Chính trị - Ngoại giao   09/09/2024

Nghệ thuật lèo lái đất nước: Đài Loan cần chính sách thực tế, không chỉ khẩu hiệu hoa mỹ

Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức cần có cách tiếp cận thông minh và tinh tế hơn trong chính sách đối ngoại. Cụ thể, ông nên kết hợp chiến lược “ngoại giao dựa trên các giá trị chung” với việc tăng cường quan hệ sâu rộng hơn, không chỉ với Mỹ mà còn với các nước trong khuôn khổ Chính sách Hướng Nam Mới.

Image
Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức dự lễ tưởng niệm trận chiến cuối cùng giữa Đài Loan và Trung Quốc trên đảo Kim Môn, tháng 8/2024. - (C): Reuters.

Ngày 20/5, Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), một thành viên 64 tuổi của đảng Dân Tiến (DPP), đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống Đài Loan. Các quan chức, học giả và khách mời quốc tế đã lắng nghe bài diễn văn nhậm chức dài 30 phút của ông với tâm trạng vừa mong đợi vừa lo lắng.

Những quốc gia chia sẻ các giá trị dân chủ với Đài Loan hy vọng chính quyền mới có thể đưa Đài Loan vượt qua làn sóng cưỡng chế độc đoán do “người hàng xóm khổng lồ” Trung Quốc gây ra. Họ cũng rất kỳ vọng rằng ông Lại sẽ có thể củng cố vai trò của Đài Loan là một “ngọn hải đăng toàn cầu” của nền dân chủ, như ông đã mô tả trong bài phát biểu nhậm chức.

Ông Lại cam kết “đẩy mạnh hợp tác quốc tế” bằng cách “sử dụng sức sống dân chủ của Đài Loan” như một đóng góp hướng đến những điều tốt đẹp, thể hiện ý định chân thành của ông trong việc củng cố mối quan hệ bền chặt của hòn đảo tự trị với các đối tác. Ngoài ra, các quốc gia chia sẻ giá trị với Đài Loan cảm thấy họ có thể tin tưởng vào cam kết của Lại, dựa trên danh tiếng của ông trong tư cách là một người ủng hộ mạnh mẽ tự do và chủ quyền của hòn đảo dân chủ, cùng với quyết tâm biến Đài Loan thành pháo đài chống lại chủ nghĩa độc tài.

Tuy nhiên, các nhà quan sát có lý do để lo ngại về con đường gập ghềnh phía trước của Đài Loan -- một hòn đảo dễ bị tổn thương. Một thực tế căng thẳng mà ông Lại đang đối mặt là: quan hệ Mỹ - Đài đang trở nên mong manh hơn trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tại Washington.

Vào tháng 4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định qua eo biển Đài Loan”. Ông Biden dường như tin rằng ông có thể ngăn chặn một cuộc chiến tranh cho Đài Loan chỉ bằng cách duy trì thiện chí ngoại giao với ông Tập – người đã nhiều lần tuyên bố rằng “thống nhất” [Đài Loan] với đại lục là điều không thể tránh khỏi.

Mặt khác, khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng có thể phá vỡ thế cân bằng của Đài Bắc trong quan hệ với Washington và Bắc Kinh – một nỗ lực được thiết lập dưới thời cựu Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen). Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump sẽ khiến Đài Loan dễ bị tổn thương hơn khi phải đối mặt với các chính sách khó lường từ Mỹ; lý do là ông Trump có thể sẽ ưu tiên các vấn đề trong nước, từ đó làm lu mờ các cam kết hỗ trợ Đài Loan.

Ông Trump cũng có thể sử dụng các vấn đề trong ngành công nghiệp chip như “trao đổi có điều kiện” (quid pro quo) để thương lượng với nền dân chủ châu Á. Một chỉ dấu cho xu hướng này là việc ông cáo buộc Đài Loan đánh cắp chất bán dẫn của Mỹ - ngụ ý một cách tiếp cận đánh đổi trong quan hệ đối ngoại, thậm chí là cả với các đồng minh và đối tác của siêu cường.

