Chính trị - Ngoại giao   01/07/2024

Đài Loan ứng phó với cuộc chiến thông tin sai lệch

Tân lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức cần có phối hợp cả trong lẫn ngoài để chống lại cuộc chiến tranh nhận thức của Trung Quốc.

Image
Các tờ báo địa phương của Đài Loan đưa tin về kết quả bầu cử tổng thống trên trang nhất - (C): Yasuyoshi Chiba/AFP

Bên cạnh các phương thức truyền thống thì các kênh và phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc đang tăng cường lan truyền thông tin sai lệch tại Đài Loan. Mục tiêu chính của các động thái này nhằm tạo ra bất đồng từ bên trong và tác động đến chính trị và dư luận tại Đài Loan, từ đó lật đổ các thế lực đối lập với Trung Quốc tại hòn đảo này.

Để can thiệp và tác động đến kết quả cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan năm 2024, Trung Quốc đã triển khai các chiến dịch thông tin sai lệch vô cùng tinh vi. Hành động của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu nền dân chủ Đài Loan, thúc đẩy các thông điệp ủng hộ tái thống nhất Trung - Đài, bôi nhọ các ứng cử viên của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP), và kích động sự chia rẽ trong quan hệ Mỹ - Đài. Ví dụ điển hình cho chiến dịch “thông tin bẩn” này là việc Trung Quốc tung tin bịa đặt ứng viên Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) có con riêng ngoài giá thú, hay thông tin sai lệch cho rằng bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim) (bạn đồng hành tranh cử của ông Lại) đã không đủ điều kiện tranh cử do mang quốc tịch Mỹ.

Những sự việc tương tự cũng từng diễn ra trong cuộc bầu cử Đài Loan vào năm 2020. Khi đó, Trung Quốc lan truyền tin đồn rằng lãnh đạo Đài Loan đương nhiệm, bà Thái Anh Văn, đã làm giả bằng tiến sĩ. Thông tin này sau đó nhanh chóng được Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) - nơi bà Thái đã theo học, lên tiếng bác bỏ. Không dừng lại ở đó, để làm chiến thắng của bà Thái trở nên mất uy tín, các nguồn tin từ Trung Quốc còn lan truyền rằng kết quả bầu cử Đài Loan đã bị CIA can thiệp.

Vào tháng 5/2024, ông Lại Thanh Đức đã đắc cử và chính thức trở thành lãnh đạo Đài Loan. Tuy nhiên, chiến thắng này không hề dễ dàng khi trước đó ông Lại và đảng Dân Tiến đã phải đối mặt với vô số tin đồn, bài báo và hình ảnh bịa đặt, xuyên tạc liên quan đến nguy cơ về một cuộc chiến tranh xuyên eo biển. Chúng được lan truyền rộng rãi thông qua mạng xã hội và email nhằm tạo ra sự hoang mang cho người dân Đài Loan. Trung Quốc thậm chí còn đẩy mạnh cuộc chiến thông tin nhắm đến các vấn đề đặc thù hoặc vấn đề nội bộ của Đài Loan như an toàn thực phẩm hay phân biệt chủng tộc. Từ đó, Trung Quốc gán ghép cho Đảng Dân Tiến những sai phạm trong quản lý, hạ thấp uy tín của đảng này và khiến người dân Đài Loan nghi ngờ về năng lực của giới lãnh đạo tại hòn đảo.

Những động thái trên của Trung Quốc hướng đến mục tiêu cuối cùng là làm suy yếu niềm tin của người dân vào chính quyền và gieo rắc nghi ngờ trong nội bộ Đảng Dân Tiến.

Không ngồi yên trước những động thái của Trung Quốc, Đài Loan đã có những biện pháp đối phó cụ thể. Theo đó, các nền tảng truyền thông có nguồn gốc từ Trung Quốc như TikTok, iQIYITencent đã bị cấm tại Đài Loan. Đồng thời, hòn đảo này cũng ban hành Luật Chống Thâm nhập (Anti-Infiltration Act) và Luật Phát thanh Truyền hình (Television Act) nhằm tăng cường kiểm soát thông tin. Các tổ chức phi lợi nhuận của Đài Loan cũng đóng vai trò quan trọng khi là lực lượng tiên phong trong các nỗ lực của xã hội dân sự nhằm vạch trần những tin tức sai lệch đồng thời giáo dục công chúng về những tác hại của việc lan truyền thông tin không chính xác.

