Chính trị - Ngoại giao   31/07/2024

Di sản đối nội của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến sự nghiệp chính trị cho công cuộc “đốt lò”, nhưng chiến dịch chống tham nhũng đã phơi bày những hạn chế cố hữu.

Image
Cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng - (C): Đại Biểu Nhân Dân

Nguyễn Phú Trọng, người được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) vào năm 2011 và từng bước trở thành nhân vật quyền lực hàng đầu trong nền chính trị Việt Nam, đã coi việc ổn định nội bộ là nhiệm vụ thiêng liêng của Đảng và là kim chỉ nam cho sự thịnh vượng của đất nước.

Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản vào năm 2014, ông Trọng, vừa qua đời hôm 19/7 ở tuổi 80, lập luận rằng “sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định mọi thành công”.

Dù có bị các nhà dân chủ tự do hoài nghi, niềm tin kiên định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào sự lãnh đạo và khả năng dẻo dai của ĐCSVN là không quá khó để lý giải. Động lực căn bản đằng sau một cuộc đấu tranh không ngừng để tự chủ và tự cải biến (self-mastery and self-transformation), được thể hiện trong quan niệm về “Ý chí quyền lực” (Will to Power) của Friedrich Nietzsche, có thể cung cấp một cái nhìn sâu sắc để giải mã tầm nhìn ý thức hệ của ông Trọng, hoặc với ý nghĩa nào đó ta cũng có thể gọi là “Nhiệm vụ của Đảng”.

Động cơ triết học cho quá trình lãnh đạo tận tụy của ông Trọng đối với ĐCSVN xuất phát từ niềm tin của ông rằng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản sẽ mang lại “một cuộc sống thực sự tự do, thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân Việt Nam”, vì lịch sử thế giới đã “phơi bày tính không bền vững về kinh tế, xã hội và hệ sinh thái của chủ nghĩa tư bản”. Ông đã từng tỏ ra nghi ngờ nền dân chủ phương Tây với tuyên bố rằng các nguyên tắc của nền dân chủ tự do “không đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.

Dưới thời ông Trọng, ĐCSVN theo đuổi hai hình thức chính danh: tính chính danh dựa trên hiệu suất (tức là kinh tế) và tính chính danh dựa trên ý thức hệ và nhân cách. Sau khi được bầu lại để lãnh đạo Đảng vào năm 2016, cố Tổng Bí thư Trọng lưu ý rằng “một đất nước không có kỷ cương thì sẽ rối loạn, mất ổn định”.

Với nền tảng giáo dục Liên Xô (ông từng có quá trình học tập và bảo vệ luận án Phó tiến sĩ tại Liên Xô), ông Trọng coi việc lãnh đạo ĐCSVN vận hành đúng theo các nguyên lý nền tảng và hướng dẫn hành động của chủ nghĩa Marx-Lenin là điều bắt buộc.

Nhận thức được mối đe dọa của sự ích kỷ và lòng tham trong bản năng con người, Tổng Bí thư Trọng đã cứng rắn kêu gọi các cấp dưới trong Đảng thực hiện sự tự chủ thông qua kỷ luật và tự giác, tránh xa các hành vi sai trái và suy thoái về đạo đức. Trả lời một cuộc phỏng vấn vào năm 2015, ông phát biểu với một thái độ vừa cảnh báo, vừa mong mỏi rằng “Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu đi đầu, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, có hiệu quả cụ thể thì dân mới tin; cán bộ có tốt, tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức lối sống trong sạch, mới có thể thành công được”.

Nhưng thực tế của chiến dịch “đốt lò” làm bộc lộ nhiều hạn chế. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, kể từ năm 2021, gần 100 ủy viên cấp cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có 5 trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị, đã bị “đưa vào lò” - cách gọi chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng do ông Trọng chỉ đạo (và ông hay được gọi là “Người đốt lò vĩ đại”).