Khi được hỏi về những rủi ro địa chính trị mà Đài Loan phải đối diện khi bị Trung Quốc gây sức ép, Trump tuyên bố rằng: “Chúng ta lẽ ra nên đánh thuế họ. Chúng ta lẽ ra nên áp thuế quan lên họ”.

Tuy nhiên, Đài Loan phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn từ sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Trong khi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 7,2% (đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ), Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đang trở nên ngày càng đáng gờm và sức mạnh của lực lượng này đặt ra “một thách thức mạnh mẽ đối với ưu thế quân sự của Mỹ ở Đông Á”.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra các chính sách cụ thể để hiện đại hóa, cải cách và biến đổi PLA thành một “lực lượng mạnh mẽ hơn” với năng lực cạnh tranh và thích ứng toàn diện trong chiến tranh hiện đại thông qua các kế hoạch nghiên cứu và phát triển quy mô lớn, tăng ngân sách quân sự và tái cơ cấu bộ máy quân sự.

Chính quyền Lại Thanh Đức cần một cách tiếp cận mới trong quan hệ quốc tế

Ông Lại sẽ có rất nhiều việc phải làm khi vừa nỗ lực bảo vệ hòn đảo khỏi sự cưỡng chế của Trung Quốc, vừa xây dựng quan hệ với các đối tác cùng chí hướng. Tuy nhiên, những di sản chiến lược của ông là gì?

Lại Thanh Đức kế thừa di sản của người tiền nhiệm, bao gồm hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, bảo vệ chủ quyền của Đài Loan khỏi áp lực của Trung Quốc, kiềm chế thành công đại dịch Covid-19, khởi động hiện đại hóa quân đội và cải cách quốc phòng, triển khai Chính sách Hướng Nam Mới (NSP) để tăng không gian địa chính trị cho Đài Loan, và cải tổ quan hệ không chính thức với Mỹ và các đối tác cùng chí hướng. Sự lãnh đạo chủ động của cựu Tổng thống Thái Anh Văn trên cả mặt trận trong nước và quốc tế đã trao cho Lại Thanh Đức đòn bẩy cần thiết để đưa Đài Loan “tiến vào một kỷ nguyên mới đầy thách thức, nhưng cũng tràn đầy hy vọng vô hạn”.

Để vượt qua cơn bão từ Bắc Kinh, ông Lại nên tiếp tục củng cố quan hệ của Đài Loan với các cường quốc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản, Australia và Philippines, dưới khẩu hiệu “ngoại giao dựa trên giá trị” (values-based diplomacy). Những năm gần đây, Australia, Nhật Bản và Philippines đã nêu lên những lo ngại về các hành động khiêu khích nguy hiểm của Bắc Kinh ở eo biển Đài Loan, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định qua eo biển.

Cuộc khảo sát năm 2023 của Viện Lowy có trụ sở tại Sydney cho thấy người dân Australia ủng hộ việc đáp trả một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan bằng các biện pháp trừng phạt, vũ khí và vật tư quân sự, và sử dụng Hải quân Australia để ngăn chặn Bắc Kinh áp đặt phong tỏa xung quanh Đài Loan. Nhật Bản thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan bằng cách cử một phái đoàn gồm 35 nghị sĩ đến dự lễ nhậm chức của Lại: Chánh Văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi thậm chí còn gọi Đài Loan là “một đối tác vô cùng quan trọng và một người bạn thân thiết” của Tokyo. Tại Philippines, Mỹ cũng đang tài trợ việc xây dựng một cảng lưỡng dụng có thể phục vụ mục đích thương mại và cả quân sự. Trong thời kỳ khủng hoảng, Washington, Manila và Tokyo có thể sử dụng cảng này để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng kênh Ba Sĩ (Bashi) để tiến vào vùng biển phía đông Đài Loan.

Trong khi quan hệ giữa Đài Loan với Nhật Bản và Philippines đang được củng cố, sự gắn kết của hòn đảo với Mỹ trở nên mong manh. Gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD cho Đài Loan, Ukraine và Israel, được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 4, rất hữu ích - tuy nhiên, nó “không phải là viên đạn bạc” để bảo vệ hiệu quả hòn đảo. Đài Bắc có mọi lý do để đặt câu hỏi về mức độ mà Washington có thể giúp đỡ hòn đảo xây dựng năng lực quân sự trong những năm tới, đặc biệt là vào thời điểm cường quốc đang suy yếu (waning hegemon) này đang bận rộn với các cuộc chiến tranh kéo dài ở Ukraine và Trung Đông; quan trọng là cả hai đều không có dấu hiệu kết thúc sớm.

