Chính trị - Ngoại giao   08/05/2024

Thách thức nào chờ đợi tân Thủ tướng Singapore Hoàng Tuần Tài?

Tân Thủ tướng Hoàng Tuần Tài sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 15/5, trở thành nhà lãnh đạo thứ tư trong lịch sử Singapore. Chặng đường phía trước còn nhiều thách thức và cùng chờ xem ông sẽ “chèo lái” đất nước như thế nào.

Image
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) bắt tay tân Thủ tướng Hoàng Tuần Tài (khi ấy còn là Phó Thủ tướng). - (C): The Straits Times

Sau hơn 20 năm lãnh đạo Singapore (2003-2024), Thủ tướng Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) - hôm 15/4 - tuyên bố sẽ bàn giao quyền lực cho người kế nhiệm là ông Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong) vào ngày 15/5 sắp tới. Như vậy, ông Hoàng sẽ trở thành thủ tướng thứ tư, còn được gọi là lãnh đạo của thế hệ thứ tư (the leader of the 4G team) của Đảng Hành động Nhân dân (People's Action Party - PAP) nói riêng và của Singapore nói chung. Ông Hoàng cũng sẽ là thủ tướng thứ hai của đất nước này (sau cựu Thủ tướng Ngô Tác Đống - Goh Chok Tong) nằm ngoài gia tộc họ Lý. 

Trước khi chính thức nhậm chức thủ tướng, ông Hoàng - trong năm 2021 - đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính để thay thế ông Vương Thụy Kiệt (Heng Swee Keat). Ông Vương từng là lựa chọn ban đầu cho vị trí kế nhiệm ông Lý Hiển Long, tuy nhiên ông đã tự rút lui vào tháng 4/2021 với mong muốn Singapore có một thế hệ lãnh đạo trẻ tuổi hơn. Đến tháng 6/2022, ông Hoàng được bầu để kiêm nhiệm thêm chức Phó Thủ tướng; đây là bước tập sự để ông trở thành Thủ tướng chính thức trong tương lai. Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng Lý - vào tháng 4/2022 - công bố sẽ bổ nhiệm ông Hoàng trở thành người kế nhiệm.    

Nhiều thách thức chờ đón tân thủ tướng 

Ông Hoàng Tuần Tài - với nhiều thành tựu nổi bật - kế nhiệm vị trí Thủ tướng với những điều kiện khá thuận lợi. Năm 2020, ông được giao nhiệm vụ đồng chủ trì lực lượng đặc nhiệm chống dịch COVID-19 của Singapore, cùng với Bộ trưởng Y tế khi đó là Gan Kim Yong. Ở vị trí này, ông Hoàng đã ghi dấu ấn về công tác ứng phó đại dịch của đất nước, thường xuyên đại diện đưa ra các thông báo quan trọng. Ông cũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí khác như Bộ trưởng Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên (2014-2015), Bộ trưởng Phát triển Quốc gia (2015-2020), Bộ trưởng Giáo dục (2020-2021), là tiền đề giúp tân thủ tướng hiểu biết sâu sắc hơn về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội Singapore, cũng như nhiều vấn đề trong nước và khu vực mà quốc gia này cần quan tâm. Ngoài ra, ông cũng nhận được sự tin tưởng từ người tiền nhiệm. Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng ông Hoàng và nhóm 4G đã “làm việc chăm chỉ để lấy được lòng tin của người dân, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch”. Trong khi đó, ông Vương Thụy Kiệt nhận xét tân thủ tướng là “người mà ông tôn trọng và ngưỡng mộ”. 

Mặc dù vậy, ông Hoàng vẫn phải nỗ lực nhiều để đưa Singapore vượt qua những thách thức cả về đối nội lẫn đối ngoại. Ở trong nước, mặc dù PAP vẫn là lực lượng nắm quyền kể từ khi lập quốc đến nay, nhưng các nhóm đối lập cũng ngày càng hoạt động có tổ chức và thu hút được sự ủng hộ lớn hơn từ quần chúng. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020, PAP giành chiến thắng áp đảo với tỷ lệ 61,24% số phiếu phổ thông, từ đó mang lại cho đảng này 83/93 ghế trong Quốc hội. Tuy nhiên, khi so sánh với cuộc bầu cử trước đó vào năm 2015, số phiếu phổ thông mà PAP giành được đã giảm gần 9 điểm phần trăm (từ mức 69,9%). 

