An ninh - Quốc phòng   10/07/2024

Thỏa thuận quốc phòng Philippines - Nhật Bản: thông điệp “răn đe” đối với Trung Quốc

Thỏa thuận Tiếp cận Lẫn nhau phản ánh quan hệ quốc phòng gắn kết giữa Manila và Tokyo đồng thời là động thái “răn đe” trực tiếp đối với tham vọng của Bắc Kinh.

Image
Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro ký Thỏa thuận tiếp cận đối ứng Philippines - Nhật Bản vào ngày 08/7/2024 tại Dinh thự Malacanang, Philippines

Vào ngày 8/7, tại Manila, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro đã ký Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (Reciprocal Access Agreement - RAA) (toàn văn có thể truy cập ở đây) nhằm tăng cường quan hệ song phương về an ninh - quốc phòng.

Theo RAA, quốc gia đối tác (Sending State) có thể yêu cầu “tiếp cận và sử dụng” các trang thiết bị, các khu vực, và các dịch vụ có liên quan cho các hoạt động phối hợp, tuy nhiên, nước chủ nhà (Receiving State) sẽ giữ “quyền kiểm soát tổng thể” (overall control). Cũng cần chú ý rằng RAA không tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập “các cơ sở quân sự trên lãnh thổ của bên kia” (military facilities in the territory of the other).

Các cuộc đàm phán về RAA đã được tiến hành trong hai năm qua và lần đầu tiên được khởi động khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đến thăm Nhật Bản vào tháng 2 năm ngoái. Vào 9 tháng sau, cuộc đàm phán chính thức đầu tiên về RAA được tổ chức tại Tokyo và được dẫn đầu bởi Bộ Quốc phòng cùng với sự tham gia của các phái đoàn khác từ Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp.

Để chính thức có hiệu lực, thoả thuận này sẽ cần phải được cơ quan lập pháp của cả Philippines và Nhật Bản phê chuẩn. Tuy nhiên, hiện chưa xuất hiện rào cản có thể ngăn cản việc phê chuẩn thoả thuận từ cả hai nước. Do đó, có thể tin rằng hai bên sẽ sớm xúc tiến việc phê chuẩn thoả thuận lịch sử để có cơ sở triển khai các hoạt động phối hợp.

“Một thành tựu đột phá”

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa gọi việc ký kết là “một thành tựu đột phá” (a groundbreaking achievement). Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara ca ngợi RAA vì nó có ý nghĩa đại diện cho “mối quan hệ hợp tác” giữa Nhật Bản và Philippines và giúp “củng cố hiệu quả hợp tác quốc phòng của hai nước”.

Tuy vậy, Tướng Romeo Brawner, Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines, cho biết “các hoạt động quân sự thực thụ” (actual military operations) mới chính là ý nghĩa căn bản của thoả thuận này. Theo đó, lực lượng quân sự Nhật Bản có thể triển khai ở Philippines để tập trận chung, và lực lượng Philippines được phép tiến hành huấn luyện chiến đấu ở Nhật Bản.

Với thoả thuận đầu tiên mà Nhật Bản ký ở châu Á, hợp tác quân sự giữa Manila và Tokyo, như nhập khẩu thiết bị và triển khai quân đội để huấn luyện chiến đấu và ứng phó với thảm họa, sẽ được tạo điều kiện thuận lợi. Ông Juan Miguel Zubiri, thượng nghị sĩ Philippines, cho biết thỏa thuận này là “sự hợp tác giữa các quốc gia có cùng chí hướng” và nó sẽ giúp “thúc đẩy việc huấn luyện hải quân của [Philippines] cũng như việc sử dụng tàu và thiết bị mua từ Nhật Bản”.

Thật vậy, thoả thuận có thể được xem là cột mốc quan trọng trong hợp tác quốc phòng giữa hai đối tác cùng chí hướng ở khu vực, đồng thời cũng đánh dấu lần đầu tiên quân đội Nhật Bản được phép quay trở lại lãnh thổ Philippines kể từ khi quân đội đế quốc nước này chiếm đóng quốc gia Đông Nam Á trong Chiến tranh thế giới thứ hai (từ năm 1942 đến năm 1945). Từ hai cựu thù trong Chiến tranh Lạnh, giờ đây Philippines và Nhật Bản là những đối tác an ninh quan trọng của nhau.

