Cạnh tranh chính trị gay gắt
Trong một tuần qua, tình hình chính trị ở Indonesia đã chứng kiến nhiều diễn biến đáng chú ý. Vào ngày 19/8, Tổng thống Joko Widodo (tên thường gọi là Jokowi) đã công bố quyết định cải tổ nội các, bổ nhiệm bốn vị trí gồm ba bộ trưởng và một thứ trưởng. Động thái trên diễn ra vào thời điểm chỉ còn hơn một tháng nữa, ông Jokowi sẽ chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm Prabowo Subianto. Những người mới được bổ nhiệm đều có quan hệ thân thiết với ông Prabowo, cho thấy ý định “dọn đường” để quá trình chuyển giao quyền lực được suôn sẻ và hiệu quả.
Cùng ngày hôm đó, 10 trong số 11 đảng nằm trong cơ quan lập pháp của thủ đô Jakarta đã đồng loạt tuyên bố ủng hộ ứng viên Ridwan Kamil ra tranh cử chức vụ thống đốc địa phương trong cuộc bầu cử vào tháng 11. Đây là liên minh do các đảng ủng hộ ông Prabowo dẫn đầu, với mục đích ngăn cản cơ hội ứng cử của đối thủ Anies Baswedan, cựu Thống đốc Jakarta nhiệm kỳ 2017 - 2022. Ông Anies cũng chính là đối thủ của ông Prabowo trong cuộc tranh cử tổng thống vừa qua, và là người chỉ trích tân Tổng thống gay gắt nhất khi kết quả được công bố. Do đó, sẽ là một thách thức cho chính phủ trung ương của ông Prabowo nếu ông Anies tái đắc cử Thống đốc Jakarta trong năm nay.
Theo quy định về bầu cử khu vực có hiệu lực từ năm 2016, một người muốn trở thành ứng viên tranh cử phải nhận được sự ủng hộ từ ít nhất 20% số ghế trong quốc hội địa phương (tính ở thời điểm hiện nay là ít nhất 22 ghế, bất kể là từ một đảng hoặc liên minh). Ông Anies còn một lựa chọn duy nhất là kêu gọi Đảng Dân chủ Đấu tranh Indonesia (Indonesian Democratic Party of Struggle - PDIP) ủng hộ, nhưng PDIP chỉ có 14,01% ghế trong cơ quan lập pháp Jakarta.
Chỉ một ngày sau (tức ngày 20/8), Tòa án Hiến pháp đã ra phán quyết đầy bất ngờ khi điều chỉnh quy định về mức ủng hộ tối thiểu ở địa phương đối với các cá nhân muốn tranh cử thống đốc từ ngưỡng 20% số ghế xuống còn 10%. Nhờ quyết định này, ông Anies giờ đây hoàn toàn đủ điều kiện để đăng ký một suất ứng cử viên tranh cử thống đốc Jakarta sắp tới, nếu nhận được sự ủng hộ từ PDIP.
Chưa dừng lại ở đó, Tòa án cũng quyết định bác bỏ đề xuất của Quốc hội (vốn do liên minh cầm quyền nắm đa số ghế) về việc điều chỉnh quy định ứng cử viên tranh cử tại địa phương phải trên 30 tuổi (theo luật năm 2016). Điều này đồng nghĩa con trai út của Tổng thống Jokowi là Kaesang Pangarep không đủ điều kiện tham gia vào cuộc chạy đua trở thành thống đốc tỉnh Trung Java, vì chỉ mới 29 tuổi.
Mâu thuẫn chính trị càng gia tăng khi vào ngày 21/8, Quốc hội Indonesia thông qua nghị quyết khẩn cho phép một ứng cử viên thống đốc đủ điều kiện, nếu ở thời điểm nhậm chức đã tròn 30 tuổi (tức bác bỏ phán quyết của Tòa án, mở đường cho ông Kaesang tranh cử), đồng thời dự kiến phê chuẩn thay đổi trên trong phiên họp toàn thể một ngày sau đó. Tuy nhiên khi bước sang ngày 22/8, trước sức ép từ các cuộc biểu tình quy mô lớn, Quốc hội đã hoãn tổ chức phiên họp phê chuẩn, viện lý do không đạt đủ số đại biểu. Sau đó, cơ quan này vào cuối ngày tuyên bố dừng kế hoạch thay đổi quy định về độ tuổi. Như vậy, phán quyết của Tòa án đã chính thức có hiệu lực mà không còn vấp phải sự ngăn cản từ Quốc hội.
Ngoài ra, trong ngày 21/8, đảng Golkar (lớn thứ hai trong Quốc hội) đã quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Năng lượng Bahlil Lahadalia làm người đứng đầu đảng, thay thế ông Airlangga Hartarto bất ngờ từ chức vào cuối tuần trước. Đáng chú ý, ông Bahlil là một người nổi tiếng trung thành với ông Jokowi, làm dấy lên lo ngại rằng đương kim Tổng thống cũng như liên minh cầm quyền đang muốn tiếp tục duy trì ảnh hưởng trong Quốc hội trong thời gian tới.