Sự ra đời của các tổ chức kiểm chứng thông tin đóng vai trò then chốt trong nỗ lực của Đài Loan đối với việc phòng chống thông tin sai lệch. Nhà sáng lập MyGoPen, Charles Yeh, đã phát triển dịch vụ chatbot giúp người dùng phát hiện ra thông tin sai lệch sau khi nhận thấy người thân của mình đang bị tin giả đánh lừa. Các tổ chức cung cấp dịch vụ khác, chẳng hạn như Trung tâm kiểm chứng thông tin Đài Loan (Taiwan FactCheck Center) - được thành lập với mục đích xác minh những tuyên bố liên quan đến vấn đề cộng đồng, xã hội và thúc đẩy tính minh bạch - đã từ chối nhận nguồn tài trợ công để duy trì tính tự chủ.

Mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể trong việc kiểm tra thông tin sai lệch, chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc vẫn len lỏi và tiếp cận được một lượng lớn người dùng ở Đài Loan thông qua các nền tảng không bị hạn chế truy cập như YouTube và Twitch. Trong nỗ lực “tái thống nhất”, Bắc Kinh sẽ tiếp tục các động thái liên quan nhằm làm suy yếu ý chí độc lập của Đài Loan.

Đảng Cộng sản Trung Quốc có quan điểm không mấy thân thiện với ông Lại. Các quan chức Trung Quốc gán cho ông Lại những biệt danh như “kẻ ly khai” (separatist) hay “kẻ gây rối” (troublemaker). Nhìn chung, Trung Quốc sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm chia rẽ chính quyền của ông Lại với người dân Đài Loan và các đối tác quốc tế.

Trong bài phát biểu nhậm chức vào tháng 5, ông Lại đã lên tiếng mạnh mẽ về các động thái tuyên truyền từ phía Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Đài Loan đồng thời cam kết sẽ nâng cao nhận thức về quốc phòng, củng cố luật an ninh, đặc biệt trong việc chống lại thông tin sai lệch. Điều này có thể dẫn đến việc áp dụng các quy định chặt chẽ hơn cho các nền tảng mạng xã hội. Trong các bước đầu hiện thực hóa các cam kết trên, Hành chính Viện Đài Loan đã phê duyệt hai dự luật vào ngày 9/5 nhằm tăng cường thực thi pháp luật chống lại tội phạm mạng và lừa đảo trực tuyến. Nếu các dự thảo này được thông qua, các nền tảng kỹ thuật số kiếm tiền từ quảng cáo sẽ có nghĩa vụ phải thiết lập trụ sở chính tại địa phương, hoặc chỉ định đại diện hợp pháp để giải quyết các yêu cầu của chính phủ liên quan đến kiểm duyệt nội dung.

Vào tháng 01/2024, Cục Điều tra Cơ quan Tư pháp Đài Loan đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh Nhận thức (Cognitive Warfare Research Centre) để điều tra các chiến dịch thông tin sai lệch nhằm phá hoại nền dân chủ và an ninh của hòn đảo. Tuy nhiên, một số quan chức lại cho rằng chính quyền Đảng Dân Tiến phải chịu trách nhiệm cho việc thiếu các biện pháp kịp thời và hiệu quả để chống lại các chiến dịch thông tin sai lệch và tấn công mạng của Trung Quốc. Để ứng phó với những cáo buộc này, chính quyền ông Lại cần có “phương pháp tiếp cận mang tính cấu trúc” mà theo đó, các cơ quan chính thống có thể giải quyết các hoạt động thông tin sai lệch mang tính công kích từ phía Bắc Kinh.

