Chạy đua khai thác Mặt Trăng: Quan hệ Mỹ - Trung sẽ diễn biến ra sao?

Trong cuộc đua giành quyền kiểm soát Mặt Trăng, Mỹ và Trung Quốc sẽ đối đầu, hợp tác, hay vừa hợp tác vừa cạnh tranh?

Từ Nguyễn Bảo My - Nguyễn Thị Thúy Mai - Trần Quốc Duy 18/02/2025
Image
Mặt Trăng hiện là “mảnh đất” mà hai siêu cường Mỹ - Trung đua tranh để giành ưu thế chiến lược trước đối phương. - (C): Euronews

Trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển vượt bậc và cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc mở rộng từ Trái Đất ra ngoài không gian vũ trụ - chính trị thiên văn, thì Mặt Trăng càng trở thành một mục tiêu chiến lược.

Giá trị của Mặt Trăng được thể hiện qua ba khía cạnh: (i) tài nguyên khoáng sản như băng nước, helium-3 và kim loại đất hiếm mang tiềm năng năng lượng và công nghiệp khổng lồ; (ii) vị trí chiến lược kiểm soát các điểm Lagrange, tạo lợi thế quân sự và viễn thông trong không gian; (iii) vai trò là “bệ phóng” cho thám hiểm không gian sâu hơn, giúp giảm chi phí cho các sứ mệnh sao Hỏa và xa hơn.

Những giá trị này thôi thúc Mỹ và Trung Quốc xem chinh phục Mặt Trăng vượt lên mục tiêu đạt được các tiến bộ khoa học - công nghệ. Cụ thể, Mặt Trăng hiện là “mảnh đất” mà hai siêu cường đua tranh để giành ưu thế chiến lược trước đối phương.

Vậy cuộc đua vào Mặt Trăng giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Trump 1.0 và Trump 2.0 có gì đáng chú ý?

Cuộc đua vào Mặt Trăng dưới thời Trump 1.0

Trước thời Trump 1.0, chiến lược không gian của Mỹ tập trung vào nghiên cứu và phát triển khoa học, như trong Chương trình Apollo (The Apollo Program) dưới thời John F. Kennedy, và hướng tới hợp tác quốc tế như Chính sách Không gian Quốc gia (National Space Policy) thời Barack Obama.

Tuy nhiên, dưới thời Trump 1.0, Mỹ nhanh chóng nhận ra sự tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, nhất là ở khía cạnh công nghệ vũ trụ và khoa học không gian. Để kiềm chế Trung Quốc, Trump đẩy mạnh chiến lược mang dấu ấn cá nhân—tập trung vào quyền lực, chủ quyền và ưu thế công nghệ của Mỹ trước Trung Quốc.

Chính quyền Trump 1.0 đã vô cùng quyết liệt trong việc đối phó với Trung Quốc trên “mặt trận không gian”. Nhận thấy sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của Bắc Kinh trong các chương trình không gian, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của Chương trình Thám hiểm Mặt Trăng và Sao Hỏa, Trump đã triển khai các chính sách tăng cường đầu tư vào Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng như mở rộng các dự án chiến lược như Artemis và Gateway. Cụ thể, Mỹ liên tục tăng ngân sách cho NASA, từ 19.5 tỷ USD năm 2017 lên 22.6 tỷ USD vào năm 2020. Mục tiêu của Chương trình Artemis là đưa con người lên Mặt Trăng để thám hiểm và xây dựng cơ sở hạ tầng lâu dài ở đây.