Vẫn còn nhiều khía cạnh mà hai bên có thể khai thác để gắn kết quan hệ thông qua thoả thuận lịch sử. Bộ trưởng Quốc phòng Teodoro khẳng định thỏa thuận mang tính bước ngoặt này giúp tăng cường an ninh cho “các lĩnh vực truyền thống” nơi Manila và Tokyo có mối quan hệ chặt chẽ, đặc biệt là kinh tế và thương mại, đồng thời cho biết “con đường phía trước” đối với Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) là đưa ra các biện pháp xây dựng lòng tin được các bên cùng chấp nhận vào thực tiễn và chúng “sẽ bao gồm các hoạt động huấn luyện và tăng cường khả năng tương tác lớn hơn”.

Như vậy, ý nghĩa của thoả thuận không chỉ ở lĩnh vực an ninh - quốc phòng mà còn mở rộng sang khía cạnh chính trị - ngoại giao; bởi lẽ, thoả thuận này đóng vai trò như bệ đỡ (leverage) cho các tương tác phong phú hơn với sự phối hợp của nhiều bộ phận.

Trung Quốc: “Con voi trong phòng”

Thỏa thuận quốc phòng này mang ý nghĩa chiến lược vì được ký kết trong bối cảnh Nhật Bản và Philippines, hai đồng minh quan trọng của Mỹ tại châu Á, ngày càng quan ngại về các hành vi quyết đoán gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Sự lo lắng và tâm lý phòng thủ là có cơ sở khi các hành vi cưỡng ép của Trung Quốc có thể đe doạ sự tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông, làm xói mòn trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, và nguy hiểm không kém là có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong khu vực.

Động thái của Tokyo và Manila không những mang tính răn đe đối với Trung Quốc mà còn cho thấy Nhật Bản ngày càng quan ngại hơn đối với an ninh Biển Đông. Tại buổi họp báo sau khi RAA được ký kết, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara khẳng định rằng Nhật Bản quan ngại với “các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và phản đối việc sử dụng nguy hiểm và mang tính cưỡng chế của lực lượng bảo vệ bờ biển và dân quân biển ở Biển Đông”; tuyên bố của phía Nhật Bản rõ ràng nhắm vào các hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đối với Philippines ở Biển Đông.

Trước đó, vào tháng 4, tại thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh ba bên lần đầu tiên để khẳng định quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác an ninh và đồng thời là nhằm ứng phó tốt hơn trước sự “trỗi dậy” của Trung Quốc trong khu vực thông qua tăng cường hợp tác an ninh ba bên.

Để thể hiện quyết tâm chung, lực lượng hải quân của ba quốc gia (cùng với Australia) cũng đã tiến hành các cuộc tập trận chung ở Biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, với tuyên bố chung là nhằm thể hiện “cam kết chung” của các bên “nhằm tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế nhằm hỗ trợ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Nhật Bản có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc về quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) nằm giữa Đài Loan và đảo Okinawa. Dưới thời Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, nước này đã tìm cách tăng cường quan hệ an ninh - quốc phòng với Australia và Vương quốc Anh thông qua các RAA được ký với Canberra vào năm 2022 và London vào năm 2023. Nhật Bản cũng đang đàm phán để ký RAA với Pháp trong khi nỗ lực xích lại gần hơn với Washington để thắt chặt quan hệ đồng minh truyền thống.

Bên cạnh đó, trước sự quyết đoán của Trung Quốc, chính quyền Kishida đã có những nỗ lực cụ thể nhằm tăng cường an ninh và năng lực phòng thủ: cho phép xuất khẩu vũ khí và linh kiện sản xuất trong nước cho các quốc gia mà các loại vũ khí này được cấp phép sử dụng; đưa ra kế hoạch chi 43 nghìn tỷ yên (khoảng 300 tỷ USD) cho đến năm tài khoá 2027 để tăng cường sức mạnh quân sự; cũng như tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng hằng năm lên khoảng 10 nghìn tỷ yên (khoảng 68 tỷ USD), qua đó đưa Nhật Bản trở thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi đó, thỏa thuận lần này cũng có ý nghĩa tương tự như các thỏa thuận về lực lượng thăm viếng (visiting forces agreements) mà Philippines hiện có với Mỹ và Australia. Đáng chú ý, Manila hiện đang đàm phán về các thỏa thuận về lực lượng thăm viếng với Pháp và Canada, những quốc gia có quan hệ khá tốt với Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và được cho là có khả năng tham gia AUKUS - một đối tác an ninh ba bên với sự tham gia của Mỹ, Australia và Anh - để tăng cường sức ảnh hưởng của tổ chức trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng.

