Chính trị - Ngoại giao | Kinh tế   29/07/2024

Phải chăng Trung Quốc là lãnh đạo trên thực tế của BRICS?

Trung Quốc gây được ảnh hưởng to lớn trong BRICS nhờ ưu thế kinh tế nhưng lại không thể hoàn toàn áp đặt ý chí của mình lên khối.

Image
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận Huân chương Nam Phi từ Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa bên lề Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2023 - (C): Themba Hadebe/AP

BRIC là khối các nền kinh tế mới nổi được thành lập vào năm 2006 và bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nhóm đối tác này tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên hồi năm 2009, sau đó hai lần mở rộng thành viên: vào năm 2010 (kết nạp Nam Phi) (kể từ đó đổi tên thành BRICS, với S là chữ cái đầu tiên trong tên tiếng Anh của Nam Phi – South Africa) và năm 2024 (bổ sung Ai Cập, Iran, Ethiopia và UAE).

Những năm qua, BRICS kiên trì tôn chỉ “bình đẳng, đoàn kết, cởi mở, bao trùm và đồng thuận” (equality, solidarity, openness, inclusiveness and consensus). Tất cả các quyết định của BRICS là kết quả của việc tham vấn và đồng thuận đầy đủ giữa các quốc gia thành viên.

Ảnh hưởng của Trung Quốc trong BRICS

Trong BRICS, Trung Quốc là nền kinh tế quy mô nhất, tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và vượt trội hơn nhiều khi so với những thành viên còn lại. Trong năm 2023, GDP của Trung Quốc đạt khoảng 17,7 nghìn tỷ USD, lớn hơn năm lần so với quốc gia xếp thứ hai là Ấn Độ (3,54 nghìn tỷ USD), tám lần so với Brazil (2,17 nghìn tỷ USD), và gần chín lần so với Nga (2,02 nghìn tỷ USD).

Trong khi đó, những quốc gia còn lại đều chưa vươn tới mức nghìn tỷ USD, bao gồm UAE (504,17 tỷ USD), Iran (401,5 tỷ USD), Nam Phi (377,78 tỷ USD) và Ethiopia (163,7 tỷ USD).

Đồng thời, tính theo số liệu năm 2023, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ (vừa vượt qua vị trí số một của Mỹ), Iran (năm thứ 10 liên tiếp) Nga (năm thứ 13 liên tiếp), Brazil, Nam Phi (cùng năm thứ 15 liên tiếp) và Ethiopia. Bên cạnh đó, siêu cường tỷ dân xếp thứ hai trong số các đối tác thương mại của UAE, và thứ ba với Ai Cập.     

Với tương quan kinh tế áp đảo, Trung Quốc dường như có đòn bẩy lớn hơn để dẫn dắt và định hình BRICS theo quỹ đạo mà quốc gia này mong muốn. Chẳng hạn, vào năm 2015, BRICS nhất trí thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank - NDB) nhân Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 7 của khối được tổ chức tại Nga. Mặc dù sáng kiến thành lập một ngân hàng chung do Ấn Độ đề xuất, song sau khi hình thành hơn nửa năm, NDB đã ký Thỏa thuận về Trụ sở (Headquarters Agreement) với chính phủ Trung Quốc, qua đó chính thức đặt đại bản doanh tại thành phố Thượng Hải. Động thái này có thể ngầm chứng tỏ rằng Trung Quốc mới chính là trung tâm tài chính của BRICS (chứ không phải Ấn Độ).

Có những yếu tố khác cho thấy Bắc Kinh mới là bên “làm chủ cuộc chơi”. Theo thống kê của NDB đến hết năm 2022, Trung Quốc là quốc gia nhận nhiều dự án tài trợ nhất từ ngân hàng này (tính theo giá trị) với tổng số tiền 8,116 tỷ USD. Cùng với đó, Nhân dân tệ là đồng tiền quốc gia được sử dụng nhiều nhất để tài trợ cho các dự án (xét trong nội bộ NDB).     

