An ninh - Quốc phòng | Biển Đông   22/06/2024

Với Squad, Mỹ, Australia và Nhật Bản sẽ hỗ trợ Philippines đến đâu?

Squad ưu tiên thúc đẩy hợp tác an ninh và hỗ trợ Manila trước áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc, nhưng vẫn có giới hạn cho các nỗ lực chung ở Biển Đông.

Image
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Australia, Nhật Bản và Philippines gặp nhau vào ngày 2/5 tại Hawaii - (C): US Secretary of Defense

Vào ngày 2/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tổ chức cuộc gặp với những người đồng cấp Australia, Nhật Bản và Philippines tại Hawaii (Mỹ). Điểm nhấn của sự kiện này là đại diện bốn quốc gia kể trên đã đồng ý thiết lập một nhóm tiểu đa phương mới, đặt tên là “Squad”. Trước khi đi đến quyết định này, nhóm Squad đã gặp mặt lần đầu tiên vào hồi tháng 6/2023 bên lề Đối thoại an ninh Shangri-La ở Singapore.   

Trong bài phát biểu trước báo giới sau khi thành lập Squad, ông Austin cho rằng sáng kiến này sẽ giúp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định và an ninh hơn. Thời gian tới, bốn quốc gia sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc tập trận, tuần tra hàng hải, đồng thời giúp Philippines tăng cường năng lực và đạt được các mục tiêu hiện đại hóa về quốc phòng. 

Đến lượt Bộ trưởng Quốc phòng Australia, ông Richard Marles tiết lộ rằng trong cuộc gặp, đại diện của bốn quốc gia đã thảo luận về các cuộc tập trận, sự hợp tác giữa Canberra, Washington và Tokyo trong lĩnh vực khoa học, công nghệ quốc phòng, cũng như các hoạt động phối hợp trong nỗ lực hỗ trợ Philippines. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara khẳng định ưu tiên quan trọng nhất của Squad là duy trì và củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tiếp đến là phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông, và cuối cùng là kỳ vọng sẽ sớm hoàn tất quá trình đàm phán Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (Reciprocal Access Agreement - RAA) với Philippines, nhằm tạo động lực để tăng cường quan hệ an ninh và tạo điều kiện tổ chức các cuộc tập trận phòng thủ chung.

Như vậy, trong cả ba lời phát biểu kể trên, việc hỗ trợ và tăng cường hợp tác với Philippines chính là điểm chung mà Mỹ, Australia và Nhật Bản cùng hướng đến. Nói cách khác, mục tiêu quan trọng của nhóm Squad là nỗ lực giúp đỡ và nâng cao năng lực hàng hải cho Manila. 

Tại sao hỗ trợ Philippines là trọng tâm của nhóm Squad? 

Việc Philippines trở thành trọng tâm của Squad có thể là kết quả của sự chuyển biến trong cách chính phủ Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. triển khai chính sách đối ngoại kể từ khi lên nắm quyền. Vào năm 2022 (cũng là năm nhậm chức tổng thống), ông Marcos cho rằng “Vấn đề [Biển Đông] là giữa Trung Quốc và chúng tôi [Philippines]. Nếu người Mỹ nhảy vào, việc giải quyết vấn đề sẽ thất bại vì đang đặt hai siêu cường đối đầu với nhau” (The problem is between China and us. If the Americans come in, it’s bound to fail because you are putting the two protagonists together). Tổng thống Philippines cũng không giấu giếm mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc khi đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình hai lần trong năm 2023 (hồi tháng 1 tại Bắc Kinh và tháng 11 tại San Francisco), để cùng quản lý xung đột và tìm kiếm các nỗ lực chung để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.   

Tuy nhiên, vẫn không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thiện chí xuống thang căng thẳng, bởi lẽ lực lượng hải cảnh và dân quân biển nước này thường xuyên khiêu khích, đâm va, phun vòi rồng vào tàu của Philippines. Hệ luỵ là có bốn thủy thủ Philippines bị thương trong vụ đụng độ ngày 5/3, và có thêm ba thủy thủ khác bị thương vào ngày 23/3. Cả hai sự việc đều diễn ra gần bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) (ở quần đảo Trường Sa và thuộc chủ quyền của Việt Nam).    