Giữa lúc tình trạng tham nhũng trong các cơ quan, địa phương đang dần tàn phá đất nước, Việt Nam xếp hạng thứ 83/180 quốc gia về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (Corruption Perceptions Index) năm 2023 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) công bố. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, có đến 468 vụ án tham nhũng, trong đó có nhiều vụ án nghiêm trọng, tinh vi.

Hàng trăm sĩ quan quân đội, quan chức ngoại giao, chủ ngân hàng và các nhân vật chính trị cấp cao đã vướng vào tham nhũng, giao dịch thương mại bất hợp pháp, cùng các hành vi sai trái khác. Con đường thẳng tắp của giới tinh hoa tham nhũng đến với sự giàu có và quyền lực cũng gây hoang mang dư luận. Vì thế mà ông Trọng thường xuyên nhắc nhở về sự nguy hiểm của tham nhũng, khi nó có thể làm tổn thương thanh danh và thậm chí làm xói mòn uy tín của Đảng.

Trong khi tham nhũng ở Việt Nam về bản chất là một vấn đề cấu trúc, những bất cập mang tính hệ thống và văn hóa du di càng tạo điều kiện cho tham nhũng tràn lan ngoài tầm kiểm soát. Với nỗ lực chống tham nhũng của mình, ông Trọng đã tìm cách “nhổ tận gốc” những cá nhân “sâu mọt”, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức mà Đảng phải giải quyết.

Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều trong việc đề ra các chính sách hiệu quả để cải cách chính trị - xã hội, chẳng hạn như cải thiện vấn đề kiểm tra từ trong nội bộ của hệ thống chính trị, duy trì sự cân bằng quyền lực bên trong Đảng, cởi mở với các phản biện mang tính đóng góp, khuyến khích cải cách trong Đảng viên và giới trí thức có tinh thần xây dựng, thúc đẩy các chính sách bảo vệ người tố cáo, và tăng lương cho nhân viên ở khu vực công để ngăn chặn hối lộ và gian lận.

Di sản của Tổng Bí thư Trọng có khả năng bị phai nhạt do tình trạng không chắc chắn của giới lãnh đạo trong nước. Trước khi qua đời, vị cố Tổng Bí thư vẫn chưa thể tìm được một người kế nhiệm đủ sức lèo lái bánh xe của Đảng bằng quyết tâm vô song như ông đã từng.

Trong nỗ lực tìm kiếm một “người kế thừa” có đủ đạo đức và sự tu thân, ông Trọng vẫn chưa thể tìm được một “con người xã hội chủ nghĩa chân chính”, đáp ứng tiêu chuẩn “vừa hồng vừa chuyên” - vừa có cam kết mạnh mẽ với hệ tư tưởng cộng sản, vừa có tài kỹ trị. Một số học giả quan ngại rằng sẽ rất khó để lấp đầy khoảng trống sau sự ra đi của ông Trọng, bởi “danh tiếng trong sạch, thâm niên và kinh nghiệm quản lý lâu dài” của ông là quá nổi bật, qua đó giúp ông “có thẩm quyền đạo đức” và uy tín “đủ lớn để […] dẫn dắt cuộc chiến chống tham nhũng”.

Câu hỏi quan trọng tại thời điểm này là: Ai sẽ là người tiếp theo “kế vị ngai vàng”? Việc ông Trọng qua đời chắc chắn sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực ở đỉnh cao của hệ thống chính trị Việt Nam. Vị trí tổng bí thư rất quan trọng, có vai trò chi phối chính trị nội bộ Việt Nam và đảm bảo sự lãnh đạo trong các lĩnh vực quan trọng của đất nước, như quốc phòng, an ninh và kinh tế. Do đó, các lãnh đạo Việt Nam có thể sẽ phải đau đầu khi nỗ lực tìm kiếm một người phù hợp với vị trí vô cùng quan trọng này.

