Việt Nam ứng xử với Mỹ và Trung Quốc: vai trò của toan tính chiến lược và lòng tin chính trị
Nếu toan tính chiến lược định hình các quyết sách của Việt Nam trong tam giác Việt - Mỹ - Trung thì lòng tin chính trị là động lực thúc đẩy những tương tác mang tính thực chất.

Hai tuần sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên “đối tác chiến lược toàn diện” (ngày 10/9), báo chí quốc tế tiết lộ việc hai nước đang đàm phán chuyển giao một phi đội chiến đấu cơ F-16 của Washington cho Hà Nội, một phần của thương vụ được xem là “lớn nhất trong lịch sử giữa hai cựu thù”. Dù cuộc thương thảo mới chỉ ở giai đoạn đầu và hai bên vẫn chưa thống nhất các điều khoản cụ thể, một nguồn tin đặt kỳ vọng lô khí tài sẽ được chuyển giao vào năm 2024.
Thông tin về đàm phán quốc phòng Việt - Mỹ xuất hiện đúng ngày Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc chuyến công tác tại Mỹ từ ngày 17-23/9. Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyến đi nhằm “cụ thể hóa, triển khai những thỏa thuận trong tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden”. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã có 113 giờ tiếp xúc quan chức Mỹ và đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại đây, thúc đẩy hợp tác song phương với trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo – “đột phá mới” của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ.
Bước tiến lớn về chính trị - ngoại giao đã mở đường cho hai quốc gia chuyển hoá tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực trọng yếu thành thành quả cụ thể. Trong khi nỗ lực của ông Chính góp phần hiện thực hoá Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về việc tăng cường công tác ngoại giao kinh tế, phục vụ phát triển đất nước thì thoả thuận vũ khí (nếu có) với Washington rất có thể là bàn đạp cho việc hai nước thắt chặt hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, một chỉ dấu cho thấy mức độ tin cậy sâu sắc giữa Hà Nội và Washington.
Việc Việt Nam quyết định nâng cấp quan hệ với Mỹ lên ngang hàng với Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016) và Hàn Quốc (2022) không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia. Động thái này tiếp nối những bước đi vững chắc và ổn định của Hà Nội và Washington nhằm từng bước vượt qua khác biệt và củng cố sự tin cậy lẫn nhau trong gần 30 năm qua. Từ sau khi Tổng thống Bill Clinton và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao vào tháng 7/1995, các cột mốc tiêu biểu trong quan hệ hai nước có thể kể đến là việc ký kết Hiệp định thương mại song phương vào tháng 7/2000; thiết lập quan hệ “đối tác toàn diện” Việt - Mỹ vào tháng 7/2013; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Mỹ vào tháng 7/2015; và Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 5/2016.
Với chuyến thăm Việt Nam hai ngày (từ ngày 10-11/9) của ông Biden, Hà Nội và Washington thậm chí vượt qua khuôn khổ lễ nghi ngoại giao thông thường để xác lập bước phát triển lớn nhất trong quan hệ hai nước. Nếu thiếu đi lòng tin, Việt Nam và Mỹ khó có thể cùng nhau gác lại thù hận và mất mát của quá khứ, tìm được tiếng nói chung trong việc hoà giải, rồi tiến tới “thời khắc lịch sử” hôm 10/9. Lòng tin giữa hai nước trở thành một “biểu hiện cho sự phát triển quan trọng nhất trong mối quan hệ song phương”. Sự tin cậy giúp “hạn chế những trở ngại phát sinh từ sự không chắc chắn” và cho phép các bên thắt chặt các nỗ lực hợp tác.
