Trong cuộc họp báo vào sáng ngày 14/8, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã quyết định không tái tranh cử chức Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (Liberal Democratic Party - LDP), dự kiến diễn ra vào tháng tới. Ông Kishida đã cân nhắc việc từ chức trong thời gian qua, và theo thủ tướng Nhật Bản, “cách duy nhất và rõ ràng nhất để chứng minh LDP sẽ thay đổi là tôi phải từ chức”. Như vậy, quyết định này có nghĩa là ông Kishida sẽ chỉ còn giữ chức thủ tướng trong vòng khoảng một tháng nữa, kết thúc ba năm nhiệm kỳ kéo dài hơn 1.050 ngày.
Bất kỳ ai được bầu để trở thành Chủ tịch LDP trong cuộc bầu cử vào tháng 9 sẽ nghiễm nhiên trở thành thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản, vì đảng này hiện đang nắm số ghế lớn nhất ở cả Thượng viện (114/248 ghế) lẫn Hạ viện (259/465 ghế). Ngày bầu cử chính thức dự kiến sẽ được LDP công bố vào tuần tới, có thể trong khoảng từ ngày 20 - 29/9. Theo đó, người chiến thắng sẽ trở thành thủ tướng thứ 13 của Nhật Bản.
Nguyên nhân Thủ tướng Kishida không tái tranh cử
Ngay từ năm 2022, những bê bối liên quan đến LDP đã khiến ông Kishida bị liên lụy và “mất điểm” trong mắt công chúng. Theo đó, vào ngày 8/7/2022, cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã bị nghi phạm Tetsuya Yamagami ám sát bằng một khẩu súng tự chế trong lúc ông đang có bài phát biểu tại một sự kiện tranh cử ở thành phố Nara, miền Tây Nhật Bản. Đáng chú ý, Yamagami được cho là có thù hằn với Giáo hội Thống nhất (Unification Church), vì đã đẩy gia đình anh ta rơi vào tình cảnh khánh kiệt.
Giáo hội Thống nhất được thành lập ở Hàn Quốc vào năm 1954, du nhập vào Nhật Bản một thập kỷ sau đó, và nổi tiếng với các đám cưới tập thể, dựa vào các tín đồ tại đất nước mặt trời mọc như một nguồn thu nhập chính. Để trả thù, nghi phạm đã bắn ông Abe, vì cho rằng cựu Thủ tướng quảng bá hình ảnh của Giáo hội Thống nhất thông qua các bài đăng trên mạng xã hội.
Trước sức ép của dư luận, đến nửa cuối tháng 7/2022, nhiều chính trị gia Nhật Bản đã thừa nhận có mối quan hệ với Giáo hội, phần đông thuộc LDP, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi (em trai của ông Abe). Thủ tướng Kishida không nằm trong danh sách này, tuy nhiên với tư cách là Chủ tịch LDP, ông đã đưa ra lời xin lỗi trước công chúng vào ngày 31/8 và tuyên bố đảng sẽ cắt đứt quan hệ với Giáo hội Thống nhất. Ông Kishida khi đó cũng tiến hành cải tổ nội các bằng việc cách chức bảy bộ trưởng có mối liên hệ với Giáo hội, trong đó bao gồm ông Kishi.
Bất chấp những nỗ lực như trên, theo khảo sát của đài NHK, mức ủng hộ nội các của Thủ tướng Kishida vào thời điểm đó đã giảm xuống chỉ còn 46%, là mức thấp nhất kể từ khi ông lên nắm quyền hồi tháng 10/2021. Hầu hết người khảo sát cho rằng các chính trị gia vẫn chưa giải thích đầy đủ về mối quan hệ của họ với Giáo hội Thống nhất. Bên cạnh đó, dư luận cũng bị chia rẽ khi ông Kishida quyết định tổ chức lễ tang cấp nhà nước sau cái chết của ông Abe.