Về khía cạnh tiền tệ, vào năm 2014, BRICS đã thành lập Quỹ Tiền Tệ Dự trữ Khẩn cấp (Contingent Reserve Arrangement) nhằm cung cấp sự hỗ trợ về thanh khoản trong trường hợp các quốc gia thành viên đối mặt với áp lực cán cân thanh toán ngắn hạn hoặc biến động tỷ giá hối đoái. Hạn mức đóng góp Quỹ là 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc góp gần một nửa, với 41 tỷ USD. Brazil, Nga và Ấn Độ cùng góp 18 tỷ USD, phần còn lại là Nam Phi. Khác với tôn chỉ của BRICS, Quỹ Tiền tệ Dự trữ Khẩn cấp quyết định các vấn đề theo nguyên tắc quốc gia nào đóng góp nhiều hơn sẽ có quyền lực biểu quyết cao hơn. Như vậy, với số tiền đóng góp áp đảo thì Trung Quốc hiển nhiên là bên nắm quyền dẫn dắt Quỹ này. 

Những năm gần đây hơn, Trung Quốc tận dụng sức mạnh kinh tế để thúc đẩy giao dịch với một số quốc gia BRICS bằng đồng Nhân dân tệ. Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Moscow hồi tháng 3/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết sử dụng Nhân dân tệ cho các khoản thanh toán giữa Nga với các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, nhằm từng bước thay thế đồng USD. Vào tháng 2 cùng năm, Bắc Kinh và Brasilia nhất trí thiết lập các thỏa thuận thanh toán bù trừ bằng đồng Nhân dân tệ ở quốc gia Nam Mỹ, và chỉ một tháng sau, thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa hai nước chính thức được thiết lập, loại bỏ hoàn toàn vai trò trung gian của USD.

Bên cạnh đó, Trung Quốc và Iran đang tích cực thảo luận về việc tăng cường sử dụng đồng tiền quốc gia trong thương mại song phương. Trở lại năm 2012, Bắc Kinh đã bắt đầu mua dầu thô từ Tehran bằng đồng Nhân dân tệ; trong khi ở chiều ngược lại, kể từ năm 2018, quốc gia Hồi giáo này đã thay thế đồng USD bằng Nhân dân tệ trên nền tảng báo cáo tỷ giá tiền tệ chính thức. Ngoài ra, Ai Cập cũng đang thảo luận với Trung Quốc về việc sử dụng Nhân dân tệ để thanh toán hàng nhập khẩu. Vào tháng 10/2023, quốc gia Bắc Phi này đã lần đầu tiên phát hành trái phiếu bằng tiền tệ của Trung Quốc, có kỳ hạn ba năm, trị giá 3,5 tỷ Nhân dân tệ. Đây là trái phiếu được phát hành để các công ty toàn cầu, chính phủ và tổ chức quốc tế khai thác thị trường vốn Trung Quốc, điều mà chính phủ Ai Cập đang rất cần để vực dậy thị trường tài chính trong bối cảnh đất nước rơi vào tình trạng thiếu hụt đồng USD kể từ năm 2022.

Ảnh hưởng sâu rộng về kinh tế như đã nêu ở trên giúp Trung Quốc từng bước trở thành trung tâm của BRICS. Điều này có thể được quan sát thông qua những gì đã xảy ra tại Hội nghị Thượng đỉnh gần đây nhất của nhóm này vào năm 2023. Tại thành phố Johannesburg (Nam Phi), ông Tập đã được nước chủ nhà đối đãi đặc biệt ngay tại buổi đón tiếp ở sân bay. Đích thân Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã ra sân bay lúc nửa đêm để chào mừng nhà lãnh đạo Trung Quốc, điều mà các thành viên BRICS khác không nhận được.

Chẳng hạn, khi Tổng thống Ấn Độ Narendra Modi đến Johannesburg, nước chủ nhà chỉ cử Phó Tổng thống Paul Mashatile ra đón tiếp, trong khi Ngoại trưởng Naledi Pandor đảm nhận nhiệm vụ đón Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva. Hơn nữa, ông Tập còn được ông Ramaphosa trao tặng Huân chương Nam Phi (Order of South Africa), là phần thưởng và vinh dự cao quý nhất mà Nam Phi trao tặng cho một nguyên thủ quốc gia.

Tham vọng khuếch trương ảnh hưởng của Trung Quốc còn lớn hơn. Vào năm 2017, khi Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ chín diễn ra ở thành phố Hạ Môn (Trung Quốc), ông Tập đã lần đầu đưa ra khái niệm “BRICS Plus”, trong đó nhấn mạnh rằng khối nên xây dựng một mạng lưới đối tác phát triển cởi mở và đa dạng hơn (hàm ý muốn mở rộng thành viên).

