Chính sách đối ngoại của Prabowo: “Tiếp tục” nhưng “năng động hơn”

Kế thừa chính sách của người tiền nhiệm, tân Tổng thống Prabowo Subianto tiếp tục xác định “trung lập” và “không liên kết” là định hướng chủ đạo trong chính sách đối ngoại của Indonesia. Tuy nhiên, những động thái ngoại giao gần đây, nhất là việc ông Prabowo tích cực thúc đẩy quan hệ với các cường quốc trong khu vực, báo hiệu sự năng động hơn trong tư duy và thực tiễn đối ngoại của chính quyền mới.

Huỳnh Tâm Sáng 21/05/2024
Image
Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto (trái) bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong chuyến thăm Tokyo vào ngày 4/3/2024. - (C): Kompas.id

Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia được xem là quốc gia tầm trung có truyền thống đóng vai trò tích cực trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Theo báo cáo mới nhất về “Chỉ số Ngoại giao Toàn cầu” (Global Diplomatic Index) được công bố bởi Lowy Institute, Indonesia - “nền dân chủ lớn thứ ba trên thế giới và là quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất” - là quốc gia dẫn đầu về mạng lưới ngoại giao rộng khắp ở khu vực Đông Nam Á, với 130 cơ quan đại diện ở nước ngoài.

Năm 2022, khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20), Indonesia tập trung vào y tế, khí hậu, nền kinh tế kỹ thuật số và các ưu tiên phát triển kinh tế, qua đó đã lèo lái G20 đi đúng hướng, và giúp Indonesia nhận được sự đánh giá tích cực.

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia có nhiều nỗ lực kết nối, với hơn 145 cuộc đối thoại đã được tiến hành với hầu hết các bên liên quan. Jakarta cũng giúp củng cố tầm nhìn dài hạn của ASEAN, tập trung cho các ưu tiên về củng cố Cộng đồng văn hoá - xã hội, và nhấn mạnh quyết tâm thiết lập khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Theo đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá rằng Indonesia - trong vai trò Chủ tịch ASEAN - đã đạt được nhiều thành tựu bất chấp tình hình toàn cầu khó khăn.

Với việc ông Prabowo Subianto sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống Indonesia vào tháng 10 sắp tới, dư luận chú ý nhiều hơn đến chính sách đối ngoại của quốc gia vạn đảo này. Xem xét những chuyến thăm chính thức nước ngoài của ông Prabowo trong tháng 4 vừa qua sẽ mang lại nhiều chỉ dấu cho việc hình dung các đường hướng trong chính sách đối ngoại của Indonesia.

Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia: Hàm ý từ các chuyến thăm

Không lâu sau khi được chính thức xác nhận là tổng thống đắc cử thứ 8 của Indonesia, ông Prabowo đã có chuyến thăm đến Bắc Kinh theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông tiếp tục đến Tokyo để gặp Thủ tướng Kishida Fumio. Sau đó, ông Prabowo đã đến Kuala Lumpur để gặp Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim.

Điểm chung của ba chuyến thăm là các bên đã trao đổi về các kế hoạch để thắt chặt quan hệ song phương, bao gồm cả quan hệ quốc phòng. Quan trọng là, các chuyến thăm kể trên - vốn giúp tân Tổng thống Indonesia “khởi động” cho các tương tác ngoại giao trong khu vực - cung cấp một số hàm ý quan trọng cho chính sách đối ngoại sắp tới của chính quyền Prabowo.

Nhìn rộng hơn, các chuyến thăm cho thấy một động lực mạnh mẽ ở Indonesia về tầm nhìn đối ngoại, đó là, bất kể ai là tổng thống, quốc gia này vẫn trung thành với nguyên tắc bất khả xâm phạm bebas-aktif - tự do (free) và tích cực (active) - trong chính sách đối ngoại của mình. Trong cuộc tranh luận về bầu cử tổng thống vào tháng 1 năm nay, ông Prabowo cam kết, nếu đắc cử, ông sẽ triển khai chính sách đối ngoại của đất nước “theo truyền thống là tự do, tích cực, không liên kết và trung lập kể từ khi bắt đầu giành độc lập”, ông cũng nhấn mạnh về việc phải duy trì “quan hệ tốt với tất cả (các quốc gia)” để “đảm bảo lợi ích quốc gia”.

Với hai chuyến thăm đầu tiên, ông Prabowo mong muốn đạt được sự cân bằng ngoại giao với Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế hàng đầu ở khu vực châu Á, trong bối cảnh hai đối thủ cạnh tranh đang nỗ lực giảnh ảnh hưởng và lợi thế chiến lược ở Đông Nam Á.

Chuyến thăm của ông Prabowo đến Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh quan hệ kinh tế hai nước ngày càng gắn kết. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Indonesia, và Jakarta cũng là quốc gia tham gia tích cực trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh. Cụ thể, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD để hỗ trợ xây dựng các cơ sở hạ tầng ở Indonesia, nổi bật là Dự án đường sắt cao tốc nối thủ đô Jakarta với thành phố Bandung của nước này. Tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á là một dự án dài 140 km do Bắc Kinh hậu thuẫn và đã đi vào hoạt động vào tháng 10 năm ngoái. Khi tiếp ông Prabowo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi tuyến đường sắt cao tốc này là hình mẫu về hợp tác song phương chất lượng cao và hai nước đã bước vào một giai đoạn xây dựng mới của việc xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai (a community with a shared future).

