Chờ đợi gì từ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin?

Chuyến thăm của Tổng thống Putin giúp thắt chặt quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện và có thể tạo tiền đề cho hợp tác giữa Moscow và Hà Nội trong BRICS.

Vũ Bằng 18/06/2024

Vũ Bằng

18/06/2024
Image
Nguyên Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp Tổng thống Nga V. Putin bên lề Diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRF) tại Bắc Kinh tháng 10/2023 - (C): Báo Thế giới & Việt Nam

Vào tháng 10/2023, bên lề Diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) lần thứ ba diễn ra tại Bắc Kinh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (xét theo thời điểm gặp mặt) đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhân sự kiện này, ông Thưởng đã gửi lời mời ông Putin sớm thăm Việt Nam. Trong cuộc điện đàm vào tháng 3/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục mời Tổng thống Nga sớm sắp xếp chuyến thăm chính thức đến Hà Nội. Trước cả hai lời mời, ông Putin đều nhận lời nhưng không cam kết thời gian cụ thể. 

Đến ngày 15/5, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko cung cấp thêm thông tin khi khẳng định rằng chuyến thăm của ông Putin sẽ chuẩn bị diễn ra “trong tương lai gần”. Cuối cùng, lúc chiều tối ngày 17/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra thông cáo chính thức để xác nhận rằng Tổng thống Nga sẽ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước trong hai ngày 19 và 20/6, đúng vào thời điểm hai nước đang kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị. 

Theo kế hoạch, ông Putin sẽ dự lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch, sau đó tham gia các cuộc hội đàm, hội kiến quan trọng với lãnh đạo cấp cao Việt Nam cùng một số hoạt động khác.     

Bối cảnh chuyến thăm

Chuyến thăm của ông Putin diễn ra trong bối cảnh Nga vừa hoàn thành kỳ bầu cử tổng thống lần thứ tám trong lịch sử đất nước (từ ngày 15-17/3). Kết quả là, ông Vladimir Putin tái đắc cử với 87,28% phiếu bầu (cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử nước Nga thời hậu Xô Viết), tiếp tục nhiệm kỳ tổng thống trong sáu năm tiếp theo (2024-2030). Đây là chiến thắng áp đảo của ông Putin, bởi ứng cử viên xếp thứ hai là Nikolay Kharitonov chỉ đạt 4,31% phiếu bầu. Với chiến thắng này, ông Putin đã có nhiệm kỳ thứ năm làm Tổng thống (lần đầu đảm nhận chức vụ này vào năm 2000). Đến ngày 7/5, Tổng thống Putin đã tuyên thệ nhậm chức tại Điện Kremlin.     

Không lâu sau khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, ông Putin đã có chuyến thăm đến Trung Quốc, đối tác “không giới hạn” (“no limits” partnership) của nước này, từ ngày 16-17/5. Liên quan đến sự kiện này, đã có những “tin đồn” cho rằng ông Putin có thể sẽ nhân tiện ghé thăm Việt Nam sau khi rời Bắc Kinh, song điều đó đã không diễn ra. 

Trên thực tế, thời điểm đó chưa phù hợp vì Việt Nam đang trong quá trình thay đổi lãnh đạo cấp cao. Ở thời điểm ông Putin thăm Trung Quốc thì Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Hà Nội vẫn chưa diễn ra (khai mạc ngày 20/5), do đó Việt Nam chưa bầu ra Chủ tịch nước chính thức, nghĩa là không có quan chức cấp cao với chức vụ tương đương để tiếp ông Putin. 

Xét rộng hơn, nền chính trị Việt Nam vẫn cần thời gian để ổn định trở lại sau những xáo trộn trong thời gian qua. Tổng cộng đã có sáu ủy viên Bộ Chính trị phải từ chức, gần đây nhất là bà Trương Thị Mai (thường trực Ban Bí thư và trưởng Ban Tổ chức Trung ương) hôm 16/5, đúng vào ngày Tổng thống Putin bắt đầu thăm Trung Quốc. Một tháng trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã xin từ chức. 