Trong thời gian qua, nội bộ PAP cũng xuất hiện những sự việc tiêu cực, ảnh hưởng đến hình ảnh trong sạch vốn có của đảng. Cụ thể, vào tháng 7/2023, Cục Điều tra Hành vi Tham nhũng (Corrupt Practices Investigation Bureau - CPIB) thông báo rằng Bộ trưởng Giao thông Vận tải Subramaniam Iswaran đang bị điều tra về các hành vi tham nhũng. Ông Iswaran buộc phải từ chức vào tháng 1/2024, và cho đến nay đang phải đối mặt tổng cộng 35 cáo buộc, tất cả đều liên quan đến các giao dịch bất chính với ông trùm bất động sản Ong Beng Seng và ông Lum Kok Seng (Giám đốc điều hành công ty xây dựng Lum Chang Holdings). Cũng trong tháng 7/2023, hai thành viên PAP trong Quốc hội bất ngờ từ chức vì vướng bê bối ngoại tình, trong đó có Chủ tịch quốc hội Tan Chuan-Jin.   

Trước đó, vào tháng 5/2023, phe đối lập đưa ra nghi vấn về việc liệu Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan cùng Bộ trưởng Nội vụ và Luật pháp Kasiviswanathan Shanmugam có thuê những ngôi nhà gỗ một tầng thuộc sở hữu nhà nước trên đường Ridout với giá thấp hơn giá thị trường hay không. Tuy vậy, CPIB - vào tháng 6 - khẳng định không có dấu hiệu bất thường hoặc hành vi lạm dụng quyền hạn nào từ hai quan chức trên.   

Với hàng loạt bê bối và các cáo buộc kể trên, đây là cơ hội để các nhóm đối lập tận dụng nhằm giành được nhiều ghế hơn trong cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2025 (chưa ấn định thời gian cụ thể nhưng không trễ hơn ngày 23/11), từ đó giúp những lực lượng này có nhiều quyền hạn hơn trong Quốc hội để giám sát và chỉ trích PAP. Điều này đòi hỏi tân thủ tướng không chỉ cần lấy lại uy tín của đảng, mà phải giải quyết nhiều vấn đề xã hội khác nhằm thu hút cử tri.   

Trước tiên, ông Hoàng cần thuyết phục người dân Singapore chấp nhận sinh con nhiều hơn. Theo thông báo của Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Indranee Rajah vào tháng 2 vừa qua, tổng tỷ suất sinh (total fertility rate - TFR) của người dân Singapore lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống mức dưới 1, cụ thể là 0,97. Một trong những nguyên nhân khiến chỉ số TFR giảm sút là vì người dân ngày càng ngại lập gia đình. Theo kết quả khảo sát công bố vào tháng 1/2024 của Viện Nghiên cứu Chính sách (Institute of Policy Studies), một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Singapore, cứ 10 thanh niên trong độ tuổi từ 21 đến 34 thì có đến 7 người cảm thấy không cần thiết phải kết hôn. Đây là thách thức lớn đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế ổn định của Singapore, vì đất nước này là một quốc đảo nhỏ bé, thiếu tài nguyên thiên nhiên, do đó nguồn nhân lực chính là động lực vô cùng quan trọng để đưa đất nước phát triển. 

Một thách thức khác mà tân thủ tướng sẽ phải đối mặt là giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt tăng cao. Theo Cơ quan Tiền tệ Singapore (Monetary Authority of Singapore - MAS), lạm phát cơ bản (trừ một số mặt hàng dễ biến động giá như lương thực và năng lượng) trong quý I vừa qua vẫn ở mức cao (3,3%), nhiều khả năng chỉ giảm rõ rệt kể từ quý IV năm nay. MAS dự báo mức lạm phát trong cả năm 2024 sẽ dao động từ 2,5-3,5%. Theo một khảo sát của Bloomberg vào giữa tháng 4, có chín trong số 12 người tham gia trả lời cho biết chi phí sinh hoạt vẫn là mối quan tâm hàng đầu đối với người dân Singapore trong bối cảnh lạm phát tăng cao.      

