Chính trị - Ngoại giao   23/05/2024

Malaysia sẽ làm gì trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2025?

Malaysia - thành viên chủ chốt sáng lập ASEAN - sẽ có lần thứ năm đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của tổ chức vào năm 2025. Cùng chờ xem Kuala Lumpur sẽ đảm nhiệm vai trò mới với các chính sách ra sao.

Image
Phiên họp trù bị khởi động nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2025 của Malaysia diễn ra vào tháng 1/2024 - (C): Datuk Seri Anwar Ibrahim

Theo quy định tại Điều 31 Hiến chương Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2007, chức Chủ tịch ASEAN sẽ được luân phiên hằng năm giữa các quốc gia thành viên theo thứ tự chữ cái tên tiếng Anh của các nước. Theo cách sắp xếp như vậy, Malaysia sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch ASEAN trong năm sắp tới, và đây sẽ là lần thứ năm Malaysia đảm nhiệm vai trò trên (1977, 1997, 2005, 2015 và 2025). 

Trên thực tế, trước khi có Hiến chương ASEAN 2007, các quốc gia thành viên đã luân phiên chủ trì và điều phối các hội nghị hợp tác quan trọng trong khu vực, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN (ASEAN Summit). 

Tuy nhiên, trong thời kỳ này, Hội nghị Cấp cao ASEAN và vị trí Chủ tịch ASEAN chưa được ghi nhận trong các văn kiện pháp lý khu vực. Bên cạnh đó, việc tiến hành Hội nghị Cấp cao cũng chưa được diễn ra thường niên mà tuỳ vào yêu cầu thực tiễn hợp tác giữa các quốc gia.     

Những đóng góp nổi bật của Malaysia trong lịch sử ASEAN 

Malaysia là một trong năm thành viên sáng lập của ASEAN, và đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tổ chức này giải quyết các thách thức trong khu vực. Thành tựu nổi bật là Malaysia đã khởi xướng và chủ trì cuộc họp giữa các nước ASEAN để đưa ra Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (Zone of Peace, Freedom and Neutrality Declaration - ZOPFAN) vào năm 1971. Sự kiện này góp phần khẳng định khu vực Đông Nam Á mong muốn “không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ hình thức hoặc cách thức can thiệp nào của các thế lực bên ngoài” (free from any form or manner of interference by outside powers) trong bối cảnh đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh (Cold War). 

Đến năm 1997 (thời điểm Malaysia lần thứ hai giữ vai trò Chủ tịch ASEAN), quốc gia này đã cùng với các quốc gia Đông Nam Á và Đông Bắc Á phát triển thành công diễn đàn hợp tác ASEAN+3 (gồm ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Ở thời điểm đó, ASEAN+3 chỉ là một diễn đàn phi chính thức, không được thể chế hóa. Từ nền tảng ban đầu này, ASEAN+3 đã được thể chế hóa (xác định mục tiêu, nguyên tắc chủ đạo và phương hướng tương lai) vào năm 1999, trở thành kênh trao đổi thường niên giữa các nguyên thủ và các bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước thành viên.   

Khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN lần thứ tư (năm 2015), Malaysia đóng vai trò dẫn dắt các quốc gia thành viên thiết lập Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community). Đây là một sáng kiến nhằm kết nối toàn diện giữa các nước ASEAN, bao gồm “gắn kết về chính trị, hội nhập về kinh tế và có trách nhiệm với xã hội” (politically cohesive, economically integrated, and socially responsible). Đồng thời, các quốc gia ASEAN vào thời điểm đó đã cùng đề ra Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 (ASEAN Community Vision 2025) để vạch ra các kỳ vọng dài hạn về chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội sau một thập niên triển khai.     

Nhìn chung, với vai trò là thành viên chủ chốt của ASEAN, và là quốc gia hùng mạnh thứ ba trong khu vực (sau Singapore và Indonesia), Malaysia đã nỗ lực xóa bỏ những khoảng cách, mâu thuẫn về thể chế chính trị trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, tạo môi trường để kết nạp các quốc gia Đông Nam Á vào ASEAN, đồng thời thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa các thành viên trong tổ chức, và giữa tổ chức với các đối tác bên ngoài. 

