biến căng thẳng, khả năng xảy ra xung đột vũ trang quy mô lớn giữa Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn được đánh giá là khá thấp.

Bàn về động cơ của Triều Tiên trong việc leo thang căng thẳng với Hàn Quốc, một yếu tố quan trọng khác cần xem xét là tình hình kinh tế - xã hội nội bộ có tác động ra sao đến quyết sách đối ngoại của Bình Nhưỡng. Các biện pháp trừng phạt quốc tế kéo dài cùng với những thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra đã đặt nền kinh tế Triều Tiên dưới áp lực đáng kể. Bên cạnh đó, trong đợt lũ lụt khiến hơn 4.000 người thiệt mạng ở Triều Tiên hồi tháng 7, chính quyền Kim được báo cáo là đã hành quyết khoảng 30 quan chức vì tội không chuẩn bị ứng phó đầy đủ trước thiên tai, ép buộc lao động Triều Tiên ở nước ngoài phải trích lương để quyên góp về trong nước dù họ đang nhận được thu nhập rất thấp, và buôn lậu hàng cứu trợ vào các khu vực bị lũ lụt.

Trong bối cảnh đó, việc leo thang căng thẳng với Hàn Quốc và Mỹ có thể được xem như cách thức chính quyền Kim sử dụng để củng cố sự ủng hộ nội bộ và chuyển hướng sự chú ý của dư luận khỏi các vấn đề trong nước. Nếu những động thái gần đây của Triều Tiên thật sự chỉ nhằm mục đích “chuyển lửa ra bên ngoài”, khả năng căng thẳng liên Triều leo thang thành một cuộc chiến là khó xảy ra.

Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, việc Triều Tiên nắm giữ trong tay vũ khí hạt nhân cũng đóng vai trò như một yếu tố răn đe, làm tăng chi phí và rủi ro của bất kỳ cuộc xung đột nào. Một cuộc chiến tranh nổ ra sẽ mang đến hậu quả thảm khốc không chỉ đối với Triều Tiên và Hàn Quốc mà còn đối với cả khu vực và thế giới. Tuy nhiên, cũng theo lý thuyết “bên miệng hố chiến tranh”, việc tính toán sai lầm hoặc leo thang xung đột ngoài ý muốn giữa các bên liên quan vẫn có khả năng xảy ra, đòi hỏi các bên liên quan cần có nỗ lực nghiêm túc để cải thiện tình hình (như nối lại đàm phán và chấm dứt các hành động khiêu khích).

Cần một “lối ra” cho căng thẳng

Để giải quyết căng thẳng hiện tại, cần có sự nỗ lực không chỉ từ hai miền Nam - Bắc Triều mà còn từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc có ảnh hưởng trong khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Việc duy trì các kênh đối thoại, xây dựng lòng tin và tìm kiếm các biện pháp giảm thiểu căng thẳng là vô cùng quan trọng.  

Sau khi Bình Nhưỡng thông qua Đạo luật Hạt nhân (Nuclear Law) và ghi nhận trong hiến pháp rằng nước này là quốc gia hạt nhân (tháng 9/2022), việc đàm phán chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên càng trở nên khó đạt được. Song, vẫn có một số giải pháp trong ngắn và dài hạn để làm dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong ngắn hạn, việc thiết lập lại các kênh liên lạc và đối thoại giữa hai miền là bước đi cấp thiết để ngăn chặn nguy cơ leo thang không mong muốn. Các biện pháp xây dựng lòng tin, như trao đổi thông tin về các hoạt động quân sự hoặc thiết lập đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo quân sự, có thể giúp giảm nguy cơ xung đột do hiểu nhầm. Đặc biệt, Bình Nhưỡng và Seoul nên cùng lùi một bước để ngồi vào bàn đàm phán nhằm nối lại toàn bộ hoặc chí ít là một phần của CMA (bị Hàn Quốc đơn phương đình chỉ hồi tháng 6). Hai nước cũng nên tính đến chuyện hồi sinh Văn phòng liên lạc chung liên Triều (đã bị Triều Tiên cho nổ tung cách đây 4 năm), cũng như đảm bảo rằng cả hai bên tuân thủ nghiêm ngặt Đường phân giới quân sự (MDL) để tránh mọi hành động khiêu khích có thể dẫn đến đụng độ.

Trong dài hạn, cộng đồng quốc tế cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đối thoại đa phương, với mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và thiết lập một cơ chế hòa bình bền vững trong khu vực. Điều này có thể bao gồm việc tái khởi động các cuộc đàm phán sáu bên (gồm sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nga, Trung Quốc) hoặc thiết lập một khuôn khổ đối thoại mới có sự tham gia của tất cả các bên liên quan.

Vai trò của các cường quốc khu vực, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, cũng rất quan trọng trong việc giải quyết căng thẳng. Là đồng minh truyền thống của Triều Tiên, Trung Quốc có thể sử dụng ảnh hưởng của mình để khuyến khích Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán. Trong khi đó, Nga – quốc gia có biên giới vùng Viễn Đông giáp với Triều Tiên và đã đầu tư một lượng vốn đáng kể vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn như đường ống dẫn dầu và khí đốt và các nút giao thông đường sắt xuyên Triều Tiên và xuyên Siberia, có thể can dự như một bên trung gian. Nga có thể khuyến khích các cuộc đối thoại không chính thức giữa Bình Nhưỡng và Seoul, nhằm đảm bảo an ninh và lợi ích kinh tế chiến lược của Moscow không bị ảnh hưởng bởi một cuộc chiến tranh trên Bán đảo này.

Tuy nhiên, để đạt được tiến bộ thực sự, cần có sự thay đổi trong cách tiếp cận của tất cả các bên, bao gồm Mỹ và Hàn Quốc. Thay vì tập trung vào các biện pháp trừng phạt và cô lập, Washington và Seoul cần xem xét các biện pháp để khuyến khích Bình Nhưỡng tham gia đối thoại và điều chỉnh lại hiến pháp (dù khả năng này là không mấy hứa hẹn). Đồng thời, Triều Tiên cũng cần thể hiện thiện chí thông qua các hành động cụ thể, như tạm dừng các vụ thử tên lửa hoặc cho phép thanh sát quốc tế tại các cơ sở hạt nhân.

Ngoài ra, bốn quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam, Indonesia, Singapore và Thái Lan có thể trở thành trung gian hòa giải tiềm năng cho quan hệ liên Triều. Trong số đó, Việt Nam được xem là lựa chọn tốt hơn cả vì chính sách trung lập của Hà Nội và nước này đã duy trì mối quan hệ tốt đẹp trong nhiều năm với cả Triều Tiên và Hàn Quốc.

Nhìn chung, Bán đảo Triều Tiên đang ở thời kỳ căng thẳng nhất trong vòng vài năm trở lại đây. Mặc dù căng thẳng đã đến mức báo động, vẫn còn cơ hội để ngăn chặn một cuộc xung đột toàn diện và thúc đẩy đối thoại hòa bình. Điều này đòi hỏi thiện chí đối thoại (thay vì đối đầu) từ tất cả các bên liên quan. Chỉ thông qua những nỗ lực chung như vậy, mới có thể hy vọng ngăn chặn được một cuộc “chiến tranh Nam - Bắc Triều 2.0” và nối lại cơ hội hoà giải cho hai miền Triều Tiên.

Từ khoá: Bán đảo Triều Tiên Triều Tiên Hàn Quốc quan hệ liên Triều vũ khí hạt nhân Đông Bắc Á

BÀI LIÊN QUAN