Ngày 10/4, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nhật đã diễn ra tại Nhà Trắng với cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio. Trong tuyên bố chung sau hội nghị, lãnh đạo hai nước đã định vị quan hệ song phương hiện tại là “Đối tác Toàn cầu vì Tương lai” (Global Partners for the Future) và Hội nghị Thượng đỉnh lần này đánh dấu “kỷ nguyên mới” của liên minh Mỹ - Nhật.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khả năng tiếp tục cầm quyền của cả ông Biden và ông Kishida đều đang khá mong manh trước thềm hai cuộc bầu cử ở Mỹ và Nhật Bản, liệu khuôn khổ “Đối tác Toàn cầu” mà hai nước vừa thiết lập có thể mang lại những kết quả tích cực.

Kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nhật

Để thúc đẩy quan hệ “Đối tác Toàn cầu”, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida cam kết sẽ triển khai một số sáng kiến chiến lược mới nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh; tiếp cận các biên giới mới trong không gian; thúc đẩy đổi mới công nghệ; tăng cường an ninh kinh tế; đẩy nhanh hành động khí hậu; cùng hành động về ngoại giao và phát triển toàn cầu; và củng cố quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai nước.

Tại Hội nghị, lãnh đạo hai nước đã ký kết 70 thỏa thuận, tập trung vào hợp tác quốc phòng và an ninh. Theo tuyên bố chung, các công ty Nhật Bản sẽ được phép thực hiện các công việc sửa chữa lớn đối với những tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ. Hai nước sẽ thành lập một cơ quan tư vấn mới để thúc đẩy sự phát triển chung về thiết bị quân sự và quốc phòng. Cùng với đó, hai nước cam kết công bố kế hoạch cải tổ các khuôn khổ chỉ huy và kiểm soát của quân đội Mỹ tại Nhật Bản, nhằm tăng cường năng lực tương tác và phối hợp. Những thay đổi kể trên sẽ được Mỹ và Nhật Bản thảo luận chi tiết hơn trong “Đối thoại An ninh 2+2” (two-plus-two) giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao hai nước, dự kiến sẽ được tổ chức trong thời gian tới.

Không chỉ thảo luận về hợp tác song phương, tuyên bố chung cũng tiết lộ kế hoạch mới về nâng cấp mạng lưới liên lạc quốc phòng, kết nối các năng lực phòng không giữa Mỹ, Nhật Bản và Australia nhằm chống lại các mối đe dọa từ trên không và tên lửa. Đồng thời, Mỹ và Nhật Bản sẽ thường xuyên tổ chức tập trận quân sự ba bên với Anh, bắt đầu triển khai từ năm 2025. Đáng chú ý, Mỹ và Nhật Bản cũng đã cùng thảo luận về triển vọng đưa Tokyo tham gia trụ cột II của Hiệp ước an ninh ba bên AUKUS (gồm Anh, Mỹ và Australia), tập trung vào hợp tác công nghệ tiên tiến.

Định vị quan hệ Mỹ - Nhật trong “bối cảnh toàn cầu”

“Đối tác Toàn cầu” Mỹ - Nhật được định vị trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra ngày càng mạnh mẽ và không thể tránh khỏi sẽ kéo dài trong thời gian tới. Trong khi đó, quan hệ an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc cũng ngày càng xấu đi vì vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Trong bối cảnh đó, Mỹ mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác cùng chí hướng nhằm kiềm chế sự “trỗi dậy” của Trung Quốc trên nhiều mặt trận; và Nhật Bản là đối tác an ninh quan trọng của Mỹ, có khả năng quyết định đối với sự hiện diện của quân đội và năng lực triển khai tác chiến của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Kishida sau Hội nghị Thượng đỉnh, Tổng thống Biden nhấn mạnh “Trong ba năm qua, quan hệ đối tác giữa Nhật Bản và Mỹ đã được chuyển đổi thành một quan hệ đối tác toàn cầu thực sự”. Điều này không chỉ thể hiện qua việc “tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh”, mà còn “hợp tác hiện đại hóa các cấu trúc chỉ huy và kiểm soát”, “tăng cường khả năng tương tác và lập kế hoạch của quân đội” để hai bên có thể “làm việc cùng nhau một cách liền mạch và hiệu quả”.