Kể từ thời điểm đó, Trung Quốc thường xuyên nhắc lại mong muốn trên. Đối với Bắc Kinh (cũng như Moscow), việc mở rộng thành viên là một phần quan trọng trong nỗ lực biến BRICS thành đối trọng địa chính trị với phương Tây và các thể chế liên quan, như nhóm các nền kinh tế công nghiệp phát triển (G7). Tầm nhìn này trở nên cấp bách và có ý nghĩa chiến lược hơn trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt.

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào trong BRICS cũng cởi mở với tham vọng mở rộng thành viên của Trung Quốc, tiêu biểu là Ấn Độ và Brazil. Hai quốc gia này lo ngại rằng việc tiếp nhận thêm thành viên có thể biến BRICS – dưới sự dẫn dắt của Trung Quốc – trở thành một nhóm đối địch với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Hơn nữa, New Delhi là đối tác kinh tế lẫn quốc phòng quan trọng của Mỹ và EU, đồng thời là thành viên của Đối thoại Tứ giác An ninh (QUAD) do Washington dẫn đầu. Do đó, quốc gia Nam Á này kỳ vọng BRICS tìm ra các quy tắc nghiêm ngặt hơn về cách thức và thời điểm kết nạp thành viên mới, thay vì đẩy mạnh việc này một cách ồ ạt.

Bất chấp mối quan ngại này, Trung Quốc cuối cùng đã đạt được mục đích của mình. Như đã đề cập, vào đầu năm nay, BRICS đã kết nạp thêm bốn thành viên mới. Xem xét danh sách những quốc gia vừa tham gia, có thể hiểu tại sao Ấn Độ và Brazil lại có sự quan ngại về nguy cơ Trung Quốc ngày càng dẫn dắt BRICS trở thành khối đối trọng với phương Tây.

Trước hết là trường hợp của Iran. Vào năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã quyết định rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran (JCPOA), tố cáo Tehran về việc không trung thực về tham vọng hạt nhân của mình và tiếp tục hỗ trợ các nhóm khủng bố. Căng thẳng giữa Mỹ và Iran thậm chí làm gia tăng thù địch khắp Trung Đông, “đổ thêm dầu vào lửa” trong quan hệ song phương, đồng thời tạo thời cơ không thể thuận lợi hơn để Trung Quốc trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của quốc gia Hồi giáo.

Trong khi đó, Ai Cập và Ethiopia cũng đang mất niềm tin vào Mỹ. Như đã đề cập, kể từ năm 2022, Ai Cập bắt đầu rơi vào tình trạng thiếu hụt đồng USD, khiến nước này phải xích lại gần hơn với Trung Quốc để tìm “phao cứu sinh” cho mình. Trường hợp thiếu hụt tương tự cũng xảy ra với Ethiopia. Tuy nhiên, nếu Ai Cập chỉ chuyển hướng sang Trung Quốc trong những năm gần đây, thì Ethiopia trong suốt hơn 25 năm qua đã có mối quan hệ gắn bó với Bắc Kinh, vì cường quốc này là chủ nợ lớn nhất của quốc gia đến từ “lục địa đen”.

Như vậy, nhờ vào ảnh hưởng kinh tế và quan hệ thương mại gắn bó với các quốc gia BRICS, Trung Quốc có thể định hình và điều hướng tổ chức này theo mong muốn của mình, điển hình là phổ biến đồng Nhân dân tệ, thu lợi từ nguồn tài trợ của NDB, và kết nạp thêm các thành viên mới có xu hướng thân Bắc Kinh. Vì thế, không quá đáng khi cho rằng Trung Quốc đang đóng vai trò “lãnh đạo” BRICS, và “trên cơ” so với phần còn lại, dù tổ chức này hướng đến tôn chỉ “bình đẳng” giữa các thành viên.  

Nhưng Ấn Độ không thờ ơ

Bất kể tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong BRICS có to lớn đến mức nào, vẫn còn một rào cản có thể ngăn bước tiến của Bắc Kinh: đó là cơ chế “đồng thuận” của khối. Về lý thuyết, các quốc gia vẫn có thể sử dụng quyền phủ quyết khi bàn thảo về các vấn đề chung của BRICS.