Do các hạn chế tài chính, những gã khổng lồ công nghệ như Meta, XGoogle đã sa thải một số lượng lớn nhân viên chịu trách nhiệm trong công tác phòng chống thông tin sai lệch, do đó làm gia tăng nguy cơ thâm nhập các nguồn tin giả từ các quốc gia chuyên chế. Bối cảnh này đòi hỏi Đài Loan phải chủ động đề ra các chiến lược ứng phó. Theo đó, ưu tiên hàng đầu của hòn đảo chính là đảm bảo đội ngũ chuyên gia giỏi tiếp tục “ở lại” (thay vì buộc phải rời đi như các công ty công nghệ ở Mỹ). Bên cạnh đó, Đài Loan nên cân nhắc thu hút nhân tài từ các công ty công nghệ nói trên. Kinh nghiệm thực tế và năng lực của họ sẽ góp phần củng cố và nâng cao năng lực của các tổ chức địa phương trong việc chống lại thông tin sai lệch.

Nhà lãnh đạo Lại Thanh Đức đã vạch ra kế hoạch tổng thể để chống lại các nỗ lực tuyên truyền thông tin sai lệch từ Trung Quốc, đáng chú ý là thông qua cam kết hợp tác với các nước dân chủ để “chống lại thông tin sai lệch”. Tuy nhiên, Đài Loan cần có những khoản đầu tư cụ thể, thiết thực và lâu dài. Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, cùng với Đài Loan, đều là “nạn nhân” của các thông tin sai lệch từ Trung Quốc. Vì vậy, các quốc gia này trở thành đối tác tự nhiên của nhau trong nỗ lực chống lại động thái trên từ Trung Quốc. Để đạt được mục tiêu chung, việc ưu tiên hàng đầu là thiết lập các diễn đàn đối thoại chính sách. Đây sẽ là nơi các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm và chiến lược hiệu quả nhất để chống lại các nguồn thông tin sai lệch.

Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn quyết tâm đe dọa Đài Loan thông qua hàng loạt các chiến thuật lan truyền thông tin sai lệch vô cùng tinh vi, năng lực lãnh đạo của Lại Thanh Đức sẽ được kiểm chứng bằng khả năng đương đầu với những thông tin thêu dệt ẩn chứa đằng sau vỏ ngoài “sự thật”.

*Ghi chú của VSF: Phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên The Interpreter với tiêu đề “How Taiwan fights the disinformation war”. Bài viết này do đội ngũ VSF dịch với sự chấp thuận của các tác giả.

Bên cạnh các phương thức truyền thống thì các kênh và phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc đang tăng cường lan truyền thông tin sai lệch tại Đài Loan. Mục tiêu chính của các động thái này nhằm tạo ra bất đồng từ bên trong và tác động đến chính trị và dư luận tại Đài Loan, từ đó lật đổ các thế lực đối lập với Trung Quốc tại hòn đảo này.

Để can thiệp và tác động đến kết quả cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan năm 2024, Trung Quốc đã triển khai các chiến dịch thông tin sai lệch vô cùng tinh vi. Hành động của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu nền dân chủ Đài Loan, thúc đẩy các thông điệp ủng hộ tái thống nhất Trung - Đài, bôi nhọ các ứng cử viên của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP), và kích động sự chia rẽ trong quan hệ Mỹ - Đài. Ví dụ điển hình cho chiến dịch “thông tin bẩn” này là việc Trung Quốc tung tin bịa đặt ứng viên Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) có con riêng ngoài giá thú, hay thông tin sai lệch cho rằng bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim) (bạn đồng hành tranh cử của ông Lại) đã không đủ điều kiện tranh cử do mang quốc tịch Mỹ.

Những sự việc tương tự cũng từng diễn ra trong cuộc bầu cử Đài Loan vào năm 2020. Khi đó, Trung Quốc lan truyền tin đồn rằng lãnh đạo Đài Loan đương nhiệm, bà Thái Anh Văn, đã làm giả bằng tiến sĩ. Thông tin này sau đó nhanh chóng được Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) - nơi bà Thái đã theo học, lên tiếng bác bỏ. Không dừng lại ở đó, để làm chiến thắng của bà Thái trở nên mất uy tín, các nguồn tin từ Trung Quốc còn lan truyền rằng kết quả bầu cử Đài Loan đã bị CIA can thiệp.