Điều gì chờ đón nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2025 của Malaysia?  

Mặc dù còn nhiều tháng nữa mới đến thời điểm Malaysia chính thức đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch ASEAN 2025, song Kuala Lumpur đã thể hiện sự nghiêm túc trong công tác chuẩn bị. Ngay từ tháng 1 năm nay, Thủ tướng Anwar Ibrahim đã chủ trì cuộc họp trù bị để khởi động cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN sắp tới. Đồng thời, Ngoại trưởng Mohamad Hasan tiết lộ rằng Thủ tướng đã cam kết sẽ tham dự đầy đủ các cuộc họp chuẩn bị định kỳ. Ngoài ra, theo ông Hasan, chính phủ Malaysia đã thiết lập ba cụm làm việc để chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch, bao gồm cụm chính trị, quốc phòng và quyền công dân thuộc Bộ Ngoại giao; cụm kinh tế và thương mại thuộc Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp; cụm văn hóa - xã hội thuộc Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa. Trong các cuộc họp định kỳ, mỗi cụm sẽ phải cập nhật tình hình làm việc để chính phủ đánh giá liệu kế hoạch có đang diễn ra đúng tiến độ hay không.   

Căn cứ vào những gì Malaysia đã làm trong lịch sử, quốc gia này nhiều khả năng sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hợp tác với các quốc gia ASEAN và tăng cường tính kết nối giữa các thành viên, nhằm phát huy vai trò của ASEAN trong việc quản lý các vấn đề quan trọng của khu vực. Trước hết, năm 2025 là thời điểm kết thúc Tầm nhìn 10 năm của Cộng đồng ASEAN, do đó nhiệm vụ dẫn dắt của Malaysia trong việc thảo luận ra một tầm nhìn dài hạn mới là rất quan trọng. Theo Bộ trưởng Truyền thông Malaysia Fahmi Fadzil, để giải quyết những thách thức cũng như xu hướng trong hiện tại và tương lai ở trong lẫn ngoài khu vực, Kuala Lumpur đang đề xuất phát triển một tầm nhìn toàn diện và hướng tới tương lai, kéo dài 20 năm. Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN đưa ra một tầm nhìn có tính dài hạn đến như vậy.  

Một nội dung quan trọng không kém mà Malaysia – trong vai trò Chủ tịch – có thể thực hiện là tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh phi truyền thống (non-traditional security) trong khu vực. An ninh phi truyền thống hiểu một cách đơn giản là những vấn đề an ninh không thuộc phạm vi chính trị và quân sự, nhưng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, phát triển về an ninh của mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu. 

Trước hết, theo Chủ tịch Hạ viện Malaysia Johari Abdul, tăng cường an ninh lương thực trong khu vực và giải quyết những thách thức cấp bách của biến đổi khí hậu sẽ là những chương trình nghị sự quan trọng. Theo ông Abdul, để tạo ra một khu vực được đảm bảo về an ninh lương thực, các nước ASEAN cần tận dụng nhiều yếu tố thuộc về thế mạnh như diện tích đất nông nghiệp, tài chính, nhân lực và công nghệ, đồng thời chú trọng chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn lẫn nhau. Cùng với đó, Chủ tịch Hạ viện nói rằng Malaysia sẽ nhấn mạnh các nỗ lực để thúc đẩy những nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện và mặt trời.   

Không chỉ quan tâm đến an ninh lương thực và an ninh khí hậu, Malaysia còn quan tâm thúc đẩy an ninh mạng. Theo Bộ trưởng Truyền thông Fahmi Fadzil, với tư cách là Chủ tịch, Malaysia sẽ cùng các quốc gia ASEAN thảo luận, xây dựng khung pháp lý khu vực về an toàn trực tuyến và môi trường kỹ thuật số. Malaysia kỳ vọng khung pháp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp và hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong việc giải quyết các thách thức liên quan đến nội dung trên.      