Di sản của ông Trọng xứng đáng được ghi nhận, dù có nhiều vấn đề cần khắc phục, vì chỉ thị xây dựng Đảng theo hướng minh bạch và quản trị tốt của ông đã gây được tiếng vang với cả người dân trong nước và cả các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài được hưởng lợi từ các thủ tục tinh gọn hơn và ưu đãi đầu tư, chẳng hạn như thuế suất ưu đãi.

Sau khi ông Trọng qua đời, một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đã đổi ảnh đại diện của họ sang màu đen để bày tỏ sự tiếc thương với nhà lãnh đạo Đảng, cũng như với nỗ lực nhiều năm của ông trong việc loại trừ tham nhũng và các quan chức bất liêm. Cuộc thanh trừng tham nhũng hiện nay dường như không thể đảo ngược, bởi nếu ai chọn tách mình ra khỏi di sản của cố Tổng Bí thư Trọng, (những) người ấy có thể phải đối mặt với những lời chỉ trích về việc xa rời hay đi ngược lại lý tưởng của Đảng.

Trong suốt nhiệm kỳ dài của ông Trọng, ĐCSVN đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế. Kể từ năm 2011, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á, giúp uy tín của đất nước được công nhận rộng rãi trên trường quốc tế. Ngoài ra, nền kinh tế tăng trưởng ổn định nhờ sự gia tăng của nhu cầu tiêu dùng trong nước và sự tiến triển của một nền sản xuất định hướng xuất khẩu. GDP của đất nước có thể sẽ tăng 6,93% trong quý II so với cùng kỳ năm trước (từ mức 5,87% trong quý I).

Đồng thời, các cuộc điều tra chống tham nhũng của ông Trọng đã đánh động các quan chức trong Đảng, những người này đủ khôn ngoan để hiểu rằng chính quyền đang theo dõi chặt chẽ mọi hành tung của họ. Từ đó, họ có thể hành động trách nhiệm hơn, thận trọng hơn, xem trọng tinh thần đạo đức và tính chuyên nghiệp trong công việc. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của quyền lực vẫn có thể khiến bất cứ ai lầm đường lạc lối, đặc biệt là trong các tình huống mà hình phạt cho tội danh tham nhũng khá khiêm tốn, trong khi “phần thưởng” lại lớn hơn nhiều.

Niềm tin không lung lay của ông Trọng vào uy quyền tối cao của ĐCSVN và các chiến dịch chống tham nhũng là cốt lõi trong di sản đối nội của ông. Ông nổi tiếng với lập trường cứng rắn, không khoan nhượng đối với sự suy thoái chính trị và các hoạt động có thể đe dọa sự sống còn của Đảng. Trong cuốn sách xuất bản năm 2023 với tựa đề “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, ông Trọng đã thể hiện cam kết tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng bằng cách hành động “kiên quyết, quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới”.

Tóm lại, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã theo đuổi một cách sắt đá sứ mệnh “đưa Đảng trở nên vĩ đại”. Ông thực hiện mọi nỗ lực để củng cố vị thế và uy tín của ĐCSVN, trong khi cố gắng thanh lọc các “con sâu” trong nội bộ Đảng qua công cuộc chống tham nhũng.

Song, sự ra đi của ông vẫn chưa giải quyết được câu hỏi làm sao để Đảng hoạt động bền vững trong thời gian tới. Và liệu (những) người kế nhiệm ông có cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy chiến dịch “đốt lò”? Nhiều điều chỉnh (nếu có) sẽ có dáng dấp ra sao? Khi Việt Nam bước vào một kỷ nguyên chính trị mới, những câu hỏi này gợi lên nhiều suy nghĩ.

*Ghi chú của VSF: Phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên The Diplomat với tiêu đề “The Vietnamese Communist Strongman’s Contested Legacy”. Bản dịch rút gọn này do đội ngũ VSF thực hiện với sự chấp thuận của tác giả.