Trước tình hình trên, Tổng thống Marcos đã bắt đầu chuyển hướng, qua việc nâng cao năng lực phòng vệ hàng hải và tìm kiếm thêm các đối tác bên ngoài để cân bằng trước sự bành trướng của Trung Quốc. Trước hết, vào tháng 2/2023, Philippines đã cho phép Mỹ tiếp cận thêm bốn căn cứ quân sự (ba trong số đó cách không xa Đài Loan, trong khi căn cứ còn lại nằm gần quần đảo Trường Sa), nâng tổng số căn cứ thuộc khuôn khổ Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (Enhanced Defense Cooperation Agreement) giữa hai nước lên con số chín. Sau đó, trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Kishida và Tổng thống Marcos vào tháng 11, Nhật Bản cùng Philippines thông báo sẽ bắt đầu đàm phán về RAA. Sang tháng 2/2024, Philippines đã có thêm một bước tiến khác khi ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải với Australia, nhằm “thúc đẩy sự tôn trọng luật pháp quốc tế” (promoting respect for international law).    

Ở góc độ đa phương, Philippines cũng đã cùng Mỹ và Nhật Bản lần đầu tổ chức tập trận chung vào tháng 6/2023 (diễn ra ngoài khơi tỉnh Bataan, Philippines). Sau đó, đến tháng 8/2023 và tháng 4/2024, ba quốc gia trên đã bổ sung thêm Australia vào các cuộc tập trận, tuần tra chung (địa điểm tổ chức vẫn tại Philippines). Ngoài ra, trong cuộc tập trận thường niên Balikatan 2024 của Washington và Manila (diễn ra từ 22/4 đến 10/5, tại khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines), Canberra đã gửi lực lượng tham gia, trong khi Tokyo cũng đến với tư cách quan sát viên.    

Đối với Mỹ, Nhật Bản và Australia, mỗi quốc gia đều có lý do riêng để mong muốn thúc đẩy cùng hợp tác và hỗ trợ Philippines. Trước hết, Washington xem Manila là “căn cứ hậu cần” quan trọng nếu xảy ra khủng hoảng ở eo biển Đài Loan, và là một mắt xích chiến lược trong Chuỗi đảo thứ nhất (First island chain, trải dài từ Nhật Bản đến Indonesia) nhằm bao vây Trung Quốc. Quan trọng hơn, sự cứng rắn của Philippines trên Biển Đông là cần thiết để ngăn Trung Quốc biến vùng biển này thành “ao nhà” (a lake of China), qua đó có thể gây đe dọa trực tiếp đối với tự do hàng hải và các hoạt động thương mại của Mỹ trong khu vực. Do đó, Washington có lý do để hỗ trợ Philippines đảm bảo an ninh hàng hải và nâng cao năng lực quốc phòng.    

Tương tự Mỹ, Nhật Bản cũng mong muốn xây dựng thế trận “bao vây” quốc phòng đối với Bắc Kinh, mà Philippines là một mắt xích trong đó. Để thể hiện mối quan tâm thực chất trong việc hỗ trợ năng lực quốc phòng của Philippines, Nhật Bản đã hoàn thành chuyển giao hệ thống radar ven biển trị giá bốn triệu USD cho quốc gia này vào tháng 11/2023, giúp tăng cường khả năng quan sát và bảo vệ bờ biển của Philippines.

Trong khi đó, Australia quan tâm hỗ trợ Philippines bởi sự ổn định ở Biển Đông là cần thiết để đảm bảo việc lưu chuyển hàng hóa thương mại của Canberra qua khu vực (vốn là tuyến đường huyết mạch đối với quốc gia này) không bị gián đoạn. Hơn nữa, Australia và Philippines đã xây dựng mối quan hệ quốc phòng sâu sắc kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, nhờ đó Canberra là một trong hai đối tác duy nhất (bên còn lại là Mỹ) cho đến nay đã ký Thỏa thuận Thăm viếng các Lực lượng (Visiting Forces Agreement) với Manila. Thỏa thuận này tạo khuôn khổ pháp lý để quân đội Australia có quyền hiện diện tại quốc đảo Đông Nam Á.     