Mặt khác, Mỹ cũng xây dựng dự án Gateway - một trạm không gian quỹ đạo xung quanh Mặt Trăng như một cơ sở hỗ trợ cho các sứ mệnh không gian trong tương lai và chuẩn bị cho các chuyến thám hiểm sao Hỏa, với tổng chi phí ước tính lên đến hàng tỷ USD. Chính sách này cũng bao gồm việc xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng để bảo vệ các lợi ích chiến lược của Mỹ trong không gian. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng vững mạnh trên Mặt Trăng được kỳ vọng tạo nền tảng cho những sứ mệnh không gian dài hạn và giúp Mỹ củng cố an ninh quốc gia, qua đó cho thấy sự quyết liệt của chính quyền Trump trong việc bảo vệ vị thế của Mỹ trước “mối đe dọa” từ Trung Quốc.

cuộc đua mặt trăng mỹ - trung - vsf

Các mô-đun chính của Trạm Gateway. Ảnh: MyTour

Trước những động thái mạnh mẽ từ phía Washington, Bắc Kinh đã phản đối gay gắt, cho rằng Hiệp định Artemis đi ngược lại với các nguyên tắc hợp tác quốc tế bình đẳng trong không gian như Thỏa thuận Mặt Trăng 1979 (Agreement Governing the Activities of States on the Moon and Other Celestial Bodies). Sau các tuyên bố mạnh mẽ, Trung Quốc nhanh chóng củng cố liên minh với Nga, đặc biệt thông qua kế hoạch xây dựng căn cứ chung trên Mặt Trăng, được gọi là Trạm nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS). Tháng 3/2024, Cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga đã công bố kế hoạch hợp tác với Trung Quốc để xây dựng một lò phản ứng hạt nhân tự động trên Mặt Trăng vào năm 2035. Các kế hoạch này không chỉ là hoạt động hợp tác kỹ thuật mà còn là thông điệp thách thức tham vọng thống trị của Mỹ trong không gian.

Song song đó, Bắc Kinh tích cực mở rộng hợp tác quốc tế bằng cách chào đón các quốc gia và các tổ chức quốc tế tham gia vào sứ mệnh Chang’e 8, dự án ILRS. Động thái này vừa giúp Trung Quốc xây dựng hình ảnh một quốc gia sẵn sàng cởi mở trong hợp tác với các đối tác, vừa thúc đẩy trật tự không gian đa cực. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn đẩy mạnh phát triển năng lực nội tại: tăng ngân sách cho ngành công nghiệp vũ trụ, tăng vọt từ 3 tỷ USD năm 2022 lên 19,5 tỷ USD năm 2023. Tốc độ phát triển công nghệ vũ trụ của Trung Quốc cũng đáng kinh ngạc khi cường quốc này cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ vũ trụ, hoàn thành Hệ thống Vệ tinh BeiDou (BeiDou Navigation Satellite System), xây dựng dự án không gian Trạm vũ trụ Thiên Cung (Tiangong Space Station). Đặc biệt, Trung Quốc xác định kế hoạch xây dựng căn cứ Mặt Trăng là trọng tâm để phát triển công nghệ khai thác tài nguyên và khẳng định vị thế quốc gia. Một phần trong kế hoạch này, Trung Quốc dự kiến sẽ phóng Chang’e 7 lên cực Nam Mặt Trăng vào năm 2026 để tìm kiếm nguồn tài nguyên nước và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án khai thác và sử dụng tài nguyên trong tương lai.

Những nỗ lực liên tục và quy mô lớn cho thấy Bắc Kinh đang cạnh tranh với Washington ở nhiều phương diện. Sâu xa hơn, các chiến lược này giúp khẳng định tham vọng định hình một trật tự không gian nơi mà Bắc Kinh đóng vai trò dẫn dắt.

Trump 2.0: Tương lai nào cho cuộc đua Mặt Trăng Mỹ - Trung?

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Trung Quốc đã chia sẻ các mẫu vật đá Mặt Trăng từ các sứ mệnh Chang’e 5 và Chang’e 6 với cộng đồng khoa học quốc tế, bao gồm Mỹ. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy khả năng hợp tác giữa hai siêu cường trong lĩnh vực không gian, đặc biệt là trên Mặt Trăng.