Với sự mơ hồ bao trùm mối quan hệ Mỹ - Đài, chính quyền Lại Thanh Đức cần nhanh nhẹn hơn vì - mặc dù hiện tại Washington có sự ủng hộ mạnh mẽ từ lưỡng đảng - Đài Loan vẫn phải đối mặt với một thế giới nguy hiểm hơn và một Trung Quốc mạnh mẽ hơn so với khi bà Thái nhậm chức vào năm 2016.

Tuy nhiên, ông Lại có cơ sở để tạm yên tâm. Mặc dù Trung Quốc đã tăng cường tập trận quân sự xung quanh Đài Loan trong những ngày sau khi ông nhậm chức để làm suy yếu vị trí tổng thống của ông và răn đe lập trường kiên định của ông về Trung Quốc, cường quốc này đã kiềm chế không gây ra xung đột quân sự, vì động thái như vậy có thể lôi kéo Mỹ và các đồng minh của Đài Loan.

Với những nỗ lực của Tập nhằm hàn gắn quan hệ với Washington và sự bận tâm của ông trong việc sửa chữa nền kinh tế đang suy yếu của Trung Quốc, Bắc Kinh có thể hoãn lại việc thực hiện hành động quyết định chống lại Đài Loan ít nhất là cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Giờ là thời điểm để Lại Thanh Đức ưu tiên củng cố quan hệ với Washington. Vốn kiến thức, kinh nghiệm phong phú và mạng lưới quan hệ rộng rãi với các quan chức và “think tank” Mỹ của Phó Tổng thống Đài Loan Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim) có ý nghĩa quan trọng với ông Lại trong việc nâng cao vị thế của Đài Loan và đưa “các mối quan hệ và sự tin tưởng” vào chương trình nghị sự đối ngoại của ông.

Mặc dù bài phát biểu nhậm chức nhấn mạnh “nền dân chủ kiên cường” của Đài Loan là đáng khen ngợi, việc nhận được sự hỗ trợ ngoại giao và tài chính của Mỹ đòi hỏi hành động thực chất nhiều hơn là lời hùng biện chính trị. Đài Loan cần có thêm các mối liên hệ cá nhân với các chính trị gia và nhà lập pháp ở Washington, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Lâm Giai Long (Lin Chia-lung) lại có ít kinh nghiệm thực tế về chính sách đối ngoại. Do đó, bà Tiêu nên sử dụng chuyên môn và kinh nghiệm dồi dào của mình không chỉ để phục vụ với tư cách là phó tổng thống, mà còn để củng cố vai trò của ông Lâm.

Tương tự, tổng thống Đài Loan nên mở rộng Chính sách Hướng Nam Mới (NSP) ngoài khuôn khổ quan hệ Trung - Đài. Tuy nhiên, bài phát biểu nhậm chức của ông Lại đã bỏ qua NSP và các quỹ đạo tương lai của nó. Rất có thể ông Lại không chú ý đến việc tăng cường quan hệ với các quốc gia Hướng Nam Mới vì ông chủ yếu tập trung vào áp lực từ Trung Quốc.

Có thể có tranh luận và suy ngẫm về chính sách đối ngoại theo quan điểm cho rằng ông Lại không cam kết củng cố chiến lược tổng thể do người tiền nhiệm đề ra vào năm 2016. Điều này có thể khiến các nhà quan sát nhìn nhận rằng ông Lại dường như ưu tiên quan hệ xuyên eo biển và sự gắn kết quan hệ của Đài Loan với các nền dân chủ trong “một cộng đồng dân chủ” (theo lời ông) hơn là sự can dự có ý nghĩa của Đài Bắc với các đối tác mục tiêu trong NSP.