Như vậy, nhóm Squad ra đời trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hành động gây hấn trên Biển Đông khiến Tổng thống Marcos phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ và đồng minh. Ở chiều ngược lại, Mỹ, Nhật Bản và Australia cũng đều bày tỏ mong muốn nâng cao năng lực quốc phòng của Philippines để đảm bảo các lợi ích chiến lược của các cường quốc này ở khu vực.    

Đối với Philippines, trong giai đoạn hiện nay, trọng tâm trên của Squad là rất cần thiết, bởi vào ngày 29/1/2024 quốc gia này đã phê duyệt để bắt đầu “Re-Horizon 3”, là giai đoạn cuối cùng của kế hoạch hiện đại hóa quân sự ba giai đoạn bắt đầu vào năm 2013. Ở giai đoạn ba, Philippines đặt mục tiêu sẽ mua lại vũ khí và thiết bị hiện đại (chẳng hạn tàu tuần tra ngoài khơi lớp Wonhae, tàu hộ tống tên lửa, trực thăng S-70 Black Hawk), đồng thời tập trung vào năng lực nhận thức, kết nối, giám sát, trinh sát và thu thập thông tin tình báo trong lĩnh vực hàng hải. 

Nhưng liệu có bảo vệ Philippines trên thực địa? 

Xét theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng các nước Mỹ, Australia và Nhật Bản tại sự kiện thành lập Squad, có thể thấy các quốc gia này chỉ mong muốn giúp nâng cao năng lực hàng hải của Philippines thông qua mở rộng số lượng tập trận, hiện đại hóa vũ khí, trong khi không có bất kỳ nội dung nào liên quan đến việc sẽ bảo vệ Manila nếu quốc gia này vướng vào xung đột với Trung Quốc trên thực địa. 

Trên thực tế, đây là điều không quá khó hiểu bởi chỉ có Mỹ là đối tác duy nhất của Squad ký kết Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines (có hiệu lực từ năm 1951). Tuy nhiên, ngay cả khi tồn tại Hiệp ước trên, Mỹ chưa chắc sẽ bảo vệ đồng minh của mình nếu xảy ra đụng độ với Trung Quốc trên Biển Đông, kể cả khi sự việc khiến công dân Philippines thiệt mạng (điều mà Tổng thống Marcos tuyên bố sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ”). 

Trong khi đó, mặc dù Quốc hội Nhật Bản đã phê chuẩn dự luật cho phép Lực lượng Phòng vệ nước này được phép đưa quân ra nước ngoài chiến đấu (vào năm 2015), song việc này chỉ được triển khai trong một vài điều kiện cụ thể và phải được cơ quan lập pháp thông qua. Trong số các điều kiện, có một nội dung quy định là nước này sẽ được đưa quân ra nước ngoài nếu “một quốc gia thân cận bị tấn công và điều đó đe dọa tới sự tồn vong của Nhật Bản” (an armed attack against a foreign country that is in a close relationship with Japan occurs and as a result threatens Japan’s survival). Đặt trong trường hợp Philippines bị Trung Quốc tấn công, chính phủ Nhật Bản sẽ phải trình các bằng chứng và lập luận lên Quốc hội để chứng minh rằng việc triển khai lực lượng là cần thiết, nhất là chứng minh Manila là đối tác quan trọng và gắn bó thiết thân với Tokyo. Đó sẽ là một quá trình “gian nan” nếu chính quyền Kishida quyết định bảo vệ Philippines, đặc biệt là khi xung đột giữa Manila và Bắc Kinh diễn ra ở Biển Đông, nơi mà Tokyo không có bất kỳ tranh chấp nào.  