Như vậy, tại Indonesia đang có sự chia rẽ công khai hiếm hoi giữa nhánh lập pháp và nhánh tư pháp, đồng thời kéo theo mâu thuẫn giữa một bên là liên minh cầm quyền với hai đại diện Jokowi cùng Prabowo, với bên còn lại là lực lượng đối lập muốn ngăn cản tham vọng mở rộng quyền lực của đối thủ.
Giọt nước tràn ly
Việc Quốc hội chống lại phán quyết của Tòa án đã trở thành “điểm bùng phát” cho làn sóng biểu tình chống chính phủ diễn ra trên quy mô lớn ở nhiều địa phương. Trên mạng xã hội, hàng loạt nhân vật nổi tiếng của Indonesia đã đăng tải hình ảnh có nội dung “Peringatan Darurat” (Cảnh báo khẩn cấp). Nhiều người cho rằng hành động của Quốc hội gây ra tác động nghiêm trọng hơn bao giờ hết đối với nền dân chủ ở Indonesia, vốn chưa được kéo dài bao lâu kể từ khi triều đại độc tài của Tổng thống Suharto sụp đổ năm 1998.
Không chỉ phản đối trên các diễn đàn mạng xã hội, hơn 1.000 người biểu tình đã tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Jakarta hôm 22/8, trước cuộc bỏ phiếu phê chuẩn dự kiến sẽ được tổ chức. Những người phản đối đã phóng hỏa và làm đổ nát một phần hàng rào sắt của tòa nhà. Một số người biểu tình còn mang một chiếc máy chém giả in khuôn mặt ông Jokowi.
Bên cạnh đó, tại thành phố Semarang (tỉnh Java), chính quyền đã phải bắn hơi cay vào những người biểu tình tụ tập bên ngoài Văn phòng Thống đốc và Hội đồng Lập pháp Trung Java. Ngoài ra, các cuộc biểu tình cũng được ghi nhận đã diễn ra ở những thành phố lớn khác thuộc tỉnh Java, bao gồm Bandung, Yogyakarta, Surabaya, cũng như thành phố Makassar (tỉnh Sulawesi Selantan). Trong đó, tại Yogyakarta, có ít nhất 1.000 người biểu tình đã tập trung trước tòa nhà của cơ quan lập pháp địa phương này, cung điện nhà nước và trung tâm nghi lễ của thành phố.
Nhìn chung, những người biểu tình yêu cầu Quốc hội tôn trọng phán quyết của Tòa án Hiến pháp, và quan trọng hơn là chống lại hình thức “triều đại chính trị” (đặc biệt nhắm đến Tổng thống Jokowi). Quay trở lại năm 2014, thời điểm ông Jokowi chính thức trở thành Tổng thống, ông đã nhận được những lời ca ngợi như “biểu tượng mới của nền dân chủ Indonesia” (the new face of Indonesian democracy) hay “lãnh đạo của nhân dân” (man of the people). Tuy nhiên, trong vòng một năm trước khi phải rời nhiệm sở vào tháng 10 tới do đã làm Tổng thống đủ hai nhiệm kỳ, ông Jokowi đang muốn “cắm sâu di sản” của mình.
Vào tháng 10/2023, Tòa án Hiến pháp khi đó do anh rể của ông Jokowi là Anwar Usman đứng đầu đã đưa ra một phán quyết quan trọng về luật bầu cử tổng thống và phó tổng thống. Theo đó, Tòa án giữ nguyên quy định trước đây về việc ai muốn ứng cử hai chức vụ trên phải đủ tối thiểu 40 tuổi, nhưng bổ sung ngoại lệ rằng nếu người đó đang là lãnh đạo của một địa phương thì sẽ không bị giới hạn độ tuổi. Quyết định này đã mở đường để ông Gibran Rakabuming Raka (con trai cả của Tổng thống Jokowi), khi đó đang 36 tuổi và nắm giữ chức Thị trưởng thành phố Surakarta đủ điều kiện tranh cử phó tổng thống, đồng hành cùng ứng viên Prabowo (tranh cử tổng thống).
Tuy nhiên, đánh đổi cho quyết định trên là ông Anwar đã bị cách chức Chánh án Tòa án Hiến pháp chỉ hơn nửa tháng sau, vì bị chỉ trích vi phạm quy tắc đạo đức của một thẩm phán, cụ thể là nguyên tắc trung lập và liêm chính, cố tình tạo cơ hội cho bên ngoài can thiệp vào các quyết định. Sau khi bị cách chức, ông Anwar vẫn là một trong chín thẩm phán của Tòa án Hiến pháp, nhưng không được phép tham gia vào bất kỳ vụ án liên quan đến bầu cử nào mà ông có thể có xung đột lợi ích.
Nếu trong tuần qua, Quốc hội thành công trong việc “vượt mặt” Tòa án Hiến pháp thì khi đó, ông Jokowi sẽ có thêm một người con tham gia vào chính trường (tức ông Kaesang Pangarep). Đối với nhiều người dân Indonesia, nếu ông Jokowi thành công với tham vọng trên, ông sẽ dễ dàng thiết lập một triều đại chính trị mới tại đất nước vạn đảo, và trong quá trình đó, có tới hai lần luật pháp bị “bẻ cong” để phục vụ mục đích cá nhân.