Bên cạnh thắt chặt quan hệ an ninh với Nhật Bản, chính quyền Biden đã tích cực hợp tác với một loạt các quốc gia/vùng lãnh thổ nhằm tạo thành vòng vây răn đe Trung Quốc từ cả phía Đông Bắc và Đông Nam của châu Á. Vào tháng 8/2023, Tổng thống Biden đã phê duyệt gói bán vũ khí mới trị giá 500 triệu USD cho Đài Loan. Mỹ cũng thuyết phục thành công Philippines cho phép Washington tiếp cận thêm bốn căn cứ quân sự mới, trong đó 3/4 căn cứ nằm ở phía Bắc Philippines. Trong đó, căn cứ hải quân Camilo Osias chỉ cách Cao Hùng (Kaohsiung), thành phố lớn thứ ba của Đài Loan, 500km. Ngoài ra, Mỹ đã ký kết với Indonesia một Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (Defense Cooperation Agreement - DCA) nhằm mở ra khả năng hợp tác quốc phòng sâu sắc hơn với Jakarta, đưa nước này trở thành đối tác thứ hai tại Đông Nam Á (sau Philippines) ký kết DCA với Mỹ.  

Về phía Nhật Bản, kể từ thời Thủ tướng Abe Shinzo (năm 2012) đến nay, nước này ngày càng mong muốn đạt được một vị thế chính trị và quân sự lớn hơn. Dưới thời Thủ tướng Kishida Fumio, ông thậm chí còn kêu gọi Nhật Bản phải thay đổi một số nội dung của Hiến pháp để thích ứng với “môi trường an ninh khắc nghiệt và phức tạp nhất” như hiện nay. Trong bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ hôm 11/4, ông Kishida nhấn mạnh “Ukraine của ngày hôm nay có thể là Đông Á của ngày mai” – một tuyên bố đã từng được ông đưa ra tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào tháng 6/2022, nhằm ám chỉ sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Xuyên suốt lịch sử kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, Nhật Bản mặc dù có sự phát triển vượt bậc về kinh tế - trở thành quốc gia châu Á duy nhất đứng trong nhóm 7 quốc gia có nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7), nhưng lại yếu thế về quân sự so với các cường quốc khác có trình độ phát triển kinh tế tương đồng. Điều 9 trong Hiến pháp Nhật Bản, có hiệu lực từ ngày 3/5/1947, quy định nước này phải vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh và không duy trì các lực lượng chiến đấu. Kể từ đó, Nhật Bản chấp nhận chịu sự bảo trợ bởi chiếc ô bảo hộ an ninh của Washington theo các điều khoản trong Hiệp ước Hợp tác và An ninh Tương hỗ, có hiệu lực từ năm 1960, và trong nhiều năm liền (1960 - 2022), chi tiêu quốc phòng của Tokyo chỉ ở mức dưới 0,8 - 1,1% GDP. Tuy nhiên, nước này dự kiến sẽ tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng (lên 2%) kể từ tháng 4/2027 – một quyết định mà Thủ tướng Kishia gọi là nằm trong định hướng “ngoại giao chủ nghĩa hiện thực mới cho một kỷ nguyên mới” của Nhật Bản.

Bên cạnh gia tăng đầu tư cho quốc phòng, chính quyền Kishida cũng tăng cường họp tác an ninh với Mỹ. Tokyo vẫn xem sự gắn kết về an ninh với Washington như một trụ cột quan trọng để tăng cường răn đe Bắc Kinh và vươn tầm ảnh hưởng ra toàn cầu. Trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp với The Washington Post trước chuyến thăm Washington, ông Kishida tuyên bố: “Thế giới hiện đang phải đối mặt với một bước ngoặt lịch sử với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, cuộc xung đột Israel - Palestine ở Trung Đông và môi trường an ninh ở Đông Á. Điều quan trọng là phải chứng minh cho thế giới thấy tầm quan trọng của liên minh Nhật - Mỹ, và rằng nó mạnh mẽ ra sao trong xã hội quốc tế bất ổn như hiện nay”.

Ngoài ra, quan hệ “Đối tác Toàn cầu” với Mỹ cũng phản ánh một sự chuyển đổi về tư duy trong chính sách đối ngoại Nhật Bản dưới thời Kishida. Theo lời của một quan chức Mỹ, từ “chỉ lo lắng về những diễn biến trên hòn đảo của họ”, giờ đây Tokyo đã là “đối tác toàn cầu đầy đủ [của Washington] về bất cứ điều gì xảy ra ở châu Âu, Trung Đông và cả Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Nhật Bản dưới thời Kishia tham gia ngày càng sôi nổi vào các vấn đề quốc tế bên ngoài phạm vi Đông Bắc Á. Hai năm liên tiếp (2022 - 2023), nước này tham gia với tư cách quan sát viên đại diện từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bên cạnh đó, Tokyo cũng tích cực phối hợp cùng G7 ban hành các biện pháp trừng phạt Nga nhằm lên án cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine, với lệnh đóng băng tài sản của 78 nhóm và 17 cá nhân Nga, đồng thời cấm xuất khẩu sang 80 thực thể có liên kết với quân đội Nga.

Ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Nhật Bản hiện diện trong cả hai cơ chế hợp tác an ninh của Mỹ, gồm Mỹ - Nhật - Ấn - Australia Mỹ - Nhật - Ấn - Philippines. Sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nhật hôm 10/4, Thủ tướng Kishida tiếp tục ở lại Washington để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nhật - Philippines lần đầu tiên vào ngày 11/4 - động thái mới nhất mang thông điệp răn đe Trung Quốc từ phía Mỹ và đồng minh.

Có thể thấy Nhật Bản, thông qua “bệ đỡ” của liên minh Mỹ - Nhật, ngày càng tăng cường vai trò của mình trong hệ thống an ninh khu vực và quốc tế thông qua việc cùng Mỹ thắt chặt quan hệ song phương và tham gia tích cực vào các cơ chế đa phương do Mỹ dẫn dắt.

Chính trị nội bộ thử thách quyết tâm hợp tác Mỹ - Nhật

Trong bối cảnh Mỹ và Nhật Bản thắt chặt quan hệ an ninh, các biến động về chính trị nội bộ sắp tới ở cả hai quốc gia có thể khiến các kết quả hợp tác bị chậm lại hoặc thậm chí đi chệch hướng.

Ở Mỹ, sau các cuộc bầu cử sơ bộ của riêng đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, mỗi đảng đã tìm được ứng viên duy nhất tham gia vòng tranh cử cuối cùng, đó là Tổng thống Biden (đại diện đảng Dân chủ) và cựu Tổng thống Donald Trump (đại diện đảng Cộng hòa). Cuộc bầu cử Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 5/11, và như vậy các ứng viên đang bước vào sáu tháng nước rút để chạy đua thu hút sự ủng hộ của cử tri trên khắp nước Mỹ.

Ông Biden, ra tranh cử ở độ tuổi 81, bị dư luận quan ngại về vấn đề tuổi tác và sức khoẻ, dần mất sự ủng hộ của nhóm cử tri trẻ ở Mỹ - vốn là lực lượng truyền thống đứng về phía các ứng cử viên đảng Dân chủ. Cuộc thăm dò dư luận của NPR / PBS NewsHour / Marist National Poll mới đây cho thấy Tổng thống Biden đang dẫn trước 2 điểm phần trăm so với người tiền nhiệm. Đây là một khoảng cách khá sát sao và có thể thay đổi trong thời gian tới. Cùng với đó, cả ông Biden và ông Trump đều đang đối diện với những bê bối pháp lý liên quan đến việc lưu trữ trái phép tài liệu mật quan trọng đối với an ninh quốc gia. Trường hợp của ông Biden khác trường hợp của ông Trump ở chỗ, trong khi Trump sắp phải đối diện với trách nhiệm hình sự, thì Biden không phải chịu cáo buộc hình sự với tội danh “cố ý” vì “trí nhớ bị hạn chế đáng kể”. Tuy nhiên, vụ bê bối của ông Biden đã một lần nữa tạo thêm hoài nghi rằng liệu ông có còn đủ năng lực nhận thức để tiếp tục giữ chức Tổng thống nữa hay không.

Còn với Nhật Bản, những thách thức đe doạ khả năng tiếp tục cầm quyền của Thủ tướng Kishida cũng xuất hiện kể từ sau vụ bê bối gây quỹ chính trị vào tháng 12/2023, liên quan đến đảng Đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democratic Party - LDP) cầm quyền mà ông Kishida đang làm Chủ tịch. Ngay trong tháng đó, một cuộc thăm dò của tờ báo Mainichi Shimbun cho thấy tỷ lệ tán thành với nội các của ông Kishida giảm xuống chỉ còn 16%, trong khi tỷ lệ không tán thành tăng vọt lên 79%. Đây là tỷ lệ không tán thành cao nhất được ghi nhận kể từ khi tờ báo trên bắt đầu thăm dò vào năm 1947. Mới đây hơn, theo kết quả thăm dò hằng tháng được công bố hôm 9/4 của NHK - đài phát thanh và truyền hình công cộng của Nhật Bản, tình hình có cải thiện thêm đôi chút nhưng không đáng kể, khi tỷ lệ tán thành nội các của ông Kishida là 23%, trong khi tỷ lệ không ủng hộ ở mức 58%.