Còn với Australia, quốc gia này dù là đối tác an ninh lâu đời của Philippines, nhưng cũng đang có xu hướng “nước đôi” trong giai đoạn hiện nay khi nỗ lực hàn gắn quan hệ với Trung Quốc. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2022, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã theo đuổi chính sách đối ngoại tích cực hơn với Trung Quốc. Chẳng hạn, Canberra quyết định tiếp tục cho phép các công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin của nước này trong 99 năm, dù trước đó từng có ý định xem xét lại. Đến tháng 11/2023, Thủ tướng Albanese thăm chính thức Trung Quốc, đánh dấu lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ Australia làm điều đó sau bảy năm. Ở chiều ngược lại, ông Vương Nghị đã đến thăm Australia vào tháng 3/2024, trở thành Ngoại trưởng Trung Quốc đầu tiên trở lại quốc gia này kể từ năm 2017. Mới đây nhất, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng vừa hoàn thành chuyến thăm đến Australia. Từ những nỗ lực hàn gắn như vậy, Canberra rõ ràng đang muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước trong khu vực, và sẽ khó lòng sẵn sàng đánh đổi các lợi ích và lợi thế của nước này bằng việc bảo vệ Philippines (khi việc này đồng nghĩa là chống lại Trung Quốc) nếu xung đột xảy ra ở Biển Đông.    

Như vậy, trong thời gian tới, các tranh chấp trên thực địa ở Biển Đông vẫn sẽ là vấn đề của riêng Trung Quốc với các nước ASEAN có liên quan, bao gồm Philippines. Sự hỗ trợ của Mỹ, Australia và Nhật Bản trong khuôn khổ Squad chỉ nhằm đảm bảo sự ủng hộ về ngoại giao và gián tiếp giúp Philippines được trang bị tốt hơn để đối phó với các thách thức của Trung Quốc. 

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc vẫn chưa gặp trở ngại đáng kể đối với các hành động bành trướng của mình trên Biển Đông, bởi năng lực quân sự của Philippines vẫn là rất “chênh lệch” trước gã khổng lồ phương Bắc. Bên cạnh đó, quá trình hiện đại hóa quân đội của Philippines – dù có sự hỗ trợ của các đối tác trong Squad – sẽ phải tốn nhiều thời gian mới có thể mang lại kết quả tích cực. Và có lẽ, hơn ai hết, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ những thực tế này!

Vào ngày 2/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tổ chức cuộc gặp với những người đồng cấp Australia, Nhật Bản và Philippines tại Hawaii (Mỹ). Điểm nhấn của sự kiện này là đại diện bốn quốc gia kể trên đã đồng ý thiết lập một nhóm tiểu đa phương mới, đặt tên là “Squad”. Trước khi đi đến quyết định này, nhóm Squad đã gặp mặt lần đầu tiên vào hồi tháng 6/2023 bên lề Đối thoại an ninh Shangri-La ở Singapore.   

Trong bài phát biểu trước báo giới sau khi thành lập Squad, ông Austin cho rằng sáng kiến này sẽ giúp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định và an ninh hơn. Thời gian tới, bốn quốc gia sẽ tiến hành thêm nhiều cuộc tập trận, tuần tra hàng hải, đồng thời giúp Philippines tăng cường năng lực và đạt được các mục tiêu hiện đại hóa về quốc phòng. 

Đến lượt Bộ trưởng Quốc phòng Australia, ông Richard Marles tiết lộ rằng trong cuộc gặp, đại diện của bốn quốc gia đã thảo luận về các cuộc tập trận, sự hợp tác giữa Canberra, Washington và Tokyo trong lĩnh vực khoa học, công nghệ quốc phòng, cũng như các hoạt động phối hợp trong nỗ lực hỗ trợ Philippines. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara khẳng định ưu tiên quan trọng nhất của Squad là duy trì và củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tiếp đến là phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông, và cuối cùng là kỳ vọng sẽ sớm hoàn tất quá trình đàm phán Thỏa thuận Tiếp cận Đối ứng (Reciprocal Access Agreement - RAA) với Philippines, nhằm tạo động lực để tăng cường quan hệ an ninh và tạo điều kiện tổ chức các cuộc tập trận phòng thủ chung.