Tuy nhiên, cuộc đua vào không gian Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng khi cả hai không ngừng mở rộng các dự án chiến lược để cạnh tranh ảnh hưởng. Với sự trở lại của Trump và chính sách “Nước Mỹ Trên hết” (America First), liệu hai nước sẽ tiếp tục đối đầu hay sẽ bắt tay nhau trong kỷ nguyên không gian mới?

Không gian - “Chiến địa mới” của Mỹ và Trung Quốc

Bản tóm tắt “Chiến lược Quốc phòng Không gian” (Defense Space Strategy) do chính quyền Trump công bố vào tháng 6/2020 nhận định các cường quốc đã bắt đầu bước vào thời kỳ cạnh tranh về không gian. Hơn nữa, theo chiến lược này, “mối đe dọa chiến lược lớn nhất” (greatest strategic threat) đối với Mỹ sẽ đến từ Trung Quốc và Nga. Ngay từ nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Trump đã khẳng định mạnh mẽ về quyền lực của Mỹ trong không gian, đồng thời gia tăng mạnh mẽ của các sáng kiến không gian, đặc biệt là chương trình Artemis, kế hoạch Gateway và các kế hoạch thiết lập căn cứ trên Mặt Trăng. Sau khi tái đắc cử, ông có cách tiếp cận mở rộng, mang yếu tố bành trướng và có mục tiêu tái định hình cấu trúc quan hệ quốc tế.

Để đối phó với tham vọng không gian của Trung Quốc, Mỹ có thể quyết tâm đẩy mạnh các sứ mệnh không gian, đặc biệt là chương trình Artemis, nhằm duy trì vị thế dẫn đầu, và đặc biệt là kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Dễ dàng nhận thấy một cuộc đua khai thác tài nguyên trên Mặt Trăng sẽ diễn ra căng thẳng hơn: Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt để kiểm soát các khu vực giàu Helium-3 (dùng trong năng lượng hạt nhân) và kim loại hiếm, qua đó củng cố sức mạnh kinh tế và quân sự.

Bên cạnh đó, dựa trên kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước, Trump có thể áp dụng các lệnh trừng phạt, như ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp cận các linh kiện công nghệ cao từ phương Tây. Cạnh tranh leo thang có thể dẫn đến tình trạng “phân cực không gian(spatial polarization), làm dấy lên nguy cơ một cuộc Chiến tranh Lạnh mới trong vũ trụ.

Vũ trụ không biên giới: Cơ hội cho sự đồng hành

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực không gian, triển vọng hợp tác vẫn tồn tại, nhất là khi hai quốc gia chia sẻ lợi ích và đối mặt với các thách thức chung. Một trong những thách thức cần giải quyết là vấn đề ô nhiễm không gian. Theo ước tính của các chuyên gia, hàng chục nghìn mảnh rác vũ trụ đang đe dọa các vệ tinh và sứ mệnh không gian – qua đó thúc đẩy hợp tác toàn cầu để giải quyết vấn đề rác thải không gian. Việc Mỹ và Trung Quốc cùng phát triển công nghệ xử lý rác có thể giúp bảo vệ tài sản chiến lược của cả hai bên và giảm thiểu nguy cơ va chạm.

Ngoài ra, nguồn tài nguyên trên Mặt Trăng, như helium-3 và băng nước, mở ra tiềm năng kinh tế lớn nhưng đòi hỏi chi phí khai thác khổng lồ. Một cơ chế hợp tác trong khai thác hoặc phát triển cơ sở nghiên cứu chung sẽ giúp tối ưu hóa chi phí và giảm nguy cơ tranh chấp tại các khu vực trọng yếu đối với cả hai bên, đặc biệt là vùng cực Nam của Mặt Trăng. Việc xây dựng các quy tắc quốc tế chung về quyền khai thác và chia sẻ tài nguyên không gian không chỉ thúc đẩy hợp tác mà còn định hình trật tự toàn cầu mới trong kỷ nguyên không gian.

Dù còn nhiều khác biệt, Mỹ và Trung Quốc có cơ hội biến cạnh tranh thành động lực để cùng tiến xa hơn, không chỉ trên Mặt Trăng mà còn vì lợi ích chung của nhân loại trong việc khai thác tài nguyên vũ trụ.