Trong số các thành viên của BRICS, Ấn Độ dường như là bên quyết tâm nhất trong việc ngăn cản sự “bành trướng” của Trung Quốc, vì quốc gia Nam Á này có mâu thuẫn thường trực với Bắc Kinh tại các khu vực tranh chấp ở vùng Ladakh trên dãy Himalaya (hiện do Ấn Độ kiểm soát). Hồi tháng 3/2022, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tuyên bố cứng rắn rằng “[Ấn - Trung] sẽ không thể bình thường nếu tình hình ở khu vực biên giới bất thường” (it cannot be normal if the situation in the border areas is abnormal).

Việc Ấn Độ chấp thuận để BRICS kết nạp thêm bốn thành viên mới là động thái khá bất ngờ, và có thể là hành động thỏa hiệp trước ảnh hưởng của Trung Quốc, song New Delhi cũng có lợi ích từ những quốc gia này. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã nỗ lực làm ấm lại mối quan hệ với Ai Cập. Bằng chứng là trong năm 2022 và 2023, lần lượt Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh, Ngoại trưởng Jaishankar và Thủ tướng Narendra Modi đã đến Cairo. 

Với Ethiopia, quốc gia này có đường biên giới với DjiboutiEritrea, hai quốc gia đang chứng kiến sự cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ đã tìm tới Ethiopia để thúc đẩy sự hiện diện tại khu vực này. Tại châu Phi, Ethiopia hiện là quốc gia nhận được nhiều khoản tín dụng nhất từ Ấn Độ, chủ yếu được sử dụng để phát triển các dự án truyền tải năng lượng, ngành công nghiệp mía đường và đường sắt. Hai quốc gia cũng đang ở trong giai đoạn cuối của quá trình đàm phán về một thỏa thuận hợp tác quốc phòng, trong đó New Delhi sẽ hỗ trợ đào tạo quân sự và cung cấp thêm các khoản tín dụng cho Addis Ababa.   

Chuyển sang khu vực Tây Á, hồi tháng 5, Ấn Độ đã ký thỏa thuận kéo dài 10 năm với Iran nhằm vận hành và phát triển cảng Chabahar (của Iran). Động thái này được kỳ vọng sẽ làm trung gian kết nối để thúc đẩy thương mại giữa Ấn Độ và Trung Á trong tương lai, tiềm năng hơn 200 tỷ USD. Còn với UAE, vào năm 2022, quốc gia này đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (Comprehensive Economic Partnership Agreement) cùng Ấn Độ, giúp đảm bảo thương mại tự do, cởi mở và không phân biệt đối xử giữa hai nước. Đồng thời, thỏa thuận này cũng giúp giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với hơn 80% hàng xuất khẩu của UAE vào Ấn Độ.

Những động thái này cho thấy, mặc dù việc BRICS kết nạp thành viên mới khiến Ấn Độ quan ngại, song New Delhi cũng thu được nhiều lợi ích khi chấp nhận thỏa hiệp. Mặc dù vậy, có vẻ như những lời kêu gọi trước đây của Ấn Độ đã có tác dụng khi vào tháng 6, sau cuộc họp của các Ngoại trưởng BRICS tại Nga, khối này đã quyết định tạm dừng kết nạp các thành viên mới.  

Trong thời gian tới, Ấn Độ nhiều khả năng cũng sẽ gây áp lực với Trung Quốc trên phương diện tiền tệ. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) 2024 diễn ra vào đầu tháng 7, Ấn Độ đã chính thức bác bỏ đề xuất của Trung Quốc về việc thay thế đồng USD bằng Nhân dân tệ trong trao đổi thương mại. Ấn Độ cũng có thể sẽ áp dụng quan điểm cứng rắn tương tự với BRICS, qua đó gây nguy cơ chia rẽ trong quan điểm của khối về định hướng chính sách tiền tệ trong bối cảnh BRICS đang thảo luận về việc phát triển đồng tiền chung

Tóm lại, với ưu thế kinh tế gần như “áp đảo”, Trung Quốc - trên thực tế - vẫn được xem như “lãnh đạo” thực thụ, có khả năng chi phối các quyết sách của BRICS. Tuy nhiên, quy tắc đồng thuận của BRICS giúp Ấn Độ (và các quốc gia thành viên còn lại) đủ khả năng kiểm soát tình hình (miễn là các quốc gia này có quyết tâm đủ lớn). Trên thực tế, dù khó ngăn cản vai trò dẫn dắt của Trung Quốc, các thành viên còn lại có thể khéo léo định hình quỹ đạo phát triển của BRICS, thay vì “phục tùng” hoàn toàn vào ý chí của Bắc Kinh.  

