An ninh - Quốc phòng   03/06/2024

Chính sách quốc phòng của Tổng thống Prabowo: An ninh quốc gia và hợp tác quốc tế

Prabowo Subianto, tân Tổng thống đắc cử Indonesia, sẽ nhậm chức vào tháng 10 năm nay. Cùng chờ xem ông Prabowo sẽ triển khai chính sách quốc phòng của Indonesia theo quỹ đạo ra sao trong nhiệm kỳ tới.

Image
Tân Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2024 hôm 1/6 - (C): International Institute for Strategic Studies (IISS)

Vào tháng 10 tới, Prabowo Subianto, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm của Indonesia, sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng 2 vừa qua. Ông Prabowo khi đó đã giành được hơn 60% số phiếu bầu, vượt xa tỷ lệ của hai ứng cử viên còn lại là Anies Baswedan và Ganjar Pranowo, lần lượt là 25% và 16%. 

Trong quá trình tranh cử, ông Prabowo từng nhấn mạnh rằng mặc dù Indonesia là một quốc gia thuộc phong trào không liên kết (non-aligned), nhưng “Sức mạnh quốc gia phải là sức mạnh quân sự. Nếu không có sức mạnh quân sự, lịch sử văn minh nhân loại sẽ cho chúng ta thấy hình ảnh một quốc gia bị nghiền nát như tại Gaza hiện nay” (National power must be military power. Without military power, the history of human civilization will teach us that a nation will be crushed like Gaza is currently). 

Thông điệp rắn rỏi này báo hiệu ông Prabowo có thể sẽ ưu tiên củng cố an ninh quốc gia và tăng cường sức mạnh quân đội, bên cạnh duy trì hợp tác quốc tế theo tinh thần không liên kết.  

Hiện đại hóa quân đội và củng cố an ninh quốc gia 

Kể từ khi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2019, ông Prabowo đã đẩy nhanh chương trình hiện đại hóa năng lực quân đội trên quy mô lớn. Cụ thể, Không quân Indonesia - vào năm 2021 - đã đặt mua hai máy bay vận tải quân sự đa năng A400M để giúp tăng năng lực ứng phó trước mọi tình huống nguy cấp, kể cả động đất và sóng thần. Đến năm 2022, chính phủ Indonesia đã đặt mua 42 máy bay chiến đấu Dassault Rafale của Pháp với giá trị 8,1 tỷ USD. Không lâu sau đó, vào tháng 8/2023, chính phủ nước này ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn Boeing để mua 24 tiêm kích F-15IDN, và ký thỏa thuận với tập đoàn Lockheed Martin để mua 24 trực thăng vận tải S-70Ms. Đây là hai tập đoàn công nghệ quốc phòng hàng đầu của Mỹ.

Không chỉ tập trung tăng cường mua sắm cho Không quân, Bộ Quốc phòng Indonesia - vào tháng 9/2023 - cũng đã ký hợp đồng mua một tàu ngầm cứu hộ trị giá 100 triệu USD từ công ty Submarine Manufacturing and Products (thuộc Vương quốc Anh). Ngoài ra, Jakarta - vào tháng 4 vừa qua - đã đạt thỏa thuận để mua hai tàu ngầm lớp Scorpene từ Tập đoàn Hải quân Pháp. 

Dưới sự quản lý của ông Prabowo, vị trí của Indonesia trong bảng xếp hạng Chỉ số Hỏa lực Toàn cầu (Global Firepower Index) đã gia tăng. Ở thời điểm ông Prabowo mới nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2019, Indonesia khi đó xếp hạng 16 trên tổng số 145 quốc gia được khảo sát. Sau bốn năm, Indonesia đã vươn lên vị trí thứ 13 vào năm 2023, vượt qua các cường quốc tầm trung khác như Singapore, Israel, Malaysia, Ai Cập, và Australia.