Ngoài ra, vấn nạn rửa tiền cũng là một khía cạnh mà chính phủ mới cần lưu tâm và giải quyết triệt để. Vào tháng 8/2023, cảnh sát đã bắt giữ 10 người mang hộ chiếu Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Campuchia và một số quốc gia khác có liên quan đến vụ rửa tiền lớn nhất lịch sử Singapore. Nhà chức trách đã tịch thu hoặc phong tỏa tài sản với tổng giá trị hơn 3 tỷ SGD (đơn vị tiền tệ của đảo quốc sư tử).

Về đối ngoại, duy trì cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc là một trong những đòi hỏi mà ông Hoàng phải lưu ý. Vào tháng 4/2023, Trung Quốc và Singapore quyết định nâng cấp quan hệ từ Đối tác Hợp tác Toàn diện Tiến bộ theo Thời đại (All-Round Cooperative Partnership Progressing with the Times) trở thành Đối tác Toàn diện Định hướng Chất lượng Cao trong Tương lai (All-Round High-Quality Future-Oriented Partnership). Ý nghĩa của việc nâng cấp này là nhằm củng cố và mở rộng quan hệ song phương, đồng thời chú trọng các lĩnh vực hướng tới tương lai như kinh tế xanh và kỹ thuật số. 

Trong khi đó, Mỹ là đối tác quan trọng với Singapore về lĩnh vực an ninh kể từ cuối thập niên 70 cho đến nay. Nội dung hợp tác đáng chú ý nhất giữa hai nước trong thời gian gần đây là chính phủ Mỹ - vào năm 2020 - chấp nhận bán tiêm kích thế hệ thứ năm F-35B cho Singapore. Đây là quốc gia Đông Nam Á duy nhất nhận được sự đồng ý của Washington, trong khi Thái Lan cũng từng đề nghị nhưng không thành công. Cũng vào năm đó, đảo quốc sư tử quyết định duyệt mua trước bốn chiếc F-35B (dự kiến bàn giao năm 2026), đến năm 2023 mua thêm tám chiếc (dự kiến bàn giao năm 2028), và vào tháng 2 năm nay lên kế hoạch bổ sung thêm tám chiếc nữa (đang chờ Quốc hội phê duyệt ngân sách, nếu thuận lợi có thể bàn giao khoảng năm 2030). Như vậy, Singapore có thể sẽ sở hữu tổng cộng 20 tiêm kích F-35B trong tương lai. 

Ưu điểm vượt trội của F-35B là có khả năng cất cánh ở khoảng cách ngắn hơn so với máy bay chiến đấu thông thường và cũng có thể thực hiện hạ cánh thẳng đứng trên những khu vực có đường băng nhỏ hơn thường lệ, tạo sự linh động cao trong tác chiến. Do đó, việc mua một loạt máy bay F-35B sẽ giúp Singapore sở hữu phi đội máy bay chiến đấu tiên tiến nhất trong khu vực, qua đó củng cố an ninh của quốc gia này trong bối cảnh địa chính trị bất ổn.

Nhìn chung, cách tiếp cận của Singapore trong nhiều năm qua vẫn là cố gắng phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong khi duy trì quan hệ đối tác an ninh chặt chẽ với Mỹ. Kinh nghiệm này sẽ được Thủ tướng Lý Hiển Long truyền lại cho người kế nhiệm Hoàng Tuần Tài.

Song việc duy trì sự cân bằng này không hề đơn giản. Quan hệ Mỹ - Trung đã xấu đi trong nhiều năm qua với nhiều biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau được đưa ra. Sự cạnh tranh gay gắt đó tạo áp lực “chọn phe” lên hầu hết các quốc gia trong khu vực, và Singapore không phải ngoại lệ. Tình hình có thể trở nên khó khăn hơn nếu cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11 tới, vì nhiều khả năng ông sẽ thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trên hết” (America First) đã triển khai trong nhiệm kỳ trước (2017-2021), và qua đó làm trầm trọng hơn cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. 

Không chỉ đối diện với thử thách trong việc cân bằng quan hệ giữa Singapore với hai siêu cường, ông Hoàng cũng phải giải quyết sự cạnh tranh gay gắt của các nước láng giềng trong cuộc chạy đua trở thành các trung tâm khu vực. Ngân sách tài khóa năm 2024 của Malaysia đã đưa ra những ưu đãi thuế liên quan đến “Trung tâm Dịch vụ Toàn cầu” (Global Services Hub) với hy vọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đặt trụ sở đại diện khu vực tại quốc gia này. Cụ thể, Kuala Lumpur đưa ra mức thuế suất thuế thu nhập ưu đãi chỉ từ 5-10% trong thời gian lên tới 10 năm. Cùng với đó, Thái Lan cũng đang nỗ lực thu hút các công ty đa quốc gia chọn đặt trụ sở khu vực tại nước này. 