Chỉ hơn một năm sau, bê bối chấn động khác của LDP lại xuất hiện và càng làm trầm trọng thêm niềm tin từ công chúng đối với chính phủ. Vào ngày 8/12, Thủ tướng Kishida cùng với các thành viên khác của LDP đã bị các nhà lập pháp đối lập thẩm vấn trong một cuộc họp Quốc hội (gồm cả Thượng viện và Nghị viện). Theo cáo buộc, hàng chục nghị sĩ trong Quốc hội của LDP thuộc phe Seiwa Seisaku Kenkyukai (gọi tắt là Seiwakai) bị nghi ngờ đã thu lợi bất chính 100 triệu Yen từ việc gây quỹ, và cất giấu trong các quỹ đen. Hirokazu Matsuno, Chánh văn phòng Nội các, là cá nhân đầu tiên bị nêu tên trong vụ bê bối, đã chuyển hơn 10 triệu Yen từ các sự kiện gây quỹ vào một quỹ đen trong suốt năm năm.
Để làm rõ, LDP được chia thành ít nhất sáu phe phái cạnh tranh với nhau, với quy mô từ lớn đến nhỏ lần lượt là Seiwakai (hay còn gọi là phe Abe), Shikokai, Heisei Kenkyukai, Shisuikai, Kochikai (phe của Thủ tướng Kishida), và Suigetsukai.
Chưa đầy một tuần sau khi phe đối lập đưa ra cáo buộc, Thủ tướng Kishida đã quyết định bãi nhiệm bốn quan chức trong nội các gồm ông Matsuno; Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Yasutoshi Nishimura; Bộ trưởng Nội vụ và Truyền thông Junji Suzuki; và Bộ trưởng Nông nghiệp Ichiro Miyashita. Cùng với đó, Thứ tưởng Quốc phòng Hiroshi Miyazawa cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Toàn bộ năm người kể trên đều là thành viên của Seiwakai. Tất cả nhân sự thay thế đều thuộc phe phái khác không phải Seiwakai, hoặc không thuộc bất kỳ nhóm nào. Như vậy, sau cuộc thanh lọc, nội các của ông Kishida ở trong một tình huống rất hiếm khi xảy ra: đó là không còn đại diện nào từ phe lớn nhất của LDP, tức Seiwakai.
Vụ bê bối tiếp tục trở nên nóng hơn khi vào cuối tháng 12, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia (National Police Agency - NPA) tiến hành khám xét trụ sở của Seiwakai và Shisuikai, đồng thời cho biết thêm rằng năm trong số sáu phe lớn nhất của LDP đều nằm trong diện điều tra, bao gồm cả phe của ông Kishida. Đến ngày 7/1/2024, cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục Yoshitaka Ikeda và trợ lý của ông là Kazuhiro Kakinuma trở thành những người đầu tiên bị NPA phát lệnh bắt giữ, vì đã che giấu 48 triệu Yen nhận được trong giai đoạn 2018 - 2022.
Sau khi vụ bê bối bị phanh phui, khảo sát của đài NHK cho biết tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Kishida đã giảm chỉ còn 23% (tính đến ngày 13/12/2023), và rơi tiếp xuống mức 17% khoảng mười ngày sau đó (là con số tệ nhất kể từ khi LDP trở thành đảng cầm quyền vào năm 2012). Cùng thời điểm này, tờ Mainichi Shimbun thực hiện cuộc thăm dò, và cho ra kết quả 79% người tham gia khảo sát không tán thành hiệu suất làm việc của ông Kishida với tư cách là Thủ tướng, trở thành mức không tán thành cao nhất kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc.
Để cứu vãn tình hình ngày càng xấu đi, và hy vọng thu hút sự ủng hộ trở lại của công chúng, vào ngày 18/1, ông Kishida đã quyết định giải tán phe Kochikai. Chỉ một ngày sau đó, Shisuikai và Seiwakai cũng đồng loạt tuyên bố giải thể. Tuy nhiên, sự tín nhiệm dành cho LDP vẫn không trở nên khả quan hơn, bằng chứng là đảng này đã mất toàn bộ ba ghế trong cuộc bầu cử bổ sung vào Quốc hội tại Nagasaki, Shimane và Tokyo hồi tháng 4.
Bê bối vẫn chưa dừng lại khi vào tháng 7, đến lượt Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ trên Biển Ryo Sakai phải từ chức, vì trước đó có 218 thành viên của lực lượng này bị sa thải, giáng chức, đình chỉ, cắt giảm lương và khiển trách. Các hành vi vi phạm được xác định bao gồm xử lý sai thông tin mật, lạm quyền và gian lận trong việc đề xuất trả lương.