Như vậy, trong cả ba lời phát biểu kể trên, việc hỗ trợ và tăng cường hợp tác với Philippines chính là điểm chung mà Mỹ, Australia và Nhật Bản cùng hướng đến. Nói cách khác, mục tiêu quan trọng của nhóm Squad là nỗ lực giúp đỡ và nâng cao năng lực hàng hải cho Manila. 

Tại sao hỗ trợ Philippines là trọng tâm của nhóm Squad? 

Việc Philippines trở thành trọng tâm của Squad có thể là kết quả của sự chuyển biến trong cách chính phủ Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. triển khai chính sách đối ngoại kể từ khi lên nắm quyền. Vào năm 2022 (cũng là năm nhậm chức tổng thống), ông Marcos cho rằng “Vấn đề [Biển Đông] là giữa Trung Quốc và chúng tôi [Philippines]. Nếu người Mỹ nhảy vào, việc giải quyết vấn đề sẽ thất bại vì đang đặt hai siêu cường đối đầu với nhau” (The problem is between China and us. If the Americans come in, it’s bound to fail because you are putting the two protagonists together). Tổng thống Philippines cũng không giấu giếm mong muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc khi đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình hai lần trong năm 2023 (hồi tháng 1 tại Bắc Kinh và tháng 11 tại San Francisco), để cùng quản lý xung đột và tìm kiếm các nỗ lực chung để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.   

Tuy nhiên, vẫn không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thiện chí xuống thang căng thẳng, bởi lẽ lực lượng hải cảnh và dân quân biển nước này thường xuyên khiêu khích, đâm va, phun vòi rồng vào tàu của Philippines. Hệ luỵ là có bốn thủy thủ Philippines bị thương trong vụ đụng độ ngày 5/3, và có thêm ba thủy thủ khác bị thương vào ngày 23/3. Cả hai sự việc đều diễn ra gần bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) (ở quần đảo Trường Sa và thuộc chủ quyền của Việt Nam).    

Trước tình hình trên, Tổng thống Marcos đã bắt đầu chuyển hướng, qua việc nâng cao năng lực phòng vệ hàng hải và tìm kiếm thêm các đối tác bên ngoài để cân bằng trước sự bành trướng của Trung Quốc. Trước hết, vào tháng 2/2023, Philippines đã cho phép Mỹ tiếp cận thêm bốn căn cứ quân sự (ba trong số đó cách không xa Đài Loan, trong khi căn cứ còn lại nằm gần quần đảo Trường Sa), nâng tổng số căn cứ thuộc khuôn khổ Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (Enhanced Defense Cooperation Agreement) giữa hai nước lên con số chín. Sau đó, trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Kishida và Tổng thống Marcos vào tháng 11, Nhật Bản cùng Philippines thông báo sẽ bắt đầu đàm phán về RAA. Sang tháng 2/2024, Philippines đã có thêm một bước tiến khác khi ký kết thỏa thuận tăng cường hợp tác về an ninh hàng hải với Australia, nhằm “thúc đẩy sự tôn trọng luật pháp quốc tế” (promoting respect for international law).    

Ở góc độ đa phương, Philippines cũng đã cùng Mỹ và Nhật Bản lần đầu tổ chức tập trận chung vào tháng 6/2023 (diễn ra ngoài khơi tỉnh Bataan, Philippines). Sau đó, đến tháng 8/2023 và tháng 4/2024, ba quốc gia trên đã bổ sung thêm Australia vào các cuộc tập trận, tuần tra chung (địa điểm tổ chức vẫn tại Philippines). Ngoài ra, trong cuộc tập trận thường niên Balikatan 2024 của Washington và Manila (diễn ra từ 22/4 đến 10/5, tại khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines), Canberra đã gửi lực lượng tham gia, trong khi Tokyo cũng đến với tư cách quan sát viên.    