BRIC là khối các nền kinh tế mới nổi được thành lập vào năm 2006 và bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nhóm đối tác này tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên hồi năm 2009, sau đó hai lần mở rộng thành viên: vào năm 2010 (kết nạp Nam Phi) (kể từ đó đổi tên thành BRICS, với S là chữ cái đầu tiên trong tên tiếng Anh của Nam Phi – South Africa) và năm 2024 (bổ sung Ai Cập, Iran, Ethiopia và UAE).

Những năm qua, BRICS kiên trì tôn chỉ “bình đẳng, đoàn kết, cởi mở, bao trùm và đồng thuận” (equality, solidarity, openness, inclusiveness and consensus). Tất cả các quyết định của BRICS là kết quả của việc tham vấn và đồng thuận đầy đủ giữa các quốc gia thành viên.

Ảnh hưởng của Trung Quốc trong BRICS

Trong BRICS, Trung Quốc là nền kinh tế quy mô nhất, tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và vượt trội hơn nhiều khi so với những thành viên còn lại. Trong năm 2023, GDP của Trung Quốc đạt khoảng 17,7 nghìn tỷ USD, lớn hơn năm lần so với quốc gia xếp thứ hai là Ấn Độ (3,54 nghìn tỷ USD), tám lần so với Brazil (2,17 nghìn tỷ USD), và gần chín lần so với Nga (2,02 nghìn tỷ USD).

Trong khi đó, những quốc gia còn lại đều chưa vươn tới mức nghìn tỷ USD, bao gồm UAE (504,17 tỷ USD), Iran (401,5 tỷ USD), Nam Phi (377,78 tỷ USD) và Ethiopia (163,7 tỷ USD).

Đồng thời, tính theo số liệu năm 2023, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ (vừa vượt qua vị trí số một của Mỹ), Iran (năm thứ 10 liên tiếp) Nga (năm thứ 13 liên tiếp), Brazil, Nam Phi (cùng năm thứ 15 liên tiếp) và Ethiopia. Bên cạnh đó, siêu cường tỷ dân xếp thứ hai trong số các đối tác thương mại của UAE, và thứ ba với Ai Cập.     

Với tương quan kinh tế áp đảo, Trung Quốc dường như có đòn bẩy lớn hơn để dẫn dắt và định hình BRICS theo quỹ đạo mà quốc gia này mong muốn. Chẳng hạn, vào năm 2015, BRICS nhất trí thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank - NDB) nhân Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 7 của khối được tổ chức tại Nga. Mặc dù sáng kiến thành lập một ngân hàng chung do Ấn Độ đề xuất, song sau khi hình thành hơn nửa năm, NDB đã ký Thỏa thuận về Trụ sở (Headquarters Agreement) với chính phủ Trung Quốc, qua đó chính thức đặt đại bản doanh tại thành phố Thượng Hải. Động thái này có thể ngầm chứng tỏ rằng Trung Quốc mới chính là trung tâm tài chính của BRICS (chứ không phải Ấn Độ).

Có những yếu tố khác cho thấy Bắc Kinh mới là bên “làm chủ cuộc chơi”. Theo thống kê của NDB đến hết năm 2022, Trung Quốc là quốc gia nhận nhiều dự án tài trợ nhất từ ngân hàng này (tính theo giá trị) với tổng số tiền 8,116 tỷ USD. Cùng với đó, Nhân dân tệ là đồng tiền quốc gia được sử dụng nhiều nhất để tài trợ cho các dự án (xét trong nội bộ NDB).     

Về khía cạnh tiền tệ, vào năm 2014, BRICS đã thành lập Quỹ Tiền Tệ Dự trữ Khẩn cấp (Contingent Reserve Arrangement) nhằm cung cấp sự hỗ trợ về thanh khoản trong trường hợp các quốc gia thành viên đối mặt với áp lực cán cân thanh toán ngắn hạn hoặc biến động tỷ giá hối đoái. Hạn mức đóng góp Quỹ là 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc góp gần một nửa, với 41 tỷ USD. Brazil, Nga và Ấn Độ cùng góp 18 tỷ USD, phần còn lại là Nam Phi. Khác với tôn chỉ của BRICS, Quỹ Tiền tệ Dự trữ Khẩn cấp quyết định các vấn đề theo nguyên tắc quốc gia nào đóng góp nhiều hơn sẽ có quyền lực biểu quyết cao hơn. Như vậy, với số tiền đóng góp áp đảo thì Trung Quốc hiển nhiên là bên nắm quyền dẫn dắt Quỹ này. 

