Kênh đào Funan Techo quan trọng ra sao với Campuchia và Việt Nam?

Cả Campuchia và Việt Nam đều có lý lẽ chính đáng cho các quan điểm gần đây về dự án kênh đào Funan Techo. Các bên cần đặt mình vào vị trí của nhau để đối thoại và hướng đến lợi ích chung.

Phan Nhật Bình 06/05/2024
Image
Thủ tướng Phạm Minh Chính (phải) bắt tay Thủ tướng Campuchia Hun Manet tại Văn phòng Chính phủ (Hà Nội) trong chuyến thăm Việt Nam của ông Hun vào tháng 12/2023. - (C): VOV

Một dự án gây tranh cãi về tác động môi trường

Đầu năm 2022, Bộ Công chính và Vận tải Campuchia tiết lộ rằng Phnom Penh có kế hoạch xây dựng một tuyến đường thủy mới để kết nối từ sông Bassac (một nhánh của sông Mekong, Việt Nam gọi là sông Hậu) chảy bên trong nội địa với cảng biển tại tỉnh Kep (giáp Vịnh Thái Lan) với mục đích giúp Campuchia có thể tự vận chuyển hàng hóa từ cảng biển vào sâu trong đất liền mà không phải quá cảnh qua các cảng ở Việt Nam. Dựa trên ý tưởng đó, đến tháng 5/2023, cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chủ trì một cuộc họp nội các và quyết định rằng dự án tuyến đường thủy mới sẽ được gọi là kênh đào Funan Techo

Cho đến nay, vấn đề tác động môi trường của kênh đào Funan Techo vẫn gây tranh cãi cả trong dư luận quốc tế lẫn tại Việt Nam - quốc gia nằm ở cuối dòng Mekong và là nước duy nhất bên ngoài Campuchia có rủi ro hứng chịu tác động từ dự án này. 

Đến nay, giới học giả ở Campuchia, Việt Nam và quốc tế đưa ra rất nhiều ý kiến trái chiều; song nhìn chung, các ý kiến vẫn chia sẻ quan điểm rằng dự án này có khả năng tác động nhất định đến môi trường nói chung, và nguồn nước chảy từ sông Mekong về Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam nói riêng.

Theo công bố sơ bộ từ phía Campuchia, kênh đào Funan Techo sẽ bắt đầu từ Cảng tự trị Phnom Penh (nằm trên dòng chính sông Mekong trong một đoạn ngắn), sau đó nhập vào sông Bassac ở điểm bắt đầu có thể là tại xã Prek Ambel, huyện Sa’ang, tỉnh Kandal, dọc theo hướng Nam qua vùng đầm lầy Kaoh Thom (một huyện cũng thuộc tỉnh Kandal), rồi rẽ sang hướng Tây Nam tới điểm cuối Sihanoukville thuộc tỉnh Kep. Con kênh dự kiến có chiều dài khoảng 180km, rộng 100m ở thượng nguồn và 80m ở hạ lưu, độ sâu 5,4m, có thể chở tàu có trọng tải lên tới 3000 tấn.

Bản đồ sơ phác dựa theo mô tả từ bản thiết kế kênh đào Funan Techo. - (C): Bộ Thông tin Campuchia

Một bản đồ khác minh họa thiết kế của kênh đào Funan Techo, cho thấy rõ hơn vị trí của con kênh trong tương quan với dòng chảy của sông Mekong vào ĐBSCL của Việt Nam. Phiên bản này được Campuchia gửi lên Uỷ hội Sông Mekong (MRC). - (C): Nikkei Asia

Như vậy, với kế hoạch mà phía Campuchia đề ra, kênh đào Funan Techo gần như nằm hoàn toàn trên dòng nhánh (phụ lưu/tributary) của sông Mekong. Điều này cũng được Thủ tướng Hun Manet khẳng định trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12/2023, nhấn mạnh rằng kênh đào sẽ chuyển hướng nước từ sông Bassac - một nhánh chứ không phải từ dòng chính sông Mekong.

Khoản A, Điều 5 của Hiệp định về Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực Sông Mekong năm 1995 (Hiệp định Mekong 1995) quy định rằng “Trên các dòng nhánh của sông Mekong, bao gồm cả hồ Tonle Sap (Biển Hồ), việc sử dụng nước trong lưu vực và chuyển nước ra ngoài lưu vực phải được thông báo cho Ủy ban Hỗn hợp” (On tributaries of the Mekong River, including Tonle Sap, intra-basin uses and inter-basin diversions shall be subject to notification to the Joint Committee). Nói cách khác, một quốc gia muốn xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng nguồn nước từ dòng nhánh của sông Mekong thì chỉ cần thông báo với MRC, mà không cần thực hiện quy trình tham vấn trước và xin thoả thuận từ MRC như trường hợp muốn sử dụng nước từ dòng chính (mainstream) theo quy định tại khoản B, Điều 5 Hiệp định Mekong 1995.

Trên cơ sở đó, Campuchia - với tư cách là một trong những thành viên ký kết Hiệp định Mekong 1995, về cơ bản đã tuân thủ đúng quy định của hiệp định này khi tiến hành một dự án nằm trên dòng nhánh của sông Mekong, cụ thể là thông báo cho MRC về kế hoạch xây dựng kênh đào Funan Techo. Tháng 8 năm ngoái, nước này đã gửi Bản tóm tắt đánh giá tác động môi trường của dự án kênh đào Funan Techo lên Ban Thư ký của MRC, trong đó nêu rõ rằng dự án thuộc dòng nhánh của sông Mekong, và việc sử dụng ba âu tàu dọc theo kênh sẽ đảm bảo việc xả nước được “kiểm soát hiệu quả” nhằm ngăn chặn những thay đổi đáng kể đối với dòng chảy của sông Mekong (văn bản này không được công bố công khai, phía Campuchia chỉ chia sẻ một phần nội dung cho Nikkei Asia).

Trước đó, để tạo ra bản thiết kế của kênh đào, Campuchia cho biết đã thực hiện nghiên cứu nghiêm túc kéo dài hơn hai năm về nhiều mặt, gồm kỹ thuật, pháp lý, kinh tế, môi trường và xã hội, cũng như tham vấn liên bộ trước khi chính phủ phê duyệt dự án. Trong suốt chiều dài 180 km của con kênh cũng có ba âu tàu tại điểm giao giữa dòng chính với dòng nhánh sông Mekong, tại tỉnh Takeo và tại tỉnh Kep, để giúp chủ động điều tiết lượng nước, ngăn lãng phí nguồn nước ngọt chảy ra biển.

Tuy vẫn thừa nhận (nhưng không liệt kê cụ thể) rằng một số tác động môi trường có thể xảy ra trong quá trình xây dựng, Phnom Penh cho biết sẽ đưa ra các biện pháp để giảm thiểu chúng. Thủ tướng Campuchia Hun Manet cũng cam kết rằng dự án sẽ không ảnh hưởng đến dòng chảy của hệ thống sông Mekong vào Việt Nam - kể cả sông Tiền và sông Hậu.

Mặc dù vậy, MRC hiện chưa nhận được nghiên cứu khả thi hoặc các thông tin cập nhật mới của Phnom Penh về dự án kênh đào Funan Techo. Vì thế, Ban Thư ký MRC cho biết vẫn “đang chờ thêm thông tin từ Campuchia” để căn cứ vào đó đưa ra đánh giá đầy đủ, chính xác về các tác động của dự án.

