Thấy gì từ chuyến thị sát Lực lượng Tên lửa của Chủ tịch Tập Cận Bình?
Chuyến thăm Lực lượng Tên lửa của lãnh đạo Trung Quốc nhằm thúc đẩy năng lực răn đe của lực lượng này và đảm bảo đơn vị trung thành tuyệt đối với chỉ đạo của Đảng.
Vào ngày 17/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thị sát tới một lữ đoàn của Lực lượng Tên lửa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLARF) ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Tên lữ đoàn không được công bố cụ thể, nhưng được biết đơn vị đã có bề dày lịch sử hơn 50 năm.
Thông qua chuyến thăm, ông Tập đã chỉ đạo PLARF phải tăng cường khả năng răn đe và đáp ứng đầy đủ các trách nhiệm được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng như nhân dân giao phó. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng với động lực chiến tranh hiện đại và tinh chỉnh các kỹ năng chiến đấu phù hợp với cả kịch bản chiến tranh thông thường lẫn khi sử dụng những thiết bị tiên tiến. Nói một cách ngắn gọn, nhà lãnh đạo Trung Quốc kỳ vọng PLARF phải vận hành hiệu quả, là một lực lượng đáng gờm trong mọi kịch bản trên chiến trường.
PLARF không ngừng tăng cường năng lực răn đe
Được thành lập vào năm 2015 như một phần của cuộc cải cách toàn diện Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc do ông Tập triển khai, PLARF đã nhanh chóng trở thành trụ cột trung tâm trong chiến lược quốc phòng của Bắc Kinh. Theo Sách trắng Quốc phòng của Trung Quốc năm 2019, vai trò của PLARF là duy trì chủ quyền và an ninh quốc gia. Nhiệm vụ của PLARF là răn đe chiến lược, vô hiệu hóa hệ thống phòng không của đối phương, và ngăn chặn các lực lượng thù địch xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc kể cả trên bộ, trên không và trên biển.
Về cơ cấu tổ chức, PLARF hiện có ít nhất 40 lữ đoàn (brigades) tên lửa chiến đấu (tăng gấp đôi số lượng trong thập kỷ qua), được tổ chức thành sáu căn cứ (bases), đánh số hiệu từ 61 - 66, mỗi căn cứ có từ bốn đến tám lữ đoàn. Mỗi lữ đoàn bao gồm một số tiểu đoàn hoặc đại đội độc lập được trang bị một loại tên lửa cụ thể, có thể là vũ khí thông thường hoặc mang đầu đạn hạt nhân. Thêm vào đó, các đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc được cất riêng biệt trong một căn cứ bổ sung, mang số hiệu 67.
Sau khi thành lập một năm, PLARF đã cho ra mắt tên lửa mang đầu đạn thông thường DF-26, có tầm bắn 4.000km và thường được gọi là “Sát thủ Guam” (Guam Killer), vì có thể nhắm mục tiêu vào căn cứ của Mỹ ở hòn đảo này. Vào năm 2019, Bắc Kinh đã biên chế thêm hai loại tên lửa siêu thanh DF-17 (tầm bắn 1.800 - 2.500km), và DF-27 (tầm bắn 5.000 - 8.000km). Trong khi DF-17 là loại có thể sử dụng cả đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân, thì DF-27 vẫn không được công khai cụ thể.
Ngoài ra, Bắc Kinh đang phát triển mẫu tên lửa DF-41, có tầm bắn vượt trội 12.000 - 15.000km (lớn nhất trong kho vũ khí của cường quốc này), và được dự đoán có khả năng nạp nhiều đầu đạn nhắm mục tiêu độc lập (MIRV).
Theo ước tính của Mỹ, PLARF có khoảng 3.150 tên lửa thuộc các loại khác nhau. Trong số này, những tên lửa chỉ sử dụng đầu đạn thông thường là khoảng 2.500 chiếc. Theo Thiếu tá Christopher J. Mihal, sĩ quan hạt nhân và chống vũ khí hủy diệt hàng loạt của Lục quân Mỹ, Trung Quốc hiện có đủ tên lửa chống hạm để tấn công mọi tàu chiến mặt nước của Washington ở Biển Đông, và cũng đủ hỏa lực để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của mỗi tàu. Cùng góc nhìn, Đô đốc Samuel Paparo, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, cũng cho rằng PLARF hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với Hải quân Mỹ ở khu vực, khiến Washington phải liên tục phát triển các chiến thuật, kỹ thuật và quy trình mới nhằm chống lại mối đe dọa từ Bắc Kinh.