Những năm gần đây hơn, Trung Quốc tận dụng sức mạnh kinh tế để thúc đẩy giao dịch với một số quốc gia BRICS bằng đồng Nhân dân tệ. Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Moscow hồi tháng 3/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết sử dụng Nhân dân tệ cho các khoản thanh toán giữa Nga với các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, nhằm từng bước thay thế đồng USD. Vào tháng 2 cùng năm, Bắc Kinh và Brasilia nhất trí thiết lập các thỏa thuận thanh toán bù trừ bằng đồng Nhân dân tệ ở quốc gia Nam Mỹ, và chỉ một tháng sau, thỏa thuận hoán đổi tiền tệ giữa hai nước chính thức được thiết lập, loại bỏ hoàn toàn vai trò trung gian của USD.

Bên cạnh đó, Trung Quốc và Iran đang tích cực thảo luận về việc tăng cường sử dụng đồng tiền quốc gia trong thương mại song phương. Trở lại năm 2012, Bắc Kinh đã bắt đầu mua dầu thô từ Tehran bằng đồng Nhân dân tệ; trong khi ở chiều ngược lại, kể từ năm 2018, quốc gia Hồi giáo này đã thay thế đồng USD bằng Nhân dân tệ trên nền tảng báo cáo tỷ giá tiền tệ chính thức. Ngoài ra, Ai Cập cũng đang thảo luận với Trung Quốc về việc sử dụng Nhân dân tệ để thanh toán hàng nhập khẩu. Vào tháng 10/2023, quốc gia Bắc Phi này đã lần đầu tiên phát hành trái phiếu bằng tiền tệ của Trung Quốc, có kỳ hạn ba năm, trị giá 3,5 tỷ Nhân dân tệ. Đây là trái phiếu được phát hành để các công ty toàn cầu, chính phủ và tổ chức quốc tế khai thác thị trường vốn Trung Quốc, điều mà chính phủ Ai Cập đang rất cần để vực dậy thị trường tài chính trong bối cảnh đất nước rơi vào tình trạng thiếu hụt đồng USD kể từ năm 2022.

Ảnh hưởng sâu rộng về kinh tế như đã nêu ở trên giúp Trung Quốc từng bước trở thành trung tâm của BRICS. Điều này có thể được quan sát thông qua những gì đã xảy ra tại Hội nghị Thượng đỉnh gần đây nhất của nhóm này vào năm 2023. Tại thành phố Johannesburg (Nam Phi), ông Tập đã được nước chủ nhà đối đãi đặc biệt ngay tại buổi đón tiếp ở sân bay. Đích thân Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã ra sân bay lúc nửa đêm để chào mừng nhà lãnh đạo Trung Quốc, điều mà các thành viên BRICS khác không nhận được.

Chẳng hạn, khi Tổng thống Ấn Độ Narendra Modi đến Johannesburg, nước chủ nhà chỉ cử Phó Tổng thống Paul Mashatile ra đón tiếp, trong khi Ngoại trưởng Naledi Pandor đảm nhận nhiệm vụ đón Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva. Hơn nữa, ông Tập còn được ông Ramaphosa trao tặng Huân chương Nam Phi (Order of South Africa), là phần thưởng và vinh dự cao quý nhất mà Nam Phi trao tặng cho một nguyên thủ quốc gia.

Tham vọng khuếch trương ảnh hưởng của Trung Quốc còn lớn hơn. Vào năm 2017, khi Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ chín diễn ra ở thành phố Hạ Môn (Trung Quốc), ông Tập đã lần đầu đưa ra khái niệm “BRICS Plus”, trong đó nhấn mạnh rằng khối nên xây dựng một mạng lưới đối tác phát triển cởi mở và đa dạng hơn (hàm ý muốn mở rộng thành viên).

Kể từ thời điểm đó, Trung Quốc thường xuyên nhắc lại mong muốn trên. Đối với Bắc Kinh (cũng như Moscow), việc mở rộng thành viên là một phần quan trọng trong nỗ lực biến BRICS thành đối trọng địa chính trị với phương Tây và các thể chế liên quan, như nhóm các nền kinh tế công nghiệp phát triển (G7). Tầm nhìn này trở nên cấp bách và có ý nghĩa chiến lược hơn trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt.