Song song với nỗ lực hiện đại hóa quân đội, Indonesia đã duy trì mức chi tiêu quốc phòng ở mức cao trong những năm qua. Kể từ khi ông Prabowo trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, chi tiêu quốc phòng hằng năm của Indonesia đều được duy trì từ mức 8,8 tỷ USD trở lên (mức kỷ lục trước đó mà Indonesia từng đạt được vào năm 2017). Trong đó, năm 2020 ghi nhận mức ngân sách chi tiêu quốc phòng lớn nhất trong lịch sử, với 9,39 tỷ USD

Với những gì đã làm trong thời gian qua, nhiệm vụ tiếp tục chương trình hiện đại hóa quân đội gần như chắc chắn sẽ là ưu tiên của Prabowo khi ông chính thức trở thành Tổng thống. Tuy nhiên, có nhiều việc mà tân Tổng thống cần phải giải quyết nếu muốn tạo ra sự đột phá cho công cuộc hiện đại hóa quân đội. Trước hết, mặc dù Indonesia khá “quyết liệt” khi liên tục tìm kiếm các hợp đồng mua sắm mới, nhưng theo ông Evan Laksmana, chuyên gia nghiên cứu quân sự Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies), tính đến tháng 9/2023, Không quân Indonesia chỉ mới đạt được 51% mục tiêu đề ra, Lục quân đạt 60% và Hải quân đạt 76%, tính theo danh sách các nhiệm vụ thuộc Lực lượng Thiết yếu Tối thiểu (Minimum Essential Force) mà chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Joko Widodo phải hoàn thành trước khi bàn giao vào tháng 10. Jakarta dường như đã giảm áp lực cho chương trình hiện đại hóa bằng việc cắt đi những thỏa thuận chưa cần thiết. Chẳng hạn, vào tháng 2 năm nay, Indonesia được cho là đã hủy bỏ thỏa thuận mua 12 máy bay phản lực Dassault Mirage 2000-5 đã qua sử dụng của Qatar. Jakarta cũng chậm thanh toán cho chương trình phát triển máy bay KF-21 Boramae chung với Hàn Quốc.   

Hơn nữa, gần đây Indonesia chú trọng đầu tư cho Hải quân và Lục quân, trong khi Lục quân mới thường là lực lượng được phân bổ phần lớn ngân sách quốc phòng. Do đó, chính phủ mới sẽ phải giải quyết sự căng thẳng không thể tránh khỏi giữa nhu cầu đầu tư vào năng lực phòng thủ hàng hải, và củng cố Lục quân. Trong khi Hải quân và Không quân có nhu cầu hiện đại hóa nhanh chóng để tạo ra năng lực răn đe hiệu quả với Trung Quốc trên Biển Đông, thì Lục quân cũng cần được chú trọng đầu tư để cứu trợ thiên tai và đảm bảo an ninh lương thực hiệu quả hơn, vốn yêu cầu phải dàn trải sự hiện diện trên khắp đất nước. 

Như vậy, tham vọng tiếp tục thực hiện chương trình hiện đại hóa quân đội sẽ là ưu tiên quốc phòng của tân Tổng thống Indonesia. Tuy nhiên, còn phải chờ xem liệu ông Prabowo có đưa ra bước đột phá nào để đẩy nhanh tốc độ mua sắm của Indonesia hay không; cũng như giữa các lực lượng Hải quân, Không quân hay Lục quân thì ông Prabowo và tân Bộ trưởng Quốc phòng sẽ ưu tiên phân bổ ngân sách cho bên nào.  

Ở một khía cạnh khác, theo một mô hình nội các không chính thức được lan truyền trên mạng xã hội ngay sau cuộc bầu cử, Trung tướng đã nghỉ hưu Sjafrie Sjamsoeddin có thể sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng trong nhiệm kỳ tới. Ông Sjamsoeddin bạn tâm giao và cũng là bạn học với ông Prabowo trong lực lượng đặc biệt của quân đội Indonesia (Kopassus). Một quan chức khác cũng đến từ Kopassus là Trung tướng Muhammad Herindra, có khả năng tiếp tục giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng trong nhiệm kỳ mới.

Đối với các vị trí lãnh đạo quân đội, ông Prabowo có thể sẽ kế thừa nhân sự mà ông Widodo đã bổ nhiệm. Lý do là vì những người này được đánh giá là vừa trung thành với Tổng thống đương nhiệm, vừa có mối liên hệ tốt với ông Prabowo. Chẳng hạn, Tư lệnh Lục quân hiện nay là Tướng Maruli Simanjuntak có mối quan hệ tốt với ông Prabowo vì cùng đến từ Kopassus, đồng thời ông Simanjuntak lại là con rể của Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Panjaitan (người đã làm việc trung thành dưới chính quyền ông Widodo kể từ năm 2016).

Từ các thông tin kể trên, ông Prabowo có thể sẽ ưu tiên bổ nhiệm những người trung thành, thân quen vào các chức vụ về quốc phòng nhằm đảm bảo sự liên tục của các chính sách liên quan đến an ninh quốc gia, cũng như “bảo vệ” di sản mà ông đã gầy dựng kể từ năm 2019.