Hơn nữa, Trung Quốc đang sở hữu hơn 500 đầu đạn hạt nhân, và trên đà tăng gấp đôi số đầu đạn này lên khoảng 1.000 vào năm 2030, tiến đến 1.500 đầu đạn năm năm tiếp theo. Điểm đáng quan ngại là Bắc Kinh không mấy thiện chí với việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Vào năm 2021, Washington đã công khai yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Điều VI của Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí hạt nhân (Nuclear Non-Proliferation Treaty - NPT), là “theo đuổi các cuộc đàm phán một cách thiện chí về các biện pháp hiệu quả liên quan đến việc chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân từ sớm” (pursue negotiations in good faith on effective measures relating to cessation of the nuclear arms race at an early date). Bắc Kinh khước từ với lý do không có lượng vũ khí đủ lớn đến mức phải đàm phán. Kể từ năm 2017, Trung Quốc cũng không còn báo cáo với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về số lượng sở hữu, sản xuất và kế hoạch sử dụng plutonium (thành phần chính trong nhiều loại vũ khí hạt nhân).
Với thực trạng đó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân với tốc độ thần tốc, vượt ra ngoài học thuyết “răn đe hạt nhân tối thiểu” (minimum nuclear deterrence) mà nước này thường tuyên truyền, khi cho rằng chỉ cần duy trì số lượng vũ khí hạt nhân ở mức nhỏ nhất đủ để ngăn chặn các cuộc tấn công từ kẻ thù. Có lẽ Bắc Kinh chỉ dừng lại khi số lượng đầu đạn hạt nhân của nước này bằng với số lượng mà Mỹ sở hữu (hiện là 3.700 đầu đạn, chênh lệch khá lớn so với con số mà Trung Quốc sở hữu).
Dù là lực lượng đang phát triển nhanh và đáng gờm, PLARF cũng có điểm yếu. Kho khí tài mà PLARF sở hữu sẽ là mục tiêu có giá trị cao trong bất kỳ kịch bản xung đột nào, thế nhưng Trung Quốc lại thiếu những hệ thống phòng không đủ đa dạng để bảo vệ các tài sản này. Bắc Kinh hiện chỉ mới phát triển và đưa vào biên chế một số ít hệ thống phòng không tự sản xuất, trong đó nổi bật là hệ thống HQ-9 (được xem như “con lai” giữa công nghệ của hệ thống S-300 của Nga và Patriot của Mỹ) và FK-3. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc vẫn đang phải phụ thuộc lớn vào hệ thống S-300 và S-400 mà nước này mua từ Moscow. Việc chưa có đội hình phòng không đủ dày là một lỗ hổng có thể bị đối phương khai thác.
Như vậy, kể từ chính thức thành lập đến nay, dù còn một số hạn chế, song PLARF đã phát triển với tốc độ rất nhanh, tăng cả về quy mô biên chế lẫn số lượng tên lửa và đầu đạn hạt nhân sở hữu, ngày càng vươn mình trở thành một thế lực đáng gờm trên thế giới, sẵn sàng cạnh tranh với cường quốc quân sự số một thế giới là Mỹ.
Thêm vào đó, vào ngày 25/9 (tức một tháng trước khi ông Tập đi thị sát), PLARF đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào vùng biển ở Nam Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên sau 44 năm, Bắc Kinh mới lại phóng ICBM ra vùng biển quốc tế, trong khi thói quen thường lệ của cường quốc này là thử trong hoặc gần lãnh thổ của mình, chẳng hạn như khu vực Tân Cương, Nội Mông hoặc Biển Bột Hải (Bohai Sea). Động thái này có thể giúp đội ngũ chuyên gia của PLARF đánh giá cụ thể tên lửa đã hoạt động như thế nào trên quỹ đạo lõm trong một khoảng cách xa.