 

Nguyễn Phú Trọng, người được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) vào năm 2011 và từng bước trở thành nhân vật quyền lực hàng đầu trong nền chính trị Việt Nam, đã coi việc ổn định nội bộ là nhiệm vụ thiêng liêng của Đảng và là kim chỉ nam cho sự thịnh vượng của đất nước.

Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản vào năm 2014, ông Trọng, vừa qua đời hôm 19/7 ở tuổi 80, lập luận rằng “sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định mọi thành công”.

Dù có bị các nhà dân chủ tự do hoài nghi, niềm tin kiên định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào sự lãnh đạo và khả năng dẻo dai của ĐCSVN là không quá khó để lý giải. Động lực căn bản đằng sau một cuộc đấu tranh không ngừng để tự chủ và tự cải biến (self-mastery and self-transformation), được thể hiện trong quan niệm về “Ý chí quyền lực” (Will to Power) của Friedrich Nietzsche, có thể cung cấp một cái nhìn sâu sắc để giải mã tầm nhìn ý thức hệ của ông Trọng, hoặc với ý nghĩa nào đó ta cũng có thể gọi là “Nhiệm vụ của Đảng”.

Động cơ triết học cho quá trình lãnh đạo tận tụy của ông Trọng đối với ĐCSVN xuất phát từ niềm tin của ông rằng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản sẽ mang lại “một cuộc sống thực sự tự do, thịnh vượng và hạnh phúc cho người dân Việt Nam”, vì lịch sử thế giới đã “phơi bày tính không bền vững về kinh tế, xã hội và hệ sinh thái của chủ nghĩa tư bản”. Ông đã từng tỏ ra nghi ngờ nền dân chủ phương Tây với tuyên bố rằng các nguyên tắc của nền dân chủ tự do “không đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.

Dưới thời ông Trọng, ĐCSVN theo đuổi hai hình thức chính danh: tính chính danh dựa trên hiệu suất (tức là kinh tế) và tính chính danh dựa trên ý thức hệ và nhân cách. Sau khi được bầu lại để lãnh đạo Đảng vào năm 2016, cố Tổng Bí thư Trọng lưu ý rằng “một đất nước không có kỷ cương thì sẽ rối loạn, mất ổn định”.

Với nền tảng giáo dục Liên Xô (ông từng có quá trình học tập và bảo vệ luận án Phó tiến sĩ tại Liên Xô), ông Trọng coi việc lãnh đạo ĐCSVN vận hành đúng theo các nguyên lý nền tảng và hướng dẫn hành động của chủ nghĩa Marx-Lenin là điều bắt buộc.

Nhận thức được mối đe dọa của sự ích kỷ và lòng tham trong bản năng con người, Tổng Bí thư Trọng đã cứng rắn kêu gọi các cấp dưới trong Đảng thực hiện sự tự chủ thông qua kỷ luật và tự giác, tránh xa các hành vi sai trái và suy thoái về đạo đức. Trả lời một cuộc phỏng vấn vào năm 2015, ông phát biểu với một thái độ vừa cảnh báo, vừa mong mỏi rằng “Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu đi đầu, nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, có hiệu quả cụ thể thì dân mới tin; cán bộ có tốt, tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức lối sống trong sạch, mới có thể thành công được”.

Nhưng thực tế của chiến dịch “đốt lò” làm bộc lộ nhiều hạn chế. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, kể từ năm 2021, gần 100 ủy viên cấp cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có 5 trong số 18 ủy viên Bộ Chính trị, đã bị “đưa vào lò” - cách gọi chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng do ông Trọng chỉ đạo (và ông hay được gọi là “Người đốt lò vĩ đại”).

Giữa lúc tình trạng tham nhũng trong các cơ quan, địa phương đang dần tàn phá đất nước, Việt Nam xếp hạng thứ 83/180 quốc gia về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (Corruption Perceptions Index) năm 2023 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) công bố. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, có đến 468 vụ án tham nhũng, trong đó có nhiều vụ án nghiêm trọng, tinh vi.