Ván bài kép: Khi đối thủ cũng là đối tác

Trong nhiệm kỳ hai, Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ tăng cường đối đầu với Trung Quốc trong lĩnh vực không gian vũ trụ. Mức độ cạnh tranh sẽ gay gắt hơn khi hai quốc gia đều đặt mục tiêu đưa con người lên Mặt Trăng vào cuối thập niên 2020.

Được công bố vào tháng 12/2020, Chính sách Không gian Quốc gia tập trung bảo vệ công nghệ vũ trụ bằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm duy trì lợi thế công nghệ của Mỹ trước tham vọng không gian ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. Chính quyền Trump hiện tại có thể đẩy mạnh các nội dung này.

Đồng thời, chính quyền Trump 2.0 có thể ưu tiên củng cố liên minh quốc tế, đặc biệt thông qua Chương trình Artemis do NASA dẫn dắt, nhằm tạo nên một mạng lưới hợp tác quốc tế để đối trọng với các dự án thám hiểm không gian của Trung Quốc, như chương trình trạm vũ trụ Thiên Cung và các sứ mệnh Mặt Trăng.

Tuy nhiên, có những vấn đề mà cả hai quốc gia đều không thể giải quyết riêng rẽ mà buộc phải hợp tác để tối ưu hiệu quả cũng như tiết kiệm chi phí, đặc biệt là về vấn đề quản lý rác thải không gian hoặc xây dựng quy tắc ứng xử trên quỹ đạo. Việc “bắt tay nhau” có thể giúp Mỹ và Trung Quốc giảm thiểu căng thẳng và ngăn chặn nguy cơ xung đột, đồng thời biến không gian thành “tài sản chung toàn cầu” (global commons) để thúc đẩy hợp tác vì nền hòa bình cho nhân loại.

***

Cuộc đua khai thác Mặt Trăng giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Trump 2.0 sẽ không dừng lại ở cạnh tranh công nghệ và tài nguyên, mà còn mở rộng ở việc đối đầu địa chính trị. Chính quyền Trump 2.0 có thể tiếp tục thúc đẩy quyền lực không gian qua chương trình Artemis và trạm Gateway; trong khi đó, Trung Quốc có xu hướng khẳng định vị thế qua các chương trình độc lập và hợp tác với Nga. Nhìn chung, hai siêu cường sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư vào công nghệ vũ trụ và phát triển cơ sở hạ tầng trên Mặt Trăng. Với sự quyết đoán từ cả hai phía và việc không có cơ chế kiểm soát xung đột hiệu quả, cạnh tranh có thể leo thang và khiến quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng.

Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể hợp tác với nhau. Do tính chất phức tạp của các sứ mệnh dài hạn và nhu cầu thiết lập quy tắc quốc tế về quản lý tài nguyên ngoài Trái Đất, hai nước có thể hợp tác ở một số lĩnh vực hẹp, chẳng hạn như xử lý và quản lý rác thải không gian, nghiên cứu và phát triển công nghệ khai thác tài nguyên ngoài không gian, qua đó mở ra khả năng đối thoại và thiết lập các quy tắc chung trong khai thác vũ trụ. Trong dài hạn, sự đan xen giữa cạnh tranh và hợp tác Mỹ - Trung có thể định hình lại trật tự không gian và làm thay đổi bối cảnh địa chính trị toàn cầu.

Bài viết này thuộc ấn bản đặc biệt với chủ đề “Cạnh tranh Mỹ - Trung dưới thời Trump 2.0”.