Đồng thời, việc phóng ICBM cũng là sự phô diễn về khả năng răn đe (như mong muốn của ông Tập lúc thị sát) của Trung Quốc đối với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực có ý định chống lại cường quốc này. Tuy nhiên, động thái của Bắc Kinh càng làm tăng nguy cơ gia tăng căng thẳng. Đài Loan và Mỹ là đối tượng có thể bị nhắm đến đầu tiên cho mục đích răn đe. Mặc dù Đài Loan chỉ cách Trung Quốc đại lục ở điểm hẹp nhất khoảng 128km, nghĩa là không cần đến ICBM (tầm bắn từ 5.000km trở lên) khi chiến đấu, nhưng Bắc Kinh muốn gây ấn tượng rằng tên lửa có thể bay đến lãnh thổ Mỹ nếu quốc gia này hỗ trợ Đài Bắc. Tên lửa của Trung Quốc có thể tạo vòng vây toàn diện với Đài Loan, vì ICBM sẽ buộc Washington phải đề phòng nếu muốn trợ giúp đồng minh, trong khi những vũ khí tầm gần còn lại sẽ áp đảo hòn đảo nhỏ bé.
Khi Trung Quốc muốn răn đe mạnh mẽ hơn thì điều đó có thể kích động Mỹ sẵn sàng tăng cường thêm vũ khí chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm gây sức ép ngược trở lại. Thực tế, xu hướng này đang diễn ra trong thời gian qua khi Washington duy trì sự hiện diện của hệ thống phóng tên lửa tầm trung Typhon ở Philippines, cũng như chấp nhận bán tên lửa hành trình Tomahawk cho Nhật Bản. Trong tình huống như vậy, Biển Đông, Eo biển Đài Loan và Biển Hoa Đông sẽ khó thoát khỏi tình trạng căng thẳng và chạy đua vũ trang kéo dài.
Tuy nhiên, điểm đáng mừng là nguy cơ các bên phải sử dụng đến tên lửa hành trình, đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân gần như rất khó xảy ra trong tương lai gần. Hơn nữa, xét theo hai cuộc chiến nổi bật đang diễn ra hiện nay là Nga - Ukraine và Israel - Hamas, có thể thấy tên lửa tầm xa hoàn toàn không được chú trọng, mà thay vào đó vẫn tập trung vào các vũ khí mang tính chiến thuật, tức trong phạm vi gần hoặc vừa phải.
Ông Tập siết chặt quản lý PLARF
Bên cạnh kỳ vọng tiếp tục nâng cao năng lực răn đe, lời chỉ đạo trong chuyến thị sát của ông Tập về việc PLARF phải đáp ứng đầy đủ các trách nhiệm được ĐCSTQ cũng như nhân dân giao phó có thể được xem là một yêu cầu rằng PLARF phải siết chặt tư tưởng chính trị sau hàng loạt bê bối trước đó của lực lượng này vào năm 2023.
Các cuộc thanh trừng khởi đầu bằng việc Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa xin từ chức vào tháng 3/2023 và bị khai trừ khỏi ĐCSTQ vào giữa năm nay. Đáng chú ý, ông Ngụy từng là Tư lệnh của PLARF trong giai đoạn 2015 - 2017.
Đến tháng 6/2023, hàng loạt các quan chức cao nhất của PLARF là Tư lệnh Lý Ngọc Siêu, Chính ủy Từ Trung Ba, cùng các cấp phó Lưu Quang Bân và Trương Chấn Trung đều bị cách chức. Mặc dù không có lý do chính thức nào được đưa ra, nhưng đã có những đồn đoán rằng các quan chức này dính líu đến hành vi tham ô. Ngoài ra, có tin đồn rằng con trai của ông Lý Ngọc Siêu đã tiết lộ bí mật của chính phủ Trung Quốc cho Mỹ khi đang du học tại nước này.
Một tháng sau đó, đến lượt một cựu Phó Tư lệnh của PLARF là Ngô Quốc Hoa qua đời một cách bí ẩn, dù cho các báo cáo chính thức nêu lý do rằng ông mất do bệnh tật. Đến tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng vừa nhậm chức không lâu là Lý Thượng Phúc cũng phải rời nhiệm sở và bị khai trừ khỏi ĐCSTQ cùng đợt với ông Ngụy. Đáng chú ý, ông Lý có mối quan hệ chặt chẽ với PLARF, vì xuất thân là một kỹ sư hàng không vũ trụ.