Vì các thông tin mà Campuchia công bố chưa đầy đủ, nên đã tạo “vùng xám” cho sự trỗi dậy của dư luận với thái độ hoài nghi về dự án này, chủ yếu từ các trung tâm nghiên cứu của phương Tây (nhất là Mỹ) và một số chuyên gia ở Việt Nam. Chẳng hạn, ông Brian Eyler - một chuyên gia về Mekong làm việc tại tổ chức tư vấn Stimson Center của Mỹ cho rằng, văn bản mà Campuchia gửi lên MRC vẫn thiếu nội dung bàn luận về tác động môi trường thực tế đối với sông Mekong và vùng ngập lũ xuyên biên giới. Trong khi đó, ông Wesley Holzer - nhân viên ngoại giao công chúng tại Đại sứ quán Mỹ ở Phnom Penh cho rằng các cơ quan chức năng Campuchia cần phối hợp chặt chẽ với MRC để cung cấp thêm thông chi tiết về dự án và tham gia đầy đủ vào mọi nghiên cứu về tác động môi trường. 

Về phía Việt Nam, theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, trường Đại học Cần Thơ), văn bản mà Campuchia gửi MRC dài 15 trang nhưng phần thông tin dự án chỉ chưa tới bốn trang, dữ liệu mang tính chung chung, thiếu thông số chi tiết, gây thách thức cho việc đưa ra những đánh giá cụ thể. Ông Tuấn cũng cho rằng kênh đào Funan Techo nếu được xây dựng có thể khiến lượng nước từ sông Mekong chảy về ĐBSCL giảm chỉ còn một nửa. Tiếp nối quan ngại của ông Lê Anh Tuấn, theo ông Nguyễn Bá Cao (thuộc Trung tâm Quy hoạch và điều tra Tài nguyên - Môi trường biển khu vực phía Nam), hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng của dự án kênh đào Funan Techo đối với môi trường biển, nhất là tại vị trí tiếp giáp giữa kênh đào với khu vực đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) của Việt Nam.

Trong khi đó, TS. Tô Văn Trường - chuyên gia về tài nguyên môi trường, đã từng có 8 năm công tác tại MRC (1988 - 1996) đã đưa ra một phân tích chi tiết và đa chiều hơn trên trang Tri thức Nông dân (trực thuộc Báo Nông nghiệp Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Trước khi đưa ra nhận định, ông Trường phác thảo ba kịch bản về sự thay đổi lưu lượng nước về ĐBSCL sau khi dự án kênh đào Funan Techo hoàn thành. Kịch bản thứ nhất là Campuchia tuân thủ đúng với những gì đã đệ trình lên MRC - kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m³/s. Kịch bản thứ hai là Campuchia không kiểm soát dòng nước chảy qua kênh mỗi ngày, mà mở âu liên tục để nước chảy tự do, vượt ngưỡng 3,6 m³/s cả trong mùa lũ lẫn mùa kiệt. Kịch bản tiếp theo là Campuchia tuân thủ đúng theo kịch bản đầu tiên, nhưng kết hợp cấp nước nông nghiệp ở các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep.

Theo ông Trường, nếu kịch bản thứ nhất xảy ra, thì hoạt động của kênh đào Funan Techo sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến lưu lượng nước chảy về ĐBSCL. Nhưng nếu Campuchia để kịch bản hai hoặc ba xảy ra, thì tác động của con kênh đến dòng chảy và lượng phù sa về ĐBSCL là đáng kể. Với hai kịch bản này, lượng nước về sông Hậu sẽ giảm từ 5-13% trong mùa khô và từ 2-6% trong mùa mưa. Đồng thời, lưu lượng nước về sông Tiền cũng có thể sẽ bị giảm từ 2-4% trong mùa khô và từ 1-3% trong mùa mưa.

Nhìn chung, chính phủ Campuchia cho rằng các tác động về môi trường của dự án kênh đào Funan Techo là không đáng kể và sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho Việt Nam. Tuy nhiên, cả MRC, dư luận phương Tây cũng như các chuyên gia tại Việt Nam đều cho rằng cần có những nghiên cứu và báo cáo cụ thể hơn để có thể đánh giá toàn diện và chính xác về các tác động môi trường liên quan đến dự án. 

Quan trọng nhất, tác động từ dự án này sẽ phụ thuộc vào cách mà Campuchia điều phối và sử dụng dòng nước chảy qua kênh đào Funan Techo sau khi con kênh này chính thức đi vào hoạt động (theo đúng tiến độ của dự án thì sẽ là vào năm 2028).

Campuchia có động lực chính đáng để xây dựng con kênh

Là một trong hai quốc gia nằm ở hạ nguồn sông Mekong, cùng với Việt Nam, Campuchia ý thức rõ tầm quan trọng của nguồn nước sông Mekong, đặc biệt là vai trò của nó đối với nguồn sinh kế của người dân nước này. ‎Khoảng một nửa dân số Campuchia kiếm sống bằng nghề nông hoặc đánh bắt thuỷ sản trên vùng đồng bằng ngập nước do sông Mekong và Biển Hồ tạo ra. Kể từ năm 2019 đến nay, nước Mekong chảy vào Biển Hồ ở Campuchia đã giảm mạnh, kéo theo lượng cá tôm ở Biển Hồ cũng giảm (đỉnh điểm vào đợt hạn cuối năm 2019 - đầu năm 2020, sản lượng cá ở đây thấp hơn 80% so với bình thường‎‎), gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Campuchia và sinh kế của người dân sinh sống quanh Biển Hồ.

Vì sông Mekong quan trọng như “nguồn sống” của người dân Campuchia, Phnom Penh từ lâu đã thể hiện mình là một quốc gia có trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn nước và hệ sinh thái của con sông này. Một báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vào năm 2010 cho biết Campuchia đã tích cực thúc đẩy các sáng kiến hội nhập và hợp tác (RCI) trong tiểu vùng sông Mekong và hỗ trợ các hành lang kinh tế thuộc Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng (GMS) với các nước láng giềng. Năm 2020 Campuchia đã tuyên bố rằng nước này sẽ không phát triển các đập thủy điện mới trên sông Mekong trong vòng 10 năm tới (2020 - 2030). Trước đó, Campuchia từng thông báo kế hoạch phát triển hai đập thủy điện là Sambor (năm 2012)Stung Treng (năm 2016) trên dòng chính sông Mekong nhưng cả hai dự án đều bị hoãn kể từ năm 2020.

Trong một buổi lễ khởi công xây dựng một đập thủy điện ở tỉnh ven biển Koh Kong vào cuối năm ngoái, Thủ tướng Hun Manet nhắc lại rằng “Chính phủ [Campuchia] sẽ không xây dựng bất kỳ đập nào dọc theo sông Mekong vì nó ảnh hưởng rất nhiều [đến môi trường và sinh thái ở Biển Hồ - nguồn thuỷ sản chính cho người Campuchia]”. Ông cũng cam kết rằng Campuchia sẽ không phát triển các nhà máy điện than mới như một phần của “trách nhiệm đối với môi trường và khí hậu chung của thế giới”.