Từ Nguyễn Bảo My hiện là sinh viên Học viện Ngoại giao. Bạn đọc có thể liên hệ tác giả qua email: mytu2706@gmail.com

Nguyễn Thị Thúy Mai hiện là sinh viên Học viện Ngoại giao. Bạn đọc có thể liên hệ tác giả qua email: elainnguyen25@gmail.com

Trần Quốc Duy hiện là sinh viên Học viện Ngoại giao. Bạn đọc có thể liên hệ tác giả qua email: tranduy.vie@gmail.com

Trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển vượt bậc và cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc mở rộng từ Trái Đất ra ngoài không gian vũ trụ - chính trị thiên văn, thì Mặt Trăng càng trở thành một mục tiêu chiến lược.

Giá trị của Mặt Trăng được thể hiện qua ba khía cạnh: (i) tài nguyên khoáng sản như băng nước, helium-3 và kim loại đất hiếm mang tiềm năng năng lượng và công nghiệp khổng lồ; (ii) vị trí chiến lược kiểm soát các điểm Lagrange, tạo lợi thế quân sự và viễn thông trong không gian; (iii) vai trò là “bệ phóng” cho thám hiểm không gian sâu hơn, giúp giảm chi phí cho các sứ mệnh sao Hỏa và xa hơn.

Những giá trị này thôi thúc Mỹ và Trung Quốc xem chinh phục Mặt Trăng vượt lên mục tiêu đạt được các tiến bộ khoa học - công nghệ. Cụ thể, Mặt Trăng hiện là “mảnh đất” mà hai siêu cường đua tranh để giành ưu thế chiến lược trước đối phương.

Vậy cuộc đua vào Mặt Trăng giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Trump 1.0 và Trump 2.0 có gì đáng chú ý?

Cuộc đua vào Mặt Trăng dưới thời Trump 1.0

Trước thời Trump 1.0, chiến lược không gian của Mỹ tập trung vào nghiên cứu và phát triển khoa học, như trong Chương trình Apollo (The Apollo Program) dưới thời John F. Kennedy, và hướng tới hợp tác quốc tế như Chính sách Không gian Quốc gia (National Space Policy) thời Barack Obama.

Tuy nhiên, dưới thời Trump 1.0, Mỹ nhanh chóng nhận ra sự tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, nhất là ở khía cạnh công nghệ vũ trụ và khoa học không gian. Để kiềm chế Trung Quốc, Trump đẩy mạnh chiến lược mang dấu ấn cá nhân—tập trung vào quyền lực, chủ quyền và ưu thế công nghệ của Mỹ trước Trung Quốc.

Chính quyền Trump 1.0 đã vô cùng quyết liệt trong việc đối phó với Trung Quốc trên “mặt trận không gian”. Nhận thấy sự “trỗi dậy” mạnh mẽ của Bắc Kinh trong các chương trình không gian, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của Chương trình Thám hiểm Mặt Trăng và Sao Hỏa, Trump đã triển khai các chính sách tăng cường đầu tư vào Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng như mở rộng các dự án chiến lược như Artemis và Gateway. Cụ thể, Mỹ liên tục tăng ngân sách cho NASA, từ 19.5 tỷ USD năm 2017 lên 22.6 tỷ USD vào năm 2020. Mục tiêu của Chương trình Artemis là đưa con người lên Mặt Trăng để thám hiểm và xây dựng cơ sở hạ tầng lâu dài ở đây.

Mặt khác, Mỹ cũng xây dựng dự án Gateway - một trạm không gian quỹ đạo xung quanh Mặt Trăng như một cơ sở hỗ trợ cho các sứ mệnh không gian trong tương lai và chuẩn bị cho các chuyến thám hiểm sao Hỏa, với tổng chi phí ước tính lên đến hàng tỷ USD. Chính sách này cũng bao gồm việc xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng để bảo vệ các lợi ích chiến lược của Mỹ trong không gian. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng vững mạnh trên Mặt Trăng được kỳ vọng tạo nền tảng cho những sứ mệnh không gian dài hạn và giúp Mỹ củng cố an ninh quốc gia, qua đó cho thấy sự quyết liệt của chính quyền Trump trong việc bảo vệ vị thế của Mỹ trước “mối đe dọa” từ Trung Quốc.