Bên cạnh loạt bê bối nối tiếp nhau về chính trị, tình hình kinh tế Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Kishida cũng đối diện nhiều thách thức. Trong cuộc họp vào giữa tháng 3/2024, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (Bank of Japan - BoJ) Kazuo Ueda thông báo chấm dứt chính sách thiết lập lãi suất âm kể từ năm 2016, điều chỉnh mức lãi suất mới từ -0,1% lên mức từ 0% đến 0,1%. Động thái tăng lãi suất diễn ra lần đầu tiên sau 17 năm, về cơ bản mang ý nghĩa rằng BoJ đang đặt cược nền kinh tế Nhật Bản đã thoát khỏi xu hướng giảm phát. Đồng thời, việc BoJ chấm dứt thời kỳ lãi suất âm cũng được kỳ vọng sẽ mang lại cho đồng Yen sự trợ lực cần thiết để đảo ngược đà trượt dốc kéo dài từ cuối năm ngoái đến nay.
Thông thường việc tăng lãi suất sẽ dẫn đến tăng giá tiền tệ (tức giúp đồng tiền mạnh hơn), nhưng điều này đang không đúng ở Nhật Bản. Về mặt lý thuyết, lãi suất cao hơn sẽ thu hút nhiều vốn nước ngoài hơn vào Nhật Bản, từ đó nâng giá trị đồng Yen. Tuy nhiên, sau đợt tăng lãi suất vào tháng 3, đồng Yen đã bất chấp lý thuyết kinh tế và vẫn liên tiếp chạm các đáy mới, lần gần nhất là hồi đầu tháng 7 khi 1 USD đổi ra 161,875 Yen (thấp nhất trong vòng 38 năm qua).
Lý do là vì đồng Yen đã mất giá trong hơn 3 năm qua (mất hơn 1/3 giá trị kể từ đầu năm 2021) khiến tâm lý hoảng loạn và muốn bán tháo của nhà đầu tư vẫn còn hiện hữu, và họ sẽ tiếp tục các nỗ lực này cho đến khi không còn ai mong muốn bán ra nữa. Khi đó, thị trường sẽ tự cân bằng trở lại. Chính tình thế này đã khiến xuất khẩu Nhật Bản trong quý I vừa qua suy giảm 5% so với cùng kỳ, dù theo lý thuyết thì tiền tệ neo ở giá thấp sẽ kích thích xuất khẩu. Nguyên nhân là vì tâm lý hoảng loạn bán tháo đồng Yen khiến các nhà xuất khẩu không thể khuyến khích chuyển đổi tiền thu được từ nước ngoài thành đồng nội tệ của Nhật Bản, ảnh hưởng đến nhu cầu giao thương.
Trong khi xuất khẩu không mấy khả quan thì đồng Yen suy yếu khiến giá nhập khẩu các mặt hàng cao hơn, đồng nghĩa với giá tiêu dùng cũng tăng theo. Hậu quả, tiêu dùng cá nhân (chiếm hơn 50% nền kinh tế) sụt giảm trong toàn quý I/2024 (giảm 7% so với quý trước đó), là quý giảm thứ tư liên tiếp, và là chuỗi giảm dài nhất trong 15 năm qua. Điểm tích cực là sang quý II, tiêu dùng cá nhân đã cắt được chuỗi giảm và quay đầu tăng 1% so với cùng kỳ, góp phần giúp nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 3,1% trong quý này.
Tuy nhiên, tất cả những nỗ lực của chính phủ vẫn không đủ sức thuyết phục người dân. Trong cuộc khảo sát vào nửa cuối tháng 7 của tờ Asahi Shimbun, vẫn có đến 74% người tham gia khảo sát cho biết không muốn ông Kishida tiếp tục làm lãnh đạo đảng sau cuộc bầu cử của LDP sắp tới. Cuộc khảo sát mới nhất của đài NHK vào đầu tháng 8 cũng cho thấy kết quả kém tích cực, khi chỉ có 25% người ủng hộ nội các hiện tại, trong khi con số không ủng hộ là 55%.
