Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Anwar Ibrahim đã khuyên ngư dân nước này như vậy khi các phóng viên bày tỏ lo lắng về việc ngư dân địa phương nhìn thấy một tàu hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là xung quanh đảo Beting Patinggi Ali (còn được gọi là Luconia) thuộc bang Sarawak. Beting Patinggi Ali cách bờ biển Miri 84 hải lý (155 km) và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia.
Tuyên bố trấn an này (“Don’t be afraid, don’t be afraid”) được nêu sau khi ông Anwar chủ trì Tháng An ninh Quốc gia 2024 (National Security Month 2024) tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Putrajaya vào ngày 30/7. Trước đó, các phương tiện truyền thông Malaysia đưa tin rằng ngư dân nước này cảm thấy bị đe dọa bởi sự hiện diện của tàu hải cảnh Trung Quốc vì chúng cản trở các hoạt động kinh tế của các tàu cá địa phương.
Sự hiện diện của tàu Trung Quốc trong EEZ của Malaysia không phải là vấn đề mới mẻ. Giới chức Malaysia cho biết, từ năm 2013, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã bắt đầu hiện diện ở ngoài khơi vùng biển Sarawak. Sự việc tương tự cũng xảy ra vào năm 2015, khiến chính phủ Malaysia phải gửi kháng nghị qua đường ngoại giao để phản đối. Vào năm 2016, Malaysia đã khẳng định việc theo đuổi giải pháp ngoại giao trong khi Bộ Quốc phòng và các lực lượng vũ trang sẽ chờ chỉ thị của Thủ tướng trước khi hành động. Từ đó về sau, Trung Quốc thường xuyên đưa tàu hải cảnh đi vào EEZ của Malaysia, buộc lực lượng chấp pháp nước này phải thường xuyên tuần tra gần cụm bãi cạn Luconia để “đảm bảo chủ quyền quốc gia”.
Động thái của Thủ tướng Malaysia làm dấy lên nghi ngờ rằng phải chăng ông Anwar là một nguyên thủ “thân Trung Quốc” (pro-China). Vào tháng 3, ông Anwar đã đưa ra những tuyên bố không thể gây tranh cãi hơn khi cảnh báo rằng bất kỳ phản ứng thù địch nào đối với sự “trỗi dậy” về kinh tế của Trung Quốc sẽ gây ra hệ quả nghiêm trọng, khiến cường quốc châu Á tức giận và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Trong bài phát biểu tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), lãnh đạo Malaysia nhấn mạnh rằng phản ứng thù địch đối với sự “trỗi dậy” của Trung Quốc “chẳng khác gì nỗ lực phủ nhận vị trí hợp pháp của [nước này] trong lịch sử”. Thủ tướng Anwar cũng cho rằng các quốc gia nên thể hiện “một thước đo về sự đồng cảm; đặt mình vào vị trí của [các quốc gia khác]; để xem [các quốc gia đó] nhìn nhận chúng ta như thế nào”.
Vào tháng 6, lãnh đạo Malaysia cũng dành những “lời có cánh” cho Trung Quốc. Thủ tướng Anwar tiếp tục bác bỏ quan điểm cho rằng sự thống trị của Trung Quốc là điều đáng sợ. Ông thậm chí còn gọi Trung Quốc là “người bạn thực sự” (true friend).
Khi các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông, như Philippines và Việt Nam, quan ngại về sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Malaysia – cũng là một bên yêu sách tại vùng biển này – lại khá “lạc quan”. Thủ tướng Anwar khẳng định các đối thoại ngoại giao giữa nước này và Trung Quốc được tiến hành tích cực và hai bên được xem như “những đối tác bình đẳng, như những người bạn đáng tin cậy” (equal partners, as trusted friends). Với tuyên bố này, rất có thể ông Anwar muốn ám chỉ các yêu sách lãnh thổ chồng lấn ở Biển Đông và căng thẳng đang diễn ra giữa Philippines và Trung Quốc ở Bãi Cỏ Mây.