Hiện lực lượng tuần duyên và hải quân của Trung Quốc và Philippines đang đối đầu nhau ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Vào ngày 17/6, lực lượng tuần duyên của Trung Quốc trên các thuyền máy với trang bị dao, gậy và rìu đã liên tục đâm và phá hủy hai tàu tiếp tế của hải quân Philippines trong một cuộc đối đầu hỗn loạn tại bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), khiến một số thủy thủ nước này bị thương.

Không dừng lại ở đó, vào ngày 6/7, Trung Quốc đã tiếp tục “thị uy” bằng cách đưa tàu tuần duyên lớn nhất của nước này vào EEZ của Philippines. Với lượng giãn nước 12.000 tấn và chiều dài gần 165m, con tàu CCG-5901 được nhiều nhà quan sát gọi là “quái vật” (monster). Hành động này rất có thể nhằm thể hiện sự thống trị về năng lực quân sự của Bắc Kinh trong khu vực và gây áp lực tâm lý lên Manila. Người phát ngôn Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines Jay Tarriela gọi hành vi sai trái của tàu hải cảnh Trung Quốc là một “sự đe dọa” (intimidation).

Trở lại với RAA, phía Trung Quốc rõ ràng hiểu được tầm quan trọng của thoả thuận giữa Manila và Tokyo. Để đáp trả lại thoả thuận quốc phòng này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) tuyên bố: “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương không cần một khối quân sự hay một “vòng tròn nhỏ” (small circle) để kích động sự đối đầu giữa các phe và kích động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”. Ông Lâm cũng lưu ý rằng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã xâm lược và biến Philippines thành thuộc địa của nước này, đồng thời tuyên bố Nhật Bản nên nghiêm túc suy ngẫm về lịch sử xâm lược của mình và thận trọng trong lời nói cũng như hành động khi đề cập đến vấn đề an ninh.

Trước sự phản đối của Bắc Kinh, khả năng Tokyo và Manila “chùn bước” là rất thấp, khi hai đối tác đã vượt lên các tổn thương trong quá khứ, hiện có lợi ích chung trong việc đảm bảo an ninh hàng hải, và đều nỗ lực để mở rộng các hoạt động hợp tác quốc phòng với các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cùng với Mỹ, Nhật Bản là một trong số những quốc gia đầu tiên bày tỏ cảnh báo về hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế.

Nước Mỹ, dưới thời Trump và Biden, đã khuyến khích các đồng minh trong khu vực tăng cường hợp tác và chia sẻ gánh nặng với Washington trong việc duy trì an ninh khu vực. Do đó, RAA có thể được xem là một đóng góp có ý nghĩa vào quá trình này.

Thật vậy, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết trên nền tảng xã hội X rằng thỏa thuận là “một lớp khác trong mạng lưới quan hệ đối tác an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và nó “không chỉ tăng cường hợp tác và khả năng của [Nhật Bản và Philippines] mà còn củng cố khả năng răn đe và cam kết chung của chúng ta đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Chuẩn bị cho tình huống bất ngờ

Trong bối cảnh Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11, hai quốc gia tầm trung ở châu Á đang cố gắng tăng cường hợp tác quốc phòng để phòng ngừa những chuyển biến về chính sách đối ngoại vốn rất bất ngờ sau mỗi đợt bầu cử ở Mỹ. Hơn nữa, Mỹ cũng hiện bị “phân tâm” với hàng loạt vấn đề an ninh, mà nổi bật là tình hình chiến tranh và xung đột ở châu Âu (chiến tranh Nga - Ukraine) và Trung Đông (xung đột giữa Israel và lực lượng Hồi giáo Hamas).