Hiện nay, ưu tiên của chính quyền Lại nằm ở việc thiết lập một giai đoạn mới cho phiên bản nâng cấp của NSP, với mục tiêu tổng thể là tăng cường quan hệ với các quốc gia Hướng Nam Mới. Như một phần của sự nâng cấp này, Đài Loan nên thực hiện các biện pháp thực tế, như chia sẻ chuyên môn về ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, thúc đẩy hợp tác cộng sinh trong lĩnh vực bán dẫn, và chia sẻ kho kinh nghiệm phong phú trong việc chống lại thông tin sai lệch. Những sáng kiến đó là các yếu tố cốt lõi trong khả năng lèo lái đất nước của Đài Loan, và bước tiếp theo là đưa chúng về phía Nam.

Hơn nữa, chính phủ của ông Lại nên kết hợp Palau, Quần đảo Marshall và Tuvalu - các đồng minh ngoại giao của Đài Loan - vào chiến lược sửa đổi. Đối với Đài Loan, việc củng cố mối quan hệ thân thiện với ba đồng minh này là rất quan trọng, vì một chiến lược mới cần vừa hiệu quả vừa bao trùm.

So với khi bà Thái nhậm chức cách đây tám năm, ông Lại đang chịu áp lực lớn hơn nhiều trong việc bảo vệ chủ quyền của Đài Loan và củng cố vị thế dân chủ của nó, điều này càng trở nên khó khăn hơn do sức ép của Trung Quốc và sự mong manh địa chính trị qua eo biển. Để đạt được những mục tiêu này, ông Lại cần thực hành “nghệ thuật lèo lái đất nước” (statecraft), tức quá trình đặt ra các mục tiêu thực tế và có thể đạt được, đồng thời huy động các nguồn lực và tài sản sẵn có để đạt được những mục tiêu đó.

Tóm lại, Đài Loan nên áp dụng chiến lược hai mũi nhọn: một là tăng cường quan hệ đa diện với Washington, tập trung vào các mối liên kết cá nhân; và hai là thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa với các quốc gia trong NSP thông qua việc chia sẻ kiến thức tiên tiến và kinh nghiệm thực tế.

*Ghi chú của VSF: Phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên Global Taiwan Institute với tiêu đề “Statecraft as Problem-Solving: Taiwan Needs Practical Policies, Not Merely Aspirational Rhetoric”. Bài viết này do đội ngũ VSF dịch với sự chấp thuận của tác giả.

Ngày 20/5, Lại Thanh Đức (Lai Ching-te), một thành viên 64 tuổi của đảng Dân Tiến (DPP), đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống Đài Loan. Các quan chức, học giả và khách mời quốc tế đã lắng nghe bài diễn văn nhậm chức dài 30 phút của ông với tâm trạng vừa mong đợi vừa lo lắng.

Những quốc gia chia sẻ các giá trị dân chủ với Đài Loan hy vọng chính quyền mới có thể đưa Đài Loan vượt qua làn sóng cưỡng chế độc đoán do “người hàng xóm khổng lồ” Trung Quốc gây ra. Họ cũng rất kỳ vọng rằng ông Lại sẽ có thể củng cố vai trò của Đài Loan là một “ngọn hải đăng toàn cầu” của nền dân chủ, như ông đã mô tả trong bài phát biểu nhậm chức.

Ông Lại cam kết “đẩy mạnh hợp tác quốc tế” bằng cách “sử dụng sức sống dân chủ của Đài Loan” như một đóng góp hướng đến những điều tốt đẹp, thể hiện ý định chân thành của ông trong việc củng cố mối quan hệ bền chặt của hòn đảo tự trị với các đối tác. Ngoài ra, các quốc gia chia sẻ giá trị với Đài Loan cảm thấy họ có thể tin tưởng vào cam kết của Lại, dựa trên danh tiếng của ông trong tư cách là một người ủng hộ mạnh mẽ tự do và chủ quyền của hòn đảo dân chủ, cùng với quyết tâm biến Đài Loan thành pháo đài chống lại chủ nghĩa độc tài.

Tuy nhiên, các nhà quan sát có lý do để lo ngại về con đường gập ghềnh phía trước của Đài Loan -- một hòn đảo dễ bị tổn thương. Một thực tế căng thẳng mà ông Lại đang đối mặt là: quan hệ Mỹ - Đài đang trở nên mong manh hơn trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tại Washington.