Trong khu vực, quan hệ giữa Jakarta với Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ chiếm địa vị quan trọng trong nhận thức và thực tiễn triển khai chính sách của chính quyền Prabowo. Chuyến thăm của ông Prabowo - quan chức nước ngoài mới đắc cử không lâu - đến Bắc Kinh được xem là “hiếm hoi”, khi chuyến thăm kèm theo nhiều hàm ý chính trị bên cạnh động thái ngoại giao.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại (phone conversation) với Ferdinand Marcos Jr. sau khi ông thắng cử tổng thống Philippines vào tháng 5/2022. Phải đến tháng 1/2023, hai nhà lãnh đạo mới gặp nhau tại Bắc Kinh, tuy nhiên, cuộc gặp ngoài tìm kiếm các biện pháp tăng cường quan hệ kinh tế thì còn nhằm thảo luận để giải quyết xung đột tại Biển Đông. Như vậy, ban đầu phía Trung Quốc đã không có chủ đích gặp mặt trực tiếp Tổng thống Marcos. Đổi lại, ứng xử của phía Trung Quốc với ông Prabowo, Tổng thống đắc cử Indonesia, lại “ấm áp” hơn nhiều. Sau cuộc bầu cử Indonesia, Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Lục Khảng (Lu Kang) là một trong những quan chức đầu tiên chúc mừng ông Prabowo, và thậm chí ông đã đến thăm dinh bộ trưởng quốc phòng để gửi lời chúc mừng.

Mục tiêu của Trung Quốc khá rõ ràng. Cường quốc này cần duy trì các kết nối về con người để thúc đẩy các dự án kinh tế của “xứ sở vạn đảo” với dân số hiện lên đến gần 274,5 triệu người. Bên cạnh đó, Bắc Kinh mong muốn việc chủ động “chìa cành ô liu” sẽ có thể giữ cho chính quyền sắp tới của Indonesia duy trì chính sách trung lập, và không ủng hộ Philippines (quốc gia đang có mâu thuẫn gay gắt với Trung Quốc ở Biển Đông), cũng như các quốc gia khác trong các tranh chấp lãnh hải ở vùng biển này. Điều này càng có cơ sở khi trong cuộc gặp với ông Prabowo vào ngày 18/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã bàn về triển vọng hợp tác kinh tế, thậm chí đề nghị một cuộc tập trận chung giữa hai nước.

Trong khi đó, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của Indonesia và đang đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á. Tokyo vừa là đồng minh hàng đầu của Washington ở châu Á, vừa là thành viên trong Đối thoại An ninh Bốn bên (QUAD) - thường được gọi là “Bộ tứ Kim cương”, gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Cũng không kém phần quan trọng, Indonesia và Nhật Bản là hai cường quốc tầm trung năng động và đều là thành viên của G20, vì thế chia sẻ tầm quan trọng của thương mại và đầu tư trong việc nâng cao sức mạnh quốc gia và thúc đẩy quan hệ song phương.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Kishida tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ thúc đẩy quan hệ với Indonesia thông qua hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực của Indonesia trong quá trình gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đối với Indonesia, việc gia nhập OECD sẽ giúp quốc gia này thu hút được nhiều thỏa thuận đầu tư và thương mại hơn. Đáng chú ý, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đăng ký để trở thành thành viên của tổ chức này. Thủ tướng Kishida cũng nhấn mạnh Nhật Bản rất coi trọng hợp tác với Indonesia trong việc duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền và cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác an ninh với Indonesia. Khía cạnh tích cực nữa là, Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ cam kết của Tokyo trong việc thúc đẩy hợp tác an ninh với Indonesia, trong đó bao gồm khoản tài trợ vào tháng 12/2023 cho quốc gia Đông Nam Á này với các tàu tuần tra trị giá 9,05 tỷ yên (khoảng 59,66 triệu USD).

Trong các chiến dịch bầu cử, Prabowo nhiều lần cam kết “tiếp tục” các chính sách của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko “Jokowi” Widodo, nhất là duy trì một chính sách đối ngoại độc lập và không liên kết. Chính quyền Jokowi đã củng cố mối quan hệ với Nhật Bản để thu hút đầu tư và đạt được tiến bộ rõ rệt trong việc phát triển cơ sở hạ tầng chung. Nhiều khả năng ông Prabowo sẽ tiếp tục các thành tựu của chính quyền tiền nhiệm trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ đầu tư với Nhật Bản. Trong bối cảnh Nhật Bản ngày càng cởi mở hơn trong việc đẩy mạnh hợp tác an ninh với các quốc gia Đông Nam Á nhằm kiềm chế Trung Quốc, việc tăng cường ngoại giao quốc phòng và tìm kiếm các cơ hội hợp tác hay chuyển giao về công nghệ quốc phòng với đối tác Đông Á này là có triển vọng.