Đối với Mỹ, Nhật Bản và Australia, mỗi quốc gia đều có lý do riêng để mong muốn thúc đẩy cùng hợp tác và hỗ trợ Philippines. Trước hết, Washington xem Manila là “căn cứ hậu cần” quan trọng nếu xảy ra khủng hoảng ở eo biển Đài Loan, và là một mắt xích chiến lược trong Chuỗi đảo thứ nhất (First island chain, trải dài từ Nhật Bản đến Indonesia) nhằm bao vây Trung Quốc. Quan trọng hơn, sự cứng rắn của Philippines trên Biển Đông là cần thiết để ngăn Trung Quốc biến vùng biển này thành “ao nhà” (a lake of China), qua đó có thể gây đe dọa trực tiếp đối với tự do hàng hải và các hoạt động thương mại của Mỹ trong khu vực. Do đó, Washington có lý do để hỗ trợ Philippines đảm bảo an ninh hàng hải và nâng cao năng lực quốc phòng.    

Tương tự Mỹ, Nhật Bản cũng mong muốn xây dựng thế trận “bao vây” quốc phòng đối với Bắc Kinh, mà Philippines là một mắt xích trong đó. Để thể hiện mối quan tâm thực chất trong việc hỗ trợ năng lực quốc phòng của Philippines, Nhật Bản đã hoàn thành chuyển giao hệ thống radar ven biển trị giá bốn triệu USD cho quốc gia này vào tháng 11/2023, giúp tăng cường khả năng quan sát và bảo vệ bờ biển của Philippines.

Trong khi đó, Australia quan tâm hỗ trợ Philippines bởi sự ổn định ở Biển Đông là cần thiết để đảm bảo việc lưu chuyển hàng hóa thương mại của Canberra qua khu vực (vốn là tuyến đường huyết mạch đối với quốc gia này) không bị gián đoạn. Hơn nữa, Australia và Philippines đã xây dựng mối quan hệ quốc phòng sâu sắc kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, nhờ đó Canberra là một trong hai đối tác duy nhất (bên còn lại là Mỹ) cho đến nay đã ký Thỏa thuận Thăm viếng các Lực lượng (Visiting Forces Agreement) với Manila. Thỏa thuận này tạo khuôn khổ pháp lý để quân đội Australia có quyền hiện diện tại quốc đảo Đông Nam Á.     

Như vậy, nhóm Squad ra đời trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hành động gây hấn trên Biển Đông khiến Tổng thống Marcos phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mỹ và đồng minh. Ở chiều ngược lại, Mỹ, Nhật Bản và Australia cũng đều bày tỏ mong muốn nâng cao năng lực quốc phòng của Philippines để đảm bảo các lợi ích chiến lược của các cường quốc này ở khu vực.    

Đối với Philippines, trong giai đoạn hiện nay, trọng tâm trên của Squad là rất cần thiết, bởi vào ngày 29/1/2024 quốc gia này đã phê duyệt để bắt đầu “Re-Horizon 3”, là giai đoạn cuối cùng của kế hoạch hiện đại hóa quân sự ba giai đoạn bắt đầu vào năm 2013. Ở giai đoạn ba, Philippines đặt mục tiêu sẽ mua lại vũ khí và thiết bị hiện đại (chẳng hạn tàu tuần tra ngoài khơi lớp Wonhae, tàu hộ tống tên lửa, trực thăng S-70 Black Hawk), đồng thời tập trung vào năng lực nhận thức, kết nối, giám sát, trinh sát và thu thập thông tin tình báo trong lĩnh vực hàng hải. 

Nhưng liệu có bảo vệ Philippines trên thực địa? 

Xét theo tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng các nước Mỹ, Australia và Nhật Bản tại sự kiện thành lập Squad, có thể thấy các quốc gia này chỉ mong muốn giúp nâng cao năng lực hàng hải của Philippines thông qua mở rộng số lượng tập trận, hiện đại hóa vũ khí, trong khi không có bất kỳ nội dung nào liên quan đến việc sẽ bảo vệ Manila nếu quốc gia này vướng vào xung đột với Trung Quốc trên thực địa. 

Trên thực tế, đây là điều không quá khó hiểu bởi chỉ có Mỹ là đối tác duy nhất của Squad ký kết Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines (có hiệu lực từ năm 1951). Tuy nhiên, ngay cả khi tồn tại Hiệp ước trên, Mỹ chưa chắc sẽ bảo vệ đồng minh của mình nếu xảy ra đụng độ với Trung Quốc trên Biển Đông, kể cả khi sự việc khiến công dân Philippines thiệt mạng (điều mà Tổng thống Marcos tuyên bố sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ”). 