Để thay thế Tư lệnh và Chính ủy của PLARF bị cách chức, chính quyền Bắc Kinh đã bổ nhiệm lần lượt Vương Hậu Bân và Từ Tây Thịnh. Ông Vương có xuất thân từ Hải quân, có kinh nghiệm về tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm, được đánh giá là người có năng lực kỹ thuật cao và liêm chính. Trong khi đó, ông Từ từng là người của Không quân, cũng được nhận xét có nền tảng chính trị vững chắc, có khả năng tăng cường kỷ luật và đạo đức trong lực lượng. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng hiện nay của Trung Quốc là Đổng Quân, cũng xuất thân từ Hải quân, gần như dành toàn bộ sự nghiệp cho lực lượng này và khó dính líu đến bất kỳ bê bối nào liên quan đến PLARF.
Bằng những bước đi kể trên, có thể thấy rõ rằng Chủ tịch Tập đang muốn xây dựng PLARF với sự kỷ luật cao, không còn dính líu đến các bê bối tham nhũng trước đây, đảm bảo trung thành tuyệt đối với ĐCSTQ và chính cá nhân ông, đồng thời lấy lại niềm tin của nhân dân vào lực lượng quân đội.
Tóm lại, chuyến thị sát vừa qua của ông Tập đã phản ánh quyết tâm của ĐCSTQ trong việc tiếp tục công cuộc mở rộng năng lực răn đe thần tốc mà PLARF đã thực hiện trong những năm qua, đồng thời cũng cho thấy lực lượng này về cơ bản đã “trở lại nề nếp” sau những cuộc thanh trừng và điều chỉnh nhân sự hàng loạt. Cùng với đó, vụ phóng thử tên lửa ICBM không lâu trước chuyến thị sát của ông Tập chính là lời khẳng định rằng PLARF vẫn đang vận hành tốt và sẵn sàng là đối thủ đáng gờm của bất cứ lực lượng quân sự nào trong khu vực.
Vào ngày 17/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thị sát tới một lữ đoàn của Lực lượng Tên lửa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLARF) ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Tên lữ đoàn không được công bố cụ thể, nhưng được biết đơn vị đã có bề dày lịch sử hơn 50 năm.
Thông qua chuyến thăm, ông Tập đã chỉ đạo PLARF phải tăng cường khả năng răn đe và đáp ứng đầy đủ các trách nhiệm được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng như nhân dân giao phó. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng với động lực chiến tranh hiện đại và tinh chỉnh các kỹ năng chiến đấu phù hợp với cả kịch bản chiến tranh thông thường lẫn khi sử dụng những thiết bị tiên tiến. Nói một cách ngắn gọn, nhà lãnh đạo Trung Quốc kỳ vọng PLARF phải vận hành hiệu quả, là một lực lượng đáng gờm trong mọi kịch bản trên chiến trường.
PLARF không ngừng tăng cường năng lực răn đe
Được thành lập vào năm 2015 như một phần của cuộc cải cách toàn diện Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc do ông Tập triển khai, PLARF đã nhanh chóng trở thành trụ cột trung tâm trong chiến lược quốc phòng của Bắc Kinh. Theo Sách trắng Quốc phòng của Trung Quốc năm 2019, vai trò của PLARF là duy trì chủ quyền và an ninh quốc gia. Nhiệm vụ của PLARF là răn đe chiến lược, vô hiệu hóa hệ thống phòng không của đối phương, và ngăn chặn các lực lượng thù địch xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc kể cả trên bộ, trên không và trên biển.
Về cơ cấu tổ chức, PLARF hiện có ít nhất 40 lữ đoàn (brigades) tên lửa chiến đấu (tăng gấp đôi số lượng trong thập kỷ qua), được tổ chức thành sáu căn cứ (bases), đánh số hiệu từ 61 - 66, mỗi căn cứ có từ bốn đến tám lữ đoàn. Mỗi lữ đoàn bao gồm một số tiểu đoàn hoặc đại đội độc lập được trang bị một loại tên lửa cụ thể, có thể là vũ khí thông thường hoặc mang đầu đạn hạt nhân. Thêm vào đó, các đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc được cất riêng biệt trong một căn cứ bổ sung, mang số hiệu 67.