Củng cố ngoại giao quốc phòng 

Những năm qua, ông Prabowo, trong vai trò Bộ trưởng Quốc phòng, đã tích cực thúc đẩy quan hệ quốc phòng với nhiều quốc gia. Trước hết là về quan hệ quốc phòng với Mỹ, hai quốc gia đang ngày càng thúc đẩy quan hệ hợp tác an ninh chặt chẽ. Indonesia đã mở rộng quy mô tập trận thường niên Garuda Shield từ hình thức song phương (với Mỹ) sang quy tụ nhiều quốc gia cùng tham dự (chuyển đổi từ năm 2022). Hơn nữa, những tương tác thông qua tập trận đã gián tiếp tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác sâu hơn, như tổ chức đối thoại chính sách đối ngoại và quốc phòng theo hình thức 2+2 (giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao) lần đầu tiên vào năm 2023. Cũng trong năm này, Indonesia và Mỹ đã ký Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (Defense Cooperation Agreement - DCA), trong đó tập trung vào thúc đẩy tập trận quân sự (đặc biệt là năng lực trên không), hợp tác công nghệ quốc phòng và củng cố năng lực phòng thủ trên không gian mạng. Tại Đông Nam Á, bên cạnh Indonesia, chỉ có Philippines ký kết DCA với Mỹ.

Bên cạnh đó, hai nước gần đây cũng tăng cường hợp tác hàng hải trong bối cảnh Trung Quốc thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra trên Biển Đông, với bước đầu tiên là khánh thành trung tâm huấn luyện hàng hải ở thành phố Batam (Indonesia) vào tháng 1/2024. Nhiều khả năng, ông Prabowo sẽ tiếp tục những nội dung hợp tác kể trên trong thời gian tới, bởi vì chính ông là người đã góp phần kiến tạo nên những nền tảng này trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Quốc phòng của mình. 

Trong khi đó, với đồng minh của Mỹ là Australia, ông Prabowo cũng đã góp phần đưa hợp tác quốc phòng giữa Jakarta với Canberra trở nên sâu sắc hơn. Các cuộc đàm phán để xây dựng hợp tác quốc phòng song phương toàn diện hơn đã diễn ra kể từ tháng 2/2023. Kết quả là, trong cuộc gặp hồi tháng 2 vừa qua giữa Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo và Richard Marles, người đồng cấp Australia, hai bên đã đồng ý sẽ chuẩn bị ký một hiệp ước hợp tác quốc phòng mới. Theo ông Marles, đây sẽ là hình thức hợp tác quốc phòng quan trọng nhất trong lịch sử quan hệ Indonesia - Australia.  

Không chỉ với Mỹ và các đồng minh, Indonesia dưới thời ông Prabowo vẫn duy trì sự giao thiệp quốc phòng nhất định với Trung Quốc. Trong cuộc tập trận hải quân đa phương Komodo mới nhất vào tháng 6/2023 do Indonesia chủ trì, quốc gia này đã gửi lời mời tham dự đến Trung Quốc (và nhận được sự đồng ý), mặc dù cuộc tập trận đồng thời có sự hiện diện của Mỹ và đồng minh là Hàn Quốc. Mới đây hơn, trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Jakarta vào giữa tháng 4, ông Prabowo và ông Vương đã tổ chức cuộc họp kín để thảo luận về quan hệ quốc phòng song phương, chủ yếu xoay quanh hợp tác giáo dục và đào tạo, các cuộc tập trận chung cũng như hợp tác công nghiệp quốc phòng. 

Nhìn chung, những nỗ lực kể trên của hai phía là đáng ghi nhận, song hợp tác quốc phòng giữa Indonesia và Trung Quốc vẫn còn kém phát triển, chủ yếu chỉ tập trung vào các nội dung không nhạy cảm. Cấp độ quan hệ kể trên nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục khi ông Prabowo nhậm chức Tổng thống, bởi giữa hai nước vẫn còn những rào cản khó vượt qua. Trước hết, Indonesia và Trung Quốc có tranh chấp ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) tại khu vực xung quanh quần đảo Natuna (phía Nam Biển Đông). Quần đảo Natuna nằm trong EEZ của Indonesia, nhưng vùng biển này lại chồng lấn với khu vực ở Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền theo cái gọi là “đường chín đoạn” (nine-dash line). Trong khi đó, một rào cản khác cũng đáng chú ý là sự phụ thuộc của Jakarta vào phương Tây trên nhiều khía cạnh như đào tạo, huấn luyện binh sĩ, tập trận quân sự và khí tài trang bị. 