Như vậy, ông Hoàng Tuần Tài sẽ bước vào nhiệm kỳ thủ tướng sắp tới bằng việc phải củng cố uy tín của đảng và thu hút niềm tin từ cử tri thông qua giải quyết các bê bối nội bộ, thách thức kinh tế cho đến vấn đề sinh kế cho người dân. Ngoài ra, tân thủ tướng cũng cần tiếp tục lèo lái Singapore theo đường hướng cân bằng trong tam giác Mỹ - Singapore - Trung Quốc, đồng thời đưa đất nước tiếp tục vươn lên trong bối cảnh nhiều thách thức như chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước láng giềng, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động khó lường.  

Tân thủ tướng Singapore sẽ giải quyết thách thức ra sao? 

Khi chính thức nhậm chức, tân Thủ tướng Hoàng Tuần Tài dự kiến sẽ kế thừa cách tiếp cận của các nhà lãnh đạo trước đây nhằm tiếp tục phát triển Singapore như một trung tâm tài chính, thương mại và công nghệ cao trong khu vực, đồng thời tăng cường các chương trình hỗ trợ xã hội. Điều này được thể hiện trong bài phát biểu của ông Hoàng về ngân sách chính phủ trước Quốc hội vào tháng 2/2024. Theo đó, ông Hoàng cho biết chính phủ sẽ đầu tư tổng cộng hơn 11 tỷ SGD vào nghiên cứu và phát triển, trí tuệ nhân tạo, lĩnh vực tài chính và năng lượng sạch. Theo ông, những khoản đầu tư sẽ giúp phát triển nền kinh tế Singapore, là điều kiện tiên quyết để tạo ra việc làm tốt hơn và nâng cao mức sống cho người dân. 

Cùng với đó, tân thủ tướng sẽ thực thi chương trình hành động “Forward Singapore” mà ông cùng với nhóm lãnh đạo 4G đã đề xuất vào tháng 6/2022. Đây là một chương trình hành động nhằm hướng tới kiện toàn “khế ước xã hội” của Singapore và xây dựng “Giấc mơ Singapore” (Singapore Dream), đưa đất nước trở thành một nơi đáng sống hơn cho tất cả người dân. Trong bài phát biểu vào tháng 2, ông Hoàng cho biết chính phủ sẽ phân bổ khoảng 5 tỷ SGD cho các hoạt động thuộc “Forward Singapore” trong năm tài khoá 2024, và tổng cộng gần 40 tỷ SGD cuối thập kỷ này. Tuy nhiên, theo Eugene Tan, giảng viên luật tại Đại học Quản lý Singapore, chương trình “Forward Singapore” là hữu ích nhưng có thể chỉ đạt hiệu quả trong trung hạn, do đó ông kỳ vọng chính phủ mới cần đưa ra thêm những giải pháp ngắn hạn (trong vòng vài tháng tới) để kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình đối phó với chi phí sinh hoạt đang tăng cao.   

Về đối ngoại, ông Hoàng mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng cũng không quá xa lạ với Mỹ và Trung Quốc. Tháng 10/2023, ông đã dẫn đầu phái đoàn Singapore đến Mỹ để nâng cấp quan hệ đối tác công nghệ chiến lược trong các lĩnh vực đáng chú ý như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, cũng như đối thoại về các công nghệ quan trọng và mới nổi. Chỉ hai tháng sau đó, ông đến thăm Trung Quốc để thảo luận về việc tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Việc thực hiện chuyến thăm đến Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần nhau là chỉ dấu cho thấy tân thủ tướng Singapore sẽ tiếp tục chính sách cân bằng quan hệ với hai siêu cường trong nhiệm kỳ của mình. 

Nhìn chung, các thách thức mà tân thủ tướng Singapore phải đối mặt không phải là quá khó khăn, nhưng đòi hỏi ông phải thể hiện được khả năng khéo léo trong việc quản lý chương trình nghị sự trong nước, cũng như chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, điều tương đối khó hiểu là mặc dù tân thủ tướng đã có nhiều thời gian để chuẩn bị cho quá trình chuyển giao, nhưng cho đến nay những chính sách, kế hoạch sẽ triển khai vẫn còn khá mơ hồ, chưa có nhiều thông tin chi tiết được công bố trên các phương tiện truyền thông.