Trong quá trình thúc đẩy giải quyết những thách thức an ninh phi truyền thống, nhóm nước có thể đóng vai trò động lực và hỗ trợ Malaysia nhiều nhất là các bên mà Kuala Lumpur có tham gia hợp tác tiểu vùng, cụ thể là tam giác tăng trưởng Indonesia - Malaysia - Singapore và Khu vực Tăng trưởng Đông ASEAN (Brunei - Indonesia - Malaysia -  Philippines). 

Tuy nhiên, Malaysia không thể chỉ tập trung vào an ninh phi truyền thống mà “lơ là” các vấn đề an ninh truyền thống, cụ thể là Biển Đông và xung đột ở Myanmar. Là quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông, Malaysia nhiều khả năng sẽ chú trọng chủ đề này trong chương trình nghị sự. Điều đó đã từng diễn ra trong nhiệm kỳ gần nhất của Malaysia (năm 2015), khi nước này đã dành riêng một phần để đề cập đến vấn đề Biển Đông trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và Tuyên bố chung từ Cuộc họp của các Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48. 

Sau 10 năm, mối quan tâm ở Biển Đông giờ đây là tiến trình đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc. Malaysia sẽ có nhiệm vụ nối tiếp các tiến triển đã đạt được trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc thuộc khuôn khổ chuỗi Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 56 diễn ra tại Indonesia vào tháng 7/2023. Ở thời điểm đó, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí về các hướng dẫn nhằm đẩy nhanh đàm phán COC. 

Mặc dù động thái đó là một tín hiệu tích cực, nhưng cho đến nay vẫn chưa có những bước đột phá nào trên thực tế. Các vụ va chạm trên Biển Đông vẫn diễn ra với tần suất dày đặc cho đến nay, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Philippines, khiến COC khó có thể đạt được tiến bộ khi các bên còn thiếu niềm tin, thậm chí ngờ vực về nhau. Đồng thời, Bắc Kinh có thể đang muốn kéo dài quá trình đàm phán COC để tạo “vỏ bọc chính trị” trong lúc tiếp tục các yêu sách, cũng như mở rộng các hoạt động xâm lấn trên Biển Đông. Đến khi nào Trung Quốc cảm thấy đủ vị thế, nước này có thể mới bắt đầu nghiêm túc đàm phán COC trong tư thế “cửa trên” nhằm điều hướng thỏa thuận này đi theo ý muốn của Bắc Kinh. Với những chia rẽ như vậy, Malaysia sẽ cần phải nỗ lực hơn nữa nếu muốn để lại dấu ấn trong nhiệm kỳ Chủ tịch lần này. 

Malaysia cũng sẽ (phải) dành sự quan tâm cho vấn đề Myanmar, bởi xung đột ở nước này đã tạo gánh nặng lên Kuala Lumpur khi phải tiếp nhận hơn 200.000 người tị nạn. Trong nhiệm kỳ của mình, Malaysia sẽ phải tìm ra những cách thức ứng phó mới để tăng cường vị thế, trong khi nỗ lực thuyết phục sự tham gia của các bên liên quan trong cuộc xung đột. 

Vào tháng 4/2021, các quốc gia ASEAN khi đó đã thông qua Nguyên tắc Đồng thuận Năm điểm (Five-Point Consensus - 5PC) nhằm hỗ trợ Myanmar ổn định tình hình, tham gia hiệu quả hợp tác ASEAN, xây dựng cộng đồng. 5PC bao gồm chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan, gửi viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán, và cho phép đặc phái viên được phép đến Myanmar. 