Tuy nhiên, chỉ lòng tin là chưa đủ để hai nước tái định hình khuôn khổ quan hệ song phương. Sự hội tụ của lợi ích cốt lõi dựa trên toan tính chiến lược của Hà Nội với Washington mới là yếu tố nền tảng quyết định tầm vóc của quan hệ Việt - Mỹ. Trước khi ông Biden sang Việt Nam vài tháng, khả năng hai nước nâng cấp quan hệ ngoại giao vẫn dừng lại ở mức độ phỏng đoán, bất chấp thực tế Washington nhiều lần ngỏ ý với Hà Nội. Sự dè dặt xuất phát từ lo ngại của Việt Nam trước phản ứng của Trung Quốc và ngờ vực tồn tại trong nhóm đảng viên bảo thủ tại Hà Nội về nguy cơ “diễn biến hoà bình”, ý định thực sự của Washington đằng sau “chiêu bài dân chủ, nhân quyền” nhằm làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong hai lý do nói trên, yếu tố Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo.
Một trong những sự kiện mang tính bước ngoặt là cuộc điện đàm giữa ông Trọng và ông Biden vào cuối tháng 3/2023, đánh dấu thời điểm Việt Nam và Mỹ “nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì lợi ích của hai nước, hòa bình, hợp tác và phát triển”. Lần nói chuyện hiếm hoi giữa hai nhà lãnh đạo, ngoài mục đích kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ “đối tác toàn diện” Việt - Mỹ (2013), diễn ra trong một thời điểm đáng chú ý. Trước đó hơn một tuần, Nga và Trung Quốc thống nhất thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nhân dịp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Nga từ 20-22/3/2023. Việc ông Tập đến Nga trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba đã khẳng định vai trò then chốt của Moscow trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Dường như chuyển biến mới trong quan hệ Nga - Trung thời điểm đó đã tạo ra một số thay đổi quan trọng trong cục diện chính trị ở châu Á, phần nào buộc Hà Nội đánh giá lại quan hệ với các cường quốc trong khu vực.
Đối với Việt Nam, Nga – “quốc gia kế tục” Liên Xô – là người bạn truyền thống và là đối tác tin cậy. Trước đây, Moscow viện trợ về quân sự và kinh tế cho Hà Nội trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Hiện nay, ngoài việc cung cấp khoảng 60% (thống kê đến năm 2021) cho kho vũ khí của Việt Nam, Nga còn hợp tác với quốc gia Đông Nam Á trong các dự án năng lượng quan trọng trên Biển Đông. Với sự hiện diện của Moscow (dù với tiềm lực và vị thế suy giảm), Việt Nam vẫn có thêm một đối trọng để kiềm chế sức ép từ Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp.
Tuy nhiên, sự gần gũi của quan hệ Nga - Trung có thể khiến kế hoạch của Hà Nội “phá sản”. Bởi lẽ, với Nga, Trung Quốc đủ khả năng hỗ trợ quốc gia này về kinh tế trong giai đoạn Nga đang bị phương Tây cấm vận và chịu nhiều khó khăn trước mắt, và cả hai đều chung mục tiêu thoát khỏi ảnh hưởng của phương Tây để thiết lập trật tự thế giới mới về lâu dài. Không gì có thể đảm bảo Nga sẽ dễ dàng từ bỏ quan hệ đang lớn mạnh với Trung Quốc để đứng về phía Việt Nam, nhất là khi Moscow chủ trương không can thiệp vào vấn đề Biển Đông và vẫn đối mặt với các lệnh cấm vận của Mỹ và đồng minh do cuộc chiến kéo dài tại Ukraine.