Sau hơn 20 năm lãnh đạo Singapore (2003-2024), Thủ tướng Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) - hôm 15/4 - tuyên bố sẽ bàn giao quyền lực cho người kế nhiệm là ông Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong) vào ngày 15/5 sắp tới. Như vậy, ông Hoàng sẽ trở thành thủ tướng thứ tư, còn được gọi là lãnh đạo của thế hệ thứ tư (the leader of the 4G team) của Đảng Hành động Nhân dân (People's Action Party - PAP) nói riêng và của Singapore nói chung. Ông Hoàng cũng sẽ là thủ tướng thứ hai của đất nước này (sau cựu Thủ tướng Ngô Tác Đống - Goh Chok Tong) nằm ngoài gia tộc họ Lý. 

Trước khi chính thức nhậm chức thủ tướng, ông Hoàng - trong năm 2021 - đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính để thay thế ông Vương Thụy Kiệt (Heng Swee Keat). Ông Vương từng là lựa chọn ban đầu cho vị trí kế nhiệm ông Lý Hiển Long, tuy nhiên ông đã tự rút lui vào tháng 4/2021 với mong muốn Singapore có một thế hệ lãnh đạo trẻ tuổi hơn. Đến tháng 6/2022, ông Hoàng được bầu để kiêm nhiệm thêm chức Phó Thủ tướng; đây là bước tập sự để ông trở thành Thủ tướng chính thức trong tương lai. Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng Lý - vào tháng 4/2022 - công bố sẽ bổ nhiệm ông Hoàng trở thành người kế nhiệm.    

Nhiều thách thức chờ đón tân thủ tướng 

Ông Hoàng Tuần Tài - với nhiều thành tựu nổi bật - kế nhiệm vị trí Thủ tướng với những điều kiện khá thuận lợi. Năm 2020, ông được giao nhiệm vụ đồng chủ trì lực lượng đặc nhiệm chống dịch COVID-19 của Singapore, cùng với Bộ trưởng Y tế khi đó là Gan Kim Yong. Ở vị trí này, ông Hoàng đã ghi dấu ấn về công tác ứng phó đại dịch của đất nước, thường xuyên đại diện đưa ra các thông báo quan trọng. Ông cũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí khác như Bộ trưởng Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên (2014-2015), Bộ trưởng Phát triển Quốc gia (2015-2020), Bộ trưởng Giáo dục (2020-2021), là tiền đề giúp tân thủ tướng hiểu biết sâu sắc hơn về nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội Singapore, cũng như nhiều vấn đề trong nước và khu vực mà quốc gia này cần quan tâm. Ngoài ra, ông cũng nhận được sự tin tưởng từ người tiền nhiệm. Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng ông Hoàng và nhóm 4G đã “làm việc chăm chỉ để lấy được lòng tin của người dân, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch”. Trong khi đó, ông Vương Thụy Kiệt nhận xét tân thủ tướng là “người mà ông tôn trọng và ngưỡng mộ”. 

Mặc dù vậy, ông Hoàng vẫn phải nỗ lực nhiều để đưa Singapore vượt qua những thách thức cả về đối nội lẫn đối ngoại. Ở trong nước, mặc dù PAP vẫn là lực lượng nắm quyền kể từ khi lập quốc đến nay, nhưng các nhóm đối lập cũng ngày càng hoạt động có tổ chức và thu hút được sự ủng hộ lớn hơn từ quần chúng. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020, PAP giành chiến thắng áp đảo với tỷ lệ 61,24% số phiếu phổ thông, từ đó mang lại cho đảng này 83/93 ghế trong Quốc hội. Tuy nhiên, khi so sánh với cuộc bầu cử trước đó vào năm 2015, số phiếu phổ thông mà PAP giành được đã giảm gần 9 điểm phần trăm (từ mức 69,9%). 