Với RAA và các điều khoản thiết thực kèm theo, hai đồng minh của Mỹ muốn đóng vai trò chủ động hơn trong việc thiết lập các tương tác quốc phòng và an ninh khu vực có tính bền vững, nhất là khi chúng được “thể chế hoá”, nhằm tăng cường năng lực răn đe đối với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, thay vì phụ thuộc vào Mỹ và các cấu trúc an ninh do siêu cường này dẫn đầu.

Về lâu dài, thoả thuận quốc phòng cũng mở đường cho quân đội Philippines và Nhật Bản chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống chiến lược với các cuộc xung đột tiềm ẩn ở ba khu vực mà cả hai đều có mối quan tâm và lợi ích: Biển Hoa Đông, Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Trên thực tế, Nhật Bản và Philippines rất quan tâm đến tình hình an ninh eo biển Đài Loan. Vào tháng 4, tại Washington, Thủ tướng Kishida cùng Tổng thống Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, đồng thời khẳng định lập trường chung là khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển. Một tháng sau, tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn ở Seoul, Thủ tướng Kishida nhắc lại tầm quan trọng của sự ổn định ở eo biển Đài Loan và bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc xung quanh Nhật Bản.

Trong khi đó, Tổng thống Marcos đã bày tỏ quan ngại về an ninh xung quanh Đài Loan. Vào tháng 2 năm ngoái, khi bàn về khả năng xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan, ông tuyên bố “thật khó để tưởng tượng một kịch bản mà Philippines sẽ không tham gia bằng cách nào đó”. Ngay sau khi ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào tháng 1, Tổng thống Marcos đã chúc mừng và gọi ông Lại là “tổng thống tiếp theo của Đài Loan” (Taiwan’s next president) đồng thời tuyên bố về mong muốn “hợp tác chặt chẽ, tăng cường lợi ích chung và thúc đẩy hòa bình cũng như đảm bảo thịnh vượng cho người dân của [Philippines và Đài Loan]”.

Thông qua các hành động phối hợp trên thực địa, hải quân Philippines được củng cố về năng lực tác chiến cùng các công nghệ có thể được chuyển giao từ phía Nhật Bản. Thực tế, Nhật Bản là nhà cung cấp thiết bị an ninh chủ yếu cho Philippines (như máy bay giám sát, hệ thống radar giám sát trên không) khi quốc gia này đang ưu tiên cho hiện đại hoá năng lực vũ trang và tăng cường năng lực bảo vệ bờ biển. Trong khi đó, thông qua sự cập nhật về những diễn biến đầy đủ hơn từ phía Manila, Tokyo có thể nắm bắt tốt hơn tình hình an ninh ở Biển Đông và các động thái của Bắc Kinh ở khu vực.

Tuy nhiên, vì thoả thuận quốc phòng này về bản chất có tính “phòng ngừa” (deterrence) hơn là một quyết tâm chính trị của Manila và Tokyo nhằm “đối đầu” với Bắc Kinh, nên sẽ là ngây thơ nếu tin rằng, trong trường hợp có xung đột với Trung Quốc, Nhật Bản chắc chắn sẽ triển khai quân sự để bảo vệ Philippines ở Biển Đông hay Manila sẽ điều động quân sự để hỗ trợ Tokyo ở Biển Hoa Đông. Bên cạnh đó, ảnh hưởng quân sự của Nhật Bản ở Biển Đông vẫn bị hạn chế do Lực lượng Phòng vệ của nước này chỉ có thể tiến hành các cuộc tập trận chung với các đồng minh (tiêu biểu là Mỹ).

Do đó, Nhật Bản và Philippines vẫn phải tiếp tục tăng cường hợp tác với Mỹ và các đối tác thân thiết trong khu vực, chẳng hạn như Australia và Hàn Quốc, song song với kêu gọi sự can dự tích cực hơn từ các đồng minh NATO của Mỹ như Anh, Pháp.

Dù vậy, thoả thuận quốc phòng này cho thấy Nhật Bản đang đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một khuôn khổ vững chắc hơn cho quan hệ song phương với Philippines. Trong khi đó, Manila cũng đang thể hiện cam kết to lớn trong việc trở thành đối tác có ý nghĩa chiến lược về lâu dài, nhất là về quốc phòng, với Tokyo. Tóm lại, dư địa để hai nước thắt chặt quan hệ an ninh - quốc phòng nhìn chung là rất triển vọng.