Sẽ là vội vàng nếu kết luận Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ chỉ để phản ứng trước việc Trung Quốc và Nga tăng cường hợp tác. Tuy nhiên, cũng chưa thật đầy đủ nếu xem xét chuyển biến của quan hệ Việt - Mỹ mà không đánh giá tác động từ các yếu tố mới trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow. Như một số nhà quan sát nhận định, quan hệ Việt - Mỹ vốn “chưa bao giờ chỉ liên quan đến Việt Nam và Mỹ”. Trong trường hợp này, việc triển khai hợp tác với Washington trên tất cả các lĩnh vực chủ chốt, đồng thời đặt quan hệ với Washington ngang hàng với Trung Quốc và Nga vừa thể hiện sự nhất quán trong đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ” và “đa dạng hoá, đa phương hoá” của Việt Nam, vừa là cách Hà Nội tự “phòng ngừa rủi ro” (insurance-seeking behaviour) để bảo vệ lợi ích quốc gia trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông. Nói cách khác, Việt Nam có thứ Mỹ cần, và Washington mang đến những gì Hà Nội đang tìm kiếm. Với việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Việt Nam tiếp tục những bước đi được tính toán cẩn trọng để củng cố vị thế cân bằng khéo léo giữa hai siêu cường, nhất là khi cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ - Trung trở nên phức tạp, quan hệ giữa hai cường quốc ngày càng khó đoán.
Tuy nhiên, việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ không có nghĩa là phủ nhận yếu tố lòng tin trong quan hệ Việt - Trung. Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn bình luận của các chuyên gia tin rằng Việt Nam có thể tự mình cân nhắc lợi và hại khi tham gia vào thoả thuận vũ khí với Mỹ để không trở thành con tốt thí trong bàn cờ đại chiến lược của Washington. Trước đó, tờ báo này cũng nhấn mạnh sự tương đồng về ý thức hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh, yếu tố cũng đồng thời là khác biệt căn bản của quan hệ Việt - Trung so với quan hệ Việt - Mỹ. Với nền tảng đó, cùng với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản tại mỗi quốc gia, truyền thống hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục được vun đắp trên tinh thần của những người “đồng chí anh em”.
Hiện tại, trở ngại lớn nhất trong quan hệ song phương có lẽ là tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Dù vậy, yếu tố này hiếm khi là nguyên nhân cản trở hai nước duy trì đối thoại trên các kênh liên lạc thường xuyên, cũng như trong các hoạt động trao đổi đoàn các cấp. Năm 2014, ngay cả khi quan hệ hai nước căng thẳng sâu sắc sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Công an hai nước và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc vẫn duy trì đối thoại thông qua điện đàm. Trên thực tế, Việt Nam và Trung Quốc nhiều lần nhắc lại nhận thức chung về việc thống nhất xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, nhấn mạnh nỗ lực cùng nhau duy trì an ninh, ổn định ở khu vực. Với tinh thần “tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau”, chủ trương “lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng” sẽ là định hướng lâu dài trong xử lý các vấn đề còn nhiều khác biệt giữa hai nước.
Tinh thần đó được ông Trọng tái khẳng định trong chuyến thăm và làm việc tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, hôm 25/8, với sự tham gia của Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba. Tại vùng đất “phên dậu”, cửa khẩu lớn và lâu đời nhất giữa hai nước, ông Trọng nhắc lại ưu tiên của Việt Nam trong việc phát triển quan hệ tốt đẹp với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Hoạt động ở Lạng Sơn là chuyến công tác trong nước thứ hai của ông Trọng trong năm nay (sau chuyến đi Thái Nguyên hồi tháng 1), diễn ra chỉ hơn hai tuần trước khi ông Biden đến Hà Nội. Chuyến đi gửi một thông điệp thiện chí đến Bắc Kinh, ngay trước thời điểm Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ. Như các lãnh đạo Hà Nội thường xuyên khẳng định, Việt Nam “coi trọng và ưu tiên hàng đầu” quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Trung với phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”, chủ trương phát triển hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực then chốt như chính trị, kinh tế và quốc phòng.