Trở lại với dự án kênh đào Funan Techo, dự án là nỗ lực của một quốc gia nhỏ bé như Campuchia nhằm tìm kiếm sự tự chủ chiến lược khi tồn tại giữa các quốc gia láng giềng hùng mạnh hơn. Bằng cách thiết lập một tuyến đường thủy thông thương từ cảng Phnom Penh đến tỉnh Kep, kênh đào Funan Techo sẽ tạo điều kiện để Campuchia dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế, giúp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa liền mạch hơn và giảm bớt sự phụ thuộc vào các cảng biển của Việt Nam. Theo tuyên bố từ Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol hôm 3/4, dự án kênh đào Funan Techo có thể giúp nước này thu được 88 triệu USD phí vận chuyển mỗi năm kể từ năm 2050, và ước tính khoản doanh thu này sẽ tăng thêm 570 triệu USD mỗi năm trong các năm sau đó.

Chưa dừng lại ở đó, hoạt động của con kênh có triển vọng thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của một quốc gia còn phụ thuộc lớn vào nông - lâm - ngư nghiệp như Campuchia (chiếm 22% GDP, gấp đôi tỷ lệ của Việt Nam) theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại và dịch vụ, tạo động lực vực dậy nền kinh tế cho “đất nước chùa tháp”. Bởi, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) trong giai đoạn 1990 - 2017, thương mại là chìa khoá để tạo ra sự thịnh vượng chưa từng có cho nhiều quốc gia và đã giúp thoát nghèo cho hơn 1 tỷ dân số thế giới. Kênh đào Funan Techo cũng sẽ mang lại cơ hội việc làm cho 5 triệu cư dân Campuchia, đồng thời thúc đẩy sự cải thiện hệ thống giao thông tổng thể của quốc gia này thông qua các dự án xây dựng hệ thống đường bộ, cầu, đường thuỷ phụ trợ dọc đôi bờ con kênh.

Nếu đứng từ góc độ một quốc gia có trách nhiệm đối với nguồn tài nguyên chung (như những gì Campuchia đã cam kết và thể hiện trong nhiều năm qua), ta vẫn có thể tin tưởng rằng Phnom Penh sẽ có biện pháp kiểm soát để dự án không gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái của Việt Nam. Tuy nhiên, như đã chỉ ra ở trên, mức độ minh bạch của Campuchia về dự án này đến nay vẫn còn hạn chế, theo đó đã tạo “vùng xám” cho sự trỗi dậy của dư luận hoài nghi về động cơ và các tác động của dự án này từ các trung tâm nghiên cứu của phương Tây và một số chuyên gia ở ĐBSCL.

Việt Nam cũng có lý do chính đáng để “rất quan tâm” về dự án

Theo truyền thông Campuchia, trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Manet vào tháng 12/2023, phía Việt Nam đã bày tỏ mối quan tâm về tác động môi trường tiềm ẩn của dự án đối với dòng chảy ở ĐBSCL. Vào ngày 11/4/2024, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh rằng “Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo và đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và MRC trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này”. 

Gần đây nhất, hôm 5/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng tiếp tục đưa ra thông điệp tương tự với báo chí nhưng với ngôn ngữ có phần nhẹ nhàng hơn. Cụ thể, bà Hằng phát biểu rằng Việt Nam “rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia theo tinh thần của Hiệp định Mekong 1995” và “mong rằng Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong...”. Có thể nhận thấy, ngôn ngữ được lựa chọn trong phát biểu của bà Hằng là khá cân bằng và “nhẹ nhàng” hơn so với phát ngôn trước đó của ông Việt.

Hà Nội đặc biệt quan tâm đến dự án này phần lớn vì lý do môi trường. Bằng chứng là không lâu sau khi Campuchia gửi Bản tóm tắt lên MRC vào năm ngoái, Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã gửi thư mời các nhà khoa học, chuyên gia tham gia đánh giá tác động của dự án đến vùng ĐBSCL. Mới đây hơn, Ủy ban sông Mekong Việt Nam phối hợp Ban Thư ký MRC - vào ngày 23/4/2024 - đã tổ chức cuộc họp tham vấn về dự án. Nhìn chung, theo các chuyên gia, dự án có nguy cơ gây ra những tác động tiêu cực đến tài nguyên nước ĐBSCL, nhưng cần phải có thêm những đánh giá cụ thể trên thực địa cũng như mang tính rõ ràng về khoa học để đưa ra kết luận cuối cùng. 

Với Việt Nam, quốc gia ở cuối dòng Mekong, việc bày tỏ mối quan tâm và yêu cầu Campuchia chia sẻ thông tin liên quan đến dự án kênh đào Funan Techo nhằm đảm bảo không có rủi ro môi trường xảy ra cho ĐBSCL là điều có thể hiểu được. Mặc dù Campuchia cho rằng kênh đào là “vấn đề đối nội và chủ quyền” của Phnom Penh và nằm trên dòng nhánh của sông Mekong, dự án này - trên thực tế - vẫn cắt qua thượng nguồn sông Hậu vùng ĐBSCL của Việt Nam. Do đó, việc Hà Nội cần những thông tin chi tiết để ứng phó những bất lợi có thể xảy ra trong tương lai là hợp lẽ.

Lợi ích của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án Funan Techo, song mức độ nặng hay nhẹ sẽ phụ thuộc vào cách chính phủ Campuchia sử dụng kênh đào. Hơn nữa, việc sử dụng cụm từ “rất quan tâm” để nói về dự án của Campuchia, thay vì dùng từ “rất quan ngại” (như cách Hà Nội nêu quan điểm đối với một số vấn đề khác có đe doạ trực tiếp đến an ninh quốc gia), cho thấy rằng mặc dù có sự lo lắng về tác động từ dự án kênh đào Funan Techo, Việt Nam vẫn có ý giảm nhẹ “sức nặng” trong các diễn ngôn để thể hiện thiện chí và mong muốn phối hợp với phía Campuchia nhằm cùng trao đổi và tiến đến dung hòa lợi ích giữa hai nước.         

Tuy nhiên, các diễn ngôn mà Việt Nam đã đưa ra trước đó dường như nhận về sự “khó chịu” từ phía Campuchia. Ông So Naro, đặc phái viên của Thủ tướng Campuchiaphụ trách các vấn đề ASEAN, phát biểu trên báo chí nước này rằng Campuchia không có nghĩa vụ phải giải trình thông tin với Việt Nam về một dự án nội bộ của Phnom Penh, tuy nhiên cho biết vẫn sẵn lòng chia sẻ thông tin cho Hà Nội. Cựu Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen hôm 27/4 cũng cho biết sẽ “không thương lượng gì thêm” về việc xây kênh đào Funan. Trước đó ông khẳng định quyết tâm xây kênh đào và bày tỏ mong muốn các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu nhu cầu của Campuchia thay vì chỉ nghĩ cho lợi ích của riêng Việt Nam, vì kênh đào sẽ mang lại nhiều lợi ích về giao thông, sản xuất cá, nuôi trồng thủy sản và sinh kế, và nó sẽ tránh lũ lụt ở một số tỉnh phía Tây Nam của Campuchia. Ông Hun Sen cũng bác bỏ các hoài nghi từ phía Việt Nam về việc kênh đào sẽ mở đường cho Trung Quốc tiếp cận quân sự ở Campuchia.