Vào tháng 4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định qua eo biển Đài Loan”. Ông Biden dường như tin rằng ông có thể ngăn chặn một cuộc chiến tranh cho Đài Loan chỉ bằng cách duy trì thiện chí ngoại giao với ông Tập – người đã nhiều lần tuyên bố rằng “thống nhất” [Đài Loan] với đại lục là điều không thể tránh khỏi.

Mặt khác, khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng có thể phá vỡ thế cân bằng của Đài Bắc trong quan hệ với Washington và Bắc Kinh – một nỗ lực được thiết lập dưới thời cựu Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen). Nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump sẽ khiến Đài Loan dễ bị tổn thương hơn khi phải đối mặt với các chính sách khó lường từ Mỹ; lý do là ông Trump có thể sẽ ưu tiên các vấn đề trong nước, từ đó làm lu mờ các cam kết hỗ trợ Đài Loan.

Ông Trump cũng có thể sử dụng các vấn đề trong ngành công nghiệp chip như “trao đổi có điều kiện” (quid pro quo) để thương lượng với nền dân chủ châu Á. Một chỉ dấu cho xu hướng này là việc ông cáo buộc Đài Loan đánh cắp chất bán dẫn của Mỹ - ngụ ý một cách tiếp cận đánh đổi trong quan hệ đối ngoại, thậm chí là cả với các đồng minh và đối tác của siêu cường.

Khi được hỏi về những rủi ro địa chính trị mà Đài Loan phải đối diện khi bị Trung Quốc gây sức ép, Trump tuyên bố rằng: “Chúng ta lẽ ra nên đánh thuế họ. Chúng ta lẽ ra nên áp thuế quan lên họ”.

Tuy nhiên, Đài Loan phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn từ sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Trong khi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng 7,2% (đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ), Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đang trở nên ngày càng đáng gờm và sức mạnh của lực lượng này đặt ra “một thách thức mạnh mẽ đối với ưu thế quân sự của Mỹ ở Đông Á”.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra các chính sách cụ thể để hiện đại hóa, cải cách và biến đổi PLA thành một “lực lượng mạnh mẽ hơn” với năng lực cạnh tranh và thích ứng toàn diện trong chiến tranh hiện đại thông qua các kế hoạch nghiên cứu và phát triển quy mô lớn, tăng ngân sách quân sự và tái cơ cấu bộ máy quân sự.

Chính quyền Lại Thanh Đức cần một cách tiếp cận mới trong quan hệ quốc tế

Ông Lại sẽ có rất nhiều việc phải làm khi vừa nỗ lực bảo vệ hòn đảo khỏi sự cưỡng chế của Trung Quốc, vừa xây dựng quan hệ với các đối tác cùng chí hướng. Tuy nhiên, những di sản chiến lược của ông là gì?

Lại Thanh Đức kế thừa di sản của người tiền nhiệm, bao gồm hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, bảo vệ chủ quyền của Đài Loan khỏi áp lực của Trung Quốc, kiềm chế thành công đại dịch Covid-19, khởi động hiện đại hóa quân đội và cải cách quốc phòng, triển khai Chính sách Hướng Nam Mới (NSP) để tăng không gian địa chính trị cho Đài Loan, và cải tổ quan hệ không chính thức với Mỹ và các đối tác cùng chí hướng. Sự lãnh đạo chủ động của cựu Tổng thống Thái Anh Văn trên cả mặt trận trong nước và quốc tế đã trao cho Lại Thanh Đức đòn bẩy cần thiết để đưa Đài Loan “tiến vào một kỷ nguyên mới đầy thách thức, nhưng cũng tràn đầy hy vọng vô hạn”.

Để vượt qua cơn bão từ Bắc Kinh, ông Lại nên tiếp tục củng cố quan hệ của Đài Loan với các cường quốc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản, Australia và Philippines, dưới khẩu hiệu “ngoại giao dựa trên giá trị” (values-based diplomacy). Những năm gần đây, Australia, Nhật Bản và Philippines đã nêu lên những lo ngại về các hành động khiêu khích nguy hiểm của Bắc Kinh ở eo biển Đài Loan, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định qua eo biển.