Trong thời gian qua, nội bộ PAP cũng xuất hiện những sự việc tiêu cực, ảnh hưởng đến hình ảnh trong sạch vốn có của đảng. Cụ thể, vào tháng 7/2023, Cục Điều tra Hành vi Tham nhũng (Corrupt Practices Investigation Bureau - CPIB) thông báo rằng Bộ trưởng Giao thông Vận tải Subramaniam Iswaran đang bị điều tra về các hành vi tham nhũng. Ông Iswaran buộc phải từ chức vào tháng 1/2024, và cho đến nay đang phải đối mặt tổng cộng 35 cáo buộc, tất cả đều liên quan đến các giao dịch bất chính với ông trùm bất động sản Ong Beng Seng và ông Lum Kok Seng (Giám đốc điều hành công ty xây dựng Lum Chang Holdings). Cũng trong tháng 7/2023, hai thành viên PAP trong Quốc hội bất ngờ từ chức vì vướng bê bối ngoại tình, trong đó có Chủ tịch quốc hội Tan Chuan-Jin.   

Trước đó, vào tháng 5/2023, phe đối lập đưa ra nghi vấn về việc liệu Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan cùng Bộ trưởng Nội vụ và Luật pháp Kasiviswanathan Shanmugam có thuê những ngôi nhà gỗ một tầng thuộc sở hữu nhà nước trên đường Ridout với giá thấp hơn giá thị trường hay không. Tuy vậy, CPIB - vào tháng 6 - khẳng định không có dấu hiệu bất thường hoặc hành vi lạm dụng quyền hạn nào từ hai quan chức trên.   

Với hàng loạt bê bối và các cáo buộc kể trên, đây là cơ hội để các nhóm đối lập tận dụng nhằm giành được nhiều ghế hơn trong cuộc bầu cử tiếp theo vào năm 2025 (chưa ấn định thời gian cụ thể nhưng không trễ hơn ngày 23/11), từ đó giúp những lực lượng này có nhiều quyền hạn hơn trong Quốc hội để giám sát và chỉ trích PAP. Điều này đòi hỏi tân thủ tướng không chỉ cần lấy lại uy tín của đảng, mà phải giải quyết nhiều vấn đề xã hội khác nhằm thu hút cử tri.   

Trước tiên, ông Hoàng cần thuyết phục người dân Singapore chấp nhận sinh con nhiều hơn. Theo thông báo của Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng Indranee Rajah vào tháng 2 vừa qua, tổng tỷ suất sinh (total fertility rate - TFR) của người dân Singapore lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống mức dưới 1, cụ thể là 0,97. Một trong những nguyên nhân khiến chỉ số TFR giảm sút là vì người dân ngày càng ngại lập gia đình. Theo kết quả khảo sát công bố vào tháng 1/2024 của Viện Nghiên cứu Chính sách (Institute of Policy Studies), một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Singapore, cứ 10 thanh niên trong độ tuổi từ 21 đến 34 thì có đến 7 người cảm thấy không cần thiết phải kết hôn. Đây là thách thức lớn đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế ổn định của Singapore, vì đất nước này là một quốc đảo nhỏ bé, thiếu tài nguyên thiên nhiên, do đó nguồn nhân lực chính là động lực vô cùng quan trọng để đưa đất nước phát triển. 

Một thách thức khác mà tân thủ tướng sẽ phải đối mặt là giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt tăng cao. Theo Cơ quan Tiền tệ Singapore (Monetary Authority of Singapore - MAS), lạm phát cơ bản (trừ một số mặt hàng dễ biến động giá như lương thực và năng lượng) trong quý I vừa qua vẫn ở mức cao (3,3%), nhiều khả năng chỉ giảm rõ rệt kể từ quý IV năm nay. MAS dự báo mức lạm phát trong cả năm 2024 sẽ dao động từ 2,5-3,5%. Theo một khảo sát của Bloomberg vào giữa tháng 4, có chín trong số 12 người tham gia trả lời cho biết chi phí sinh hoạt vẫn là mối quan tâm hàng đầu đối với người dân Singapore trong bối cảnh lạm phát tăng cao.      

Ngoài ra, vấn nạn rửa tiền cũng là một khía cạnh mà chính phủ mới cần lưu tâm và giải quyết triệt để. Vào tháng 8/2023, cảnh sát đã bắt giữ 10 người mang hộ chiếu Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Campuchia và một số quốc gia khác có liên quan đến vụ rửa tiền lớn nhất lịch sử Singapore. Nhà chức trách đã tịch thu hoặc phong tỏa tài sản với tổng giá trị hơn 3 tỷ SGD (đơn vị tiền tệ của đảo quốc sư tử).