Trước đó, Tân Hoa Xã (Xinhua News Agency), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã ca ngợi “Trung Quốc và Malaysia là hai nước láng giềng có tình hữu nghị kéo dài hàng ngàn năm”. Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) sử dụng ngôn ngữ hình tượng thể hiện đặc trưng của nền văn hoá Trung Hoa: “Hành trình của Trung Quốc và Malaysia trong 50 năm qua... giống như một chuyến thám hiểm mà hai người cùng nắm tay nhau vượt núi vượt sông, và giành được một cột mốc đầy thành tựu”.
Những năm gần đây, các nhà lãnh đạo Malaysia thường đưa ra các tuyên bố giảm nhẹ mối quan ngại về an ninh Biển Đông trước việc Trung Quốc gia tăng căng thẳng. Vào ngày 6/6, Thủ tướng Malaysia đã tuyên bố nước này cam kết “tích cực” tham gia vào các nỗ lực ngoại giao để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, điểm đáng quan ngại là ông Anwar, sau khi đã có những trao đổi với Tổng thống Philippines Marcos, đã bác bỏ sự can thiệp của các quốc gia bên ngoài khu vực và cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc. Ông Anwar nhấn mạnh rằng vấn đề Biển Đông “không nên có sự tham gia của các bên khác vì điều đó sẽ làm phức tạp vấn đề”.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tờ South China Morning Post vào giữa tháng 6, Thủ tướng Anwar bày tỏ các quan điểm cứng rắn với Mỹ và thể hiện tình cảm gắn bó với Trung Quốc. Trước áp lực từ Mỹ, ông Anwar cảnh báo “Nếu [Mỹ và phương Tây] có bằng chứng thuyết phục để chứng minh rằng bất kỳ công ty hoặc quốc gia nào đang gây rối, thì được thôi. Họ nên đưa ra bằng chứng (…) Nhưng nếu không, chúng tôi sẽ không khuất phục trước áp lực đó. Đây không còn là chủ nghĩa thực dân mới hay chế độ thực dân nữa. Chúng tôi là một quốc gia độc lập”.
Trước đó, vào tháng 5/2023, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cảnh báo Malaysia rằng nước này có thể phải đối mặt với mối đe dọa an ninh quốc gia nếu cho phép gã khổng lồ về cơ sở hạ tầng viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia phát triển mạng băng thông rộng di động tốc độ cao 5G của Malaysia. Đáp lại, chính quyền Anwar cho biết nước này không loại Huwei ra khỏi danh sách các đối tác tiềm năng.
Dù khẳng định sẽ không bị cuốn vào căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung hay bị ép phải “chọn phe”, ông Anwar tuyên bố Malaysia cần thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, một quốc gia “sẵn sàng tiếp thu và lắng nghe” những đề xuất và mối quan tâm của quốc gia ông. Liên quan đến các yêu sách chồng chéo giữa Malaysia và Trung Quốc, ông Anwar nhấn mạnh rằng phương Tây có “nỗi ám ảnh, xu hướng phóng đại vấn đề” và tuyên bố: “Chúng ta có vấn đề [với Trung Quốc] không? - Có. Chúng ta có gặp phải bất kỳ cuộc đụng độ hay vấn đề nghiêm trọng nào không? - Không”.
Malaysia có nhượng bộ Trung Quốc?
Dù gây nhiều tranh cãi, cả trong nội bộ lẫn từ các nhà quan sát bên ngoài, chính sách xích lại gần Trung Quốc của chính quyền Anwar đã mang lại những lợi ích cho quốc gia này, ít nhất là từ quan điểm của giới hoạch định chính sách ở Kuala Lumpur. Thật vậy, khi so sánh cách tiếp cận giữa Malaysia và Philippines trong vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Malaysia cho rằng cách tiếp cận mang tính đối đầu và coi trọng liên minh với Mỹ của Philippines không thật sự hiệu quả.
Tại Hội nghị bàn tròn châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 37 (37 APR) diễn ta vào tháng 6, Thủ tướng Anwar nhấn mạnh rằng Malaysia “áp dụng cách tiếp cận ngoại giao quyết liệt hơn và chúng tôi đã khá thành công về mặt này”, đồng thời giải thích thêm rằng “chúng tôi tương đối thành công hơn” vì “chúng tôi được coi là và có vẻ thực sự trung lập trong quá trình tiếp xúc [với Trung Quốc]”.