Sự rối ren này dường như cũng là nguyên nhân khiến Việt Nam phải hoãn lại chuyến thăm của David O’Sullivan, đặc sứ Liên minh châu Âu (EU) phụ trách thực thi các biện pháp trừng phạt Nga (theo kế hoạch vào ngày 13-14/5), chứ không phải do Hà Nội bận tiếp đón ông Putin.   

Không chỉ xoay quanh khía cạnh chính trị nội bộ, chuyến thăm sắp tới của ông Putin đến Việt Nam còn diễn trong bối cảnh Nga đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) trong năm nay. Khi Nga vừa mới nhậm chức vào ngày 1/1, các nước BRICS đã ngay lập tức kết nạp thêm bốn thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) (bên cạnh các thành viên cũ là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Saudi Arabia ban đầu cũng được thông báo đã trở thành thành viên chính thức, nhưng sau đó xác nhận vẫn chỉ đang cân nhắc. 

Còn với Việt Nam, vào tháng 8/2023, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Nam Phi Naledi Pandor đã tiết lộ trong một cuộc họp báo rằng đã có 23 quốc gia chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS, trong đó có đất nước hình chữ S. Phía Hà Nội chưa khi nào xác nhận thông tin này, chỉ thường xuyên lặp lại quan điểm rằng “Cũng như nhiều nước trên thế giới, chúng tôi quan tâm theo dõi tiến trình thảo luận về mở rộng thành viên của Nhóm BRICS” (chẳng hạn vào tháng 8/20235/2024). Sự “quan tâm” này được cụ thể hóa khi vào ngày 11/6 vừa qua khi Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã tham dự phiên “Đối thoại BRICS với các nước đang phát triển” diễn ra ở thành phố Nizhny Novgorod của Nga. 

Trong khi đó, vào ngày 15/5, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko khẳng định Moscow ủng hộ Việt Nam tham gia khối BRICS, và sẽ rất vui mừng nếu điều đó xảy ra. Với việc Hà Nội bày tỏ sự “quan tâm” trong khi Moscow không giấu giếm sự ủng hộ, chuyến thăm của ông Putin là dịp không thể tốt hơn để hai nước trao đổi rõ ràng hơn về vấn đề này.  

Như vậy, chuyến thăm của ông Putin đến Việt Nam diễn ra trong bối cảnh nền chính trị nội bộ hai nước vừa trải qua một số sự kiện đáng chú ý, và đồng thời, những tin tức tích cực về triển vọng Việt Nam gia nhập BRICS cũng xuất hiện dày đặc hơn.   

Hai ý nghĩa nổi bật

Thứ nhất, thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nga trong nhiệm kỳ tổng thống mới của ông Putin.

Trước hết, chuyến thăm sắp diễn ra của ông Putin có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện cam kết của hai nước về mặt ngoại giao. Trong hai năm qua, Việt Nam đã đón tiếp các nhà lãnh đạo của năm trong số bảy Đối tác Chiến lược Toàn diện của mình, bao gồm Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (tháng 5/2022), Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (cùng tháng 6/2023), Tổng thống Mỹ Joe Biden (tháng 9/2023), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12/2023). 

Ngay cả lãnh đạo của các quốc gia đang trong quá trình nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện cũng đã sang thăm Hà Nội, đó là Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (tháng 8/2023) và Tổng thống Indonesia Joko Widodo (tháng 1/2024). 

Với những diễn biến kể trên, chuyến thăm của Tổng thống Putin là cần thiết để khẳng định rằng Nga cũng là đối tác rất quan trọng đối với Việt Nam, bất chấp chiến sự đang diễn ra ở Ukraine, cũng như lệnh bắt nhà lãnh đạo Nga mà Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đưa ra hồi tháng 3/2023. Quan trọng là sự kiện này đồng thời giúp củng cố chính sách đối ngoại cân bằng của Hà Nội. 

Tuy nhiên, ngay cả khi đã thể hiện nỗ lực ngoại giao cân bằng, việc tiếp đón Tổng thống Putin vẫn vấp phải sự phản đối từ Người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, cho rằng điều này đang giúp “bình thường hóa những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trắng trợn của Nga” (normalize Russia’s blatant violations of international law).    