cuộc đua mặt trăng mỹ - trung - vsf

Các mô-đun chính của Trạm Gateway. Ảnh: MyTour

Trước những động thái mạnh mẽ từ phía Washington, Bắc Kinh đã phản đối gay gắt, cho rằng Hiệp định Artemis đi ngược lại với các nguyên tắc hợp tác quốc tế bình đẳng trong không gian như Thỏa thuận Mặt Trăng 1979 (Agreement Governing the Activities of States on the Moon and Other Celestial Bodies). Sau các tuyên bố mạnh mẽ, Trung Quốc nhanh chóng củng cố liên minh với Nga, đặc biệt thông qua kế hoạch xây dựng căn cứ chung trên Mặt Trăng, được gọi là Trạm nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS). Tháng 3/2024, Cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga đã công bố kế hoạch hợp tác với Trung Quốc để xây dựng một lò phản ứng hạt nhân tự động trên Mặt Trăng vào năm 2035. Các kế hoạch này không chỉ là hoạt động hợp tác kỹ thuật mà còn là thông điệp thách thức tham vọng thống trị của Mỹ trong không gian.

Song song đó, Bắc Kinh tích cực mở rộng hợp tác quốc tế bằng cách chào đón các quốc gia và các tổ chức quốc tế tham gia vào sứ mệnh Chang’e 8, dự án ILRS. Động thái này vừa giúp Trung Quốc xây dựng hình ảnh một quốc gia sẵn sàng cởi mở trong hợp tác với các đối tác, vừa thúc đẩy trật tự không gian đa cực. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn đẩy mạnh phát triển năng lực nội tại: tăng ngân sách cho ngành công nghiệp vũ trụ, tăng vọt từ 3 tỷ USD năm 2022 lên 19,5 tỷ USD năm 2023. Tốc độ phát triển công nghệ vũ trụ của Trung Quốc cũng đáng kinh ngạc khi cường quốc này cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ vũ trụ, hoàn thành Hệ thống Vệ tinh BeiDou (BeiDou Navigation Satellite System), xây dựng dự án không gian Trạm vũ trụ Thiên Cung (Tiangong Space Station). Đặc biệt, Trung Quốc xác định kế hoạch xây dựng căn cứ Mặt Trăng là trọng tâm để phát triển công nghệ khai thác tài nguyên và khẳng định vị thế quốc gia. Một phần trong kế hoạch này, Trung Quốc dự kiến sẽ phóng Chang’e 7 lên cực Nam Mặt Trăng vào năm 2026 để tìm kiếm nguồn tài nguyên nước và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án khai thác và sử dụng tài nguyên trong tương lai.

Những nỗ lực liên tục và quy mô lớn cho thấy Bắc Kinh đang cạnh tranh với Washington ở nhiều phương diện. Sâu xa hơn, các chiến lược này giúp khẳng định tham vọng định hình một trật tự không gian nơi mà Bắc Kinh đóng vai trò dẫn dắt.

Trump 2.0: Tương lai nào cho cuộc đua Mặt Trăng Mỹ - Trung?

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, Trung Quốc đã chia sẻ các mẫu vật đá Mặt Trăng từ các sứ mệnh Chang’e 5 và Chang’e 6 với cộng đồng khoa học quốc tế, bao gồm Mỹ. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy khả năng hợp tác giữa hai siêu cường trong lĩnh vực không gian, đặc biệt là trên Mặt Trăng.

Tuy nhiên, cuộc đua vào không gian Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng khi cả hai không ngừng mở rộng các dự án chiến lược để cạnh tranh ảnh hưởng. Với sự trở lại của Trump và chính sách “Nước Mỹ Trên hết” (America First), liệu hai nước sẽ tiếp tục đối đầu hay sẽ bắt tay nhau trong kỷ nguyên không gian mới?