Tuy nhiên, cần chú ý rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa từng đưa ra một tuyên bố chính thức có bày tỏ quan ngại về hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Campuchia. Một số tờ báo lớn thuộc sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam như Tuổi trẻ, VnExpress,... chỉ đưa tin liên quan đến những tranh cãi về tác động môi trường của dự án. Những cáo buộc về nguy cơ tác động quân sự của Trung Quốc hay rủi ro đánh mất ảnh hưởng chính trị của Việt Nam có chăng chỉ đến từ các kênh bình luận độc lập, và do đó, không mang tính đại diện cho phát ngôn của chính phủ Việt Nam.

Mặc dù vậy, qua những phản ứng ngoại giao có sự “lệch pha” gần đây giữa Việt Nam và Campuchia liên quan đến dự án kênh đào Funan Techo, có thể thấy rằng giữa hai quốc gia hạ nguồn Mekong trên thực tế vẫn chưa có sự chia sẻ thông tin sâu sắc để cùng hợp tác bảo vệ và phát triển tài nguyên chung. Thông điệp cả hai bên đưa ra đều thể hiện sự sẵn sàng đối thoại để tháo gỡ vướng mắc, nhưng đâu đó vẫn đi kèm thái độ đề phòng - với một bên “đề nghị phối hợp” chia sẻ thông tin (mặc dù đã có ý giảm nhẹ mức “quan ngại” xuống “quan tâm”), và một bên “không muốn thương lượng thêm” (mặc dù cho biết vẫn sẵn lòng cung cấp thông tin cho Việt Nam).

Luận về lý thuyết bất cân xứng về quyền lực trong quan hệ quốc tế, GS. Brantly Womack đã chỉ ra trong cuốn “Asymmetry and International Relationships” (Sự bất cân xứng và các mối quan hệ quốc tế) rằng trong quan hệ giữa hai chủ thể có sự chênh lệch về sức mạnh (căn cứ vào các chỉ số kinh tế, chính trị, quân sự), thì nước nhỏ hơn sẽ có xu hướng nhạy cảm và phản ứng quá mức trước các động thái của nước lớn; trong khi đó, nước lớn hơn lại tỏ ra thiếu tinh tế hơn khi nhìn về lợi ích của nước nhỏ. Logic này khá giống với những gì đang diễn ra hiện nay trong quan hệ giữa Campuchia (tạm gọi là “nước nhỏ hơn”) và Việt Nam (tạm gọi là “nước lớn hơn”) liên quan đến dự án kênh đào Funan Techo. Trong khi Campuchia quá nhạy cảm và rất có thể đánh đồng quan điểm của dư luận độc lập với quan điểm chính thức của chính phủ Việt Nam, thì Hà Nội dường như đang thiếu một chút khéo léo trong việc truyền tải các thông điệp ngoại giao đến Phnom Penh.

Một số kiến nghị cho Việt Nam

Từ năm 2020, nghiên cứu của học giả Việt Nam đã chỉ ra rằng phía Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều thông tin thực địa mang tính cập nhật từ khu vực bãi ngập lũ và địa hình lòng sông phía Campuchia, nhằm tính toán và dự báo nguồn nước cho vùng ĐBSCL. Nghiên cứu cũng khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu quốc tế và hợp tác quốc tế để bổ sung cho phần dữ liệu quan trọng nhưng còn thiếu này của vùng. Đặt trong bối cảnh hiện nay, khuyến nghị này vẫn còn nguyên tính đúng đắn và cần thiết.

Bên cạnh đó, vì các bên liên quan trực tiếp đến dự án xây dựng kênh đào Funan Techo chỉ bao gồm Campuchia, Việt Nam và MRC, nên thông tin về dự án không nhất thiết phải được công khai hoàn toàn cho dư luận quốc tế mà chỉ cần được chia sẻ trong nội bộ ba bên là đủ, nhằm tránh có bên thứ tư cố ý sử dụng thông tin sai mục đích nhằm định hướng dư luận vì mục đích khác hoặc chia rẽ quan hệ giữa Campuchia và Việt Nam. 

Trên thực tế, Campuchia cũng đã cho biết sẵn sàng cung cấp thông tin cho phía Việt Nam. Mặc dù quyết tâm xây kênh đào, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen cũng gửi thông điệp đến Việt Nam rằng khi giải quyết vấn đề kênh đào Funan Techo, ông không kích động hận thù đối với người dân Việt Nam trong lòng người dân Campuchia, mà kêu gọi cả hai bên xem xét lợi ích và các tác động lẫn nhau. Do vậy, để đáp lại, Việt Nam cần có cách phản ứng mềm dẻo hơn khi làm việc với Campuchia trong vấn đề chia sẻ thông tin liên quan đến kênh đào Funan Techo, để không làm xấu đi quan hệ “hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện” với Phnom Penh.

Có thể thấy, trong tuyên bố “rất quan tâm” lần thứ hai từ đại diện Bộ ngoại giao Việt Nam nhưng với từ ngữ có tính giảm nhẹ hơn (từ “đề nghị” sang “mong rằng” Campuchia phối hợp chia sẻ thông tin về dự án), báo chí Campuchia đã dẫn lại nguyên văn tuyên bố này và chưa có bình luận thêm. Điều đó phần nào cho thấy Phnom Penh có sự quan tâm và lắng nghe tích cực đối với quan điểm của Hà Nội, và triển vọng đối thoại mang tính xây dựng giữa hai nước vẫn đang “mở”, miễn là phía Việt Nam có cách ứng xử ngoại giao hoà dịu hơn.

Ngoài ra, Việt Nam cần tìm cách thông tin cho phía Campuchia hiểu rằng, Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa hề đưa ra cáo buộc nào về ý nghĩa quân sự liên quan đến dự án của Campuchia, mà hầu hết chúng đều đến từ dư luận quốc tế và các kênh báo chí độc lập, không đại diện cho tiếng nói của Hà Nội. Phía Phnom Penh cần phân biệt điều này để tránh có thêm những hiểu lầm có thể làm tổn hại mối quan hệ song phương.

Nhìn chung, Campuchia cho đến nay phần nào tiếp tục khẳng định vai trò là một quốc gia có trách nhiệm trong tiểu vùng sông Mekong khi đã nhiều lần cam kết quan tâm đến vấn đề tác động môi trường, cũng như đã gửi báo cáo về dự án xây dựng kênh đào Funan Techo lên MRC. Tuy nhiên, tác động thực sự của kênh đào sẽ cần phải được theo dõi thêm trong thời gian tới, ở thời điểm Campuchia bắt đầu khởi công và công bố những thông tin chi tiết hơn. 

Dù thế nào đi nữa, dự án kênh đào Funan Techo vẫn là tham vọng địa chính trị và địa kinh tế chính đáng của Phnom Penh. Tương tự, Hà Nội cũng có lý do hợp lý cho những quan ngại của mình. Vì thế, điều quan trọng hơn hết là hai nước cần cởi mở và sẵn lòng đối thoại với tinh thần xây dựng, cũng như chia sẻ thông tin dựa trên tinh thần dung hòa lợi ích của cả hai.