Đây là con số đáng báo động trong bối cảnh Nhật Bản sắp bước vào ba cuộc bầu cử Hạ viện bổ sung tại các tỉnh Shimane, Nagasaki và thủ đô Tokyo vào ngày 28/4. Nếu thất bại, nội bộ của LDP sẽ có thêm thời cơ để tạo ra một phong trào chống lại Thủ tướng Kishida trong kỳ bầu cử chủ tịch đảng sắp tới vào tháng 9. Mâu thuẫn trong nội bộ LDP hiện chỉ đang chực chờ để bùng phát sau những căng thẳng vừa qua liên quan đến vụ bê bối, đặc biệt là giữa Thủ tướng Kishida với phe Motegi do Tổng thư ký Motegi Toshimitsu đứng đầu, và phe Aso do Phó Chủ tịch Aso Taro lãnh đạo. Theo thông lệ, khi LDP nắm đa số ghế trong quốc hội (chẳng hạn như hiện nay), chủ tịch đảng sẽ là người đảm nhiệm vai trò thủ tướng. Như vậy, nếu ông Kishida không thể tái đắc cử vào tháng 9 tới, ông cũng khó lòng tiếp tục nhiệm kỳ thủ tướng của mình.  

Viễn cảnh thay đổi lãnh đạo ở một trong hai nước, Mỹ hoặc Nhật Bản, có thể tác động không nhỏ đến triển vọng hợp tác sắp tới của liên minh. Tuy nhiên, quan ngại về sự đảo chiều chính sách trong quan hệ Mỹ - Nhật có thể lớn hơn ở Mỹ.

Từ năm 2019, cựu Tổng thống Trump đã cho rằng hiệp ước an ninh kéo dài hàng thập kỷ giữa Mỹ và Nhật Bản là “không công bằng” (unfair) cho Washington. Quan điểm của ông Trump là Washington sẽ không huỷ bỏ hiệp ước an ninh với Tokyo vì cho rằng đây là trụ cột cho sự ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương, tuy nhiên, một số nội dung của hiệp ước cần được điều chỉnh để giảm gánh nặng cho Mỹ. Trong cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào tháng 6/2019, ông Trump thông báo đã nói với cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, khi ấy còn đương chức, rằng “chúng ta [Mỹ và Nhật Bản] sẽ phải thay đổi điều đó [Hiệp ước Hợp tác và An ninh Tương hỗ song phương]”.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton - người giữ vị trí cố vấn cho cựu Tổng thống Trump từ tháng 4/2018 cho đến khi từ chức vào tháng 9/2019 vì bất đồng quan điểm về chính sách với cựu tổng thống, dự báo rằng ông Trump, nếu tái đắc cử, sẽ không thay đổi quan điểm về hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật mà ông đã nêu ra trong nhiệm kỳ đầu tiên. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cho rằng: “Hãy chuẩn bị nghe Trump nói, ‘Tôi muốn hiệp ước được sửa đổi để Nhật Bản cũng có nghĩa vụ bảo vệ Mỹ’”.

Không chỉ thách thức liên minh giữa Washington và Tokyo, khả năng cựu Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng cũng khiến các công ty Nhật Bản quan ngại rằng chính quyền của ông có thể theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ mạnh mẽ hơn. Ông Takeshi Niinami, Giám đốc điều hành của công ty nước giải khát Suntory Holdings của Nhật Bản cho rằng sự trở lại của Trump “đồng nghĩa với một cuộc chiến thuế quan khác”. Hồi tháng 3, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp đặt thuế quan 100% lên mặt hàng ô tô sản xuất bên ngoài nước Mỹ nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ô tô trong nước. Trong khi đó, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu ô tô hàng đầu của Nhật Bản. Ý định thuế quan này của Trump, nếu được chính thức ban hành, sẽ là thách thức đối với Nhật Bản trong vị thế là nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới, vốn đang bị Trung Quốc đe dọa “soán ngôi”.