Dù vậy, Lạng Sơn không chỉ là biểu tượng của hợp tác và phát triển trong quan hệ Việt - Trung. Đối với Hà Nội, Lạng Sơn còn gắn liền với ký ức đau thương khi quân đội Trung Quốc tràn xuống sáu tỉnh phía Bắc của Việt Nam vào tháng 2/1979. Sự kiện đánh dấu quan hệ song phương chạm đáy kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950, hệ quả của một loạt nguyên nhân xuất phát từ những rạn nứt giữa Hà Nội và Bắc Kinh, kếp hợp với những thay đổi trong tương quan quyền lực ở khu vực. Như lời của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, có những thế lực đã “tự vạch mặt là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của nhân dân” Việt Nam trong cuộc chiến mà lâu nay Hà Nội vẫn gọi là “cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc”. Khi lợi ích thay đổi, Trung Quốc có thể từ người “đồng chí” viện trợ sức người và của cho Việt Nam suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, trở thành một cường quốc láng giềng xem Hà Nội là “kẻ thù” và phát động chiến tranh dọc tuyến biên giới giữa hai nước. Với Việt Nam, cuộc chiến vẫn là một “bài học” nhãn tiền về lợi ích và lòng tin. Bất luận Trung Quốc đã “từ bỏ ý đồ xâm lược Việt Nam” hay chưa, Hà Nội hiểu rằng tồn tại hoà bình và duy trì quan hệ ổn định với Bắc Kinh không phải là vấn đề chọn lựa, đó là điều kiện bắt buộc đối với an ninh quốc gia và là yếu tố sống còn cho sự phát triển của đất nước.
Do đó, nhiều khả năng chuyến thăm của ông Biden không phải là điểm nhấn cuối cùng trong một năm bận rộn của ngành ngoại giao Việt Nam. Cuối tháng 4/2023, khi thăm và làm việc tại Trung Quốc, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đã chuyển lời mời thăm Việt Nam của ông Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới ông Tập Cận Bình trong năm 2023, đúng dịp hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008). Trước đó, Việt Nam đã nhận được cái gật đầu từ ông Tập Cận Bình khi ông Trọng thăm chính thức Trung Quốc vào tháng 10-11/2022, dù khi đó hai bên chưa xác nhận thời điểm cụ thể. Hôm 6/10, Reuters cho biết chuyến thăm có thể được tổ chức vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 năm nay, và hai nước đang thảo luận về nội dung của bản tuyên bố chung dự kiến sẽ được công bố nhân sự kiện này.
Nếu việc chuẩn bị diễn ra suôn sẻ, chuyến thăm của ông Tập sẽ tiếp tục là một thắng lợi cho hoạt động đối ngoại của Việt Nam, minh chứng cho nỗ lực “đi dây” của Hà Nội trong việc linh hoạt sắp xếp các cuộc tiếp xúc cấp cao với Mỹ và Trung Quốc. Với Việt Nam, sự kiện sẽ là dịp để Hà Nội củng cố lòng tin, vun đắp quan hệ và hoá giải những nghi kỵ không đáng có với Trung Quốc – vốn có thể phát sinh sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ. Với Trung Quốc, vấn đề quan trọng là Bắc Kinh sẽ đối thoại thế nào để đảm bảo Việt Nam không rơi vào quỹ đạo của Mỹ và cho Hà Nội thấy liên minh với Washington chống lại Bắc Kinh không phải là lựa chọn khôn ngoan.
Hơn ai hết, Việt Nam hiểu rõ vị trí (status) của mình trong tam giác Việt - Mỹ - Trung. Trả lời với báo giới hôm 5/10, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết “chưa có thông tin” về việc Việt Nam và Mỹ đang đàm phán mua bán vũ khí, bao gồm việc Washington dự tính chuyển giao các máy bay F-16 cho Hà Nội. Dù vậy, sau cuộc gặp (dự kiến) giữa ông Tập và các lãnh đạo cấp cao Việt Nam vào thời gian tới, nhiều khả năng Hà Nội sẽ chọn thời điểm thích hợp để công bố thoả thuận này, đồng thời tiếp tục khẳng định chính sách quốc phòng “bốn không”, bao gồm không liên kết với nước này để chống nước kia. Nếu các khả năng vừa nêu trở thành hiện thực, có lẽ Trung Quốc mới là quốc gia cần được nhắc nhớ: Chính tham vọng bá quyền của cường quốc này trên Biển Đông đang tự đẩy Hà Nội ra xa Bắc Kinh.