* Độc giả có thể tham khảo thêm bài viết liên quan đến dự án kênh đào Funan Techo “Thấy gì từ dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia?” của tác giả Võ Trường An.

Một dự án gây tranh cãi về tác động môi trường

Đầu năm 2022, Bộ Công chính và Vận tải Campuchia tiết lộ rằng Phnom Penh có kế hoạch xây dựng một tuyến đường thủy mới để kết nối từ sông Bassac (một nhánh của sông Mekong, Việt Nam gọi là sông Hậu) chảy bên trong nội địa với cảng biển tại tỉnh Kep (giáp Vịnh Thái Lan) với mục đích giúp Campuchia có thể tự vận chuyển hàng hóa từ cảng biển vào sâu trong đất liền mà không phải quá cảnh qua các cảng ở Việt Nam. Dựa trên ý tưởng đó, đến tháng 5/2023, cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chủ trì một cuộc họp nội các và quyết định rằng dự án tuyến đường thủy mới sẽ được gọi là kênh đào Funan Techo

Cho đến nay, vấn đề tác động môi trường của kênh đào Funan Techo vẫn gây tranh cãi cả trong dư luận quốc tế lẫn tại Việt Nam - quốc gia nằm ở cuối dòng Mekong và là nước duy nhất bên ngoài Campuchia có rủi ro hứng chịu tác động từ dự án này. 

Đến nay, giới học giả ở Campuchia, Việt Nam và quốc tế đưa ra rất nhiều ý kiến trái chiều; song nhìn chung, các ý kiến vẫn chia sẻ quan điểm rằng dự án này có khả năng tác động nhất định đến môi trường nói chung, và nguồn nước chảy từ sông Mekong về Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam nói riêng.

Theo công bố sơ bộ từ phía Campuchia, kênh đào Funan Techo sẽ bắt đầu từ Cảng tự trị Phnom Penh (nằm trên dòng chính sông Mekong trong một đoạn ngắn), sau đó nhập vào sông Bassac ở điểm bắt đầu có thể là tại xã Prek Ambel, huyện Sa’ang, tỉnh Kandal, dọc theo hướng Nam qua vùng đầm lầy Kaoh Thom (một huyện cũng thuộc tỉnh Kandal), rồi rẽ sang hướng Tây Nam tới điểm cuối Sihanoukville thuộc tỉnh Kep. Con kênh dự kiến có chiều dài khoảng 180km, rộng 100m ở thượng nguồn và 80m ở hạ lưu, độ sâu 5,4m, có thể chở tàu có trọng tải lên tới 3000 tấn.

Bản đồ sơ phác dựa theo mô tả từ bản thiết kế kênh đào Funan Techo. - (C): Bộ Thông tin Campuchia

Một bản đồ khác minh họa thiết kế của kênh đào Funan Techo, cho thấy rõ hơn vị trí của con kênh trong tương quan với dòng chảy của sông Mekong vào ĐBSCL của Việt Nam. Phiên bản này được Campuchia gửi lên Uỷ hội Sông Mekong (MRC). - (C): Nikkei Asia

Như vậy, với kế hoạch mà phía Campuchia đề ra, kênh đào Funan Techo gần như nằm hoàn toàn trên dòng nhánh (phụ lưu/tributary) của sông Mekong. Điều này cũng được Thủ tướng Hun Manet khẳng định trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 12/2023, nhấn mạnh rằng kênh đào sẽ chuyển hướng nước từ sông Bassac - một nhánh chứ không phải từ dòng chính sông Mekong.

Khoản A, Điều 5 của Hiệp định về Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực Sông Mekong năm 1995 (Hiệp định Mekong 1995) quy định rằng “Trên các dòng nhánh của sông Mekong, bao gồm cả hồ Tonle Sap (Biển Hồ), việc sử dụng nước trong lưu vực và chuyển nước ra ngoài lưu vực phải được thông báo cho Ủy ban Hỗn hợp” (On tributaries of the Mekong River, including Tonle Sap, intra-basin uses and inter-basin diversions shall be subject to notification to the Joint Committee). Nói cách khác, một quốc gia muốn xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng nguồn nước từ dòng nhánh của sông Mekong thì chỉ cần thông báo với MRC, mà không cần thực hiện quy trình tham vấn trước và xin thoả thuận từ MRC như trường hợp muốn sử dụng nước từ dòng chính (mainstream) theo quy định tại khoản B, Điều 5 Hiệp định Mekong 1995.

Trên cơ sở đó, Campuchia - với tư cách là một trong những thành viên ký kết Hiệp định Mekong 1995, về cơ bản đã tuân thủ đúng quy định của hiệp định này khi tiến hành một dự án nằm trên dòng nhánh của sông Mekong, cụ thể là thông báo cho MRC về kế hoạch xây dựng kênh đào Funan Techo. Tháng 8 năm ngoái, nước này đã gửi Bản tóm tắt đánh giá tác động môi trường của dự án kênh đào Funan Techo lên Ban Thư ký của MRC, trong đó nêu rõ rằng dự án thuộc dòng nhánh của sông Mekong, và việc sử dụng ba âu tàu dọc theo kênh sẽ đảm bảo việc xả nước được “kiểm soát hiệu quả” nhằm ngăn chặn những thay đổi đáng kể đối với dòng chảy của sông Mekong (văn bản này không được công bố công khai, phía Campuchia chỉ chia sẻ một phần nội dung cho Nikkei Asia).

Trước đó, để tạo ra bản thiết kế của kênh đào, Campuchia cho biết đã thực hiện nghiên cứu nghiêm túc kéo dài hơn hai năm về nhiều mặt, gồm kỹ thuật, pháp lý, kinh tế, môi trường và xã hội, cũng như tham vấn liên bộ trước khi chính phủ phê duyệt dự án. Trong suốt chiều dài 180 km của con kênh cũng có ba âu tàu tại điểm giao giữa dòng chính với dòng nhánh sông Mekong, tại tỉnh Takeo và tại tỉnh Kep, để giúp chủ động điều tiết lượng nước, ngăn lãng phí nguồn nước ngọt chảy ra biển.

Tuy vẫn thừa nhận (nhưng không liệt kê cụ thể) rằng một số tác động môi trường có thể xảy ra trong quá trình xây dựng, Phnom Penh cho biết sẽ đưa ra các biện pháp để giảm thiểu chúng. Thủ tướng Campuchia Hun Manet cũng cam kết rằng dự án sẽ không ảnh hưởng đến dòng chảy của hệ thống sông Mekong vào Việt Nam - kể cả sông Tiền và sông Hậu.

Mặc dù vậy, MRC hiện chưa nhận được nghiên cứu khả thi hoặc các thông tin cập nhật mới của Phnom Penh về dự án kênh đào Funan Techo. Vì thế, Ban Thư ký MRC cho biết vẫn “đang chờ thêm thông tin từ Campuchia” để căn cứ vào đó đưa ra đánh giá đầy đủ, chính xác về các tác động của dự án.