Chuyến thăm của ông Putin cũng giúp củng cố định hướng đối ngoại mà Moscow đã đề ra trong Khái niệm Chính sách Đối ngoại 2023 (Concept of the Foreign Policy of the Russian Federation). Theo đó, lục địa Á - Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (nơi Việt Nam thuộc về) là những ưu tiên quan trọng hàng đầu của Nga, chỉ xếp sau các quốc gia láng giềng và khu vực Bắc cực. 

Hơn nữa, mặc dù Hà Nội và Moscow là đối tác thân thiết của nhau (trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện từ năm 2012), và Tổng thống Putin cũng đã từng ba lần đến thăm chính thức Việt Nam (vào các năm 2001, 2006, và 2013), nhưng lần gần nhất đã diễn ra cách đây 11 năm. Đó là khoảng thời gian rất dài cho một mối quan hệ thân thiết như vậy.          

Thứ hai, tạo cơ hội để lãnh đạo Việt Nam vận động cho nước này tham gia vào BRICS.

Bên cạnh ý nghĩa ngoại giao, chuyến thăm còn có thể là dịp quan trọng để hai nước có những tương tác và thảo luận sâu hơn về triển vọng Nga hỗ trợ Việt Nam tham gia vào khối BRICS. Nếu trở thành thành viên chính thức, Hà Nội sẽ có tiềm năng mở rộng hợp tác kinh tế cả về thương mại, tài chính, cũng như đầu tư, bởi sau đợt kết nạp vào đầu năm, khối BRICS hiện chiếm đến 37,3% GDP và 46% dân số thế giới. 

Cùng với đó, khối này quy tụ nhiều cường quốc tầm trung (Ấn Độ, Brazil, Nam Phi) và cường quốc (Nga, Trung Quốc), vì thế có thể tạo môi trường tốt để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm quý giá trong các lĩnh vực thiết thực như phát triển cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ và chính sách công nghiệp.  

Mặc dù hợp tác kinh tế được nhấn mạnh là nền tảng, nhưng cho đến nay các số liệu từ khía cạnh trên vẫn còn mờ nhạt, chủ yếu là bởi những cơ chế của BRICS. Chẳng hạn, Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank) do khối BRICS thành lập hiện đang nắm giữ tương đối ít vốn, do đó khó có thể cạnh tranh với các tổ chức lâu năm như Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong việc tài trợ cho các dự án phát triển. 

Nếu trong chuyến thăm lần này ông Putin bày tỏ sự ủng hộ trực tiếp hoặc kêu gọi Việt Nam gia nhập BRICS, phía Hà Nội nhiều khả năng sẽ không từ chối, nhưng có thể chỉ đề nghị tham gia vào một số nội dung liên quan đến thương mại thay vì trở thành thành viên chính thức. Có cơ sở để tin kịch bản như trên sẽ xảy ra, bởi trong phát biểu ngày 15/5, Đại sứ Bezdetko từng khẳng định rằng Việt Nam có thể tham gia BRICS với “một hình thức phù hợp” theo ý muốn. Bằng cách này, quốc gia Đông Nam Á vừa có thể tận dụng các cơ hội mà BRICS mang lại, vừa giảm bớt nguy cơ chịu sức ép từ Mỹ vì tham gia vào một cơ chế “không thân thiện” với phương Tây.  

Tóm lại, chuyến thăm của Tổng thống Putin không chỉ giúp củng cố quan hệ tốt đẹp lâu đời (mà theo nhận định của Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi thì “hai nước luôn coi nhau là đối tác, bạn bè quan trọng và hàng đầu”) mà còn nhằm làm sâu sắc thêm cấp độ Đối tác Chiến lược Toàn diện trong quan hệ Nga - Việt. 

Cùng với đó, sự kiện còn có thể là “bàn đạp” để Việt Nam sớm tham gia vào khối BRICS, mở ra cơ hội thúc đẩy thương mại thông qua cơ chế này. Tuy nhiên, bất kỳ động thái nào của Hà Nội hiện nay đều đang được phương Tây theo dõi sát sao, do đó, nước này cần ứng xử khéo léo để hài hòa quan hệ với các nước lớn.    