Với việc sự ủng hộ của dân chúng vẫn không cải thiện là bao, Thủ tướng Kishida có lẽ cũng thừa hiểu rằng nếu tiếp tục tranh cử, ông khó có thể nhận được sự ủng hộ của đa số các thành viên LDP. Vì vậy, tuyên bố hôm 14/8 thực chất không phải là động thái gây ra sự “ngạc nhiên” (surprise) như nhiều kênh truyền thông nhận định, mà là một hệ quả bất đắc dĩ sẽ phải xảy ra dù sớm hay muộn.
Vẫn có nhiều dấu ấn
Công bằng mà nói, duy trì nhiệm kỳ thủ tướng đến năm thứ ba và kéo dài hơn 1.000 ngày như ông Kishida không phải là việc dễ dàng ở Nhật Bản. Ông Kishida hiện là Thủ tướng có thời gian tại vị lâu thứ tám kể từ thời hậu chiến. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã thúc đẩy những thay đổi đáng kể trong chính sách an ninh của Nhật Bản. Theo ngân sách quốc phòng tài khóa 2024, Tokyo dự tính sẽ chi 7,95 nghìn tỷ yen (khoảng 52,53 tỷ USD), là mức cao nhất trong lịch sử và chiếm 1,6% GDP. Theo Chiến lược An ninh Quốc gia (National Security Strategy) mới nhất công bố hai năm trước, Nhật Bản lần đầu tiên đặt mục tiêu sẽ đạt mức chi tiêu quốc phòng chiếm 2% GDP vào năm 2027, và ngân sách năm nay đang chứng minh cho định hướng đó. Cũng theo Chiến lược này, Nhật Bản kỳ vọng sẽ trở thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
Thêm vào đó, dưới thời ông Kishida, Nhật Bản lần đầu tiên tuyên bố sẽ mua tên lửa có thể vươn tới các quốc gia khác (cụ thể là tên lửa Tomahawk), phá vỡ điều cấm kỵ kéo dài hàng thập kỷ đối với các loại vũ khí có mục đích tấn công. Thủ tướng đương nhiệm cũng xem xét xây dựng những nhà máy điện hạt nhân mới để đáp ứng các mục tiêu khử cacbon, tức đảo ngược chính sách năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima hồi năm 2011.
Lý do quan trọng thúc đẩy ông Kishida có thể ban hành nhiều thay đổi đối với chính sách an ninh của Nhật Bản là nhờ cuộc chiến Nga - Ukraine. Trường hợp của Ukraine là ví dụ rất tốt để thuyết phục người dân Nhật Bản rằng đàm phán hòa bình là chưa đủ, mà quốc gia này cần một chính sách đối ngoại chủ động hơn, đặc biệt là khi Nga ở ngay sát bên cạnh, còn Trung Quốc và Triều Tiên ngày càng có ý định làm đảo lộn trật tự khu vực do Mỹ lãnh đạo.
Cũng từ “thời cơ” đó, Thủ tướng đương nhiệm đã nhanh chóng tham gia các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ dẫn đầu đối với Nga, gửi cho Ukraine một lượng lớn viện trợ nhân đạo lẫn quân sự (mặc dù không phải vũ khí sát thương, nhưng cũng là động thái chưa có tiền lệ kể từ sau Thế chiến thứ hai), và tiếp đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vào năm 2023 tại tỉnh Hiroshima. Tokyo cũng tích cực hợp tác với Washington để xây dựng các nhóm tiểu đa phương với Philippines, Australia và Hàn Quốc, đồng thời gắn kết ngày càng sâu sắc hơn với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nhìn chung, trong nhiệm kỳ của mình, ông Kishida đã kế thừa tầm nhìn của cố Thủ tướng Abe đó là thúc đẩy chính sách đối ngoại quyết đoán hơn. Tuy vậy, ông Kishida còn có thể làm được những điều mà người tiền nhiệm Abe không thể làm như tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, nới lỏng các quy tắc xuất khẩu quốc phòng và khôi phục quan hệ với Hàn Quốc.
Cơ hội sẽ giành cho ai?