Hàng trăm sĩ quan quân đội, quan chức ngoại giao, chủ ngân hàng và các nhân vật chính trị cấp cao đã vướng vào tham nhũng, giao dịch thương mại bất hợp pháp, cùng các hành vi sai trái khác. Con đường thẳng tắp của giới tinh hoa tham nhũng đến với sự giàu có và quyền lực cũng gây hoang mang dư luận. Vì thế mà ông Trọng thường xuyên nhắc nhở về sự nguy hiểm của tham nhũng, khi nó có thể làm tổn thương thanh danh và thậm chí làm xói mòn uy tín của Đảng.

Trong khi tham nhũng ở Việt Nam về bản chất là một vấn đề cấu trúc, những bất cập mang tính hệ thống và văn hóa du di càng tạo điều kiện cho tham nhũng tràn lan ngoài tầm kiểm soát. Với nỗ lực chống tham nhũng của mình, ông Trọng đã tìm cách “nhổ tận gốc” những cá nhân “sâu mọt”, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức mà Đảng phải giải quyết.

Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều trong việc đề ra các chính sách hiệu quả để cải cách chính trị - xã hội, chẳng hạn như cải thiện vấn đề kiểm tra từ trong nội bộ của hệ thống chính trị, duy trì sự cân bằng quyền lực bên trong Đảng, cởi mở với các phản biện mang tính đóng góp, khuyến khích cải cách trong Đảng viên và giới trí thức có tinh thần xây dựng, thúc đẩy các chính sách bảo vệ người tố cáo, và tăng lương cho nhân viên ở khu vực công để ngăn chặn hối lộ và gian lận.

Di sản của Tổng Bí thư Trọng có khả năng bị phai nhạt do tình trạng không chắc chắn của giới lãnh đạo trong nước. Trước khi qua đời, vị cố Tổng Bí thư vẫn chưa thể tìm được một người kế nhiệm đủ sức lèo lái bánh xe của Đảng bằng quyết tâm vô song như ông đã từng.

Trong nỗ lực tìm kiếm một “người kế thừa” có đủ đạo đức và sự tu thân, ông Trọng vẫn chưa thể tìm được một “con người xã hội chủ nghĩa chân chính”, đáp ứng tiêu chuẩn “vừa hồng vừa chuyên” - vừa có cam kết mạnh mẽ với hệ tư tưởng cộng sản, vừa có tài kỹ trị. Một số học giả quan ngại rằng sẽ rất khó để lấp đầy khoảng trống sau sự ra đi của ông Trọng, bởi “danh tiếng trong sạch, thâm niên và kinh nghiệm quản lý lâu dài” của ông là quá nổi bật, qua đó giúp ông “có thẩm quyền đạo đức” và uy tín “đủ lớn để […] dẫn dắt cuộc chiến chống tham nhũng”.

Câu hỏi quan trọng tại thời điểm này là: Ai sẽ là người tiếp theo “kế vị ngai vàng”? Việc ông Trọng qua đời chắc chắn sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực ở đỉnh cao của hệ thống chính trị Việt Nam. Vị trí tổng bí thư rất quan trọng, có vai trò chi phối chính trị nội bộ Việt Nam và đảm bảo sự lãnh đạo trong các lĩnh vực quan trọng của đất nước, như quốc phòng, an ninh và kinh tế. Do đó, các lãnh đạo Việt Nam có thể sẽ phải đau đầu khi nỗ lực tìm kiếm một người phù hợp với vị trí vô cùng quan trọng này.

Di sản của ông Trọng xứng đáng được ghi nhận, dù có nhiều vấn đề cần khắc phục, vì chỉ thị xây dựng Đảng theo hướng minh bạch và quản trị tốt của ông đã gây được tiếng vang với cả người dân trong nước và cả các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài được hưởng lợi từ các thủ tục tinh gọn hơn và ưu đãi đầu tư, chẳng hạn như thuế suất ưu đãi.