Về đối ngoại, duy trì cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc là một trong những đòi hỏi mà ông Hoàng phải lưu ý. Vào tháng 4/2023, Trung Quốc và Singapore quyết định nâng cấp quan hệ từ Đối tác Hợp tác Toàn diện Tiến bộ theo Thời đại (All-Round Cooperative Partnership Progressing with the Times) trở thành Đối tác Toàn diện Định hướng Chất lượng Cao trong Tương lai (All-Round High-Quality Future-Oriented Partnership). Ý nghĩa của việc nâng cấp này là nhằm củng cố và mở rộng quan hệ song phương, đồng thời chú trọng các lĩnh vực hướng tới tương lai như kinh tế xanh và kỹ thuật số. 

Trong khi đó, Mỹ là đối tác quan trọng với Singapore về lĩnh vực an ninh kể từ cuối thập niên 70 cho đến nay. Nội dung hợp tác đáng chú ý nhất giữa hai nước trong thời gian gần đây là chính phủ Mỹ - vào năm 2020 - chấp nhận bán tiêm kích thế hệ thứ năm F-35B cho Singapore. Đây là quốc gia Đông Nam Á duy nhất nhận được sự đồng ý của Washington, trong khi Thái Lan cũng từng đề nghị nhưng không thành công. Cũng vào năm đó, đảo quốc sư tử quyết định duyệt mua trước bốn chiếc F-35B (dự kiến bàn giao năm 2026), đến năm 2023 mua thêm tám chiếc (dự kiến bàn giao năm 2028), và vào tháng 2 năm nay lên kế hoạch bổ sung thêm tám chiếc nữa (đang chờ Quốc hội phê duyệt ngân sách, nếu thuận lợi có thể bàn giao khoảng năm 2030). Như vậy, Singapore có thể sẽ sở hữu tổng cộng 20 tiêm kích F-35B trong tương lai. 

Ưu điểm vượt trội của F-35B là có khả năng cất cánh ở khoảng cách ngắn hơn so với máy bay chiến đấu thông thường và cũng có thể thực hiện hạ cánh thẳng đứng trên những khu vực có đường băng nhỏ hơn thường lệ, tạo sự linh động cao trong tác chiến. Do đó, việc mua một loạt máy bay F-35B sẽ giúp Singapore sở hữu phi đội máy bay chiến đấu tiên tiến nhất trong khu vực, qua đó củng cố an ninh của quốc gia này trong bối cảnh địa chính trị bất ổn.

Nhìn chung, cách tiếp cận của Singapore trong nhiều năm qua vẫn là cố gắng phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong khi duy trì quan hệ đối tác an ninh chặt chẽ với Mỹ. Kinh nghiệm này sẽ được Thủ tướng Lý Hiển Long truyền lại cho người kế nhiệm Hoàng Tuần Tài.

Song việc duy trì sự cân bằng này không hề đơn giản. Quan hệ Mỹ - Trung đã xấu đi trong nhiều năm qua với nhiều biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau được đưa ra. Sự cạnh tranh gay gắt đó tạo áp lực “chọn phe” lên hầu hết các quốc gia trong khu vực, và Singapore không phải ngoại lệ. Tình hình có thể trở nên khó khăn hơn nếu cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử vào tháng 11 tới, vì nhiều khả năng ông sẽ thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trên hết” (America First) đã triển khai trong nhiệm kỳ trước (2017-2021), và qua đó làm trầm trọng hơn cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. 

Không chỉ đối diện với thử thách trong việc cân bằng quan hệ giữa Singapore với hai siêu cường, ông Hoàng cũng phải giải quyết sự cạnh tranh gay gắt của các nước láng giềng trong cuộc chạy đua trở thành các trung tâm khu vực. Ngân sách tài khóa năm 2024 của Malaysia đã đưa ra những ưu đãi thuế liên quan đến “Trung tâm Dịch vụ Toàn cầu” (Global Services Hub) với hy vọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đặt trụ sở đại diện khu vực tại quốc gia này. Cụ thể, Kuala Lumpur đưa ra mức thuế suất thuế thu nhập ưu đãi chỉ từ 5-10% trong thời gian lên tới 10 năm. Cùng với đó, Thái Lan cũng đang nỗ lực thu hút các công ty đa quốc gia chọn đặt trụ sở khu vực tại nước này. 