Vào tháng 10/2023, bên lề Diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) lần thứ ba diễn ra tại Bắc Kinh, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (xét theo thời điểm gặp mặt) đã có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhân sự kiện này, ông Thưởng đã gửi lời mời ông Putin sớm thăm Việt Nam. Trong cuộc điện đàm vào tháng 3/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục mời Tổng thống Nga sớm sắp xếp chuyến thăm chính thức đến Hà Nội. Trước cả hai lời mời, ông Putin đều nhận lời nhưng không cam kết thời gian cụ thể. 

Đến ngày 15/5, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Stepanovich Bezdetko cung cấp thêm thông tin khi khẳng định rằng chuyến thăm của ông Putin sẽ chuẩn bị diễn ra “trong tương lai gần”. Cuối cùng, lúc chiều tối ngày 17/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra thông cáo chính thức để xác nhận rằng Tổng thống Nga sẽ thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước trong hai ngày 19 và 20/6, đúng vào thời điểm hai nước đang kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị. 

Theo kế hoạch, ông Putin sẽ dự lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch, sau đó tham gia các cuộc hội đàm, hội kiến quan trọng với lãnh đạo cấp cao Việt Nam cùng một số hoạt động khác.     

Bối cảnh chuyến thăm

Chuyến thăm của ông Putin diễn ra trong bối cảnh Nga vừa hoàn thành kỳ bầu cử tổng thống lần thứ tám trong lịch sử đất nước (từ ngày 15-17/3). Kết quả là, ông Vladimir Putin tái đắc cử với 87,28% phiếu bầu (cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử nước Nga thời hậu Xô Viết), tiếp tục nhiệm kỳ tổng thống trong sáu năm tiếp theo (2024-2030). Đây là chiến thắng áp đảo của ông Putin, bởi ứng cử viên xếp thứ hai là Nikolay Kharitonov chỉ đạt 4,31% phiếu bầu. Với chiến thắng này, ông Putin đã có nhiệm kỳ thứ năm làm Tổng thống (lần đầu đảm nhận chức vụ này vào năm 2000). Đến ngày 7/5, Tổng thống Putin đã tuyên thệ nhậm chức tại Điện Kremlin.     

Không lâu sau khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, ông Putin đã có chuyến thăm đến Trung Quốc, đối tác “không giới hạn” (“no limits” partnership) của nước này, từ ngày 16-17/5. Liên quan đến sự kiện này, đã có những “tin đồn” cho rằng ông Putin có thể sẽ nhân tiện ghé thăm Việt Nam sau khi rời Bắc Kinh, song điều đó đã không diễn ra. 

Trên thực tế, thời điểm đó chưa phù hợp vì Việt Nam đang trong quá trình thay đổi lãnh đạo cấp cao. Ở thời điểm ông Putin thăm Trung Quốc thì Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tại Hà Nội vẫn chưa diễn ra (khai mạc ngày 20/5), do đó Việt Nam chưa bầu ra Chủ tịch nước chính thức, nghĩa là không có quan chức cấp cao với chức vụ tương đương để tiếp ông Putin. 

Xét rộng hơn, nền chính trị Việt Nam vẫn cần thời gian để ổn định trở lại sau những xáo trộn trong thời gian qua. Tổng cộng đã có sáu ủy viên Bộ Chính trị phải từ chức, gần đây nhất là bà Trương Thị Mai (thường trực Ban Bí thư và trưởng Ban Tổ chức Trung ương) hôm 16/5, đúng vào ngày Tổng thống Putin bắt đầu thăm Trung Quốc. Một tháng trước đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã xin từ chức. 

Sự rối ren này dường như cũng là nguyên nhân khiến Việt Nam phải hoãn lại chuyến thăm của David O’Sullivan, đặc sứ Liên minh châu Âu (EU) phụ trách thực thi các biện pháp trừng phạt Nga (theo kế hoạch vào ngày 13-14/5), chứ không phải do Hà Nội bận tiếp đón ông Putin.   