Vào ngày 8/7, tại Manila, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro đã ký Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (Reciprocal Access Agreement - RAA) (toàn văn có thể truy cập ở đây) nhằm tăng cường quan hệ song phương về an ninh - quốc phòng.

Theo RAA, quốc gia đối tác (Sending State) có thể yêu cầu “tiếp cận và sử dụng” các trang thiết bị, các khu vực, và các dịch vụ có liên quan cho các hoạt động phối hợp, tuy nhiên, nước chủ nhà (Receiving State) sẽ giữ “quyền kiểm soát tổng thể” (overall control). Cũng cần chú ý rằng RAA không tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập “các cơ sở quân sự trên lãnh thổ của bên kia” (military facilities in the territory of the other).

Các cuộc đàm phán về RAA đã được tiến hành trong hai năm qua và lần đầu tiên được khởi động khi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đến thăm Nhật Bản vào tháng 2 năm ngoái. Vào 9 tháng sau, cuộc đàm phán chính thức đầu tiên về RAA được tổ chức tại Tokyo và được dẫn đầu bởi Bộ Quốc phòng cùng với sự tham gia của các phái đoàn khác từ Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp.

Để chính thức có hiệu lực, thoả thuận này sẽ cần phải được cơ quan lập pháp của cả Philippines và Nhật Bản phê chuẩn. Tuy nhiên, hiện chưa xuất hiện rào cản có thể ngăn cản việc phê chuẩn thoả thuận từ cả hai nước. Do đó, có thể tin rằng hai bên sẽ sớm xúc tiến việc phê chuẩn thoả thuận lịch sử để có cơ sở triển khai các hoạt động phối hợp.

“Một thành tựu đột phá”

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa gọi việc ký kết là “một thành tựu đột phá” (a groundbreaking achievement). Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Minoru Kihara ca ngợi RAA vì nó có ý nghĩa đại diện cho “mối quan hệ hợp tác” giữa Nhật Bản và Philippines và giúp “củng cố hiệu quả hợp tác quốc phòng của hai nước”.

Tuy vậy, Tướng Romeo Brawner, Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Philippines, cho biết “các hoạt động quân sự thực thụ” (actual military operations) mới chính là ý nghĩa căn bản của thoả thuận này. Theo đó, lực lượng quân sự Nhật Bản có thể triển khai ở Philippines để tập trận chung, và lực lượng Philippines được phép tiến hành huấn luyện chiến đấu ở Nhật Bản.

Với thoả thuận đầu tiên mà Nhật Bản ký ở châu Á, hợp tác quân sự giữa Manila và Tokyo, như nhập khẩu thiết bị và triển khai quân đội để huấn luyện chiến đấu và ứng phó với thảm họa, sẽ được tạo điều kiện thuận lợi. Ông Juan Miguel Zubiri, thượng nghị sĩ Philippines, cho biết thỏa thuận này là “sự hợp tác giữa các quốc gia có cùng chí hướng” và nó sẽ giúp “thúc đẩy việc huấn luyện hải quân của [Philippines] cũng như việc sử dụng tàu và thiết bị mua từ Nhật Bản”.

Thật vậy, thoả thuận có thể được xem là cột mốc quan trọng trong hợp tác quốc phòng giữa hai đối tác cùng chí hướng ở khu vực, đồng thời cũng đánh dấu lần đầu tiên quân đội Nhật Bản được phép quay trở lại lãnh thổ Philippines kể từ khi quân đội đế quốc nước này chiếm đóng quốc gia Đông Nam Á trong Chiến tranh thế giới thứ hai (từ năm 1942 đến năm 1945). Từ hai cựu thù trong Chiến tranh Lạnh, giờ đây Philippines và Nhật Bản là những đối tác an ninh quan trọng của nhau.

Vẫn còn nhiều khía cạnh mà hai bên có thể khai thác để gắn kết quan hệ thông qua thoả thuận lịch sử. Bộ trưởng Quốc phòng Teodoro khẳng định thỏa thuận mang tính bước ngoặt này giúp tăng cường an ninh cho “các lĩnh vực truyền thống” nơi Manila và Tokyo có mối quan hệ chặt chẽ, đặc biệt là kinh tế và thương mại, đồng thời cho biết “con đường phía trước” đối với Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) là đưa ra các biện pháp xây dựng lòng tin được các bên cùng chấp nhận vào thực tiễn và chúng “sẽ bao gồm các hoạt động huấn luyện và tăng cường khả năng tương tác lớn hơn”.