Tuy nhiên, 5PC đã không phát huy tác dụng khi tình hình xung đột ở Myanmar vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Bên cạnh đó, sau nhiều năm xung đột, tình hình thực địa giờ đây cũng đã đổi thay khi chính quyền quân sự đang dần mất quyền kiểm soát về mặt hành chính trên toàn quốc do sự phản kháng mạnh mẽ từ các lực lượng phản kháng. Với những diễn biến như vậy, Malaysia cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đưa ra cách tiếp cận mang tính mới mẻ và hiệu quả hơn mới mong có thể lôi kéo sự tham gia không chỉ của chính quyền quân sự, mà còn của các lực lượng phản kháng theo sự điều phối và dàn xếp của ASEAN.  

Như vậy, các nội dung chủ yếu mà Malaysia cần phải giải quyết trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2025 là điều phối việc thiết lập Tầm nhìn mới cho Cộng đồng ASEAN, đồng thời dẫn dắt khu vực vượt qua những thách thức an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống. 

Tuy nhiên, những nỗ lực của Malaysia cũng có thể vấp phải một số trở ngại. Nỗ lực giải quyết các căng thẳng trên Biển Đông chưa bao giờ là dễ dàng vì các quốc gia ASEAN gặp khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận, một phần do những quốc gia không có tranh chấp với Trung Quốc thường “né tránh” việc lên án Bắc Kinh. Chẳng hạn, trong bản Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và Tuyên bố chung Cuộc họp của các Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48, Malaysia dù rất nỗ lực đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự, nhưng hoặc là không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, hoặc là tránh sử dụng từ ngữ có tính chất lên án Bắc Kinh. 

Trong khi đó, nỗ lực tìm ra một giải pháp cho xung đột ở Myanmar thậm chí còn khó khăn hơn. Bài học từ 5PC cho thấy chính quyền quân sự Myanmar đã không thực hiện các cam kết với ASEAN, thay vì chấm dứt bạo lực thì lực lượng này vẫn tiếp tục các hành vi tàn bạo như tàn sát, đánh bom… các lực lượng dân sự (gồm những người biểu tình, chính trị gia, nhà hoạt động, nhân viên y tế, trẻ em, thanh niên, và người già). Chính quyền quân sự cũng từ chối lời kêu gọi của ASEAN về việc tham gia đối thoại mang tính xây dựng, và đồng thời khước từ khả năng đàm phán với các lực lượng khác ở Myanmar. Do đó, không dễ để Malaysia có thể xây dựng một giải pháp đủ thuyết phục để buộc chính quyền quân sự phải tuân theo sự điều phối của ASEAN hay chấm dứt các hành vi vi phạm nhân quyền đối với các lực lượng dân sự.   

Bên cạnh đó, giải quyết bất ổn chính trị nội bộ của một quốc gia thành viên không phải là điểm mạnh của ASEAN. Tổ chức này đã làm rất tốt trong việc ngăn ngừa và quản lý xung đột giữa các quốc gia thành viên. Từ khi thành lập đến nay, chưa có cuộc xung đột vũ trang lớn nào giữa các nước, ngoại trừ các vụ đụng độ nhỏ giữa Thái Lan và Campuchia ở khu vực biên giới. ASEAN cũng đã gây áp lực yêu cầu hai quốc gia trên kiềm chế, và cho đến nay đã thành công trong việc ngăn xung đột mở rộng. Ngược lại, năng lực giải quyết tình trạng bất ổn nội bộ của ASEAN là khá hạn chế, vì Hiến chương của tổ chức quy định “Không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên ASEAN” (Điều 2, khoản 2, điểm e).     

Tổng kết lại, Malaysia là thành viên chủ chốt và đã có nhiều đóng góp có ý nghĩa trong lịch sử phát triển của ASEAN. Điều này mang lại kỳ vọng rằng Kuala Lumpur sẽ tiếp tục tìm cách tăng cường hợp tác trong ASEAN để giải quyết các thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống, đồng thời củng cố quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Tuy nhiên, các thách thức an ninh truyền thống bao hàm trong nó những khó khăn cố hữu mà Malaysia sẽ phải đối diện và vượt qua nếu muốn xây dựng hình ảnh quốc gia tích cực, cũng như mang lại các đóng góp thiết thực cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN sắp tới.