Không chỉ xoay quanh khía cạnh chính trị nội bộ, chuyến thăm sắp tới của ông Putin đến Việt Nam còn diễn trong bối cảnh Nga đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) trong năm nay. Khi Nga vừa mới nhậm chức vào ngày 1/1, các nước BRICS đã ngay lập tức kết nạp thêm bốn thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) (bên cạnh các thành viên cũ là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Saudi Arabia ban đầu cũng được thông báo đã trở thành thành viên chính thức, nhưng sau đó xác nhận vẫn chỉ đang cân nhắc. 

Còn với Việt Nam, vào tháng 8/2023, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Nam Phi Naledi Pandor đã tiết lộ trong một cuộc họp báo rằng đã có 23 quốc gia chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS, trong đó có đất nước hình chữ S. Phía Hà Nội chưa khi nào xác nhận thông tin này, chỉ thường xuyên lặp lại quan điểm rằng “Cũng như nhiều nước trên thế giới, chúng tôi quan tâm theo dõi tiến trình thảo luận về mở rộng thành viên của Nhóm BRICS” (chẳng hạn vào tháng 8/20235/2024). Sự “quan tâm” này được cụ thể hóa khi vào ngày 11/6 vừa qua khi Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã tham dự phiên “Đối thoại BRICS với các nước đang phát triển” diễn ra ở thành phố Nizhny Novgorod của Nga. 

Trong khi đó, vào ngày 15/5, Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko khẳng định Moscow ủng hộ Việt Nam tham gia khối BRICS, và sẽ rất vui mừng nếu điều đó xảy ra. Với việc Hà Nội bày tỏ sự “quan tâm” trong khi Moscow không giấu giếm sự ủng hộ, chuyến thăm của ông Putin là dịp không thể tốt hơn để hai nước trao đổi rõ ràng hơn về vấn đề này.  

Như vậy, chuyến thăm của ông Putin đến Việt Nam diễn ra trong bối cảnh nền chính trị nội bộ hai nước vừa trải qua một số sự kiện đáng chú ý, và đồng thời, những tin tức tích cực về triển vọng Việt Nam gia nhập BRICS cũng xuất hiện dày đặc hơn.   

Hai ý nghĩa nổi bật

Thứ nhất, thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nga trong nhiệm kỳ tổng thống mới của ông Putin.

Trước hết, chuyến thăm sắp diễn ra của ông Putin có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện cam kết của hai nước về mặt ngoại giao. Trong hai năm qua, Việt Nam đã đón tiếp các nhà lãnh đạo của năm trong số bảy Đối tác Chiến lược Toàn diện của mình, bao gồm Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (tháng 5/2022), Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (cùng tháng 6/2023), Tổng thống Mỹ Joe Biden (tháng 9/2023), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12/2023). 

Ngay cả lãnh đạo của các quốc gia đang trong quá trình nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện cũng đã sang thăm Hà Nội, đó là Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (tháng 8/2023) và Tổng thống Indonesia Joko Widodo (tháng 1/2024). 

Với những diễn biến kể trên, chuyến thăm của Tổng thống Putin là cần thiết để khẳng định rằng Nga cũng là đối tác rất quan trọng đối với Việt Nam, bất chấp chiến sự đang diễn ra ở Ukraine, cũng như lệnh bắt nhà lãnh đạo Nga mà Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đưa ra hồi tháng 3/2023. Quan trọng là sự kiện này đồng thời giúp củng cố chính sách đối ngoại cân bằng của Hà Nội. 

Tuy nhiên, ngay cả khi đã thể hiện nỗ lực ngoại giao cân bằng, việc tiếp đón Tổng thống Putin vẫn vấp phải sự phản đối từ Người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, cho rằng điều này đang giúp “bình thường hóa những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế trắng trợn của Nga” (normalize Russia’s blatant violations of international law).    