Bên cạnh đó, việc ông Prabowo lựa chọn dừng chân ở Malaysia cho thấy ông có kế hoạch cân bằng ngoại giao giữa Indonesia với các nền kinh tế lớn ở Đông Á (Trung Quốc và Nhật Bản) và ASEAN (Malaysia) - nhất là khẳng định rằng chính quyền Prabowo vẫn xem Indonesia là quốc gia Đông Nam Á thực thụ và có lợi ích gắn bó chặt chẽ với khu vực. Trong chuyến thăm Malaysia, ông cho biết Indonesia có kế hoạch tăng cường quan hệ với “các quốc gia thân thiện” (friendly nations) trong ASEAN, ông Prabowo đã “gọi tên” Malaysia, như để khẳng định tầm quan trọng của Kuala Lumpur trong chính sách đối ngoại của Jakarta.

Theo kế hoạch, Malaysia sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2025. Do đó, chuyến thăm của ông Prabowo là động thái ngoại giao cần thiết, giúp mở đường cho những tương tác tích cực giữa hai nước khi Malaysia đảm nhiệm vị trí quan trọng trong ASEAN. Điểm tích cực là hai quốc gia láng giềng có sự chia sẻ về nhiều vấn đề, bao gồm việc ủng hộ Palestine, lập trường về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Myanmar và tương lai của xuất khẩu dầu cọ.

Liệu có trở ngại?

Tuy nhiên, liệu ông Prabowo có thể thúc đẩy quan hệ giữa Indonesia với cả 3 quốc gia này mà không vướng nhiều trở ngại? Với Nhật Bản và Malaysia thì câu trả lời là “có thể”, nhưng với trường hợp Trung Quốc thì lại là “chưa chắc”.

Việc chính quyền của Tổng thống Joko Widodo có quan điểm khá cởi mở với các khoản đầu tư từ Trung Quốc đã hứng chịu nhiều chỉ trích và quan ngại. Sự hiện diện của một lượng lớn người Hoa ở Indonesia, dù tạo thành nguồn sức mạnh kinh tế quan trọng cho quốc gia này, lại là nguồn cơn gây căng thẳng về chính trị - xã hội ở đất nước vạn đảo.

Sự hiện diện đông đảo của lao động nhập cư Trung Quốc ở Indonesia cũng bị chỉ trích là đe dọa việc làm của người dân địa phương, gia tăng sự phụ thuộc của Indonesia vào Trung Quốc trong việc phát triển kinh tế (đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác mỏ), đồng thời có khả năng gây tổn thương đối với chủ quyền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này. Khi quan hệ kinh tế giữa Indonesia với Trung Quốc trở nên sâu sắc hơn, những tranh cãi cũng mở rộng hơn về khả năng Indonesia lệ thuộc vào Trung Quốc về phương diện thương mại và các dự án cơ sở hạ tầng. Tâm lý chống Trung Quốc cũng có thể trầm trọng hơn khi xảy ra các vấn đề môi trường và xã hội, trước đây đã có báo cáo về một số vụ tai nạn tại các nhà máy thuộc sở hữu của Trung Quốc và sự cố ô nhiễm môi trường khiến người dân địa phương bất bình.

Không dừng lại ở các rủi ro kinh tế, những thách thức địa chính trị vẫn còn đó, đặc biệt là sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Dù Indonesia không phải là một bên yêu sách trong các tranh chấp ở Biển Đông, quốc gia này có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn với các yêu sách mở rộng của Trung Quốc, dẫn đến một số căng thẳng trong quan hệ song phương. Quần đảo Natuna nằm trong EEZ của Indonesia, nhưng vùng biển này lại chồng lấn với khu vực ở Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền theo “đường chín đoạn” phi pháp mà nước này hay lấy đó làm cơ sở cho các yêu sách. Indonesia liên tục bày tỏ quan điểm rằng “đường chín đoạn” của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý và thậm chí còn từ chối đàm phán với Bắc Kinh với lập luận “Dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, Indonesia không có yêu sách chồng chéo với Trung Quốc nên việc tổ chức bất kỳ cuộc đối thoại nào về phân định ranh giới trên biển là không phù hợp”.

Indonesia cũng nổi tiếng cứng rắn trong vấn đề chủ quyền trên biển. Vào năm 2021, Trung Quốc yêu cầu Indonesia phải ngừng việc nghiên cứu khai thác tài nguyên quanh quần đảo Natuna nhưng Jakarta đã phớt lờ yêu cầu này. Trên thực tế, các tàu tuần tra lớn của Cảnh sát biển Trung Quốc cũng nhiều lần tăng cường các hoạt động giám sát trong khu vực. Đối lại, phía Indonesia cũng thường xuyên triển khai tàu chiến tới vùng biển phía Bắc Natuna để giám sát tàu tuần duyên Trung Quốc hoạt động trong khu vực hàng hải giàu tài nguyên mà cả hai nước đều tuyên bố là của mình.

Không gì có thể đảm bảo sẽ không có căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc ở Biển Đông trong tương lai. Theo cuộc khảo sát được công bố vào tháng 3 do Cơ quan Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Indonesia (ISDS) và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Kompas thực hiện, gần 80% người dân Indonesia được hỏi coi các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe dọa đối với chủ quyền của đất nước, và thậm chí gần một nửa số người được khảo sát ủng hộ Indonesia nên theo đuổi chiến lược liên minh phòng thủ với các quốc gia Đông Nam Á để củng cố vị thế của mình. Xuất thân là quan chức quốc phòng với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực này, ông Prabowo rất có thể sẽ có động thái cứng rắn nếu Trung Quốc đe doạ hay gây trở ngại cho các lợi ích của Indonesia ở Biển Đông.