Không gian - “Chiến địa mới” của Mỹ và Trung Quốc

Bản tóm tắt “Chiến lược Quốc phòng Không gian” (Defense Space Strategy) do chính quyền Trump công bố vào tháng 6/2020 nhận định các cường quốc đã bắt đầu bước vào thời kỳ cạnh tranh về không gian. Hơn nữa, theo chiến lược này, “mối đe dọa chiến lược lớn nhất” (greatest strategic threat) đối với Mỹ sẽ đến từ Trung Quốc và Nga. Ngay từ nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Trump đã khẳng định mạnh mẽ về quyền lực của Mỹ trong không gian, đồng thời gia tăng mạnh mẽ của các sáng kiến không gian, đặc biệt là chương trình Artemis, kế hoạch Gateway và các kế hoạch thiết lập căn cứ trên Mặt Trăng. Sau khi tái đắc cử, ông có cách tiếp cận mở rộng, mang yếu tố bành trướng và có mục tiêu tái định hình cấu trúc quan hệ quốc tế.

Để đối phó với tham vọng không gian của Trung Quốc, Mỹ có thể quyết tâm đẩy mạnh các sứ mệnh không gian, đặc biệt là chương trình Artemis, nhằm duy trì vị thế dẫn đầu, và đặc biệt là kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Dễ dàng nhận thấy một cuộc đua khai thác tài nguyên trên Mặt Trăng sẽ diễn ra căng thẳng hơn: Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh khốc liệt để kiểm soát các khu vực giàu Helium-3 (dùng trong năng lượng hạt nhân) và kim loại hiếm, qua đó củng cố sức mạnh kinh tế và quân sự.

Bên cạnh đó, dựa trên kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước, Trump có thể áp dụng các lệnh trừng phạt, như ngăn chặn việc Trung Quốc tiếp cận các linh kiện công nghệ cao từ phương Tây. Cạnh tranh leo thang có thể dẫn đến tình trạng “phân cực không gian(spatial polarization), làm dấy lên nguy cơ một cuộc Chiến tranh Lạnh mới trong vũ trụ.

Vũ trụ không biên giới: Cơ hội cho sự đồng hành

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực không gian, triển vọng hợp tác vẫn tồn tại, nhất là khi hai quốc gia chia sẻ lợi ích và đối mặt với các thách thức chung. Một trong những thách thức cần giải quyết là vấn đề ô nhiễm không gian. Theo ước tính của các chuyên gia, hàng chục nghìn mảnh rác vũ trụ đang đe dọa các vệ tinh và sứ mệnh không gian – qua đó thúc đẩy hợp tác toàn cầu để giải quyết vấn đề rác thải không gian. Việc Mỹ và Trung Quốc cùng phát triển công nghệ xử lý rác có thể giúp bảo vệ tài sản chiến lược của cả hai bên và giảm thiểu nguy cơ va chạm.

Ngoài ra, nguồn tài nguyên trên Mặt Trăng, như helium-3 và băng nước, mở ra tiềm năng kinh tế lớn nhưng đòi hỏi chi phí khai thác khổng lồ. Một cơ chế hợp tác trong khai thác hoặc phát triển cơ sở nghiên cứu chung sẽ giúp tối ưu hóa chi phí và giảm nguy cơ tranh chấp tại các khu vực trọng yếu đối với cả hai bên, đặc biệt là vùng cực Nam của Mặt Trăng. Việc xây dựng các quy tắc quốc tế chung về quyền khai thác và chia sẻ tài nguyên không gian không chỉ thúc đẩy hợp tác mà còn định hình trật tự toàn cầu mới trong kỷ nguyên không gian.

Dù còn nhiều khác biệt, Mỹ và Trung Quốc có cơ hội biến cạnh tranh thành động lực để cùng tiến xa hơn, không chỉ trên Mặt Trăng mà còn vì lợi ích chung của nhân loại trong việc khai thác tài nguyên vũ trụ.

Ván bài kép: Khi đối thủ cũng là đối tác

Trong nhiệm kỳ hai, Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ tăng cường đối đầu với Trung Quốc trong lĩnh vực không gian vũ trụ. Mức độ cạnh tranh sẽ gay gắt hơn khi hai quốc gia đều đặt mục tiêu đưa con người lên Mặt Trăng vào cuối thập niên 2020.