Hai tuần sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên “đối tác chiến lược toàn diện” (ngày 10/9), báo chí quốc tế tiết lộ việc hai nước đang đàm phán chuyển giao một phi đội chiến đấu cơ F-16 của Washington cho Hà Nội, một phần của thương vụ được xem là “lớn nhất trong lịch sử giữa hai cựu thù”. Dù cuộc thương thảo mới chỉ ở giai đoạn đầu và hai bên vẫn chưa thống nhất các điều khoản cụ thể, một nguồn tin đặt kỳ vọng lô khí tài sẽ được chuyển giao vào năm 2024.
Thông tin về đàm phán quốc phòng Việt - Mỹ xuất hiện đúng ngày Thủ tướng Phạm Minh Chính kết thúc chuyến công tác tại Mỹ từ ngày 17-23/9. Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyến đi nhằm “cụ thể hóa, triển khai những thỏa thuận trong tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden”. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã có 113 giờ tiếp xúc quan chức Mỹ và đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại đây, thúc đẩy hợp tác song phương với trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo – “đột phá mới” của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ.
Bước tiến lớn về chính trị - ngoại giao đã mở đường cho hai quốc gia chuyển hoá tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực trọng yếu thành thành quả cụ thể. Trong khi nỗ lực của ông Chính góp phần hiện thực hoá Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về việc tăng cường công tác ngoại giao kinh tế, phục vụ phát triển đất nước thì thoả thuận vũ khí (nếu có) với Washington rất có thể là bàn đạp cho việc hai nước thắt chặt hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, một chỉ dấu cho thấy mức độ tin cậy sâu sắc giữa Hà Nội và Washington.
Việc Việt Nam quyết định nâng cấp quan hệ với Mỹ lên ngang hàng với Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016) và Hàn Quốc (2022) không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia. Động thái này tiếp nối những bước đi vững chắc và ổn định của Hà Nội và Washington nhằm từng bước vượt qua khác biệt và củng cố sự tin cậy lẫn nhau trong gần 30 năm qua. Từ sau khi Tổng thống Bill Clinton và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao vào tháng 7/1995, các cột mốc tiêu biểu trong quan hệ hai nước có thể kể đến là việc ký kết Hiệp định thương mại song phương vào tháng 7/2000; thiết lập quan hệ “đối tác toàn diện” Việt - Mỹ vào tháng 7/2013; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Mỹ vào tháng 7/2015; và Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 5/2016.
Với chuyến thăm Việt Nam hai ngày (từ ngày 10-11/9) của ông Biden, Hà Nội và Washington thậm chí vượt qua khuôn khổ lễ nghi ngoại giao thông thường để xác lập bước phát triển lớn nhất trong quan hệ hai nước. Nếu thiếu đi lòng tin, Việt Nam và Mỹ khó có thể cùng nhau gác lại thù hận và mất mát của quá khứ, tìm được tiếng nói chung trong việc hoà giải, rồi tiến tới “thời khắc lịch sử” hôm 10/9. Lòng tin giữa hai nước trở thành một “biểu hiện cho sự phát triển quan trọng nhất trong mối quan hệ song phương”. Sự tin cậy giúp “hạn chế những trở ngại phát sinh từ sự không chắc chắn” và cho phép các bên thắt chặt các nỗ lực hợp tác.
Tuy nhiên, chỉ lòng tin là chưa đủ để hai nước tái định hình khuôn khổ quan hệ song phương. Sự hội tụ của lợi ích cốt lõi dựa trên toan tính chiến lược của Hà Nội với Washington mới là yếu tố nền tảng quyết định tầm vóc của quan hệ Việt - Mỹ. Trước khi ông Biden sang Việt Nam vài tháng, khả năng hai nước nâng cấp quan hệ ngoại giao vẫn dừng lại ở mức độ phỏng đoán, bất chấp thực tế Washington nhiều lần ngỏ ý với Hà Nội. Sự dè dặt xuất phát từ lo ngại của Việt Nam trước phản ứng của Trung Quốc và ngờ vực tồn tại trong nhóm đảng viên bảo thủ tại Hà Nội về nguy cơ “diễn biến hoà bình”, ý định thực sự của Washington đằng sau “chiêu bài dân chủ, nhân quyền” nhằm làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong hai lý do nói trên, yếu tố Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo.