Chính sách đối ngoại của Indonesia dưới thời Prabowo? 

Bối cảnh địa chính trị trong khu vực có thể mang lại nhiều hàm ý cho tương lai chính sách đối ngoại của Indonesia. Cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gia tăng đặt Indonesia (và cả các quốc gia Đông Nam Á khác) vào tình thế bấp bênh khi Jakarta phải điều hướng các chính sách của mình một cách cẩn trọng để tránh trở nên quá lệ thuộc hay liên kết quá chặt chẽ với một cường quốc. Những gì ông Prabowo đã thể hiện, bao gồm các cam kết ngoại giao của ông khi tranh cử và cả các động thái ngoại giao đáng chú ý gần đây như tiếp cận Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia, báo hiệu một chiến lược đa dạng hóa quan hệ và cân bằng của Tổng thống đắc cử, nhằm củng cố vị thế và tăng cường ảnh hưởng của Indonesia trong khu vực.

Trước mắt, có thể thấy chuyến thăm đến Bắc Kinh ngay sau chiến thắng bầu cử của ông Prabowo là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy ý định của tân Tổng thống Indonesia trong việc duy trì quan hệ với Trung Quốc, thậm chí là có thể nhằm đưa quan hệ kinh tế song phương gắn bó hơn. Vốn là người theo chủ nghĩa dân tộc với lập trường mạnh mẽ về chủ quyền, cách tiếp cận hiện tại của Prabowo là đáng chú ý khi ông nỗ lực cân bằng xu hướng dân tộc chủ nghĩa với chính sách đối ngoại thực dụng, đặc biệt là liên quan đến các vấn đề chủ quyền hàng hải và an ninh ở biển Natuna. Điều này không loại trừ chính quyền Prabowo sẽ ưu tiên tăng cường xây dựng lực lượng hải quân mạnh hơn cho mục đích phòng thủ, đồng thời để chúng đóng vai trò như một lực lượng răn đe ở vùng biển xung quanh quần đảo Natuna, nơi các hoạt động xâm lấn và tuần tra của tàu cá Trung Quốc diễn ra ngày càng thường xuyên.

Dưới sự lãnh đạo sắp tới của Prabowo, Indonesia có thể triển khai chính sách đối ngoại với Trung Quốc theo quỹ đạo tiếp tục can dự chiến lược với Bắc Kinh, tập trung vào theo đuổi hợp tác kinh tế thông qua các dự án phát triển nhưng nhấn mạnh việc bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia (nhất là trong các vấn đề an ninh hàng hải). Cách tiếp cận này đòi hỏi ông Prabowo phải có hành động cân bằng tinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đồng thời giải quyết những lo ngại trong nước về ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại quốc gia này.

Bên cạnh đó, ông Prabowo có thể lèo lái chính sách đối ngoại của Indonesia theo hướng đa dạng hóa hơn nữa các mối quan hệ quốc tế của mình, tập trung vào xây dựng quan hệ tốt đẹp với các cường quốc tầm trung trong khu vực như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Malaysia, và Việt Nam. Điểm dừng dân của ông Prabowo ở Kuala Lumpur, dù mang tính biểu tượng là chủ yếu, cho thấy ông nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Indonesia. Tuy nhiên, vẫn phải chờ xem ASEAN sẽ tiếp tục đóng vai trò là nền tảng ra sao trong chính sách đối ngoại của Indonesia.

Tính hiệu quả của nỗ lực xây dựng quan hệ tốt đẹp với các quốc gia trong khu vực của ông Prabowo sẽ được chứng minh qua các chính sách cụ thể nhằm lèo lái chính sách đối ngoại của Indonesia theo quỹ đạo duy trì tính tự chủ và năng động, trong khi tránh phụ thuộc quá mức vào đầu tư của Trung Quốc, song song với giảm thiểu các rủi ro liên quan đến căng thẳng địa chính trị, và không kém phần chiến lược là giúp Indonesia có sự hỗ trợ về ngoại giao cần thiết trong trường hợp căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông trở nên gay gắt.

Nhiều khả năng Indonesia sẽ tích cực hơn trong việc xây dựng và quản lý mối quan hệ cân bằng với các cường quốc, mà chuyến thăm của ông đến Nhật Bản, một đồng minh trung thành của Mỹ, là minh hoạ rõ nét. Indonesia cũng sẽ có lợi khi tăng cường quan hệ với Mỹ, nhưng vẫn phải chờ xem chính quyền Prabowo sẽ thực hiện các nỗ lực cụ thể ra sao.

Những động thái ngoại giao khéo léo và cân bằng của ông Prabowo cho thấy ông dần thử thách bản thân ở cương vị mới, nhất là đi từ “quân sự” đến “ngoại giao”. Các chuyến thăm kể trên cũng góp phần phản ánh cam kết của Indonesia đối với chính sách đối ngoại độc lập và tích cực. Hơn nữa, với việc không chỉ đến thăm Trung Quốc, Prabowo rất có thể gửi thông điệp đến các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, rằng chính quyền mới của ông không lấy Trung Quốc làm trung tâm trong chính sách đối ngoại. Cũng không kém phần quan trọng, ta có thể phần nào thấy rằng, với Indonesia, yếu tố kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc sẽ là trọng tâm, trong khi với Nhật Bản thì triển vọng là đầu tư và quốc phòng sẽ song hành, trong khi duy trì sự ổn định để tìm kiếm sự ủng hộ về chính trị là động lực trong quan hệ với Malaysia.

Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia được xem là quốc gia tầm trung có truyền thống đóng vai trò tích cực trong các vấn đề khu vực và toàn cầu. Theo báo cáo mới nhất về “Chỉ số Ngoại giao Toàn cầu” (Global Diplomatic Index) được công bố bởi Lowy Institute, Indonesia - “nền dân chủ lớn thứ ba trên thế giới và là quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất” - là quốc gia dẫn đầu về mạng lưới ngoại giao rộng khắp ở khu vực Đông Nam Á, với 130 cơ quan đại diện ở nước ngoài.

Năm 2022, khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20), Indonesia tập trung vào y tế, khí hậu, nền kinh tế kỹ thuật số và các ưu tiên phát triển kinh tế, qua đó đã lèo lái G20 đi đúng hướng, và giúp Indonesia nhận được sự đánh giá tích cực.

Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2023, Indonesia có nhiều nỗ lực kết nối, với hơn 145 cuộc đối thoại đã được tiến hành với hầu hết các bên liên quan. Jakarta cũng giúp củng cố tầm nhìn dài hạn của ASEAN, tập trung cho các ưu tiên về củng cố Cộng đồng văn hoá - xã hội, và nhấn mạnh quyết tâm thiết lập khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Theo đó, các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá rằng Indonesia - trong vai trò Chủ tịch ASEAN - đã đạt được nhiều thành tựu bất chấp tình hình toàn cầu khó khăn.

Với việc ông Prabowo Subianto sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống Indonesia vào tháng 10 sắp tới, dư luận chú ý nhiều hơn đến chính sách đối ngoại của quốc gia vạn đảo này. Xem xét những chuyến thăm chính thức nước ngoài của ông Prabowo trong tháng 4 vừa qua sẽ mang lại nhiều chỉ dấu cho việc hình dung các đường hướng trong chính sách đối ngoại của Indonesia.

Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia: Hàm ý từ các chuyến thăm

Không lâu sau khi được chính thức xác nhận là tổng thống đắc cử thứ 8 của Indonesia, ông Prabowo đã có chuyến thăm đến Bắc Kinh theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông tiếp tục đến Tokyo để gặp Thủ tướng Kishida Fumio. Sau đó, ông Prabowo đã đến Kuala Lumpur để gặp Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim.

Điểm chung của ba chuyến thăm là các bên đã trao đổi về các kế hoạch để thắt chặt quan hệ song phương, bao gồm cả quan hệ quốc phòng. Quan trọng là, các chuyến thăm kể trên - vốn giúp tân Tổng thống Indonesia “khởi động” cho các tương tác ngoại giao trong khu vực - cung cấp một số hàm ý quan trọng cho chính sách đối ngoại sắp tới của chính quyền Prabowo.

Nhìn rộng hơn, các chuyến thăm cho thấy một động lực mạnh mẽ ở Indonesia về tầm nhìn đối ngoại, đó là, bất kể ai là tổng thống, quốc gia này vẫn trung thành với nguyên tắc bất khả xâm phạm bebas-aktif - tự do (free) và tích cực (active) - trong chính sách đối ngoại của mình. Trong cuộc tranh luận về bầu cử tổng thống vào tháng 1 năm nay, ông Prabowo cam kết, nếu đắc cử, ông sẽ triển khai chính sách đối ngoại của đất nước “theo truyền thống là tự do, tích cực, không liên kết và trung lập kể từ khi bắt đầu giành độc lập”, ông cũng nhấn mạnh về việc phải duy trì “quan hệ tốt với tất cả (các quốc gia)” để “đảm bảo lợi ích quốc gia”.

Với hai chuyến thăm đầu tiên, ông Prabowo mong muốn đạt được sự cân bằng ngoại giao với Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế hàng đầu ở khu vực châu Á, trong bối cảnh hai đối thủ cạnh tranh đang nỗ lực giảnh ảnh hưởng và lợi thế chiến lược ở Đông Nam Á.

Chuyến thăm của ông Prabowo đến Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh quan hệ kinh tế hai nước ngày càng gắn kết. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Indonesia, và Jakarta cũng là quốc gia tham gia tích cực trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh. Cụ thể, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD để hỗ trợ xây dựng các cơ sở hạ tầng ở Indonesia, nổi bật là Dự án đường sắt cao tốc nối thủ đô Jakarta với thành phố Bandung của nước này. Tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á là một dự án dài 140 km do Bắc Kinh hậu thuẫn và đã đi vào hoạt động vào tháng 10 năm ngoái. Khi tiếp ông Prabowo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi tuyến đường sắt cao tốc này là hình mẫu về hợp tác song phương chất lượng cao và hai nước đã bước vào một giai đoạn xây dựng mới của việc xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai (a community with a shared future).