Theo quy định tại Điều 31 Hiến chương Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2007, chức Chủ tịch ASEAN sẽ được luân phiên hằng năm giữa các quốc gia thành viên theo thứ tự chữ cái tên tiếng Anh của các nước. Theo cách sắp xếp như vậy, Malaysia sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch ASEAN trong năm sắp tới, và đây sẽ là lần thứ năm Malaysia đảm nhiệm vai trò trên (1977, 1997, 2005, 2015 và 2025). 

Trên thực tế, trước khi có Hiến chương ASEAN 2007, các quốc gia thành viên đã luân phiên chủ trì và điều phối các hội nghị hợp tác quan trọng trong khu vực, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN (ASEAN Summit). 

Tuy nhiên, trong thời kỳ này, Hội nghị Cấp cao ASEAN và vị trí Chủ tịch ASEAN chưa được ghi nhận trong các văn kiện pháp lý khu vực. Bên cạnh đó, việc tiến hành Hội nghị Cấp cao cũng chưa được diễn ra thường niên mà tuỳ vào yêu cầu thực tiễn hợp tác giữa các quốc gia.     

Những đóng góp nổi bật của Malaysia trong lịch sử ASEAN 

Malaysia là một trong năm thành viên sáng lập của ASEAN, và đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tổ chức này giải quyết các thách thức trong khu vực. Thành tựu nổi bật là Malaysia đã khởi xướng và chủ trì cuộc họp giữa các nước ASEAN để đưa ra Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (Zone of Peace, Freedom and Neutrality Declaration - ZOPFAN) vào năm 1971. Sự kiện này góp phần khẳng định khu vực Đông Nam Á mong muốn “không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ hình thức hoặc cách thức can thiệp nào của các thế lực bên ngoài” (free from any form or manner of interference by outside powers) trong bối cảnh đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh (Cold War). 

Đến năm 1997 (thời điểm Malaysia lần thứ hai giữ vai trò Chủ tịch ASEAN), quốc gia này đã cùng với các quốc gia Đông Nam Á và Đông Bắc Á phát triển thành công diễn đàn hợp tác ASEAN+3 (gồm ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Ở thời điểm đó, ASEAN+3 chỉ là một diễn đàn phi chính thức, không được thể chế hóa. Từ nền tảng ban đầu này, ASEAN+3 đã được thể chế hóa (xác định mục tiêu, nguyên tắc chủ đạo và phương hướng tương lai) vào năm 1999, trở thành kênh trao đổi thường niên giữa các nguyên thủ và các bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước thành viên.   

Khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN lần thứ tư (năm 2015), Malaysia đóng vai trò dẫn dắt các quốc gia thành viên thiết lập Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community). Đây là một sáng kiến nhằm kết nối toàn diện giữa các nước ASEAN, bao gồm “gắn kết về chính trị, hội nhập về kinh tế và có trách nhiệm với xã hội” (politically cohesive, economically integrated, and socially responsible). Đồng thời, các quốc gia ASEAN vào thời điểm đó đã cùng đề ra Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 (ASEAN Community Vision 2025) để vạch ra các kỳ vọng dài hạn về chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội sau một thập niên triển khai.     

Nhìn chung, với vai trò là thành viên chủ chốt của ASEAN, và là quốc gia hùng mạnh thứ ba trong khu vực (sau Singapore và Indonesia), Malaysia đã nỗ lực xóa bỏ những khoảng cách, mâu thuẫn về thể chế chính trị trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, tạo môi trường để kết nạp các quốc gia Đông Nam Á vào ASEAN, đồng thời thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa các thành viên trong tổ chức, và giữa tổ chức với các đối tác bên ngoài. 

Điều gì chờ đón nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2025 của Malaysia?  