Sau khi thành lập một năm, PLARF đã cho ra mắt tên lửa mang đầu đạn thông thường DF-26, có tầm bắn 4.000km và thường được gọi là “Sát thủ Guam” (Guam Killer), vì có thể nhắm mục tiêu vào căn cứ của Mỹ ở hòn đảo này. Vào năm 2019, Bắc Kinh đã biên chế thêm hai loại tên lửa siêu thanh DF-17 (tầm bắn 1.800 - 2.500km), và DF-27 (tầm bắn 5.000 - 8.000km). Trong khi DF-17 là loại có thể sử dụng cả đầu đạn thông thường lẫn hạt nhân, thì DF-27 vẫn không được công khai cụ thể.
Ngoài ra, Bắc Kinh đang phát triển mẫu tên lửa DF-41, có tầm bắn vượt trội 12.000 - 15.000km (lớn nhất trong kho vũ khí của cường quốc này), và được dự đoán có khả năng nạp nhiều đầu đạn nhắm mục tiêu độc lập (MIRV).
Theo ước tính của Mỹ, PLARF có khoảng 3.150 tên lửa thuộc các loại khác nhau. Trong số này, những tên lửa chỉ sử dụng đầu đạn thông thường là khoảng 2.500 chiếc. Theo Thiếu tá Christopher J. Mihal, sĩ quan hạt nhân và chống vũ khí hủy diệt hàng loạt của Lục quân Mỹ, Trung Quốc hiện có đủ tên lửa chống hạm để tấn công mọi tàu chiến mặt nước của Washington ở Biển Đông, và cũng đủ hỏa lực để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của mỗi tàu. Cùng góc nhìn, Đô đốc Samuel Paparo, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, cũng cho rằng PLARF hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với Hải quân Mỹ ở khu vực, khiến Washington phải liên tục phát triển các chiến thuật, kỹ thuật và quy trình mới nhằm chống lại mối đe dọa từ Bắc Kinh.
Hơn nữa, Trung Quốc đang sở hữu hơn 500 đầu đạn hạt nhân, và trên đà tăng gấp đôi số đầu đạn này lên khoảng 1.000 vào năm 2030, tiến đến 1.500 đầu đạn năm năm tiếp theo. Điểm đáng quan ngại là Bắc Kinh không mấy thiện chí với việc kiểm soát vũ khí hạt nhân. Vào năm 2021, Washington đã công khai yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Điều VI của Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí hạt nhân (Nuclear Non-Proliferation Treaty - NPT), là “theo đuổi các cuộc đàm phán một cách thiện chí về các biện pháp hiệu quả liên quan đến việc chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân từ sớm” (pursue negotiations in good faith on effective measures relating to cessation of the nuclear arms race at an early date). Bắc Kinh khước từ với lý do không có lượng vũ khí đủ lớn đến mức phải đàm phán. Kể từ năm 2017, Trung Quốc cũng không còn báo cáo với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về số lượng sở hữu, sản xuất và kế hoạch sử dụng plutonium (thành phần chính trong nhiều loại vũ khí hạt nhân).
Với thực trạng đó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân với tốc độ thần tốc, vượt ra ngoài học thuyết “răn đe hạt nhân tối thiểu” (minimum nuclear deterrence) mà nước này thường tuyên truyền, khi cho rằng chỉ cần duy trì số lượng vũ khí hạt nhân ở mức nhỏ nhất đủ để ngăn chặn các cuộc tấn công từ kẻ thù. Có lẽ Bắc Kinh chỉ dừng lại khi số lượng đầu đạn hạt nhân của nước này bằng với số lượng mà Mỹ sở hữu (hiện là 3.700 đầu đạn, chênh lệch khá lớn so với con số mà Trung Quốc sở hữu).