Trong khu vực, quan hệ giữa Jakarta với Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ chiếm địa vị quan trọng trong nhận thức và thực tiễn triển khai chính sách của chính quyền Prabowo. Chuyến thăm của ông Prabowo - quan chức nước ngoài mới đắc cử không lâu - đến Bắc Kinh được xem là “hiếm hoi”, khi chuyến thăm kèm theo nhiều hàm ý chính trị bên cạnh động thái ngoại giao.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại (phone conversation) với Ferdinand Marcos Jr. sau khi ông thắng cử tổng thống Philippines vào tháng 5/2022. Phải đến tháng 1/2023, hai nhà lãnh đạo mới gặp nhau tại Bắc Kinh, tuy nhiên, cuộc gặp ngoài tìm kiếm các biện pháp tăng cường quan hệ kinh tế thì còn nhằm thảo luận để giải quyết xung đột tại Biển Đông. Như vậy, ban đầu phía Trung Quốc đã không có chủ đích gặp mặt trực tiếp Tổng thống Marcos. Đổi lại, ứng xử của phía Trung Quốc với ông Prabowo, Tổng thống đắc cử Indonesia, lại “ấm áp” hơn nhiều. Sau cuộc bầu cử Indonesia, Đại sứ Trung Quốc tại Indonesia Lục Khảng (Lu Kang) là một trong những quan chức đầu tiên chúc mừng ông Prabowo, và thậm chí ông đã đến thăm dinh bộ trưởng quốc phòng để gửi lời chúc mừng.

Mục tiêu của Trung Quốc khá rõ ràng. Cường quốc này cần duy trì các kết nối về con người để thúc đẩy các dự án kinh tế của “xứ sở vạn đảo” với dân số hiện lên đến gần 274,5 triệu người. Bên cạnh đó, Bắc Kinh mong muốn việc chủ động “chìa cành ô liu” sẽ có thể giữ cho chính quyền sắp tới của Indonesia duy trì chính sách trung lập, và không ủng hộ Philippines (quốc gia đang có mâu thuẫn gay gắt với Trung Quốc ở Biển Đông), cũng như các quốc gia khác trong các tranh chấp lãnh hải ở vùng biển này. Điều này càng có cơ sở khi trong cuộc gặp với ông Prabowo vào ngày 18/4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) đã bàn về triển vọng hợp tác kinh tế, thậm chí đề nghị một cuộc tập trận chung giữa hai nước.

Trong khi đó, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của Indonesia và đang đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á. Tokyo vừa là đồng minh hàng đầu của Washington ở châu Á, vừa là thành viên trong Đối thoại An ninh Bốn bên (QUAD) - thường được gọi là “Bộ tứ Kim cương”, gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Cũng không kém phần quan trọng, Indonesia và Nhật Bản là hai cường quốc tầm trung năng động và đều là thành viên của G20, vì thế chia sẻ tầm quan trọng của thương mại và đầu tư trong việc nâng cao sức mạnh quốc gia và thúc đẩy quan hệ song phương.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Kishida tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ thúc đẩy quan hệ với Indonesia thông qua hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng và năng lượng, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực của Indonesia trong quá trình gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đối với Indonesia, việc gia nhập OECD sẽ giúp quốc gia này thu hút được nhiều thỏa thuận đầu tư và thương mại hơn. Đáng chú ý, Indonesia là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đăng ký để trở thành thành viên của tổ chức này. Thủ tướng Kishida cũng nhấn mạnh Nhật Bản rất coi trọng hợp tác với Indonesia trong việc duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền và cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác an ninh với Indonesia. Khía cạnh tích cực nữa là, Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ cam kết của Tokyo trong việc thúc đẩy hợp tác an ninh với Indonesia, trong đó bao gồm khoản tài trợ vào tháng 12/2023 cho quốc gia Đông Nam Á này với các tàu tuần tra trị giá 9,05 tỷ yên (khoảng 59,66 triệu USD).

Trong các chiến dịch bầu cử, Prabowo nhiều lần cam kết “tiếp tục” các chính sách của Tổng thống sắp mãn nhiệm Joko “Jokowi” Widodo, nhất là duy trì một chính sách đối ngoại độc lập và không liên kết. Chính quyền Jokowi đã củng cố mối quan hệ với Nhật Bản để thu hút đầu tư và đạt được tiến bộ rõ rệt trong việc phát triển cơ sở hạ tầng chung. Nhiều khả năng ông Prabowo sẽ tiếp tục các thành tựu của chính quyền tiền nhiệm trong nỗ lực thúc đẩy quan hệ đầu tư với Nhật Bản. Trong bối cảnh Nhật Bản ngày càng cởi mở hơn trong việc đẩy mạnh hợp tác an ninh với các quốc gia Đông Nam Á nhằm kiềm chế Trung Quốc, việc tăng cường ngoại giao quốc phòng và tìm kiếm các cơ hội hợp tác hay chuyển giao về công nghệ quốc phòng với đối tác Đông Á này là có triển vọng.

Bên cạnh đó, việc ông Prabowo lựa chọn dừng chân ở Malaysia cho thấy ông có kế hoạch cân bằng ngoại giao giữa Indonesia với các nền kinh tế lớn ở Đông Á (Trung Quốc và Nhật Bản) và ASEAN (Malaysia) - nhất là khẳng định rằng chính quyền Prabowo vẫn xem Indonesia là quốc gia Đông Nam Á thực thụ và có lợi ích gắn bó chặt chẽ với khu vực. Trong chuyến thăm Malaysia, ông cho biết Indonesia có kế hoạch tăng cường quan hệ với “các quốc gia thân thiện” (friendly nations) trong ASEAN, ông Prabowo đã “gọi tên” Malaysia, như để khẳng định tầm quan trọng của Kuala Lumpur trong chính sách đối ngoại của Jakarta.