Thêm vào đó, các hoạt động ngoại giao quốc phòng dưới thời ông Prabowo không chỉ hướng đến Mỹ, đồng minh của siêu cường, và Trung Quốc, mà còn diễn ra sôi nổi với các thành viên thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hoạt động nổi bật nhất trong thời gian gần đây chính là việc Indonesia - vào tháng 9/2023 - đã tổ chức cuộc tập trận đa phương lần đầu tiên với sự tham gia của toàn bộ 10 quốc gia thành viên ASEAN, cùng với Timor-Leste. Ngoài ra, sau 12 năm đàm phán, Indonesia và Việt Nam đã hoàn tất phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn ở các vùng biển xung quanh quần đảo Natuna; đây là cơ sở để giảm thiểu các vụ việc va chạm ở khu vực phía Nam Biển Đông.   

Cách tiếp cận đối ngoại quốc phòng kể trên sẽ tiếp tục được tân Tổng thống Prabowo duy trì và phát triển sau khi nhậm chức. Lý do là vì điều này hoàn toàn phù hợp với tuyên bố mà ông Prabowo nêu ra về cách tiếp cận không liên kết trong chính sách đối ngoại của Indonesia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Jakarta hồi tháng 11 năm ngoái. Cụ thể, ông Prabowo tuyên bố sẽ lèo lái chính sách đối ngoại của Indonesia theo quỹ đạo của một quốc gia trung lập, tự do và không liên kết (nghĩa là vừa có thể hợp tác với Mỹ cùng đồng minh, mà cũng vừa duy trì quan hệ với Trung Quốc), đồng thời đảm bảo giữ vững quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng (mà ông tóm gọn là “Good Neighbor Policy”). 

Thông điệp từ Đối thoại Shangri-La 2024

Đường lối không liên kết của Indonesia được ông Prabowo tái khẳng định khi phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 2024 (diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á) hôm 1/6 tại Singapore. Cụ thể, ông nói rằng “Chúng tôi phải duy trì chính sách không liên kết, duy trì mối quan hệ tốt đẹp nhất với tất cả các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, liên quan đến các vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ, chúng tôi sẽ luôn thúc đẩy mọi nỗ lực để đạt được mục tiêu cùng tồn tại, hợp tác và thỏa hiệp”. 

Bên lề đối Đối thoại Shangri-La, ông Prabowo và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin đã thảo luận về việc hiện đại hóa hệ thống phòng thủ vũ khí và bày tỏ sự cảm kích đối với sự hỗ trợ của Mỹ trong việc giúp Indonesia hiện đại hóa các trang thiết bị mà Lực lượng Phòng vệ Indonesia (TNI) sử dụng. Động thái này cho thấy quan hệ quốc phòng với Washington nhiều khả năng vẫn là trụ cột quan trọng trong các ưu tiên quốc phòng của Jakarta.

Không những thế, bài phát biểu của ông Prabowo còn hé lộ một trọng tâm khác mà tân Tổng thống sẽ thực hiện đó là tích cực kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra một “giải pháp công bằng” (just solution) cho cuộc chiến Israel-Hamas, vì cả hai bên đều có “quyền tồn tại” (right to exist). Thiết thực hơn, ông Prabowo tuyên bố Indonesia sẵn sàng gửi một số lượng đáng kể lực lượng gìn giữ hòa bình đến Dải Gaza (khu vực chiến sự hiện nay giữa Israel và Hamas) để duy trì và giám sát lệnh ngừng bắn, ngoài ra cũng sẽ “làm bất cứ điều gì có thể để cung cấp hỗ trợ nhân đạo” (do whatever we can to provide humanitarian assistance). Những chỉ dấu này cho thấy Indonesia dưới thời Prabowo sẽ triển khai chính sách quốc phòng năng động và hướng ra bên ngoài hơn so với Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo.

Tóm lại, Indonesia dưới thời tân Tổng thống Prabowo sẽ không chỉ tăng cường năng lực quân sự, củng cố an ninh quốc gia, mà còn tiếp tục phát huy đường lối đối ngoại không liên kết với các cường quốc, duy trì quan hệ tốt đẹp với các quốc gia láng giềng, và tích cực đóng góp cho các hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới. Nếu thành công, chính phủ mới của Indonesia có thể tăng cường uy tín của Jakarta trên trường quốc tế, đảm bảo chủ quyền quốc gia và thúc đẩy ảnh hưởng quốc phòng của nước này trong khu vực.  