Nhật Bản không phải là chưa từng trở thành mục tiêu trong chính sách bảo hộ của Trump. Vào năm 2018, chính quyền Trump đã áp thuế 25% đối với sản phẩm thép và 10% đối với các sản phẩm nhôm nhập khẩu từ Nhật Bản và nhiều quốc gia khác, sau đó đã miễn trừ hai loại thuế này cho một số nước, nhưng lại không miễn trừ cho Nhật Bản. Nếu những thách thức về thuế quan tiếp tục phủ bóng đen lên quan hệ kinh tế Mỹ - Nhật trong nhiệm kỳ lãnh đạo tiếp theo ở Mỹ, sự căng thẳng có thể lây lan sang lĩnh vực an ninh - quốc phòng, cản trở những triển vọng hợp tác đang trên đà mở rộng trong thời gian vừa qua, nhất là từ sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Nhật. Nếu cựu Tổng thống Trump tái đắc cử, có khả năng ông sẽ yêu cầu Tokyo phải nhượng bộ một số vấn đề kinh tế để đổi lại sự hỗ trợ an ninh từ Washington. Hoặc có thể Trump sẽ yêu cầu Nhật Bản thực hiện một trách nhiệm thay thế khác nhằm giảm tính “không công bằng” trong quan hệ Mỹ - Nhật, theo như nhận xét mà ông từng đưa ra.

Vì vậy, bên cạnh tiếp tục thúc đẩy hợp tác an ninh với chính quyền Biden, Tokyo cũng đang chuẩn bị cho kịch bản cựu Tổng thống Trump tái đắc cử. Chánh văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi hồi tháng 3 cho hay Nhật Bản “đang theo dõi chiến dịch bầu cử tổng thống [Mỹ] với sự quan tâm lớn”. Bộ Ngoại giao Nhật Bản từ đầu năm nay cũng đã lên kế hoạch tiếp cận hậu trường với những người có thể đảm nhận các vị trí chủ chốt trong chính quyền mới của Trump thông qua các mối liên hệ cá nhân trong quá khứ. Kể từ tháng 2, khi chứng kiến ông Trump liên tục giành chiến thắng trong vòng bầu cử sơ bộ tại các bang ở Mỹ, các quan chức cấp cao của Nhật Bản đã tìm cách tiếp cận đội ngũ thân cận với ông Trump. Đầu năm nay, Nhật Bản đã cử ông Taro Aso - một nhân vật hàng đầu trong LDP, người từng là phó thủ tướng Nhật Bản trong nhiệm kỳ của ông Trump - đến Mỹ để tìm gặp Trump nhưng bất thành. Bên cạnh đó, Tokyo cũng giao nhiệm vụ cho ông Shigeo Yamada - Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, kết nối với đội ngũ tranh cử của ông Trump. Tuy nhiên, một trợ lý của ông Trump cho biết chưa có cuộc gặp nào diễn ra giữa ông Trump và các quan chức Nhật Bản. Các kết quả vừa nêu cho thấy việc Nhật Bản nỗ lực tìm kiếm đối thoại với Trump vẫn chưa thành công.

Trong khi đó, hợp tác giữa Mỹ và Nhật Bản có thể ít bị thách thức hơn trước sự thay đổi lãnh đạo ở Nhật Bản. Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở (FOIP), được đưa ra từ thời cựu Thủ tướng Abe Shinzo, vẫn tiếp tục định hình chính sách của Nhật Bản đối với khu vực, thể hiện qua việc ông Kishida nâng cấp chính sách này vào tháng 3/2023. Chiến lược Quốc phòng Quốc gia (NDS) và Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) đã được chính quyền Kishida thông qua vào tháng 11/2022 cũng sẽ là “kim chỉ nam” cho bất cứ ai kế nhiệm ông trong nỗ lực củng cố năng lực an ninh và tăng cường đầu tư vào quân đội của Tokyo. Bên cạnh đó, cam kết hợp tác các đối tác G7, bao gồm Mỹ và đồng minh của Mỹ, khó có thể suy yếu, bởi G7 là một nhóm đối tác quan trọng nhằm giúp Nhật Bản thúc đẩy chiến lược an ninh quốc gia.

Thời điểm hiện tại là hết sức nhạy cảm đối với nền chính trị ở Washington và Tokyo. Hai cuộc bầu cử sắp tới sẽ tác động đáng kể lên các định hướng chính sách tiếp theo của quan hệ “Đối tác Toàn cầu vì Tương lai” giữa Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, trong khi chính sách đối ngoại Nhật Bản qua các đời thủ tướng vẫn có mức độ kế thừa đáng kể, thì chính sách đối ngoại Mỹ thường có xu hướng thay đổi đáng kể qua các đời tổng thống đến từ hai đảng đối lập (đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà). Nói cách khác, triển vọng quan hệ Mỹ - Nhật sắp tới sẽ diễn ra như thế nào phụ thuộc rất lớn vào việc ai sẽ là lãnh đạo tiếp theo của Nhà Trắng.