Sau khi ông Trọng qua đời, một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội tại Việt Nam đã đổi ảnh đại diện của họ sang màu đen để bày tỏ sự tiếc thương với nhà lãnh đạo Đảng, cũng như với nỗ lực nhiều năm của ông trong việc loại trừ tham nhũng và các quan chức bất liêm. Cuộc thanh trừng tham nhũng hiện nay dường như không thể đảo ngược, bởi nếu ai chọn tách mình ra khỏi di sản của cố Tổng Bí thư Trọng, (những) người ấy có thể phải đối mặt với những lời chỉ trích về việc xa rời hay đi ngược lại lý tưởng của Đảng.

Trong suốt nhiệm kỳ dài của ông Trọng, ĐCSVN đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế. Kể từ năm 2011, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á, giúp uy tín của đất nước được công nhận rộng rãi trên trường quốc tế. Ngoài ra, nền kinh tế tăng trưởng ổn định nhờ sự gia tăng của nhu cầu tiêu dùng trong nước và sự tiến triển của một nền sản xuất định hướng xuất khẩu. GDP của đất nước có thể sẽ tăng 6,93% trong quý II so với cùng kỳ năm trước (từ mức 5,87% trong quý I).

Đồng thời, các cuộc điều tra chống tham nhũng của ông Trọng đã đánh động các quan chức trong Đảng, những người này đủ khôn ngoan để hiểu rằng chính quyền đang theo dõi chặt chẽ mọi hành tung của họ. Từ đó, họ có thể hành động trách nhiệm hơn, thận trọng hơn, xem trọng tinh thần đạo đức và tính chuyên nghiệp trong công việc. Tuy nhiên, sức hấp dẫn của quyền lực vẫn có thể khiến bất cứ ai lầm đường lạc lối, đặc biệt là trong các tình huống mà hình phạt cho tội danh tham nhũng khá khiêm tốn, trong khi “phần thưởng” lại lớn hơn nhiều.

Niềm tin không lung lay của ông Trọng vào uy quyền tối cao của ĐCSVN và các chiến dịch chống tham nhũng là cốt lõi trong di sản đối nội của ông. Ông nổi tiếng với lập trường cứng rắn, không khoan nhượng đối với sự suy thoái chính trị và các hoạt động có thể đe dọa sự sống còn của Đảng. Trong cuốn sách xuất bản năm 2023 với tựa đề “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, ông Trọng đã thể hiện cam kết tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng bằng cách hành động “kiên quyết, quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới”.

Tóm lại, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã theo đuổi một cách sắt đá sứ mệnh “đưa Đảng trở nên vĩ đại”. Ông thực hiện mọi nỗ lực để củng cố vị thế và uy tín của ĐCSVN, trong khi cố gắng thanh lọc các “con sâu” trong nội bộ Đảng qua công cuộc chống tham nhũng.

Song, sự ra đi của ông vẫn chưa giải quyết được câu hỏi làm sao để Đảng hoạt động bền vững trong thời gian tới. Và liệu (những) người kế nhiệm ông có cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy chiến dịch “đốt lò”? Nhiều điều chỉnh (nếu có) sẽ có dáng dấp ra sao? Khi Việt Nam bước vào một kỷ nguyên chính trị mới, những câu hỏi này gợi lên nhiều suy nghĩ.

*Ghi chú của VSF: Phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên The Diplomat với tiêu đề “The Vietnamese Communist Strongman’s Contested Legacy”. Bản dịch rút gọn này do đội ngũ VSF thực hiện với sự chấp thuận của tác giả.

 

Từ khoá: Nguyễn Phú Trọng Đảng Cộng sản Việt Nam tham nhũng chính trị Việt Nam

BÀI LIÊN QUAN