Vào tháng 10 tới, Prabowo Subianto, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm của Indonesia, sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng 2 vừa qua. Ông Prabowo khi đó đã giành được hơn 60% số phiếu bầu, vượt xa tỷ lệ của hai ứng cử viên còn lại là Anies Baswedan và Ganjar Pranowo, lần lượt là 25% và 16%. 

Trong quá trình tranh cử, ông Prabowo từng nhấn mạnh rằng mặc dù Indonesia là một quốc gia thuộc phong trào không liên kết (non-aligned), nhưng “Sức mạnh quốc gia phải là sức mạnh quân sự. Nếu không có sức mạnh quân sự, lịch sử văn minh nhân loại sẽ cho chúng ta thấy hình ảnh một quốc gia bị nghiền nát như tại Gaza hiện nay” (National power must be military power. Without military power, the history of human civilization will teach us that a nation will be crushed like Gaza is currently). 

Thông điệp rắn rỏi này báo hiệu ông Prabowo có thể sẽ ưu tiên củng cố an ninh quốc gia và tăng cường sức mạnh quân đội, bên cạnh duy trì hợp tác quốc tế theo tinh thần không liên kết.  

Hiện đại hóa quân đội và củng cố an ninh quốc gia 

Kể từ khi trở thành Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2019, ông Prabowo đã đẩy nhanh chương trình hiện đại hóa năng lực quân đội trên quy mô lớn. Cụ thể, Không quân Indonesia - vào năm 2021 - đã đặt mua hai máy bay vận tải quân sự đa năng A400M để giúp tăng năng lực ứng phó trước mọi tình huống nguy cấp, kể cả động đất và sóng thần. Đến năm 2022, chính phủ Indonesia đã đặt mua 42 máy bay chiến đấu Dassault Rafale của Pháp với giá trị 8,1 tỷ USD. Không lâu sau đó, vào tháng 8/2023, chính phủ nước này ký biên bản ghi nhớ với tập đoàn Boeing để mua 24 tiêm kích F-15IDN, và ký thỏa thuận với tập đoàn Lockheed Martin để mua 24 trực thăng vận tải S-70Ms. Đây là hai tập đoàn công nghệ quốc phòng hàng đầu của Mỹ.

Không chỉ tập trung tăng cường mua sắm cho Không quân, Bộ Quốc phòng Indonesia - vào tháng 9/2023 - cũng đã ký hợp đồng mua một tàu ngầm cứu hộ trị giá 100 triệu USD từ công ty Submarine Manufacturing and Products (thuộc Vương quốc Anh). Ngoài ra, Jakarta - vào tháng 4 vừa qua - đã đạt thỏa thuận để mua hai tàu ngầm lớp Scorpene từ Tập đoàn Hải quân Pháp. 

Dưới sự quản lý của ông Prabowo, vị trí của Indonesia trong bảng xếp hạng Chỉ số Hỏa lực Toàn cầu (Global Firepower Index) đã gia tăng. Ở thời điểm ông Prabowo mới nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng vào năm 2019, Indonesia khi đó xếp hạng 16 trên tổng số 145 quốc gia được khảo sát. Sau bốn năm, Indonesia đã vươn lên vị trí thứ 13 vào năm 2023, vượt qua các cường quốc tầm trung khác như Singapore, Israel, Malaysia, Ai Cập, và Australia.

Song song với nỗ lực hiện đại hóa quân đội, Indonesia đã duy trì mức chi tiêu quốc phòng ở mức cao trong những năm qua. Kể từ khi ông Prabowo trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, chi tiêu quốc phòng hằng năm của Indonesia đều được duy trì từ mức 8,8 tỷ USD trở lên (mức kỷ lục trước đó mà Indonesia từng đạt được vào năm 2017). Trong đó, năm 2020 ghi nhận mức ngân sách chi tiêu quốc phòng lớn nhất trong lịch sử, với 9,39 tỷ USD