Dù là lực lượng đang phát triển nhanh và đáng gờm, PLARF cũng có điểm yếu. Kho khí tài mà PLARF sở hữu sẽ là mục tiêu có giá trị cao trong bất kỳ kịch bản xung đột nào, thế nhưng Trung Quốc lại thiếu những hệ thống phòng không đủ đa dạng để bảo vệ các tài sản này. Bắc Kinh hiện chỉ mới phát triển và đưa vào biên chế một số ít hệ thống phòng không tự sản xuất, trong đó nổi bật là hệ thống HQ-9 (được xem như “con lai” giữa công nghệ của hệ thống S-300 của Nga và Patriot của Mỹ) và FK-3. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc vẫn đang phải phụ thuộc lớn vào hệ thống S-300 và S-400 mà nước này mua từ Moscow. Việc chưa có đội hình phòng không đủ dày là một lỗ hổng có thể bị đối phương khai thác.
Như vậy, kể từ chính thức thành lập đến nay, dù còn một số hạn chế, song PLARF đã phát triển với tốc độ rất nhanh, tăng cả về quy mô biên chế lẫn số lượng tên lửa và đầu đạn hạt nhân sở hữu, ngày càng vươn mình trở thành một thế lực đáng gờm trên thế giới, sẵn sàng cạnh tranh với cường quốc quân sự số một thế giới là Mỹ.
Thêm vào đó, vào ngày 25/9 (tức một tháng trước khi ông Tập đi thị sát), PLARF đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào vùng biển ở Nam Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên sau 44 năm, Bắc Kinh mới lại phóng ICBM ra vùng biển quốc tế, trong khi thói quen thường lệ của cường quốc này là thử trong hoặc gần lãnh thổ của mình, chẳng hạn như khu vực Tân Cương, Nội Mông hoặc Biển Bột Hải (Bohai Sea). Động thái này có thể giúp đội ngũ chuyên gia của PLARF đánh giá cụ thể tên lửa đã hoạt động như thế nào trên quỹ đạo lõm trong một khoảng cách xa.
Đồng thời, việc phóng ICBM cũng là sự phô diễn về khả năng răn đe (như mong muốn của ông Tập lúc thị sát) của Trung Quốc đối với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực có ý định chống lại cường quốc này. Tuy nhiên, động thái của Bắc Kinh càng làm tăng nguy cơ gia tăng căng thẳng. Đài Loan và Mỹ là đối tượng có thể bị nhắm đến đầu tiên cho mục đích răn đe. Mặc dù Đài Loan chỉ cách Trung Quốc đại lục ở điểm hẹp nhất khoảng 128km, nghĩa là không cần đến ICBM (tầm bắn từ 5.000km trở lên) khi chiến đấu, nhưng Bắc Kinh muốn gây ấn tượng rằng tên lửa có thể bay đến lãnh thổ Mỹ nếu quốc gia này hỗ trợ Đài Bắc. Tên lửa của Trung Quốc có thể tạo vòng vây toàn diện với Đài Loan, vì ICBM sẽ buộc Washington phải đề phòng nếu muốn trợ giúp đồng minh, trong khi những vũ khí tầm gần còn lại sẽ áp đảo hòn đảo nhỏ bé.
Khi Trung Quốc muốn răn đe mạnh mẽ hơn thì điều đó có thể kích động Mỹ sẵn sàng tăng cường thêm vũ khí chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm gây sức ép ngược trở lại. Thực tế, xu hướng này đang diễn ra trong thời gian qua khi Washington duy trì sự hiện diện của hệ thống phóng tên lửa tầm trung Typhon ở Philippines, cũng như chấp nhận bán tên lửa hành trình Tomahawk cho Nhật Bản. Trong tình huống như vậy, Biển Đông, Eo biển Đài Loan và Biển Hoa Đông sẽ khó thoát khỏi tình trạng căng thẳng và chạy đua vũ trang kéo dài.
Tuy nhiên, điểm đáng mừng là nguy cơ các bên phải sử dụng đến tên lửa hành trình, đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân gần như rất khó xảy ra trong tương lai gần. Hơn nữa, xét theo hai cuộc chiến nổi bật đang diễn ra hiện nay là Nga - Ukraine và Israel - Hamas, có thể thấy tên lửa tầm xa hoàn toàn không được chú trọng, mà thay vào đó vẫn tập trung vào các vũ khí mang tính chiến thuật, tức trong phạm vi gần hoặc vừa phải.