Cuộc khảo sát năm 2023 của Viện Lowy có trụ sở tại Sydney cho thấy người dân Australia ủng hộ việc đáp trả một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan bằng các biện pháp trừng phạt, vũ khí và vật tư quân sự, và sử dụng Hải quân Australia để ngăn chặn Bắc Kinh áp đặt phong tỏa xung quanh Đài Loan. Nhật Bản thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan bằng cách cử một phái đoàn gồm 35 nghị sĩ đến dự lễ nhậm chức của Lại: Chánh Văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi thậm chí còn gọi Đài Loan là “một đối tác vô cùng quan trọng và một người bạn thân thiết” của Tokyo. Tại Philippines, Mỹ cũng đang tài trợ việc xây dựng một cảng lưỡng dụng có thể phục vụ mục đích thương mại và cả quân sự. Trong thời kỳ khủng hoảng, Washington, Manila và Tokyo có thể sử dụng cảng này để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng kênh Ba Sĩ (Bashi) để tiến vào vùng biển phía đông Đài Loan.

Trong khi quan hệ giữa Đài Loan với Nhật Bản và Philippines đang được củng cố, sự gắn kết của hòn đảo với Mỹ trở nên mong manh. Gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD cho Đài Loan, Ukraine và Israel, được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 4, rất hữu ích - tuy nhiên, nó “không phải là viên đạn bạc” để bảo vệ hiệu quả hòn đảo. Đài Bắc có mọi lý do để đặt câu hỏi về mức độ mà Washington có thể giúp đỡ hòn đảo xây dựng năng lực quân sự trong những năm tới, đặc biệt là vào thời điểm cường quốc đang suy yếu (waning hegemon) này đang bận rộn với các cuộc chiến tranh kéo dài ở Ukraine và Trung Đông; quan trọng là cả hai đều không có dấu hiệu kết thúc sớm.

Với sự mơ hồ bao trùm mối quan hệ Mỹ - Đài, chính quyền Lại Thanh Đức cần nhanh nhẹn hơn vì - mặc dù hiện tại Washington có sự ủng hộ mạnh mẽ từ lưỡng đảng - Đài Loan vẫn phải đối mặt với một thế giới nguy hiểm hơn và một Trung Quốc mạnh mẽ hơn so với khi bà Thái nhậm chức vào năm 2016.

Tuy nhiên, ông Lại có cơ sở để tạm yên tâm. Mặc dù Trung Quốc đã tăng cường tập trận quân sự xung quanh Đài Loan trong những ngày sau khi ông nhậm chức để làm suy yếu vị trí tổng thống của ông và răn đe lập trường kiên định của ông về Trung Quốc, cường quốc này đã kiềm chế không gây ra xung đột quân sự, vì động thái như vậy có thể lôi kéo Mỹ và các đồng minh của Đài Loan.

Với những nỗ lực của Tập nhằm hàn gắn quan hệ với Washington và sự bận tâm của ông trong việc sửa chữa nền kinh tế đang suy yếu của Trung Quốc, Bắc Kinh có thể hoãn lại việc thực hiện hành động quyết định chống lại Đài Loan ít nhất là cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Giờ là thời điểm để Lại Thanh Đức ưu tiên củng cố quan hệ với Washington. Vốn kiến thức, kinh nghiệm phong phú và mạng lưới quan hệ rộng rãi với các quan chức và “think tank” Mỹ của Phó Tổng thống Đài Loan Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim) có ý nghĩa quan trọng với ông Lại trong việc nâng cao vị thế của Đài Loan và đưa “các mối quan hệ và sự tin tưởng” vào chương trình nghị sự đối ngoại của ông.