Như vậy, ý nghĩa của thoả thuận không chỉ ở lĩnh vực an ninh - quốc phòng mà còn mở rộng sang khía cạnh chính trị - ngoại giao; bởi lẽ, thoả thuận này đóng vai trò như bệ đỡ (leverage) cho các tương tác phong phú hơn với sự phối hợp của nhiều bộ phận.

Trung Quốc: “Con voi trong phòng”

Thỏa thuận quốc phòng này mang ý nghĩa chiến lược vì được ký kết trong bối cảnh Nhật Bản và Philippines, hai đồng minh quan trọng của Mỹ tại châu Á, ngày càng quan ngại về các hành vi quyết đoán gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Sự lo lắng và tâm lý phòng thủ là có cơ sở khi các hành vi cưỡng ép của Trung Quốc có thể đe doạ sự tự do lưu thông hàng hải tại Biển Đông, làm xói mòn trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, và nguy hiểm không kém là có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong khu vực.

Động thái của Tokyo và Manila không những mang tính răn đe đối với Trung Quốc mà còn cho thấy Nhật Bản ngày càng quan ngại hơn đối với an ninh Biển Đông. Tại buổi họp báo sau khi RAA được ký kết, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara khẳng định rằng Nhật Bản quan ngại với “các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và phản đối việc sử dụng nguy hiểm và mang tính cưỡng chế của lực lượng bảo vệ bờ biển và dân quân biển ở Biển Đông”; tuyên bố của phía Nhật Bản rõ ràng nhắm vào các hành vi cưỡng ép của Trung Quốc đối với Philippines ở Biển Đông.

Trước đó, vào tháng 4, tại thủ đô Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh ba bên lần đầu tiên để khẳng định quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác an ninh và đồng thời là nhằm ứng phó tốt hơn trước sự “trỗi dậy” của Trung Quốc trong khu vực thông qua tăng cường hợp tác an ninh ba bên.

Để thể hiện quyết tâm chung, lực lượng hải quân của ba quốc gia (cùng với Australia) cũng đã tiến hành các cuộc tập trận chung ở Biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, với tuyên bố chung là nhằm thể hiện “cam kết chung” của các bên “nhằm tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế nhằm hỗ trợ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Nhật Bản có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc về quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) nằm giữa Đài Loan và đảo Okinawa. Dưới thời Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, nước này đã tìm cách tăng cường quan hệ an ninh - quốc phòng với Australia và Vương quốc Anh thông qua các RAA được ký với Canberra vào năm 2022 và London vào năm 2023. Nhật Bản cũng đang đàm phán để ký RAA với Pháp trong khi nỗ lực xích lại gần hơn với Washington để thắt chặt quan hệ đồng minh truyền thống.

Bên cạnh đó, trước sự quyết đoán của Trung Quốc, chính quyền Kishida đã có những nỗ lực cụ thể nhằm tăng cường an ninh và năng lực phòng thủ: cho phép xuất khẩu vũ khí và linh kiện sản xuất trong nước cho các quốc gia mà các loại vũ khí này được cấp phép sử dụng; đưa ra kế hoạch chi 43 nghìn tỷ yên (khoảng 300 tỷ USD) cho đến năm tài khoá 2027 để tăng cường sức mạnh quân sự; cũng như tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng hằng năm lên khoảng 10 nghìn tỷ yên (khoảng 68 tỷ USD), qua đó đưa Nhật Bản trở thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi đó, thỏa thuận lần này cũng có ý nghĩa tương tự như các thỏa thuận về lực lượng thăm viếng (visiting forces agreements) mà Philippines hiện có với Mỹ và Australia. Đáng chú ý, Manila hiện đang đàm phán về các thỏa thuận về lực lượng thăm viếng với Pháp và Canada, những quốc gia có quan hệ khá tốt với Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và được cho là có khả năng tham gia AUKUS - một đối tác an ninh ba bên với sự tham gia của Mỹ, Australia và Anh - để tăng cường sức ảnh hưởng của tổ chức trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng.