Trong khi đó, mặc dù Quốc hội Nhật Bản đã phê chuẩn dự luật cho phép Lực lượng Phòng vệ nước này được phép đưa quân ra nước ngoài chiến đấu (vào năm 2015), song việc này chỉ được triển khai trong một vài điều kiện cụ thể và phải được cơ quan lập pháp thông qua. Trong số các điều kiện, có một nội dung quy định là nước này sẽ được đưa quân ra nước ngoài nếu “một quốc gia thân cận bị tấn công và điều đó đe dọa tới sự tồn vong của Nhật Bản” (an armed attack against a foreign country that is in a close relationship with Japan occurs and as a result threatens Japan’s survival). Đặt trong trường hợp Philippines bị Trung Quốc tấn công, chính phủ Nhật Bản sẽ phải trình các bằng chứng và lập luận lên Quốc hội để chứng minh rằng việc triển khai lực lượng là cần thiết, nhất là chứng minh Manila là đối tác quan trọng và gắn bó thiết thân với Tokyo. Đó sẽ là một quá trình “gian nan” nếu chính quyền Kishida quyết định bảo vệ Philippines, đặc biệt là khi xung đột giữa Manila và Bắc Kinh diễn ra ở Biển Đông, nơi mà Tokyo không có bất kỳ tranh chấp nào.  

Còn với Australia, quốc gia này dù là đối tác an ninh lâu đời của Philippines, nhưng cũng đang có xu hướng “nước đôi” trong giai đoạn hiện nay khi nỗ lực hàn gắn quan hệ với Trung Quốc. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2022, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã theo đuổi chính sách đối ngoại tích cực hơn với Trung Quốc. Chẳng hạn, Canberra quyết định tiếp tục cho phép các công ty Trung Quốc thuê cảng Darwin của nước này trong 99 năm, dù trước đó từng có ý định xem xét lại. Đến tháng 11/2023, Thủ tướng Albanese thăm chính thức Trung Quốc, đánh dấu lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ Australia làm điều đó sau bảy năm. Ở chiều ngược lại, ông Vương Nghị đã đến thăm Australia vào tháng 3/2024, trở thành Ngoại trưởng Trung Quốc đầu tiên trở lại quốc gia này kể từ năm 2017. Mới đây nhất, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng vừa hoàn thành chuyến thăm đến Australia. Từ những nỗ lực hàn gắn như vậy, Canberra rõ ràng đang muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước trong khu vực, và sẽ khó lòng sẵn sàng đánh đổi các lợi ích và lợi thế của nước này bằng việc bảo vệ Philippines (khi việc này đồng nghĩa là chống lại Trung Quốc) nếu xung đột xảy ra ở Biển Đông.    

Như vậy, trong thời gian tới, các tranh chấp trên thực địa ở Biển Đông vẫn sẽ là vấn đề của riêng Trung Quốc với các nước ASEAN có liên quan, bao gồm Philippines. Sự hỗ trợ của Mỹ, Australia và Nhật Bản trong khuôn khổ Squad chỉ nhằm đảm bảo sự ủng hộ về ngoại giao và gián tiếp giúp Philippines được trang bị tốt hơn để đối phó với các thách thức của Trung Quốc. 

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc vẫn chưa gặp trở ngại đáng kể đối với các hành động bành trướng của mình trên Biển Đông, bởi năng lực quân sự của Philippines vẫn là rất “chênh lệch” trước gã khổng lồ phương Bắc. Bên cạnh đó, quá trình hiện đại hóa quân đội của Philippines – dù có sự hỗ trợ của các đối tác trong Squad – sẽ phải tốn nhiều thời gian mới có thể mang lại kết quả tích cực. Và có lẽ, hơn ai hết, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ những thực tế này!

Từ khoá: Squad Mỹ Australia Nhật Bản Philippines Trung Quốc Biển Đông

BÀI LIÊN QUAN