Như vậy, ông Hoàng Tuần Tài sẽ bước vào nhiệm kỳ thủ tướng sắp tới bằng việc phải củng cố uy tín của đảng và thu hút niềm tin từ cử tri thông qua giải quyết các bê bối nội bộ, thách thức kinh tế cho đến vấn đề sinh kế cho người dân. Ngoài ra, tân thủ tướng cũng cần tiếp tục lèo lái Singapore theo đường hướng cân bằng trong tam giác Mỹ - Singapore - Trung Quốc, đồng thời đưa đất nước tiếp tục vươn lên trong bối cảnh nhiều thách thức như chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước láng giềng, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động khó lường.  

Tân thủ tướng Singapore sẽ giải quyết thách thức ra sao? 

Khi chính thức nhậm chức, tân Thủ tướng Hoàng Tuần Tài dự kiến sẽ kế thừa cách tiếp cận của các nhà lãnh đạo trước đây nhằm tiếp tục phát triển Singapore như một trung tâm tài chính, thương mại và công nghệ cao trong khu vực, đồng thời tăng cường các chương trình hỗ trợ xã hội. Điều này được thể hiện trong bài phát biểu của ông Hoàng về ngân sách chính phủ trước Quốc hội vào tháng 2/2024. Theo đó, ông Hoàng cho biết chính phủ sẽ đầu tư tổng cộng hơn 11 tỷ SGD vào nghiên cứu và phát triển, trí tuệ nhân tạo, lĩnh vực tài chính và năng lượng sạch. Theo ông, những khoản đầu tư sẽ giúp phát triển nền kinh tế Singapore, là điều kiện tiên quyết để tạo ra việc làm tốt hơn và nâng cao mức sống cho người dân. 

Cùng với đó, tân thủ tướng sẽ thực thi chương trình hành động “Forward Singapore” mà ông cùng với nhóm lãnh đạo 4G đã đề xuất vào tháng 6/2022. Đây là một chương trình hành động nhằm hướng tới kiện toàn “khế ước xã hội” của Singapore và xây dựng “Giấc mơ Singapore” (Singapore Dream), đưa đất nước trở thành một nơi đáng sống hơn cho tất cả người dân. Trong bài phát biểu vào tháng 2, ông Hoàng cho biết chính phủ sẽ phân bổ khoảng 5 tỷ SGD cho các hoạt động thuộc “Forward Singapore” trong năm tài khoá 2024, và tổng cộng gần 40 tỷ SGD cuối thập kỷ này. Tuy nhiên, theo Eugene Tan, giảng viên luật tại Đại học Quản lý Singapore, chương trình “Forward Singapore” là hữu ích nhưng có thể chỉ đạt hiệu quả trong trung hạn, do đó ông kỳ vọng chính phủ mới cần đưa ra thêm những giải pháp ngắn hạn (trong vòng vài tháng tới) để kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình đối phó với chi phí sinh hoạt đang tăng cao.   

Về đối ngoại, ông Hoàng mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng cũng không quá xa lạ với Mỹ và Trung Quốc. Tháng 10/2023, ông đã dẫn đầu phái đoàn Singapore đến Mỹ để nâng cấp quan hệ đối tác công nghệ chiến lược trong các lĩnh vực đáng chú ý như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, cũng như đối thoại về các công nghệ quan trọng và mới nổi. Chỉ hai tháng sau đó, ông đến thăm Trung Quốc để thảo luận về việc tăng cường hơn nữa quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Việc thực hiện chuyến thăm đến Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần nhau là chỉ dấu cho thấy tân thủ tướng Singapore sẽ tiếp tục chính sách cân bằng quan hệ với hai siêu cường trong nhiệm kỳ của mình. 

Nhìn chung, các thách thức mà tân thủ tướng Singapore phải đối mặt không phải là quá khó khăn, nhưng đòi hỏi ông phải thể hiện được khả năng khéo léo trong việc quản lý chương trình nghị sự trong nước, cũng như chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, điều tương đối khó hiểu là mặc dù tân thủ tướng đã có nhiều thời gian để chuẩn bị cho quá trình chuyển giao, nhưng cho đến nay những chính sách, kế hoạch sẽ triển khai vẫn còn khá mơ hồ, chưa có nhiều thông tin chi tiết được công bố trên các phương tiện truyền thông.

Từ khoá: Singapore Hoàng Tuần Tài Thủ tướng Singapore Đông Nam Á

BÀI LIÊN QUAN