Mặc dù còn nhiều tháng nữa mới đến thời điểm Malaysia chính thức đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch ASEAN 2025, song Kuala Lumpur đã thể hiện sự nghiêm túc trong công tác chuẩn bị. Ngay từ tháng 1 năm nay, Thủ tướng Anwar Ibrahim đã chủ trì cuộc họp trù bị để khởi động cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN sắp tới. Đồng thời, Ngoại trưởng Mohamad Hasan tiết lộ rằng Thủ tướng đã cam kết sẽ tham dự đầy đủ các cuộc họp chuẩn bị định kỳ. Ngoài ra, theo ông Hasan, chính phủ Malaysia đã thiết lập ba cụm làm việc để chuẩn bị cho nhiệm kỳ Chủ tịch, bao gồm cụm chính trị, quốc phòng và quyền công dân thuộc Bộ Ngoại giao; cụm kinh tế và thương mại thuộc Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp; cụm văn hóa - xã hội thuộc Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa. Trong các cuộc họp định kỳ, mỗi cụm sẽ phải cập nhật tình hình làm việc để chính phủ đánh giá liệu kế hoạch có đang diễn ra đúng tiến độ hay không.   

Căn cứ vào những gì Malaysia đã làm trong lịch sử, quốc gia này nhiều khả năng sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hợp tác với các quốc gia ASEAN và tăng cường tính kết nối giữa các thành viên, nhằm phát huy vai trò của ASEAN trong việc quản lý các vấn đề quan trọng của khu vực. Trước hết, năm 2025 là thời điểm kết thúc Tầm nhìn 10 năm của Cộng đồng ASEAN, do đó nhiệm vụ dẫn dắt của Malaysia trong việc thảo luận ra một tầm nhìn dài hạn mới là rất quan trọng. Theo Bộ trưởng Truyền thông Malaysia Fahmi Fadzil, để giải quyết những thách thức cũng như xu hướng trong hiện tại và tương lai ở trong lẫn ngoài khu vực, Kuala Lumpur đang đề xuất phát triển một tầm nhìn toàn diện và hướng tới tương lai, kéo dài 20 năm. Đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN đưa ra một tầm nhìn có tính dài hạn đến như vậy.  

Một nội dung quan trọng không kém mà Malaysia – trong vai trò Chủ tịch – có thể thực hiện là tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh phi truyền thống (non-traditional security) trong khu vực. An ninh phi truyền thống hiểu một cách đơn giản là những vấn đề an ninh không thuộc phạm vi chính trị và quân sự, nhưng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, phát triển về an ninh của mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu. 

Trước hết, theo Chủ tịch Hạ viện Malaysia Johari Abdul, tăng cường an ninh lương thực trong khu vực và giải quyết những thách thức cấp bách của biến đổi khí hậu sẽ là những chương trình nghị sự quan trọng. Theo ông Abdul, để tạo ra một khu vực được đảm bảo về an ninh lương thực, các nước ASEAN cần tận dụng nhiều yếu tố thuộc về thế mạnh như diện tích đất nông nghiệp, tài chính, nhân lực và công nghệ, đồng thời chú trọng chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn lẫn nhau. Cùng với đó, Chủ tịch Hạ viện nói rằng Malaysia sẽ nhấn mạnh các nỗ lực để thúc đẩy những nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện và mặt trời.   

Không chỉ quan tâm đến an ninh lương thực và an ninh khí hậu, Malaysia còn quan tâm thúc đẩy an ninh mạng. Theo Bộ trưởng Truyền thông Fahmi Fadzil, với tư cách là Chủ tịch, Malaysia sẽ cùng các quốc gia ASEAN thảo luận, xây dựng khung pháp lý khu vực về an toàn trực tuyến và môi trường kỹ thuật số. Malaysia kỳ vọng khung pháp lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp và hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN trong việc giải quyết các thách thức liên quan đến nội dung trên.      