Hiện lực lượng tuần duyên và hải quân của Trung Quốc và Philippines đang đối đầu nhau ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Vào ngày 17/6, lực lượng tuần duyên của Trung Quốc trên các thuyền máy với trang bị dao, gậy và rìu đã liên tục đâm và phá hủy hai tàu tiếp tế của hải quân Philippines trong một cuộc đối đầu hỗn loạn tại bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), khiến một số thủy thủ nước này bị thương.

Không dừng lại ở đó, vào ngày 6/7, Trung Quốc đã tiếp tục “thị uy” bằng cách đưa tàu tuần duyên lớn nhất của nước này vào EEZ của Philippines. Với lượng giãn nước 12.000 tấn và chiều dài gần 165m, con tàu CCG-5901 được nhiều nhà quan sát gọi là “quái vật” (monster). Hành động này rất có thể nhằm thể hiện sự thống trị về năng lực quân sự của Bắc Kinh trong khu vực và gây áp lực tâm lý lên Manila. Người phát ngôn Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines Jay Tarriela gọi hành vi sai trái của tàu hải cảnh Trung Quốc là một “sự đe dọa” (intimidation).

Trở lại với RAA, phía Trung Quốc rõ ràng hiểu được tầm quan trọng của thoả thuận giữa Manila và Tokyo. Để đáp trả lại thoả thuận quốc phòng này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) tuyên bố: “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương không cần một khối quân sự hay một “vòng tròn nhỏ” (small circle) để kích động sự đối đầu giữa các phe và kích động một cuộc Chiến tranh Lạnh mới”. Ông Lâm cũng lưu ý rằng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản đã xâm lược và biến Philippines thành thuộc địa của nước này, đồng thời tuyên bố Nhật Bản nên nghiêm túc suy ngẫm về lịch sử xâm lược của mình và thận trọng trong lời nói cũng như hành động khi đề cập đến vấn đề an ninh.

Trước sự phản đối của Bắc Kinh, khả năng Tokyo và Manila “chùn bước” là rất thấp, khi hai đối tác đã vượt lên các tổn thương trong quá khứ, hiện có lợi ích chung trong việc đảm bảo an ninh hàng hải, và đều nỗ lực để mở rộng các hoạt động hợp tác quốc phòng với các đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cùng với Mỹ, Nhật Bản là một trong số những quốc gia đầu tiên bày tỏ cảnh báo về hành động cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế.

Nước Mỹ, dưới thời Trump và Biden, đã khuyến khích các đồng minh trong khu vực tăng cường hợp tác và chia sẻ gánh nặng với Washington trong việc duy trì an ninh khu vực. Do đó, RAA có thể được xem là một đóng góp có ý nghĩa vào quá trình này.

Thật vậy, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel cho biết trên nền tảng xã hội X rằng thỏa thuận là “một lớp khác trong mạng lưới quan hệ đối tác an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” và nó “không chỉ tăng cường hợp tác và khả năng của [Nhật Bản và Philippines] mà còn củng cố khả năng răn đe và cam kết chung của chúng ta đối với một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Chuẩn bị cho tình huống bất ngờ

Trong bối cảnh Mỹ sắp bước vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11, hai quốc gia tầm trung ở châu Á đang cố gắng tăng cường hợp tác quốc phòng để phòng ngừa những chuyển biến về chính sách đối ngoại vốn rất bất ngờ sau mỗi đợt bầu cử ở Mỹ. Hơn nữa, Mỹ cũng hiện bị “phân tâm” với hàng loạt vấn đề an ninh, mà nổi bật là tình hình chiến tranh và xung đột ở châu Âu (chiến tranh Nga - Ukraine) và Trung Đông (xung đột giữa Israel và lực lượng Hồi giáo Hamas).

Với RAA và các điều khoản thiết thực kèm theo, hai đồng minh của Mỹ muốn đóng vai trò chủ động hơn trong việc thiết lập các tương tác quốc phòng và an ninh khu vực có tính bền vững, nhất là khi chúng được “thể chế hoá”, nhằm tăng cường năng lực răn đe đối với một Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, thay vì phụ thuộc vào Mỹ và các cấu trúc an ninh do siêu cường này dẫn đầu.