Động thái của Malaysia rõ ràng có những yếu tố tích cực. Trong tuyên bố chung vào tháng 6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và người đồng cấp Datuk Seri Anwar Ibrahim cho biết hai nước nhất trí giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Bên cạnh đó, hai bên cho biết “sẽ khởi động đối thoại song phương về quản lý các vấn đề hàng hải sớm nhất có thể để thúc đẩy đối thoại và hợp tác hàng hải”.
Đối thoại và đàm phán nổi lên như cách tiếp cận chủ đạo của Kuala Lumpur đối với Bắc Kinh. Vào đầu tháng 7, Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Datuk Mohamad Alamin cho biết chính phủ sẽ sử dụng mọi nền tảng ngoại giao hiện có để đàm phán với Trung Quốc khi tuyên bố: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình và chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng các nền tảng hiện có để đàm phán với Trung Quốc (về vấn đề này)”.
Các nhà quan sát có thể cho rằng Malaysia đang nhượng bộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, từ góc nhìn của giới lãnh đạo Malaysia, những nhận định như vậy (hoặc tương tự vậy) là không thuyết phục. Dù quan hệ với Trung Quốc đang diễn tiến khá tốt đẹp, ông Datuk Mohamad Alamin cho biết, liên quan đến vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, “chính phủ kiên quyết không thỏa hiệp”, cho thấy Malaysia sẽ vẫn kiên quyết bảo vệ chủ quyền của mình đối với tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông.
Vào ngày 26/7, Ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Mohamad Hasan tuyên bố Malaysia mong muốn mọi vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán giữa các thành viên trong khối, thay vì lệ thuộc vào sự trợ giúp bên ngoài. Cụ thể, ông Hasan khẳng định: “Sẽ tốt hơn nếu các vấn đề trong ASEAN và khu vực Đông Nam Á được giải quyết thông qua đàm phán và đối thoại giữa các quốc gia với nhau”, đồng thời bày tỏ rằng ảnh hưởng bên ngoài sẽ dẫn đến “sự bất ổn” trong khu vực.
Dù không nêu tên bất kỳ quốc gia nào, những phát biểu này được coi là “ám chỉ” Philippines, quốc gia đang tăng cường hợp tác quân sự với các đối tác “bên ngoài”, như Mỹ, Nhật Bản, và Australia, để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông. Rõ ràng là Kuala Lumpur, dù tránh phản đối công khai, không hề ủng hộ quan điểm cứng rắn và cách tiếp cận minh bạch (transparency) của Manila trong việc giải quyết các căng thẳng hàng hải với Bắc Kinh.
Cũng cần chú ý, hai quốc gia Đông Nam Á này có “khúc mắc” về ngoại giao khi Kuala Lumpur kiên quyết phản đối yêu sách của Manila đối với bang Sabah. Trong công hàm ngày 27/6 gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, phái đoàn thường trực của Malaysia tại Liên Hợp Quốc cho biết nước này chưa bao giờ công nhận yêu sách của Philippines đối với Sabah, và phái đoàn tuyên bố: “Rõ ràng là yêu sách của Cộng hòa Philippines đối với Sabah không hề có cơ sở nào theo luật pháp quốc tế”.
Vào ngày 30/7, ông Anwar – dù khẳng định mình có quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống Marcos – tuyên bố: “Liên quan đến yêu sách của Philippines đối với Sabah, chính phủ Malaysia đã đưa ra tuyên bố chắc chắn rằng chúng tôi sẽ không nhượng bộ dù chỉ một tấc đất của mình và sẽ không bao giờ tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào liên quan đến quyền và chủ quyền của đất nước chúng tôi”.