Mặc dù bài phát biểu nhậm chức nhấn mạnh “nền dân chủ kiên cường” của Đài Loan là đáng khen ngợi, việc nhận được sự hỗ trợ ngoại giao và tài chính của Mỹ đòi hỏi hành động thực chất nhiều hơn là lời hùng biện chính trị. Đài Loan cần có thêm các mối liên hệ cá nhân với các chính trị gia và nhà lập pháp ở Washington, nhưng Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Lâm Giai Long (Lin Chia-lung) lại có ít kinh nghiệm thực tế về chính sách đối ngoại. Do đó, bà Tiêu nên sử dụng chuyên môn và kinh nghiệm dồi dào của mình không chỉ để phục vụ với tư cách là phó tổng thống, mà còn để củng cố vai trò của ông Lâm.

Tương tự, tổng thống Đài Loan nên mở rộng Chính sách Hướng Nam Mới (NSP) ngoài khuôn khổ quan hệ Trung - Đài. Tuy nhiên, bài phát biểu nhậm chức của ông Lại đã bỏ qua NSP và các quỹ đạo tương lai của nó. Rất có thể ông Lại không chú ý đến việc tăng cường quan hệ với các quốc gia Hướng Nam Mới vì ông chủ yếu tập trung vào áp lực từ Trung Quốc.

Có thể có tranh luận và suy ngẫm về chính sách đối ngoại theo quan điểm cho rằng ông Lại không cam kết củng cố chiến lược tổng thể do người tiền nhiệm đề ra vào năm 2016. Điều này có thể khiến các nhà quan sát nhìn nhận rằng ông Lại dường như ưu tiên quan hệ xuyên eo biển và sự gắn kết quan hệ của Đài Loan với các nền dân chủ trong “một cộng đồng dân chủ” (theo lời ông) hơn là sự can dự có ý nghĩa của Đài Bắc với các đối tác mục tiêu trong NSP.

Hiện nay, ưu tiên của chính quyền Lại nằm ở việc thiết lập một giai đoạn mới cho phiên bản nâng cấp của NSP, với mục tiêu tổng thể là tăng cường quan hệ với các quốc gia Hướng Nam Mới. Như một phần của sự nâng cấp này, Đài Loan nên thực hiện các biện pháp thực tế, như chia sẻ chuyên môn về ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, thúc đẩy hợp tác cộng sinh trong lĩnh vực bán dẫn, và chia sẻ kho kinh nghiệm phong phú trong việc chống lại thông tin sai lệch. Những sáng kiến đó là các yếu tố cốt lõi trong khả năng lèo lái đất nước của Đài Loan, và bước tiếp theo là đưa chúng về phía Nam.

Hơn nữa, chính phủ của ông Lại nên kết hợp Palau, Quần đảo Marshall và Tuvalu - các đồng minh ngoại giao của Đài Loan - vào chiến lược sửa đổi. Đối với Đài Loan, việc củng cố mối quan hệ thân thiện với ba đồng minh này là rất quan trọng, vì một chiến lược mới cần vừa hiệu quả vừa bao trùm.

So với khi bà Thái nhậm chức cách đây tám năm, ông Lại đang chịu áp lực lớn hơn nhiều trong việc bảo vệ chủ quyền của Đài Loan và củng cố vị thế dân chủ của nó, điều này càng trở nên khó khăn hơn do sức ép của Trung Quốc và sự mong manh địa chính trị qua eo biển. Để đạt được những mục tiêu này, ông Lại cần thực hành “nghệ thuật lèo lái đất nước” (statecraft), tức quá trình đặt ra các mục tiêu thực tế và có thể đạt được, đồng thời huy động các nguồn lực và tài sản sẵn có để đạt được những mục tiêu đó.

Tóm lại, Đài Loan nên áp dụng chiến lược hai mũi nhọn: một là tăng cường quan hệ đa diện với Washington, tập trung vào các mối liên kết cá nhân; và hai là thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa với các quốc gia trong NSP thông qua việc chia sẻ kiến thức tiên tiến và kinh nghiệm thực tế.

*Ghi chú của VSF: Phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên Global Taiwan Institute với tiêu đề “Statecraft as Problem-Solving: Taiwan Needs Practical Policies, Not Merely Aspirational Rhetoric”. Bài viết này do đội ngũ VSF dịch với sự chấp thuận của tác giả.

Từ khoá: Đài Loan Lại Thanh Đức Đảng Dân tiến nghệ thuật lèo lái đất nước

BÀI LIÊN QUAN