Vì các thông tin mà Campuchia công bố chưa đầy đủ, nên đã tạo “vùng xám” cho sự trỗi dậy của dư luận với thái độ hoài nghi về dự án này, chủ yếu từ các trung tâm nghiên cứu của phương Tây (nhất là Mỹ) và một số chuyên gia ở Việt Nam. Chẳng hạn, ông Brian Eyler - một chuyên gia về Mekong làm việc tại tổ chức tư vấn Stimson Center của Mỹ cho rằng, văn bản mà Campuchia gửi lên MRC vẫn thiếu nội dung bàn luận về tác động môi trường thực tế đối với sông Mekong và vùng ngập lũ xuyên biên giới. Trong khi đó, ông Wesley Holzer - nhân viên ngoại giao công chúng tại Đại sứ quán Mỹ ở Phnom Penh cho rằng các cơ quan chức năng Campuchia cần phối hợp chặt chẽ với MRC để cung cấp thêm thông chi tiết về dự án và tham gia đầy đủ vào mọi nghiên cứu về tác động môi trường. 

Về phía Việt Nam, theo PGS.TS. Lê Anh Tuấn (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, trường Đại học Cần Thơ), văn bản mà Campuchia gửi MRC dài 15 trang nhưng phần thông tin dự án chỉ chưa tới bốn trang, dữ liệu mang tính chung chung, thiếu thông số chi tiết, gây thách thức cho việc đưa ra những đánh giá cụ thể. Ông Tuấn cũng cho rằng kênh đào Funan Techo nếu được xây dựng có thể khiến lượng nước từ sông Mekong chảy về ĐBSCL giảm chỉ còn một nửa. Tiếp nối quan ngại của ông Lê Anh Tuấn, theo ông Nguyễn Bá Cao (thuộc Trung tâm Quy hoạch và điều tra Tài nguyên - Môi trường biển khu vực phía Nam), hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng của dự án kênh đào Funan Techo đối với môi trường biển, nhất là tại vị trí tiếp giáp giữa kênh đào với khu vực đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) của Việt Nam.

Trong khi đó, TS. Tô Văn Trường - chuyên gia về tài nguyên môi trường, đã từng có 8 năm công tác tại MRC (1988 - 1996) đã đưa ra một phân tích chi tiết và đa chiều hơn trên trang Tri thức Nông dân (trực thuộc Báo Nông nghiệp Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Trước khi đưa ra nhận định, ông Trường phác thảo ba kịch bản về sự thay đổi lưu lượng nước về ĐBSCL sau khi dự án kênh đào Funan Techo hoàn thành. Kịch bản thứ nhất là Campuchia tuân thủ đúng với những gì đã đệ trình lên MRC - kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m³/s. Kịch bản thứ hai là Campuchia không kiểm soát dòng nước chảy qua kênh mỗi ngày, mà mở âu liên tục để nước chảy tự do, vượt ngưỡng 3,6 m³/s cả trong mùa lũ lẫn mùa kiệt. Kịch bản tiếp theo là Campuchia tuân thủ đúng theo kịch bản đầu tiên, nhưng kết hợp cấp nước nông nghiệp ở các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và Kep.

Theo ông Trường, nếu kịch bản thứ nhất xảy ra, thì hoạt động của kênh đào Funan Techo sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến lưu lượng nước chảy về ĐBSCL. Nhưng nếu Campuchia để kịch bản hai hoặc ba xảy ra, thì tác động của con kênh đến dòng chảy và lượng phù sa về ĐBSCL là đáng kể. Với hai kịch bản này, lượng nước về sông Hậu sẽ giảm từ 5-13% trong mùa khô và từ 2-6% trong mùa mưa. Đồng thời, lưu lượng nước về sông Tiền cũng có thể sẽ bị giảm từ 2-4% trong mùa khô và từ 1-3% trong mùa mưa.

Nhìn chung, chính phủ Campuchia cho rằng các tác động về môi trường của dự án kênh đào Funan Techo là không đáng kể và sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho Việt Nam. Tuy nhiên, cả MRC, dư luận phương Tây cũng như các chuyên gia tại Việt Nam đều cho rằng cần có những nghiên cứu và báo cáo cụ thể hơn để có thể đánh giá toàn diện và chính xác về các tác động môi trường liên quan đến dự án. 

Quan trọng nhất, tác động từ dự án này sẽ phụ thuộc vào cách mà Campuchia điều phối và sử dụng dòng nước chảy qua kênh đào Funan Techo sau khi con kênh này chính thức đi vào hoạt động (theo đúng tiến độ của dự án thì sẽ là vào năm 2028).

Campuchia có động lực chính đáng để xây dựng con kênh

Là một trong hai quốc gia nằm ở hạ nguồn sông Mekong, cùng với Việt Nam, Campuchia ý thức rõ tầm quan trọng của nguồn nước sông Mekong, đặc biệt là vai trò của nó đối với nguồn sinh kế của người dân nước này. ‎Khoảng một nửa dân số Campuchia kiếm sống bằng nghề nông hoặc đánh bắt thuỷ sản trên vùng đồng bằng ngập nước do sông Mekong và Biển Hồ tạo ra. Kể từ năm 2019 đến nay, nước Mekong chảy vào Biển Hồ ở Campuchia đã giảm mạnh, kéo theo lượng cá tôm ở Biển Hồ cũng giảm (đỉnh điểm vào đợt hạn cuối năm 2019 - đầu năm 2020, sản lượng cá ở đây thấp hơn 80% so với bình thường‎‎), gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Campuchia và sinh kế của người dân sinh sống quanh Biển Hồ.

Vì sông Mekong quan trọng như “nguồn sống” của người dân Campuchia, Phnom Penh từ lâu đã thể hiện mình là một quốc gia có trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn nước và hệ sinh thái của con sông này. Một báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vào năm 2010 cho biết Campuchia đã tích cực thúc đẩy các sáng kiến hội nhập và hợp tác (RCI) trong tiểu vùng sông Mekong và hỗ trợ các hành lang kinh tế thuộc Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng (GMS) với các nước láng giềng. Năm 2020 Campuchia đã tuyên bố rằng nước này sẽ không phát triển các đập thủy điện mới trên sông Mekong trong vòng 10 năm tới (2020 - 2030). Trước đó, Campuchia từng thông báo kế hoạch phát triển hai đập thủy điện là Sambor (năm 2012)Stung Treng (năm 2016) trên dòng chính sông Mekong nhưng cả hai dự án đều bị hoãn kể từ năm 2020.

Trong một buổi lễ khởi công xây dựng một đập thủy điện ở tỉnh ven biển Koh Kong vào cuối năm ngoái, Thủ tướng Hun Manet nhắc lại rằng “Chính phủ [Campuchia] sẽ không xây dựng bất kỳ đập nào dọc theo sông Mekong vì nó ảnh hưởng rất nhiều [đến môi trường và sinh thái ở Biển Hồ - nguồn thuỷ sản chính cho người Campuchia]”. Ông cũng cam kết rằng Campuchia sẽ không phát triển các nhà máy điện than mới như một phần của “trách nhiệm đối với môi trường và khí hậu chung của thế giới”.