Một trong những sự kiện mang tính bước ngoặt là cuộc điện đàm giữa ông Trọng và ông Biden vào cuối tháng 3/2023, đánh dấu thời điểm Việt Nam và Mỹ “nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì lợi ích của hai nước, hòa bình, hợp tác và phát triển”. Lần nói chuyện hiếm hoi giữa hai nhà lãnh đạo, ngoài mục đích kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ “đối tác toàn diện” Việt - Mỹ (2013), diễn ra trong một thời điểm đáng chú ý. Trước đó hơn một tuần, Nga và Trung Quốc thống nhất thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nhân dịp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Nga từ 20-22/3/2023. Việc ông Tập đến Nga trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức chủ tịch nước nhiệm kỳ thứ ba đã khẳng định vai trò then chốt của Moscow trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Dường như chuyển biến mới trong quan hệ Nga - Trung thời điểm đó đã tạo ra một số thay đổi quan trọng trong cục diện chính trị ở châu Á, phần nào buộc Hà Nội đánh giá lại quan hệ với các cường quốc trong khu vực.
Đối với Việt Nam, Nga – “quốc gia kế tục” Liên Xô – là người bạn truyền thống và là đối tác tin cậy. Trước đây, Moscow viện trợ về quân sự và kinh tế cho Hà Nội trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Hiện nay, ngoài việc cung cấp khoảng 60% (thống kê đến năm 2021) cho kho vũ khí của Việt Nam, Nga còn hợp tác với quốc gia Đông Nam Á trong các dự án năng lượng quan trọng trên Biển Đông. Với sự hiện diện của Moscow (dù với tiềm lực và vị thế suy giảm), Việt Nam vẫn có thêm một đối trọng để kiềm chế sức ép từ Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp.
Tuy nhiên, sự gần gũi của quan hệ Nga - Trung có thể khiến kế hoạch của Hà Nội “phá sản”. Bởi lẽ, với Nga, Trung Quốc đủ khả năng hỗ trợ quốc gia này về kinh tế trong giai đoạn Nga đang bị phương Tây cấm vận và chịu nhiều khó khăn trước mắt, và cả hai đều chung mục tiêu thoát khỏi ảnh hưởng của phương Tây để thiết lập trật tự thế giới mới về lâu dài. Không gì có thể đảm bảo Nga sẽ dễ dàng từ bỏ quan hệ đang lớn mạnh với Trung Quốc để đứng về phía Việt Nam, nhất là khi Moscow chủ trương không can thiệp vào vấn đề Biển Đông và vẫn đối mặt với các lệnh cấm vận của Mỹ và đồng minh do cuộc chiến kéo dài tại Ukraine.
Sẽ là vội vàng nếu kết luận Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ chỉ để phản ứng trước việc Trung Quốc và Nga tăng cường hợp tác. Tuy nhiên, cũng chưa thật đầy đủ nếu xem xét chuyển biến của quan hệ Việt - Mỹ mà không đánh giá tác động từ các yếu tố mới trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Moscow. Như một số nhà quan sát nhận định, quan hệ Việt - Mỹ vốn “chưa bao giờ chỉ liên quan đến Việt Nam và Mỹ”. Trong trường hợp này, việc triển khai hợp tác với Washington trên tất cả các lĩnh vực chủ chốt, đồng thời đặt quan hệ với Washington ngang hàng với Trung Quốc và Nga vừa thể hiện sự nhất quán trong đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ” và “đa dạng hoá, đa phương hoá” của Việt Nam, vừa là cách Hà Nội tự “phòng ngừa rủi ro” (insurance-seeking behaviour) để bảo vệ lợi ích quốc gia trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng trên Biển Đông. Nói cách khác, Việt Nam có thứ Mỹ cần, và Washington mang đến những gì Hà Nội đang tìm kiếm. Với việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Việt Nam tiếp tục những bước đi được tính toán cẩn trọng để củng cố vị thế cân bằng khéo léo giữa hai siêu cường, nhất là khi cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ - Trung trở nên phức tạp, quan hệ giữa hai cường quốc ngày càng khó đoán.