Về lâu dài, thoả thuận quốc phòng cũng mở đường cho quân đội Philippines và Nhật Bản chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống chiến lược với các cuộc xung đột tiềm ẩn ở ba khu vực mà cả hai đều có mối quan tâm và lợi ích: Biển Hoa Đông, Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Trên thực tế, Nhật Bản và Philippines rất quan tâm đến tình hình an ninh eo biển Đài Loan. Vào tháng 4, tại Washington, Thủ tướng Kishida cùng Tổng thống Biden đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, đồng thời khẳng định lập trường chung là khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển. Một tháng sau, tại Hội nghị Thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn ở Seoul, Thủ tướng Kishida nhắc lại tầm quan trọng của sự ổn định ở eo biển Đài Loan và bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc xung quanh Nhật Bản.

Trong khi đó, Tổng thống Marcos đã bày tỏ quan ngại về an ninh xung quanh Đài Loan. Vào tháng 2 năm ngoái, khi bàn về khả năng xảy ra xung đột ở eo biển Đài Loan, ông tuyên bố “thật khó để tưởng tượng một kịch bản mà Philippines sẽ không tham gia bằng cách nào đó”. Ngay sau khi ông Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan vào tháng 1, Tổng thống Marcos đã chúc mừng và gọi ông Lại là “tổng thống tiếp theo của Đài Loan” (Taiwan’s next president) đồng thời tuyên bố về mong muốn “hợp tác chặt chẽ, tăng cường lợi ích chung và thúc đẩy hòa bình cũng như đảm bảo thịnh vượng cho người dân của [Philippines và Đài Loan]”.

Thông qua các hành động phối hợp trên thực địa, hải quân Philippines được củng cố về năng lực tác chiến cùng các công nghệ có thể được chuyển giao từ phía Nhật Bản. Thực tế, Nhật Bản là nhà cung cấp thiết bị an ninh chủ yếu cho Philippines (như máy bay giám sát, hệ thống radar giám sát trên không) khi quốc gia này đang ưu tiên cho hiện đại hoá năng lực vũ trang và tăng cường năng lực bảo vệ bờ biển. Trong khi đó, thông qua sự cập nhật về những diễn biến đầy đủ hơn từ phía Manila, Tokyo có thể nắm bắt tốt hơn tình hình an ninh ở Biển Đông và các động thái của Bắc Kinh ở khu vực.

Tuy nhiên, vì thoả thuận quốc phòng này về bản chất có tính “phòng ngừa” (deterrence) hơn là một quyết tâm chính trị của Manila và Tokyo nhằm “đối đầu” với Bắc Kinh, nên sẽ là ngây thơ nếu tin rằng, trong trường hợp có xung đột với Trung Quốc, Nhật Bản chắc chắn sẽ triển khai quân sự để bảo vệ Philippines ở Biển Đông hay Manila sẽ điều động quân sự để hỗ trợ Tokyo ở Biển Hoa Đông. Bên cạnh đó, ảnh hưởng quân sự của Nhật Bản ở Biển Đông vẫn bị hạn chế do Lực lượng Phòng vệ của nước này chỉ có thể tiến hành các cuộc tập trận chung với các đồng minh (tiêu biểu là Mỹ).

Do đó, Nhật Bản và Philippines vẫn phải tiếp tục tăng cường hợp tác với Mỹ và các đối tác thân thiết trong khu vực, chẳng hạn như Australia và Hàn Quốc, song song với kêu gọi sự can dự tích cực hơn từ các đồng minh NATO của Mỹ như Anh, Pháp.

Dù vậy, thoả thuận quốc phòng này cho thấy Nhật Bản đang đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một khuôn khổ vững chắc hơn cho quan hệ song phương với Philippines. Trong khi đó, Manila cũng đang thể hiện cam kết to lớn trong việc trở thành đối tác có ý nghĩa chiến lược về lâu dài, nhất là về quốc phòng, với Tokyo. Tóm lại, dư địa để hai nước thắt chặt quan hệ an ninh - quốc phòng nhìn chung là rất triển vọng.

Từ khoá: Nhật Bản Philippines Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng Trung Quốc răn đe

BÀI LIÊN QUAN