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào trong BRICS cũng cởi mở với tham vọng mở rộng thành viên của Trung Quốc, tiêu biểu là Ấn Độ và Brazil. Hai quốc gia này lo ngại rằng việc tiếp nhận thêm thành viên có thể biến BRICS – dưới sự dẫn dắt của Trung Quốc – trở thành một nhóm đối địch với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Hơn nữa, New Delhi là đối tác kinh tế lẫn quốc phòng quan trọng của Mỹ và EU, đồng thời là thành viên của Đối thoại Tứ giác An ninh (QUAD) do Washington dẫn đầu. Do đó, quốc gia Nam Á này kỳ vọng BRICS tìm ra các quy tắc nghiêm ngặt hơn về cách thức và thời điểm kết nạp thành viên mới, thay vì đẩy mạnh việc này một cách ồ ạt.

Bất chấp mối quan ngại này, Trung Quốc cuối cùng đã đạt được mục đích của mình. Như đã đề cập, vào đầu năm nay, BRICS đã kết nạp thêm bốn thành viên mới. Xem xét danh sách những quốc gia vừa tham gia, có thể hiểu tại sao Ấn Độ và Brazil lại có sự quan ngại về nguy cơ Trung Quốc ngày càng dẫn dắt BRICS trở thành khối đối trọng với phương Tây.

Trước hết là trường hợp của Iran. Vào năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã quyết định rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran (JCPOA), tố cáo Tehran về việc không trung thực về tham vọng hạt nhân của mình và tiếp tục hỗ trợ các nhóm khủng bố. Căng thẳng giữa Mỹ và Iran thậm chí làm gia tăng thù địch khắp Trung Đông, “đổ thêm dầu vào lửa” trong quan hệ song phương, đồng thời tạo thời cơ không thể thuận lợi hơn để Trung Quốc trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của quốc gia Hồi giáo.

Trong khi đó, Ai Cập và Ethiopia cũng đang mất niềm tin vào Mỹ. Như đã đề cập, kể từ năm 2022, Ai Cập bắt đầu rơi vào tình trạng thiếu hụt đồng USD, khiến nước này phải xích lại gần hơn với Trung Quốc để tìm “phao cứu sinh” cho mình. Trường hợp thiếu hụt tương tự cũng xảy ra với Ethiopia. Tuy nhiên, nếu Ai Cập chỉ chuyển hướng sang Trung Quốc trong những năm gần đây, thì Ethiopia trong suốt hơn 25 năm qua đã có mối quan hệ gắn bó với Bắc Kinh, vì cường quốc này là chủ nợ lớn nhất của quốc gia đến từ “lục địa đen”.

Như vậy, nhờ vào ảnh hưởng kinh tế và quan hệ thương mại gắn bó với các quốc gia BRICS, Trung Quốc có thể định hình và điều hướng tổ chức này theo mong muốn của mình, điển hình là phổ biến đồng Nhân dân tệ, thu lợi từ nguồn tài trợ của NDB, và kết nạp thêm các thành viên mới có xu hướng thân Bắc Kinh. Vì thế, không quá đáng khi cho rằng Trung Quốc đang đóng vai trò “lãnh đạo” BRICS, và “trên cơ” so với phần còn lại, dù tổ chức này hướng đến tôn chỉ “bình đẳng” giữa các thành viên.  

Nhưng Ấn Độ không thờ ơ

Bất kể tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong BRICS có to lớn đến mức nào, vẫn còn một rào cản có thể ngăn bước tiến của Bắc Kinh: đó là cơ chế “đồng thuận” của khối. Về lý thuyết, các quốc gia vẫn có thể sử dụng quyền phủ quyết khi bàn thảo về các vấn đề chung của BRICS.

Trong số các thành viên của BRICS, Ấn Độ dường như là bên quyết tâm nhất trong việc ngăn cản sự “bành trướng” của Trung Quốc, vì quốc gia Nam Á này có mâu thuẫn thường trực với Bắc Kinh tại các khu vực tranh chấp ở vùng Ladakh trên dãy Himalaya (hiện do Ấn Độ kiểm soát). Hồi tháng 3/2022, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar tuyên bố cứng rắn rằng “[Ấn - Trung] sẽ không thể bình thường nếu tình hình ở khu vực biên giới bất thường” (it cannot be normal if the situation in the border areas is abnormal).