Vào tháng 5/2024, ông Lại Thanh Đức đã đắc cử và chính thức trở thành lãnh đạo Đài Loan. Tuy nhiên, chiến thắng này không hề dễ dàng khi trước đó ông Lại và đảng Dân Tiến đã phải đối mặt với vô số tin đồn, bài báo và hình ảnh bịa đặt, xuyên tạc liên quan đến nguy cơ về một cuộc chiến tranh xuyên eo biển. Chúng được lan truyền rộng rãi thông qua mạng xã hội và email nhằm tạo ra sự hoang mang cho người dân Đài Loan. Trung Quốc thậm chí còn đẩy mạnh cuộc chiến thông tin nhắm đến các vấn đề đặc thù hoặc vấn đề nội bộ của Đài Loan như an toàn thực phẩm hay phân biệt chủng tộc. Từ đó, Trung Quốc gán ghép cho Đảng Dân Tiến những sai phạm trong quản lý, hạ thấp uy tín của đảng này và khiến người dân Đài Loan nghi ngờ về năng lực của giới lãnh đạo tại hòn đảo.

Những động thái trên của Trung Quốc hướng đến mục tiêu cuối cùng là làm suy yếu niềm tin của người dân vào chính quyền và gieo rắc nghi ngờ trong nội bộ Đảng Dân Tiến.

Không ngồi yên trước những động thái của Trung Quốc, Đài Loan đã có những biện pháp đối phó cụ thể. Theo đó, các nền tảng truyền thông có nguồn gốc từ Trung Quốc như TikTok, iQIYITencent đã bị cấm tại Đài Loan. Đồng thời, hòn đảo này cũng ban hành Luật Chống Thâm nhập (Anti-Infiltration Act) và Luật Phát thanh Truyền hình (Television Act) nhằm tăng cường kiểm soát thông tin. Các tổ chức phi lợi nhuận của Đài Loan cũng đóng vai trò quan trọng khi là lực lượng tiên phong trong các nỗ lực của xã hội dân sự nhằm vạch trần những tin tức sai lệch đồng thời giáo dục công chúng về những tác hại của việc lan truyền thông tin không chính xác.

Sự ra đời của các tổ chức kiểm chứng thông tin đóng vai trò then chốt trong nỗ lực của Đài Loan đối với việc phòng chống thông tin sai lệch. Nhà sáng lập MyGoPen, Charles Yeh, đã phát triển dịch vụ chatbot giúp người dùng phát hiện ra thông tin sai lệch sau khi nhận thấy người thân của mình đang bị tin giả đánh lừa. Các tổ chức cung cấp dịch vụ khác, chẳng hạn như Trung tâm kiểm chứng thông tin Đài Loan (Taiwan FactCheck Center) - được thành lập với mục đích xác minh những tuyên bố liên quan đến vấn đề cộng đồng, xã hội và thúc đẩy tính minh bạch - đã từ chối nhận nguồn tài trợ công để duy trì tính tự chủ.

Mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể trong việc kiểm tra thông tin sai lệch, chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc vẫn len lỏi và tiếp cận được một lượng lớn người dùng ở Đài Loan thông qua các nền tảng không bị hạn chế truy cập như YouTube và Twitch. Trong nỗ lực “tái thống nhất”, Bắc Kinh sẽ tiếp tục các động thái liên quan nhằm làm suy yếu ý chí độc lập của Đài Loan.

Đảng Cộng sản Trung Quốc có quan điểm không mấy thân thiện với ông Lại. Các quan chức Trung Quốc gán cho ông Lại những biệt danh như “kẻ ly khai” (separatist) hay “kẻ gây rối” (troublemaker). Nhìn chung, Trung Quốc sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm chia rẽ chính quyền của ông Lại với người dân Đài Loan và các đối tác quốc tế.