Chuyến thăm của ông Putin cũng giúp củng cố định hướng đối ngoại mà Moscow đã đề ra trong Khái niệm Chính sách Đối ngoại 2023 (Concept of the Foreign Policy of the Russian Federation). Theo đó, lục địa Á - Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (nơi Việt Nam thuộc về) là những ưu tiên quan trọng hàng đầu của Nga, chỉ xếp sau các quốc gia láng giềng và khu vực Bắc cực. 

Hơn nữa, mặc dù Hà Nội và Moscow là đối tác thân thiết của nhau (trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện từ năm 2012), và Tổng thống Putin cũng đã từng ba lần đến thăm chính thức Việt Nam (vào các năm 2001, 2006, và 2013), nhưng lần gần nhất đã diễn ra cách đây 11 năm. Đó là khoảng thời gian rất dài cho một mối quan hệ thân thiết như vậy.          

Thứ hai, tạo cơ hội để lãnh đạo Việt Nam vận động cho nước này tham gia vào BRICS.

Bên cạnh ý nghĩa ngoại giao, chuyến thăm còn có thể là dịp quan trọng để hai nước có những tương tác và thảo luận sâu hơn về triển vọng Nga hỗ trợ Việt Nam tham gia vào khối BRICS. Nếu trở thành thành viên chính thức, Hà Nội sẽ có tiềm năng mở rộng hợp tác kinh tế cả về thương mại, tài chính, cũng như đầu tư, bởi sau đợt kết nạp vào đầu năm, khối BRICS hiện chiếm đến 37,3% GDP và 46% dân số thế giới. 

Cùng với đó, khối này quy tụ nhiều cường quốc tầm trung (Ấn Độ, Brazil, Nam Phi) và cường quốc (Nga, Trung Quốc), vì thế có thể tạo môi trường tốt để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm quý giá trong các lĩnh vực thiết thực như phát triển cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ và chính sách công nghiệp.  

Mặc dù hợp tác kinh tế được nhấn mạnh là nền tảng, nhưng cho đến nay các số liệu từ khía cạnh trên vẫn còn mờ nhạt, chủ yếu là bởi những cơ chế của BRICS. Chẳng hạn, Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank) do khối BRICS thành lập hiện đang nắm giữ tương đối ít vốn, do đó khó có thể cạnh tranh với các tổ chức lâu năm như Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong việc tài trợ cho các dự án phát triển. 

Nếu trong chuyến thăm lần này ông Putin bày tỏ sự ủng hộ trực tiếp hoặc kêu gọi Việt Nam gia nhập BRICS, phía Hà Nội nhiều khả năng sẽ không từ chối, nhưng có thể chỉ đề nghị tham gia vào một số nội dung liên quan đến thương mại thay vì trở thành thành viên chính thức. Có cơ sở để tin kịch bản như trên sẽ xảy ra, bởi trong phát biểu ngày 15/5, Đại sứ Bezdetko từng khẳng định rằng Việt Nam có thể tham gia BRICS với “một hình thức phù hợp” theo ý muốn. Bằng cách này, quốc gia Đông Nam Á vừa có thể tận dụng các cơ hội mà BRICS mang lại, vừa giảm bớt nguy cơ chịu sức ép từ Mỹ vì tham gia vào một cơ chế “không thân thiện” với phương Tây.  

Tóm lại, chuyến thăm của Tổng thống Putin không chỉ giúp củng cố quan hệ tốt đẹp lâu đời (mà theo nhận định của Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi thì “hai nước luôn coi nhau là đối tác, bạn bè quan trọng và hàng đầu”) mà còn nhằm làm sâu sắc thêm cấp độ Đối tác Chiến lược Toàn diện trong quan hệ Nga - Việt. 

Cùng với đó, sự kiện còn có thể là “bàn đạp” để Việt Nam sớm tham gia vào khối BRICS, mở ra cơ hội thúc đẩy thương mại thông qua cơ chế này. Tuy nhiên, bất kỳ động thái nào của Hà Nội hiện nay đều đang được phương Tây theo dõi sát sao, do đó, nước này cần ứng xử khéo léo để hài hòa quan hệ với các nước lớn.    

Từ khoá: Việt Nam Nga BRICS Putin Đối tác Chiến lược Toàn diện

BÀI LIÊN QUAN