Sau quyết định không tái tranh cử của ông Kishida, dư luận bắt đầu đổ dồn sự quan tâm đến những ứng viên tiềm năng có thể thay thế chức chủ tịch đảng LDP. Trong cuộc khảo sát của đài Nikkei vào cuối tháng 7, hai ứng cử viên được lựa chọn nhiều nhất là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ishiba Shigeru (đứng đầu) và cựu Bộ trưởng Môi trường Koizumi Shinjiro. Ngoài hai cái tên trên, vẫn còn một loạt ứng cử viên có thể tham gia vào cuộc chạy đua bao gồm ông Kono Taro (Bộ trưởng Phụ trách các Chương trình Kỹ thuật số), ông Motegi Toshimitsu (Tổng thư ký LDP), bà Takaichi Sanae (Bộ trưởng An ninh Kinh tế), bà Kamikawa Yoko (Ngoại trưởng), và ông Kobayashi Takayuki (cựu Bộ trưởng An ninh Kinh tế).
Chỉ còn hơn một tháng nữa đến ngày bầu cử, nhưng với danh sách ứng cử viên dài như trên, có thể nhận định rằng LDP đang sắp bước vào cuộc tranh đua vị trí chủ tịch đảng với nhiều diễn biến có phần bấp bênh, vì chưa có cá nhân nào thật sự nổi bật để dư luận cảm thấy tin tưởng rằng có thể kế nhiệm ông Kishida để lèo lái đất nước. Hơn nữa, sau cuộc cải tổ vào đầu năm nay, nhiều phe phái lớn trong LDP đã bị giải tán, khiến các phiếu bầu có thể trở nên khó lường hơn. Trên thực tế, cơ hội đang gần như chia đều cho bất cứ ai muốn tham gia tranh cử.
Tuy nhiên, hai ứng cử viên nữ là Takaichi và Kamikawa có thể gặp nhiều trở ngại hơn, vì nền chính trị Nhật Bản hầu như là “cuộc chơi” của nam giới. Chỉ có ba phụ nữ từng ứng cử vào vị trí lãnh đạo LDP trong quá khứ, và hai người trong số đó đã chạy đua với ông Kishida hồi năm 2021. Hơn nữa, cũng chỉ 9,7% thành viên trong Hạ viện là nữ, khiến Nhật Bản xếp vị trí thứ 165 thế giới về số đại diện nữ tham gia nghị viện (theo công bố của Liên minh Nghị viện Thế giới hồi tháng 3).
Bất kể ai trở thành chủ tịch LDP trong tháng 9 tới cũng sẽ không có nhiều “tuần trăng mật” (ám chỉ khoảng thời gian yên bình ban đầu), mà phải bắt tay ngay vào việc giải quyết những vấn đề cấp bách trong nước thời kỳ hậu Kishida.
Trước mắt, tân thủ tướng sẽ phải đưa nền kinh tế Nhật Bản trở lại sau khi đồng Yen đã giảm quá mạnh kéo theo nhiều hệ lụy như đã đề cập. Mức độ thành công trong việc khôi phục kinh tế có thể tỷ lệ thuận với sự ủng hộ của công chúng. Nhưng chỉ kinh tế thôi là chưa đủ, nhiệm vụ ổn định LDP sau hàng loạt bê bối cũng quan trọng không kém, vì người dân đã cảm thấy mệt mỏi và chán nản sau nhiều năm chính trường biến động.
Mức độ thành công trong nỗ lực thu hút sự ủng hộ của công chúng có thể sẽ được đo lường rõ ràng nhất khi Nhật Bản bước vào tổng tuyển cử toàn quốc, dự kiến diễn ra vào tháng 10/2025. Tại cuộc bầu cử này, nếu LDP giành chiến thắng, thủ tướng đương nhiệm (tức người được bầu làm chủ tịch LDP vào tháng 9 sắp tới) sẽ tiếp tục vị trí của mình, và ngược lại Nhật Bản sẽ chứng kiến tiếp một lần thay thủ tướng nếu phe đối lập thành công lật đổ LDP. Điểm tích cực cho LDP là Đảng Dân chủ Lập hiến (Constitutional Democratic Party, phe đối lập lớn nhất) đang tương đối yếu kém, khó đủ sức soán ngôi.
Còn ở mặt trận an ninh cũng như đối ngoại, tân thủ tướng nhiều khả năng sẽ tiếp tục kế thừa di sản mà ông Kishida để lại, vì đây là lộ trình dài hạn kể từ thời cố Thủ tướng Abe. Tuy nhiên, mức độ kế thừa thế nào, và khả năng lấp khoảng trống mà Thủ tướng Kishida để lại ra sao là những bài toán sẽ chờ đón tân thủ tướng Nhật Bản.