Ông Tập siết chặt quản lý PLARF
Bên cạnh kỳ vọng tiếp tục nâng cao năng lực răn đe, lời chỉ đạo trong chuyến thị sát của ông Tập về việc PLARF phải đáp ứng đầy đủ các trách nhiệm được ĐCSTQ cũng như nhân dân giao phó có thể được xem là một yêu cầu rằng PLARF phải siết chặt tư tưởng chính trị sau hàng loạt bê bối trước đó của lực lượng này vào năm 2023.
Các cuộc thanh trừng khởi đầu bằng việc Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa xin từ chức vào tháng 3/2023 và bị khai trừ khỏi ĐCSTQ vào giữa năm nay. Đáng chú ý, ông Ngụy từng là Tư lệnh của PLARF trong giai đoạn 2015 - 2017.
Đến tháng 6/2023, hàng loạt các quan chức cao nhất của PLARF là Tư lệnh Lý Ngọc Siêu, Chính ủy Từ Trung Ba, cùng các cấp phó Lưu Quang Bân và Trương Chấn Trung đều bị cách chức. Mặc dù không có lý do chính thức nào được đưa ra, nhưng đã có những đồn đoán rằng các quan chức này dính líu đến hành vi tham ô. Ngoài ra, có tin đồn rằng con trai của ông Lý Ngọc Siêu đã tiết lộ bí mật của chính phủ Trung Quốc cho Mỹ khi đang du học tại nước này.
Một tháng sau đó, đến lượt một cựu Phó Tư lệnh của PLARF là Ngô Quốc Hoa qua đời một cách bí ẩn, dù cho các báo cáo chính thức nêu lý do rằng ông mất do bệnh tật. Đến tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng vừa nhậm chức không lâu là Lý Thượng Phúc cũng phải rời nhiệm sở và bị khai trừ khỏi ĐCSTQ cùng đợt với ông Ngụy. Đáng chú ý, ông Lý có mối quan hệ chặt chẽ với PLARF, vì xuất thân là một kỹ sư hàng không vũ trụ.
Để thay thế Tư lệnh và Chính ủy của PLARF bị cách chức, chính quyền Bắc Kinh đã bổ nhiệm lần lượt Vương Hậu Bân và Từ Tây Thịnh. Ông Vương có xuất thân từ Hải quân, có kinh nghiệm về tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm, được đánh giá là người có năng lực kỹ thuật cao và liêm chính. Trong khi đó, ông Từ từng là người của Không quân, cũng được nhận xét có nền tảng chính trị vững chắc, có khả năng tăng cường kỷ luật và đạo đức trong lực lượng. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Quốc phòng hiện nay của Trung Quốc là Đổng Quân, cũng xuất thân từ Hải quân, gần như dành toàn bộ sự nghiệp cho lực lượng này và khó dính líu đến bất kỳ bê bối nào liên quan đến PLARF.
Bằng những bước đi kể trên, có thể thấy rõ rằng Chủ tịch Tập đang muốn xây dựng PLARF với sự kỷ luật cao, không còn dính líu đến các bê bối tham nhũng trước đây, đảm bảo trung thành tuyệt đối với ĐCSTQ và chính cá nhân ông, đồng thời lấy lại niềm tin của nhân dân vào lực lượng quân đội.
Tóm lại, chuyến thị sát vừa qua của ông Tập đã phản ánh quyết tâm của ĐCSTQ trong việc tiếp tục công cuộc mở rộng năng lực răn đe thần tốc mà PLARF đã thực hiện trong những năm qua, đồng thời cũng cho thấy lực lượng này về cơ bản đã “trở lại nề nếp” sau những cuộc thanh trừng và điều chỉnh nhân sự hàng loạt. Cùng với đó, vụ phóng thử tên lửa ICBM không lâu trước chuyến thị sát của ông Tập chính là lời khẳng định rằng PLARF vẫn đang vận hành tốt và sẵn sàng là đối thủ đáng gờm của bất cứ lực lượng quân sự nào trong khu vực.
Từ khoá: Lực lượng Tên lửa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Tập Cận Bình Đảng Cộng sản Trung Quốc tên lửa vũ khí hạt nhân