Trong quá trình thúc đẩy giải quyết những thách thức an ninh phi truyền thống, nhóm nước có thể đóng vai trò động lực và hỗ trợ Malaysia nhiều nhất là các bên mà Kuala Lumpur có tham gia hợp tác tiểu vùng, cụ thể là tam giác tăng trưởng Indonesia - Malaysia - Singapore và Khu vực Tăng trưởng Đông ASEAN (Brunei - Indonesia - Malaysia -  Philippines). 

Tuy nhiên, Malaysia không thể chỉ tập trung vào an ninh phi truyền thống mà “lơ là” các vấn đề an ninh truyền thống, cụ thể là Biển Đông và xung đột ở Myanmar. Là quốc gia có tranh chấp trên Biển Đông, Malaysia nhiều khả năng sẽ chú trọng chủ đề này trong chương trình nghị sự. Điều đó đã từng diễn ra trong nhiệm kỳ gần nhất của Malaysia (năm 2015), khi nước này đã dành riêng một phần để đề cập đến vấn đề Biển Đông trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và Tuyên bố chung từ Cuộc họp của các Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48. 

Sau 10 năm, mối quan tâm ở Biển Đông giờ đây là tiến trình đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) giữa ASEAN với Trung Quốc. Malaysia sẽ có nhiệm vụ nối tiếp các tiến triển đã đạt được trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc thuộc khuôn khổ chuỗi Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 56 diễn ra tại Indonesia vào tháng 7/2023. Ở thời điểm đó, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí về các hướng dẫn nhằm đẩy nhanh đàm phán COC. 

Mặc dù động thái đó là một tín hiệu tích cực, nhưng cho đến nay vẫn chưa có những bước đột phá nào trên thực tế. Các vụ va chạm trên Biển Đông vẫn diễn ra với tần suất dày đặc cho đến nay, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Philippines, khiến COC khó có thể đạt được tiến bộ khi các bên còn thiếu niềm tin, thậm chí ngờ vực về nhau. Đồng thời, Bắc Kinh có thể đang muốn kéo dài quá trình đàm phán COC để tạo “vỏ bọc chính trị” trong lúc tiếp tục các yêu sách, cũng như mở rộng các hoạt động xâm lấn trên Biển Đông. Đến khi nào Trung Quốc cảm thấy đủ vị thế, nước này có thể mới bắt đầu nghiêm túc đàm phán COC trong tư thế “cửa trên” nhằm điều hướng thỏa thuận này đi theo ý muốn của Bắc Kinh. Với những chia rẽ như vậy, Malaysia sẽ cần phải nỗ lực hơn nữa nếu muốn để lại dấu ấn trong nhiệm kỳ Chủ tịch lần này. 

Malaysia cũng sẽ (phải) dành sự quan tâm cho vấn đề Myanmar, bởi xung đột ở nước này đã tạo gánh nặng lên Kuala Lumpur khi phải tiếp nhận hơn 200.000 người tị nạn. Trong nhiệm kỳ của mình, Malaysia sẽ phải tìm ra những cách thức ứng phó mới để tăng cường vị thế, trong khi nỗ lực thuyết phục sự tham gia của các bên liên quan trong cuộc xung đột. 

Vào tháng 4/2021, các quốc gia ASEAN khi đó đã thông qua Nguyên tắc Đồng thuận Năm điểm (Five-Point Consensus - 5PC) nhằm hỗ trợ Myanmar ổn định tình hình, tham gia hiệu quả hợp tác ASEAN, xây dựng cộng đồng. 5PC bao gồm chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan, gửi viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán, và cho phép đặc phái viên được phép đến Myanmar. 

Tuy nhiên, 5PC đã không phát huy tác dụng khi tình hình xung đột ở Myanmar vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Bên cạnh đó, sau nhiều năm xung đột, tình hình thực địa giờ đây cũng đã đổi thay khi chính quyền quân sự đang dần mất quyền kiểm soát về mặt hành chính trên toàn quốc do sự phản kháng mạnh mẽ từ các lực lượng phản kháng. Với những diễn biến như vậy, Malaysia cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đưa ra cách tiếp cận mang tính mới mẻ và hiệu quả hơn mới mong có thể lôi kéo sự tham gia không chỉ của chính quyền quân sự, mà còn của các lực lượng phản kháng theo sự điều phối và dàn xếp của ASEAN.  