Trở lại với dự án kênh đào Funan Techo, dự án là nỗ lực của một quốc gia nhỏ bé như Campuchia nhằm tìm kiếm sự tự chủ chiến lược khi tồn tại giữa các quốc gia láng giềng hùng mạnh hơn. Bằng cách thiết lập một tuyến đường thủy thông thương từ cảng Phnom Penh đến tỉnh Kep, kênh đào Funan Techo sẽ tạo điều kiện để Campuchia dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế, giúp hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa liền mạch hơn và giảm bớt sự phụ thuộc vào các cảng biển của Việt Nam. Theo tuyên bố từ Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol hôm 3/4, dự án kênh đào Funan Techo có thể giúp nước này thu được 88 triệu USD phí vận chuyển mỗi năm kể từ năm 2050, và ước tính khoản doanh thu này sẽ tăng thêm 570 triệu USD mỗi năm trong các năm sau đó.

Chưa dừng lại ở đó, hoạt động của con kênh có triển vọng thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của một quốc gia còn phụ thuộc lớn vào nông - lâm - ngư nghiệp như Campuchia (chiếm 22% GDP, gấp đôi tỷ lệ của Việt Nam) theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại và dịch vụ, tạo động lực vực dậy nền kinh tế cho “đất nước chùa tháp”. Bởi, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) trong giai đoạn 1990 - 2017, thương mại là chìa khoá để tạo ra sự thịnh vượng chưa từng có cho nhiều quốc gia và đã giúp thoát nghèo cho hơn 1 tỷ dân số thế giới. Kênh đào Funan Techo cũng sẽ mang lại cơ hội việc làm cho 5 triệu cư dân Campuchia, đồng thời thúc đẩy sự cải thiện hệ thống giao thông tổng thể của quốc gia này thông qua các dự án xây dựng hệ thống đường bộ, cầu, đường thuỷ phụ trợ dọc đôi bờ con kênh.

Nếu đứng từ góc độ một quốc gia có trách nhiệm đối với nguồn tài nguyên chung (như những gì Campuchia đã cam kết và thể hiện trong nhiều năm qua), ta vẫn có thể tin tưởng rằng Phnom Penh sẽ có biện pháp kiểm soát để dự án không gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái của Việt Nam. Tuy nhiên, như đã chỉ ra ở trên, mức độ minh bạch của Campuchia về dự án này đến nay vẫn còn hạn chế, theo đó đã tạo “vùng xám” cho sự trỗi dậy của dư luận hoài nghi về động cơ và các tác động của dự án này từ các trung tâm nghiên cứu của phương Tây và một số chuyên gia ở ĐBSCL.

Việt Nam cũng có lý do chính đáng để “rất quan tâm” về dự án

Theo truyền thông Campuchia, trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Manet vào tháng 12/2023, phía Việt Nam đã bày tỏ mối quan tâm về tác động môi trường tiềm ẩn của dự án đối với dòng chảy ở ĐBSCL. Vào ngày 11/4/2024, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt nhấn mạnh rằng “Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo và đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và MRC trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này”. 

Gần đây nhất, hôm 5/5, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng tiếp tục đưa ra thông điệp tương tự với báo chí nhưng với ngôn ngữ có phần nhẹ nhàng hơn. Cụ thể, bà Hằng phát biểu rằng Việt Nam “rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia theo tinh thần của Hiệp định Mekong 1995” và “mong rằng Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong chia sẻ thông tin, đánh giá đầy đủ tác động của dự án này đối với nguồn nước, tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực tiểu vùng sông Mekong...”. Có thể nhận thấy, ngôn ngữ được lựa chọn trong phát biểu của bà Hằng là khá cân bằng và “nhẹ nhàng” hơn so với phát ngôn trước đó của ông Việt.

Hà Nội đặc biệt quan tâm đến dự án này phần lớn vì lý do môi trường. Bằng chứng là không lâu sau khi Campuchia gửi Bản tóm tắt lên MRC vào năm ngoái, Cục Quản lý tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã gửi thư mời các nhà khoa học, chuyên gia tham gia đánh giá tác động của dự án đến vùng ĐBSCL. Mới đây hơn, Ủy ban sông Mekong Việt Nam phối hợp Ban Thư ký MRC - vào ngày 23/4/2024 - đã tổ chức cuộc họp tham vấn về dự án. Nhìn chung, theo các chuyên gia, dự án có nguy cơ gây ra những tác động tiêu cực đến tài nguyên nước ĐBSCL, nhưng cần phải có thêm những đánh giá cụ thể trên thực địa cũng như mang tính rõ ràng về khoa học để đưa ra kết luận cuối cùng. 

Với Việt Nam, quốc gia ở cuối dòng Mekong, việc bày tỏ mối quan tâm và yêu cầu Campuchia chia sẻ thông tin liên quan đến dự án kênh đào Funan Techo nhằm đảm bảo không có rủi ro môi trường xảy ra cho ĐBSCL là điều có thể hiểu được. Mặc dù Campuchia cho rằng kênh đào là “vấn đề đối nội và chủ quyền” của Phnom Penh và nằm trên dòng nhánh của sông Mekong, dự án này - trên thực tế - vẫn cắt qua thượng nguồn sông Hậu vùng ĐBSCL của Việt Nam. Do đó, việc Hà Nội cần những thông tin chi tiết để ứng phó những bất lợi có thể xảy ra trong tương lai là hợp lẽ.

Lợi ích của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án Funan Techo, song mức độ nặng hay nhẹ sẽ phụ thuộc vào cách chính phủ Campuchia sử dụng kênh đào. Hơn nữa, việc sử dụng cụm từ “rất quan tâm” để nói về dự án của Campuchia, thay vì dùng từ “rất quan ngại” (như cách Hà Nội nêu quan điểm đối với một số vấn đề khác có đe doạ trực tiếp đến an ninh quốc gia), cho thấy rằng mặc dù có sự lo lắng về tác động từ dự án kênh đào Funan Techo, Việt Nam vẫn có ý giảm nhẹ “sức nặng” trong các diễn ngôn để thể hiện thiện chí và mong muốn phối hợp với phía Campuchia nhằm cùng trao đổi và tiến đến dung hòa lợi ích giữa hai nước.         

Tuy nhiên, các diễn ngôn mà Việt Nam đã đưa ra trước đó dường như nhận về sự “khó chịu” từ phía Campuchia. Ông So Naro, đặc phái viên của Thủ tướng Campuchiaphụ trách các vấn đề ASEAN, phát biểu trên báo chí nước này rằng Campuchia không có nghĩa vụ phải giải trình thông tin với Việt Nam về một dự án nội bộ của Phnom Penh, tuy nhiên cho biết vẫn sẵn lòng chia sẻ thông tin cho Hà Nội. Cựu Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen hôm 27/4 cũng cho biết sẽ “không thương lượng gì thêm” về việc xây kênh đào Funan. Trước đó ông khẳng định quyết tâm xây kênh đào và bày tỏ mong muốn các nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu nhu cầu của Campuchia thay vì chỉ nghĩ cho lợi ích của riêng Việt Nam, vì kênh đào sẽ mang lại nhiều lợi ích về giao thông, sản xuất cá, nuôi trồng thủy sản và sinh kế, và nó sẽ tránh lũ lụt ở một số tỉnh phía Tây Nam của Campuchia. Ông Hun Sen cũng bác bỏ các hoài nghi từ phía Việt Nam về việc kênh đào sẽ mở đường cho Trung Quốc tiếp cận quân sự ở Campuchia.