Tuy nhiên, việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ không có nghĩa là phủ nhận yếu tố lòng tin trong quan hệ Việt - Trung. Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn bình luận của các chuyên gia tin rằng Việt Nam có thể tự mình cân nhắc lợi và hại khi tham gia vào thoả thuận vũ khí với Mỹ để không trở thành con tốt thí trong bàn cờ đại chiến lược của Washington. Trước đó, tờ báo này cũng nhấn mạnh sự tương đồng về ý thức hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh, yếu tố cũng đồng thời là khác biệt căn bản của quan hệ Việt - Trung so với quan hệ Việt - Mỹ. Với nền tảng đó, cùng với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản tại mỗi quốc gia, truyền thống hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục được vun đắp trên tinh thần của những người “đồng chí anh em”.
Hiện tại, trở ngại lớn nhất trong quan hệ song phương có lẽ là tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Dù vậy, yếu tố này hiếm khi là nguyên nhân cản trở hai nước duy trì đối thoại trên các kênh liên lạc thường xuyên, cũng như trong các hoạt động trao đổi đoàn các cấp. Năm 2014, ngay cả khi quan hệ hai nước căng thẳng sâu sắc sau khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Công an hai nước và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc vẫn duy trì đối thoại thông qua điện đàm. Trên thực tế, Việt Nam và Trung Quốc nhiều lần nhắc lại nhận thức chung về việc thống nhất xử lý ổn thỏa vấn đề trên biển thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, nhấn mạnh nỗ lực cùng nhau duy trì an ninh, ổn định ở khu vực. Với tinh thần “tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau”, chủ trương “lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng” sẽ là định hướng lâu dài trong xử lý các vấn đề còn nhiều khác biệt giữa hai nước.
Tinh thần đó được ông Trọng tái khẳng định trong chuyến thăm và làm việc tại Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, hôm 25/8, với sự tham gia của Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba. Tại vùng đất “phên dậu”, cửa khẩu lớn và lâu đời nhất giữa hai nước, ông Trọng nhắc lại ưu tiên của Việt Nam trong việc phát triển quan hệ tốt đẹp với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc. Hoạt động ở Lạng Sơn là chuyến công tác trong nước thứ hai của ông Trọng trong năm nay (sau chuyến đi Thái Nguyên hồi tháng 1), diễn ra chỉ hơn hai tuần trước khi ông Biden đến Hà Nội. Chuyến đi gửi một thông điệp thiện chí đến Bắc Kinh, ngay trước thời điểm Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ. Như các lãnh đạo Hà Nội thường xuyên khẳng định, Việt Nam “coi trọng và ưu tiên hàng đầu” quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Trung với phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”, chủ trương phát triển hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực then chốt như chính trị, kinh tế và quốc phòng.