Nhìn rộng ra, quan điểm của Thủ tướng Anwar có liên quan mật thiết đến nền chính trị nội bộ, vì suy cho cùng, các vấn đề đối nội là động lực cho chính sách đối ngoại. Chính phủ Anwar đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử tiếp theo (vào tháng 2 năm 2028) và rất cần sự ủng hộ của người dân. Theo số liệu vào tháng 7/2023, khoảng 64% người dân Malaysia là Bumiputera – thuật ngữ dùng để chỉ người Mã Lai và các dân tộc bản địa khác, và xếp thứ hai là người Hoa (ethnic Chinese) với khoảng 23%. Với ông Anwar, vấn đề tranh thủ phiếu bầu từ người Hoa bản địa là rất quan trọng.
Thực tế, dù Đảng Công lý Nhân dân (People’s Justice Party) có chọn Anwar – nhà lãnh đạo hiện 76 tuổi và đồng thời là người sáng lập Đảng – làm ứng cử viên hay sẽ chọn một người kế nhiệm, thì vấn đề tạo sức hút và tranh thủ sự ủng hộ của người dân Malaysia luôn có tầm quan trọng hàng đầu.
Theo “Khảo sát tình hình Đông Nam Á năm 2024” của Yusof Ishak Institute (có trụ sở tại Singapore), mức độ ủng hộ Trung Quốc ở Malaysia là rất cao, có đến 73.2% số người được hỏi cho biết họ muốn ASEAN liên kết với Trung Quốc (hơn là Mỹ). Trong khi đó, số người lựa chọn Mỹ, thay vì Trung Quốc, chỉ chiếm 26.8%. Mức chênh lệch này là khá lớn, nếu xét vào năm 2023 khi tỷ lệ chọn Trung Quốc và Mỹ không chênh lệch quá nhiều, lần lượt là 53.7% và 46.3%. Điều này cho thấy tình cảm ủng hộ Trung Quốc trong dân chúng đang gia tăng tại quốc gia Hồi giáo này, và đây là điều mà chính quyền ông Anwar phải rất cân nhắc khi xử lý các vấn đề đối nội lẫn đối ngoại.
Giữ cho cánh cửa luôn mở
Thực tế, đối thoại hàng hải song phương với Trung Quốc chưa hẳn là nền tảng chính trị vững chắc để giải quyết các bất đồng xung quanh vấn đề Biển Đông; tuy vậy, giới tinh hoa cầm quyền của Malaysia có thể phán đoán rằng dù sao đối thoại vẫn tốt hơn là “không làm gì”, và việc có thêm một kênh để quản lý rủi ro vẫn là cần thiết để đảm bảo hòa bình. Bên cạnh đó, việc tích cực thúc đẩy đối thoại có thể cho ASEAN và các cường quốc thấy rằng Malaysia vẫn có trách nhiệm và thể hiện các cam kết đối với an ninh khu vực thông qua các biện pháp ngoại giao.
Bằng cách này, Malaysia có thể tránh gây căng thẳng với Trung Quốc và thu hút nhiều đầu tư hơn từ cường quốc châu Á. Khác với Philippines, Malaysia không có quan hệ đồng minh hiệp ước với Mỹ, do đó khó nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ trong trường hợp vướng vào xung đột với Trung Quốc. Là một quốc gia yếu hơn về sức mạnh quân sự trong bối cảnh an ninh khu vực ngày càng bất ổn, Malaysia ưu tiên bảo vệ chủ quyền, đảm bảo ổn định trong nước, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài để phát triển đất nước, đồng thời tránh vướng vào xung đột với các cường quốc.
Tuy nhiên, các động thái của Malaysia vẫn gây quan ngại. Cách tiếp cận của chính quyền Anwar là khá “dũng cảm”, nhưng việc lệ thuộc vào thương mại với Trung Quốc có thể dẫn đến những rủi ro về an ninh. Cụ thể, vị trí địa chính trị của Malaysia có thể khiến nước này chịu nhiều tổn thương; vì là “một quốc gia thương mại hàng hải, nơi sự tồn tại về kinh tế [của Malaysia] phụ thuộc rất nhiều vào thương mại hàng hải” nên việc tin rằng quan hệ ngoại giao hữu hảo và liên kết kinh tế tốt đẹp với Trung Quốc sẽ giúp Malaysia an toàn hơn có thể mang lại ít nhiều rủi ro.