Tuy nhiên, cần chú ý rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa từng đưa ra một tuyên bố chính thức có bày tỏ quan ngại về hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Campuchia. Một số tờ báo lớn thuộc sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam như Tuổi trẻ, VnExpress,... chỉ đưa tin liên quan đến những tranh cãi về tác động môi trường của dự án. Những cáo buộc về nguy cơ tác động quân sự của Trung Quốc hay rủi ro đánh mất ảnh hưởng chính trị của Việt Nam có chăng chỉ đến từ các kênh bình luận độc lập, và do đó, không mang tính đại diện cho phát ngôn của chính phủ Việt Nam.

Mặc dù vậy, qua những phản ứng ngoại giao có sự “lệch pha” gần đây giữa Việt Nam và Campuchia liên quan đến dự án kênh đào Funan Techo, có thể thấy rằng giữa hai quốc gia hạ nguồn Mekong trên thực tế vẫn chưa có sự chia sẻ thông tin sâu sắc để cùng hợp tác bảo vệ và phát triển tài nguyên chung. Thông điệp cả hai bên đưa ra đều thể hiện sự sẵn sàng đối thoại để tháo gỡ vướng mắc, nhưng đâu đó vẫn đi kèm thái độ đề phòng - với một bên “đề nghị phối hợp” chia sẻ thông tin (mặc dù đã có ý giảm nhẹ mức “quan ngại” xuống “quan tâm”), và một bên “không muốn thương lượng thêm” (mặc dù cho biết vẫn sẵn lòng cung cấp thông tin cho Việt Nam).

Luận về lý thuyết bất cân xứng về quyền lực trong quan hệ quốc tế, GS. Brantly Womack đã chỉ ra trong cuốn “Asymmetry and International Relationships” (Sự bất cân xứng và các mối quan hệ quốc tế) rằng trong quan hệ giữa hai chủ thể có sự chênh lệch về sức mạnh (căn cứ vào các chỉ số kinh tế, chính trị, quân sự), thì nước nhỏ hơn sẽ có xu hướng nhạy cảm và phản ứng quá mức trước các động thái của nước lớn; trong khi đó, nước lớn hơn lại tỏ ra thiếu tinh tế hơn khi nhìn về lợi ích của nước nhỏ. Logic này khá giống với những gì đang diễn ra hiện nay trong quan hệ giữa Campuchia (tạm gọi là “nước nhỏ hơn”) và Việt Nam (tạm gọi là “nước lớn hơn”) liên quan đến dự án kênh đào Funan Techo. Trong khi Campuchia quá nhạy cảm và rất có thể đánh đồng quan điểm của dư luận độc lập với quan điểm chính thức của chính phủ Việt Nam, thì Hà Nội dường như đang thiếu một chút khéo léo trong việc truyền tải các thông điệp ngoại giao đến Phnom Penh.

Một số kiến nghị cho Việt Nam

Từ năm 2020, nghiên cứu của học giả Việt Nam đã chỉ ra rằng phía Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều thông tin thực địa mang tính cập nhật từ khu vực bãi ngập lũ và địa hình lòng sông phía Campuchia, nhằm tính toán và dự báo nguồn nước cho vùng ĐBSCL. Nghiên cứu cũng khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu quốc tế và hợp tác quốc tế để bổ sung cho phần dữ liệu quan trọng nhưng còn thiếu này của vùng. Đặt trong bối cảnh hiện nay, khuyến nghị này vẫn còn nguyên tính đúng đắn và cần thiết.

Bên cạnh đó, vì các bên liên quan trực tiếp đến dự án xây dựng kênh đào Funan Techo chỉ bao gồm Campuchia, Việt Nam và MRC, nên thông tin về dự án không nhất thiết phải được công khai hoàn toàn cho dư luận quốc tế mà chỉ cần được chia sẻ trong nội bộ ba bên là đủ, nhằm tránh có bên thứ tư cố ý sử dụng thông tin sai mục đích nhằm định hướng dư luận vì mục đích khác hoặc chia rẽ quan hệ giữa Campuchia và Việt Nam. 

Trên thực tế, Campuchia cũng đã cho biết sẵn sàng cung cấp thông tin cho phía Việt Nam. Mặc dù quyết tâm xây kênh đào, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen cũng gửi thông điệp đến Việt Nam rằng khi giải quyết vấn đề kênh đào Funan Techo, ông không kích động hận thù đối với người dân Việt Nam trong lòng người dân Campuchia, mà kêu gọi cả hai bên xem xét lợi ích và các tác động lẫn nhau. Do vậy, để đáp lại, Việt Nam cần có cách phản ứng mềm dẻo hơn khi làm việc với Campuchia trong vấn đề chia sẻ thông tin liên quan đến kênh đào Funan Techo, để không làm xấu đi quan hệ “hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện” với Phnom Penh.

Có thể thấy, trong tuyên bố “rất quan tâm” lần thứ hai từ đại diện Bộ ngoại giao Việt Nam nhưng với từ ngữ có tính giảm nhẹ hơn (từ “đề nghị” sang “mong rằng” Campuchia phối hợp chia sẻ thông tin về dự án), báo chí Campuchia đã dẫn lại nguyên văn tuyên bố này và chưa có bình luận thêm. Điều đó phần nào cho thấy Phnom Penh có sự quan tâm và lắng nghe tích cực đối với quan điểm của Hà Nội, và triển vọng đối thoại mang tính xây dựng giữa hai nước vẫn đang “mở”, miễn là phía Việt Nam có cách ứng xử ngoại giao hoà dịu hơn.

Ngoài ra, Việt Nam cần tìm cách thông tin cho phía Campuchia hiểu rằng, Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa hề đưa ra cáo buộc nào về ý nghĩa quân sự liên quan đến dự án của Campuchia, mà hầu hết chúng đều đến từ dư luận quốc tế và các kênh báo chí độc lập, không đại diện cho tiếng nói của Hà Nội. Phía Phnom Penh cần phân biệt điều này để tránh có thêm những hiểu lầm có thể làm tổn hại mối quan hệ song phương.

Nhìn chung, Campuchia cho đến nay phần nào tiếp tục khẳng định vai trò là một quốc gia có trách nhiệm trong tiểu vùng sông Mekong khi đã nhiều lần cam kết quan tâm đến vấn đề tác động môi trường, cũng như đã gửi báo cáo về dự án xây dựng kênh đào Funan Techo lên MRC. Tuy nhiên, tác động thực sự của kênh đào sẽ cần phải được theo dõi thêm trong thời gian tới, ở thời điểm Campuchia bắt đầu khởi công và công bố những thông tin chi tiết hơn. 

Dù thế nào đi nữa, dự án kênh đào Funan Techo vẫn là tham vọng địa chính trị và địa kinh tế chính đáng của Phnom Penh. Tương tự, Hà Nội cũng có lý do hợp lý cho những quan ngại của mình. Vì thế, điều quan trọng hơn hết là hai nước cần cởi mở và sẵn lòng đối thoại với tinh thần xây dựng, cũng như chia sẻ thông tin dựa trên tinh thần dung hòa lợi ích của cả hai.

* Độc giả có thể tham khảo thêm bài viết liên quan đến dự án kênh đào Funan Techo “Thấy gì từ dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia?” của tác giả Võ Trường An.

Từ khoá: Funan Techo Campuchia Việt Nam sông Mekong biến đổi khí hậu

BÀI LIÊN QUAN