Với những gì đã làm trong thời gian qua, nhiệm vụ tiếp tục chương trình hiện đại hóa quân đội gần như chắc chắn sẽ là ưu tiên của Prabowo khi ông chính thức trở thành Tổng thống. Tuy nhiên, có nhiều việc mà tân Tổng thống cần phải giải quyết nếu muốn tạo ra sự đột phá cho công cuộc hiện đại hóa quân đội. Trước hết, mặc dù Indonesia khá “quyết liệt” khi liên tục tìm kiếm các hợp đồng mua sắm mới, nhưng theo ông Evan Laksmana, chuyên gia nghiên cứu quân sự Đông Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (International Institute for Strategic Studies), tính đến tháng 9/2023, Không quân Indonesia chỉ mới đạt được 51% mục tiêu đề ra, Lục quân đạt 60% và Hải quân đạt 76%, tính theo danh sách các nhiệm vụ thuộc Lực lượng Thiết yếu Tối thiểu (Minimum Essential Force) mà chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Joko Widodo phải hoàn thành trước khi bàn giao vào tháng 10. Jakarta dường như đã giảm áp lực cho chương trình hiện đại hóa bằng việc cắt đi những thỏa thuận chưa cần thiết. Chẳng hạn, vào tháng 2 năm nay, Indonesia được cho là đã hủy bỏ thỏa thuận mua 12 máy bay phản lực Dassault Mirage 2000-5 đã qua sử dụng của Qatar. Jakarta cũng chậm thanh toán cho chương trình phát triển máy bay KF-21 Boramae chung với Hàn Quốc.   

Hơn nữa, gần đây Indonesia chú trọng đầu tư cho Hải quân và Lục quân, trong khi Lục quân mới thường là lực lượng được phân bổ phần lớn ngân sách quốc phòng. Do đó, chính phủ mới sẽ phải giải quyết sự căng thẳng không thể tránh khỏi giữa nhu cầu đầu tư vào năng lực phòng thủ hàng hải, và củng cố Lục quân. Trong khi Hải quân và Không quân có nhu cầu hiện đại hóa nhanh chóng để tạo ra năng lực răn đe hiệu quả với Trung Quốc trên Biển Đông, thì Lục quân cũng cần được chú trọng đầu tư để cứu trợ thiên tai và đảm bảo an ninh lương thực hiệu quả hơn, vốn yêu cầu phải dàn trải sự hiện diện trên khắp đất nước. 

Như vậy, tham vọng tiếp tục thực hiện chương trình hiện đại hóa quân đội sẽ là ưu tiên quốc phòng của tân Tổng thống Indonesia. Tuy nhiên, còn phải chờ xem liệu ông Prabowo có đưa ra bước đột phá nào để đẩy nhanh tốc độ mua sắm của Indonesia hay không; cũng như giữa các lực lượng Hải quân, Không quân hay Lục quân thì ông Prabowo và tân Bộ trưởng Quốc phòng sẽ ưu tiên phân bổ ngân sách cho bên nào.  

Ở một khía cạnh khác, theo một mô hình nội các không chính thức được lan truyền trên mạng xã hội ngay sau cuộc bầu cử, Trung tướng đã nghỉ hưu Sjafrie Sjamsoeddin có thể sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng trong nhiệm kỳ tới. Ông Sjamsoeddin bạn tâm giao và cũng là bạn học với ông Prabowo trong lực lượng đặc biệt của quân đội Indonesia (Kopassus). Một quan chức khác cũng đến từ Kopassus là Trung tướng Muhammad Herindra, có khả năng tiếp tục giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng trong nhiệm kỳ mới.

Đối với các vị trí lãnh đạo quân đội, ông Prabowo có thể sẽ kế thừa nhân sự mà ông Widodo đã bổ nhiệm. Lý do là vì những người này được đánh giá là vừa trung thành với Tổng thống đương nhiệm, vừa có mối liên hệ tốt với ông Prabowo. Chẳng hạn, Tư lệnh Lục quân hiện nay là Tướng Maruli Simanjuntak có mối quan hệ tốt với ông Prabowo vì cùng đến từ Kopassus, đồng thời ông Simanjuntak lại là con rể của Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Panjaitan (người đã làm việc trung thành dưới chính quyền ông Widodo kể từ năm 2016).

Từ các thông tin kể trên, ông Prabowo có thể sẽ ưu tiên bổ nhiệm những người trung thành, thân quen vào các chức vụ về quốc phòng nhằm đảm bảo sự liên tục của các chính sách liên quan đến an ninh quốc gia, cũng như “bảo vệ” di sản mà ông đã gầy dựng kể từ năm 2019.