Việc Ấn Độ chấp thuận để BRICS kết nạp thêm bốn thành viên mới là động thái khá bất ngờ, và có thể là hành động thỏa hiệp trước ảnh hưởng của Trung Quốc, song New Delhi cũng có lợi ích từ những quốc gia này. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã nỗ lực làm ấm lại mối quan hệ với Ai Cập. Bằng chứng là trong năm 2022 và 2023, lần lượt Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh, Ngoại trưởng Jaishankar và Thủ tướng Narendra Modi đã đến Cairo. 

Với Ethiopia, quốc gia này có đường biên giới với DjiboutiEritrea, hai quốc gia đang chứng kiến sự cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ đã tìm tới Ethiopia để thúc đẩy sự hiện diện tại khu vực này. Tại châu Phi, Ethiopia hiện là quốc gia nhận được nhiều khoản tín dụng nhất từ Ấn Độ, chủ yếu được sử dụng để phát triển các dự án truyền tải năng lượng, ngành công nghiệp mía đường và đường sắt. Hai quốc gia cũng đang ở trong giai đoạn cuối của quá trình đàm phán về một thỏa thuận hợp tác quốc phòng, trong đó New Delhi sẽ hỗ trợ đào tạo quân sự và cung cấp thêm các khoản tín dụng cho Addis Ababa.   

Chuyển sang khu vực Tây Á, hồi tháng 5, Ấn Độ đã ký thỏa thuận kéo dài 10 năm với Iran nhằm vận hành và phát triển cảng Chabahar (của Iran). Động thái này được kỳ vọng sẽ làm trung gian kết nối để thúc đẩy thương mại giữa Ấn Độ và Trung Á trong tương lai, tiềm năng hơn 200 tỷ USD. Còn với UAE, vào năm 2022, quốc gia này đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (Comprehensive Economic Partnership Agreement) cùng Ấn Độ, giúp đảm bảo thương mại tự do, cởi mở và không phân biệt đối xử giữa hai nước. Đồng thời, thỏa thuận này cũng giúp giảm hoặc xóa bỏ thuế quan đối với hơn 80% hàng xuất khẩu của UAE vào Ấn Độ.

Những động thái này cho thấy, mặc dù việc BRICS kết nạp thành viên mới khiến Ấn Độ quan ngại, song New Delhi cũng thu được nhiều lợi ích khi chấp nhận thỏa hiệp. Mặc dù vậy, có vẻ như những lời kêu gọi trước đây của Ấn Độ đã có tác dụng khi vào tháng 6, sau cuộc họp của các Ngoại trưởng BRICS tại Nga, khối này đã quyết định tạm dừng kết nạp các thành viên mới.  

Trong thời gian tới, Ấn Độ nhiều khả năng cũng sẽ gây áp lực với Trung Quốc trên phương diện tiền tệ. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) 2024 diễn ra vào đầu tháng 7, Ấn Độ đã chính thức bác bỏ đề xuất của Trung Quốc về việc thay thế đồng USD bằng Nhân dân tệ trong trao đổi thương mại. Ấn Độ cũng có thể sẽ áp dụng quan điểm cứng rắn tương tự với BRICS, qua đó gây nguy cơ chia rẽ trong quan điểm của khối về định hướng chính sách tiền tệ trong bối cảnh BRICS đang thảo luận về việc phát triển đồng tiền chung

Tóm lại, với ưu thế kinh tế gần như “áp đảo”, Trung Quốc - trên thực tế - vẫn được xem như “lãnh đạo” thực thụ, có khả năng chi phối các quyết sách của BRICS. Tuy nhiên, quy tắc đồng thuận của BRICS giúp Ấn Độ (và các quốc gia thành viên còn lại) đủ khả năng kiểm soát tình hình (miễn là các quốc gia này có quyết tâm đủ lớn). Trên thực tế, dù khó ngăn cản vai trò dẫn dắt của Trung Quốc, các thành viên còn lại có thể khéo léo định hình quỹ đạo phát triển của BRICS, thay vì “phục tùng” hoàn toàn vào ý chí của Bắc Kinh.  

Từ khoá: BRICS Trung Quốc bá quyền phi đô la hoá Ấn Độ

BÀI LIÊN QUAN