Dù vậy, Lạng Sơn không chỉ là biểu tượng của hợp tác và phát triển trong quan hệ Việt - Trung. Đối với Hà Nội, Lạng Sơn còn gắn liền với ký ức đau thương khi quân đội Trung Quốc tràn xuống sáu tỉnh phía Bắc của Việt Nam vào tháng 2/1979. Sự kiện đánh dấu quan hệ song phương chạm đáy kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950, hệ quả của một loạt nguyên nhân xuất phát từ những rạn nứt giữa Hà Nội và Bắc Kinh, kếp hợp với những thay đổi trong tương quan quyền lực ở khu vực. Như lời của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, có những thế lực đã “tự vạch mặt là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của nhân dân” Việt Nam trong cuộc chiến mà lâu nay Hà Nội vẫn gọi là “cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc”. Khi lợi ích thay đổi, Trung Quốc có thể từ người “đồng chí” viện trợ sức người và của cho Việt Nam suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, trở thành một cường quốc láng giềng xem Hà Nội là “kẻ thù” và phát động chiến tranh dọc tuyến biên giới giữa hai nước. Với Việt Nam, cuộc chiến vẫn là một “bài học” nhãn tiền về lợi ích và lòng tin. Bất luận Trung Quốc đã “từ bỏ ý đồ xâm lược Việt Nam” hay chưa, Hà Nội hiểu rằng tồn tại hoà bình và duy trì quan hệ ổn định với Bắc Kinh không phải là vấn đề chọn lựa, đó là điều kiện bắt buộc đối với an ninh quốc gia và là yếu tố sống còn cho sự phát triển của đất nước.
Do đó, nhiều khả năng chuyến thăm của ông Biden không phải là điểm nhấn cuối cùng trong một năm bận rộn của ngành ngoại giao Việt Nam. Cuối tháng 4/2023, khi thăm và làm việc tại Trung Quốc, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đã chuyển lời mời thăm Việt Nam của ông Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới ông Tập Cận Bình trong năm 2023, đúng dịp hai nước kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008). Trước đó, Việt Nam đã nhận được cái gật đầu từ ông Tập Cận Bình khi ông Trọng thăm chính thức Trung Quốc vào tháng 10-11/2022, dù khi đó hai bên chưa xác nhận thời điểm cụ thể. Hôm 6/10, Reuters cho biết chuyến thăm có thể được tổ chức vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 năm nay, và hai nước đang thảo luận về nội dung của bản tuyên bố chung dự kiến sẽ được công bố nhân sự kiện này.
Nếu việc chuẩn bị diễn ra suôn sẻ, chuyến thăm của ông Tập sẽ tiếp tục là một thắng lợi cho hoạt động đối ngoại của Việt Nam, minh chứng cho nỗ lực “đi dây” của Hà Nội trong việc linh hoạt sắp xếp các cuộc tiếp xúc cấp cao với Mỹ và Trung Quốc. Với Việt Nam, sự kiện sẽ là dịp để Hà Nội củng cố lòng tin, vun đắp quan hệ và hoá giải những nghi kỵ không đáng có với Trung Quốc – vốn có thể phát sinh sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ. Với Trung Quốc, vấn đề quan trọng là Bắc Kinh sẽ đối thoại thế nào để đảm bảo Việt Nam không rơi vào quỹ đạo của Mỹ và cho Hà Nội thấy liên minh với Washington chống lại Bắc Kinh không phải là lựa chọn khôn ngoan.
Hơn ai hết, Việt Nam hiểu rõ vị trí (status) của mình trong tam giác Việt - Mỹ - Trung. Trả lời với báo giới hôm 5/10, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết “chưa có thông tin” về việc Việt Nam và Mỹ đang đàm phán mua bán vũ khí, bao gồm việc Washington dự tính chuyển giao các máy bay F-16 cho Hà Nội. Dù vậy, sau cuộc gặp (dự kiến) giữa ông Tập và các lãnh đạo cấp cao Việt Nam vào thời gian tới, nhiều khả năng Hà Nội sẽ chọn thời điểm thích hợp để công bố thoả thuận này, đồng thời tiếp tục khẳng định chính sách quốc phòng “bốn không”, bao gồm không liên kết với nước này để chống nước kia. Nếu các khả năng vừa nêu trở thành hiện thực, có lẽ Trung Quốc mới là quốc gia cần được nhắc nhớ: Chính tham vọng bá quyền của cường quốc này trên Biển Đông đang tự đẩy Hà Nội ra xa Bắc Kinh.
Từ khoá: quan hệ Việt - Mỹ quan hệ Việt - Trung lòng tin chính trị tam giác Việt - Trung - Mỹ