Củng cố ngoại giao quốc phòng 

Những năm qua, ông Prabowo, trong vai trò Bộ trưởng Quốc phòng, đã tích cực thúc đẩy quan hệ quốc phòng với nhiều quốc gia. Trước hết là về quan hệ quốc phòng với Mỹ, hai quốc gia đang ngày càng thúc đẩy quan hệ hợp tác an ninh chặt chẽ. Indonesia đã mở rộng quy mô tập trận thường niên Garuda Shield từ hình thức song phương (với Mỹ) sang quy tụ nhiều quốc gia cùng tham dự (chuyển đổi từ năm 2022). Hơn nữa, những tương tác thông qua tập trận đã gián tiếp tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác sâu hơn, như tổ chức đối thoại chính sách đối ngoại và quốc phòng theo hình thức 2+2 (giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao) lần đầu tiên vào năm 2023. Cũng trong năm này, Indonesia và Mỹ đã ký Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (Defense Cooperation Agreement - DCA), trong đó tập trung vào thúc đẩy tập trận quân sự (đặc biệt là năng lực trên không), hợp tác công nghệ quốc phòng và củng cố năng lực phòng thủ trên không gian mạng. Tại Đông Nam Á, bên cạnh Indonesia, chỉ có Philippines ký kết DCA với Mỹ.

Bên cạnh đó, hai nước gần đây cũng tăng cường hợp tác hàng hải trong bối cảnh Trung Quốc thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra trên Biển Đông, với bước đầu tiên là khánh thành trung tâm huấn luyện hàng hải ở thành phố Batam (Indonesia) vào tháng 1/2024. Nhiều khả năng, ông Prabowo sẽ tiếp tục những nội dung hợp tác kể trên trong thời gian tới, bởi vì chính ông là người đã góp phần kiến tạo nên những nền tảng này trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Quốc phòng của mình. 

Trong khi đó, với đồng minh của Mỹ là Australia, ông Prabowo cũng đã góp phần đưa hợp tác quốc phòng giữa Jakarta với Canberra trở nên sâu sắc hơn. Các cuộc đàm phán để xây dựng hợp tác quốc phòng song phương toàn diện hơn đã diễn ra kể từ tháng 2/2023. Kết quả là, trong cuộc gặp hồi tháng 2 vừa qua giữa Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo và Richard Marles, người đồng cấp Australia, hai bên đã đồng ý sẽ chuẩn bị ký một hiệp ước hợp tác quốc phòng mới. Theo ông Marles, đây sẽ là hình thức hợp tác quốc phòng quan trọng nhất trong lịch sử quan hệ Indonesia - Australia.  

Không chỉ với Mỹ và các đồng minh, Indonesia dưới thời ông Prabowo vẫn duy trì sự giao thiệp quốc phòng nhất định với Trung Quốc. Trong cuộc tập trận hải quân đa phương Komodo mới nhất vào tháng 6/2023 do Indonesia chủ trì, quốc gia này đã gửi lời mời tham dự đến Trung Quốc (và nhận được sự đồng ý), mặc dù cuộc tập trận đồng thời có sự hiện diện của Mỹ và đồng minh là Hàn Quốc. Mới đây hơn, trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đến Jakarta vào giữa tháng 4, ông Prabowo và ông Vương đã tổ chức cuộc họp kín để thảo luận về quan hệ quốc phòng song phương, chủ yếu xoay quanh hợp tác giáo dục và đào tạo, các cuộc tập trận chung cũng như hợp tác công nghiệp quốc phòng. 

Nhìn chung, những nỗ lực kể trên của hai phía là đáng ghi nhận, song hợp tác quốc phòng giữa Indonesia và Trung Quốc vẫn còn kém phát triển, chủ yếu chỉ tập trung vào các nội dung không nhạy cảm. Cấp độ quan hệ kể trên nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục khi ông Prabowo nhậm chức Tổng thống, bởi giữa hai nước vẫn còn những rào cản khó vượt qua. Trước hết, Indonesia và Trung Quốc có tranh chấp ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) tại khu vực xung quanh quần đảo Natuna (phía Nam Biển Đông). Quần đảo Natuna nằm trong EEZ của Indonesia, nhưng vùng biển này lại chồng lấn với khu vực ở Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền theo cái gọi là “đường chín đoạn” (nine-dash line). Trong khi đó, một rào cản khác cũng đáng chú ý là sự phụ thuộc của Jakarta vào phương Tây trên nhiều khía cạnh như đào tạo, huấn luyện binh sĩ, tập trận quân sự và khí tài trang bị. 