Trong bài phát biểu nhậm chức vào tháng 5, ông Lại đã lên tiếng mạnh mẽ về các động thái tuyên truyền từ phía Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Đài Loan đồng thời cam kết sẽ nâng cao nhận thức về quốc phòng, củng cố luật an ninh, đặc biệt trong việc chống lại thông tin sai lệch. Điều này có thể dẫn đến việc áp dụng các quy định chặt chẽ hơn cho các nền tảng mạng xã hội. Trong các bước đầu hiện thực hóa các cam kết trên, Hành chính Viện Đài Loan đã phê duyệt hai dự luật vào ngày 9/5 nhằm tăng cường thực thi pháp luật chống lại tội phạm mạng và lừa đảo trực tuyến. Nếu các dự thảo này được thông qua, các nền tảng kỹ thuật số kiếm tiền từ quảng cáo sẽ có nghĩa vụ phải thiết lập trụ sở chính tại địa phương, hoặc chỉ định đại diện hợp pháp để giải quyết các yêu cầu của chính phủ liên quan đến kiểm duyệt nội dung.

Vào tháng 01/2024, Cục Điều tra Cơ quan Tư pháp Đài Loan đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh Nhận thức (Cognitive Warfare Research Centre) để điều tra các chiến dịch thông tin sai lệch nhằm phá hoại nền dân chủ và an ninh của hòn đảo. Tuy nhiên, một số quan chức lại cho rằng chính quyền Đảng Dân Tiến phải chịu trách nhiệm cho việc thiếu các biện pháp kịp thời và hiệu quả để chống lại các chiến dịch thông tin sai lệch và tấn công mạng của Trung Quốc. Để ứng phó với những cáo buộc này, chính quyền ông Lại cần có “phương pháp tiếp cận mang tính cấu trúc” mà theo đó, các cơ quan chính thống có thể giải quyết các hoạt động thông tin sai lệch mang tính công kích từ phía Bắc Kinh.

Do các hạn chế tài chính, những gã khổng lồ công nghệ như Meta, XGoogle đã sa thải một số lượng lớn nhân viên chịu trách nhiệm trong công tác phòng chống thông tin sai lệch, do đó làm gia tăng nguy cơ thâm nhập các nguồn tin giả từ các quốc gia chuyên chế. Bối cảnh này đòi hỏi Đài Loan phải chủ động đề ra các chiến lược ứng phó. Theo đó, ưu tiên hàng đầu của hòn đảo chính là đảm bảo đội ngũ chuyên gia giỏi tiếp tục “ở lại” (thay vì buộc phải rời đi như các công ty công nghệ ở Mỹ). Bên cạnh đó, Đài Loan nên cân nhắc thu hút nhân tài từ các công ty công nghệ nói trên. Kinh nghiệm thực tế và năng lực của họ sẽ góp phần củng cố và nâng cao năng lực của các tổ chức địa phương trong việc chống lại thông tin sai lệch.

Nhà lãnh đạo Lại Thanh Đức đã vạch ra kế hoạch tổng thể để chống lại các nỗ lực tuyên truyền thông tin sai lệch từ Trung Quốc, đáng chú ý là thông qua cam kết hợp tác với các nước dân chủ để “chống lại thông tin sai lệch”. Tuy nhiên, Đài Loan cần có những khoản đầu tư cụ thể, thiết thực và lâu dài. Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, cùng với Đài Loan, đều là “nạn nhân” của các thông tin sai lệch từ Trung Quốc. Vì vậy, các quốc gia này trở thành đối tác tự nhiên của nhau trong nỗ lực chống lại động thái trên từ Trung Quốc. Để đạt được mục tiêu chung, việc ưu tiên hàng đầu là thiết lập các diễn đàn đối thoại chính sách. Đây sẽ là nơi các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm và chiến lược hiệu quả nhất để chống lại các nguồn thông tin sai lệch.

Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn quyết tâm đe dọa Đài Loan thông qua hàng loạt các chiến thuật lan truyền thông tin sai lệch vô cùng tinh vi, năng lực lãnh đạo của Lại Thanh Đức sẽ được kiểm chứng bằng khả năng đương đầu với những thông tin thêu dệt ẩn chứa đằng sau vỏ ngoài “sự thật”.

*Ghi chú của VSF: Phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên The Interpreter với tiêu đề “How Taiwan fights the disinformation war”. Bài viết này do đội ngũ VSF dịch với sự chấp thuận của các tác giả.

Từ khoá: Đài Loan Trung Quốc thông tin sai lệch chiến tranh thông tin

BÀI LIÊN QUAN