Được công bố vào tháng 12/2020, Chính sách Không gian Quốc gia tập trung bảo vệ công nghệ vũ trụ bằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm duy trì lợi thế công nghệ của Mỹ trước tham vọng không gian ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. Chính quyền Trump hiện tại có thể đẩy mạnh các nội dung này.

Đồng thời, chính quyền Trump 2.0 có thể ưu tiên củng cố liên minh quốc tế, đặc biệt thông qua Chương trình Artemis do NASA dẫn dắt, nhằm tạo nên một mạng lưới hợp tác quốc tế để đối trọng với các dự án thám hiểm không gian của Trung Quốc, như chương trình trạm vũ trụ Thiên Cung và các sứ mệnh Mặt Trăng.

Tuy nhiên, có những vấn đề mà cả hai quốc gia đều không thể giải quyết riêng rẽ mà buộc phải hợp tác để tối ưu hiệu quả cũng như tiết kiệm chi phí, đặc biệt là về vấn đề quản lý rác thải không gian hoặc xây dựng quy tắc ứng xử trên quỹ đạo. Việc “bắt tay nhau” có thể giúp Mỹ và Trung Quốc giảm thiểu căng thẳng và ngăn chặn nguy cơ xung đột, đồng thời biến không gian thành “tài sản chung toàn cầu” (global commons) để thúc đẩy hợp tác vì nền hòa bình cho nhân loại.

***

Cuộc đua khai thác Mặt Trăng giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Trump 2.0 sẽ không dừng lại ở cạnh tranh công nghệ và tài nguyên, mà còn mở rộng ở việc đối đầu địa chính trị. Chính quyền Trump 2.0 có thể tiếp tục thúc đẩy quyền lực không gian qua chương trình Artemis và trạm Gateway; trong khi đó, Trung Quốc có xu hướng khẳng định vị thế qua các chương trình độc lập và hợp tác với Nga. Nhìn chung, hai siêu cường sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư vào công nghệ vũ trụ và phát triển cơ sở hạ tầng trên Mặt Trăng. Với sự quyết đoán từ cả hai phía và việc không có cơ chế kiểm soát xung đột hiệu quả, cạnh tranh có thể leo thang và khiến quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng.

Tuy nhiên, Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể hợp tác với nhau. Do tính chất phức tạp của các sứ mệnh dài hạn và nhu cầu thiết lập quy tắc quốc tế về quản lý tài nguyên ngoài Trái Đất, hai nước có thể hợp tác ở một số lĩnh vực hẹp, chẳng hạn như xử lý và quản lý rác thải không gian, nghiên cứu và phát triển công nghệ khai thác tài nguyên ngoài không gian, qua đó mở ra khả năng đối thoại và thiết lập các quy tắc chung trong khai thác vũ trụ. Trong dài hạn, sự đan xen giữa cạnh tranh và hợp tác Mỹ - Trung có thể định hình lại trật tự không gian và làm thay đổi bối cảnh địa chính trị toàn cầu.

Bài viết này thuộc ấn bản đặc biệt với chủ đề “Cạnh tranh Mỹ - Trung dưới thời Trump 2.0”.

Từ Nguyễn Bảo My hiện là sinh viên Học viện Ngoại giao. Bạn đọc có thể liên hệ tác giả qua email: mytu2706@gmail.com

Nguyễn Thị Thúy Mai hiện là sinh viên Học viện Ngoại giao. Bạn đọc có thể liên hệ tác giả qua email: elainnguyen25@gmail.com

Trần Quốc Duy hiện là sinh viên Học viện Ngoại giao. Bạn đọc có thể liên hệ tác giả qua email: tranduy.vie@gmail.com

Từ khoá: cuộc đua Mặt Trăng cạnh tranh Mỹ - Trung cạnh tranh không gian Donald Trump

BÀI LIÊN QUAN