Các tuyên bố về ngoại giao là cần thiết, thậm chí là một phần tất yếu trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, chúng không phải là sự đảm bảo tuyệt đối cho các cam kết hoà bình và ổn định, nhất là trong những tình huống có liên quan đến lợi ích quốc gia và các tính toán chiến lược.
Nhưng động thái mềm mỏng và nỗ lực giảm nhẹ mối quan ngại từ Trung Quốc là có cơ sở, nếu xem xét nghiêm túc hơn về quan hệ kinh tế ngày càng gắn bó giữa Kuala Lumpur và Bắc Kinh. Từ năm 2009, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Malaysia – như vậy, liên kết về kinh tế không phải chỉ xuất hiện gần đây mà trong thời gian dài đã giữ vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa hai quốc gia châu Á này.
Theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Malaysia, thương mại song phương đã tăng từ dưới 200 triệu USD khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1974 lên hơn 190 tỷ USD vào năm 2023; và mức tăng này là khá ấn tượng (hơn 950 lần). Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia trong 15 năm liên tiếp và hiện là nguồn đầu tư chính của Malaysia.
Bên cạnh đó, Malaysia cũng tham gia tích cực vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một đại chiến lược của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy sự “trỗi dậy” về kinh tế và tăng cường vai trò của cường quốc này trên trường quốc tế. Năm ngoái, các nhà lãnh đạo hai nước đã thống nhất về việc cùng nhau xây dựng một “Cộng đồng cùng chia sẻ tương lai”, đánh dấu một giai đoạn lịch sử mới trong quan hệ song phương. Quốc gia Đông Nam Á này thậm chí đã tuyên bố mong muốn gia nhập BRICS, một nhóm các nền kinh tế mới nổi, nhưng lại bị phương Tây xem là nền tảng do Trung Quốc lãnh đạo và sự mở rộng của khối là nhằm thách thức sự lãnh đạo của Mỹ và phương Tây.
Dù có tranh cãi nhưng quan hệ kinh tế đang tốt đẹp giữa Malaysia và Trung Quốc cùng những cân nhắc về chính trị nội bộ khiến chính quyền Anwar duy trì cách tiếp cận khá khéo léo với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông: lựa chọn ngoại giao thay vì đối đầu. Từ giờ đến thời điểm bầu cử quốc gia vào đầu năm 2028, khó có thể mong chờ một “cú twist” nào trong chính sách Biển Đông của Malaysia đối với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, dù Malaysia không công khai phản đối cách tiếp cận của các quốc gia láng giềng có tranh chấp ở Biển Đông (như Philippines, Việt Nam) với Trung Quốc, việc nước này sắp sửa đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2025 cần được chú ý. Về bản chất, các tuyên bố gần đây là của riêng Malaysia, do đó, chúng mang tính “đơn phương” (thay vì đại diện cho quan điểm chính thức của ASEAN). Tuy nhiên, các tuyên bố và động thái “thân Trung Quốc” của chính quyền đương nhiệm có thể gây nghi ngại về cách mà Kuala Lumpur điều phối các vấn đề an ninh khu vực, nhất là quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc và vấn đề đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Liệu Malaysia có thể theo đuổi chính sách Biển Đông hiện tại, thành công trong việc nêu cao vai trò của ASEAN, và không làm phương hại đến lợi ích của các quốc gia thành viên Hiệp hội? Và trong tương lai, các phát ngôn “bóng gió” đối với các động thái và chính sách của Phillipines ở Biển Đông có dẫn đến rạn nứt ngấm ngầm trong quan hệ giữa Kuala Lumpur và Manila – theo đó sẽ phá vỡ một mắt xích quan trọng trong ASEAN? Có lẽ chính quyền Anwar đã phải tính đến những vấn đề “nhạy cảm” này. Tuy nhiên, vẫn phải chờ xem Malaysia sẽ điều hướng quan hệ giữa nước này với Trung Quốc và ASEAN ra sao.