Như vậy, các nội dung chủ yếu mà Malaysia cần phải giải quyết trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2025 là điều phối việc thiết lập Tầm nhìn mới cho Cộng đồng ASEAN, đồng thời dẫn dắt khu vực vượt qua những thách thức an ninh truyền thống lẫn phi truyền thống. 

Tuy nhiên, những nỗ lực của Malaysia cũng có thể vấp phải một số trở ngại. Nỗ lực giải quyết các căng thẳng trên Biển Đông chưa bao giờ là dễ dàng vì các quốc gia ASEAN gặp khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận, một phần do những quốc gia không có tranh chấp với Trung Quốc thường “né tránh” việc lên án Bắc Kinh. Chẳng hạn, trong bản Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 và Tuyên bố chung Cuộc họp của các Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 48, Malaysia dù rất nỗ lực đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự, nhưng hoặc là không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, hoặc là tránh sử dụng từ ngữ có tính chất lên án Bắc Kinh. 

Trong khi đó, nỗ lực tìm ra một giải pháp cho xung đột ở Myanmar thậm chí còn khó khăn hơn. Bài học từ 5PC cho thấy chính quyền quân sự Myanmar đã không thực hiện các cam kết với ASEAN, thay vì chấm dứt bạo lực thì lực lượng này vẫn tiếp tục các hành vi tàn bạo như tàn sát, đánh bom… các lực lượng dân sự (gồm những người biểu tình, chính trị gia, nhà hoạt động, nhân viên y tế, trẻ em, thanh niên, và người già). Chính quyền quân sự cũng từ chối lời kêu gọi của ASEAN về việc tham gia đối thoại mang tính xây dựng, và đồng thời khước từ khả năng đàm phán với các lực lượng khác ở Myanmar. Do đó, không dễ để Malaysia có thể xây dựng một giải pháp đủ thuyết phục để buộc chính quyền quân sự phải tuân theo sự điều phối của ASEAN hay chấm dứt các hành vi vi phạm nhân quyền đối với các lực lượng dân sự.   

Bên cạnh đó, giải quyết bất ổn chính trị nội bộ của một quốc gia thành viên không phải là điểm mạnh của ASEAN. Tổ chức này đã làm rất tốt trong việc ngăn ngừa và quản lý xung đột giữa các quốc gia thành viên. Từ khi thành lập đến nay, chưa có cuộc xung đột vũ trang lớn nào giữa các nước, ngoại trừ các vụ đụng độ nhỏ giữa Thái Lan và Campuchia ở khu vực biên giới. ASEAN cũng đã gây áp lực yêu cầu hai quốc gia trên kiềm chế, và cho đến nay đã thành công trong việc ngăn xung đột mở rộng. Ngược lại, năng lực giải quyết tình trạng bất ổn nội bộ của ASEAN là khá hạn chế, vì Hiến chương của tổ chức quy định “Không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên ASEAN” (Điều 2, khoản 2, điểm e).     

Tổng kết lại, Malaysia là thành viên chủ chốt và đã có nhiều đóng góp có ý nghĩa trong lịch sử phát triển của ASEAN. Điều này mang lại kỳ vọng rằng Kuala Lumpur sẽ tiếp tục tìm cách tăng cường hợp tác trong ASEAN để giải quyết các thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống, đồng thời củng cố quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Tuy nhiên, các thách thức an ninh truyền thống bao hàm trong nó những khó khăn cố hữu mà Malaysia sẽ phải đối diện và vượt qua nếu muốn xây dựng hình ảnh quốc gia tích cực, cũng như mang lại các đóng góp thiết thực cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN sắp tới.

Từ khoá: Malaysia ASEAN Chủ tịch ASEAN Đông Nam Á

BÀI LIÊN QUAN