Theo kế hoạch, Malaysia sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2025. Do đó, chuyến thăm của ông Prabowo là động thái ngoại giao cần thiết, giúp mở đường cho những tương tác tích cực giữa hai nước khi Malaysia đảm nhiệm vị trí quan trọng trong ASEAN. Điểm tích cực là hai quốc gia láng giềng có sự chia sẻ về nhiều vấn đề, bao gồm việc ủng hộ Palestine, lập trường về cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Myanmar và tương lai của xuất khẩu dầu cọ.

Liệu có trở ngại?

Tuy nhiên, liệu ông Prabowo có thể thúc đẩy quan hệ giữa Indonesia với cả 3 quốc gia này mà không vướng nhiều trở ngại? Với Nhật Bản và Malaysia thì câu trả lời là “có thể”, nhưng với trường hợp Trung Quốc thì lại là “chưa chắc”.

Việc chính quyền của Tổng thống Joko Widodo có quan điểm khá cởi mở với các khoản đầu tư từ Trung Quốc đã hứng chịu nhiều chỉ trích và quan ngại. Sự hiện diện của một lượng lớn người Hoa ở Indonesia, dù tạo thành nguồn sức mạnh kinh tế quan trọng cho quốc gia này, lại là nguồn cơn gây căng thẳng về chính trị - xã hội ở đất nước vạn đảo.

Sự hiện diện đông đảo của lao động nhập cư Trung Quốc ở Indonesia cũng bị chỉ trích là đe dọa việc làm của người dân địa phương, gia tăng sự phụ thuộc của Indonesia vào Trung Quốc trong việc phát triển kinh tế (đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác mỏ), đồng thời có khả năng gây tổn thương đối với chủ quyền kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này. Khi quan hệ kinh tế giữa Indonesia với Trung Quốc trở nên sâu sắc hơn, những tranh cãi cũng mở rộng hơn về khả năng Indonesia lệ thuộc vào Trung Quốc về phương diện thương mại và các dự án cơ sở hạ tầng. Tâm lý chống Trung Quốc cũng có thể trầm trọng hơn khi xảy ra các vấn đề môi trường và xã hội, trước đây đã có báo cáo về một số vụ tai nạn tại các nhà máy thuộc sở hữu của Trung Quốc và sự cố ô nhiễm môi trường khiến người dân địa phương bất bình.

Không dừng lại ở các rủi ro kinh tế, những thách thức địa chính trị vẫn còn đó, đặc biệt là sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Dù Indonesia không phải là một bên yêu sách trong các tranh chấp ở Biển Đông, quốc gia này có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn với các yêu sách mở rộng của Trung Quốc, dẫn đến một số căng thẳng trong quan hệ song phương. Quần đảo Natuna nằm trong EEZ của Indonesia, nhưng vùng biển này lại chồng lấn với khu vực ở Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền theo “đường chín đoạn” phi pháp mà nước này hay lấy đó làm cơ sở cho các yêu sách. Indonesia liên tục bày tỏ quan điểm rằng “đường chín đoạn” của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý và thậm chí còn từ chối đàm phán với Bắc Kinh với lập luận “Dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, Indonesia không có yêu sách chồng chéo với Trung Quốc nên việc tổ chức bất kỳ cuộc đối thoại nào về phân định ranh giới trên biển là không phù hợp”.

Indonesia cũng nổi tiếng cứng rắn trong vấn đề chủ quyền trên biển. Vào năm 2021, Trung Quốc yêu cầu Indonesia phải ngừng việc nghiên cứu khai thác tài nguyên quanh quần đảo Natuna nhưng Jakarta đã phớt lờ yêu cầu này. Trên thực tế, các tàu tuần tra lớn của Cảnh sát biển Trung Quốc cũng nhiều lần tăng cường các hoạt động giám sát trong khu vực. Đối lại, phía Indonesia cũng thường xuyên triển khai tàu chiến tới vùng biển phía Bắc Natuna để giám sát tàu tuần duyên Trung Quốc hoạt động trong khu vực hàng hải giàu tài nguyên mà cả hai nước đều tuyên bố là của mình.

Không gì có thể đảm bảo sẽ không có căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc ở Biển Đông trong tương lai. Theo cuộc khảo sát được công bố vào tháng 3 do Cơ quan Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Indonesia (ISDS) và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Kompas thực hiện, gần 80% người dân Indonesia được hỏi coi các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là mối đe dọa đối với chủ quyền của đất nước, và thậm chí gần một nửa số người được khảo sát ủng hộ Indonesia nên theo đuổi chiến lược liên minh phòng thủ với các quốc gia Đông Nam Á để củng cố vị thế của mình. Xuất thân là quan chức quốc phòng với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực này, ông Prabowo rất có thể sẽ có động thái cứng rắn nếu Trung Quốc đe doạ hay gây trở ngại cho các lợi ích của Indonesia ở Biển Đông.

Chính sách đối ngoại của Indonesia dưới thời Prabowo? 