Thêm vào đó, các hoạt động ngoại giao quốc phòng dưới thời ông Prabowo không chỉ hướng đến Mỹ, đồng minh của siêu cường, và Trung Quốc, mà còn diễn ra sôi nổi với các thành viên thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hoạt động nổi bật nhất trong thời gian gần đây chính là việc Indonesia - vào tháng 9/2023 - đã tổ chức cuộc tập trận đa phương lần đầu tiên với sự tham gia của toàn bộ 10 quốc gia thành viên ASEAN, cùng với Timor-Leste. Ngoài ra, sau 12 năm đàm phán, Indonesia và Việt Nam đã hoàn tất phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn ở các vùng biển xung quanh quần đảo Natuna; đây là cơ sở để giảm thiểu các vụ việc va chạm ở khu vực phía Nam Biển Đông.   

Cách tiếp cận đối ngoại quốc phòng kể trên sẽ tiếp tục được tân Tổng thống Prabowo duy trì và phát triển sau khi nhậm chức. Lý do là vì điều này hoàn toàn phù hợp với tuyên bố mà ông Prabowo nêu ra về cách tiếp cận không liên kết trong chính sách đối ngoại của Indonesia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Jakarta hồi tháng 11 năm ngoái. Cụ thể, ông Prabowo tuyên bố sẽ lèo lái chính sách đối ngoại của Indonesia theo quỹ đạo của một quốc gia trung lập, tự do và không liên kết (nghĩa là vừa có thể hợp tác với Mỹ cùng đồng minh, mà cũng vừa duy trì quan hệ với Trung Quốc), đồng thời đảm bảo giữ vững quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng (mà ông tóm gọn là “Good Neighbor Policy”). 

Thông điệp từ Đối thoại Shangri-La 2024

Đường lối không liên kết của Indonesia được ông Prabowo tái khẳng định khi phát biểu tại Đối thoại Shangri-la 2024 (diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á) hôm 1/6 tại Singapore. Cụ thể, ông nói rằng “Chúng tôi phải duy trì chính sách không liên kết, duy trì mối quan hệ tốt đẹp nhất với tất cả các quốc gia trên thế giới. Vì vậy, liên quan đến các vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ, chúng tôi sẽ luôn thúc đẩy mọi nỗ lực để đạt được mục tiêu cùng tồn tại, hợp tác và thỏa hiệp”. 

Bên lề đối Đối thoại Shangri-La, ông Prabowo và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin đã thảo luận về việc hiện đại hóa hệ thống phòng thủ vũ khí và bày tỏ sự cảm kích đối với sự hỗ trợ của Mỹ trong việc giúp Indonesia hiện đại hóa các trang thiết bị mà Lực lượng Phòng vệ Indonesia (TNI) sử dụng. Động thái này cho thấy quan hệ quốc phòng với Washington nhiều khả năng vẫn là trụ cột quan trọng trong các ưu tiên quốc phòng của Jakarta.

Không những thế, bài phát biểu của ông Prabowo còn hé lộ một trọng tâm khác mà tân Tổng thống sẽ thực hiện đó là tích cực kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ra một “giải pháp công bằng” (just solution) cho cuộc chiến Israel-Hamas, vì cả hai bên đều có “quyền tồn tại” (right to exist). Thiết thực hơn, ông Prabowo tuyên bố Indonesia sẵn sàng gửi một số lượng đáng kể lực lượng gìn giữ hòa bình đến Dải Gaza (khu vực chiến sự hiện nay giữa Israel và Hamas) để duy trì và giám sát lệnh ngừng bắn, ngoài ra cũng sẽ “làm bất cứ điều gì có thể để cung cấp hỗ trợ nhân đạo” (do whatever we can to provide humanitarian assistance). Những chỉ dấu này cho thấy Indonesia dưới thời Prabowo sẽ triển khai chính sách quốc phòng năng động và hướng ra bên ngoài hơn so với Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo.

Tóm lại, Indonesia dưới thời tân Tổng thống Prabowo sẽ không chỉ tăng cường năng lực quân sự, củng cố an ninh quốc gia, mà còn tiếp tục phát huy đường lối đối ngoại không liên kết với các cường quốc, duy trì quan hệ tốt đẹp với các quốc gia láng giềng, và tích cực đóng góp cho các hoạt động gìn giữ hòa bình trên thế giới. Nếu thành công, chính phủ mới của Indonesia có thể tăng cường uy tín của Jakarta trên trường quốc tế, đảm bảo chủ quyền quốc gia và thúc đẩy ảnh hưởng quốc phòng của nước này trong khu vực.  

Từ khoá: Indonesia Prabowo Subianto an ninh quốc gia hợp tác quốc tế

BÀI LIÊN QUAN