Hơn thế nữa, ông Jokowi đã từng là một biểu tượng của dân chủ khi mới nhậm chức, và sau mười năm, hình tượng ấy đã bị phai nhạt, thậm chí bị chỉ trích là “dân chủ dơ bẩn” (dirty democracy). Đó chính là những “giọt nước tràn ly” khiến ông Jokowi (cùng với Quốc hội) là đối tượng nhắm đến của các cuộc biểu tình trong tuần qua.
Indonesia có trở thành Bangladesh thứ hai?
Sau hàng loạt các cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra vào ngày 22 và 23/8, tình trạng bất ổn dường như đã được kiểm soát và không ghi nhận tình trạng tương tự những ngày sau đó (tính đến thời điểm bài viết này được công bố). Mặc dù các diễn biến phía trước vẫn còn khó lường, nhưng tác giả bài viết nhận định rằng chính phủ Indonesia có thể đủ sức ổn định tình hình, không để leo thang đến mức bạo loạn lật đổ như trường hợp mới đây của Bangladesh.
Lý do quan trọng củng cố cho nhận định trên đến từ những động thái vừa qua của ông Jokowi, Prabowo và Quốc hội. Vào cuối ngày 21/8, Tổng thống Jokowi cho biết ông tôn trọng quyết định của các cơ quan độc lập trong hệ thống chính phủ. Đến ngày 25/8, Tổng thống sắp nhậm chức Prabowo nhấn mạnh sẽ không can thiệp vào cuộc bầu cử khu vực, đồng thời kêu gọi đặt quyền lợi của người dân lên trên hết. Cùng ngày, cơ quan bầu cử của Indonesia cũng nhận được sự chấp thuận của Quốc hội để áp dụng các quy định mới theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp, tức những điều mà người biểu tình đang mong muốn.
Thêm vào đó, nguyên nhân khác quan trọng hơn có thể kìm hãm làn sóng phản đối là phe đối lập hiện rất phân mảnh và khó đủ sức lật đổ vị thế của nhóm đảng ủng hộ ông Jokowi lẫn Prabowo. Xét ngay trường hợp ở thủ đô Jakarta, mặc dù phán quyết của Tòa án Hiến pháp mở đường cho ông Anies tìm kiếm sự ủng hộ từ PDIP nhằm đủ điều kiện tham gia tranh cử thống đốc, nhưng việc có đến 10 đảng liên minh với nhau để ủng hộ ứng viên Ridwan cho thấy cơ hội để ông Anies giành chiến thắng cuối cùng là không cao.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Quốc hội, khi vào ngày 15/8, đảng NasDem (chiếm khoảng 10% số ghế trong cơ quan này) tuyên bố sẽ trở thành một phần của liên minh cầm quyền do ông Prabowo dẫn đầu. Như vậy, liên minh này hiện bao gồm tổng cộng năm đảng, chiếm 52% số ghế trong Quốc hội. Đáng chú ý, Nasdem từng ở phe đối lập, ủng hộ ông Anies trong cuộc tổng tuyển cử hồi đầu năm. Vì thế, số ghế trong Quốc hội cùng với việc “chuyển phe” của Nasdem cho thấy ảnh hưởng suy giảm của phe đối lập.
Tuy nhiên, lực lượng ủng hộ ông Jokowi và Prabowo không phải là không có điểm yếu để phe đối lập khai thác hay tìm cách gây chia rẽ. Theo đó, sự liên kết giữa hai vị lãnh đạo này có thể trở nên dễ vỡ hơn sau khi ông Prabowo chính thức nhậm chức, vì lúc ấy tất cả các mạng lưới bảo trợ mà ông Jokowi đã xây dựng có khả năng sẽ chuyển sang cho tân Tổng thống. Do đó, người tiền nhiệm có nguy cơ bị suy giảm ảnh hưởng trong chính trường sau khi rời nhiệm sở.
Điều này cũng giúp lý giải vì sao trong thời gian qua ông Jokowi đã ráo riết tìm cách “gửi” các con trai mình hoặc người trung thành vào những chức vụ quan trọng, để đảm bảo rằng ông Jokowi vẫn còn đòn bẩy trong mối quan hệ “cộng sinh” với ông Prabowo.
Mặc dù vậy, nếu phe đối lập muốn khai thác điểm yếu trên để gây chia rẽ và tìm cách kích động làn sóng biểu tình thì họ có thể sẽ phải chờ thêm một khoảng thời gian (ít nhất là vài tháng nữa). Vì thế, hiện nay động lực để leo thang các cuộc biểu tình nhằm đảo ngược tình thế gần như đã không còn, hay nói cách khác là đang bị dập tắt. Tuy nhiên, mọi khả năng đều có thể diễn ra. Vì thế tình hình chính trị ở Indonesia cần được tiếp tục theo dõi chặt chẽ, nhất là với những người có dự định đến quốc gia này để du lịch hoặc làm việc.