Bối cảnh địa chính trị trong khu vực có thể mang lại nhiều hàm ý cho tương lai chính sách đối ngoại của Indonesia. Cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gia tăng đặt Indonesia (và cả các quốc gia Đông Nam Á khác) vào tình thế bấp bênh khi Jakarta phải điều hướng các chính sách của mình một cách cẩn trọng để tránh trở nên quá lệ thuộc hay liên kết quá chặt chẽ với một cường quốc. Những gì ông Prabowo đã thể hiện, bao gồm các cam kết ngoại giao của ông khi tranh cử và cả các động thái ngoại giao đáng chú ý gần đây như tiếp cận Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia, báo hiệu một chiến lược đa dạng hóa quan hệ và cân bằng của Tổng thống đắc cử, nhằm củng cố vị thế và tăng cường ảnh hưởng của Indonesia trong khu vực.

Trước mắt, có thể thấy chuyến thăm đến Bắc Kinh ngay sau chiến thắng bầu cử của ông Prabowo là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy ý định của tân Tổng thống Indonesia trong việc duy trì quan hệ với Trung Quốc, thậm chí là có thể nhằm đưa quan hệ kinh tế song phương gắn bó hơn. Vốn là người theo chủ nghĩa dân tộc với lập trường mạnh mẽ về chủ quyền, cách tiếp cận hiện tại của Prabowo là đáng chú ý khi ông nỗ lực cân bằng xu hướng dân tộc chủ nghĩa với chính sách đối ngoại thực dụng, đặc biệt là liên quan đến các vấn đề chủ quyền hàng hải và an ninh ở biển Natuna. Điều này không loại trừ chính quyền Prabowo sẽ ưu tiên tăng cường xây dựng lực lượng hải quân mạnh hơn cho mục đích phòng thủ, đồng thời để chúng đóng vai trò như một lực lượng răn đe ở vùng biển xung quanh quần đảo Natuna, nơi các hoạt động xâm lấn và tuần tra của tàu cá Trung Quốc diễn ra ngày càng thường xuyên.

Dưới sự lãnh đạo sắp tới của Prabowo, Indonesia có thể triển khai chính sách đối ngoại với Trung Quốc theo quỹ đạo tiếp tục can dự chiến lược với Bắc Kinh, tập trung vào theo đuổi hợp tác kinh tế thông qua các dự án phát triển nhưng nhấn mạnh việc bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia (nhất là trong các vấn đề an ninh hàng hải). Cách tiếp cận này đòi hỏi ông Prabowo phải có hành động cân bằng tinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đồng thời giải quyết những lo ngại trong nước về ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại quốc gia này.

Bên cạnh đó, ông Prabowo có thể lèo lái chính sách đối ngoại của Indonesia theo hướng đa dạng hóa hơn nữa các mối quan hệ quốc tế của mình, tập trung vào xây dựng quan hệ tốt đẹp với các cường quốc tầm trung trong khu vực như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Malaysia, và Việt Nam. Điểm dừng dân của ông Prabowo ở Kuala Lumpur, dù mang tính biểu tượng là chủ yếu, cho thấy ông nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của ASEAN trong chính sách đối ngoại của Indonesia. Tuy nhiên, vẫn phải chờ xem ASEAN sẽ tiếp tục đóng vai trò là nền tảng ra sao trong chính sách đối ngoại của Indonesia.

Tính hiệu quả của nỗ lực xây dựng quan hệ tốt đẹp với các quốc gia trong khu vực của ông Prabowo sẽ được chứng minh qua các chính sách cụ thể nhằm lèo lái chính sách đối ngoại của Indonesia theo quỹ đạo duy trì tính tự chủ và năng động, trong khi tránh phụ thuộc quá mức vào đầu tư của Trung Quốc, song song với giảm thiểu các rủi ro liên quan đến căng thẳng địa chính trị, và không kém phần chiến lược là giúp Indonesia có sự hỗ trợ về ngoại giao cần thiết trong trường hợp căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông trở nên gay gắt.

Nhiều khả năng Indonesia sẽ tích cực hơn trong việc xây dựng và quản lý mối quan hệ cân bằng với các cường quốc, mà chuyến thăm của ông đến Nhật Bản, một đồng minh trung thành của Mỹ, là minh hoạ rõ nét. Indonesia cũng sẽ có lợi khi tăng cường quan hệ với Mỹ, nhưng vẫn phải chờ xem chính quyền Prabowo sẽ thực hiện các nỗ lực cụ thể ra sao.

Những động thái ngoại giao khéo léo và cân bằng của ông Prabowo cho thấy ông dần thử thách bản thân ở cương vị mới, nhất là đi từ “quân sự” đến “ngoại giao”. Các chuyến thăm kể trên cũng góp phần phản ánh cam kết của Indonesia đối với chính sách đối ngoại độc lập và tích cực. Hơn nữa, với việc không chỉ đến thăm Trung Quốc, Prabowo rất có thể gửi thông điệp đến các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, rằng chính quyền mới của ông không lấy Trung Quốc làm trung tâm trong chính sách đối ngoại. Cũng không kém phần quan trọng, ta có thể phần nào thấy rằng, với Indonesia, yếu tố kinh tế trong quan hệ với Trung Quốc sẽ là trọng tâm, trong khi với Nhật Bản thì triển vọng là đầu tư và quốc phòng sẽ song hành, trong khi duy trì sự ổn định để tìm kiếm sự ủng hộ về chính trị là động lực trong quan hệ với Malaysia.

Từ khoá: Indonesia Prabowo Subianto chính sách đối ngoại Indonesia ASEAN Đông Nam Á

BÀI LIÊN QUAN